Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

Những câu trả lời đầy minh triết của Đức Lama










Tất cả sự tồn tại, dù nội tại hay ngoại tại, đều không phải ngẫu nhiên mà có; tiềm năng của tất cả hiện tượng nội tại và ngoại tại là phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ, năng lực cơ thể của bạn có mối quan hệ với năng lực cơ thể cha mẹ bạn; năng lực cơ thể của họ có mối quan hệ với năng lực cơ thể cha mẹ của họ v.v Sự tiến triển đó là nghiệp.

Hỏi: Phật giáo luôn luôn nói về nghiệp. Vậy, nghiệp là gì?

Lama: Nghiệp là những kinh nghiệm của thân và tâm. Bản thân từ nghiệp (Karma) là tiếng Sanskrit; nó có nghĩa là nguyên nhân và kết quả. Các kinh nghiệm của bạn về hạnh phúc hoặc khổ đau thuộc tâm sinh lý là kết quả của các nguyên nhân chắc chắn, nhưng chính những kết quả đó trở thành nguyên nhân của các kết quả trong tương lai.

Một hành động nào đó gây ra phản ứng lại tức là nghiệp. Cả triết học và khoa học phương Đông giải thích rằng tất cả vật chất đều tương quan lẫn nhau; nếu không hiểu điều đó, bạn sẽ không hiểu cách mà nghiệp tạo tác. Tất cả sự tồn tại, dù nội tại hay ngoại tại, đều không phải ngẫu nhiên mà có; tiềm năng của tất cả hiện tượng nội tại và ngoại tại là phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ, năng lực cơ thể của bạn có mối quan hệ với năng lực cơ thể cha mẹ bạn; năng lực cơ thể của họ có mối quan hệ với năng lực cơ thể cha mẹ của họ v.v Sự tiến triển đó là nghiệp.

Hỏi: Niết Bàn là gì và có nhiều người chứng đạt nó không?

Lama: Khi phát huy các năng lực thiền định của mình đến nỗi có thể hợp nhất tâm mình tập trung vào một điểm duy nhất, thì bạn sẽ dần giảm bớt các phản ứng cảm xúc của bản ngã cho đến khi nó hoàn toàn biến mất. Tại thời điểm đó, bạn thoát khỏi bản ngã của mình và phát hiện một trạng thái tâm hạnh phúc an vui tuyệt đối. Đó là những gì chúng ta gọi Niết Bàn. Nhiều người đã chứng đạt trạng thái này và nhiều người hơn nữa đang trên đường đến đó.

Hỏi: Ở Niết Bàn, Ngài chấm dứt sự tồn tại sắc thân; con người biến mất?

Lama: Không, bạn vẫn có một sắc thân, nhưng không có một hệ thống thần kinh bông lung như chúng ta bây giờ. Đừng lo lắng, khi đạt được Niết Bàn, bạn vẫn tồn tại nhưng tồn tại trong một trạng thái hạnh phúc hoàn toàn. Vì vậy, hãy nổ lực chứng đạt Niết Bàn càng sớm càng tốt.

Hỏi: Đức Phật vốn không nói rằng Như Lai sẽ không bao giờ tái sanh một khi đã chứng đắc Niết Bàn?

Lama: Có lẽ, nhưng đức Phật muốn nói gì? Đức Phật muốn nói rằng Ngài không tái sanh trong tình trạng buông lung bị năng lực mạnh mẽ của bản ngã thúc ép, đó là con đường mà tất cả hữu tình chúng ta luân hồi trong sanh tử. Thay vào đó, Ngài có thể tái sanh với sự chế ngự hoàn toàn, mục đích duy nhất của Ngài là cứu độ chúng sanh.

Hỏi: Ngài trình bày quá nhiều về an vui và hạnh phúc, và tôi đang cố gắng dùng tâm trí để phân biệt rõ ràng giữa hai điều này. Vậy, chúng giống nhau? Có thể một ai đó nắm bắt được an vui nhưng không nắm bắt hạnh phúc?

Lama: Chúng đều giống nhau và chúng ta cần nắm bắt cả hai. Những gì chúng ta nên nhắm tới là kinh nghiệm an vui mà không có chấp thủ; chúng ta nên thưởng ngoạn các cảm giác hạnh phúc của mình trong khi hiểu rõ bản chát của của chủ thể, tâm, đối tượng và các cảm giác của chúng ta. Một ai đó đãchứng đạt Niết Bàn là có thể thực hiện điều này.

Hỏi: Tôi muốn làm sáng tỏ ý nghĩa thiền của Phật giáo. Vậy, tôi có quyền giải thích nó như “hãy quan sát sự chuyển biến của tâm bạn”?

Lama: Vâng, bạn có thể nghỉ về nó theo cách đó. Như tôi đã trình bày trước đây, thiền Phật giáo không có nghĩa phải cần thiết ngồi kiết già và nhắm mắt lại. CHỉ đơn giản quán chiếu cách tâm bạn đang phản ứng lại thế giới cảm giác như chăm lo công việc của mình—đi đứng, nói chuyện, mua sắm hay bất cứ việc gì—thì có thể là thiền định hoàn hảo thực sự và mang lại một kết quả tuyệt vời.

Hỏi: Đối với tái sinh, nó có nghĩa là gì?

Lama: Khi chết, ý thức của bạn tách rời khỏi thể xác, nhập vào trạng thái trung ấm, và từ đó nó được sinh ra trong một sắc thân khác. Chúng ta gọi đó là tái sanh. Năng lực tâm sinh lý đều khác biệt nhau. Năng lực sinh lý là vô cùng giới hạn, nhưng năng lực tâm lý luôn luôn tương tục.

Hỏi: Liệu rằng ý thức có thể phát triển ngay trong trạng thái sau khi chết hay nó chỉ tiến triển trong đời sống đã hình thành?

Lama: Suốt trong quá trình chết, ý thức của bạn thường xuyên tuôn trào, giống như dòng điện, nó bắt nguồn từ máy phát nhưng lại chuyển tải qua nhiều nhà khác nhau, nhiều thiết bị khác nhau v.v và chiếm cứ những đồ dùng khác nhau. Do đó, ý thức có thể phát triển trong trạng thái trung ấm.

Hỏi: Như vậy, tâm không cần một cơ thể vật lý để phát triển?

Lama: Vâng, có một trạng thái thân trung ấm, nhưng nó không giống như cơ thể của chúng ta; nó là trạng thái thân rất nhẹ và nhanh nhẹn.

Hỏi: Khi trì chú, Ngài luôn luôn tập trung vào bất kỳ một trong các cơ quan cảm giác nào của thân hoặc chỉ chú ý vào tâm của mình? Ngài có thể tập trung vào các luân xa[1] của mình hoặc chỉ chý ý đến trọng tâm năng lực?

Lama: Điều đó có thể xảy ra, nhưng bạn phải nhớ rằng có những phương háp khác nhau cho những mục đích khác nhau. Đừng nghỉ đức Phật vốn chỉ giảng dạy một phương pháp duy nhất. Đạo Phật bao gồm hàng ngàn, có lẽ thậm chí vô số phương pháp thiền định, tất cả đều được chỉ dạy nhằm thích ứng với thiên hướng và tâm tính khác nhau của vô vàn chúng sanh riêng biệt.

Hỏi: Liệu ý thức phát triển trong đời sống của chúng ta và biến mất khi chúng ta tê liệt một phần của ý thức siêu nhiên nào đó? Giống như Thượng Đế hoặc ý thức vạn năng?

Lama: Không, đó là tâm rất đổi bình thường, đơn giản và tương tục trực tiếp với tâm mà bạn đang có ngay bây giờ. Điều khác biệt là nó đã tách rời khỏi cơ thể của bạn và đang tìm kiếm một thân khác. Tâm thuộc trạng thái trung ấm này nằm dưới sự kiểm soát của nghiệp, đồng thời nó trở nên bị kích động, xung đột và xáo trộn. Bạn không thể gọi nó là cao cả hơn hoặc tối thượng.

Hỏi: Quan điểm của Ngài có giống với các khái niệm về đại ngã và tiểu ngã[2] của Ấn Độ giáo?

Lama: Trong khi triết học Ấn Độ giáo chấp nhận có linh hồn (atman) thì Phật giáo không thừa nhận nó. Chúng ta hoàn toàn phủ nhận một “ cái tôi” tồn tại, hoặc một linh độc lập miên viễn. Mọi khía cạnh thuộc thân và tâm của bạn đều là vô thường: luôn luôn thay đổi và thay đổi. Các Phật tử cũng phải nên phủ nhận quan điểm có một địa ngục tồn tại miên viễn. Mọi khổ đau và hạnh phúc mà chúng ta kinh qua đều nằm trong một trạng thái của dòng chảy tương tục, quá tạm bợ, quá vô thường, luôn luôn thay đổi chứ không bao giờ trường cữu.

Do đó, phải nhận thức bản chất vô thường của hiện hữu chúng ta và từ bỏ thế giới mà trong đó các đối tượng cảm giác tức thời tiếp xúc với các cơ quan cảm giác tức thời để tạo ra các cảm thọ tức thời, không có điều gì có giá trị để nắm bắt, chúng ta tìm kiếm các nhận thức an vui đời đời, vĩnh viễn của giác ngộ hoặc Niết Bàn.

Hỏi: Ngài nghỉ rằng lễ nghi trở nên quan trọng đối với người phương Tây đang thực tập Phật giáo cũng như người phương Đông, ai có cảm giác đối với nó?

Lama: Điều đó phụ thuộc vào những gì bạn muốn. Thực chất, thiền của Phật giáo không đòi hỏi bạn phải mang theo các đối tượng vật chất; điều duy nhất có ý nghĩa là tâm của bạn. Bạn không cần phải đánh chiêng hay khua trống. Đó là những gì bạn muốn nói về lễ nghi? Rất tốt, vì vậy, bạn không cần phải lo lắng và điều đó đều áp dụng cho phương Đông lẫn phương Tây. Tuy nhiên, một số người cần những điều này; tâm khác nhau nên cần những phương pháp khác nhau.

Ví dụ, bạn đeo mắt kính. Nó không phải là một điều quan trọng nhất, nhưng một số người cần đến nó. Tương tự, có nhiều tôn giáo khác nhau trên thế giới chỉ dạy nhiều phương pháp khác nhau tùy theo khả năng và trình độ cá nhân của các tín đồ khác nhau. Do đó, chúng ta không thể nói “đây là con đường thực sự duy nhất. Mọi người nên đi theo con đường của tôi”.

Hỏi: Có những phương pháp mới mẽ cần phải có ở phương Tây?

Lama: Không. Không có bất kì phương pháp mới mẽ nào được yêu cầu. Tất cả các phương pháp đều đã có sẳn, bạn chỉ cần khám phá chúng thôi.

Hỏi: Tôi đang nổ lực tìm hiểu mối quan hệ giữa tâm và thân theo quan điểm của Phật giáo. Vậy, tâm quan trọng hơn thân? Ví dụ, trong trường hợp các tu sĩ thực tập thiền quán với kết hợp với việc đọc tụng thần chú, nhất định họ phát triển một phần cơ thể của mình để đọc tụng, như vậy, thân quan trọng như thế nào?

Lama: Tâm là điều quan trọng nhất, nhưng có một số phương pháp thực tập thiền được tăng tiến bởi các bài tập luyện yoga đích thực. Ngượ lại, nếu cơ thể mắc bệnh, thì có thể ảnh đến tâm của bạn. Do đó, việc giữ gìn thân thể khỏe mạnh cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ chú trọng đến thân và xao lãng việc nghiên cứu thực tại của nội tâm, thì điều đó cũng không phải là cách khôn khéo; nó không quân bình và thiếu thực tế.

Vì vậy, tôi nghỉ tất cả chúng ta nên đồng ý rằng tâm quan trọng hơn thân, nhưng trong cùng một thời điểm, chúng ta không thể hoàn toàn lãng quên thân. Tôi đã từng thấy người phương Tây đến phương Đông để nghiên cứu giáo lý, và khi nghe về những vị thầy Du-già của Tây Tạng sống trên những ngọn núi cao mà không có thức ăn, họ liền suy nghỉ “ồ, thật kỳ bí! Tôi muốn trở thành như người siêu việt”. Đó là một quan niệm sai lầm. Nếu sinh ra ở phương Tây, cơ thể của bạn thường thích nghi với các điều kiện chắc chắn riêng biệt, vì thế, để giữ cho thân mạnh khỏe, bạn cần phải tạo ra một môi trường hữu ích. Bạn không thể thực hiện một cuộc du ngoạn đến dãy Hi-mã-lạp sơn. Hãy khôn khéo, đừng quá cực đoan.

Hỏi: Có thực sự khi một người mới chào đời thì tâm của người ấy hoàn toàn trong sáng và thuần khiết?

Lama: Như tất cả chúng ta biết, khi mới sinh ra, tâm của bạn không bị các vấn đề rắc rói thuộc trí óc chiếm hữu quá mức. Tuy nhiên, khi bạn lớn hơn và biết suy nghỉ, nó bắt đầu tràn ngập quá nhiều thông tin, triết lý, cái này, cái kia, cái này tốt, cái kia xấu, tôi nên có cái này, tôi không nên có cái kia…đến nổi bạn tri thức hóa quá mức khiến các thứ phiền não rác rưởi chứa đựng đầy tâm của mình. Điều đó nhất định khiến tâm bạn trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa bạn sinh ra vốn hoàn toàn thuần khiết và chỉ sau khi có sự hiểu biết thì bạn mới trở thành bất thiện. Nó không có nghĩa đó. Tại sao không? Trên cơ bản, bởi vì nếu bạn đã thoát khỏi vô minh và chấp thủ, thì bất cứ phiền não nào xuất hiện trong bạn đều sẽ không tồn tại. Tiếc thay, chúng ta không phải như vậy. Về cơ bản, không những chúng ta rộng mở bất cứ phiền não trí óc nào đến từ cuộc sống của mình, mà còn biểu lộ một triệu chứng thú vị lớn lao.

Do đó, trong từng giây phút, càng ngày càng nhiều phiền não lấp kín tâm của chúng ta. Bởi vậy, bạn không thể nói tâm của trẻ con mới chào đời là hoàn toàn thuần khiết. Điều đó là sai lầm. Những đứa bé khóc bởi vì chúng có các cảm giác. Khi một cảm giác khó chịu sanh khởi—có lẽ chúng thèm bú sữa mẹ—nên chúng khóc.

Hỏi: Chúng ta có khái niệm này về ý thức luân hồi từ thân này đến thân khác, từ đời sống này đến đời sống khác, nhưng nếu có một ý thức tương tục, thì tại sao chúng ta không nhớ các kiếp trước của mình?

Lama: Có quá nhiều siêu thị thông tin bủa vây lấy tâm khiến chúng ta quên đi các kinh nghiệm trước đây của mình. Khoa học thậm chí cho rằng não bộ bị giới hạn vì nhiều thông tin mới đè nén thông tin củ. Họ nói vậy, nhưng điều đó không phải hoàn toàn đúng chính xác. Về cơ bản, thực chất những gì đang xảy ra, tâm của con người hầu như trở nên vô thức, mê mờ, và bị những kinh nghiệm mới chiếm hữu đến nổi nó quên đi những kinh nghiệm củ.

Hãy nhìn lại một tháng qua: chính xác là những gì đã xảy ra, đích thực là những cảm giác gì bạn đã kinh qua trong mỗi ngày? Bạn không thể nhớ ra, có đúng không? Do đó, hãy nhìn lui quá khứ xa hơn, hoàn toàn trở lại thời gian khi bạn vốn chỉ là một vài tế bào nhỏ bé nằm trong bào thai mẹ, rồi hãy quay lại xa hơn thời điểm đó: nó rất khó, phải vậy không? Nhưng nếu thực tập từ từ, liên tục quán sát tâm mình, cuối cùng bạn sẽ ngày càng nhớ ra những kinh nghiệm trước đây của mình.

Nhiều người trong chúng ta có thể có kinh nghiệm phản ứng rất kỳ lạ đối với một số việc đã xảy ra và trở nên bối rối trước phản ứng của mình, điều dường vốn không hiện hữu dựa trên bất cứ kinh nghiệm nào trong cuộc sống này: “nó thật phi thường. Tại sao tôi đã phản ứng như vậy? Tôi không biết điều đó xuất phát từ đâu”. Điều đó xảy ra bởi vì dựa trên kinh nghiệm của kiếp trước. Các nhà tâm lý học hiện đại không thể lý giải những phản ứng như vậy bởi vì họ không hiểu sự tương tục của tâm thức, bản chất bất biến của tâm mỗi cá nhân con người. Họ không hiểu rằng các phản ứng tâm thức bắt nguồn từ các động lực thúc đẩy được tạo ra cách đây hằng nghìn năm. Tuy nhiên, nếu duy trì việc quán sát tâm mình bằng thiền định, thì rốt cuộc bạn sẽ hiểu rõ tất cả những điều này qua chính kinh nghiệm của mình.

Hỏi: Có thể trở nên tiêu cực khi nhận ra các kiếp trước? Nó có thể trở thành bất ổn?

Lama: Vâng, nó có thể là một kinh nghiệm tích cực hoặc tiêu cực. Nếu bạn nhận thức rõ các kiếp trước của mình, thì nó sẽ trở nên một kinh nghiệm tích cực. Sự bất ổn xuất phát từ vô minh. Bạn nên nổ lực nhận thức rõ bản chất đặc thù của tiêu cực. Khi bạn nhận thức rõ, thì vấn đề ấy sẽ được giải quyết. Việc hiểu biết bản chất của tiêu cực chính là chấm dứt các vấn đề mà nó mang đến.

Bởi vậy, hiểu biết đúng đắn là giải pháp duy nhất cho các vấn đề thuộc tâm sinh lý. Bạn nên thường xuyên quan sát thật cẩn thận cách mà bạn sử dụng năng lực của mình: nó sẽ khiến bạn trở nên hạnh phúc hoặc không hạnh phúc. Đó là trách nhiệm lớn lao, bạn không nghỉ vậy? Đó là sự lựa chọn của bạn: con đường của trí tuệ hoặc con đường của vô minh.

Hỏi: Khổ đau có nghĩa là gì?

Lama: Sự kích động của tâm thức là khổ đau; sự bất mãn là khổ đau. Thực chất, rất quan trọng để hiểu rõ các mức độ tinh vi khác nhau của khổ đau, nếu không, con người sẽ cho rằng “tại sao Phật giáo nói dến khổ đau của mọi người? Tôi đang hạnh phúc mà”. Khi nói về khổ đau, đức Phật vốn không chỉ đến cập đến sự đau đớn của thương tích hoặc nổi khổ của tâm thức mà chúng ta thường kinh qua.

Chúng ta cho rằng mình có hạnh phúc, nhưng nếu quan sát kỉ lưỡng hơn về hạnh phúc ấy, chúng ta sẽ nhận thấy vẫn còn tràn đầy bất mãn trong tâm mình. Theo quan điểm Phật giáo, trên thực tế, việc chúng ta không thể kiểm soát tâm mình chính là khổ đau thuộc tâm thức. Điều đó còn tồi tệ hơn những khổ đau thân xác khác mà chúng ta kinh qua. Bởi vậy, khi Phật giáo nói về khổ đau, thì nó đang nhấn mạnh đến mức độ tâm thức nhiều hơn là thân xác, và đó là lý do tại sao, trong những điều kiện thực tiễn, về cơ bản, giáo lý Phật giáo được áp dụng cho lãnh vực tâm lý. Đạo Phật chỉ dạy bản chất của khổ đau ở mức độ tâm thức và các phương pháp diệt tận khổ đau.

Hỏi: Tại sao chúng ta kinh qua khổ đau và học được gì từ khổ đau?

Lama: Điều đó quá đơn giản, không phải vậy? Tại sao bạn khổ đau? Bởi vì bạn quá bị cuốn hút vào hoạt động của vô minh và chấp thủ. Bạn học hỏi từ khổ đau bằng cách nhận thức rõ nó xuất phát từ đâu và chính xác nó là gì mà phải khiến bạn chịu khổ đau.

Trong vô vàn kiếp trước của mình, chúng ta đã từng có quá nhiều kinh nghiệm nhưng chúng ta vẫn không học hỏi được gì nhiều. Nhiều người nghỉ họ đang học hỏi từ những kinh nghiệm của mình, nhưng họ không bao giờ học được. Có vô vàn kinh nghiệm ở quá khứ trong vô thức của họ, nhưng họ vẫn không biết gì về bản chất đích thực của chính họ.

Hỏi: Tại sao chúng ta có cơ hội để bị ràng buộc?

Lama: Bởi vì chúng ta đang gợi lên ảo tưởng; chúng ta không thấy được thực tại của chủ thể hoặc đối tượng. Khi bạn hiểu rõ bản chất bám chấp của đối tượng, thì tâm chủ thể bám chấp tự nhiên biến mất. Nó là tâm mơ hồ, tâm bị cuốn hút vào một đối tượng và vẽ ra một kế hoạch xuyên tạc trong nó khiến bạn chịu khổ đau. Đó là tất cả. Nó thực sự hoàn toàn đơn giản.

Hỏi: Tôi đã thấy những biểu tượng hung dữ của các vị thần ở Tây Tạng, tuy nhiên, mặc dù họ trông có vẽ hung tợn, nhưng không xấu ác. Điều đó khiến tôi tự hỏi Phật giáo có nhấn mạnh về cái ác và những điều xấu hay không?

Lama: Phật giáo chưa bao giờ nhấn mạnh về sự tồn tại của cái ác bên ngoài. Cái ác là một biểu hiện trong tâm của bạn. Nếu cái ác tồn tại, thì nó ở ngay trong chính bạn. Không có cái ác bên ngoài để sợ hải. Hình tượng các vị thần phẩn nộ là hiện thân của trí tuệ giác ngộ và giúp cho những người có nhiều tức giận không kiềm chế được. Trong thiền định, người tức giận chuyển hóa sự phẩn nộ của mình thành trí tuệ, điều được hình dung như là một vị thần phẩn nộ; vì vậy, năng lực tức giận của người ấy được trí tuệ chuyển hóa. Nói chung, đó là cách mà phương thức thể hiện.

Hỏi: Ngài nghỉ gì về một người giết người khác để tự vệ? Ngài có nghỉ con người có quyền bảo vệ chính họ, thậm chí trả giá bằng sinh mạng của kẻ xâm hại mình?

Lama: Hầu hết trong các trường hợp giết người để tự vệ, thì đó là sự phẩn nộ không kiềm chế được. Bạn nên bảo vệ chính mình theo cách tốt nhất có thể nhưng không giết hại người khác. Ví dụ, nếu bạn tấn công tôi, thì tôi có thể bảo vệ chính mình nhưng không giết bạn.

Hỏi: Nếu giết tôi là cách duy nhất để bạn tồn tại, thì bạn có làm không?

Lama: Nếu vậy, thì bạn nên giết tôi là tốt hơn.

Vâng, nếu không còn câu hỏi nào nữa, thì chúng ta dừng ở đây. Cám ơn các bạn rất nhiều về mọi thứ.
________________________________

[1] Luân xa: Trong Ấn Độ giáo và một số nền văn hóa châu Á được cho là một dòng chảy của năng lượng tâm linh hay sinh lý ẩn trong cơ thể con người. Từ nguyên thủy trong tiếng Sanskrit cakra mang ý nghĩa là "bánh xe" hay "vòng tròn", và đôi khi được dùng để chỉ đến "bánh xe của luân hồi", đôi khi còn được gọi là Luân xa theo âm Hán Việt. Một số truyền thống miêu tả 5 hay 7 luân xa, một số khác là 8.

Các luân xa được miêu tả như là xếp thành một cột thẳng từ gốc của cột sống lên đến đỉnh đầu. Mỗi Luân xa liên quan tới một số chức năng tâm sinh lý, một khía cạnh của nhận thức, một phần tử cổ điển (nước, lửa, khí, đất), một màu sắc nào đó và nhiều đặc điểm khác. Chúng thường được hình tượng hóa bằng các hoa sen với số cánh khác nhau cho mỗi luân xa.

Các luân xa được cho là đem lại năng lượng cho cơ thể và có liên quan đến các phản ứng của cơ thể, tình cảm hay tâm lý của một người. Chúng được xem là các điểm chứa năng lượng sống, hay là prana, (cũng còn được gọi là shakti, hay khí), được cho là lưu chuyển giữa các điểm đó dọc theo các đường chảy gọi là nadis. Chức năng của các chakra là xoay tròn để thu hút vào Năng lượng sống từ vũ trụ để giữ cân bằng cho sức khỏe về tâm linh, tâm lý, tình cảm và sinh lý của cơ thể.

Các luân xa được đặt ở các tầng lớp khác nhau của các mức độ tinh vi của tâm linh, với Sahasrara (Luân xa vương miện) tại đỉnh đầu liên quan đến nhận thức thuần túy, và Muladhara (Luân xa gốc) tại điểm đáy liên quan đến vật chất, được xem đơn giản như là nhận thức đã được làm thô hóa.

[2] Đại ngã và tiểu ngã: Đại ngã (Brahman) là nguyên lý siêu việt, thường tại, vô thủy vô chung, là quỹ đạo chi phối vạn vật theo một trật tự như là điều lý có sẵn. Trong khi đó, vạn vật là những thực tại hữu thủy, hữu chung, được điều lý và định hướng trong Brahman.

Đại ngã (Brahman) là một thực tại đồng nhất, vượt ngoài các ý niệm, các tổng số ý niệm; nhưng để lý giải cho những người chưa có trình độ thực nghiệm tâm linh thì phải mượn những ý niệm. Vì thế, Taittiriya Upanishad đã hình tượng hóa đại ngã như một cái tổ chim có ba con chim nhô cái đầu ra là Viraj, Hiranya Garbha và Ishvara: “Khi tuyệt đối được quan niệm là độc lập, tự hữu thì gọi là đại ngã. Khi được coi là hiện thân thành vũ trụ thì gọi là Hiranya garbha, khi được coi là thượng đế sáng tạo hữu ngã thì gọi là Ishvara. Ishvara trở thành Brahman, Vishnu và Shiva khi ba chức phận của Ngài được phân biệt”

Không thể miêu tả đại ngã, nhưng Mundaka Upanishad đã lấy hình tượng con nhện giăng tơ để miêu tả hành động sáng tạo và thu hồi của đại ngã như sau: “Cũng như con nhện giăng tơ và rút tơ về, cũng như cỏ sinh trên mặt đất, cũng như lông mộc trên thân người sống, thì nơi đây trong vũ trụ, phàm cái hữu tồn là xuất tự Bất di bất dịch”.

Bất lực trong việc miêu tả đại ngã Brihad Aranyaka Upanishad dùng toàn bộ những chữ “không” để nói: “đại ngã không lớn, không nhỏ, không ngắn, không dài, không rực rỡ, không tối tăm, không mùi, không vị, không mắt, không tai, không tiếng nói, không hơi thở, không trong, không ngoài, không tiêu hủy mà cũng không bị tiêu hủy”.

Mặc dù không thể miêu tả được đại ngã là gì, nhưng đại ngã vẫn có những tính thiết yếu là: Thực hữu (Chat), Ý thức (Chit), An lạc (Ananda). Đại ngã là thực hữu vì không phải là hư không, Đại ngã là ý thức vì là nguồn gốc của mọi nhận biết, Đại ngã là an lạc vì đó là hạnh phúc vĩnh hằng.

Mandukya Upanishad cho rằng con người chỉ có thể cảm nhận đại ngã bằng trực giác tâm linh (Turiya). “Turiya là bản chất của ý thức về tự ngã duy nhất, nơi mà tất cả muôn vật trong thế giới đều trở về, yên vui, thanh tịnh, không hai”.

Tiểu ngã (Atman) là một thực thể nội tại trong mỗi cá nhân. Hơi thở là nguồn sống vật chất thì Atman là hơi thở siêu nhiên, là nguồn sống thiêng liêng. Tiểu ngã là thực thể làm cho con nguời vượt lên trên vạn vật. Có thể nói Atman là thành phần của Brahman trong con người. Dại ngã là cái ngã vũ trụ đại đồng, còn tiểu ngã là cái ngã cá nhân. Braman chỉ có một, Atman là số nhiều, nhưng cái nhiều ấy chỉ là giả tưởng vì bản chất cả hai chỉ là một. Cho rằng khi thân xác chết thì tiểu ngã lại trở về hợp nhất với Đại ngã (Brahman).

Tiểu ngã không phải là lý trí, tình cảm và giác quan, nhưng Atman là nguồn cội của các sinh hoạt tinh thần ấy. Không có tiểu ngã, tất cả sinh hoạt tinh thần và thể chất đều chấm dứt. Nhưng ngay khi cả sinh hoạt tinh thần và thể chất chấm dứt thì Atman vẫn tồn tại bất diệt. Với nhiều nỗ lực, nhưng Upanishad cũng không thể nói rõ về tiểu ngã, cho nên luôn cảnh giác rằng tự ngã không thể hiểu được, tự ngã phải cần được thực hiện. Katha Upanishad nói: “tiểu ngã không thể nhận biết được bởi sức mạnh của trí óc, cũng không thể nhận biết được bởi giác quan”.

Lama Thubten Yeshe, Minh Chánh chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét