Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

Người Việt Nam từ đâu đến?






Trương Thái Du 


Đất phát tích của văn minh Việt Nam hiện đại là châu thổ sông Hồng. Trước công nguyên nó vốn hoang sơ, vì cách đó 2.000 năm toàn bộ gánh lúa bắc bộ nằm dưới mực nước biển. Hồ Lãng Bạc, nơi Hai Bà Trưng quyết chiến với Mã Viện chắc chắn đã được sa bồi trong hoàn cảnh nước rút để tạo ra nền móng cho Hà Nội.

Người Việt Nam ngày nay chủ yếu là con cháu cư dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Cuối thời Tây Hán dân số hai nơi đó là 120.230 + 166.013 = 286.243 người. Năm 1932 Tản Đà viết: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.” Có tài liệu khác dẫn con số nhỏ hơn là 17,702 triệu người. Nghĩa là sau 1932 năm, dân số Việt Nam tăng từ 61,8 đến 87,33 lần. Theo một tài liệu tổng hợp nghiên cứu lịch sử dân số Trung Quốc[1], tỉ lệ tăng của họ trong khoảng tương đương với Việt Nam chỉ là 8,3 lần (500 triệu/60 triệu).

Mặt khác tỉ lệ tăng dân số Việt Nam sau hơn 2000 năm thấp hơn 3,5 lần tỉ lệ tăng dân số của quận Nam Hải thời Tây Hán, tức Quảng Đông ngày nay.
Đối tượng so sánh Dân số thời Tây Hán Dân số năm 2015 Tỉ lệ tăng
Việt Nam 286.243 92.000.000 321,4 lần
Quảng Đông 94.253 108.500.000 1.151,1 lần


Nếu ở Quảng Đông người ta chắc chắn sự tăng dân số kinh khủng như vậy là do dòng nhập cư bắt đầu từ đời Hán, 94.253 khẩu Tây Hán, đã vọt lên 250.212 khẩu thời Đông Hán. Con số ở Việt Nam phức tạp hơn, đòi hỏi các nghiên cứu sâu rộng và chính xác hơn, cũng như tham khảo kỹ lưỡng khoa học di truyền. Quyển sách này chỉ xin gợi ý vai trò của người di cư với cơ cấu dân số nói riêng và văn hóa lịch sử Việt Nam nói chung.

Dân gian Việt Nam hay nói: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”. Điều này không chắc đã sai, dù từ lúc Hai Bà Trưng bỏ mình đến khi Ngô Quyền xưng vương là chưa đến 900 năm. Nó đơn giản chỉ là thứ ca từ của dòng nhạc sến rẻ tiền, rên rỉ, sản phẩm của tư duy âm tính yếm thế, nhược tiểu. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” khóc lóc gợi ý sự thương hại của tha nhân trên cơ sở bản ngã yếu hèn. Do đó đầu tiên nó phản bội Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai bà mẹ kiêu hùng của lịch sử Việt Nam, thà chết chứ không đầu hàng cường tặc. Bất cứ sử gia hạng bét nào trên thế giới cũng có thể đặt câu hỏi: Tại sao không phải là một ngàn năm đánh đuổi giặc Tàu?

Tuy vậy “nô lệ” hay “đánh đuổi” thực ra đều phiến diện. Nếu từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ mười, mảnh đất Việt Nam không dang tay bác ái với những người di cư yêu tự do và lao động, với các vị Hán quan lương thiện đã chọn quận Giao Chỉ và Cửu Chân làm quê hương, không tiếp thu Phật giáo đến từ biển, không học hỏi văn minh Hán; họ có thể tự cường để giành độc lập và kiến quốc được không?

Một lần nữa chúng tôi xin nhắc đến thuyết âm dương cổ điển, hay nhị nguyên đối lập như ngày nay người phương Tây định nghĩa: Nhân loại thích gọi thời gian có mặt ngắn ngủi của mỗi cá nhân trên địa cầu là đời sống, mặc dù sống là hành trình đi đến cái chết, chết vô biên mà sống thì hữu hạn. Người lạc quan và có tiền đồ thấy nửa ly nước sẽ bảo nó đầy một nửa, kẻ bế tắc luôn khẳng định đã vơi gần hết.

Theo quan điểm của chúng tôi, người Kinh ở Việt Nam hiện nay hình thành bởi ba nguồn gene và văn hóa:

1. Từ Dạ Lang, liên minh các bộ tộc Lạc Việt trong địa bàn các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam và Vân Nam hiện nay. Ở đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển của mình, thủ lĩnh Dạ Lang đã xưng vương, xây dựng thành quách, cung điện và những cơ cấu chính trị xã hội tiền phong kiến. Xung đột Dạ Lang và Ba Thục ở Hoa nam trước Công nguyên đã phản ánh vào truyền thuyết An Dương vương. Bắt nguồn từ Dạ Lang, ngôn ngữ Việt gọi quốc gia là nước, ký ức xa nhất là 3.400 năm từ thời bị giặc Ân đánh ở Hồ Bắc và Hồ Nam vẫn tồn tại trong truyện cổ tích Thánh Gióng. Người bản địa Lạc Việt ở châu thổ sông Hồng và người Dạ Lang ở Cửu Chân được ghi nhận rất rõ ràng trong Hán sử. Nó chứng thực về mặt chủng tộc và văn hóa, người Việt cổ và người Dạ Lang rất gần gũi. Truyền thuyết Dạ Lang cho rằng một trong những dòng vương hầu của họ có cùng tổ tiên với các vua Sở, mười tám đời vua Hùng bước ra từ đây. Âm Hùng chính là họ của vua Vàng thần thoại Trung Hoa và cũng là họ gốc của cao tổ hoàng gia Sở quốc.

2. Từ nước Việt thời Chiến Quốc. Sau khi suy tàn, quý tộc nước Việt một thời xưng bá ở Trung Nguyên trôi dạt dần về phương nam, đến Mân Việt (Phúc Kiến) rồi Nam Việt (Quảng Đông). Sau năm 111 BC họ lại tiếp tục những cuộc hải hành khó khăn đi về phương nam tìm kiếm tự do và ghé vào trước hết là Cửu Chân, sau đó mới đến quận Giao Chỉ. Họ mang theo totem rái cá và tục thờ chó xa xưa của tổ tiên mình, xâm mình, nhuộm răng đen và ăn trầu theo đó mà đi vào văn hóa Việt Nam. Lịch sử chủng Việt Chiến Quốc kéo dài từ 2.500 đến 3.000 năm.

3. Từ chính Trung Hoa, nguồn gene và văn hóa Hán trong quan binh viễn chinh, tù chính trị bị lưu đày. Họ trấn đóng ở quận Giao Chỉ và Cửu Chân đời này sang đời khác hơn một ngàn năm. Chưa kể quan lại Bách Việt gốc Hoa và người lai giữa Hoa tộc với Bách Việt tộc di cư xuống. Họ khiến ngôn ngữ Việt xuất hiện rất nhiều từ đẳng lập Hán Nôm như Chia Ly, Thân Mình, Hiền Lành, Quái Gở… Hơn nữa, những đợt di dân cách nhau hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm sẽ làm phát sinh những từ ghép đẳng lập Hán Việt – Hán Việt nhưng một âm là Hán cổ đã Việt hóa và biến đổi giọng đọc, và một âm Hán trung đại, như Hận Thù, Tranh Đấu, Hoan Hỉ[2]… Đáng kể nhất là tiềm thức của gene Hán có đúng 4.000 năm lịch sử! Nó sẽ phủ nhận bằng trực giác và cảm tính bất cứ luận chứng nào cho rằng lịch sử mảnh đất Việt Nam không thể dài đến mức ấy.

Lịch sử Việt Nam nên được nhìn bằng tư duy tích cực và thấu hiểu bản chất tương hợp biện chứng của văn hóa và di truyền. Sử học giành độc lập dân tộc đầu thế kỷ 20 đã thần thoại hóa cổ sử để xây dựng các biểu tượng siêu nhiên, nhằm động viên đại chúng và trao cho nhân dân sức mạnh tinh thần của cha ông họ. Tuy là bước lùi so với Khâm Định Việt Sử của nhà Nguyễn, nhưng nó đã giúp người Việt đồng lòng đứng dậy cởi ách nô lệ. Đáng lẽ sử học Marxist sau đó phải trở về với hiện thực, song họ không làm thế. Học thuyết thoát Hán (de-Sinicization) đã được thiết kế công phu bởi nhu cầu địa chính trị, tầm nhìn chỉ năm bảy chục năm. Sách sử tiếp tục huyền thoại hóa, bản địa hóa, tín ngưỡng hóa cổ sử, bất chấp mọi hậu quả. Phong trào bài Hoa – thoát Trung điên cuồng ngoài xã hội hiện nay là gì, nếu không phải sản phẩm của sử học chính thống Việt Nam, bắt đầu bằng Trần Trọng Kim – một trí thức uyên bác nhưng chấp nhận làm tay sai thực dân và sau đó là con rối của Phát Xít Nhật. Việt Nam Sử Lược là quyển sử bằng quốc ngữ đầu tiên nhưng hết sức phi khoa học và thiếu trung thực: Đưa hết truyền kỳ cổ tích hoang đường vào cổ sử, kéo lịch sử Việt Nam đến tận năm 2.897 BC. Trắng trợn biện hộ cho quá trình xâm lược Việt Nam của người Pháp, bẻ cong tất cả những sự kiện liên quan đến các quan Tây dù mới chỉ xảy ra vài chục năm.

Những sử gia chân chính và các nhà chính trị có tầm nhìn nên hiểu nguy cơ tự cô lập, bế quan tỏa cảng từ thời Minh Mạng – Tự Đức đang có khả năng hồi sinh ít nhất là trong dư luận xã hội. Biết đâu một lần nữa nó lại đưa cả dân tộc trở về những năm tháng đen tối, nếu không kịp thời hóa giải.

Cách đối xử với quá khứ của mỗi dân tộc sẽ định hình tương lai chính họ. Nếu yêu chuyện cổ tích hơn các bài học thực tế, họ sẽ chỉ gặt hái được những giả tưởng và ảo ảnh mà thôi./.

——————————————————————–

[1] http://www.china-profile.com/data/fig_pop_0-2050.htm

[2] Tham khảo: http://dvtuan63.blogspot.com/2013/07/nguon-goc-tu-kep-han-viet-viet-ong-nghia.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét