Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA TÂM LÝ HỌC




Lê Thị Thanh Hải

Đề cập đến quan điểm của Tâm lý học đối với sáng tạo nghệ thuật, bài viết chỉ đề cập đến các phần của sáng tạo nghệ thuật mà về nguyên tắc có thể áp dụng được cách phân tích Tâm lý học.



Dù cho khi phân tích về vấn đề này, Tâm lý học có thể rút ra cái gì đi chăng nữa thì cũng chỉ giới hạn ở cấu trúc tâm lý của hoạt động sáng tạo nghệ thuật, chứ không “chạm” đến những tầng sâu kín của nghệ thuật, chạm đến chúng là điều không thể đối với Tâm lý học.

Mặc dù đứng dưới góc độ tiếp cận khác nhau về nghệ thuật nhưng nhìn chung các nhà Tâm lý học đều thống nhất cho rằng, cấu trúc tâm lý của hoạt động sáng tạo nghệ thuật bao gồm ba thành phần cơ bản, đó là: tri giác, tưởng tượng và cảm xúc. Trong đó, tri giác được coi là cơ sở ban đầu, là điều kiện của hoạt động. Tưởng tượng đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo nên hình tượng nghệ thuật, còn xúc cảm là nhân tố làm nền, liên kết, huy động các quá trình tâm lý, là nhân tố thúc đẩy hoạt động của tri giác và tưởng tượng.

1. Tri giác:

Theo L.X.Vưgotxki, quá trình sáng tạo nghệ thuật thực chất là quá trình người nghệ sỹ tiếp nhận sự tác động của thế giới hiện thực một cách nhạy cảm và tinh tế nhất. Sự tiếp nhận này được hỗ trợ bởi sự quan sát và cảm nhận tinh tế của người nghệ sỹ thông qua tri giác. Có thể nói, đây chính là giai đoạn người nghệ sỹ chuẩn bị chất liệu cho quá trình sáng tạo. Đối với người nghệ sỹ tài năng, khi tiếp cận với thế giới hiện thực, họ luôn thể hiện sự tập trung chú ý cao độ để quan sát một cách chi tiết, tỉ mỷ và toàn diện tất cả những gì đang diễn ra xung quanh họ. Một số nhà nghiên cứu cũng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của quan sát khi cho rằng – Thiên tài không phải là cái gì khác mà là sự chú ý liên tục.

Johann Wolfgang von Goethe trong cuốn tự truyện của mình cũng đã viết: tất cả những gì làm cho người nghệ sỹ có khả năng sáng tạo nghệ thuật là các “ấn tượng quý giá”,những ấn tượng này chỉ có thể có được dựa trên sự nhạy cảm, tinh tế khi quan sát và cảm thụ thế giới. Nói cách khác, yếu tố góp phần tạo nên sự thành bại của một tác phẩm chính là sự “nhập thân” của tác giả khi tri giác một đối tượng nào đó, đối tượng của thị giác lúc này không còn là khách thể mà đã trở thành chủ thể sáng tạo. Có như vậy, người nghệ sỹ mới có thể chọn lọc được những chất liệu, những vốn sống cho sáng tác của mình.

Thị giác trong quan sát đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhờ sự sắc bén của thị giác mà người nghệ sỹ nắm bắt đựơc cái chỉnh thể, cái chi tiết của đối tượng về đường nét, màu sắc, độ chìm nổi, mức sáng tối, sự hài hoà, sự mất cân xứng… Tất cả các chi tiết đó sẽ được người nghệ sỹ phân biệt và ghi giữ lại với độ chính xác phi thường. Sự phân biệt này diễn ra không đơn giản, bởi nó không chỉ đòi hỏi sự nhạy bén, tinh vi của các cơ quan cảm giác mà còn đòi hỏi ở người nghệ sỹ trình độ thị hiếu thẩm mỹ cao để chọn lọc tất cả những thông tin cần thiết, khi đủ những thông tin đã được chọn lọc kỹ càng, ở người nghệ sỹ sẽ diễn ra một sự phối hợp độc đáo giữa cái bên trong (cái cảm xúc) và bên ngoài (đối tượng của thị giác) để xây dựng nên hình tượng nghệ thuật.

Có thể nói rằng, tri giác trong sáng tạo nghệ thuật là một quá trình tâm lý tích cực nhằm phân tích các thuộc tính của đối tượng được miêu tả và tổng hợp chúng thành hình ảnh thẩm mỹ trọn vẹn trên cơ sở xúc cảm thẩm mỹ. Nếu không có tri giác, các quá trình tưởng tượng, cảm xúc trong sáng tạo nghệ thuật sẽ không đạt hiệu quả cao như mong muốn, thậm chí có trường hợp các quá trình này không hề diễn ra.

2. Tưởng tượng:

Nghệ thuật là sự sáng tạo, muốn sáng tạo thì người nghệ sỹ phải có óc tưởng tượng phong phú, bởi bản thân hiện thực không đưa lại cho con người cái toàn vẹn, cái hoàn hảo trong các hình tượng nghệ thuật. Một hình tượng nghệ thuật muốn thể hiện sự tổng hợp và sự khái quát cao thì trong tư duy của người nghệ sỹ phải gắn liền với tưởng tượng và xúc cảm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, tưởng tượng là cấu trúc hạt nhân cùng với xúc cảm tạo nên năng lực sáng tạo của người nghệ sỹ.

Theo Chu Quang Tiềm, tưởng tượng trong sáng tạo nghệ thuật là “căn cứ vào những ý tưởng có sẵn làm tài liệu, rồi cắt xén, gạt bỏ, chọn lọc, tổng hợp lại để thành một hình tượng mới” . Như vậy, ông quan niệm “chỉ có tưởng tượng sáng tạo mới sản sinh ra nghệ thuật”, tưởng tượng không thể tách rời khỏi các biểu tượng, mà biểu tượng là do kinh nghiệm thu thập được.

Ông chia tưởng tượng ra làm hai loại:

– Tưởng tượng tái tạo:Đó là quá trình người nghệ sỹ phục hồi, tái diễn lại những kinh nghiệm cũ trong ký ức của mình để tạo nên chất liệu, chuẩn bị cho việc xây dựng hình tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, đây chưa phải là quá trình sáng tạo mà nó mới chỉ là quá trình tích luỹ, là sự chọn lựa trong thế giới hiện thực những sự kiện, những con người, những vấn đề phù hợp với xúc cảm, phù hợp với ý đồ sáng tạo của người nghệ sỹ mà thôi.

– Tưởng tượng sáng tạo: Theo Chu Quang Tiềm đây mới thực chất là quá trình sáng tạo nghệ thuật. Trong giai đoạn này, người nghệ sỹ sẽ tập hợp những yếu tố, những hồi ức, những tài liệu đã được lựa chọn trong quá trình tái tạo, thiết lập chúng theo một cơ cấu mới, một cấu trúc nhất định để tạo nên hình tượng nghệ thuật. Sự tổng hợp này có thể được phát triển theo chiều hướng dính kết các đặc điểm, các chi tiết của những đối tượng khác nhau hoặc theo hướng nhân cách hoá, điển hình hoá, khái quát hoá, nhấn mạnh từng chi tiết trong bản thân sự vật, hiện tượng để tạo nên những hình tượng nghệ thuật mới. Hình tượng nghệ thuật này càng chứa đựng yếu tố mới lạ bao nhiêu thì khả năng sáng tạo của người nghệ sỹ càng được đánh giá cao bấy nhiêu.

Nhấn mạnh đặc điểm của quá trình tưởng tượng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, P.A.Ruđich viết: “Đó là quá trình có cao trào cảm xúc đặc biệt và nó mang lại cho hoạt động sáng tạo của con người một tích chất hứng khởi, tức là một trạng thái mà con người dường như thoát lý, thăng hoa khỏi xung quanh” . Quan điểm này của Ruđich hoàn toàn thống nhất với quan điểm của các nhà Tâm lý học biện chứng, cho rằng không thể đem thứ tưởng tượng thông thường của tất cả mọi người để sáng tạo nghệ thuật mà phải là thứ tưởng tượng mang yếu tố cảm xúc.

M.A.Nauđrop trong tác phẩm “Tâm lý học sáng tạo văn học” cũng đã chia tưởng tượng sáng tạo của người nghệ sỹ thành 3 mức độ khác nhau:

– Tưởng tượng hoang đường: Đây có thể coi là giai đoạn thấp nhất trong hoạt động tưởng tượng của người nghệ sỹ. ở mức độ này, khi tưởng tượng người nghệ sỹ thường thiên về những điều kỳ diệu, khác thường. Ông cho rằng, trong giai đoạn này, người nghệ sỹ đã rơi vào chủ nghĩa duy tâm, ngây thơ, tức họ chỉ dựa vào những mâu thuẫn mang tính chất bất thường, kỳ lạ giữa một bên là thế giới hiện thực với một bên là cuộc sống tưởng tượng bay bổng của người nghệ sỹ. Và cái đích cuối cùng của họ là được thoả mãn các lý tưởng đạo đức mà họ khát vọng vươn tới nhưng không đạt được trong thế giới hiện thực, vì vậy họ phải gửi gắm vào những hình tượng nghệ thuật hoang đường. Đây cũng cũng chính là sự biểu hiện những ước mơ thầm kín về hạnh phúc và lòng khát khao tự do.

– Mức độ nhân cách hóa:Đây là giai đoạn người nghệ sỹ chuyển các đặc điểm về tinh thần và tâm trạng, chuyển tất cả những khát vọng hoang đường mà họ đã thực hiện ở giai đoạn trước vào hiện thực vào các vật thể vật chất (các loại hình nghệ thuật khác nhau: âm nhạc, hội hoạ, văn học…). Đây là hành động của một sự liên tưởng không lường trước và nhiều lúc bản thân người nghệ sỹ cũng không ý thức đựơc do các mối liên tưởng nào tạo nên. Và khả năng chuyển từ tưởng tượng sang tưởng tượng trong tác phẩm nghệ thuật thì chỉ có ở người nghệ sỹ mà thôi.

– Mức độ nhập thân: Tiền đề của sự nhập thân được tạo nên bởi các biểu tượng rõ ràng về những con người, những hoàn cảnh xuất thân… Đây chính là quá trình người nghệ sỹ tưởng tượng ra toàn bộ cuộc sống thực tại trong thế giới ảo về các hình tượng nhân vật mà họ sáng tạo nên. Khi nhập thân, người nghệ sỹ sẽ đặt mình vào chính đời sống của nhân vật, họ suy nghĩ, biểu cảm như nhân vật trong từng điều kiện, trường hợp cụ thể. Sự hoá thân càng cao, mức độ thành công của tác phẩm càng lớn. Điều kiện để tạo nên trạng thái nhập thân của người nghệ sỹ không nhất thiết là những cái họ đã trải qua trong cuộc sống mà đây thực chất là quá trình người nghệ sỹ tiếp nhận những tác động từ bên ngoài, dựa trên những kinh nghiệm đã có, họ sẽ suy nghĩ một cách sâu sắc, đầy đủ về nhân vật, chú ý tới những đặc điểm ngoại hình và nội tâm của nhân vật. Khi có đủ ba điều kiện này, trí tưởng tượng bắt đầu hoạt động và người hoạ sỹ sẽ hóa thân vào nhân vật của mình để sáng tạo.

Như vậy, cái đích cuối cùng trong tưởng tượng sáng tạo của người nghệ sỹ là tạo ra các hình tượng nghệ thuật. Đó chính là hệ thống các lớp cảm xúc tiêu biểu trong xã hội, là nơi lưu giữ các xúc cảm thẩm mỹ và cũng là nơi truyền đạt những thông điệp thẩm mỹ. Chính nhờ có tưởng tượng và thông qua tưởng tượng mà toàn bộ các hình tượng nghệ thuật tồn tại trong các tác phẩm đã đạt đến trình độ của sự tưởng tượng khái quát, tạo nên cái riêng, cái độc đáo của từng nhân cách sáng tạo và mang tính khác lạ so với thế giới hiện thực.

3. Cảm xúc:

Cảm xúc là một cấu tạo tâm lý xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của người nghệ sỹ. Có thể nói rằng, khi tiếp nhận thế giới hiện thực, song song với quá trình nhận thức (tri giác) thì cảm xúc của người nghệ sỹ cũng được trải nghiệm. Chính vì có sự trải nghiệm này mà người nghệ sỹ luôn luôn có sự đam mê, có những khát vọng cháy bỏng tạo nên động lực bên trong, thôi thúc họ thể hiện vào trong tác phẩm của mình.

Cảm xúc của người nghệ sỹ được thể hiện trong một cấu trúc đối nghịch. Chính cấu trúc đối nghịch này đã tạo nên tính hai mặt trong quá trình tiếp nhận thế giới hiện thực. Ở họ, khi nhìn nhận đánh giá các sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới khách quan bao giờ cũng được phân định rõ ràng bởi các cặp phạm trù đối nghịch: Yêu – ghét, căm thù, kính trọng – khinh bỉ… Những cặp phạm trù này trong xúc cảm đã tạo ra cấu trúc đối nghịch của hình tượng nghệ thuật như:

+ Đối nghịch giữa nội dung và hình thức biểu hiện của hình tượng.

+ Đối nghịch giữa chất liệu sáng tạo và sản phẩm sáng tạo.

+ Đối nghịch giữa những nội dung phản ánh trong chính bản thân hình tượng.

Cảm xúc sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sỹ là cảm xúc được hoà nhập với óc tưởng tượng sáng tạo, trong cảm xúc có tưởng tượng, trong tưởng tượng có cảm xúc. Chính vì vậy, Cảm xúc trong hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng vượt lên những xúc cảm của đời thường, sự mãnh liệt hay u uất của nó cũng được bộc lộ ở các cung bậc cảm xúc khác với cung bậc của người thường.

Tóm lại, tri giác, tưởng tượng và cảm xúc luôn phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tổ chức các khâu cơ bản của quá trình sáng tạo nhằm xây dựng nên các hình tượng nghệ thuật. Bài viết xin trích dẫn quan điểm của nhà văn Pháp Guy de Moupassant thay cho lời kết : “ Cảm xúc do nhận thức (tri giác) tạo nên thông qua tưởng tượng, muốn tưởng tượng đúng đòi hỏi người nghệ sỹ phải có vốn sống. Muốn vậy, phải tiếp cận thường xuyên và trực tiếp với cuộc sống của con người”.

Lê Thị Thanh Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét