" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016
HỌC NGÀNH GÌ ĐỂ TRÁNH BỊ COMPUTER THAY THẾ ?
HOA KỲ – Trong hoàn cảnh máy điện toán và người máy đã khởi sự thay thế con người trong một số lãnh vực, những người trẻ ngày nay cần phải học những ngành nào để trong cuộc đời của họ không bị những máy móc thiết bị này lấy mất việc làm và vẫn có được công việc tốt, lương cao trong 20, 30 hay 50 năm tới? Nhật báo NYT đặt vấn đề.
Đây là câu hỏi mà các đại học Mỹ đang vất vả để có câu trả lời.
Theo NYT, phần lớn người ta hoàn tất thời gian học chính của mình khi ngoài 20 tuổi và sẽ nhờ cậy vào những gì học hỏi trong thời gian đó trong mấy chục năm sau. Nhưng một máy điện toán có thể chỉ cần ít giây đồng hồ để có các dữ kiện mà con người phải mất thì giờ thu thập khi ở bậc trung học và đại học.Và trong tương lai sẽ có các máy điện toán và người máy khác nhanh nhạy hơn, thông minh hơn, trước khi một thế hệ con người đến tuổi hưu.
Hiện có hai dòng tư tưởng chính trong nỗ lực nhằm đối phó với vấn đề này. Một là các trường học phải xác định và cung cấp cho sinh viên một kiến thức để hy vọng là không thể nào bị máy móc thay thế. Hướng thứ nhì là chúng ta phải làm sao vấn đề học vấn thiên về môi trường thương mại hơn – nghĩa là dạy về thực tế đời sống và đưa ra một tiến trình sáng tạo – cũng để hy vọng là máy không thể bắt chước.
Cả hai chiều hướng nói trên không nhất thiết là tương phản với nhau.
Vẫn theo bài báo, một số học giả đang tìm cách xác định những ngành học nào giúp người ta tồn tại và ít bị kỹ thuật thay thế hơn, như nghiên cứu những nghề nào phát triển và những nghề nào bị mất đi.
Những ngành nghề sống còn được thấy là có cùng những đặc điểm như cần khả năng truyền đạt trong những vấn đề phức tạp và sự hiểu biết chuyên biệt.Những khả năng loại này đòi hỏi người ta phải truyền đạt được “không chỉ tin tức mà còn là sự nhận định tin tức này.”
Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy các đại học Mỹ nay phải cung cấp cho sinh viên một nền học vấn rộng rãi hơn chứ không chuyên biệt vào một lãnh vực nào.Giáo Sư Sean D. Kelly ở đại học Harvard nói rằng trường này phải làm sao để có thể cung cấp cho sinh viên “nghệ thuật sống trong thế giới ngày nay.”
Nhưng làm thế nào để các giáo sư có thể đạt được điều này? Nhiều người cho rằng nhà trường phải chuẩn bị cho sinh viên cách đón lấy các cơ hội kinh doanh mà ngành nghề có thể đưa tới. Ngay cả những ngành học hoàn toàn không liên hệ gì với thế giới thương mại cũng có thể làm được điều này bằng cách đưa ra những hoạt động liên quan tới doanh nghiệp, bất vụ lợi và những hoạt động mà người sinh viên sau này có thể sử dụng sự hiểu biết chuyên biệt của họ.
Nhu cầu tái xác định mục tiêu của giáo dục đại học cũng giúp có những lợi ích cho nhiều thập niên trong tương lai. Các trường đại học cần phải thích ứng với sự tiến bộ nhanh chóng của ngành tin học. Cùng lúc đó, các trường đại học cũng phải tiếp tục tái thẩm định cái gì là sự khác biệt căn bản giữa cách học của máy và của con người, cũng như những gì có giá trị thực tế cho sinh viên trên đường dài. Ðiều này có thể sẽ khiến người ta nhận ra rằng “nghệ thuật sống trong thế giới – art of living in the world” đòi hỏi phải có một phần nào đó của giáo dục về thương mại. (L.T.)
(Thu Vân chuyển bài)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét