" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017
"Vài nhận xét về “thành phần thứ ba” và “hòa hợp, hòa giải dân tộc”
Ngô Vĩnh Long
PHẦN 1
Báo Đại Đoàn Kết, cơ quan trung ương của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, trong bài với tựa đề “Kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/2011): Đóng góp của ‘thành phần thứ ba’ cho ngày chiến thắng” có viết như sau:[1]
Nhắc lại sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, cũng như con đường tất yếu để đi đến hòa hợp, hòa giải dân tộc, ông Kiệt cho rằng: “Theo tôi, đã đến lúc ta phải nhìn nhận công lao, sự đóng góp to lớn của các tầng lớp người Việt yêu nước từng sống trong lòng chế độ cũ, hiện ở trong nước hay ở bên ngoài. Bản thân tôi cùng với anh em được giao tiếp quản Sài Gòn năm 1975, một Sài Gòn nguyên vẹn sau một cuộc chiến tranh như vậy, tôi nghĩ không thể không nói đến vai trò của các lực lượng chính trị đối lập với Mỹ - Thiệu, có quan hệ với chính phủ Dương Văn Minh lúc bấy giờ .… Sự xuất hiện trở lại trên chính trường của ông Dương Văn Minh chính là kết quả hoạt động tích cực của lực lượng thứ ba, lực lượng những người đấu tranh với Mỹ - Thiệu ngay trong lòng chế độ Sài Gòn bấy giờ.”
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thẳng thắn thừa nhận: “Nhiều người ngại nói đến lực lượng thứ ba, nhưng theo tôi, lực lượng này đã có những đóng góp nhất định vào thắng lợi của nhân dân ta”. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch là một liên minh rộng lớn đại diện cho nhiều tổ chức, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, các cá nhân yêu nước thuộc nhiều thành phần trong xã hội trong và ngoài nước, sĩ quan và viên chức kể cả cấp cao của chính quyền Ngô Đình Diệm. Với chính sách ngoại giao “hòa bình và trung lập”, Mặt trận đã tranh thủ được đông đảo các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, bao gồm cả phong trào phản chiến ở Mỹ, kể cả những người khác xa về chính kiến, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn chưa từng có, đoàn kết với cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước, châu Á, Phi, Mỹ La-tinh đã chính thức công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam về mặt chính phủ. Cách mạng miền Nam ngày càng thắng lớn, Mặt trận càng có điều kiện mở rộng, tập hợp thêm lực lượng. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, ngày 20-4-1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời do Luật sư Trịnh Đình Thảo, nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam làm Chủ tịch. Thắng lợi mang tính chiến lược của cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, trong đó Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên đại diện cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta ở miền Nam. Với sự lớn mạnh về mọi mặt của cách mạng miền Nam, ngày 06-6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, kịp thời phục vụ cuộc đấu tranh về ngoại giao trên bàn đàm phán bốn bên, đưa đến việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27-01-1973. Ký Hiệp định Paris, Chính phủ Mỹ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân ta ở miền Nam, rút quân về nước, công nhận tình hình thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị. Theo bà Nguyễn Thị Bình, trong thời gian đàm phán ký kết Hiệp định Paris 1973, nhiều cá nhân và nhóm chính trị rất đa dạng được hình thành, có người và nhóm do Mặt trận vận động tổ chức, có người và nhóm không có liên hệ gì với Mặt trận, nhưng hoạt động có xu hướng theo mục tiêu đấu tranh của Mặt trận, đó chính là lực lượng thứ ba. Bà Ngô Bá Thành, Luật sư Trần Ngọc Liểng, một số người trong nhóm tướng Dương Văn Minh... là một trong những lực lượng đó.
Những năm cuối thập kỷ 60 và đầu 70 của thế kỷ trước người ta chú trọng đến vai trò của lực lượng thứ ba trong việc “hòa hợp, hòa giải dân tộc.” Sau đó tôi sẽ đưa ra một vài dẫn chứng tại sao chính quyền Sài Gòn đã ra sức tấn công các cá nhân và các nhóm trong lực lượng thứ ba sau khi Hiệp Định Paris được ký kết cuối tháng Giêng năm 1973 và hậu quả là gì sau này đối với vấn đề đoàn kết dân tộc và việc xây dựng một xã hội dân chủ, hài hòa.
1. Vài lời về tên gọi
Trước hết xin nói qua về tên gọi. Cái tên gọi “lực lượng thứ ba” (tiếng Anh là “Third Force”) đã có từ những năm đầu của thập kỷ 60 và đã được sử dụng ở nước ngoài cho đến những năm đầu thập kỷ 70. Jean-Claude Pomonti, một phóng viên của báo Le Monde bên Pháp đã viết là tên gọi “lực lượng thứ ba” được dùng năm 1960 sau khi một nhóm 18 chính khách chống chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng cũng chống Cộng, họp tại khách sạn Caravelle ở Sài Gòn và đưa ra một bản tuyên ngôn đòi “giải phóng” và đòi ông Diệm chấm dứt chế độ gia đình trị.[2] André Menras, một giáo viên người Pháp có tham gia phong trào đô thị ở Sài Gòn, nói rằng một lực lượng thứ ba là “một phong trào hòa bình đã hình thành và lớn mạnh từ năm 1963 trong cuộc đấu tranh chống các chính sách của Ngô Đình Diệm.”[3] Theo một số nhân vật trong phong trào phản chiến của Mỹ thì tên gọi “lực lượng thứ ba” hay “giải pháp thứ ba” (Third Solution) đã được nhiều người trong phong trào đô thị miền Nam dùng từ năm 1965.[4]
Tên gọi “thành phần thứ ba” thì theo ký giả Jacques Decornoy của báo Le Monde đã xuất hiện vào mùa thu năm 1969 với một nhóm người chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và đi theo hướng hòa giải dân tộc mà ông Dương Văn Minh được coi là đại diện. Decornoy dùng từ “troisième composante” (tức “thành phần thứ ba”).[5] Theo hồi ký của Nguyễn Hữu Thái, người đã giúp phần tác động ông Dương Văn Minh đơn phương ngừng bắn và dẫn ông Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 để ghi âm và phát lời tuyên bố đầu hàng, thì:
Trong lúc này [từ cuối năm 1968] tôi tiếp xúc được với những bạn bè đối lập chính quyền và bắt đầu viết cho những tờ báo có khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc. Họ là một nhóm dân biểu Quốc hội Sài Gòn chống đối lại tướng Nguyễn Văn Thiệu, ngả theo đường lối hòa giải dân tộc của tướng Dương Văn Minh, trong số họ có người móc nối phối hợp hành động với phía Mặt trận Giải phóng. Cơ quan ngôn luận của họ là tờ báo Tin sáng, nơi quy tụ hàng chục cây bút chống đối chế độ và tôi trở thành một trong các cây bút chủ lực.[6]
Nguyễn Hữu Thái không có đề cập gì đến việc nhóm trên có tự gọi mình là “thành phần thứ ba” hay không, nhưng hai trang sau đó ông viết tiếp:
Năm 1971 có bầu cử Quốc hội Sài Gòn, Mặt trận Giải phóng bí mật đề nghị tôi ra tranh cử với lập trường hòa bình đứng giữa, chuẩn bị cho 'Thành phần thứ ba'. Hội nghị Paris về vấn đề Việt Nam chưa ngã ngũ nhưng đang bàn đến việc lập chính phủ 3 thành phần, trong đó có thành phần đứng giữa làm trung gian hòa giải trong chính phủ liên hiệp tương lai.[7]
Tên gọi “thành phần thứ ba” được bắt đầu dùng là do đề nghị của chính phủ miền Bắc tại hòa đàm Paris về thành lập một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần, nhưng không phải để áp dụng cho các nhóm trong phong trào đô thị vận động cho hòa bình, hòa hợp và hòa giải. Từ năm 1968 các tập san ngoại ngữ miền Bắc và của Mặt Trận Giải Phóng nói rất nhiều đến phong trào đô thị miền Nam, nhưng không dùng tên “thành phần thứ ba” hay “lực lượng thứ ba” cho mãi đến năm 1972. Ví dụ, Vietnam Courier (một nguyệt san của Bộ Ngoại Giao) trong số tháng 12 năm 1972 viết: “Tại Sài Gòn một lực lượng thứ ba đã hình thành như là một thách thức đối với tên độc tài sừng thiếc [tức ông Nguyễn Văn Thiệu], người mà vẫn cứ phủ nhận sự tồn tại của lực lượng này.”[8]
Trong suốt thời gian đàm phán, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn nhất quyết không đồng ý có một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần như phía cách mạng đề nghị. Tuy nhiên, cuối cùng, khi “Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam” được ký ở Paris cuối tháng Giêng năm 1973 thì điều 12 của Hiệp Định này có nói đến việc thiết lập một “Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau”:
a) Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôn trọng lẫn nhau và không thôn tính nhau để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau. Hội đồng sẽ làm việc theo nguyên tắc nhất trí. Sau khi Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc nhậm chức, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ hiệp thương để thành lập các hội đồng cấp dưới. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam càng sớm càng tốt, và sẽ làm hết sức mình để thực hiện việc này trong vòng chín mươi ngày sau khi ngừng bắn có hiệu lực, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân miền Nam Việt Nam là hòa bình, độc lập và dân chủ.
b) Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc có nhiệm vụ đôn đốc hai bên miền Nam Việt Nam thi hành Hiệp định này, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ như đã nói trong Điều 9(b) và quy định thủ tục và thể thức của cuộc tổng tuyển cử này. Các cơ quan quyền lực mà cuộc tổng tuyển cử đó sẽ bầu ra sẽ do hai bên miền Nam Việt Nam thông qua hiệp thuơng mà thỏa thuận. Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc cũng sẽ quy định thủ tục và thể thức tuyển cử địa phuơng theo như hai bên miền Nam Việt Nam thỏa thuận.
Do đó, các cá nhân và các lực lượng không thuộc chính quyền Sài Gòn hay Chính phủ Cách mạng Lâm thời được coi là “thành phần thứ ba.” Tuy rằng danh từ “thành phần” (tiếng Anh là “segment” hay “component”) được dùng trong Hiệp Định Paris và một số văn bản, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn thường gọi các thành phần không theo bên này hoặc bên kia ở miền Nam là “lực lượng thứ ba” và đề cao vai trò của chúng mãi đến đầu năm 1975 trong việc hòa giải, hòa hợp và việc thành lập một chính phủ liên hiệp. Sau đây là lời nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo nổi tiếng Pháp tên Jean Lacouture được đăng trên tập san Vietnamese Studies do Nguyễn Khắc Viện chủ biên: “Việc thành lập một chính phủ hòa hợp dân tộc ở miền Nam là chìa khóa dẫn đến hòa bình, và lực lượng thứ ba là một thành phần không thể thiếu được của giải pháp này. Vì chính trị là nghệ thuật để tạo ra cái gì có thể thực hiện được, chúng tôi đã đi đến kết luận đây là phương pháp độc nhất có thể dẫn đến hòa bình. Tôi có thể nói đây là một giải pháp cơ may. Ngoài ra không có giải pháp nào khác, chỉ có chiến tranh.”[9]
Lời nói trên của ông Phạm Văn Đồng cho thấy rõ là chính phủ miền Bắc lúc đó coi trọng lực lượng thứ ba vì họ muốn có một giải pháp hòa bình theo Hiệp Định Paris và không muốn tiếp tục có chiến tranh. Nhưng, như mọi người đã biết, điều này không thành và cuối cùng giải pháp quân sự đã được dùng để giải phóng miền Nam. Hậu quả ra sao đối với lực lượng thứ ba và vấn đề hòa giải, hòa hợp sẽ được đề cập đến ở phần cuối của bài này. Dưới đây tôi sẽ trình bày sự phát triển của vài nhóm trong thành phần này cũng như một số đóng góp của các cá nhân trong đó vào giai đoạn 1968 đến 1975.
2. Một số đóng góp trong giai đoạn 1968-1972
Như báo Đại Đoàn Kết đề cập đến ở trên, năm 1968 là cái mốc lớn. Tết Mậu Thân chứng minh cho dân chúng Mỹ cũng như cho nhiều người Việt Nam trong các thành phố sự phá sản của chính sách Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trước Tết Mậu Thân các chính khách Mỹ, kể cả Tổng Thống Lyndon B. Johnson, thường lên truyền hình nói rằng họ đến Việt Nam là để giúp đỡ dân chúng Việt Nam xây dựng một đất nước dân chủ và thịnh vượng. Họ nói rằng phần lớn người Việt hiểu ý tốt của họ nên ủng hộ chính phủ Sài Gòn và vì thế “bọn Việt Cộng” chỉ có thể kiểm soát một phần dân chúng nông thôn ban đêm qua các “hoạt động khủng bố” (terrorist activities) mà thôi. Nhiều người Mỹ lúc đó tin những lời tuyên truyền như thế, một phần vì số đông theo đạo Thiên chúa và chống Cộng sản. Thêm vào đó là phần lớn người Mỹ ở trong các thành thị cho nên khó thông cảm với nông dân Việt Nam mặc áo bà ba đen hay quần xà lỏn và đi chân đất, mà các phương tiện truyền thông của Mỹ thường gọi chung là “Việt Cộng” khi họ bị giết chóc hay tàn sát. Nhưng khi quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn thả bom tàn phá hàng loạt các thành thị miền Nam trong Tết Mậu Thân thì hàng triệu người xuống đường biểu tình ở Hoa Thịnh Đốn (cũng như một số thành phố lớn khác) đòi chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Trong những người biểu tình này có sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ và cuối tháng 2 năm 1968 một số người này đã thâu thập được 16 chữ ký cho một bản tuyên bố đòi chính phủ Mỹ và các nước đồng minh phải rút hết quân đội của họ ra khỏi Việt Nam để người Việt Nam có thể quyết định tương lai của mình. Nhóm sinh viên này đã đến gặp đại sứ của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn và các quan chức tại Nhà Trắng ngày 2 tháng 3 để chuyển bản tuyên bố. Trưa hôm đó các đại diện của nhóm có cuộc họp báo tại Câu Lạc Bộ Báo Chí Quốc Gia (the National Press Club).[10] Sau đó một số sinh viên này càng ngày càng hoạt động tích cực và đã giúp các nhóm trong phong trào chống chiến tranh của Mỹ tìm hiểu, móc nối, và kết hợp hoạt động nhiều hơn với các nhóm trong phong trào đô thị ở miền Nam.
Tại Việt Nam vào tháng 2 và tháng 3 năm 1968 trong những thành phố mà Mặt Trận Giải Phóng (kết hợp với quân đội của miền Bắc ở vài nơi, như Huế) chiếm đóng, hàng loạt các tổ chức địa phương tự gọi mình là “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình” ra đời. Riêng tại Huế, liên minh này đã trụ được đến 3 tuần.[11] Các liên minh này bắt nguồn từ những lực lượng trong phong trào đô thị trước đó chứ không phải tự phát trong một thời gian ngắn. Sau khi quân giải phóng rút khỏi các thành phố thì các tổ chức vừa thành lập nói trên nhập lại thành “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam” trong một cuộc họp ngày 20-21 tháng 4 năm 1968 tại một địa điểm gần Sài Gòn. Những người tham dự gồm nhiều trí thức, học giả, sinh viên, nhà văn, nhà báo, thương gia, công chức, v.v., đại diện cho các thành phần xã hội, chính trị ở các thành phố miền Nam. Bốn mươi người đã được bầu vào Ủy Ban Trung Ương của Liên Minh, nhưng chỉ có tên của 10 người được công bố, vì những người kia thì hoặc là có địa vị cao trong chính quyền Sài Gòn, hoặc có những vị trí quan trọng trong các thành phố nên sự an toàn của họ cần được bảo vệ.[12] Hầu hết những người có tên được công bố là những người gia đình khá giả ở miền Nam; họ có bằng cấp cao và phần lớn đã du học ở các đại học bên Pháp. Chủ tịch Liên Minh là ông Trịnh Đình Thảo, một luật sư nổi tiếng ở Sài Gòn, xuất thân từ một gia đình địa chủ giàu có ở miền Nam. Ông đã được đi Pháp học và vợ ông là một thương gia. Ông Tôn Thất Dương Kỵ, tổng thư ký Ủy ban trung ương Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình, nguyên là giáo sư sử học tại đại học Huế và đại học Sài Gòn. Bà Dương Quỳnh Hoa, phó tổng thư ký, là một bác sĩ sản khoa được đào tạo ở Pháp. Bà này đã có liên hệ với đảng Cộng sản Pháp khi còn đi học. Nhưng không người nào trong 40 người trong ủy ban trung ương của Liên Minh là đảng viên của đảng Cộng sản (đảng Lao Động hay các nhánh khác) ở miền Nam.[13] Trái lại, theo Wilfred Burchett (một nhà báo Úc có quan hệ mật thiết với chính phủ miền Bắc và Mặt Trận Giải Phóng) và Douglas Pike (tình báo CIA chuyên về phong trào Cộng sản tại Việt Nam), các thành viên của Liên Minh luôn luôn phủ nhận là họ có quan hệ tổ chức gì với Mặt Trận Giải Phóng cả, mặc dầu họ chấp nhận những mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc của Mặt Trận.[14]
Bản tuyên ngôn của Liên Minh có những mục tiêu nói chung cũng giống như của Mặt Trận, nhưng những chính sách đưa ra thì hướng về việc mở rộng ra các vấn đề có thể được đem ra thảo luận giữa Mỹ và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi có hòa đàm. Liên Minh nhấn mạnh vấn đề hòa bình và trung lập, và muốn làm cầu nối giữa các thành phần chính trị chống đối nhau để giúp Mỹ có thể liên lạc với Mặt Trận trong khi vẫn không thừa nhận Mặt Trận hay nói chuyện thẳng với Mặt Trận.[15] Có thể vì những lý do này cho nên chính phủ miền Bắc đã cho phổ biến bản tuyên ngôn của Liên Minh trên các phương tiện truyền thông của mình và thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có lời chào mừng sự ra đời của Liên Minh.[16] Sau này ông Đồng có viết rằng từ khi Liên Minh được thành lập “xu hướng cho hòa bình và trung lập đã phát triển rất nhanh trong các tầng lớp trí thức và tư sản chống chính quyền bù nhìn Sài Gòn.”[17] Wilfred Burchett báo cáo rằng Liên Minh đã liên hệ được với các tầng lớp nhân dân mà Mặt Trận khó vận động được và vì thế đã giúp làm cầu nối giữa cách mạng với các thành phần yêu nước trong chính quyền và quân đội Sài Gòn.[18]
Hơn nữa, Liên Minh giúp liên kết với các thành phần nhân dân miền Nam không có quan hệ với Mặt Trận Giải Phóng nhưng muốn có một giải pháp hòa bình dựa trên việc thành lập một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần mà chính phủ miền Bắc lúc đó đang đề nghị tại bàn đàm phán Paris. Do đó, Liên Minh có thể trở thành một đại diện của “thành phần thứ ba”. Mùa hè năm 1968 Wilfred Burchett đã cho biết rằng chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Mặt Trận Giải Phóng nghĩ rằng Liên Minh có thể đóng một vai trò quan trọng cho giải pháp hòa bình trong quá trình đàm phán.[19] Các quan chức chính phủ miền Bắc tại Paris cũng cho hai đại diện của phong trào hòa bình Mỹ biết rằng Liên Minh có thể là một thành phần trọng yếu của một chính phủ liên hiệp.[20]
Đúng như báo Đại Đoàn Kết viết ở trên, cuộc “tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.” Nhưng những đợt tấn công sau đó đã làm cho Mặt Trận bị thiệt hại nặng nề và không những bị đẩy ra khỏi nhiều vùng nông thôn miền Nam mà còn phải rút quân sang các vùng biên giới. Do đó, phong trào đô thị đã có “đóng góp nhất định” trong việc chi phối sức mạnh quân sự và chính trị của Mỹ và của chính quyền Sài Gòn, giúp cho Mặt Trận có thời gian và không gian để hồi phục.[21] Hoạt động của phong trào đô thị, trong đó có Liên Minh, đã giúp cho cách mạng phát huy vai trò chính trị của mình trong nước và trên thế giới trong khi Mặt trận đang suy yếu trên lãnh vực quân sự và trong khi chính quyền Mỹ đang đẩy mạnh “chương trình Việt Nam hóa” (Vietnamization Program) và “chương trình bình định cấp tốc” (Accelerated Pacification Program) với trung bình khoảng 300 cuộc hành binh “bình định nông thôn” mỗi ngày theo các báo cáo chính thức.[22] Việc bắt lính và tàn phá nông thôn đã gây ra hàng loạt cuộc biểu tình tại các thành phố miền Nam chống bắt lính, chống càn quét, và đòi chính phủ Sài Gòn và Mỹ phải kết thúc chiến tranh “ngay lập tức”. Những đòi hỏi này còn có phần mạnh hơn đề nghị 10 điểm mà ông Trần Bửu Kiếm, trưởng phái đoàn đàm phán của Mặt Trận Giải Phóng tại Paris, đã đưa ra vào ngày 8 tháng 5 năm 1969. Trong đề nghị này Mặt Trận có đòi Mỹ và các nước ngoài khác rút quân nhưng không bắt buộc đúng thời điểm nào. Hai vấn đề quan trọng nhất trong đề nghị 10 điểm này là có những cuộc bầu cử tự do và dân chủ để quyết định một chính thể mới cho miền Nam và việc thiết lập một chính phủ liên hiệp lâm thời trong thời gian các quân đội nước ngoài đang rút ra khỏi Việt Nam để bảo đảm việc rút quân và tuyển cử.[23] Mặc đầu đây là một đề nghị có tính chất bao quát và thỏa hiệp cao nhất đến thời điểm đó, chính quyền Nixon lập tức bác bỏ và nói đó chỉ là việc “trở lại Hiệp Định Genève” năm 1954. Thêm nữa, ngày 14 tháng 5 năm 1969 tổng thống Nixon công bố một “kế hoạch cho hòa bình” (plan for peace) trong đó có những điểm chính sau đây: tất cả các binh lính không phải từ miền Nam (all non-South Vietnamese troops) sẽ phải rút đi trong hai giai đoạn; các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức bởi “chính phủ theo hiến pháp và hợp pháp” (constitutional and legal government) của Miền Nam Việt Nam (tức chính quyền Sài Gòn); và tất cả các thành viên của Mặt Mặt Trận Giải Phóng phải lột bỏ vũ khí, từ bỏ việc dùng bạo lực, và trở về với “cộng đồng quốc gia” (national community). Như thế Nixon không những không chấp nhận Mặt Trận là một thực thể chính trị ở miền Nam mà còn cho là bất hợp pháp nên các thành viên muốn có quyền công dân trở lại thì phải đầu hàng.
Để chứng minh Mặt Trận là một thực thể chính trị có sự ủng hộ rộng lớn của nhiều thành phần nhân dân miền Nam và để làm áp lực Mỹ tại bàn đám phán, Mặt Trận đã cùng Liên Minh thành lập Chính phủ Cách Mạng Lâm thời tháng 6 năm 1969 với ông Nguyễn Hữu Thọ (chủ tịch Mặt Trận) làm Chủ tịch Hội Đồng Cố vấn và ông Trịnh Đình Thảo làm phó chủ tịch. Nhiều ủy ban của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời sau đó được thành lập từ làng đến tỉnh trên khắp miền Nam trong khi nhiều chính phủ trên thế giới và nhiều cơ quan quốc tế đã nhanh chóng công nhận thực thể chính phủ này. Trong khi Chính Phủ Cách Mạng Lâm thời tạo được thêm hậu thuẫn thì chính quyền Sài Gòn lại càng bị phản đối vì chính sách hiếu chiến. Những cuộc biểu tình chống chính quyền Sài Gòn đòi hòa bình và những cuộc đình công đòi quyền sống càng ngày càng nhiều và càng lớn trong các thành phố miền Nam, tạo nên sự liên kết của nhiều thành phần trong xã hội. Một ví dụ là vào ngày 25 tháng 6 năm 1970 124 công đoàn với tổng số hơn 100 ngàn công nhân trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định tuyên bố sẽ tổng đình công. Những công đoàn khác, Phong trào Thương Chiến Binh, Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, và một vài tổ chức khác lập tức hứa ủng hộ đình công. Trong cùng ngày Huỳnh Tấn Mẫm, một sinh viên đã bị chính quyền Thiệu-Kỳ bắt giam và tra tấn dã man, sau khi được bầu làm chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn dẫn một đoàn đại diện sinh viên đến trụ sở Tổng Liên Đòan Lao Công Việt Nam để gặp các lãnh tụ của các công đoàn đình công và cam kết sự ủng hộ hoàn toàn của toàn thể sinh viên. Trước đó, trong cùng ngày, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn đã đưa ra một nghị quyết trong đó có những điểm như sau: (1) lập tức ngưng chiến tranh; (2) lập tức rút toàn bộ quân đội Mỹ và đồng minh; (3) lập tức trả độc lập lại cho Việt Nam; và (4) lập tức bỏ hẳn các chương trình đào tạo quân sự. Sau cuộc gặp mặt giữa các lãnh tụ sinh viên và công đoàn, hai bên ra một thông cáo chung trong đó nhiều điểm giống như công bố của sinh viên ngày 22 tháng 6 và nghị quyết ngày 25 tháng 6. Hai bên kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam cho sự tranh đấu của công nhân.[24] Theo báo New York Times ngày 17 tháng 7 năm 1970 Tổng thống Thiệu lo sợ đến nổi đã ra lịnh đàn áp tất cả các phong trào đòi hòa bình. Tờ báo trích lời tuyên bố của ông Thiệu: “Tôi sẵn sàng đập tan tất cả các phong trào đòi hòa bình với bất cứ giá nào bởi vì tôi vẫn thật sự là một chiến sĩ….Chúng tôi sẽ đánh chết những ai đòi lập tức có hòa bình” [I am ready to smash all movements calling for peace at any price because I’m still much of a soldier…. We will beat to death the people who are demanding immediate peace.] Tờ New York Times vừa trích cũng cho biết là trong cùng ngày Trung tướng Trần Văn Hai, tổng tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, đã ra lệnh cho các cảnh sát trưởng dùng “các biện pháp mạnh, kể cả lưỡi lê và đạn” [strong measures, including bayonets and bullets] để đập tan các cuộc biểu tình.[25]
Trước tình hình kể trên, ngày 17 tháng 9 năm 1970 Ngoại trưởng Nguyễn Thị Bình của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đưa ra đề nghị “8 điểm” trong đó có nói đến việc bầu cử để thành lập một chính phủ phản ánh các khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam về hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, và hòa giải, hòa hợp dân tộc. Điểm 5 đề cập đến một chính phủ liên hiệp lâm thời gồm 3 thành phần: những nhân vật của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời; những nhân vật yêu chuộng hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ trong chính quyền Sài Gòn; và những nhân vật của các lực lượng chính trị và tôn giáo, trong hay ngoài nước, có lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập, trung lập và dân chủ.[26]
Đề nghị “8 điểm”, mà sau này phần lớn đã được đưa vào Hiệp Định Paris năm 1973, tạo được rất nhiều dư luận ủng hộ trên thế giới và cả ở nước Mỹ nên Nixon ngày 7 tháng 10 năm 1970 buộc phải trả lời bằng cách tuyên bố trên các đài truyền hình Mỹ một “phương án hòa bình” nữa. Trong đó Nixon đòi rằng điều kiện tiên quyết cho một cuộc đàm phán là một “cuộc ngưng bắn tại chỗ” (ceasefire-in-place) và việc thả hết tất cả các tù binh của Mỹ; rằng cuộc đàm phán là phải với hết tất cả các nước Đông Dương (tức hai miền Việt Nam, Lào và Kampuchia) chứ không chỉ có với Việt Nam; rằng Mỹ và miền Bắc “rút quân cùng lúc” (mutual troop withdrawal) khỏi miền Nam; rằng một giải pháp chính trị cho miền Nam sẽ theo các thủ tục được đồng ý trong tương lai.[27]
Nhiều thành phần nhân dân miền Nam lúc ấy phản đối đòi hỏi vô lý của Nixon. Sau một thời gian vận động, ngày 11 tháng 11 năm 1970 khoảng 1000 đồng bào gồm đủ các giới tham dự buổi hợp do Ủy Ban Đòi Quyền Sống Đồng Bào, Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, và Nghiệp Đoàn Giáo Chức Tư Thục tổ chức tại đại học xá Minh Mạng thành lập “Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình” (MTNDTTHB). Tuyên ngôn cho biết là MTNDTTHB “được thành lập với mục đích kết hợp mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, xu hướng và quá khứ cùng chung một ý chí đem lại Hòa bình cho đất nước.”[28]
Sự ra đời của MTNDTTHB giúp Mặt Trận Giải Phóng chứng minh rằng một giải pháp ngưng chiến tranh dựa vào giải pháp hòa đàm sẽ được sự ủng hộ của nhân dân trong nước và trên thế giới. Ngày 10 tháng 12 năm 1970 bà Nguyễn Thị Bình tuyên bố là sẽ có đình chiến giữa quân đội Giải Phóng và quân đội của Mỹ và đồng minh nếu họ hứa sẽ rút quân trước ngày 30 tháng 6 năm 1971. Bà Bình cũng nói là sẽ có ngưng bắn giữa quân đội Giải Phóng và Sài Gòn sau khi hai bên đồng ý thành lập một chính phủ lâm thời gồm 3 thành phần như đã được nêu trong đề nghị “8 điểm.” Nhưng Nixon không muốn có đình chiến, chỉ muốn leo thang chiến tranh hòng làm suy yếu phe cách mạng và củng cố chính quyền Sài Gòn vì Nixon không tin tưởng ở khả năng chính quyền này có thể tồn tại trong một giải pháp hòa bình dựa vào đấu tranh chính trị trong một chính phủ liên hiệp. Do đó, ngày 8 tháng 2 năm 1971 Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã đưa hơn 45 ngàn quân vào khu vực đường 9 nam Lào, với ý định chiếm đóng toàn khu vực đó hòng cắt đứt mọi chi viện cho Mặt Trận từ miền Bắc. Nhưng lý do mà Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird tuyên bố là để bảo vệ sinh mạng của Mỹ và để “bảo vệ chương trình Việt Nam hóa” (to protect the Vietnamization program.)[29]
Mặc dầu đây là một cuộc hành quân với quy mô rất lớn, tin tức về cuộc hành quân này đã bị lộ ra nhiều ngày trước. Do đó, theo hầu hết các báo Sài Gòn đăng vào ngày 5 tháng 2 năm 1971, Phong Trào Dân Tộc Tự Quyết, Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, và Mặt Trận Nhân Dân Tranh Thủ Hòa Bình đã ra thông cáo chung phản đối việc Mỹ và chính quyền Thiệu mở rộng chiến tranh sang Lào. Thông cáo nói rằng đây là một cuộc leo thang chiến tranh rất nguy hiểm theo học thuyết Nixon về việc dùng người Đông Dương để giết nhau. Do đó, thông cáo nói là để chấm dứt cuộc tàn sát vô nghĩa tất cả quân đội Mỹ và đồng minh phải lập tức và hoàn toàn rút khỏi Đông Dương. Theo báo Tin Sáng, tờ báo của nhóm dân biểu Công giáo trong Quốc hội Sài Gòn và là tờ báo lớn nhất ở miền Nam lúc ấy, ngày 8 tháng 2 hơn 8000 người biểu tình chống việc đưa quân sang Lào. Đại diện của nhiều nhóm thuộc nhiều thành phần (phụ nữ, sinh viên, công nhân, chính trị, tôn giáo) đòi chồng con, anh em của họ phải được trở về với gia đình. Chính quyền Sài Gòn bắt giữ và đánh đập nhiều người biểu tình, số lớn là sinh viên. Do đó, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn buộc công bố một “tối hậu thư” đòi những sinh viên và bạn bè của họ phải được trả tự do trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nhưng chính quyền Sài Gòn trả lời bằng cách đưa cảnh sát dã chiến và quân cảnh của Mỹ đến tấn công cư xá sinh viên Minh Mạng. Sinh viên trả thù bằng cách đốt các xe quân cảnh của Mỹ trên đường phố.[30] Ngày 14 tháng 2 năm 1971 sinh viên đốt 15 chiếc xe quân sự của Mỹ tại Sài Gòn và phát hơn 250 nghìn truyền đơn chống việc Nixon leo thang chiến tranh.[31] Ngày 15 tháng 2 năm 1971 tại Sài Gòn 14 tổ chức đã đưa ra một thông cáo chung trong đó họ đòi Mỹ phải rút quân ngay lập tức khỏi Đông Dương và ngưng mọi hoạt động trá hình nhằm mở rộng chiến tranh và cản trở việc tái lập hòa bình. Khẩn hiệu của các nhóm này đã đổi từ “chống Mỹ cứu nước”, “đuổi Mỹ cứu nước,” sang “diệt Mỹ cứu nước.” Từ đó trở đi hầu như mỗi ngày là có xe quân đội Mỹ bị đốt cháy trên đường phố Sài Gòn như các báo Sài Gòn đã đăng tin. Báo Dân Chủ Mới ngày 26 tháng 10 năm 1970 đăng một bài dài của GS Nguyễn Văn Trung, khoa trưởng Đại học Văn Khoa và là một người Công giáo, giải thích tại sao nhiều người Việt Nam đã trở thành những người thù Mỹ đến độ thấy xe Mỹ là đốt, thấy lính Mỹ là đánh.
Thông tin về phong trào đô thị và hoạt động của sinh viên miền Nam trong thời gian này được phổ biến rất rộng rãi tại Mỹ một phần vì người đại diện chính thức của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn đã thiết lập quan hệ tốt với báo chí Mỹ, với các tổ chức trong phong trào chống chiến tranh tại các đại học, và với Hiệp Hội Sinh Viên Quốc Gia Hoa Kỳ (United States National Student Association, USNSA). Một ví dụ điển hình là đại diện này đã thúc đẩy USNSA tổ chức một hội thảo quốc tế tại Georgetown University ở Hoa Thịnh Đốn ngày 13-16 tháng 10 năm 1971 gồm đại diện của hơn 30 nước trên thế giới và hơn 40 đại học tại Mỹ để chủ yếu bàn tình hình ở Nam Việt Nam và tình trạng của sinh viên Việt Nam trước sự đàn áp của chính quyền Sài Gòn.[32]
Như đã thấy ở trên, thông tin về phong trào đô thị được nhiều báo và tập san viết đến, trong đó một trong những tờ báo quan trọng là tờ Tin Sáng không phải vì nó là tờ báo lớn nhứt trong khoảng 30 tờ báo ở miền Nam, nhưng vì nó là một tờ báo tiến bộ với sự cộng tác của nhiều nhân vật quan trọng trong Quốc hội và trong nhiều thành phần chính trị và tôn giáo tại miền Nam. Thêm vào đó những nhân vật này phần lớn là người Công giáo, như hai ông chủ biên Ngô Công Đức và Hồ Ngọc Nhuận, cho nên lời nói của họ được nhiều người Mỹ tin tưởng. Mặc dầu là dân biểu Quốc hội (nên được hưởng quyền bất khả xâm phạm) và là cháu của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Tổng thống Thiệu gọi ông Ngô Công Đức là tay sai Cộng sản và bắt giam ông Đức 5 ngày năm 1971. Văn phòng của ông Đức bị đặt bom plastic hai lần trong năm 1970 và cuối cùng bị thiêu rụi vào tháng ba năm 1971. Từ tháng 3 năm 1970 cho đến tháng hai năm 1972 tờ Tin Sáng bị tịch thu 295 lần, nhưng hầu hết các số bị tịch thu đã được ban biên tập tìm cách gởi sang cho Vietnam Resource Center qua hệ thống bưu điện quân sự của Mỹ (APO) cho nên chỉ vài ngày sau là nhận được. Các báo khác và các thông tin khác cũng phần lớn qua ngả này và sau đó được nhanh chóng dịch, phân tích, và phổ biến.[33] Ngô Công Đức cũng có quan hệ tốt với nhiều ký giả nước ngoài và nhiều lần được các tờ báo nước ngoài mời viết bài. Một ví dụ là bài “Anti-Americanism: Common Cause in Vietnam” (Chống Mỹ: Mục Đích Chung ở Việt Nam) đăng trong số tháng 2 năm 1971 của tập san The Progressive tại Mỹ. Dân biểu Lý Quí Chung trong nhóm Tin Sáng (sau khi Tin Sáng bị đóng cửa thì Lý Quí Chung sang bên Điện Tín, cùng một nhóm thành lập), thuộc khối Phật giáo trong Quốc hội và trong cánh của Tướng Dương Văn Minh, năm 1970 xuất bản với một nhà xuất bản lớn tại Mỹ một cuốn sách gồm nhiều bài dịch từ Tin Sáng.[34]
Qua các hoạt động như trên, “nhiều cá nhân và nhóm chính trị rất đa dạng” (theo lời nói của bà Nguyễn Thị Bình được trích ở trên) đã giúp cho nhân dân trong nước và trên thế giới, đặc biệt là người Mỹ, thấy rõ hơn bộ mặt độc tài của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và tại sao càng ngày càng nhiều người Việt Nam chống chính sách và sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam. Để lừa quần chúng Mỹ và để có thể chứng minh rằng chính quyền Sài Gòn là một chính quyền có chính danh, Mỹ và Thiệu cho tổ chức bầu cử Quốc hội để dọn đường cho việc Thiệu chắc chắn thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3 tháng 10 năm 1971. Các cuộc bầu cử này cũng nhằm phá hoại cuộc đàm phán tại Paris và các đề nghị của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời về một chính phủ liên hiệp lâm thời, về trung lập, về đình chiến và về tự do. Cương lĩnh bầu cử tổng thống của Thiệu là chính sách “bốn không”: không có chính phủ liên hiệp dưới bất cứ một hình thức trá hình nào, không có nhượng đất đai cho Cộng sản, không có trung lập thiên Cộng, và không có chủ nghĩa Cộng sản được tự do tuyền bá và đảng Cộng sản được hoạt động ở Nam Việt Nam.[35] Ông Thiệu đã chính thức tuyên bố rằng trung lập tức là thiên Cộng. Ồng nói Cộng sản tuyên bố trung lập là không theo Mỹ hay theo Cộng sản, nhưng thật ra Cộng sản muốn miền Nam trung lập là vì họ muốn Mỹ không có cớ ở lại miền Nam.[36]
Trò bầu cử này đã bị các cá nhân và nhóm trong phong trào đấu tranh đô thị lật tẩy và phá vỡ. Các báo Sài Gòn, đặc biệt là Tin Sáng, cho biết Mỹ đã ủng hộ chính phủ Thiệu trong việc dồn phiếu cho các ứng cử viên ngay trước ngày bầu cử. Các ứng cử viên đối lập bị đánh đập, bị bắt, và bị dọa là sẽ bị giết. Lính của chính quyền được gởi đến các trạm bỏ phiếu để bỏ phiếu nhiều lần cho các ứng cử viên trong danh sách phe của Thiệu. Và tại nhiều làng hơn hai phần ba lá phiếu không được đưa cho cử tri vì chính quyền nghi rằng những cử tri đó sẽ không đầu phiếu danh sách của Thiệu.[37] Tuy vậy, chính Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cũng đã phải tuyên bố tại Sài Gòn là những vi phạm và gian lận trong cuộc bầu cử được nêu trên các báo chí thật ra chỉ bằng 25 phần trăm của những gì đã xảy ra trên khắp nước. Ông Kỳ nói tiếp là theo những gì chính bản thân ông biết thì “thật là rùng rợn một trăm phần trăm và không thể tưởng tượng nổi.”[38]
Ngoài việc phơi bày những vi phạm và gian lận trong kỳ bầu cử Quốc hội cho thế giới biết, các cá nhân và nhóm trong phong trào đô thị cũng đã làm áp lực các chính khách, trong đó có Dương Văn Minh, không ra ứng cử tổng thống để Mỹ và Thiệu không thể dùng cuộc bầu cử này để biện minh cho tính chính danh của chính quyền Sài Gòn.[39] Cuối cùng Nguyễn Văn Thiệu phải “độc diễn” và chính quyền Sài Gòn thông báo là theo con số đếm chính thức ông ta được 94,3 phần trăm tổng số phiếu. Chính phủ Mỹ không những không thể dùng trò bầu cử để bịp dân chúng Mỹ cho tiếp tục ủng hộ chính quyền Sài Gòn mà còn bị dư luận thế giới, trong đó có báo chí và chính khách Mỹ, phê phán kịch liệt.[40] Để gỡ gạc, đại sứ Ellsworth Bunker tuyên bố: “You can’t expect too much from this underdeveloped country” (Không có thể đòi hỏi quá đáng từ một nước chưa phát triển như thế này). Và tổng thống Nixon nói: “It’ll take a few more generations before the Vietnamese can enjoy democracy” (Cần một vài thế hệ nữa trước khi người Việt Nam mới có thể hưởng dân chủ). Cách ăn nói này đã gây phản ứng rầm rộ trên các báo Sài Gòn. Một số người viết thư cho các báo, hay thư ngõ cho Bunker và Nixon đăng trên các báo, phản đối sự trịch thượng của hai vị này và sự tàn bạo của đế quốc Mỹ.[41]
Tại Mỹ một số hạ, thượng nghị sĩ đòi cắt viện trợ quân sự cho chính quyền Thiệu. Nhưng tổng thống Nixon đã bào chữa cho việc tiếp tục viện trợ với lý do là 30 trong 91 nước trên thế giới mà Mỹ cấp viện trợ quân sự là những nước mà các nhà cầm quyền được tuyển chọn qua các tiêu chuẩn bầu cử mà đối với người Mỹ là không công bằng. Vì thế, nếu áp dụng những tiêu chuẩn mà nhiều người Mỹ muốn áp dụng ở Nam Việt Nam thì cũng phải cúp viện trợ cho hơn hai phần ba nước đang nhận viện trợ Mỹ lúc đó.[42]
Được sự ủng hộ công khai của Nixon chính quyền Thiệu bắt đầu đàn áp thẳng tay những người tranh đấu đòi hòa bình, trung lập và dân chủ. Trong một bản báo cáo (đăng trong Tia Sáng ngày 2 tháng 2 năm 1972) dân biểu Hoàng Thế Phiệt cho biết có hơn 40 ngàn người ở các địa phương còn ở trong tù vì họ phản đối cuộc bầu cử tháng 10 năm 1971. Ông Phiệt viết là con số này không kể những sinh viên, học sinh đã bị bắt tại Sài Gòn và bị tra tấn không nương tay. Sau đây chỉ là một vài trường hợp lấy ra trong vài số báo từ tháng Giêng cho đến tháng 3 năm 1972 để cho độc giả thấy được một phần nào tình trạng lúc ấy đối với những người đấu tranh trong phong trào đô thị.
Ngày 13 tháng Giêng năm 1972 tờ Tin Sáng Hải Ngoại cho biết là sinh viên Lê Văn Nuôi và hai bạn là Nguyễn Chiến và Trương Minh đã bị đánh què chân trong tù và một học sinh khác tên là Trương Văn Khuê đã bị hỏng mắt và sức khỏe bị đe dọa trầm trọng. Ngày 23 tháng 3 năm 1972 báo Dân Chủ Mới cho biết là vì áp lực của bạn bè trong nước và trên thế giới Lê Văn Nuôi và các bạn được đem ra tòa để xử. Hàng trăm cảnh sát đã phong tỏa tòa và nhiều cảnh sát khác đã được đưa đến Quốc hội và tòa đại sứ Mỹ để củng cố an ninh. Phiên tòa phải chấm dứt khi Lê Văn Nuôi và bạn lấy dao lam rạch tay, rạch bụng, và rạch ngực và lấy máu mình viết các khẩu hiệu chống chính quyền Thiệu trên vách tường của tòa án. Mặc dầu những sinh viên này bị thương, họ bị bắt giải về tù mà không được cứu chữa gì hết. Theo báo Điện Tín ngày 25 tháng 3 năm 1972, sau khi bị giải về tù các học sinh trên lại bị tiếp tục tra tấn. Sự tàn bạo của chính quyền đã khiến cho toàn thể sinh viên học sinh tại Sài Gòn, khoảng 100 ngàn người, phản đối bằng một cuộc nghỉ học dài không thời hạn chấm dứt.
Trường hợp thứ hai là trường hợp của Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch Ban chấp hành lâm thời của Tổng hội Sinh viên miền Nam. Theo báo Tin Sáng Hải Ngoại ngày 3 tháng 3 năm 1972 Mẫm đã bị bắt giam trong tù của chính quyền Sài Gòn và đã bị tra tấn cho đến nỗi máu đã chảy ra từ mắt và tai. Sau khi bị tra tấn Mẫm còn bị gởi đến trung tâm của CIA tại Bến Chương Dương để bị “hỏi cung”, và tại đây Mẫm đã bị tra tấn thêm. Báo Dân Chủ Mới ngày 23 tháng 3 năm 1972 cho biết là trong khi bị CIA giữ Mẫm đã tuyệt thực trong 14 ngày và phải bị truyền nước muối (sodium pentathol) để khỏi chết; nhưng sức khỏe của Mẫm đã bị đe dọa trầm trọng.
Ngày 7 tháng 3 năm 1972 Dân Chủ Mới đăng tin Giáo Sư Ngô Kha, Chủ tịch Mặt trận Văn hoá Dân tộc miền Trung, đã bị bắt và tra tấn dưới sự điều khiển của các cố vấn Mỹ. Ngày 17 tháng 3 Dân Chủ Mới đăng tin là Ngô Thế Lý, chủ tịch Hội Sinh Viên Phật Tử ở Đà Lạt vừa bị bắt và có thể đã bị giết vì đã viết những bài phản đối chính quyền Sài Gòn. Và ngày 24 tháng 3 năm 1972 báo Điện Tín cho biết là bà Ngô Bá Thành, chủ tịch Ủy Ban Phụ Nữ Đòi Quyền Sống, đã bị tra tấn trong tù.[43]
Vì báo chí đăng những tin như trên gần như hằng ngày, chính quyền Thiệu cũng gần như hằng ngày tịch thu các báo. Agence France Press ngày 3 tháng 6 năm 1972 cho biết là trong tháng 4 và tháng 5 năm 1972 các báo tại Sài Gòn đã bị tịch thu 337 lần. Các chủ bút và phóng viên của các báo cũng đã bị trù dập bằng nhiều cách. Một ví dụ là trường hợp của Linh mục Chân Tín, chủ nhiệm tờ Đối Diện. Báo Điện Tín ngày 14 tháng 3 năm 1972 cho biết là ông Chân Tín đã bị kêu án 12 tháng tù và phạt một triệu đồng (khoảng 5000 USD lúc đó). Trước đó ông Chân Tín và hai phóng viên của tờ báo đã bị xử 6 tháng tù vì vài bài biết chỉ trích rất nhẹ nhàng chính phủ và các người trí thức ủng hộ chế độ.
Hình như thấy những biện pháp đàn áp trên vẫn chưa đủ để triệt tiêu phong trào đô thị ngày 19 tháng 5 năm 1972 Thiệu ra lệnh thiết quân luật. Sự đàn áp gia tăng đến nỗi mà ngày 13 tháng 6 năm 1972 tờ New York Post đăng tin là chỉ trong có vài tuần sau thiết quân luật mà đã có hơn năm ngàn người bị bắt bởi chính quyền Sài Gòn và ký giả nói thêm là những người này nhất thiết là những người tù chính trị. Tuần san Far Eastern Economic Review (FEER) ngày 3 tháng 6 năm 1972 đăng một bài khá dài và chi tiết về việc bắt bớ và tra tấn sau khi lệnh thiết quân luật được tuyên bố. Ngoài việc bắt bớ và xét nhà bất cứ lúc nào, nhưng đặc biệt là trong đêm khuya, thì trong tháng 6 chính quyền Sài Gòn cho biết là sẽ bắt khoảng 42 ngàn sinh viên đi lính. Trong số này, theo tờ FEER sẽ có nhiều sinh viên Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Văn Khoa Sài Gòn vì nhiều cuộc biểu tình đã xuất phát từ những nơi này. Ngày 5 tháng 8 năm 1972 tờ San Francisco Chronicle viết là khoảng 14 ngàn thường dân đã bị bắt giam từ tháng 4 năm ấy. Ngày 10 tháng 11 năm 1972 tờ Washington Post cho biết là từ sau Hiệp Định Paris được ký tắt chính quyền Sài Gòn đã bắt thêm 40 ngàn tù nhân chính trị. Ngày 11 tháng 11 năm 1972 chương trình truyền CBS Evening News phát một bản tin trong đó Hoàng Đức Nhã, phát ngôn viên của Thiệu và là một người cháu, khoe rằng từ sau Hiệp Định Paris được ký tắt, chính quyền Thiệu đã bắt 55 ngàn “Communist sympathizers” (người thân Cộng) và giết 5 ngàn người khác. Thông tấn xã Associated Press và chương trình truyền hình CBS Evening News cho thông tin là Tổng thống Thiệu đã đưa ra một sắc lệnh bảo nhân dân miền Nam phải diệt Cộng trước khi, trong khi, và sau khi Hiệp Định Paris được chính thức ký kết. Ngày 4 tháng 11 năm 1972 tờ San Francisco Chronicle trích lời phát biểu của Thiệu trong cùng ngày rằng tất cả ai ủng hộ một chính phủ liên hiệp đều là “trung lập thân Cộng” (pro-Communist neutralists) và vì thế ông Thiệu sẽ không để cho những người nấy sống lâu hơn 5 phút. Cuối cùng, ngày 25 tháng 11 năm 1972 Thiệu ký một sắc lệnh cấm tất cả mọi hình thức biểu tình chống đối. Sắc lệnh này nói là người nào bị nghi là có quan điểm không phù hợp với tình hình hiện thời và trong tương lai, bất cứ về chuyện đối nội hay đối ngoại, sẽ có thể bị tuyên án tử hình bởi một tòa án quân sự.[44]
Những chi tiết trên cho thấy rõ ràng là chính quyền Thiệu muốn tiêu diệt phong trào đô thị để khỏi có một chính phủ liên hiệp. Chính quyền Nixon cũng muốn phá hủy Hiệp Định Paris mà họ đã buộc đã phải ký tắt bằng cách đòi thay đổi khoảng hơn 100 chỗ trong bản ký tắt đó. Khi chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ chối thì Nixon ra lệnh một cuộc oanh tạc thành phố Hà Nội và Hải Phòng với hàng trăm máy bay B-52 bắt đầu ngày 25 tháng 12 năm 1972 mà người Mỹ sau đó gọi là “cuộc oanh tạc Giáng Sinh” (Christmas Bombing). Nhưng cuộc tấn công này đã thất bại và sự chống đối của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới buộc Henry Kissinger phải trở lại bàn đàm bán và ký Hiệp Định Paris mà trong đó chỉ có vài thay đổi nhỏ so với hiệp định đã được ký tắt.
( còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét