Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

NGŨ HÀNH Chương 4. Ngũ Hành với sử quan Trung Hoa [1]




Nói đến thuyết Ngũ Hành, chúng ta không thể không nhắc đến Trâu Diễn, thời Chiến Quốc. Trâu Diễn sống sau thời Mạnh Tử và tư tưởng học thuật của ông đã có ảnh hưởng rất lớn đối với nền Văn học, Nghệ thuật, Chính trị và Đạo giáo Trung Hoa. Ông là người sáng lập ra phái Âm Dương, Ngũ Hành.Trâu Diễn chủ trương rằng vận trời và việc người cần phải được ăn khớp với nhau. Trên trời có Ngũ Hành tức là năm loại khí thế. Năm loại khí thế này ảnh hưởng lẫn nhau, cái này suy, cái kia thịnh, theo thứ tự tương khắc.

Ở trần gian, thì các triều đại cũng luân phiên kế tiếp nhau, theo thứ tự Ngũ Hành tương khắc: triều đại này suy tàn, thì triều đại tương khắc với nó có nhiệm vụ thay thế.

Các triều đại từ thời Hoàng Đế cho đến đời Chu đã luân phiên diễn biến theo thứ tự Ngũ Hành tương khắc như sau:
          
          Hoàng Đế         Thổ
            Đại Võ             Mộc
            Thương            Kim
            Chu                  Hỏa


Trâu Diễn không còn lưu lại sách vở, nhưng nhờ bộ Lã thị Xuân Thu và bộ sử Tư mã Thiên, chúng ta biết được đại khái học thuyết của Ông.

Lã thị Xuân Thu viết: Khi có một triều đại hoàng đế nào sắp hưng thịnh, thì trời ắt sẽ cho thấy một điềm cát tường.

Thời Hoàng Đế, Trời cho sâu lớn, kiến lớn hiện ra. Hoàng Đế nói: Khí đất thịnh. Khí đất thắng, cho nên màu sắc thời quí nhất màu vàng, và lấy đất làm dầu mọi công chuyện.

Đến thời Đại Võ, Trời cho dân thấy trước những cỏ cây sống trải qua mùa Thu, mùa Đông mà không rụng lá. Đại Võ nói: Khí gỗ thịnh. Khí gỗ thắng, cho nên màu sắc thời quí nhất màu xanh, và lấy gỗ làm đầu mọi chuyện.

Đến thời Thành Thang, Trời cho dân thấy trước Kim; cho thấy những đao kiếm hiện lên trên mặt nước.

Thành Thang nói: Khí Kim thịnh, Kim khí thắng, cho nên màu sắc thời quí nhất màu trắng, và lấy kim khí làm đầu mọi chuyện.

Đến thời Văn Vương, Trời cho thấy trước lửa, thấy con quạ lửa ngậm quyển sách đỏ, đậu xuống tông miếu nhà Chu.

Văn Vương nói: Khí lửa thịnh. Khí lửa thắng, màu sắc thời quí nhất màu đỏ, và lấy lửa làm đầu mọi chuyện.

Nước rồi đây sẽ thay lửa. Trời sẽ cho thấy điềm khí nước thắng. Khí nước mà thắng, thời sẽ quí nhất màu đen, và sẽ lấy nước làm đầu mọi chuyện.

Khí nước đã đến, nhưng mọi ngưòi chưa biết...

Khi chu kỳ hoàn tất, sẽ quay lại về Đất như cũ.

Như vậy Trâu Diễn đã lấy Ngũ Hành mà cắt nghĩa sự diễn biến của các triều đại và của lịch sử.

Sau này khi Tần Thủy Hoàng (246-209) đã thống nhất được đất nước, khí thế thực là hùng mạnh, nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn bị ảnh hưởng của Trâu Diễn, nên đã lấy Nước làm quốc vận.

Cho nên phàm là y phục, tinh kỳ, mao tiết đều có viền đen ở phía trên; lấy số 6 làm số gốc; các phù pháp, mũ miện đều dài 6 tấc; xe thời dài 6 thước; lại lấy 6 thước làm 1 bộ; cuỡi xe 6 ngựa; cải danh Hoàng Hà là Đức Thủy.

Đến thời Hán Cao Tổ (206-194), thuyết Ngũ Hành vẫn còn thịnh nên Hán Cao Tổ lại chọn Nước làm quốc vận, vì lẽ thời gian trị vì của nhà Tần quá ngắn chưa đủ tượng trưng cho cả một vận Nước.

Nhưng vua sau lại chọn Đất làm quốc vận, vì cho rằng nhà Tần đã chọn Nước làm quốc vận rồi.

Khi nhà Tiền Hán suy, Vương Mãng (9-23) cướp ngôi, tự xưng là Tân Triều Đại. Vương Mãng là người rất sành về thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, nên đã định lại vòng tuần hoàn của Ngũ Hành trải qua các triều đại cho đến triều đại của ông như sau:

MỘC
1. Phục Hi
6. Đế Khốc
11. Chu
NHUẬN THỦY
Cộng Công
Đế Chí
Tần
HỎA
2. Thần Nông
7. Đế Nghiêu
12. Hán
THỔ
3. Hoàng Đế
8. Thuấn
13. Tân (*)
KIM
4. Thiếu Hạo
9. Hạ Vũ

THỦY
5. Chuyên Húc
10. Thương

 (*) Đời Tân: Đời Vương Mãng                         


Như vậy, theo Vương Mãng, thì lịch sử đã đi được hai chu kỳ rưỡi, chứ không phải một chu kỳ như đời Tiền Hán đã chủ trương.

Ông lại cho rằng các vua chúa, các triều đại kế tiếp nhau theo thứ tự Ngũ Hành tương sinh, chứ không theo thứ tự Ngũ Hành tương khắc như chủ trương của Trâu Diễn.

[1] Xem bài Yin Yang Wu Hsing and Han Art trong Harvard Journal of Asiatic Studies.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét