Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

Vài nhận xét về “thành phần thứ ba” và “hòa hợp, hòa giải dân tộc”- phần 2





Ngô Vĩnh Long

PHẦN 2

3. Vài đóng góp trong thời kỳ 1973-1975



Ngoài việc thiết lập một “Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần ngang nhau” như điều khoản 12 đã được trích ở trên, Hiệp Định Paris còn công nhận hai thực thể chính trị ngang nhau ở miền Nam là chính quyền Sài Gòn và Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời; và hai chính thể này phải tiến đến một giải pháp chính trị trong tình trạng có đầy đủ các quyền dân chủ và không có sự can thiệp của Mỹ (các điều khoản 1. 4. 8, 9 và 11.) Điều khoản 8c nói rõ rằng tất cả các tù chính trị đều phải được thả “trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, nhằm chấm dứt thù hằn, giảm bớt đau khổ và đoàn tụ các gia đình.” Nhưng đối với chính quyền Thiệu thả tù chính trị tức là giúp cho phong trào chống đối càng có thêm nhiều người tham gia. Nguyên văn điều khoản 11 như sau:

Ngay sau khi ngừng bắn, hai bên miền Nam Việt Nam sẽ:

– Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hằn, cấm mọi hành động trả thù và phân biệt đối xử với những cá nhân hoặc tổ chức đã hợp tác với bên này hoặc bên kia;

– Bảo đảm các quyền tự do dân chủ của nhân dân: tự do cá nhân, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do hoạt động chính trị, tự do tín nguỡng, tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống, quyền tư hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.

Điều này có nghĩa bất cứ cá nhân hay tổ chức nào cho mình không theo chính quyền Sài Gòn hay Chính phủ Cách Lâm Thời đều có quyền đi truyền bá một chủ nghĩa trung lập. hay một chính phủ liên hiệp mà không bị đàn áp. Nhưng ba ngày trước khi ký Hiệp Định Paris Kissinger còn tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng chính sách của chính phủ Mỹ là không “áp đặt một chính phủ liên hiệp hay một chính phủ liên hiệp trá hình trên nhân dân Việt Nam” (“imposing a coalition government or a disguised coalition government on the people of South Vietnam.”)[45] Trong khi đó thì vào ngày 23 tháng Giêng năm 1973 Nixon tuyên bố trên các đài truyền thanh và truyền hình rằng Hoa Kỳ “vẫn tiếp tục công nhận chính phủ Cộng Hòa Việt Nam như là chính phủ chính danh độc nhất” (“continue to recognize the government of the Republic of Vietnam as the sole legitimate government of South Vietnam.”[46])

Được thể, Tổng thống Thiệu lập tức nhấn mạnh lại lập trường “bốn không.” Sau đó, trong một bài phỏng vấn đăng trong Vietnam Report (số 15 tháng 7 năm 1973), ông Thiệu nói rằng “bọn Việt Cộng muốn thiết lập trong vùng họ kiểm soát một chính quyền, một chính quyền thứ hai ở miền Nam” được nhiều sự ủng hộ quốc tế để dẫn đến một “chính phủ liên hiệp màu hồng.”[47] Do đó, ông Thiệu nói tiếp: “Thứ nhất, chúng ta phải ráng hết sức để Mặt Trận Giải Phóng không có thể thiết lập một quốc gia, một quốc gia thứ hai ở miền Nam.” (Nguyên văn tiếng Anh: “In the first place, we have to do our best so that the NLF cannot build itself into a state, a second state within the South.”) Và thứ hai là dùng mọi hình thức và điều kiện trong tay để ngăn cấm không cho một lực lượng thứ ba hình thành vì tất cả các nhân vật trong thành phần thứ ba đều thiên cộng và phản quốc. Cuối tháng 4 năm 1972, Hoàng Đức Nhã tuyên bố là nếu không phải quốc gia thì là Cộng sản, chứ không có thành phần thứ ba thứ tư gì hết.[48] Và Dân biểu Nguyễn Bá Cẩn, chủ tịch hạ viện của Quốc hội, nói là “không có chuyện hòa giải, hòa hợp dân tộc” với các lực lượng chính trị đối lập.[49]

Để đối với “bốn không” của chính quyền Thiệu thì chính phủ miền Bắc đã đưa ra chủ trương “5 cấm” cho quân đội của họ ở miền Nam cũng như quân lính của Chính phủ Cách Mạng Lâm thời: không được tấn công địch, không được tấn công quân địch khi nó hành quân chiếm đất, không được bao vây đồn địch, không được pháo đồn địch, và không được xây ấp chiến đấu. Sau này, trong một bài viết đăng trên Tạp Chí Lịch Sử Quân Đội (số tháng 3 năm 1988), ông Lê Đức Thọ giải thích là một trong những lý do lúc đó chính phủ miền Bắc có chính sách dè dặt là vì Liên Xô đã giảm viện trợ cho Việt Nam và Trung Quốc đã cắt hết tất cả các chương trình viện trợ kinh tế. Nixon và Kissinger đã cho Thiệu biết trong cuộc viếng thăm Nhà Trắng vào tháng 3 năm 1973 là Liên Xô và Trung Quốc sẽ kiềm chế Hà Nội bằng cách giảm viện trợ.[50]

Trong khi phía cách mạng gặp phải những hạn chế kể trên thì chính quyền Sài Gòn được Mỹ cung cấp viện trợ quân sự cho đến mức mà, theo lời điều trần của Trung Tướng Peter Olenchuck trước Quốc hội Mỹ, thì các quân chủng của Mỹ đã bị thiếu hụt trang bị ngay trong nước và cả ở bên Âu Châu.[51] Do đó chính quyền Thiệu đã lập tức điều hành các cuộc “hành quân tràn ngập lãnh thổ” để chiếm các vùng dưới quyền kiểm soát của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời và tha hồ dội bom và nả pháo vào các vùng đó. Một báo cáo của Thượng Viện Mỹ tháng 6 năm 1973 cho biết quân đội Sài Gòn mỗi ngày bắn pháo 105 ly vào các vùng giải phóng ở các tỉnh miền Trung với tỷ lệ nhiều hơn là tổng số các đầu đạn đó được sản xuất mỗi ngày tại Mỹ.[52] Tờ Washington Post ngày 16 tháng 2 năm 1974 trích một báo cáo của Lầu Năm Góc (Pentagon) cho biết là quân đội Sài Gòn “nhắm mắt mà bắn” (“fire blindly”) vào các vùng của phía cách mạng vì họ thừa biết là sẽ được Mỹ tái cung cấp (“knew full well they would get all the replacement supplies they needed from the United States”). Ngoài việc nả pháo và dội khoảng 15 ngàn trái bom mỗi tháng, chính quyền Sài Gòn còn khoe là mỗi tháng có hàng ngàn cuộc hành quân để tái chiếm các vùng quê miền Nam. Một báo cáo của Tỉnh Ủy Long An sau này cho biết là sau khi Hiệp Định Paris được ký mỗi ngày mỗi làng trong tỉnh dưới sự kiểm soát của cách mạng đã bị dội bom 4 đến 5 lần và bị nả pháo trung bình khoảng một ngàn quả. Từ tháng 5 cho đến tháng 8 năm 1973 phía cách mạng phải đương đầu với 3300 (ba ngàn ba trăm) cuộc hành quân của địch và nhiều cuộc hành quân này đã gồm vài sư đoàn.[53] Nói chung, các vùng giải phóng đã bị thiệt hại nặng nề trong hai năm 1973-1974.

Trước tình hình nói trên, các cá nhân và các nhóm trong phong trào đô thị đã dựa vào các điều khoản được đảm bảo trong Hiệp Định Paris về các quyền tự do đã được trích ở trên cho các thành phần chính trị ở miền Nam, trong đó có “thành phần thứ ba”, để tranh đấu với chính quyền Sài Gòn trên nhiều lãnh vực. Một trong những lãnh vực đó là vấn đề trả tự do cho các người tù chính trị. Một ví dụ là “Ủy ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù miền Nam Việt Nam” đã cho ra đời tờ Tin Lao Tù (bằng ronéo) và tại Mỹ bản tin này đã được Vietnam Resource Center thường xuyên dịch ra và đưa cho các báo chí Mỹ cũng như nhiều hạ, thượng nghị sĩ Mỹ. Tháng Giêng năm 1972 Ngô Công Đức, lúc đó đang ở Stockholm (Thụy Điển), tung ra một bài khá chi tiết về chế độ lao tù ở miền Nam và con số khoảng 200 ngàn tù chính trị tại các nhà tù lớn như Chí Hòa, Phú Quốc, Thủ Đức, Tân Hiệp và Côn Sơn cũng như các trại giam ở các tỉnh. Vietnam Resource Center đã dịch và chú thích tài liệu này và gởi đến cho các báo cũng như đưa cho các tổ chức tại Mỹ để họ gặp các đại diện của họ ở Quốc hội làm “lobby.”

Một kết quả là giữa tháng 3 năm 1973 Jerry Tinker, một trợ lý của Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy, đã hướng dẫn một phái đoàn điều tra của Quốc hội Mỹ sang Việt Nam. Phái đoàn đã gặp “Ủy Ban Vận động Chế Độ Lao tù miền Nam Việt Nam” ngày 18 tháng 3 và hứa sẽ phổ biến tin tức về chế độ lao tù và tình trạng của các tù nhân chính trị cho nhân dân Mỹ biết. Trong một bài diễn văn tại thượng viện Thượng Nghị Sĩ Kennedy cho biết là chính quyền Sài Gòn đã thay đổi các hồ sơ tù nhân chính trị thành “thường phạm” (common criminals). Kennedy trích một báo cáo của Đại Sứ Quán Mỹ tại Sài Gòn cho ủy ban do ông làm chủ tịch rằng trước và sau Hiệp Định Paris được ký chính quyền Thiệu đã thay đổi hồ sơ của các tù chính trị thành thường phạm bằng cách nói là họ đã bị tù vì đã có vi phạm về thẻ căn cước hay vì trốn lính.[54] Thượng Nghị Sĩ Kennedy cho biết là trong khi Đại Sứ Quán của Mỹ ở Sài Gòn và Bộ Ngoại Giao của Mỹ công nhận là có tù chính trị và họ có bị tra tấn, hai cơ quan này nói chuyện tù nhân là chuyện nội bộ của Nam Việt Nam. Thương Nghị Sĩ Kennedy nói rằng ông không hiểu nổi lý luận này vì chính phủ Mỹ vẫn chi tiền cho hệ thống lao tù ở Việt Nam và vẫn đào tạo cảnh sát và các nhân viên tra tấn trong tù. Theo Kennedy, tài liệu của chương trình viện trợ cho hệ thống lao tù ở Việt Nam mà AID (Agency for International Development) nộp cho ủy ban của ông tại Thượng Viện cho biết là trong năm 1973 Mỹ đã chi tiền để thiết lập 329 trại giam (“detention centers”) và định sẽ dùng thêm 12,2 triệu USD nữa cho “Fiscal Year 1974” (“Năm Tài Chính,” bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 1973 cho đến ngày 30 tháng 6 năm 1974) cho hệ thống lao tù ở Nam Việt Nam. Kennedy lưu ý là số tiền chính phủ Hoa Kỳ thông báo cho ủy ban của ông chỉ là một số tiền rất nhỏ so với tổng số được chi tiêu cho việc đàn áp của chính quyền Sài Gòn trong hệ thống nhà tù. Kennedy nói tiếp là việc che đậy và tráo trở của chính quyền Mỹ đối với việc tiếp tục tài trợ cho hệ thống cảnh sát và lao tù tại Nam Việt Nam là việc không thể hiểu được. (Nguyên văn lời nói của Kennedy: “The administration’s cover-up and deception on continuing support of the police and prison system in South Vietnam defies understanding.”)[55]

Ngoài vấn đề tù chính trị các cá nhân và nhóm trong phong trào đô thị miền Nam cũng đã dùng các quyền “tự do đi lại, tự do cư trú, tự do làm ăn sinh sống” được bảo đảm trong điều khoản 11 của Hiệp Định Paris để tranh đấu cho những người trong các “trại tị nạn Cộng sản” và những người tị nạn chiến tranh đang sinh sống chung quanh các thành phố được trở về quê quán. Theo một nghiên cứu của thượng viện Mỹ thì đến năm 1972 ở miền Nam đã có 10 triệu người tị nan trong tổng số dân là 18,2 triệu.[56] Năm ngày trước khi Hiệp Định Paris được ký chính quyền Thiệu đã cho đăng một số công bố ngày 22 tháng Giêng năm 1973 trên tờ Tin Sống, cơ quan ngôn luận bán chính thức của chính quyền, rằng ai xúi dục dân chúng ra khỏi vùng kiểm soát của chính quyền sẽ bị bắt và bị xử tử tại chỗ.

Một vài cá nhân trong phong trào đô thị vội báo cho các ký giả nổi tiếng của các tờ báo lớn tại Mỹ về việc này và vận động họ sang Việt Nam để điều tra. Daniel Sutherland, lúc đó đang ở Hồng Công, lập tức sang miền Nam đi điền dã và sau đó đã viết trên tờ Christian Science Monitor ngày 29 tháng Giêng năm 1973 là không những chính quyền Sài Gòn cấm dân chúng trở về nông thôn mà tại nhiều nơi còn cấm họ không được làm việc ngoài đồng ruộng cách xa làng (“being prohibited from working in the outlying fields”) vì sợ là những vùng này sẽ rơi vào tay Cộng sản. Đến giữa tháng 3 năm 1973 Sutherland lại viết một bài cho biết là chính quyền Sài Gòn đã dùng mọi cách để cấm các người tị nạn chiến tranh trở về quê, kể cả việc bắt họ đứng chụp hình dưới lá cờ của Mặt Trận Giải Phóng để vu khống họ nếu họ bỏ đi.[57] Frances FitzGerald, tác giả cuốn Fire in the Lake đã được giải Pulitzer, sang Việt Nam viết một loạt bài cho tờ New York Times, đã viết trong số ngày 4 tháng 5 năm 1973 rằng chính quyền Sài Gòn đã tịch thu thẻ căn cước của những người trong các trại tị nạn và dọa sẽ bắt họ và dùng bạo lực đối với họ nếu họ bỏ đi. Cảnh sát và lính phòng biên đã bắt những người đi chợ, nói rằng họ gánh đồ cho Việt Cộng và trong những trường hợp như thế này không những hành trang của các người nông dân bị tịch thu mà họ còn bị tra khảo.[58]

Ngoài việc cấm không cho dân tị nạn trở về quê, tờ New York Times ngày 22 tháng 3 năm 1973 cho biết rằng chính quyền Sài Gòn tuyên bố là họ đã chuyển 100 ngàn người tị nạn trong số 660 ngàn ở một số tỉnh miền Trung về khu vực phía bắc của thành phố Sài Gòn. Đây là chương trình di dân mà cơ quan của Mỹ gọi là “Cơ quan Điều phối Dân sự Vụ và Phát triển Nông thôn” (Civil Operations and Rural Development Support, CORDS) cùng chính quyền Sài Gòn đã thiết lập. Trong kế hoạch năm 1973 chi phí cho 600 ngàn người bị di chuyển là 14 USD một người. Nhưng như các báo Sài Gòn cho biết thì cuối cùng người dân không được hưởng gì cả vì tham nhũng. Tờ Hòa Bình số ngày 6 tháng 6 năm 1973, chẳng hạn, cho biết rằng chỉ ở một trại tị nạn ở Đà Nẵng thôi thì khoảng nửa triệu đô la đã bị lấy mất. Các báo Sài Gòn đưa tin, gần như hằng ngày, rằng một phần do tham nhũng và một phần do thiếu lương thực ở các tỉnh miền Trung nạn đói đã hoành hành dữ dội và các báo này thường có những bài rất chi tiết về hoàn cảnh bi đát của những người trong các trại tị nạn. Các báo lớn tại Mỹ cũng đã có những bài về vấn đề này, trong đó cho biết là vào tháng 9 năm 1973 đã có những cuộc biểu tình của dân tị nạn tại ba tỉnh miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam) và tỉnh Long Khánh đòi được trả tự do.[59] Qua đến đầu năm 1974 các báo Sài Gòn đã gắn việc thiếu đói ở các tỉnh với sự tham nhũng của các quan chức chính quyền Sài Gòn, trong đó có Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Xã Hội Phan Quang Đán (người mà được chính phủ Mỹ rất tin cậy và nói là không có thể bị tham nhũng được).[60]

Nói chung là trong giai đoạn 1973-1975 nhiều cá nhân và nhóm tại miền Nam đã dùng Hiệp Định Paris và việc không thi hành các điều khoản trong hiệp định ấy để đấu tranh với chính quyền Sài Gòn và Mỹ trên nhiều lãnh vực. Nhiều “phong trào,” “mặt trận,” “lực lượng,” “ủy ban,” và “nhóm” đã được sáng lập với mục đích làm suy yếu chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Sau đây là tên của một vài tổ chức được sáng lập từ cuối năm 1973:

Phong trào Phụ nữ đòi Quyền sống. (Bà Ngô Bá Thành sáng lập).
Phong trào Thi hành Hiệp Định Paris.
Mặt trận Nhân dân Cứu đói. (Tổ chức lớn nhất ở miền Nam với sự tham gia của các nhóm Công giáo, Phật giáo, Hòa Hảo và Cao Đài. Linh mục Phan Khắc Từ là một trong 3 phó chủ tịch.)
Mặt trận các Tôn giáo vì Hòa bình, Hòa hợp, và Hòa giải. (Dương Văn Minh sáng lập).
Lực lượng Hòa hợp Hòa giải Dân tộc (Một tổ chức Phật giáo do Vũ Văn Mẫu lãnh đạo).
Tổ chức Nhân dân đòi Thi hành Hiệp định Paris. (Ngô Bá Thành sáng lập).
Ủy ban Tranh đấu cho Tự do Báo chí và Xuất Bản. (Dân biểu Nguyễn Văn Binh, anh vợ Ngô Công Đức đứng đầu).
Ủy ban đòi trả tự do cho tù Chính trị của Lực lượng thứ ba.
Ủy ban bảo vệ quyền lợi người lao động (Linh mục Phan Khắc Từ lãnh đạo).
Nhóm các Nhà Lập Pháp Tranh đấu cho Tự do, Dân chủ và Hòa bình.
Các tổ chức này có thể là “năm cha bảy mẹ” và trong đó có một số “lực lượng không có lực lượng” (như có người đã mỉa mai), hay là “rất đa dạng” như báo Đại Đoàn Kết trích bà Nguyễn Thị Bình nói phía trên. Nhưng tất cả đều chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và các chính sách của Mỹ tại Việt Nam.[61] Những cá nhân trong các tổ chức này, như Tướng Dương Văn Minh, đã thay đổi lập trường chính trị của họ từ chống Cộng đến chống Thiệu và chống Mỹ vì hoàn cảnh bi đát của đất nước và dân tộc. Đầu tháng 10 năm 1974, trong một cuộc phỏng vấn với tuần san Far Eastern Economic Review, Tướng Minh tuyên bố: “Chiến tranh đã kéo dài quá lâu. Nhân dân đã chịu khổ đến hết mức rồi. Do đó, chiến tranh ý thức hệ đã mất hết ý nghĩa. Vấn đề khẩn cấp không còn là sự chiến thắng của lập trường chính trị này hay ý thức hệ kia mà là sự sống còn của dân tộc.”[62] Lẽ dĩ nhiên là những cá nhân và nhóm bao quanh ông Minh trong những năm 1973-1975 có lập trường chính trị khác nhau, có các cá nhân “tả khuynh” như Ngô Công Đức và Lý Quí Chung và “hữu khuynh” như Thượng nghị sĩ Vũ Văn Mẫu và Dương Minh Đức (con trai ông Dương Văn Minh.) Nhưng đây là vấn đề khá “phức tạp”. Khó có thể xác định lập trường chính trị thật sự của các cá nhân dựa trên những lời tuyên bố của họ lúc này hay lúc khác vì có thể trong thời điểm đó họ đang cần vận động dư luận về một vấn đề nào đó, hay một tổ chức chính trị đặc biệt nào đó.

Ông Dương Văn Minh có lập một “văn phòng chính trị” tại Sài Gòn do Dương Minh Đức và một số nhân vật khác điều khiển. Dương Minh Đức thường chạy sang Pháp, và sau đó sang Mỹ, nói là đại diện bố để gọi là trao đổi ý kiến với một vài nhóm chính trị.[63] Tháng Giêng năm 1975 Ngô Công Đức được mời sang Mỹ để gặp các tờ báo Mỹ và các chính trị gia Mỹ để nói về chế độ lao tù ở miền Nam và để dự “The Assembly to Save the Peace Agreement” tại Hoa Thịnh Đốn. Sau cuộc họp này, mấy ngàn người đã đi đến văn phòng của các hạ, thượng nghị sĩ để đòi họ cắt viện trợ cho chính quyền Sài Gòn. Lúc đó chính quyền Sài Gòn và Nhà Trắng đòi Quốc hội Mỹ chi thêm 300 triệu USD quân viện cho Sài Gòn. Ngô Công Đức được mời đi gặp các hạ và thượng nghị sĩ và đã yêu cầu họ là không nên viện trợ cho chính quyền Sài Gòn để tiếp tục chiến tranh nữa.[64] Dương Minh Đức nhất định tháp tùng Ngô Công Đức sang Mỹ mặc dầu không được ai mời để mong kềm kẹp hoạt động của Ngô Công Đức. Nhưng trước cuộc họp ở Hoa Thịnh Đốn Ngô Công Đức quyết định mời Dương Minh Đức trở về Pháp.[65]

Ông Vũ Văn Mẫu cho mình là người “quốc gia,” có lẽ vì ông là thượng nghị sĩ của chính quyền Sài Gòn hay là đại diện của nhóm Phật giáo Ấn Quang. Ông Mẫu đã có những tuyên bố “lúc này lúc kia.” Khi ông công bố “Lực lượng Hòa hợp Dân tộc” đầu tháng 9 năm 1974 thì ông nói mục đích chính tổ chức này là tạo một “bầu không khí hòa hoãn” trong nước và ngoài nước hòng để chấm dứt chiến tranh.[66] Tháng 9 năm 1974 ông tuyên bố rằng dân chúng miền Nam có thể sống trong đoàn kết và không có một lực lượng nào được khống chế lực lượng khác và tự gắn cho mình danh nghĩa đại diện cho tất cả.[67] Hai tuyên bố trên rõ ràng là tiến bộ hay “tả khuynh” hơn tuyên bố cùng tháng 9 này của ông Dương Văn Minh là muốn lãnh đạo các lực lượng thứ ba bằng cách kết hợp tất cả các lực lượng chống chính quyền Thiệu vì tự do báo chí, vì hòa bình và vì một chính quyền trong sạch.[68] Sang năm 1975 thì có vẻ ông Mẫu “hữu khuynh” và “quốc gia” hơn trong như trong hai ví dụ sau đây: Cuối tháng 3 năm 1975 Vũ Văn Mẫu đòi Nguyễn Văn Thiệu từ chức để cho “những lực lượng quốc gia thật sự” có thể hình thành.[69] Ngày sau đó ông Mẫu tố cáo ông Thiệu là “đã đánh mất trong dưới hai tuần nhiều đất đai và nhiều dân số hơn hai mươi năm trước đó.”[70] Nhưng vài ngày sau đó, khi gặp một phái đoàn Quốc hội Mỹ sang Sài Gòn tìm hiểu tình hình thì ông Mẫu đã yêu cầu họ cắt viện trợ cho chính quyền Thiệu.[71]

Không những các cá nhân “tả khuynh” và “hữu khuynh” chung quanh Dương Văn Minh đã gặp nhau trên vấn đề Thiệu phải ra đi và Mỹ phải cắt viện trợ như trên, những nhân vật lúc trước cực kỳ chống Cộng như Linh mục Nguyễn Quang Lãm đã đi đến nhận định rằng chính quyền Sài Gòn đã thối nát đến tận xương tủy và dẫu có thêm 3000 tỷ thay vì 300 triệu Mỹ kim thì cũng không có thể cứu vãn được nữa. Linh mục Lãm viết tiếp là càng có thêm nhiều tiền càng sụp đổ mau hơn.[72] Trước tình thế trên, Mỹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc bắt Thiệu từ chức tối ngày 21 tháng 4 năm 1975 và mời ông Trần Văn Hương thay thế. Ông Hương là ứng cử viên phó tổng thống trong cuộc “độc diễn” của ông Thiệu năm 1971. Ông Hương yêu cầu Quốc hội bổ nhiệm ông Dương Văn Minh làm tổng thống. Lưỡng viện và các phe phái tranh nhau ghế ngồi trong chính quyền mới cho đến ngày 27 mới thông qua yêu cầu của ông Hương; và ngày 28, trong lúc 14 sư đoàn Quân đội Nhân Dân đang tiến vào Sài Gòn thì ông Dương Văn Minh mới chính thức thành tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa. Thay vì “tử thủ” như một số người kêu gọi hay chịu theo áp lực của Đại sứ Jean-Marie Mérillon của Pháp đòi thương lượng với phía cách mạng vào giờ chót để lập một chính phủ liên hiệp, ông Dương Văn Minh quyết định đầu hàng vô điều kiện. Trong khi ngồi chờ đại diện phía cách mạng đến gặp để nhận đầu hàng, ông Minh nói với một ký giả của hãng thông tấn Pháp rằng: “Sinh mạng con người, sinh mạng người Việt, sinh mạng người Pháp, phải được cứu. Bảo đại sứ Pháp là anh đã gặp tôi ở đây.”[73]



4. Thay lời kết



Mặc dầu quyết định đầu hàng của ông Dương Văn Minh đã giúp cứu được bao sinh mạng, trình bày ở trên cho thấy các thành phần trong phong trào đấu tranh đô thị đã có những “đóng góp nhất định” trong giai đoạn từ 1968-1975 như ông Võ Văn Kiệt và bà Nguyễn Thị Bình đã khẳng định. Các cá nhân và tổ chức đã giúp tranh thủ dư luận quần chúng tại Việt Nam và trên thế giới chống các chính sách chiến tranh của chính quyền Sài Gòn và chính phủ Mỹ. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ Mỹ không muốn có một chính phủ liên hiệp gồm ba thành phần ở miền Nam vì họ sợ thua trong một cuộc đấu tranh chính trị. Họ đã sử dụng vũ lực và nhiều hình thức đàn áp khác với hy vọng triệt tiêu cách mạng và phong trào đối kháng tại đô thị. Nhưng, ngược lại, chính quyền Sài Gòn đã sụp đổ cho nên không còn điều kiện thành lập một chính phủ liên hiệp gồm “ba thành phần” như Hiệp Định Paris đã qui định và như chính phủ miền Bắc cũng như Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đã kêu gọi. Không có một chính phủ liên hiệp thì không có “thành phần thứ ba” trong ngoặc kép như báo Đại Đoàn Kết đã đề cập đến ở đầu bài này. Và không có “thành phần thứ ba” thì không có chuyện cái thành phần không được hình thành này đóng vai trò hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Tuy nhiên, trong khi chiến tranh chưa kết thúc và miền Nam có hai lực lượng quân sự và chính trị ̶ Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời và Chính quyền Sài Gòn ̶ thì người ta có thể gọi chung các tổ chức và các nhóm không thuộc hai chính phủ này là lực lượng thứ ba. Trong thời gian từ năm 1968, tức là thời gian chiến tranh cao độ dẫn đến phân cực ghê gớm, các nhóm “rất đa dạng” lúc đó đã cùng nhau chống chính quyền Sài Gòn và các chính sách của Mỹ và tranh đấu cho các quyền con người, cho hòa bình, và cho hòa hợp, hòa giải dân tộc. Các hoạt động của các cá nhân trong phong trào đô thị lúc ấy đã có những “đóng góp nhất định” cho “ngày chiến thắng” mà tít báo Đại Đoàn Kết trích đầu bài này đã viết rất đúng. Nhưng đã chiến thắng, đặc biệt qua hình thức quân sự, thì việc hòa hợp, hòa giải là của phe chiến thắng chứ không phải của các nhóm tranh đấu trong thời kỳ còn chiến tranh. Ngày 2 tháng 5 năm 1975 chính phủ mới đã ra lệnh giải tán tất cả các tổ chức chính trị được thành lập dưới chế độ cũ.[74] Các tổ chức có thể gọi là “xã hội công dân” như “Phong trào Phụ nữ Đòi Quyền Sống” tự giải thể vì, như bà Ngô Bá Thành đã tuyên bố, sau chiến tranh nó không còn lý do để tồn tại nữa.[75] Tất cả các nhóm phụ nữ khác được sát nhập vào “Hội Phụ Nữ Giải Phóng,” các tổ chức công nhân được sát nhập vào các “Ủy Ban Cách Mạng Nhân Dân,” và các tổ chức tôn giáo được sát nhập vào các tổ chức tôn giáo của Mặt Trận Giải Phóng.

Việc giải tán và tự giải thể kể trên lúc đó không có một lời phản đối nào của những người trong các tổ chức đó hết cả, mặc dầu họ đã đương đầu rất gay gắt với chế độ cũ mà không hề tỏ ra sợ sệt gì cả. Vậy không rõ tại sao, như bà Nguyễn Thị Bình thừa nhận ở trên rằng, 36 năm sau ngày chiến thắng, còn “nhiều người ngại nói đến lực lượng thứ ba”? Sợ kể công họ ra là mất hào quang chiến thắng cho mình chăng? Hay sợ không còn được độc quyền chia chiến lợi phẩm? Chiến tranh càng lâu dài càng tạo phân cực ngày càng lớn trong xã hội. Do đó, muốn hàn gắn vết thương chiến tranh và tạo điều kiện cho việc hòa hợp, hòa giải dân tộc thì người chiến thắng thường nên tỏ ra hào hiệp. Ít nhất thì cũng nên mở cửa cho tương lai bằng xét lại quá khứ (chứ không phải khép kín) một cách trung thực và công bằng. Không có công bằng khó có thể có một xã hội dân chủ và hài hòa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét