" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015
Chữ nghĩa.
Thỉnh thoảng tôi nghe những giọng nữ trẻ trên tivi là diễn viên miền Nam nói trong mấy phim ảnh: "Sao dợ?", "Đi đâu dợ?", còn nam diễn viên, hoặc diễn viên lớn tuổi lại không nói như thế. Người miền Nam thường phát âm chữ v = d, chẳng hạn và = dà, vinh dự = dinh dự, vanh vách = danh dách,.. Nếu hiểu như thế thì "Sao dợ" sẽ thành "Sao vợ?", "Đi đâu dợ?" sẽ thành "Đi đâu vợ?". Nữ mà nói như thế thì thành... đồng tính mất, nhưng những ai ở miền Nam lâu sẽ hiểu ngay "dợ" = "vậy", "Sao dợ?" = "Sao vậy?", "Đi đâu dợ?" = "Đi đâu vậy"?". Từ chữ "vậy" phát âm thành "dậy", "dợ".
Tiếng Việt nó khó và "rối" thế, nhưng chịu khó tìm hiểu đôi chút thấy cũng rất thú vị, Vừa qua tôi có dịp học thêm được "tiếng Nghệ" nhờ những bạn blog hay qua lại, nói là "học" cũng không đúng, chẳng qua chỉ mới "làm quen" với nhiều từ ngữ khá lạ lùng trong tiếng nói của người Nghệ An (tiếng Nghệ, mà tôi nghĩ vui thành... tiếng ngộ). Hay chú ý đến ngôn ngữ, từ ngữ, trước đây tôi có vài quyển sách viết về tiếng Mường đọc thấy rất thích thú, tiếng Mường là thứ tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, rất gần với tiếng nói của người Việt, trong hệ ngôn ngữ Môn-Khmer vùng Nam Á. Trong tiếng Mường có rất nhiều từ ngữ tương đồng với tiếng Việt, chỉ khác ở phát âm, và nhận thấy âm điệu của tiếng Mường khá giống tiếng Nghệ, đọc trên trang mạng Wikipedia trong mục từ Tiếng Mường, thấy cũng nhận xét như thế.
Bây giờ ta hay nghe nói "phương ngữ", chẳng hạn "phương ngữ Bắc bộ", "phương ngữ Nam bộ", hay "phương ngữ Trung bộ". Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích:
- phương ngữ d. Biến thể theo địa phương hoặc theo tầng lớp xã hội của một ngôn ngữ.
Ở miền Nam trước đây trong các từ điển lại không ghi nhận từ "phương ngữ", như Việt Nam Tự điển của Đào Văn Tập, Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, hay Tự điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai Trí, mà chỉ có từ "phương ngôn" với giải nghĩa: Tiếng nói của từng địa phương, Tục ngữ. Trong Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), giải thích từ "phương ngôn" như sau:
- phương ngôn. d. 1 Như tục ngữ. Phương ngôn có câu: Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. 2 (cũ). Phương ngữ.
Như vậy, theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt hiện nay ta có thể thấy "phương ngôn" và "phương ngữ" được hiểu như nhau.
Trong một số sách viết về ngôn ngữ hiện nay, viết trong phương ngữ có "tiếng", chẳng hạn cùng trong phương ngữ Bắc bộ có tiếng Nghệ, tiếng Hà Nội, tiếng Bùi Chu-Phát Diệm.., tức là phân biệt tiếng nói của từng địa phương, tương tự phương ngữ Trung bộ có tiếng Huế, tiếng Quảng Nam, tiếng Bình Định, tiếng Nha Trang..., phương ngữ Nam bộ có tiếng Sài Gòn, tiếng Sóc Trăng, tiếng Cần Thơ... Để ý một chút ta thấy rất đúng, trong phương ngữ Bắc bộ tiếng Nghệ An nói khác tiếng Hà Nội, hay tiếng của người ở Bùi Chu-Phát Diệm, có điều hơi lạ, người miền Bắc nói chung ít uốn lưỡi khi nói chữ "r", chữ "r" thường được thay bằng "d" (r = d), "rồi" nói thành "dồi", "rảnh rỗi" nói thành "dảnh dỗi", nhưng người vùng Bùi Chu-Phát Diệm thì âm vần "d" lại nói thành "r", chẳng hạn Phát Diệm = Phát Riệm, nhân dân = nhân rân... Còn ở miền Nam thường uốn lưỡi chữ "r", nhưng cũng có địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long nói rảnh rỗi = gảnh gỗi, con cá rô bỏ vào rổ nhảy rột rột = con cá gô bỏ vào gổ nhảy gột gột. Trong từ "tr" cũng thế, đa số uốn lưỡi phát âm đúng "tr". Nhưng cũng có địa phương phát âm "tr" thành "ch" như người miền Bắc, cá tra = cá cha, trắc trở = chắc chở...
Ngay trong một địa phương như Sài Gòn cũng có nơi phát âm khác nhau. Theo một khảo sát trong quyển Tiếp xúc Ngôn ngữ ở Việt Nam (TS. Nguyễn Kiên Trường chủ biên, NXB Khoa học Xã hội-2005). Người Sài Gòn nói chung nói từ "rượu" = rựu", nhưng người dân khu vực Bình Thạnh nói thành "rụ" (rượu = rựu = rụ), các từ lượm = lựm = lụm, mưu = mưu = mu...
Trong phương ngữ Nam bộ ta thấy có một số từ riêng, khác với phương ngữ Bắc bộ, như Nam bộ nói bông, Bắc bộ nói hoa. Nam bộ nói chén, Bắc bộ nói bát. Nam bộ nóitrái, Bắc bộ nói quả. Nam bộ nói đậu phọng, Bắc bộ nói lạc... Có sách viết do kỵ húy chữ "Hoa" là tên mẹ của vua Thiệu Trị (Hồ Thị Hoa, hoàng hậu vợ của vua Minh Mạng), nên người miền Nam gọi thành "bông". Nhưng hình như không phải như thế. Trong tiếng Mường còn hiện diện cả hai từ "wa" và "pông" để chỉ bông, hoa. Tiếng Mường nói Cải pông wa nì pẫu hốc là pông chi = Cái bông hoa này người ta gọi là bông hoa gì? Hoặc Nhả nả cỏ môch câl pông cúc = nhà nó có một cây bông (hoa) cúc. Ta nói hoa hoét, thì tiếng Mường nói wa wét, ta nói bông cúc, bông lan, hoa cúc, hoa lan, tiếng Mường nói pông cúc, pông lan, wa cúc, wa lan... Như vậy chữ "bông" ở miền Nam còn tìm thấy trong tiếng Mường (pông), cũng như chữ "hoa" ở miền Bắc cũng còn hiện diện trong tiếng Mường (wa). Người miền Nam kỵ húy chữ "hoa" cho nên đã nói trại thành "huê", như Huê kiều = Hoa kiều, huê hồng = hoa hồng. Kỵ húy chữ kính = kiếng, cảnh = kiểng...
Phương ngữ Nam bộ có từ chén, phương ngữ Bắc bộ có từ bát với nghĩa tương đương. Cũng giống như bông và hoa. Trong tiếng Mường hiện diện cả hai từ này. Người Mường nói chẻn rão = chén rượu, pát cơm = bát cơm, pát đác = bát nước...
Miền Nam nói "trái", miền Bắc nói "quả", từ "quả" không thấy hiện diện trong tiếng Mường, nhưng từ "trái" lại có trong tiếng Mường. Tiếng Mường gọi quả là "tlải", người Mường nói Thương rà tlải cà tủ bỏi = Thương nhau quả (trái) cà chấm muối. Âm "tl" thay cho "tr" ta còn thấy trong tiếng Việt cổ, từ ngữ thời các cố đạo Tây phương xa xưa sang Việt Nam, sách vở còn ghi chép Đức Chúa Tlời (blời) = Đức Chúa Trời.
Miền Nam nói "cái chi?", miền Bắc nói "cái gì?". Từ gì không thấy trong tiếng Mường nhưng từ chi lại có. Người Mường nói Chăng cỏ chi ăn, chí cỏ cơm rau dưa thơi = Chẳng có chi (gì) ăn chỉ có cơn rau dưa thôi.
Miền Nam nói "đậu phọng", miền Bắc nói "lạc". Từ đậu phọng không thấy trong tiếng Mường nhưng từ lạc lại có. Người Mường nói Enh rang lac thỉa nì ay mà ăn, chắl hết= Anh rang lạc kiểu này ai mà ăn, cháy hết.
Qua xem xét một số từ ngữ trên ta có thể đặt câu hỏi: "Tại sao người Nam bộ ở tuốt phía Nam của đất nước, mà trong phương ngữ Nam bộ lại có những từ ngữ tương đồng với tiếng Mường, là một dân tộc ở vùng miền núi phía Bắc?". Điều này có lẽ cũng không có gì khó hiểu, bởi người miền Nam chỉ mới hiện diện chưa đến nửa thiên niên kỷ nơi vùng đất phương Nam. Những cư dân đầu tiên của người Việt đặt chân tới vùng đất này là vào thời các chúa Nguyễn, đa phần là người vùng Thuận Hóa, và ít hơn là người miền Bắc... Điều này còn thấy rõ nét qua ngôn ngữ như kể trên...
Trong tiếng Mường còn rất nhiều từ mà tiếng Việt còn thấy ở từ đơn, hay trong từ ghép, chẳng hạn tiếng Việt nói "hèn yếu", thì tiếng Mường hèn = yếu, tiếng Việt nói "nhỏ mọn", tiếng Mường mõn = nhỏ, tiếng Việt nói "xiêu vẹo", tiếng Mường wẽo = cong.v.v...
Lúc rảnh rỗi, ngồi xem ba cái chữ nghĩa cũng vui...
PN-Hiệp
Tham khào:
- Từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang chủ biên, NXB Văn hóa Dân tộc-Hà Nội-2002.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét