Sự thật đó là cảnh ngộ, thân phận con người trong hơn 20 bộ phim tài liệu của ông. Sự thật đó cũng là những lận đận, khó dễ của hành trình đưa các bộ phim tới công chúng, được kể lại trong 'Chuyện nghề của Thủy'.
Tối 18/6, tại Nhà sách Phương Nam, Hà Nội, hai tác giả Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng ra mắt cuốn sách đang gây xôn xao: “Chuyện nghề của Thủy”. Đây là chặng cuối cùng trong hành trình giới thiệu xuyên Việt, qua năm tỉnh thành (TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội) của cuốn sách. Như một cái kết trọn vẹn, buổi ra mắt ở Hà Nội giống một cuộc sum họp, đoàn viên của hai tác giả với những người bạn, để họ “gặp mặt, nắm tay nhau, cười vui, ôn chuyện” - như lời tác giả mào đầu sự kiện - hơn là nói về cuốn sách.
Trước đó, tại buổi ra mắt ở Đà Nẵng, Huế, theo đạo diễn Trần Văn Thủy, cả ông và thính giả có mặt đều không cầm được nước mắt, khi những người thật việc thật được nhắc tới trong cuốn sách, trong đó có nhà văn Nguyên Ngọc, xuất hiện. Họ cùng đọc những lá thư cũ, nói những câu chuyện cũ, những cay đắng, vất vả trong hành trình làm nghề của vị đạo diễn hơn 70 tuổi và mừng tủi khóc. Trong buổi ra mắt sách ở Hà Nội, không có nước mắt, ngoài khoảnh khắc xúc động của đạo diễn Trần Văn Thủy khi hồi cố, nhắc tới những ân nhân trong “nghề của Thủy” giờ đã thành thiên cổ. Suốt buổi ra mắt là sự hoan hỷ của người trong cuộc, của người nghe, là những chia sẻ thật lòng, sự đồng cảm, và tiếng cười đến từ cách nói chuyện chân thành có phần tếu táo của vị đạo diễn. Trần Văn Thủy tỏ ra vui khi hành trình ra mắt sách xuyên Việt cuối cùng đã suôn sẻ hơn mong đợi, nhiều bất ngờ, kỷ niệm, mà ông đùa: “Có khi lại phải viết thêm một cuốn sách về chuyến ra mắt này”.
Hai tác giả "Chuyện nghề của Thủy" - Lê Thanh Dũng (trái) và Trần Văn Thủy.
“Chuyện nghề của Thủy”, đúng như cái tên, kể lại cuộc đời làm phim của đạo diễn phim tài liệu số một Việt Nam Trần Văn Thủy, do ông và người bạn thân - Tiến sĩ Khoa học Lê Thanh Dũng nhớ và viết lại. Cuốn sách khởi nguồn từ việc hai nhà nghiên cứu người Mỹ sang Việt Nam thực hiện công trình về đạo diễn Trần Văn Thủy và bộ phim "Chuyện tử tế”, phỏng vấn ông. Người bạn Lê Thanh Dũng khi đó nói với Trần Văn Thủy, tại sao không kể cho chính người Việt mình nghe những câu chuyện này? Và thế là dự án viết một cuốn sách kể lại hành trình làm nghề của Trần Văn Thủy bắt đầu. Đạo diễn cho biết, ông vốn không mấy hào hứng, khi phải lục lọi trí nhớ về những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn, lận đận, nhưng chính người bạn Lê Thanh Dũng đã động viên ông và hạ quyết tâm làm. Một người kể, một người chấp bút tái dựng “chuyện nghề của Thủy”.
Cho rằng, mọi điều cần nói đã nói hết trong tác phẩm, buổi ra mắt “Chuyện nghề của Thủy” không nhắc nhiều đến nội dung cuốn sách mà chủ yếu để những người bạn ôn chuyện, chúc mừng nhau. Cuộc trò chuyện với đạo diễn Trần Văn Thủy vì thế đến bên lề sự kiện, khi mọi sự đã xong xuôi. “Tôi thấy bằng lòng. Không dám dùng từ mãn nguyện. Dở hay hay, không biết, nhưng tôi đã nói ra sự thật. Thực ra vẫn còn nhiều chuyện nhưng trong quá trình viết sách, chúng tôi cũng tự lược bỏ đi, bởi mình chọn nói những điều lớn, những điều thuyết phục thì có ích hơn”. Theo Trần Văn Thủy, những gì ông lược bỏ “cũng phải mấy trăm trang nữa”.
Trước sau, trong câu chuyện của Trần Văn Thủy vẫn là hai từ “Sự thật” và “Con người”. Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ: “Đối với khoa học xã hội, có lẽ ngoài tri thức ra thì nhân cách và bản lĩnh phải đặt lên hàng đầu, nó thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội. Nếu không lăn xả vào nghề, không chịu trách nhiệm, không có chính kiến về tác phẩm của mình thì rất khó đóng góp một cách tích cực cho sự hoàn thiện, phát triển của xã hội. Chuyện nói thật rất cần thiết, tôi từng nói nhiều lần, một dân tộc toàn những người nói dối là dân tộc chết. Thượng đế cho người ta cái mồm, phải nói những điều mình nghĩ".
Đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ, nói sự thật là điều quan trọng, nếu một xã hội không được nói thật, đó là xã hội bế tắc, ắt dẫn đến tai họa, nhưng nói bằng cách nào còn quan trọng hơn. “Nếu cứ cậy bản lĩnh và trách nhiệm mà không tìm một cách nói để người nghe có thể nghe được, để những người dù mang tư tưởng nào cũng cảm thấy có lý, thì không nên... Nếu có trách nhiệm, suy nghĩ về niềm vui nỗi buồn của đất nước thì phải tìm cách nói thích hợp, không nên nói để hả lòng mình”, đạo diễn chia sẻ.
Trần Văn Thủy nhắc lại những câu cuối cùng trong cuốn sách của ông và Lê Thanh Dũng: Mỗi người có thể có những cách nhìn khác nhau về những gì đã qua (…) Những điều bộc bạch trong cuốn sách này cũng là một cách nhìn. Một cách nhìn thẳng thắn, thiện tâm và thành thật.
Các bộ phim của Trần Văn Thủy đa phần đều hướng tới con người, không phải ngợi ca, tâng bốc, mà xoáy sâu vào tâm tư, số phận cá nhân của họ. Ông nói: “Những bộ phim đầu tiên tôi làm, rất bản năng, nhưng tình cờ đều xoay quanh thân phận con người. Nếu trong một xã hội mà con người luôn là mục đích tối thượng thì mọi hành xử chúng ta sẽ khác, nhưng khi con người chỉ là phương tiện thì... tội quá”.
Với mấy chục năm làm nghề, Trần Văn Thủy tóm lại những nguyên tắc mà ông thừa nhận là quan niệm cực đoan của chính ông: “Bất kỳ một sản phẩm văn hóa nào không có tư tưởng thì không nên gọi là tác phẩm. Còn một tác phẩm rời xa thân phận con người không bao giờ có thể thành kiệt tác”. Cuộc đời gian nan, chìm nổi, cập bến vinh quang, và đến giờ, bước qua tuổi thấp thập, đạo diễn không hối tiếc điều gì. “Tôi thấy mình may mắn. Rất nhiều đồng nghiệp giỏi hơn tôi, đã dấn thân, hy sinh, mất sớm trong chiến tranh hay vì bệnh tật. Nhìn lại tôi thấy, những bạn bè đồng niên của mình chẳng còn mấy người, trong khi mình vẫn còn làm việc, đi đây đi đó, đóng góp cho xã hội thì đó là một hạnh phúc lớn”.
Những "sự thật" trong “Chuyện nghề của Thủy”
Không ít người lo ngại, cuốn sách "nói sự thật" của Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng sẽ khó khăn mới đến được tay độc giả, như số phận những cuốn phim của ông. Nhưng không, tác phẩm đã có hành trình xuyên Việt trọn vẹn. Trần Văn Thủy cũng hài lòng vì ông đã không nói dối một điều gì trong cuốn sách của mình. Vậy, sự thật ở đây là gì?
Từ chuyện một anh cán bộ văn hóa công tác ở Tây Bắc cuốc bộ về Hà Nội xin dự thi lớp quay phim, dù hết hạn thi nhưng được đặc cách vì “từ miền núi xuống”, tới những năm tháng làm phóng viên chiến trường đói khổ, bệnh tật, chui hầm, ngụp lặn dưới nước giấu phim, trốn đám lính Mỹ đang lùng sục khắp nơi, những ngày tháng sốt rét tưởng nằm chờ chết giữa đường. Đạo diễn không ngại thú nhận, trong chiến trường, khi mà nhiều người khác không ngại xông pha, sẵn sàng hy sinh thì người quay phim như ông phải có trách nhiệm sống, tìm cách sống để có được những thước phim, và nếu chẳng may có chết, thì vẫn phải bảo toàn “tính mạng” những cuốn phim đã quay. Trong cuốn sách có đoạn kể, Trần Văn Thủy nằm giữa đường chờ chết, ôm khư khư hộp phim trên bụng với dòng chữ ghi cẩn thận, tất cả là phim quay ở chiến trường, chưa tráng, ai nhặt được xin bảo quản hết sức và gửi giùm về cơ quan có trách nhiệm của ngành Điện ảnh, không được phép mở.
Tác giả cũng kể lại câu chuyện thật mà như phim, khi anh phóng viên Trần Văn Thủy đói quá đã phải ăn cắp con cua đá của đứa trẻ tên Vinh nướng lên ăn, để sáng mai khi đứa trẻ khóc đòi con cua thì cảm thấy nhục nhã quá. Cuốn sách kể những ngày tháng đói không có cái ăn nhưng không dám ăn một hạt gạo rang được dùng để chống ẩm cho phim. Cuốn sách cũng kể những lúc Trần Văn Thủy đứng ngập mình dưới sông quay cảnh chiếc cầu bị bom dội bốc cháy, khi nước duềnh lên lại phải rướn người, giơ máy lên trời.
Đạo diễn Trần Văn Thủy ký tặng sách độc giả.
Cuộc sống chiến trường khó khăn, ác liệt chưa phải là tột cùng gian khổ. Sau lần suýt chết, anh quay phim Trần Văn Thủy không đủ sức tiếp tục bám chiến trường nên trở về Hà Nội. Về đến nơi, nhập viện vì kiệt sức với thân hình 42 kg, Trần Văn Thủy nằm trên giường bệnh rụng rời khi hay tin toàn bộ phim đã quay ở chiến trường, dù còn nguyên vẹn, không ẩm mốc, nhưng không tráng được. Đồn thổi, lời ra tiếng vào, gã Thủy thì quay cái gì, quay vớ vẩn cho hết phim để thoát khỏi chiến trường thôi. Án B-quay treo trước mắt. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của ân nhân Nguyễn Thế Đoàn, Trần Văn Thủy tránh được vòng lao lý. Thế nhưng những thước phim chỉ được in ra bản đen trắng, lại có những đoạn chớp chớp vì tráng lỗi, chứ không phải phim màu. “Đâu rồi những cảnh chân trời bầm tím sau những hàng rào thép gai của đồn bốt, đâu rồi những cảnh cây lê ki ma bị cháy nửa vàng nửa xanh, đâu rồi những hàng dương xanh mướt, những con sóng bạc đầu…”, Trần Văn Thủy đau xót từng khúc ruột. Thế rồi, ông vẫn dựng, dựng cả những cảnh chớp nháy do tráng hỏng vào đoạn chiến trường ác liệt. Đó là cuốn “Những người dân quê tôi” - tác phẩm quay ở chiến trường - sau đó dự thi tại Liên hoan phim Leipzig năm 1970 và đoạt giải Bồ Câu Bạc.
Cuốn sách cũng dành phần lớn để nói chuyện những tác phẩm phim tài liệu của ông sau này, nổi bật là “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”, với số phận long đong khi ra mắt. “Hà Nội trong mắt ai”, thực hiện năm 1982, là cuốn sách "kê đơn bốc thuốc" những căn bệnh của xã hội đương thời, bày tỏ những lời gan ruột về con người, trích các tuồng lịch sử khiến con người ta phải giật mình ngẫm ngợi chuyện thế sự hiện tại. Tác phẩm điêu đứng, bị cấm chiếu lên cấm chiếu xuống, trong khi tác giả của nó bị gắn cho những cái danh “phản bội”, “có thế lực thù địch đứng sau”. Trần Văn Thủy không giấu sự biết ơn những con người mà nhờ có họ, phim của ông mới sống được. Sách trích lời thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi xem phim: “Đừng bắt anh em nghệ sĩ phải chui qua một lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn” hay “Tôi lạy các anh, tôi xin các anh, khi duyệt phim thì cố gắng rộng lượng như tôi”. Trần Văn Thủy cũng ám ảnh câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thốt lên về "Hà Nội trong mắt ai": “Bộ phim này chỉ có thế thôi à các anh?” – “Vâng, bộ phim nó chỉ có thế thôi ạ”. – “Nếu chỉ có thế này thôi thì tại sao lại cấm? Hay vì trình độ có hạn mà tôi không hiểu được?”.
“Chuyện tử tế”, được xem là phần hai của “Hà Nội trong mắt ai”, cũng không thoát khỏi số phận lao đao. Bộ phim xoay quanh việc đi tìm khái niệm thế nào là sự tử tế, bằng cách đi vào tâm tư, thân phận của từng con người trong xã hội khi đó, để nói rằng: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của con người, mà chăm lo riêng cho bộ da của mình” như lời Karl Mark, hay “Ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì và cũng không có một con người nào trở nên tử tế nếu không bắt đầu từ tình yêu thương con người, sự trân trọng con người và đi từ nỗi đau của con người” (lời bình trong phim). Chuyện kể về người bạn Đồng Xuân Thuyết của đạo diễn trong những ngày tháng cuối đời khi lâm bệnh ung thư, một người bình thường nhưng sống có tình nghĩa, chân thành khiến bạn bè thương, tin - một đại diện của lòng tử tế. Chuyện về những người mắc phong bị rẻ rúng, miệt thị, những ông bơm xe là thượng tá, trung tá đã tham gia chiến tranh và có công lao, những người làm gạch ở thôn quê… và mọi số phận trong xã hội. Sau mọi gian nan, trắc trở, “Hà Nội trong mắt ai” sau này đoạt Giải vàng Liên hoan phim Việt Nam 1988. “Chuyện tử tế” thực hiện năm 1985 cũng giành giải Bồ Câu Bạc Liên hoan phim Quốc tế Leipzig.
Nhiều người bạn vong niên tới dự lễ ra mắt sách của Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng.
Cũng có ý kiến cho rằng, dường như "Chuyện nghề của Thủy" dành nhiều trang giải trình những khó khăn, lận đận trong nghề, nhất là số phận những bộ phim của ông, hơn là mang đến cho thế hệ sau - những người kỳ vọng ở đạo diễn phim tài liệu hàng đầu Việt Nam một chỉ dẫn về nghề, Trần Văn Thủy cho rằng, nếu là kiến thức làm phim, ông sẽ truyền dạy trong những bài giảng. "Còn viết sách thì nên viết về những khó dễ trong nghề, điều mà chắc chắn người ta sẽ trông đợi để được đọc hơn".
Nhà văn Võ Thị Hảo có mặt tại buổi ra mắt sách của Trần Văn Thủy và Lê Thanh Dũng, chia sẻ niềm vui khi chứng kiến sự quan tâm của độc giả. "Chuyện nghề của Thủy kể lại hành trình làm phim cũng như cuộc đời Trần Văn Thủy, được tác giả Lê Thanh Dũng viết lại bằng giọng văn chân thực, giản dị. Tác phẩm có sức hút lớn, chứng tỏ độc giả vẫn khao khát sự thật, và rõ ràng, sự tử tế vẫn đánh thức được lương tri. Tôi nghĩ những người làm nghề, làm phim, nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo… có thể nhìn vào để thấy, tại sao người ta thờ ơ với tác phẩm của mình, trong khi có những tác phẩm lại được quan tâm như vậy. Như đạo diễn Trần Văn Thủy nói, phải đánh vào sợi dây lương tâm của con người, cái gì làm cho người ta đau đớn, khát khao, phải đồng hành với sự thật và công chúng. Cảm ơn Trần Văn Thủy, khi anh đã không chọn con đường bằng phẳng, dễ dàng, con đường nhiều lợi lộc hay làm nô lệ mà đã bằng “sự thật” để đồng hành với nhân dân Việt Nam".
“Cảm ơn Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế… cho đến Chuyện nghề của Thủy hôm nay. Nó khiến nhiều người phải nghĩ về điều tử tế. Điều này vừa vui, vừa buồn. Lẽ ra chuyện về sự tử tế chỉ là chuyện của một thời, khi mà người ta phải kêu lên vì thiếu nó, nhưng đến nay điều đó vẫn còn thời sự, thậm chí thời sự hơn”, Võ Thị Hảo chia sẻ.
Có lẽ, không riêng nhà văn Võ Thị Hảo, hẳn trong số nhiều người tham dự buổi ra mắt sách "Chuyện nghề của Thủy", khi ra về, cũng mang trong mình những thắc thỏm về ba chữ: "Sự tử tế".
Kỳ Thư
Ảnh: Mi Ly
Ảnh: Mi Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét