Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Vụ Formosa: Đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự


Vụ Formosa: Đủ yếu tố để khởi tố vụ án hình sự




  


“Việc gây ra thảm họa môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản của người dân. Những yếu tố đó có dấu hiệu của tội phạm. Vì vậy, có thể khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường”. Đó là khẳng định của một chuyên gia pháp luật, ông Phạm Đức Bảo, Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội (áo hoa, bên phải).

ĐỦ CƠ SỞ KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Ông Phạm Đức Bảo: Vụ chủ quán cà phê “Xin chào” ở Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh bị khởi tố là nghiêm trọng, nhưng dù sao thì nó cũng chỉ liên quan đến số phận ông chủ quán và gia đình ông. Còn vụ ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế, thực sự là thảm họa, liên quan đến sinh mạng hàng triệu con người. Vì sao lại coi đây là thảm họa? Bởi vì sự ô nhiễm môi trường, gây ra hậu quả rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và ổn định xã hội.

Việc cá chết nhiều chưa rõ nguyên nhân ấy làm cho cuộc sống của hàng triệu ngư dân khó khăn, khốn khổ. Cá nhiễm độc như vậy, đánh bắt về bán cho ai. Những người sống bằng nghề kinh doanh ở các khu vực ven biển sống bằng gì? Bản thân việc cá chết nhiều gây ra ô nhiễm nặng đã đành, cũng có thể có những kẻ lợi dụng, lấy số cá chết ấy đi buôn bán; rồi chế biến nước mắm. Nếu như vậy thì hậu quả sẽ rất khó lường. Rồi thì cuộc sống của hàng mấy chục ngàn diêm dân sẽ ra sao? Làm muối có bị nhiễm độc không?

Cho đến nay đã xác định được cá chết là do nhiễm độc nặng. Thế nhưng nguyên nhân vì sao thì vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải đáp chính thức, có sức thuyết phục cao của cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp cao.

Các cơ quan chức năng đang vào cuộc. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào trực tiếp chỉ đạo và phát biểu rằng, nếu chúng ta không làm được thì có thể thuê chuyên gia nước ngoài giám định để kết luận. Việc kết luận không phải một sớm một chiều, nhưng, theo tôi, cũng phải hết sức khẩn trương. Nếu chúng ta cứ như thế này thì vụ việc còn kéo dài. Rõ ràng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng là chưa đúng mức và chưa quyết liệt.

Trong khi đó, báo chí, người dân còn vào cuộc quyết liệt hơn. Ví dụ, họ tự lặn xuống để kiểm tra đường ống xả nước thải của Fomosa để chứng minh là việc cá chết có liên quan tới việc xả thải của Công ty TNHH Hưng Hiệp (Fomosa Hà Tĩnh).

Sự nghi ngờ và đặt câu hỏi của dư luận không phải là vô lý. Rõ ràng là Fomasa thừa nhận là có xả thải. Các cơ quan chức năng cũng đã có thông báo là trong 3 tháng đầu năm 2016 Fomosa đã xả thải gần 1 triệu mét khối nước ra biển. Như vậy, trung bình mỗi tháng hơn 300.000m3 nước thải công nghiệp được Fomosa xả ra biển. Fomosa cũng đã thừa nhận là nhập về 300 tấn hóa chất cực độc và thừa nhận là có dùng để súc đường ống. Tất cả những việc làm này có gây ra hậu quả ô nhiễm nặng nề không thì còn cần phải chờ kết luận chính thức của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên cá chết đầu tiên ở biển Kỳ Anh (Hà Tĩnh), gần khu công nghiệp Vũng Áng, đặc biệt là trong đó có Công ty Hưng Phát- Fomasa Hà Tĩnh, sau đó lan ra các tỉnh khác là điều có thật. Một thợ lặn bị chết, 5 thợ lặn khác nhập viện cũng là điều có thật. Hơn hai trăm người dân ở Quảng Bình bị ngộ độc do ăn cá biển phải nhập viện.

Nhà báo Lê Thọ Bình: Với những dấu hiệu và chứng cứ như ông vừa nêu ra thì liệu đã có đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường chưa, theo ông?

Ông Phạm Đức Bảo: Như tôi nói ở trên, việc cá chết hàng loạt, rồi người chết khi lặn xuống khu vực bị nghi là nhiễm độc nặng cho thấy nước biển có nhiễm độc. Còn nhiễm độc từ đâu thì phải chờ kết luận chính thức. Tuy nhiên việc gây ra thảm họa môi trường là có thật và nó ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản của người dân; việc sử dụng hải sản; rồi môi trường bị phá hủy. Tất cả những cái đó là có dấu hiệu của tội phạm. Yếu tố tội phạm ở đây là gây ra ô nhiễm môi trường và có hậu quả nghiêm trọng.

Vì vậy, theo pháp luật Việt Nam, khi phát hiện thấy có hành vi phạm tội thì Cơ quan Điều tra phải khởi tố vụ án để tiến hành điều tra nhằm làm sáng tỏ. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện thấy người nào có hành vi phạm tội thì phải khởi tố bị can. Cũng xin nói thêm tội phạm về môi trường là loại tội phạm mới được cả thế giới quan tâm và Việt Nam cũng mới được đưa vào Bộ Luật Hình sự trong những năm gần đây và các tội này vừa được Quốc hội sửa đổi bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.

Nhà báo Lê Thọ Bình: Nếu khởi tố vụ án này thì sẽ khởi tố theo điều nào của Bộ Luật Hình sự, thưa ông?

Ông Phạm Đức Bảo: Cơ quan Điều tra có thể khởi tố vụ án theo Điều 182, Bộ Luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó, tội gây ô nhiễm môi trường là những hành vi cố ý thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Nhà báo Lê Thọ Bình: Nếu có khởi tố thì, theo ông, vụ án hình sự này nên do cơ quan điều tra cấp nào: Trung ương hay địa phương tiến hành?

Ông Phạm Đức Bảo: Vụ việc là nghiêm trọng, lại liên quan đến nhiều địa phương (4 tỉnh miền Trung) và nhiều lĩnh vực nên tôi cho rằng khởi tố điều tra phải thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Bộ Công an. Cũng có thể giao cho Cục Cảnh sát môi trường hoặc Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với Cơ quan điều tra 4 tỉnh có liên quan tiến hành điều tra.

NGƯỜI DÂN CÓ THỂ THU THẬP CHỨNG CỨ KIỆN ĐÒI BỒI THƯỜNG

Nhà báo Lê Thọ Bình: Trong khi chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, thì liệu người dân có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại như kiểu trước đây người dân đã kiện công ty Vedan không, thưa ông?

Ông Phạm Đức Bảo: Khởi tố hình sự vừa là trách nhiệm, vừa là thẩm quyền của cơ quan điều tra để điều tra xem có kẻ phạm tội không và nếu có thì phải đề nghị Viện Kiểm sát truy tố về tội làm ô nhiễm môi trường, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là việc hình sự. Còn người dân có quyền khởi kiện dân sự như vụ Vedan trước đây hay không thì tôi nghĩ rằng người dân, các tổ chức, hiệp hội như nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá, du lịch… hoàn toàn có thể khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra. Tuy nhiên việc khởi kiện phải có căn cứ. Đối tượng khởi kiện là ai? Tổ chức nào? Bởi việc nghi ngờ Fomasa vẫn chỉ là nghi ngờ. Chưa có một cơ quan có thẩm quyền nào kết luận cá chết là do chất thải của Fomasa cả mà chỉ mới nói là cá chết là do bị nhiễm độc. Vì vậy các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần hành động khẩn trương hơn để có kết luận chính thức.

Nhà báo Lê Thọ Bình: Nhưng người dân có thể tổ chức lấy nước thải của Fomasa, hoặc hải sản chết đem đi giám định ở một cơ quan chức năng kia mà…

Ông Phạm Đức Bảo: Điều đó là hoàn toàn có thể được. Vì người dân có quyền tố giác tội phạm, có quyền điều tra độc lập, khách quan và được các cơ quan có thẩm quyền công nhận thì đấy là những chứng cứ mà người dân có thể khởi kiện. Ví dụ, người dân không chờ được kết luận của các cơ quan chức năng do chậm trễ thì người dân có thể hợp tác với nhau tìm mọi cách để điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh rằng việc cá chết đó là có liên quan đến chất thải của Fomasa và khi ấy hoàn toàn có thể khởi kiện.

Nhà báo Lê Thọ Bình: Nếu khởi tố vụ án hình sự và, rất có thể, sẽ có những bị can bị khởi tố. Liệu việc làm này có ảnh hưởng xấu đến tâm lý các nhà đầu tư không?

Ông Phạm Đức Bảo: Chúng ta rất cần các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đầu tư. Tuy nhiên không phải là đầu tư bằng mọi giá, bất chấp sự an toàn sinh mạng của người dân, bất chấp môi trường bị ô nhiễm, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội bị xâm phạm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững chứ không phải bằng mọi giá. Hơn nữa, nếu chúng ta nghiêm khắc, làm đúng luật pháp thì không những tạo ra môi trường đầu tư, môi trường pháp lý lành mạnh, mà còn tạo ra một sân chơi đầu tư bình đẳng với tất cả các nhà đầu tư cho dù họ đến từ châu Á, châu Âu hay châu Mỹ…
Nếu làm được như vậy, theo tôi, tâm lý của các nhà đầu tư chân chính không những không bị ảnh hưởng mà còn lên rất cao.

Nhà báo Lê Thọ Bình: Ngay từ năm 2012 Thanh tra Chính phủ đã có kết luận những việc làm sai trái của chính quyền Hà Tĩnh trong việc cấp đất cho Fomasa và yêu cầu xử lý nghiêm. Nếu thời bấy giờ vụ việc được xử lý thì rất có thể sẽ không có những vấn đề như hiện nay?

Ông Phạm Đức Bảo: Để xảy ra hậu quả mà sau này hệ lụy đến nhiều vấn đề thì cái sai trước tiên là thuộc về chính quyền Hà Tĩnh. Cái đó thì rõ rằng. Việc này Thanh tra Chính phủ đã kết luận rồi. Không có một luật nào cho phép cho thuê đất 70 năm cả. Thanh tra đã kết luận, không những đã đề nghị phải xử lý mà còn đề nghị chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên điều đáng tiếc là sau đó những sai phạm này của chính quyền Hà Tĩnh đã được cấp có thẩm quyền cao hơn là Thủ tướng Chính phủ chấp nhận và coi như chuyện đã rồi. Lẽ ra lúc đó phải xử lý nghiêm thì mọi việc có lẽ sẽ không đến mức như hôm nay!

Xin cám ơn ông!
LÊ THỌ BÌNH

————–
Điều 182: Tội gây ô nhiễm môi trường
1. Người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.


Phạm Đức Bảo thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét