Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

VĨNH HẰNG VÀ Ý NGHĨA CUỘC SỐNG






Trần Mỹ Duyệt





Từ “vĩnh hằng” hay “đời đời” mới nghe qua cũng đủ thấy nó mang tính chất tâm linh và triết học.

Thông thường khi nghe nói đến đời đời, vô cùng, mãi mãi, vô tận, hay một hình thức nào đó để diễn tả cái không cùng, không tận của thời gian và không gian, tự nhiên trí khôn con người cảm thấy như ngừng đọng, và nhỏ bé lại. Ngay cả các cổ thụ triết học lẫy lừng như Plato, Socrates, Aristotle thì cũng chỉ đề cập đến cái tận cùng kia qua sự diễn đạt rất giới hạn của trí khôn và cũng rất mông lung trìu tượng qua triết học. Đối với những khoa học gia nổi tiếng như Einstein, thì cũng chỉ đến thuyết “tương đối” là cùng. Như vậy có nghĩa là gì? Có nghĩa là trí khôn con người không có thể đo lường được cái vô cùng, hay vĩnh cửu. Điều này chỉ có Thượng Đế mới có câu trả lời và định nghĩa đầy đủ về vĩnh hằng, đời đời, và trường sinh. Vì Ngài vô cùng từ nguyên thủy. Ngài hiểu thế nào là vĩnh hằng, thế nào là đời đời, và thế nào là vĩnh cửu.

Gần đây, Nietzsche (1844-1900) đã lếu láo cấp giấy khai tử cho Thượng Đế khi tuyên bố “Thượng Đế đã chết”. Thế nhưng chưa thấy Ngài chết, mà Nietzsche thì đã ra người thiên cổ từ lâu rồi. Thượng Đế chưa chết, vĩnh hằng, đời đời, và trường cửu vẫn còn đó. Vũ trụ, trăng, sao, vẫn đều đều vận hành theo đúng chu kỳ và qui luật của thiên nhiên do Ngài sáng tạo. Khi tìm tài liệu để viết bài này, tôi đã vào thư viện và đọc một nghiên cứu về vũ trụ. Điều làm tôi ngạc nhiên rất nhiều là các nhà thiên văn học khi phải đo lường kích thước của vũ trụ đã phải dùng đến đơn vị là năm ánh sáng. Một năm ánh sáng thì đường dài của nó khủng khiếp đến như vô tận, vì chiều dài không gian của nó đo được 5.878.000.000.000 dặm. Thế mà khi nhìn từ đầu này đến đầu kia của một ngân hà gần nhất đối với trái đất, các thiên văn gia đã đo được khoảng cách là 10 triệu năm ánh sáng. Mười triệu năm ánh sáng cho một chiều dài của ngân hà, nhưng trong vũ trụ này lại có hàng tỉ, tỉ ngân hà. Chỉ duy cái nhìn sơ khởi như thế cũng đủ cho thấy cái vĩ đại, bao la của đời đời, và của vĩnh hằng, vì cái mà con người có thể đo đếm được mà đã không làm được, thì cái mà con người không thể đo đếm được sẽ mãi mãi là vĩnh hằng. Đến đây, ta chắc phải nhớ lại 2 câu thơ vừa cay cú vừa ngạo đời của một thi sĩ Việt Nam:

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”.

Cái phù du của kiếp người nay còn mai mất, chỉ đo đếm trong vòng ba vạn, sáu ngàn ngày, thế mà đối với nhiều người đã tưởng chừng như thiên thu, nhưng có sánh gì với hai chữ vĩnh cửu, đời đời, hay vĩnh hằng. Đến đây thì triết học, tâm lý học, hay khoa học phải dừng lại và nhường bước cho niềm tin, cho tôn giáo, cho đạo đức để nói chuyện đời đời, chuyện vĩnh cửu, và chuyện trường sinh bất tận. Vì ngoài ý nghĩa của tôn giáo và qua cái nhìn tôn giáo, cả triết học, tâm lý học, hay khoa học cũng thất bại khi diễn tả hai chữ vĩnh cửu. Đã có ông hay bà triết gia, tâm lý gia, hay khoa học gia nào đến được vĩnh hằng rồi về lại trái đất mà viết thành sách đâu. Ngay cả Tông Đồ Phaolô, người cho mình đã lên đến tầng trời thứ ba, nhưng khi ông nói về điều này, thì cũng chỉ như một trẻ em ấp úng, với vài nét đan thanh như sau: “Mắt chưa hề xem, tai chưa hề nghe, lòng trí chưa hề tưởng tượng” (1 Cor 2:9).

Vì thế, khi trình bày về vĩnh hằng, về đời đời thì niềm tin là cốt lõi. Chỉ có niềm tin, chỉ có tôn giáo mới giải thích được vĩnh cửu, đời đời như thế nào. Thật vậy, các tôn giáo bao giờ cũng đề cao vĩnh cửu, và con đường các đạo giáo bao giờ cũng là con đường dẫn về vĩnh hằng. Vĩnh hằng, trường cửu trở thành một niềm mơ ước của kiếp người cho cả kẻ khổ sầu lẫn người hạnh phúc. Người đau khổ mong thoát khỏi cảnh lầm than mà đến nơi cực lạc. Người hạnh phúc mong sao cho niềm vui và hạnh phúc mình có kéo dài đến bất tận. Tóm lại, ai cũng mong được hạnh phúc, nhất là được đời đời hạnh phúc. Toma A’quinas, một triết gia và thần học gia bậc thầy của thế giới, đã diễn tả đời đời và trường cửu bằng một thí dụ rất đơn sơ nhưng cũng thâm thúy như sau:

Giữa tôi và bạn là hai người đang có những tư tưởng đối nghịch về đời đời. Tôi tin là có đời đời, còn bạn thì không tin. Nhưng mình hãy đánh cá với nhau về niềm tin ấy. Và nếu xẩy ra như những gì tôi và bạn đang tin tưởng, thì tôi sẽ có một đời đời hạnh phúc; còn bạn, bạn sẽ phải chịu một đời đời bất hạnh trong hỏa ngục.

Hãy cho rằng tôi là người thua cuộc trước. Vậy khi tôi thua bạn về niềm tin của mình, thì tôi thua bạn những gì, và bạn được tôi những gì. 100 năm hạnh phúc của trần gian thôi. Hãy cứ cho là tôi thua bạn 100 năm hạnh phúc trần gian, nhưng có phải là bạn không gặp đau khổ, buồn phiền, bệnh tật trong cái thời gian 100 năm ấy đâu. Và chắc chắn rằng bạn cũng không được hưởng tất cả những gì bạn muốn trong 100 năm ấy. Ngược lại, tôi cũng không phải là mất tất cả, và không bao giờ được hưởng một hạnh phúc nào trong suốt 100 năm.

Nhưng nếu tôi thắng, thì lúc ấy sự thay đổi sẽ là vô cùng khác nhau. Bạn hãy nhớ tới hai chữ đời đời, hoặc hai chữ vĩnh cửu. Như vậy thì tốt hơn là tôi tin. Tôi tin có vĩnh cửu, có đời đời bên kia thế giới.

Tư tưởng của Toma cho ta một suy tư về cuộc đời, về vĩnh hằng, và về giá trị cuộc sống của con người. Con người ngày nay, có lẽ phần đông đang muốn chối bỏ cái ý nghĩ vĩnh cửu để tự chôn bám vào cái tạm bợ của 100 năm trần thế. Nhưng như Toma đã phân tách, nào có được hưởng trọn vẹn và tuyệt đối cái hạnh phúc 100 năm ấy đâu, vậy sao đành bỏ mặc và không bao giờ nghĩ tới vĩnh cửu, nghĩ tới đời đời. Điều làm cho con người ngày nay không muốn nghĩ tới vĩnh cửu, nghĩ tới đời đời phải chăng vì họ đang bị cuốn hút vào cái mù mịt và độc hại của thứ văn minh sự chết như Đức Gioan Phaolô II đã từng cảnh cáo. Vậy ta hãy sống trọn vẹn với thân phận con người trong tâm tưởng và hành động hướng về chân, thiện, mỹ, và suy nghĩ để tìm gặp vĩnh hằng trong những giá trị thực tiễn của kiếp người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét