" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015
Nghịch lý Trích Luận ngữ tân thư
Thiên hạ chật ních người, kẻ cô liêu cứ coi như đồng vắng. Vòng danh lợi tít mù, gã ngủ gật cứ hờ hững như không. Tấm áo chữ “nhân” may đã nghìn năm, nay vá chằng vá đụp. Đến bao giờ…? Hóa công là tưởng tượng. Tiên đạo là vô vi. Thánh nhân là hoang đường. Bạn bè là xa xỉ. Rốt cuộc nâng vật nặng ngàn cân, có khi không cần dùng sức. Thổi một sợi tóc, có lúc phải dùng đến bão dông… Vẫn lời “tựa” trong “Luận ngữ tân thư”. Sau đây, lại xin trích một đoạn trong bộ sách đó:
– Nghịch lý cũng là một loại “lý”. Nhưng là cái “lý” nghịch, “lý” không thuận. Thánh nhân có bàn đến nghịch lý không?
– Thánh nhân thì cái gì khác có thể không bàn, chứ đã gọi là “lý” thì dù nghịch hay thuận cũng không thể không bàn đến.
– Thánh nhân bàn như thế nào?
– Khổng Tử bảo: “Danh không chính thì ngôn không thuận. Ngôn không thuận thì việc không thành. Việc không thành thì lễ nhạc suy. Lễ nhạc suy thì hình phạt không trúng. Hình phạt không trúng thì dân không biết đặt tay chân vào đâu cho đúng chỗ”. Túi mình không móc, lại móc túi người khác. Thế là tay nhầm. Đường mình không đi, lại đi vào đường người khác. Thế là chân nhầm. Vợ mình không ôm, lại ôm vợ người khác. Thế là cả tay lẫn chân đều nhầm. Ruộng mình không cày, lại cày ruộng người khác. Thế là nhầm vào đến ruột gan. Người có đạo không thờ, lại tôn thờ kẻ vô đạo. Thế là nhầm vào đến cốt tủy… Rốt cuộc thiên hạ nhầm lẫn lung tung. Mầm loạn cũng từ đấy mà sinh ra.
– Nhưng cái “lý” ấy, xem ra chưa có gì gọi là nghịch?
– Hơn một trăm năm sau, ông Mạnh Tử phát triển cái “lý” trên của Khổng Tử. Ông bảo: “Nước có đạo thì đặt ra hình phạt để ngăn ngừa cường bạo. Nước vô đạo thì đặt ra hình phạt để thi hành cường bạo”. Thế là cùng đặt ra “hình phạt”, mà té ra ở thời “có đạo” và thời “vô đạo” lại nhằm vào những mục đích ngược hẳn nhau. Như thế tất phải có một thời là nghịch lý.
– Vậy khi nào thì hết nghịch lý?
– Khi tất cả các “lý” trên đời đều… nghịch!
– Thánh nhân buồn nhất lúc nào?
– Người ta thường nhận ra niềm vui nhanh hơn nhận ra nỗi buồn. Thánh nhân thì ngược lại.
– Thánh nhân buồn như thế nào?
– Tử Hạ nói: “ngồi với kẻ hèn, có cái thú thấy mình là sang. Ngồi với kẻ khó, có cái thú thấy mình là giàu. Ngồi với tiểu nhân, có cái thú thấy mình là quân tử. Nhưng ngồi với kẻ ngu, có cái buồn không biết nói chuyện gì”.
– Thánh nhân vui nhất lúc nào?
– Tăng Tử bảo: “Làm con thấy cha mẹ vui, làm thầy thấy học trò hiểu, làm bạn thấy bạn nhớ mình, làm người thấy giữ được chữ tín. Đó là những nỗi vui lớn trong đời”.
– Thánh nhân có khi nào vội vàng không?
– Việc đời có lúc khoan, lúc nhặt. Làm người có lúc vội, lúc thư. Thánh nhân cũng không là ngoại lệ.
– Thánh nhân vội vàng như thế nào?
– Khỗng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy. Tử Cống thấy vậy hỏi:
– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?
Khổng Tử rung đùi đáp:
– Không sao.
Lại hỏi tiếp:
– Làm tướng có được không?
Khổng Tử vuốt râu đáp:
– Được.
Lại hỏi tiếp:
– Thế nhỡ về làm giặc?
Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:
– Cũng không hại gì.
Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng:
– Nghe nói Mỗ xin về nước chỉ để làm thầy!
Khổng Tử vừa nghe câu đó bỗng giật bắn mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp cài khuy, vội vàng lao ra cổng chạy hớt hơ hớt hải. Học trò đuổi theo hỏi: “thầy chạy đi đâu?”. Khổng Tử vừa chạy vừa đáp:
– Sang ngay nước Đằng.
Học trò lại hỏi: “sang nước Đằng làm gì?”. Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:
– Sang ngăn không cho tên Mỗ làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ…
Phạm Lưu Vũ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét