Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Mẹ tôi

 Võ Văn Lân




Cũng như phần đông phụ nữ nông thôn nước ta thời trước, mẹ tôi “chữ nhất là một” cũng không biết. Mọi thứ văn tự mua bán, vay mượn… mẹ phải điểm chỉ. Tuy nhiên, khi đụng đến con số, mặc dù mẹ chỉ tính rợ nhưng không một ly sai chạy. Và vì thế mẹ vẫn là “nội tướng” tài ba quán xuyến mọi việc đối nội đối ngoại. Mẹ tôi không hơn thua với ai nên chẳng bao giờ to tiếng nặng lời, kể cả với chồng con hay với bà con xóm giềng. Đến nỗi có lúc bọn tôi phải lên tiếng, “Mẹ nhịn mãi người ta lấn lướt!”. Mẹ chỉ cười: “Một điều nhịn chín điều lành, các con ạ!”. Có phải vì thế mà người quen kẻ lạ ai cũng mến, nhưng mẹ thì vất vả và nhà thì khó khăn thiếu thốn?

Gà vừa gáy canh tư trong cái giá rét cắt da những ngày đông xứ Huế, tôi còn mơ mơ màng màng với giấc ngủ ngon về sáng, chợt hao gầy dáng mẹ xiêu xiêu vách đất đã đánh thức tôi dậy. Ánh lửa rơm bập bùng, một bên bếp nồi cơm, bên kia nồi cám heo, ấm nước chè kê ở giữa… Khi mọi người thức dậy cơm đã lên mâm, nước đã vô bình. Lúc ai nấy đã ngồi vào ăn sáng để kịp người nào việc nấy thì mẹ lại quày quả vào chuồng heo, tay bưng nồi cám. Thấy bóng mẹ, mấy con heo đang kêu réo lập tức im re. Đàn gà vịt đang tha thẩn ngoài sân cũng ngẩng đầu đón mẹ. Xong việc, mẹ vừa ăn qua quít vừa tranh thủ thu dọn và chuẩn bị bữa lỡ bới ra đồng. Thời buổi gạo châu củi quế, bà mẹ quê nào chẳng thế! Tuy nhiên để “sắp nhỏ” chúng tôi có chén cơm vun mà ít phải độn khoai hay sắn lát… thì đó là cả một sự khéo léo khi ghế, khi xới và đơm cơm. Lại còn phải tính toán làm sao để ai cũng no và có chút đồ ăn mặn miệng… chứa chan tấm lòng mẹ! Bí quyết nào đâu, mà chỉ đơn giản là mẹ tiện tặn phần mình bù cho chồng con sự no đủ để mọi người đủ sức làm việc nắng nôi cực nhọc… Bao nhiêu việc lo gần tính xa đặt lên đôi vai gầy gò thân mẹ. Chuyện học đứa này vừa xong mẹ lại tính chuyện làm đứa khác. Dựng vợ gả chồng con trai con gái, đứa nào cũng công ăn việc làm, nơi ăn chốn ở mẹ mới yên. Mẹ còn vươn tay dài đến tương lai con cháu! Chị cả tôi lấy chồng xa, mẹ ngày đêm trăn trở “Không biết có ăn ở phải đạo trên thuận dưới hòa?” Nhưng có tính gì cũng không qua số trời, ăn ở với nhau chưa được bao lâu vợ chồng bất hòa chị quay về. Chị khổ một, mẹ lo hai ba và lại dang tay bảo bọc. Chị đi thêm bước nữa và có hai con với một dân quân du kích. Tưởng đã êm ấm ngờ đâu anh bị Tây bắt. Đôi tay gầy gò của mẹ chị nương; mẹ trông cháu để chị ngược xuôi tần tảo nuôi con và bới xách cho chồng. Hết rể đến lượt anh tôi bị Tây bắt, mẹ lại mất ăn bỏ ngủ chạy ngược chạy xuôi. May mà anh trốn thoát trở về nhưng sợ bị dòm ngó… mẹ tìm cách gởi anh xuống phố học nghề. Ra nghề kiếm được ít tiền anh đòi cưới vợ phố. Nhà gái đòi hỏi “duyên con gái, lễ vật phải đủ tiền neo tiền cưới, không cau lồng rượu ché cũng cau buồng rượu hũ, nữ trang giản tiện cũng đôi bông tai, chiếc vòng, đôi xuyến!”. Thấy không kham nổi, ba tôi khuyên anh lui nhưng mẹ thì nhất quyết “dù chi cũng là duyên là nợ” và xoay xở vay mượn lo đám cưới! Rồi lần lượt ba năm hai đứa con ra đời, vợ chồng anh làm lụng tất bật. Mẹ thấy thế không đành lòng vẫn động viên, “Có phước mới con đàn cháu đống” và không tiền bạc mẹ giúp công! Thấy mẹ vất vả, bọn tôi tỏ ý lo lắng. Mẹ bác: “Mấy đứa bay ăn chưa no lo chưa tới trời cho mẹ khỏe mạnh để chi mà không giúp con cháu!”. Thấy thế chị cả đòi ra riêng, mẹ một hai “đói no có nhau không đi mô hết!”. Hết rể và con trai bị tù, đến lượt ba tôi bị Tây bắt giam ở lao Văn Thánh. “Họa vô đơn chí” mẹ chạy đôn chạy đáo, nghe ai bày cha xứ nhà thờ có thế lực với Tây, mẹ đánh liều gõ cửa nhờ can thiệp. Cha hứa nhưng giúp thế nào mà mẹ đi mòn gót chân và bao thứ của ngon vật lạ, buồng chuối thanh tiêu chín cây, trái mít ngự chín bói chưa bao giờ dám bỏ vô miệng mẹ đều đem biếu, mà mấy năm trời ba vẫn chưa được thả.

Năm 1954 hòa bình lập lại, ba được thả về, do bị tra tấn nên không lâu sau ba mất. Mọi việc một tay mẹ gánh vác, tuy thế chuyện đơm quảy giỗ chạp bên nội bên ngoại không bỏ sót, việc phải trái xóm giềng mẹ chu tất. Đôi bàn tay sần sùi, gót chân nứt nẻ, ngón chân quắt queo… vết hằn năm tháng dãi dầu nắng mưa! Nhưng có bao giờ mẹ nửa lời than vãn! Bọn tôi lắm lúc vô tình chê mẹ xuề xòa và ăn mặc lằng xằng. Mẹ luôn chịu thương chịu khó vì chồng con, ham lam ham làm có lúc nào rảnh để phiền hà, trách cứ ai!

Mấy năm trung học trọ học xa nhà, tôi luôn trông đến cuối tuần để về nhà. Chị Hai tôi kể lại: “Mới sớm thứ bảy mẹ đã đi ra đi vô, hết sân đến bếp, luôn tay luôn tay chân dọn cái này dẹp cái kia!”. Tôi về nhà thì “chục bữa như một” được thỏa thuê với nồi cơm gạo mùa, đọi canh chuối nấu rau sân lá lốt bốc khói thơm lựng. Ngồi một bên, mẹ phành phạch chiếc quạt mo, xua mấy con muỗi vo ve cho con ăn ngon, lâu lâu phất một cái về mình! Và sáng thứ hai tờ mờ sáng tôi trở lại trường thì trong cặp đã sẵn mo cơm ép; bữa thì cá bống thệ kho rim, bữa muối sả kho tép! Mẹ đi theo ra ngõ, choàng chiếc tơi lá ra ngoài tấm bạt ny-lông để cho ấm rồi dúi vào túi con ít tiền (tiền bán mấy thứ linh tinh trong nương dồn lại…!). Một kỷ niệm in sâu vào tâm khảm, tôi làm sao quên! Một sáng chủ nhật sau hai tuần ôn thi không về nhà, tôi ngạc nhiên thấy mẹ tìm đến chỗ trọ và chờ đợi đến khi tôi đi học về. Tôi tiền đã hết nên mừng trong bụng nhưng chợt thấy chiếc áo dài bạc thếch không che kín cái quần ống xắn lò xo mẹ mặc, đôi dép xỏ quai mòn lỉn… tôi cảm thấy ngượng. Mẹ nhìn một lúc lâu tưởng như tôi đã thay đổi nhiều lắm sau thời gian dài không gặp. Trao tôi món tiền cùng gói thức ăn rồi mẹ quày quả đội nón ra về mẹ đã băng bộ bốn năm cây số. Mẹ về rồi nỗi xót xa nhói lên trong lòng. Tôi tự nhủ “Có phải mình xấu hổ với bạn về sự quê mùa của mẹ!” .Tôi lấy làm hối hận và tự hứa lần sau sẽ làm gì cho mẹ vui. Nhưng lần sau, lần sau nữa… cho đến khi trưởng thành, lo toan cuộc sống vợ con gia đình lận đận… tôi vẫn chưa làm được điều gì cho mẹ vui… nói chi đền đáp công ơn trời biển mẹ cha. Giở đây thức ngon món lạ tôi không thiếu thứ gì nhưng làm sao tìm lại được cảm giác “ấm áp” nồi cơm thơm phức hương vị quê nhà và tô canh chuối chứa chan lòng mẹ!

Một việc khác tuy nhỏ nhưng sâu đậm ấn tượng về mẹ. Năm 1945 nạn đói khủng khiếp xảy ra cho người dân Huế và nhiều nơi cả nước. Từ thành đến vùng quê người người chết đói la liệt không kịp chôn. Để cầm cự cái đói, người lớn, con nít trong đó cả mẹ và hai chị tôi đổ ra đồng đào nát bờ mương đường ruộng lấy rau rìu, củ éo về nấu cháo độ nhựt. Cây mít trước sân nhà có mấy trái, không dám ăn để dành phòng khi ngặt nghèo. Đã lấy gai nè rào lại nhưng bỗng mất một trái. Ba tôi quyết rình tìm thủ phạm. Một đêm tối trời, bỗng phát hiện kẻ trộm đang leo trên cây, ba vội rút cây thước gỗ xông ra. Mẹ giữ chặt ba lại ra dấu im lặng và nói nhỏ: “Thằng Dần đó chứ ai, đừng làm nó sợ nó té!”. Sáng ra lạ thay trái mít nằm dưới gốc. Mót máy nhà còn hơn lon gạo, mẹ bảo chị tôi đem cùng trái mít đến chỗ Dần thì thấy anh đã nằm chết trước rạp tranh ở bến đò. Mẹ tôi cùng hàng xóm lo chôn cất anh.

Mẹ tôi có cách mua bán lạ đời, mọi thứ trong vườn mẹ để bạn hàng tự hái, tự đếm rồi trả tiền. Mấy đứa tôi thắc mắc: “Có phải ai cũng thiệt cả đâu?”. Mẹ cười “Mình ở từ (giữ chùa) mua bán phải nới một chút cho người ta kiếm miếng cơm, miếng cháo nuôi con, khác nào cúng Phật, mất đi đâu mà tính toán!”. Bạn hàng có người thiệt thà nhưng không phải ai cũng ngay thẳng, có người than thiếu vốn xin bán xong đem tiền trả nhưng bán xong lặn mất chẳng thấy trả vốn nói chi lời. Bọn tôi cười, mẹ tỉnh bơ “Có răng họ mới rứa, mất lộc này Trời Phật cho lộc khác, hanh hao chi thêm mang tội!”. Thật ra buồng cau, trái mít, chùm nhãn… không cân không đếm mà bao nhiêu trái, mấy chục cân mẹ ước chính xác. Biết thế mấy chị bạn hàng rất nể và từ cảm phục họ đổi tính đổi nết! Người ta nói người già hay giở chứng, mẹ tôi cũng không ngoại lệ nhưng kiểu giở chứng của mẹ thật chẳng giống ai. Về già mẹ ăn uống đạm bạc và không chịu sắm sửa. Con cháu mua tô bún, tô mì… mẹ xua tay “Thôi để sắp trẻ ăn cho có sức có vóc mần việc nặng, mẹ già rồi ăn uống mấy xí!”. Biết ý, con cháu sắm sẵn cho mẹ bộ quần áo, đôi dép… “Bận chi chẳng được miễn sạch sẽ, lành lặn mua sắm chi cho tốn” rồi mẹ gói cất “… để tết nhứt đám cưới đám hỏi mặc cho con cháu vui!”. Ai biếu chút tiền mẹ cũng “… để dành khi có ai gặp ngặt nghèo có mà giúp”. Giúp ai được việc gì mẹ “hả dạ” vô cùng!

Sau ngày giải phóng, con cái tứ tán mỗi đứa một nơi. Tiếng đông con nhưng đứa nào đứa nấy lo bản thân và gia đình riêng mình chưa xong lấy chi lo cho mẹ! Nhưng “nước mắt chảy xuống” có bao giờ mẹ đòi hỏi hay trách cứ con cái, trái lại ngày đêm mẹ cầu Phật Trời phù hộ cho con cháu bình yên! Và sống hẩm hút với chị Hai ở quê nhờ vào bán mấy thứ vặt vãnh trong nương, nhưng năm thì mười họa tôi về thăm, lần nào mẹ cũng dúi vào túi ít tiền làm quà cho cháu, không nhận không được! Tôi đinh ninh mẹ còn sống chục năm nữa, chờ khá lên một chút chăm lo mẹ tốt hơn. Ngờ đâu mẹ ra đi không kịp trở tay, tôi bối rối không biết tính sao! Nhưng nhờ duyên lành tôi về kịp. Đến nhà mọi thứ đã đâu vào đó… chị tôi cho biết nhờ sự giúp đỡ quí báu của thầy Khế Chơn và nhóm thiện nguyện bác Siêu. Những năm 80 thế kỷ trước tôn giáo tín ngưỡng còn là vấn đề nhạy cảm, sinh hoạt tâm linh còn hạn chế. Tuy thế anh em tôi thật vô cùng ngạc nhiên và xúc động trước sự quan tâm của quý Thầy trong Ban Hoằng pháp Tình hội và các bác trong khuôn hội. Hôm trước ngày di quan, hai cháu sinh viên đến báo cho gia đình biết “Tối nay Thầy đến chủ trì lễ thuyết linh và cầu siêu cho mệ”. Sáu giờ tối hai hàng Phật tử khuôn hội… áo tràng nghiêm chỉnh đứng hai bên đường nghênh đón thầy. Bảy giờ một vị Sư trẻ mặc bộ đồ đà giản dị dung mạo đoan trang… bước vào nhà. Mọi người kháo nhau là thầy Khế Chơn… Mặc dù được báo trước, tôi sững sờ nhìn và ai nấy đều bị thu hút bởi nét mặt rạng rỡ cử chỉ khoan hòa, nụ cười tươi trên khuôn mặt Thầy! Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của quý bác và các cháu sinh viên, Thầy tiến hành nghi lễ Bạch Phật, cầu siêu và lễ thuyết linh. Nhiễu quanh quan tài nhiều vòng, Thầy đọc chú niệm Phật, nhắc lại những điều sinh thời mẹ tôi đã làm không sót việc nào, nhiều việc là con nhưng anh em tôi không hề biết. Những ngày còn khó khăn mẹ đã tham gia góp gạo cứu tế và khi biết không còn sống được bao lâu mẹ dặn chị tôi làm đám sơ sài với tiền dành dụm còn để cúng cho quỹ từ thiện… Thầy ân cần nhắc nhở hương linh vững vàng hướng theo tín nguyện hạnh, Đức Phật A-di-đà và Thánh chúng sẵn sàng dang rộng vòng tay từ bi đón nhận. Và khuyên con cháu người thân thực hiện lời Phật dạy phóng sanh, bố thí, niệm Phật… hồi hướng người quá cố, tạo thuận duyên giúp tiến trình vãng sanh tốt đẹp! Mấy cháu sinh viên tình nguyện đến giúp mẹ tôi những ngày cuối đời kể lại “Mệ ra đi nhẹ nhàng, tay không rời chuỗi hột!”. Tang lễ hoàn tất tốt đẹp ngoài cả sự mong đợi. Hồi tưởng đôi nét về người mẹ quá cố con cháu vô cùng cảm kích và tự hào về mẹ nhưng khi nhắc đến nhận thức nông cạn một thời anh em tôi không khỏi lấy làm ăn năn. Và xin sám hối về nông nỗi có lúc suy bì “Người ta cha mẹ khôn ngoan lanh lợi, gia đình sung túc con cái ăn trắng mặc trơn. Cha mẹ mình chơn chất thật thà… nên nhà nghèo, anh em mình thiệt thòi!”. Thật ra nhà nghèo con đông vật chất thiếu thốn nhưng tình cảm không thiếu; cha mẹ đã giật gấu vá vai để chúng tôi được ăn học và dạy dỗ chu đáo! Anh em tôi đứa nào cũng có da có thịt, cao lớn mập mạnh chỉ có mẹ ngày càng gầy gò quắt queo. Một phần máu huyết thịt da của mẹ đã chuyền sang con cái! Và trước bao biến cố cái chết cận kề trong gang tấc, tôi chợt nghĩ đến mẹ… và một quyết định kịp thời, đúng đắn giúp tôi vượt qua hiểm nạn. Do đâu? Tôi tự hỏi nếu không được tưới tẩm bởi việc ăn hiền ở từ và sự nhẫn nhịn của mẹ. Người xưa thường nói “Con trai nhờ phước mẹ!”. Nên chăng sửa lại “Con cái nhờ phước mẹ!”. Con trai con gái nào lớn khôn mà chẳng từ tấm lòng mẹ bao dung.■

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét