Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

“Không gian văn hóa” Nho giáo Việt Nam




Nho giáo ngày nay

Để đánh giá thân phận của Nho giáo trong xã hội Việt Nam từ lúc nó bắt đầu trở thành chính giáo (nghĩa là dưới triều đại Lê Thánh Tông), chúng ta theo Max Weber thử nhìn lịch sử tiến hoá của Nho giáo dưới ba khía cạnh:
1. Sự nghiệp văn học của nho sĩ Việt Nam từ Nguyễn Trãi đến thời cận kim.
2. Thân phận nhà nho nói chung trong xã hội Việt Nam thời cổ điển.
3. Nho giáo trong văn hoá dân tộc miền đồng bằng sông Hồng cho đến thời thuộc địa.

Văn học Nho giáo dưới cái nhìn xã hội học

Dù đất Giao Châu đã bị sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc từ thời Đông Hán, ảnh hưởng Nho giáo mới bắt rễ thật sự khi “Nam quốc sơn hà” đã giành lại được quyền tự chủ và đưa Nho giáo vào địa vị một trong ba chính giáo:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định mệnh tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Tác giả bản “Tuyên ngôn Tự chủ” bằng thơ – tương truyền là của Lý Thường Kiệt (?) – đã cố ý sử dụng thuyết “thiên mệnh” của Nho giáo để cảnh cáo đối phương trước mọi hành động gây hấn. Đồng thời, nó cũng đề cao tinh thần “tứ hải huynh đệ” của Khổng Mạnh. Cuối cùng, nó phát biểu một cách súc tích thái độ “khoảng cách” và nguyên tắc “ngoại dương, nội âm” trong mối bang giao giữa hai nước “đồng văn”. Trên thực tế, các vua Lý – Trần đã chủ yếu dựa vào Phật, Pháp, Tăng (trong đó có những vị sư lỗi lạc như Khuông Việt, Pháp Thuận hay Vạn Hạnh) làm nền tảng cai dân, trị nước(1).
Trong suốt 5 thế kỷ, đời sống trí thức và văn học chịu ảnh hưởng nhiều Thiền học của Phật giáo được Ấn Độ và Trung Hoa truyền vào từ thế kỷ VII(2). Tuy nhiên, mặc dù Phật giáo giữ địa vị chính thống, đời sống văn hóa và tinh thần vẫn chấp nhận ba nguồn tôn giáo, Phật học thịnh hành đời Lý, Nho học cuối đời Trần(3). Dù sao theo Nguyễn Lang, các Đại sĩ phu đời Lý như Tô Hiến Thành hay Ngô Hoà Nghĩa đều thấm nhuần đạo lý Phật Nho tiếp thu từ các vị sư Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Viên Thông, Mãn Giác… Sự thống nhất các Tăng phái Tỳ Ni Đa Lưu, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường chung quanh vua Trần Thái Tông (tác giả Khoá Hư lục) và Tuệ Trung Thượng Sĩ đã tạo điều kiện phát triển Phật học chùa Trúc Lâm. Vua, triều đình và giai cấp quý tộc đã khám phá trong Thiền học lý tưởng nhân đạo, bao dung và ôn hoà để củng cố chính quyền, đoàn kết dân tộc và văn thơ thời Lý – Trần biểu hiện không khí an tại đó. Chỉ đến cuối đời Trần mới thấy xuất hiện những tác phẩm công kích tình trạng suy sụp của nhà chùa (Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh…).
Trong hoàn cảnh đó, ta hiểu tại sao chính quyền Hồ Quí Ly (1400-1407) đã bắt đầu lấy Tống nho làm phương tiện cai trị dù những biện pháp cải tổ táo bạo của triều đại ngắn ngủi chưa được thực hiện. Tiếp theo đó, chính sách đồng hoá của quan lại Minh triều lại càng có lợi cho ý thức hệ Trình Chu.
Đáng lý, Tống nho phải thất thế sau cuộc “bình Ngô” thắng lợi của người Việt. Tuy nhiên, thái độ bất khuất và dấn thân của Đại sĩ phu Việt Nam như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Biểu, Đặng Dung… trước kẻ thù đã tạo điều kiện thành công cho cuộc trường kỳ kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi (một thủ lĩnh nông dân) và Nguyễn Trãi (nhà nho xuất thân từ giai cấp quý tộc). Cuối cùng, trong hoàn cảnh Việt Nam sau giặc, thực thi một chế độ quân chủ Nho giáo và xây dựng mô hình nhà nước quan chức dân sự xuất thân từ chế độ thi cử là một chính sách khéo léo, thời cơ: trước hết nó đề nghị một giải pháp hoà hoãn với Trung Quốc, sau đó dung hợp hai thành phần dân tộc (Kinh, Mường và các dân tộc thiểu số) đã đóng góp vào cuộc đấu tranh giải phóng.
Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông mỗi người mỗi cách, thực hiện từng bước và cương quyết chính quyền quân chủ Nho giáo và quan lại chính thống. Hai tài liệu văn học đánh dấu sự chuyển biến văn hoá và chính trị quan trọng ấy là Bình Ngô đại cáo và Minh Lương cẩm tú.
Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi với lời văn hùng hồn đã khai triển những lập luận đã trình bày trong bài thơ tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt, theo đó bản chất của Nam quốc là một nước Nho giáo có lãnh thổ, chủ quyền, chính nghĩa và văn hiến. Trong cuộc kháng chiến chống Minh, Việt Nam đã thắng lợi vì hành sự đạo đức nhân nghĩa theo luân lý Khổng Mạnh, kể cả đối với quan lại quân đội chiếm đóng bị bắt hay đầu hàng. BàiBình Ngô đại cáo khẳng định rõ rệt thực chất Nho giáo của triều đại mới. Vài mươi năm sau, bài thơ Minh Lương cẩm tú của vua Lê Thánh Tông làm sau khi chiến thắng Chiêm Thành, cũng ca tụng nhà nước quan chủ Nho giáo Nam triều, xem nó đứng ngang hàng với bất cứ triều đình lớn nào ở phương Bắc. Trong bài thơ, nhà vua khuyến dụ quân thần không những phải chỉ biết trị an bên trong, thần phục bên ngoài, mà còn cải thiện đời sống người dân, (thay vua) lo việc nước trước thiên hạ, chỉ an nghỉ sau tất cả mọi người. Ông là người sáng tạo, cùng với bộ luật Hồng Đức, một nền văn học chính thống, hàn lâm (hội Tao Đàn) làm công cụ tuyên truyền cho chế độ quân chủ chuyên chính Nho giáo. Minh Lương cẩm tú đánh dấu sự xuất hiện của loại hình “nhà nho xuất thế” phục vụ cho Nhà nước và xã hội.
Theo Trần Ngọc Vương, họ đã tiếp nối và thay thế hệ “nhà nho ẩn dật” trong giai đoạn giao thời (chính quyền Hồ – Minh). Có thể xem loại hình “nhà nho ẩn dật” như “âm ảnh” (le reflet négatef), hình ảnh trái ngược (tiêu cực) của “nhà nho xuất thế”. Vì không may phải sống trong thời kỳ đen tối của lịch sử: mất nước, khủng hoảng chính trị, nhà nho chỉ còn lựa chọn giữa sự cộng tác nhục nhã với nguỵ quyền, nối giáo cho giặc hay “cố giữ đạo nhà” (Đồ Chiểu) bằng cách ẩn dật, tự tại. Trong văn học yêu nước thời Hồ – Minh (Nguyễn Biểu, Đặng Dung), thời Lê mạt (Nguyễn Bỉnh Khiêm) hay thời nhà Nguyễn (Nguyễn Du), thời Pháp thuộc (Nguyễn Đình Chiểu, Phan Bội Châu) không thiếu những gương mặt đáng kính và đáng thương đó! Nó không khỏi làm ta nhớ đến hình ảnh Khuất Nguyên, Văn Thiên Tường của Trung Quốc mà không một nhà nho Việt Nam nào không nhắc đến lúc gặp phải thế sự điên đảo. Như vậy là ý thức hệ Tống Nho đã sản xuất hai nhân vật trí thức điển hình trong giai cấp sĩ phu: nhà Nho dấn thân “hành đạo trung nghĩa” theo Lê Thánh Tông, nhà Nho ẩn dật xa lánh cửa quyền, từ quan về quê, mượn văn chương, nghệ thuật nhàn hạ để ký thác tâm sự, uẩn ức.

Tóm lại, trong suốt hai thế kỷ XV và XVI, đời sống văn học Việt Nam đã đạt đến trình độ cao và kết hợp chính sách khuyến khích cổ vũ của triều đình và hưởng ứng đông đảo của sĩ tử các trường(4). Trong 4 thế kỷ, văn học Hán Nôm thời Lê vượt qua số lượng sản xuất suốt một nghìn năm trước(5).

Thống kê Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726-1784)
Thời kỳ Tác gia Tựa sách
Lý đến Hậu Trần 69 tác gia (kc 11 nhà sư) 602 tựa sách
Lê – Trịnh 106 tác gia 1.789 tựa sách
TC 175 tác gia 2.391 tựa sách

Thống kê Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích (1744-1802)
Quyển triều Tác gia Số tựa sách
Q. Thượng Lý – Trần
C.1 Tiền Lê 12 70
Q. Trung
C.2 Lý- Trần 35 102
C.3 Lê 31 100
C.4 Lê 35 132
Q. Hạ C.5C.6 Lê 37Lê 17 9959
TC 167 562

Nguồn: TVG & nhiều tác giả, Sdd, quyển 1, tr.113.
Trần Ngọc Vương xem nền văn hoá thời Lê sơ như văn học chính thức, chỉ huy nhằm đề cao triều Hồng Đức dưới mọi hình thức, bằng mọi văn thể như ngâm vịnh, vịnh sử, tuỳ bút, truyền kỳ nổi tiếng như Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ.
Chính trong khí thế đề cao tinh thần dân tộc đó mà Phan Phu Tiên (Sử ký tục biên) và Ngô Sĩ Liên (Sử ký toàn thư) mới soạn thảo những bộ sử Việt Nam tiếp nối tác phẩm (đã mất) của Lê Văn Hưu. Cũng như 100 quyển của bộ sách Thiên Nam dư hạ tập của Thái Nhân Trung và Đỗ Nhuận giới thiệu bộ máy hành chính, xã hội đã được soạn thảo theo chỉ thị của vua Lê Thánh Tông.
Nếu hai thế kỷ XV và XVI phản ánh thời Lê thịnh thì hai thế kỷ XVII và XVIII sau đánh dấu một giai đoạn khủng hoảng triền miên của nhà nước và triều đình trước khi sụp đổ hoàn toàn (Mạc, Lê-Trịnh, Trịnh-Nguyễn, Tây Sơn). Trái với giai đoạn đầu, hai thế kỷ sau cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của khuynh hướng văn chương ẩn dật như Bùi Duy Tân đã nhận xét: “Lực lượng sáng tác thời này chủ yếu là ẩn sĩ, những người đã rút lui khỏi triều đường hoặc chưa từng ra làm quan, sống ẩn dật nơi thôn dã. Họ là những người tuy không còn mong thực hiện lý tưởng tu, tề, trị bình của kẻ sĩ nhưng giữ được tấm lòng trong sạch” (theo Trần Ngọc Vương ghi chú trong Văn học Việt Nam, sdd, tr. 142-143).
Đời sống văn học thời Lê mạt mang đủ chứng tích một xã hội và một chế độ khủng hoảng. Ý thức hệ Nho giáo phụ mẫu, lạc quan Vương Đạo thời Hồng Đức đã nhường bước cho thái độ hoài nghi và phê phán Tống Nho. Mang trách nhiệm trong các vụ thảm sát công thần tầm cỡ như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Trãi, các triều đại sau Lê Uy Mục đã gây hoang mang, thất vọng hay bất mãn trong hàng ngũ nho sĩ, khiến cho không ít rời bỏ quan trường, thoát ly trong tự tại.
Sự lũng đoạn của chính quyền trung ương, áp lực nặng nề của tướng lĩnh quân sự, hiện tượng mua quan bán chức làm mất uy tín của cấp bằng, học vị giải thích thái độ yếm thế, hướng về nội tâm, tự do cá nhân, thiên nhiên, xích gần lại dễ dàng với tư tưởng Trang, Lão, Phật. Nhân vật tiêu biểu nhất lúc đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1885). Tuy nhiên, trong thời loạn cũng xuất hiện những anh hùng của thời thế như Đào Duy Từ (1572-1634), Nguyễn Hữu Chỉnh và anh em Tây Sơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của anh hùng nông dân hay nhà nho cơ hội không có nghĩa là đánh dấu tàn lụi của Nho giáo như thái độ nhún nhường của vua Quang Trung Nguyễn Huệ trước Nguyễn Thiếp (La Sơn phu tử) đã chứng tỏ quan hệ còn khăng khít giữa chính quyền và giai cấp sĩ phu.
Sự xuất hiện của những gương mặt cải lương Nho giáo: các trí thức Kinh học và Thực học
Tiến hoá của tư tưởng Nho giáo Việt Nam cũng không phải là một dòng sông phẳng lặng. Trước nhà Hậu Lê (1553-1788), xu hướng Kinh học cũng lác đác có một vài nhà nho lỗi lạc như Chu Văn An, Hồ Quí Ly, Phùng Khắc Khoan… Họ rất gần gũi với truyền thống nội tại tu thân theo anh em Trình Di và Trình Hạo nhiều hơn tư tưởng siêu hình của Chu Đôn Di. Phải nhớ đến thế kỷ XVIII mới thấy vài nhà nho ta chú ý và nghiên cứu các bộ sách Kinh học và Thực học thời Minh – Thanh được xuất bản ở Trung Quốc dưới hình thức kinh tịch, thư tịch và so sánh văn học Hoa – Việt: Ngô Thì Nhậm so sánh kinh Xuân Thu với Tả Truyện, Phạm Nguyễn Du bình luận Luận Ngữ, Lê Quý Đôn tranh luận với các tác gia Trung Quốc thời Tống về Kinh Dịch và Kinh Thư(6). Tuy nhiên, mục đích chính trong Kinh học Việt Nam là làm sáng tỏ ý nghĩa chất chứa trong kinh điển Nho học hơn là khai triển, đào sâu những vấn đề triết học như các trường phái Kinh học và Thực học ở Trung Quốc (Cố Viêm Võ, Hoàng Tông Hi). Thực ra, nó chỉ giới hạn trong phạm vi giáo khoa, phục vụ nhu cầu thi cử làm phương tiện tiến thân cho sĩ tử mà thôi. Tinh lý giản yếu của Nguyễn Huy Oánh, Xuân Thu lược luận, Tứ Thư ước giải của Lê Quý Đôn, Tứ Thư Quân hành của Bùi Huy Bích năm trong viễn tưởng đó.
Bằng cách cho in dịch kinh sách ra chữ Nôm, Hồ Quí Ly đã tạo ra bước đầu tiên cho nền “Việt học” được phát triển dưới thời Lê-Trịnh với những tác phẩm của Ngô Thì Sĩ (Việt sử tiêu án), Lê Quý Đôn (Quần thư khảo biện, Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu luận…), Phan Huy Chú. Đặc biệt, Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn giới thiệu và bình luận sách cũ dọn đường cho Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú. Các tác gia Kinh họcđã ở đầu truyền thống nghiên cứu sử địa Việt Nam học thời Nguyễn với những Hoàng Việt thống nhất dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, những tuỳ bút của Phạm Đình Hổ (Vũ trung tuỳ bút, Tang thương ngẫu lục). Theo gương Lê Thánh Tông, các vua nhà Nguyễn như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng sáng tác những tác phẩm có giá trị văn học và cho biên soạn các bộ sách lớn như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam liệt truyện. Nó cũng thể hiện trong các sách Nam Sơn tùng thoại của Nguyễn Đức Đạt, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức.
Trong một khoảng cách thời gian ngắn ngủi hơn, nhà Nguyễn cũng tái lập hành trình triều Lê, cố gắng phục hưng văn học thời Hồng Đức, uy tín của trường học, của quan lại mặc dù thái độ dè dặt của sĩ phu Hà Nội đối với tân triều như Phạm Quý Thích, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan… hay e dè, miễn cưỡng như Nguyễn Du. Bắt đầu nửa thế kỷ sau, khi quân đội Pháp bắt đầu xâm lấn, tầng lớp sĩ phu Nguyễn triều nhanh chóng phân hóa nội bộ. Một lần nữa, chế độ Bảo hộ gây rạn nứt trầm trọng giữa hai khuynh hướng: “dấn thân tùy thời” cộng tác với ngoại bang dưới chiêu bài thờ vua (Hoàng Cao Khải) hay “ẩn dật” (Đồ Chiểu).
Từ Nho học đến nho sĩ (thế kỷ XV-XX)
Ngay từ lúc ban đầu, triều đình nhà Lê khai trương chính sách “văn trị” giao phó guồng máy cai trị cho quan lại xuất thân nho học, sĩ tử đỗ đạt ở các trường thi, đặt ưu tiên dân sự trên quân sự. Những vụ án giết hại công thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xá, Nguyễn Trãi… ngoài việc tranh chấp trong hoàng tộc còn chủ ý đè bẹp mọi xu hướng công thần hay mầm mống chống đối của những kẻ đồng hành của Lê Lợi trong suốt 10 năm kháng chiến chống Minh. Phải biết phối hợp uy tín cá nhân của vua Lê Thánh Tông với yếu tố thời gian (một trong những triều đại lâu dài nhất) – điều kiện chính yếu của một Minh chủ phương Đông – nhà Lê mới hoàn thành quy chế quan lại dân sự và quân sự (quan bản vị), hợp lý hóa tổ chức cai trị nhà nước (đối với thời đó), hữu hiệu, cường thịnh, đặt nho sĩ vào hàng đầu trong một xã hội nông nghiệp. Với đạo luật Hồng Đức, nhà Lê thiết lập quan hệ hữu cơ giữa nhà nước quân chủ chuyên chính và giai cấp sĩ phu “bổng lộc” (prebende) – loại hình quan lại chuyên nghiệp – theo định nghĩa của Max Weber đánh dấu sự cáo chung của chế độ quân chủ phụ quyền (monarchie patrimoniale) thời Lý-Trần. Chế độ quan quyền cũng theo gương Đường-Tống hoàn chỉnh hệ thống giáo dục Nho giáo từ làng xã đến kinh đô (Quốc Tử Giám), đặt lệ thi cử ba năm một lần để tuyển chọn nhân tài (Hoàng triều quan chế, 1473), khích lệ tranh đua giữa các làng, các tỉnh “văn học”, các “hội văn”. Chính sách “mở rộng” trường học đã mang lại cho xã hội chính trị và đời sống văn hóa dân tộc một thời đại “văn hiến” chưa từng thấy trong lịch sử đất nước. Sĩ phu “hàn lâm” Việt Nam có lẽ bắt nguồn từ đó!
Nguyên tắc “tuyển lựa nhân tài” qua những kỳ thi cử rất khó khăn gian khổ. Cứ ba năm, chỉ 5 đến 10% thí sinh mới được vào con đường sĩ hoạn, đem hãnh diện cho làng xóm, gia tộc, phần đông lại pahir trở về quê làm nghề dạy, làm thuốc, viết lách, thư lại… giữa hai kỳ thi. Dù không được học hàm cao quý (tú tài, cử nhân, tiến sĩ), quy chế thí sính vẫn dành cho giai cấp trí thức nho học những đặc quyền không nhỏ trong xã hội (miễn lao dịch, miễn thuế má, miễn đi lính).
Nhiều sử gia trong và ngoài nước đã nghiên cứu đề tài này, nhất là từ lúc Việt Nam thuộc Pháp, khi đối phương và đối tượng là tầng lớp sĩ phu Nho giáo. Sau Pierre Pasquier (L’Annam d’autrefois, 1907) trước năm 1945, Paul Mus (Viet Nam-Sociologie d’une guerre, 1952), Philippe Langlet (L’Ancienne Historiographie d’Etat au Viet Nam, BEFEO, XIV, Paris, 1992), Philippe Papin (Viet Nam-Parcours d’une Nation, Paris, 1999), Emmanuel Poisson (sdd)… đã nghiên cứu khá cặn kẽ chế độ trường thi thời Nguyễn. Ngược lại, rất ít tài liệu cho phép đánh giá “sức nặng xã hội” quy mô của nó: số lượng, chương trình (curricula), cách chấm thi, quyết định, áp dụng chỉ thị của triều đình… ngoài một số ký ức gia đình để lại. Cũng không có nhiều tài liệu kinh tế giáo dục cho ta tìm hiểu hiện tượng lạm phát học hàm, thất nghiệp trí thức, nhất là dưới thời Lê mạt. Có lúc chức tiến sĩ nhiều đến nỗi những người không đỗ Hội hay Đình thi ít có hy vọng được bổ nhiệm làm quan chốn kinh đô và đành an phận nơi huyện, phủ… hẻo lánh!
Vì thiếu những dữ kiện chính xác nên dễ chấp nhận những huyền thoại về “nhà nước quan liêu” hay “chế độ quan lại thiên triều” (bureaucratie cessleste) lạm phát những quan chức ký sinh (?), ăn bám công quỹ, tham nhũng… Cái mà sử gia Hà Nội ngày xưa gọi là “phong kiến Nho giáo” thời Lê thịnh (1471) chỉ định một hệ thống quan trị trên dưới không hơn 5.370 quan chức trong đó có 2.755 người phục dịch chính quyền trung ương tại triều (399 quan dân sự, 857 quân sự, 446 lại thuộc), 2.615 ngoại quan các tỉnh (926 quan hành chính, 857 sĩ quan, 41 lại thuộc)(7).
Còn về nhân số học sinh cũng thời ấy, theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn, trường thi dành cho “trấn” (vùng) Sơn Tây từ năm 1462 đến năm 1499 tụ họp từ 3.200 đến 5.000 thí sinh mỗi kỳ thi (3 năm). Tóm lại, chế độ thi cử và khả năng sản xuất quan lại của nhà trường đã phải tìm thăng bằng giữa cung và cầu trong quan hệ hành chính và giáo dục. Gần đây, vài tài liệu sử học về nhà trường Lê-Nguyễn cũng khám phá vài yếu tố làm lệch hướng nguyên tắc bình đẳng, “dân chủ” trong hệ thống thi cử ngày xưa: hiện diện của những “sĩ tộc” (cha truyền con nối), một loại hình “quý tộc nhà nước” (noblesse d’Etat theo Pierre Bourdieu), khoa hoạn tập trung vùng chung quanh Hà Nội như Hải Dương (Mộ Trạch), Hà Đông (Đông Ngạc), Hà Tây, Bắc Ninh thời Lê, Nam Định (Hành Thiện), Nghệ An, Hà Tĩnh, hay Quảng Nam thời Nguyễn. Nhiều “sĩ tộc” như họ Vũ (Mộ Trạch), họ Ngô (Tả Thanh Oai, Hà Tây), họ Nguyễn Huy ở Tường Lưu (Hà Tĩnh), họ Nguyễn ở Tiên Điền, họ Phan ở Thạch Hà…(8).
CHÚ THÍCH:
Xem Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Sài Gòn, Nxb Lá bối, 1973.
Xem Trần Văn Giáp, Le Bouddhisme en Annam, trong BEFEO, tập XXXII, 1932.
Xem biểu liệt kê các tác giả và tác phẩm theo thứ tự thời gian trong Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Sài Gòn, Nxb Giáo Dục, 1968 (in làn thứ 10).
Dương Quang Hàm, Sdd, tr.253.
Xem Trần Văn Giáp và nhiều tác giả, Lược truyện các tác gia Việt Nam, q.I, tr.97-106.
Xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm. Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, 2 q., Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, 1984-1999.
Xem Đại cương lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Nxb Giáo dục, q.I, 1997, tr.321.
Xem bài của Phan Đại Doãn trong Một số vấn đề về Nho giáo Việt Nam (nhiều tác giả), Hà Nội, Nxb Sự thật, 1998.
Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/2011/10/14/415-“khong-gian-van-hoa”-nho-giao-viet-nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét