Nguyễn Nhân Trí
Lời người Viết: Phần I và Phần II của bài SỰ CHẾT – và VÀI ĐỀ TÀI LÂN CẬN là Tiểu Luận 1, SỰ MƠ HỒ CỦA BIÊN GIỚI GIỮA “SỐNG” VÀ “CHẾT”, khảo sát những gì được xem là sự “sống” và “chết” xảy ra đến thân xác vật chất của con người, và mọi sinh vật khác.
Ở đây, Tiểu Luận 2 SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT? đề cập đến vài hiện tượng thường được gọi là “siêu nhiên”. Tiểu luận nầy bao gồm các đề tài sau:
– Giấc mơ muôn đời của nhân loại.
– Hệ thống thứ hai
– Hào Quang
– Giác quan ngoại thể
– Xuất hồn lúc sắp chết (Near death experience)
– Xuất hồn
– Linh hồn là một cá thể độc lập và trường cửu?
– Phụ Chú: vài lời sơ lược về phương cách kiểm chứng khoa học.
Những dữ kiện trình bày về đề tài “siêu nhiên” ở đây không phải là những câu giải đáp quả quyết về các hiện tượng nầy. Chủ ý của chúng chỉ là dựa trên nền tảng khoa học để xây dựng một môi trường dẫn đến những câu hỏi chính đáng về các hiện tượng trên.
Trong lãnh vực siêu nhiên, đa số người ta có khuynh hướng sẵn sàng đón nhận bất cứ cách giải thích nào đưa đến họ, nhất là những giải thích càng huyền bí thì càng dễ được yêu chuộng. Một số ít người khác, trong đó có tôi, lại cảm thấy cần thiết để cố gắng tìm hiểu và tìm kiếm một phương cách nào đó để giải thích, hay ít ra là “hòa giải”, giữa kiến thức khoa học và những niềm tin tâm linh.
Đối với tôi, hiện tượng siêu nhiên chỉ là những hiện tượng chưa được kiểm chứng và giải thích rõ ràng bởi khoa học. Một ngày nào đó khi sự hiểu biết và kỹ thuật con người tiến triển đủ thì nhiều hiện tượng được coi là siêu nhiên ngày nay sẽ trở thành kiến thức phổ thông. (Cách đây không lâu những người bị các chứng bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cãm, v.v. đã từng bị xem là bị ma hành, quỷ ám.)
Một số những gì trình bày ở đây chỉ là một cuộc hành trình đi dọc theo vùng ranh giới giữa những hiểu biết đã được và chưa được chính thức công nhận bởi khoa học. Và chúng chỉ là những cách nhìn khác với cách nhìn quen thuộc dựa trên phong tục tín ngưỡng thường ngày.
TIỂU LUẬN 2: SỰ SỐNG SAU KHI CHẾT?
Để làm rõ phần nào ý nghĩa những danh từ dùng trong loạt bài kế tiếp, dưới đây là danh sách một vài từ Việt và Anh mà tôi cho là đồng nghĩa.
Tri thức = Consciousness
Tâm thức = Mind
Cá tính = Personality
Linh hồn = Soul
Thần thể = Spirit
Cá thể = Entity
Sinh thể, vật thể = Organism,
Giấc Mơ Muôn Đời của Nhân Loại
Khảo cổ học tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy giống người tiền sử Neanderthal (một chủng loại tương cận với giống người hiện đại của chúng ta trong quá trình tiến hóa, sống khoảng 60 ngàn năm trước Công Nguyên và nay đã diệt chủng) cũng đã từng có những lễ nghi mai táng đồng loại của họ. Điều nầy cho thấy rất có thể họ cũng đã có ý tưởng về một sự sống sau khi chết.
Hầu như mọi nền văn hóa cổ của nhân loại đều có những tôn giáo được xây dựng chung quanh một hình thức “sự sống sau khi chết” nào đó. Đây là khái niệm cho rằng sau khi xác thịt đã tiêu hủy thì linh hồn – hoặc tri thức – của mỗi người vẫn còn tồn tại hoặc dưới dạng thần thể từng cá nhân hoặc là một phần của một tri thức đại thể. Có những tín ngưỡng cho rằng linh hồn của tổ tiên vẫn còn cư ngụ ở nơi họ đã từng sống, có tín ngưỡng cho rằng linh hồn sẽ thăng hoa về thế giới của người chết, hoặc có thể tái sinh, mặc dù không cần thiết phải là trở lại dưới dạng con người. Vô số tôn giáo dựa vào các tín ngưỡng tương tự như trên đã được thành hình từ khi các nền văn minh xưa cũ nhất trên thế giới vừa mới phát triển.
Có lý thuyết cho rằng khuynh hướng mong mỏi một đời sống sau sự chết, và sáng tạo ra một viễn ảnh về nó, đã nằm trong chất liệu di truyền của con người. Đây là giấc mơ muôn đời của nhân loại. Có người cho rằng đây chỉ là do ảnh hưởng văn hóa, xã hội, tín ngưỡng. Dù gì đi nữa thì câu hỏi “có sự sống sau khi chết hay không” có lẽ sẽ luôn luôn khó trả lời một cách chắc chắn. Thí dụ, có một hiện tượng được ghi nhận khá thông thường gọi là “near death experience” (“trải nghiệm lúc sắp chết”). Đây là khi một người trong trạng thái hôn mê (thí dụ như lúc vừa bị tai nạn hay đang nằm trên bàn mỗ, v.v.) nhưng có thể “thấy” như họ “xuất hồn” tách lìa ra khỏi thân thể và quan sát được những gì đang xảy ra chung quanh một thời gian ngắn trước khi “trở về” thân thể họ và tỉnh lại.
Nhiều người cho rằng hiện tượng nầy là bằng chứng cho thấy sự hiện hữu của linh hồn, và do đó sự sống sau khi chết. Nhiều khoa học gia sau khi điều tra hàng ngàn trường hợp hồi sinh sau khi chết vẫn chưa thể hoàn toàn tuyệt đối đồng ý hay phủ nhận quan điểm trên.
Câu hỏi “có sự sống sau khi chết hay không” rất phức tạp vì nó tùy thuộc một phần vào nhiều câu hỏi khác thí dụ như: Sự sống thật sự là gì? Linh hồn là gì? Tri thức là một quá trình sinh hóa, hay nó cần có một linh hồn hay một thần thể riêng biệt cư ngụ trong một thân xác vật chất để hiện hữu? v.v.
Trong Phần I và II tôi đã nói về vài khía cạnh của câu hỏi "Sự sống, và sự chết, thật sự là gì?" Trong Phần III ở đây và Phần IV sắp tới tôi sẽ đề cập đến vài sự kiện liên quan đến "thần thể phi vật chất","tri thức", "linh hồn", "sự sống vĩnh cửu", v.v
Hệ Thống Thứ Hai
Chúng ta có thể dùng kiến thức khoa học ngày nay về chức năng của tế bào, về hệ thần kinh, về tính xúc tác của enzyme, về điện từ trong não bộ, v.v. và v.v. để giải thích được quy tắc vận hành vật chất của cơ thể một con người. Tuy vậy, có nhiều hiện tượng có vẻ như cho thấy ngoài phần cơ thể vật chất thì mỗi người dường như còn có một hệ thống vận hành thứ hai nữa.
Hệ thống thứ hai nầy, theo định nghĩa, phi vật chất. Nhiều người cho rằng những hiện tượng và khả năng được cho là “siêu nhiên” của con người (thí dụ như xuất hồn, thần nhãn, thần giao cách cảm,v.v.) đều có thể giải thích được nếu dùng khái niệm hệ thống thứ hai trên. Để phân biệt với phần hệ thống cơ thể vật chất, có người gọi hệ thống thứ hai nầy là phần thần thể phi vật chất.
Vấn đề là không ai có thể xác định rõ ràng (theo phương pháp khoa học có kiểm chứng bởi thực nghiệm) hệ thống thứ hai nầy có thật sự hiện hữu không, và nếu có thì nó là gì. Nhiều người gọi nó là “thần thể”, hay “linh hồn”.
Các môn phái thần học hay tôn giáo tín ngưỡng khác nhau đều có những định nghĩa khác nhau đôi chút về thần thể hay linh hồn là gì. Điểm tương đồng rõ rệt nhất của mọi tôn giáo là linh hồn hiện hữu song song “bên trong” thân thể một người khi họ còn sống và tiếp tục hiện hữu mãi mãi “bên ngoài” cơ thể vật chất sau khi chết. Có những môn phái thần học và tín ngưỡng (thí dụ như nhiều tôn giáo Á Đông như Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, v.v.) cho rằng thú vật cũng có thần thể hay linh hồn. Có những tôn giáo (thí dụ như Thiên Chúa Giáo) cho rằng chỉ có con người mới có linh hồn.
Thay vì định nghĩa thần thể hay linh hồn một cách trực tiếp, ở đây trước hết chúng ta hãy quan sát một vài hiện tượng trong thiên nhiên có thể và có vẻ như liên quan đến vấn đề nầy.
Hào Quang
Trong nhiều kinh sách có các bức tranh vẽ những thần, thánh, Phật, Chúa, v.v. với hào quang chung quanh đầu họ.
Những kinh sách cổ Ấn Độ về hệ thống các “điểm chứa thần khí” hay “tụ điểm nhân điện” (chakra) trong cơ thể con người có nói về dạng hào quang nầy và cho rằng nó liên quan mật thiết đến linh hồn. Các thiền phái Ấn Độ cho rằng hào quang nầy phát xuất từ nguồn “sinh khí” bao trùm và cần thiết cho tất cả mọi sinh vật mà họ gọi là Prana, nó chính là một phần của thần thể của người đó. Theo họ thì một người càng mạnh khỏe, nhất là về mặt tâm linh, thì hào quang của họ càng tỏa ra rộng lớn và sáng chói. Nhiều phái thần học cho rằng hào quang (hay “trường nhân điện”) của mỗi người thể hiện tình trạng sức khỏe vật chất lẫn tâm linh cũng như những cảm tính, tình cảm, ước vọng, lo âu, v.v. sâu kín nhất của họ. Đường “sinh khí” và những điểm chứa thần khí trong thiền môn Ấn Độ hầu như trùng hợp với các huyệt đạo trong ngành châm cứu của Trung Hoa, Nhật Bản và Đại Hàn.
Trong nhiều thí nghiệm từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thập niên 1970, người ta đã có thể chụp ảnh được một dạng “hào quang” chung quanh thân thể con người. Những hào quang nầy ôm theo thân thể, hình vóc của mỗi người và có nhiều màu sắc, kích thước khác nhau tùy theo mỗi cá nhân. Dạng hào quang nầy cũng hiện diện chung quanh thân thể các sinh vật khác. Người ta cũng có thể chụp ảnh được hào quang chung quanh những con thú và thực vật.
Người ta cho thấy các hào quang trên là một dạng điện từ trường. Các dụng cụ chụp được hào quang nói trên có khả năng ghi nhận các điện từ trường cực nhỏ. Mỗi tế bào trong mọi sinh vật được cấu tạo bởi vô số những phân tử và nguyên tử; thành phần chính của những phân tử, nguyên tử nầy là hạt điện tử, proton, neutron, v.v. có mang điện. Tổng hợp tất cả cường độ điện của chúng tạo nên một điện trường nhỏ giao động rất nhanh không ngừng trong mỗi tế bào. Sự giao động của điện trường sinh ra từ trường. Những người làm thí nghiệm nầy cho rằng cách cấu tạo và vận hành của các tế bào trong cơ thể một sinh vật gây nên một điện từ trường xung quanh nó. Hầu như mọi sinh vật đều có thể có hào quang.
Khi chụp ảnh và quan sát hào quang của một chiếc lá, người ta thấy rằng hình dạng và màu sắc hào quang nầy thay đổi nhiều lần trong thời gian chiếc lá còn sống trên cây. Hào quang của một chiếc lá đã bị ngắt rời ra sẽ phai nhạt dần dần khi chiếc lá héo đi rồi biến mất sau khi chiếc lá chết hẳn. Nhiều người cho rằng các thí nghiệm trên là bằng chứng khoa học cho thấy sự hiện hữu của một trường năng lượng (energy field) hay trường sinh lực (life force) nằm trong mỗi chiếc lá, và tương tự trong mọi sinh vật kể cả con người.
Có một thí nghiệm tường trình rằng nếu cắt bỏ đi một mảnh của chiếc lá rồi chụp ảnh lập tức thì hào quang của nó vẫn còn giữ nguyên vẹn hình dạng chiếc lá ấy. Phần hào quang nơi mảnh lá bị cắt mất vẫn có đầy đủ từng đường gân, từng sớ chỉ của nó tuy nhiên với cường độ sáng mờ hơn phần chiếc lá còn lại. Các chuyên gia thí nghiệm trên cho rằng phần hào quang “ma” trên cho thấy trường sinh lực nằm trong chiếc lá vẫn có thể hiện hữu tuy thân thể vật chất của nó đã bị mất đi.
Nhiều người bị cụt chân tay thỉnh thoảng có cảm tưởng như phần chân tay đã cụt của mình vẫn còn ở đó. Có người còn có khi bị ngứa hay đau trên phần chân tay đã mất. Có những người giải thích rằng đây là vì phần trường năng lượng (hoặc “sinh khí”, “sinh lực”, “thần khí”, “nhân điện”, v.v.) của phần chân tay bị cụt vẫn còn đó.
Cho đến đây, chúng ta có thể nghĩ rằng những gì tường thuật trong các thí nghiệm trên có vẻ như là bằng chứng khoa học giải thích được phần nào các lý thuyết về hào quang, trường sinh lực, v.v. trong thần học. Tuy vậy, khi nhìn kỹ vào phương cách khảo cứu trên thì người ta nhận thấy một số lỗ hổng quan trọng.
Trước nhất, những dụng cụ thu nhận được hào quang trên các động thực vật cũng có thể dùng để sản xuất hào quang trên các vật vô tri giác. Nhiều vật thể như đồng tiền, cây viết chì, viên sỏi, chiếc chìa khóa, v.v. đều tỏa ra các hào quang tương tự khi được đặt vào các dụng cụ trên. Vì các vật thể vô tri giác không thể nào có sự sống do đó không thể nào kết luận quả quyết rằng hào quang trên động thực vật là những trường năng lực mang sự sống.
Kế tiếp, người ta nhận thấy cường độ hào quang của một vật thể tăng giảm mạnh yếu tùy vào độ ẩm của vật thể đó. Vì nước là một chất dẫn điện tốt, một vật thể càng ẩm ướt càng có vẻ tỏa ra hào quang rộng sáng. Điều nầy đặt nghi vấn lên thí nghiệm về chiếc lá. Khi một chiếc lá bị ngắt ra khỏi cây, độ ẩm bên trong nó đương nhiên bị giảm dần do đó không có gì lạ lùng cả nếu hào quang của nó cũng thay đổi theo.
Trong thí nghiệm chiếc lá bị cắt xén, sự thật là có khi người ta chụp được phần hào quang “ma” của phần lá bị cắt xén, tuy nhiên cũng có khi người ta không chụp được gì cả. Sau khi kiểm tra tận tường, người ta thấy nếu mặt phẳng nơi chiếc lá nằm được lau chùi cẩn thận trước khi chụp ảnh thì không có hiện tượng hào quang “ma” xảy ra. Lý do là vi khi chiếc lá nguyên vẹn được đặt lên mặt phẳng trên, đôi ít độ ẩm từ thân chiếc lá dính lên mặt phẳng ấy. Sau khi chụp ảnh hào quang của chiếc lá nguyên vẹn, người ta cầm chiếc lá lên và cắt xén một mảnh rồi đặt trả nó lại xuống cùng chỗ cũ. Trên mặt phẳng lúc nầy đã có sẵn một ít độ ẩm theo hình dạng mảnh lá đã bị cắt bỏ đi. Vì thế khi chụp ảnh một lần nữa người ta vẫn có thể thấy được phần hào quang “ma” hơi mờ yếu hơn.
Khi giải thích theo khoa học về hiện tượng phần chân tay bị cụt vẫn có cảm giác còn ở đó, người ta có thể dùng kiến thức về cách vận hành của thần kinh hệ trong thân thể con người. Các cảm giác ngứa hay đau trên chỉ là vì trong não bộ người nầy vẫn còn những thần kinh và tế bào đã từng kiểm soát và điều khiển phần chân tay đã mất. Những thần kinh và tế bào nầy vì lý do gì đó đôi khi bị khơi động bởi những tín hiệu đã có sẵn trong bộ nhớ của chúng nên đem đến người ấy các ảo giác trên.
Tóm lại, tuy các lý thuyết về hào quang, nhân điện, v.v thường được cho rằng tương ứng với những thí nghiệm khoa học trên nhưng trong thực tế thì cho đến nay vấn đề nầy vẫn chưa thể kết luận một cách quả quyết được.
Giác Quan Ngoại Thể
Nhiều sinh vật trong thiên nhiên có thể phát ra một vùng điện từ trường với cường độ rất lớn so với dạng hào quang vừa kể trên. Vùng điện từ trường nầy có tác động tích cực và ích lợi cụ thể cho sự sống còn của chúng.
Nhiều loài cá, lươn, v.v. dùng điện từ trường để rà tìm thức ăn. Khi một con mồi lọt vào vùng điện từ trường của chúng thì chúng có thể “thấy” được hình dáng, vị trí của nó mặc dù nó có thể đang trốn sâu dưới đáy bùn. Một vài thủy vật loại nầy có thể phát ra vùng điện từ trường rộng cả mét chung quanh toàn thân của chúng. Những điện từ trường nầy có thể được điều chỉnh mạnh yếu hay vặn tắt mở tùy ý. Chúng cũng dùng điện từ trường nầy để định hướng khi di chuyển trong những nơi không có ánh sáng.
Cho đến nay người ta chỉ tìm thấy các sinh vật dưới nước có khả năng trên. Các sinh vật sống trên bờ dường như không có khả năng tương tự. Có thể đó là vì nước là một môi trường dẫn điện rất dễ dàng hơn so với không khí.
Các thủy vật vừa kể trên khi cần thiết có thể dùng điện từ trường, và não bộ, như một dạng giác quan nằm hẳn bên ngoài cơ thể chúng. Do đó có thể nói rằng các thủy vật trên cảm thấy và nhìn thấy được thế giới chung quanh bằng một giác quan ngoại thể (không trực tiếp nằm trên cơ thể). Và từ đó cũng có thể nói rằng trong lúc ấy tri giác của chúng dường như đã được di chuyển hẳn ra ngoài phần cơ thể vật chất của chúng.
Nếu bây giờ xét về khi một người đang trải qua hiện tượng “xuất hồn” thì chúng ta có thể nói rằng đó cũng chính là khi tri giác của họ đã được di chuyển ra hẳn bên ngoài phần cơ thể vật chất của họ. Có nghĩa là lúc đó người ấy có khả năng “nhìn” và “nghe” được bằng một giác quan khác hẳn đôi mắt và đôi tai họ vẫn dùng thường ngày.
Nhìn lại các loài thủy vật vừa nói ở trên, có khi nào con người có một dạng điện từ trường tương tự mà thường ngày họ không hề cảm biết? Có khi nào điện từ trường nầy thường ngày nằm thụ động và chỉ được bật mở lên trong những điều kiện bất thường (thí dụ như khi cơ thể đang gặp nguy cơ sắp chết)? Có khi nào điện từ trường nầy cho phép một người cảm nhận thế giới chung quanh họ với một cảm giác giống như họ đang được tách rời hẳn khỏi cơ thể vật chất của họ? Có khi nào vì chúng ta không quen thuộc với cách hoạt động của giác quan nầy nên chúng ta có ảo giác là đang “xuất hồn” hay không?
Có nghĩa là khi xét về hiện tượng gọi là “xuất hồn”, thay vì giải thích rằng “đó là phần linh hồn đang tách rời ra khỏi phần cơ thể vật chất” thì có thể nào chúng ta đưa ra một giải thích khả dĩ khác là “có một giác quan đặc biệt của cơ thể đưa đến ảo giác trên”?
Xuất Hồn Lúc Sắp Chết (Near Death Experience)
Có hàng ngàn trường hợp những người trong trạng thái sắp chết sau khi hồi tỉnh tường thuật rằng họ đã “xuất hồn” ra khỏi xác. Nói đúng hơn, khi hiện tượng trên xảy ra, những người nầy đang ở trạng thái được xem là đã chết (ngưng hơi thở, ngưng tim đập). Trong nhiều trường hợp, những người nầy được bác sĩ cứu cấp làm hồi sinh trở lại, nhiều trường hợp khác họ tự hồi tỉnh lại sau một thời gian ngắn.
Thạc Sĩ Raymond Moody là người đầu tiên dùng từ “near death experience” (viết tắt là NDE, tạm dịch là “trải nghiệm lúc sắp chết”) để diễn tả hiện tượng nầy trong quyển “Life After Death” (“Sự Sống Sau Khi Chết”) xuất bản năm 1975. Tuy nhiên hiện tượng nầy đã từng được ghi chép từ xa xưa trong lịch sử. Triết lý gia Plato từ năm 360 trước Công Nguyên có nói về một người lính tên Er sau chết trận đã hồi sinh lại. Câu chuyện nầy kể rằng Er thấy hồn mình bay ra khỏi thân xác lên thiên đàng và được phán xét cùng lúc với nhiều linh hồn khác.
Nếu giải thích hiện tượng NDE theo thần học thì đây là khi thần thể (hay linh hồn) một người xuất ra khỏi xác và sau đó trở về nhập lại vào cơ thể họ. Trong thời gian hồn lìa khỏi xác, họ kể rằng họ có thể làm, nghe, thấy những điều mà thường ngày họ không thể nào làm, nghe, thấy được. Tiêu biểu, nhiều người kể lại thấy bay qua một đường hầm đầy ánh sáng. Họ cho đây là biên giới giữa sự sống và sự chết. Nhiều người kể lại họ gặp những nhân vật huyền bí với hình dáng bao phủ bởi ánh sáng chói rực, hoặc có khi những thân nhân đã chết từ lâu. Những nhân vật huyền bí trên thường là Chúa, Phật, tiên, thánh tùy theo tôn giáo, tín ngưỡng của người ấy.
Những người trải qua hiện tượng nầy cũng thường có cảm giác bay lên cao và có thể nhìn thấy mọi diễn biến đang xảy ra chung quanh thân xác vật chất của họ. Nếu đang trong một phòng (thí dụ trong bệnh viện) thì họ có thể nhìn xuống từ một góc trần nhà và thấy bác sĩ y tá đang xúm xít cố gắng hồi sinh họ. Họ có thể thấy rõ ràng mọi vật kể cả thân thể bất động của chính mình. Có nhiều trường hợp họ thấy mình bay cao hẳn lên không trung hay đi đến những địa phương xa hẳn nơi thân thể họ đang nằm. Có những người mù bẩm sinh vẫn có thể kể lại những chi tiết rõ ràng chung quanh mà thường ngày họ không thể nào thấy được. Một số người cũng kể lại thấy toàn thể cuộc đời họ từ lúc sơ sinh cho đến hiện tại diễn ra trước mắt giống như một cuốn phim chiếu nhanh.
Hầu như tất cả những người đã trải qua NDE sau khi tỉnh dậy đều nói về một cảm giác vô cùng an bình, thoải mái, sung sướng và phần đông đều không muốn trở lại với thân xác trần gian của họ. Chỉ có một số nhỏ có cảm giác sợ hãi khi ở trong trạng thái nầy.
Rất nhiều trường hợp trên có thể được kiểm chứng khá rõ ràng cho nên khó phủ nhận rằng tất cả chỉ là những câu chuyện vô căn cứ hay bịa đặt. Phải có một cái gì đó xảy ra đến những người trải qua NDE.
Khoa học cho đến nay chưa thể giải thích hoàn toàn thỏa đáng được vấn đề nầy. Có phải đây chính là bằng chứng của linh hồn? Hay bằng chứng của sự sống sau khi chết? Hay chỉ là ảo giác gây ra bởi các yếu tố bên ngoài và thay đổi hóa chất trong não bộ trong lúc sắp chết? Có nhiều lý thuyết khác nhau về hiện tượng nầy.
Cho đến nay chưa ai có thể tổ chức được thí nghiệm nào đưa một người đến trạng thái gần chết đến độ họ có thể “xuất hồn” tạm thời (và an toàn) rồi theo dõi và xác định lời người ấy kể lại có thật sự xảy ra hay không. Tuy nhiên hầu hết những cảm giác của hiện tượng NDE đều có thể được giải thích bằng sinh học và tâm thần học.
Giác quan của một người định nghĩa thế giới chung quanh họ là gì. Những gì một người “nhìn thấy” được chẳng qua là do cách não bộ thu nhận và “phiên dịch” các tín hiệu đến từ những giác quan của họ. Con mắt của động vật (kể cả con người) thật ra chỉ là một dạng máy thu ảnh rất tồi tàn. Khi ánh sáng đi vào qua các thủy tinh thể, võng mạc, v.v. thì những thần kinh thị giác ngay sau mắt chúng ta chỉ nhận được các hình ảnh lờ mờ, chập chờn, méo mó. Tuy vậy, khi các tín hiệu trên vào đến não bộ thì chúng được chọn lọc và phối hợp với những kinh nghiệm thu lượm được để “phiên dịch” ra thành những hình ảnh chính xác và trung thực. Nguyên lý vận hành nầy cũng xảy ra tương tự cho các giác quan khác. Nói cách khác, não bộ chúng ta mới chính là bộ phận cho phép mỗi người cảm nhận được thế giới chung quanh một cách chính xác trong khi các giác quan chúng ta chỉ có thể thu nhận được những tín hiệu rất rối loạn và thiếu hoàn hảo.
Khi bị chấn động mạnh ở nhiều vùng não, nhất là ở những khu điều khiển thị giác và xúc giác, thì một người dễ có các ảo giác kỳ lạ có thể tưởng như là đang tách rời ra khỏi thân thể. Nhiều khi tuy một người đang hôn mê nhưng mắt họ vẫn có thể còn hé mở, tai họ vẫn còn thu nhận âm thanh nên thị giác và thính giác họ vẫn còn cảm nhận ít nhiều những gì xảy ra xung quanh. Tuy nhiên vì sự xáo động não bộ kể trên, khả năng định vị của họ có thể bị sai lệch hẳn gây ra cảm tưởng đang nhìn thấy từ các vị trí và góc cạnh khác bên ngoài cơ thể.
Ngoài ra, trong những khi vừa mới bị tai nạn, hoặc đang nằm trên bàn mổ, hoặc bị ngộp nước, v.v. thì nhiều bộ phận lẫn giác quan trong cơ thể một người có thể tạm thời ngưng hoạt động, hoặc một phần hoặc toàn bộ. Não bộ khi bị thiếu ô-xy có thể phản ứng gây ra những ảo ảnh kể cả các vùng ánh sáng đang lan rộng dần ra trước mắt. Một người bị ảo ảnh nầy có thể cảm thấy mình đang bay vào một đường hầm sáng chói.
Những loại thuốc như ketamine hay PCP cũng có thể gây ra các cảm giác rất giống như những người trải qua NDE kể lại. Thật ra nhiều người sau khi chịu ảnh hưởng các loại thuốc trên kể lại cảm giác như đã thật sự chết rồi.
Cảm giác êm ả, an bình tột cùng trong lúc trải qua NDE có thể chỉ là kết quả của các chất endorphin được sản xuất cao độ trong não bộ những lúc cơ thể gặp xáo động mạnh hay nguy hiểm cực kỳ căng thẳng. Thí dụ một số người sống sót sau khi té từ một độ rất cao (lúc leo núi hay nhảy dù chẳng hạn) thường có đủ thời gian để nhận biết rằng mình sắp chết; họ kể lại các cảm giác bình thản tương tự nói trên (mặc dù họ không hề trải qua hiện tượng NDE trong thời gian nầy).
Nói cách khác, sự kết hợp giữa các yếu tố như thiếu ô-xy, giác quan bị sai lầm, khả năng định vị rối loạn, quá liều endorphin, v.v có thể là lý do gây ra các cảm giác hầu như vô thực thường được tưởng lầm là đã bay thoát khỏi thân thể vật chất hay đang ở những cõi thế giới khác.
Một điều cần biết là khi giải đoán những tín hiệu cung cấp bởi giác quan, nếu não bộ đối diện các dữ liệu không đầy đủ hoặc kỳ lạ thì nó sẽ phối hợp chúng với những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có trong tiềm thức để phân tích và cố đưa đến một giải đáp hợp lý nhất. Nói cách khác, não bộ có khuynh hướng sử dụng những gì chúng ta “đã biết” để diễn giải thành những gì chúng ta “đang nghe thấy”. Đó là tại sao chúng ta có thể nhìn thấy, và nhận thấy, dễ dàng những gì chúng ta đã biết và quen thuộc; trong khi đó chúng ta thường tuy có thể nhìn thấy nhưng không thể nhận thấy được những gì hoàn toàn xa lạ với kinh nghiệm sẵn có của chúng ta. Não bộ của chúng ta khi không nhận diện được một dữ kiện hoàn toàn xa lạ, nó có khuynh hướng tạm thời gạt bỏ nó qua một bên và dùng những dữ kiện quen thuộc hơn đã có sẵn để diễn giải lập tức những gì đang xảy ra. Phản ứng nầy có giá trị sinh tồn trong đời sống thiên nhiên. Những sinh vật có thể phản ứng nhanh chóng trước mọi diễn biến đối diện nó thường có nhiều cơ hội sống còn hơn những sinh vật phản ứng chậm chạp.
Chúng ta thường không biết rõ trong tiềm thức chúng ta chứa đựng những gì. Có những ký ức đã nằm đó từ nhiều năm, có những nhận thức vừa vô tình được thu nhận vài giây đồng hồ qua. Một điều chắc chắn là tri thức (consciousness) và tâm thức (mind) của con người có những khả năng mà khoa học ngày nay chưa thấu hiểu được. Có lý thuyết cho rằng khi một người nhìn thoáng qua một trang sách, tri thức và tâm thức họ thường có thể thu nhận toàn thể mọi chữ, mọi hình ảnh trên trang sách đó trong tích tắc và cất trọn vào tiềm thức. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng triệu hồi những chi tiết đó từ tiềm thức khi cần thiết. Một số ít người được cho là có “trí nhớ như máy chụp ảnh” (photographic memory) là những người có khả năng nầy, họ chỉ cần nhìn thoáng qua một cái gì là có thể nhớ và lập lại lại rõ ràng từng tiểu tiết sau bất kỳ thời gian bao lâu.
Lý thuyết trên giải thích các trường hợp NDE mà người ta có thể thấy được những gì họ cho rằng ngoài sự hiểu biết của họ. Nhiều khi một người đã từng biết qua những sự kiện, dữ liệu, cảnh trí, v.v. đã xảy ra trong đời họ mà không hề để ý hoặc nhớ đến. Tuy vậy tri thức và tâm thức họ vẫn “chụp ảnh” chúng và tích trữ trong tiềm thức. Như vừa nói ở trên, khi cần thiết thì não bộ sẽ đem những kinh nghiệm, kiến thức sẵn có trong tiềm thức để phối hợp với những tín hiệu cung cấp bởi giác quan. Vì không biết mình đã có sẵn kiến thức nầy nên một người có thể ngạc nhiên không hiểu tại sao có thể “nghe thấy” được những sự kiện, dữ liệu, cảnh trí, v.v. mà họ nghĩ rằng họ chưa từng trải qua.
Khoa học ngày nay vẫn chưa giải thích được hoàn toàn tất cả chi tiết về hiện tượng NDE. Bất cứ cách giải thích nào hầu như cũng có những trường hợp cho thấy nó hoặc không áp dụng được hoặc không đồng nhất. Mặt khác, cho đến nay cũng chưa có trường hợp NDE nào sau khi trải qua một quá trình kiểm nghiệm khoa học nghiêm nhặt mà vẫn có thể cho thấy chỉ có “linh hồn lìa khỏi xác” là cách giải thích khả dĩ duy nhất mà thôi.
Trở lại cách giải thích “ảnh hưởng do thiếu ô-xy” đã đề cập ở trên chẳng hạn, một cựu phi công chiến đấu cơ (do đó qua quá trình luyện tập và thực nghiệm ông rất kinh nghiệm về các triệu chứng thiếu ô-xy trong cơ thể) sau khi chính ông trải qua hiện tượng NDE cho biết những cảm giác do thiếu ô-xy ông thường gặp rất khó chịu, ngột ngạt và rối loạn so với các cảm giác êm ả, thanh lặng, bình thản vô cùng của NDE. Mặt khác, như đã nói, cũng có một số người trải qua hiện tượng NDE với cảm giác sợ hãi và khủng hoảng.
Có vài trường hợp lúc đang trải qua NDE người ta kể lại họ đã thấy một đồ vật gì đó; sau khi kiểm chứng thì quả thật có đồ vật ấy và chỗ nó nằm là một nơi mà tầm mắt bình thường của bất cứ ai ở trong phòng ấy không thể nào thấy nó được. Nếu các chuyện nầy có thật đi nữa thì cũng có thể có nhiều giải thích khả dĩ khác nhau. Như đã nói ở trên, tri thức và tâm thức của một người có thể ghi giữ những chi tiết và dữ kiện chung quanh mà họ không hề hay biết. Thí dụ có một đồ vật nằm trên cao ngoài tầm mắt trong phòng; tuy nhiên hình ảnh nó vẫn có thể phản chiếu lên những tấm kính cửa sổ chung quanh và thị giác của một người có thể vô tình thu nhận được hình ảnh trên mà họ không hề để ý. Khi trải qua NDE, não bộ của họ pha trộn kiến thức sẵn có nầy với những tín hiệu rối loạn từ các giác quan đang tạm thời hư liệt để đưa đến cảm giác họ đã thấy được vật dụng đó trong khi đang bay lơ lửng trên trần nhà.
Nếu muốn đi sâu hơn vào con đường trơn trợt của lãnh vực khoa học bán chính thức (parascience) để giải thích về các trường hợp NDE vừa kể trên thì chúng ta cũng có thể vận dụng đến lý thuyết giác quan đặc biệt đã đề cập đến trước đây. Theo lý thuyết nầy, lúc cơ thể ở trong điều kiện nào đó, thí dụ như khi gặp tình thế nguy kịch, thì có khi nó tự khởi hoạt một giác quan đặc biệt có thể giúp một người cảm nhận, và nghe thấy, được những gì xảy ra ở những khoảng cách chung quanh từ các vị trí và góc cạnh bên ngoài hẳn cơ thể thật sự của họ. Giác quan đặc biệt nầy có thể hoạt động ngay cả khi toàn bộ ngũ quan của họ đang tạm thời đóng kín. Có thể vì không quen thuộc với cách vận hành của giác quan đặc biệt nầy người ta có cảm giác như họ đang bay thoát ra ngoài thân xác vật chất của họ mà vẫn có thể cảm nhận, nghe, thấy mọi sự việc.
Tôi nhìn nhận trước ở đây rằng lý thuyết “giác quan đặc biệt” sử dụng trong cách giải thích vừa rồi chưa hề được kiểm nghiệm nghiêm nhặt theo phương pháp khoa học và không nhất thiết được công nhận bởi mọi người. Một số người có thể cho cách giải thích trên gượng gạo, chấp vá và khó tin. Tuy vậy nó vẫn không vô căn cứ và vô lý hơn cách giải thích cho rằng có một linh hồn phi vật chất nhưng vẫn có thể cảm nhận được những chấn động sóng của các năng lượng vật chất (thí dụ như ánh sáng và âm thanh).
Có một điều không thể phủ nhận được là những gì một người thấy trong trạng thái NDE chịu ảnh hưởng rất lớn bởi văn hóa, phong tục và tín ngưỡng của người ấy. Bằng chứng là chưa bao giờ có ai đạo Thiên Chúa mà khi xuất hồn lại thấy gặp được Phật Thích Ca, hay ngược lại chưa bao giờ có Phật tử nào kể lại họ đã gặp Giê-Su hay Đức Mẹ.
Hơn nữa, những người đã xuất hồn đều kể lại họ thấy mình đang mặc quần áo, có trường hợp là quần áo giống như cơ thể của họ đang mặc, có trường hợp quần áo khác. Hiện tượng nầy có vẻ như cho rằng quần áo của họ cũng có thần thể, và khi thần thể một người xuất ra khỏi cơ thể vật chất của họ thì thần thể của các quần áo nầy cũng đồng thời xuất ra khỏi cấu trúc vật chất của chúng!
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét