" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016
Kiêu sa” hay là “kiêu xa” ?
Nhiều, rất nhiều người thắc mắc : để tả một phụ nữ (phụ nữ thôi nhé !) có nét thanh lịch, đài các thì gọi là “kiêu sa”, như ngay câu mở đầu nhạc phẩm “Giáng Ngọc” của Ngô Thuỵ Miên : « Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa… » ; nhưng là “kiêu sa” hay… “kiêu xa” ? “S” hay “X” ? Một số học giả đã trưng bày những nhận định như sau :
– « “Kiêu sa” là cách viết có phần “lệch” chính tả vì đúng chính tả thì phải là “kiêu xa” mà Hán tự là 驕奢. Hán Việt Tân Từ Điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng là “hợm mình và hoang phí” còn Việt Nam Tự Điển của Lê văn Đức thì giảng là “kiêu căng xa xỉ”. Có vẻ như, với sự lệch chữ lệch âm từ “xa” thành “sa”, một số người thích dùng hai tiếng “kiêu sa” để chỉ các bà các cô vừa đẹp vừa hãnh diện về cả sắc đẹp trời cho lẫn về y phục và mỹ phẩm mình dùng để tôn thêm cái sắc đẹp đó thì phải. » [An Chi – Bách Khoa Tri Thức]
– « Theo tôi thì vốn chữấy phải viết là “kiêu xa”, và hiểu là kiêu (ngạo) và xa (xỉ). “Kiêu xa dâm dật” 驕奢滛逸 (Từ điển Hán Việt – NXB Trẻ, tr.2234) nghĩa : xa hoa dâm dật. Nhưng thường người ta cứ viết là “kiêu sa” và hiểu là : người phụ nữ đẹp một cách sang trọng và tỏ ra kiêu hãnh, “vẻ đẹp kiêu sa” (Từ điển tiếng Việt, tr.651, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học xuất bản 2007).
Như vậy, “xa” đã biến âm và biến nghĩa thành “sa” (một từ không có nghĩa gì gắn với “kiêu” cả; vì nếu là Hán Việt thì “sa” 沙 : cát, “sa” 紗 : lụa mỏng… đều không dính gì với “kiêu” để tổ hợp thành từ.)
Vậy nét nghĩa “xa” trong tiếng Việt hiện nay đã mờ nghĩa, mất nghĩa ; biến âm và đó cũng là hiện tượng thường thấy : “xán lạn”燦爛 biến thành “sáng lạn” ; “cổ xúy”鼓吹 biến thành “cổ súy”… » [Mai Tiểu Sinh – Hồn Việt]
Với những lập luận trên thì : viết đúng là “kiêu xa” ; và “kiêu xa” hiểu theo nghĩa đen là “hợm mình và hoang phí”, “kiêu căng xa xỉ”, “xa hoa dâm dật”… ; mà nghĩa bóng là để… khen tặng… một phụ nữ đẹp (!)
Ơ hay, sao mà lạ vậy ?! Nếu trông thấy một phụ nữ tuyệt đẹp mang thứ giày-cao-gót-nhọn đi ngang thì có cho tiền tôi cũng không dám “khen”, vì hậu quả thật khó lường. Sao mà nghĩa đen và nghĩa bóng lại có thể đối chọi nhau đến thế ?! Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sau khi lãnh nguyên một “thần chưởng”, tá hoả tam tinh, đâm ra bối rối bèn tung hô vạn tuế cái “bàn tay năm ngón” à ? Tội nghiệp ! Đồng ý rằng ngôn ngữ nước ta rất “đa dạng” và phải biết “hiểu ngầm”, nhưng chắc cũng vừa vừa thôi chứ. Mình nói mình hiểu, người kia không hiểu, ứng theo câu « Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu… » (Phượng Hồng, thơ Đỗ Trung Quân) mà nhỡ là người giày-cao-gót-nhọn ấy thì làm sao ?!
Thật thì không dám tranh biện với các chuyên gia ngữ học mà chỉ xin góp vài ý kiến thô thiển để hòng gỡ chút rối rắm, vì những lí giải trên, với tôi, vẫn chưa “thuyết phục” lắm.
Dẫn theo Hán Tự để giải nghĩa hai chữ “kiêu xa” 驕奢 (chứ không “kiêu sa”) thì các vị học giả và các từ điển nêu trên đều không sai lầm mảy may nào. Nhưng thiết nghĩ : các cụ nhà ta tuy thông thạo Hán Văn nhưng không cứ hễ mở mồm là… xổ Nho ; để thưa rằng không nhất thiết phải vin vào chữ Hán để truy từ căn. Cùng thử tìm về một hướng suy luận khác xem sao…
Trước nhất xin phép phân các tổ hợp từ “kiêu xa” và “kiêu sa” thành “kiêu”, “xa” và “sa” để tìm hiểu cách chi li hơn :
– “Xa” : tiếng Hán có nghĩa là phung phí (ngược với “kiệm”), như xa hoa, xa xỉ…, và còn có nghĩa là “xe” (phương tiện di chuyển) như xe đạp, xe hơi… ; tiếng Ta thì chỉ khoảng cách, ngược với “gần”, như xa lắc, xa xăm, xa lạ, xa rời, xa xôi …
– “Sa” : tiếng Hán là (tơ) lụa, hoặc cát (như sa mạc chẳng hạn) ; tiếng Ta thì đồng nghĩa với động từ “rơi”, chỉ động thái của một vật từ trên xuống, như chim sa cá lặn… (còn có biến âm khác là “sà” : cành cây sà xuống…)
– “Kiêu” theo Hán ngữ thì đúng là “kiêu hãnh”, “kiêu kì”, “kiêu ngạo”… Và, từ nầy còn có âm cổ là “cao” mà một số các cụ già trong Nam còn dùng, như ông nội một người bạn thân có lần mắng tôi là “thằng cao ngạo” thay vì “kiêu ngạo” ; trong Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến Đức vẫn còn dấu vết với chữ “cao kì” đồng nghĩa với “kiêu kì” chẳng hạn. Tiếng nước ta thì từ “cao” có nghĩa ngược với “thấp”, như “cao chê ngỏng, thấp chê lùn”, “trèo cao ngã đau”, “nhớơn chín chữ cao sâu”, trời cao đất dày, cao xanh (trời)…
Theo đó, hai chữ “xa” và “sa” chiếu theo tiếng Tàu rồi tiếng Ta thì đã rõ ràng, không phàn nàn gì cả. Chỉ mỗi chữ “kiêu” (cao) thì có hơi lấn cấn khiến phân vân tí.
Sau nghìn năm bị người Tàu đô hộ, chúng ta vay mượn khá nhiều từ ngữ của họ, nhưng những từ rất đơn giản và khá thiết thực như : ngắn dài, gần xa, cao thấp… mà ông cha chúng ta cũng không có để đến nổi phải vay mượn tiếng Tàu thì có vẻ gì đó không được hữu lí lắm.
Tôi xin trình một giả thuyết như thế nầy : “kiêu” là từ Hán Việt với nghĩa ngạo mạn, bất phục tùng, “làm cao”… “Cao” cũng là từ Hán Việt, là âm cổ của “kiêu” nên mang nghĩa của “kiêu”, và còn có nghĩa chỉ phía trên, đối với “đê” (thấp) ; đồng thời, “cao” cũng lại là từ thuần Việt và cũng chỉ phía trên để đối với thấp – trường hợp đồng âm đồng nghĩa của hai ngôn ngữ là chuyện xảy ra không hiếm, như “mẹ” và “mère” (tiếng Pháp) chẳng hạn, mà không bắt buộc phải xuất phát từ ngôn ngữ nầy hay dân tộc kia rồi lan truyền, mà chỉ là sự trùng hợp. Để minh chứng, tôi xin cử vài ví dụ : thường thì từ kép được lập bởi hai từ cùng gốc (Hán-Hán hoặc Việt-Việt) ; với “cao”, chúng ta thấy có “cao sơn, “cao đồ”, “cao đàm”, “cao kiến, “cao hạ” trong câu “Cao hạ tự tâm”… là những từ kép mà cả hai nguyên tố đều gốc Hán ; nhưng cũng có những “cao thấp”, “cao sâu”, “cao dày”, “cao xa”, “cao xanh” của câu “Chớ đem nông nổi mà nhờ cao xanh” (Kiều)… thì đây lại phải là những từ kép thuần Việt, chứ không thì làm sao ghép với nhau.
Thế thì có thể phỏng đoán : “kiêu sa” không là biến âm của “kiêu xa” mà phải là biến âm của “cao sa”. “Cao sa”, chứ không “cao xa”.
“Cao xa” (với chữ X), tiếng thuần Việt, không phải là không mang ý nghĩa gì : khi chỉ một phụ nữ “cao xa” là khoảng cách không gần (xa cách), với không tới, chẳng chứa đựng mấy thiện cảm nên tôi không cho ấy là khen mà thôi.
Còn “cao sa” (với chữ S), là từ kép thuần Việt, hàm ý từ trên cao xuống (cao = trên ; sa (sà) = xuống), chính là từ nguyên của “kiêu sa”, chỉ phụ nữ đẹp cách quyền quý, cao sang… như… tiên giáng trần. Chỉ một ý duy nhất như thế. Và “sa” đúng là viết bằng chữ “S” cong cong thanh tú như dải đất của chúng ta vậy.
Vũ Hạ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét