" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017
HỌ NHÀ… ĐẠO!
ĐẶNG HUY GIANG
Trên báo Văn nghệ số 7 ra ngày 14/2/2009, tác giả Đặng Khánh Cường có bài "Một bài thơ Việt được dịch từ một bài thơ tiếng Việt" chỉ rõ: Tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã đạo một bài thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh.
Để "nói có sách mách có chứng", Đặng Khánh Cường đã trích 2 đoạn thơ để độc giả có điều kiện đối chứng. Và Đặng Khánh Cường kết luận: "Nếu ví bài thơ "Khúc hát tháng ba" của Nguyễn Thị Đạo Tĩnh như một ngôi nhà, thì Nguyễn Ngọc Hưng đã chủ tâm dỡ ngôi nhà này ra, dùng tay nghề dựng thành một ngôi nhà khác.
Nhưng tiếc thay từ cột, kèo, đòn tay, cửa chính, cửa sổ… còn nguyên dấu tích của ngôi nhà cũ, chứng tỏ tác giả này không vô tình một chút nào khi biến cái của người khác thành cái của mình".
Kể ra, việc làm của Nguyễn Ngọc Hưng chưa... cao tay. Chỉ trong năm 2008 và 2009, chí ít tôi cũng tìm ra được hai bài thơ của hai nhà thơ đã "mượn" một cách lộ liễu điển xưa tích cũ vốn đã rất nổi tiếng và rất sâu sắc. Để minh chứng cho nhận định này, chúng tôi xin dẫn ra dưới đây để bạn đọc cùng suy xét.
Đây là bài thơ "Đêm" của nhà thơ Tô Nhuần đã đăng trên Tạp chí Nhà văn vào khoảng giữa năm 2008:
Đêm
Gặp người đi đường
Tay xách đèn soi bước đi chậm trễ
Lại gần
Mới biết
Đó là người hỏng mắt
Buột miệng
Tôi hỏi:
- Tại sao dùng đèn?
Người cười:
- Để người sáng mắt
Khỏi va vào bóng đêm.
Bài thơ này, theo tôi là được "phiên ngang", rút ngắn và nói theo chuyện "Giáo lý tối thượng" (trích từ "Giai thoại thiền", NXB Thuận Hóa - 1999):
"Thời xưa ở Nhật, người ta thường dùng những chiếc đèn lồng sườn tre phất giấy trong có gắn đèn sáp. Một đêm nọ, một người mù tới thăm bạn. Khi về, người bạn biếu một đèn lồng để soi đường đi. Anh ta nói:
- Tôi không cần đèn. Đối với tôi, tối và sáng cũng như nhau.
Người bạn đáp:
- Tôi biết anh không cần đèn để soi đường, nhưng nếu anh không cầm một cái, người khác có thể chạy đụng vào anh đó. Anh nên cầm một cái.
Người mù ra về với một chiếc đèn lồng. Anh ta đã đi khá xa, một người chạy đụng vào anh ta.
- Coi kìa, anh đi đâu vậy? - Anh ta than phiền với người lạ - Bộ anh không thấy đèn của tôi sao?
Người lạ đáp:
- Đèn sáp của anh tắt queo rồi, anh ơi!".
Còn đây là bài thơ "Khi cô gái ném đứa con..." của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã đăng trên Tạp chí Thơ số 2 năm 2009:
Khi cô con gái ném đứa con vừa sinh vào lòng thiền sư
"Đây là con ông, ông hãy nuôi nó!"
"Thế à?" - Thiền sư chỉ nói vậy thôi và nâng đứa bé trên tay…
Khi đứa bé lớn lên thành một chàng trai
Có người đàn ông đến đòi con: "Tôi mới là bố nó!"
"Thế à?" - Thiền sư chỉ nói vậy thôi và đứng nhìn theo
Cho đến khi hai cha con người kia khuất vào trong xóm ngõ…
Bài thơ này, theo tôi cũng là được phiên ngang, rút ngắn và nói theo chuyện "Thế à?" (cũng trích từ "Giai thoại thiền" của Viên Đức, NXB Thuận Hóa -1999):
"Thiền sư Haikuin được những người chung quanh ca tụng là người sống trong sạch. Một gia đình người Nhật có một tiệm bán thực phẩm gần nơi Hakuin ở.
Họ có một cô con gái xinh đẹp. Bất ngờ, một hôm cha mẹ cô gái khám phá ra cô có thai.
Việc này làm cha mẹ cô gái nổi giận. Cô gái không chịu thú nhận người đàn ông cô chung đụng là ai, nhưng sau bao nhiêu là phiền phức, cuối cùng lại là tên Hakuin.
Phẫn nộ vô cùng, cha mẹ cô gái đến ngay vị thầy này. Hakuin chỉ thốt lên vẻn vẹn hai tiếng: "Thế à?" rồi thôi.
Sau khi đứa bé sinh ra, nó được mang tới trao cho Hakuin. Lúc đó, Hakuin đã mất hết danh dự, nhưng việc này không làm Hakuin buồn. Hakuin săn sóc đứa bé rất tử tế. Hakuin xin sữa của những bà mẹ hàng xóm và những đồ dùng cần thiết cho đứa bé.
Một năm sau, cô gái không còn chịu đựng được nữa. Nàng nói sự thật với cha mẹ nàng rằng: Người cha thật sự của đứa bé không phải là Hakuin mà là một thanh niên bán cá ngoài chợ.
Lập tức, cha mẹ cô gái đến ngay Hakuin xin Hakuin tha lỗi và xin đứa bé về.
Hakuin ưng thuận. Khi trao lại đứa bé, Hakuin cũng chỉ thốt hai tiếng:
- Thế à?".
Giá như hai nhà thơ khi viết hai bài thơ trên chỉ cần ghi thêm mấy chữ: “Theo Giai thoại thiền", chắc hẳn đã không có bài báo này. Nhưng nếu họ làm thế thì làm gì có... "họ nhà... đạo" nữa nhỉ?
Nguồn: Văn Nghệ Công An
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét