Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

Không Quên Và Không Chê





Hoàng Hữu Phước, MIB



Cách nay hơn một phần tư thế kỷ, vợ tôi sinh khó phải mổ, lúc ấy vào tháng 12, trời Thành phố Hồ Chí Minh lạnh ngắt chứ không như bây giờ nóng quanh năm suốt tháng. Sau khi đưa vợ và con tôi về ngôi nhà nhỏ xíu ở Phú Nhuận mà tôi vẫn đang cư trú tại đấy cho đến tận ngày nay, tôi một mình lo toan mọi việc mà người đàn ông lập gia đình ra ở riêng nào cũng phải gánh vác trong hoàn cảnh tương tự.

Không quên và không chê lời dạy của Má tôi về chăm sóc sản phụ – đúc kết từ kinh nghiệm dân gian bao đời nay – tôi đã phối hợp với kiến thức Tây học để thực hiện việc sau:

Nếu kinh nghiệm dân gian nói về việc sản phụ nên “nằm than”, còn Tây học nói bếp than sinh ra khí carbonic cực kỳ độc hại cho sản phụ và hài nhi, tôi phối hợp bằng cách đặt bếp than hồng ngoài sân, đưa úp hai bàn tay của mình hứng lấy sức nóng của than, rồi chạy nhanh vào phòng trong, thử úp sơ bàn tay vào hai bên mặt của mình để yên tâm về độ nóng ấm vừa phải trước khi đặt hai bàn tay lên ngực vợ tôi, ôm từng bầu sữa một. Xong, tôi lại chạy ra chạy vào như thế, để ấp hơi ấm lên ngực vợ tôi, hai bầu sữa của vợ tôi, lên bụng vợ tôi, cũng như nhè nhẹ trên vết khâu đường giải phẫu. Sau đó, tôi lại tiếp tục việc chạy ra chạy vào để ấp ấm lên người, tay và chân của con tôi.

Má tôi đã truyền lại kinh nghiệm dân gian ấy mà Bà ngoại của tôi đã dạy Má tôi thủa sắp về nhà chồng, rằng khi sinh con, phải nằm than, không được nằm trước gió, không được tắm gội ngay cả tắm gội bằng nước ấm, mà nếu cần chỉ được lau mình qua loa bằng khăn thấm nước ấm, vì rằng nếu không thì sẽ thấy hậu quả nhãn tiền: chỉ cần vừa bước qua tuổi 30 là người phụ nữ sẽ phải luôn mặc áo ấm vì luôn thấy ớn lạnh dù trưa hè nóng bức, cũng như không thể chịu nỗi lúc trái gió trở trời. Còn việc ấp tay lên bộ ngực sản phụ để kích thích tiết sữa, lên bụng để vừa ấm bụng vừa săn chắc da bụng vừa ổn định tình hình dạ con đang bị tổn thương bên trong bụng.

Thế là sau khi cho vợ ăn sáng, cho con bú bình, ấp vợ ấp con xong, tôi chạy đi làm, để trưa quay về làm tiếp công việc y như sáng, và lại chạy đi làm đến chiều. Chưa kể, để vợ tôi ngủ yên, tôi đêm khuya bế con ra chốn thư phòng (tức nơi có một cái bàn, bốn chiếc ghế và một tỷ quyển sách) vừa cho con bú bình, vừa nói chuyện với nó bằng tiếng Anh, kể nó nghe tôi yêu nó biết bao, và mong muốn nó ngày sau hãy cố gắng hiếu thảo với mẹ, hãy là công dân tốt, và hãy thay tôi mà hết lòng chăm sóc mẹ của nó, người đã chấp nhận làm vợ một hàn sĩ như bố của nó để rồi phải trãi qua thử thách khắc nghiệt hiểm nguy để sinh nó ra đời.

Hơn nửa thế kỷ nay, Má tôi ở khu Bàn Cờ Quận 3 vẫn đánh gió cho các con cũng như cho hàng xóm. Còn tôi ra Hà Nội họp Quốc Hội bao giờ hành trang vẫn có chai dầu khuynh diệp và dụng cụ đánh gió, để khi trái gió trở trời nhức đầu mõi cổ tôi có thể tự mình đánh gió sau gáy. Ngay cả khi không cần đến cái gọi là dụng cụ đánh gió, tôi vẫn có thể dùng ngón tay cái thấm dầu khuynh diệp để miết tới miết lui sau gáy như một cách đánh gió massage.

Phóng sự quốc tế cho thấy nhiều người Âu Mỹ ngồi xếp hàng chầu chực ở các cơ sở y học dân tộc bên Hàn Quốc chờ đến phiên được vào để được đánh gió, giác hơi. Còn tại Việt Nam thì bác sĩ thay vì nói “đánh gió là một kiểu massage tốt, đặc biệt nếu các bạn không bị cao huyết áp”, thì lại nói “đánh gió rất nguy hiểm nếu bạn bị cao huyết áp”.

Quên hết và chê hết những tinh hoa của dân tộc gần như là một đặc điểm thường thấy nơi những con người Việt Nam hiện đại. Nhưng lẽ nào người Hàn Quốc không hiện đại hay sao?

Tôi không quên và không chê những gì đã luôn được dùng để chăm sóc hiệu quả cho các chiến binh Việt trên đường Phạt Tống, Bình Chiêm.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét