" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015
sự chết – và vài đề tài lân cận (phần 1)
sự chết – và vài đề tài lân cận (phần i)
Nguyễn Nhân Trí
LỜI MỞ ĐẦU
Sự chết là một điều chắc chắn tuyệt đối sẽ xảy ra với tất cả mọi sinh vật.
Đây cũng là nỗi sợ hãi lớn nhất của loài người từ khi bộ óc của họ phát triển đủ để có thể suy nghĩ. Nhất là khi tất cả mọi nỗ lực của con người để đối phó với nỗi sợ hãi nầy cho đến nay hầu như đều vô hiệu quả.
Mọi sinh vật, kể cả con người, đều có khuynh hướng gắn bó với sự sống thay vì sự chết. Đó là một kết quả tự nhiên và hiển nhiên trực tiếp từ quá trình tiến hóa của chủng loại. Đây là một điều ích lợi cho sự sống còn, nhưng nó cũng thường làm giới hạn sự hiểu biết của chúng ta về sự chết. Chúng ta thường bàn luận, nghiên cứu, tìm hiểu về những vấn đề liên quan đến sự sống và có khuynh hướng tránh né phải đương đầu trực tiếp với sự chết.
Người ta thường không thảo luận về sự chết một cách thoải mái. Người ta thường không thể trực diện với hiện tượng nầy. Người ta dùng những mỹ từ, những phong tục, những quy luật xã hội để cố gắng phân cách sự chết ra khỏi cuộc sống hàng ngày của họ. Người ta cũng dùng trí tưởng tượng của họ dưới hình dạng tín ngưỡng, tôn giáo để tự an ủi, khỏa lấp hay che dấu thực trạng của sự chết và những gì xảy ra sau khi chết.
Ở đây, tôi có ý định đem đến một cái nhìn khách quan đôi chút về sự chết.
Những dữ kiện trình bày ở đây dựa trên tài liệu tham khảo của nhiều tác giả khác nhau. Đa số dựa trên kiến thức và kinh nghiệm khoa học đã được kiểm chứng giữa lý thuyết và thực tế, do đó được công nhận bởi mọi người. Tuy nhiên, có một số dữ kiện được trình bày dưới tư cách một cuộc thảo luận chớ không phải như là những kiến thức chân lý tuyệt đối. Đó là vì kiến thức khoa học luôn luôn có những giới hạn của nó. Đây là một tính chất cơ bản đặc thù và cũng là một lợi thế thúc đẩy dẫn đến sự tiến triển không ngừng của nhân loại. Nếu có sai lầm hay thiếu sót về phương diện lý luận hay sinh học, vật lý học trong lập luận nào ở đây thì chúng nên được xem là chất xúc tác cho các thảo luận tương lai.
Với tinh thần đó, tôi gọi mời độc giả khi đọc hai tiểu luận sau đây hãy tạm gỡ bỏ cách nhìn bị che chắn bởi kinh nghiệm hạn hẹp hàng ngày và thay vào đó bằng một đôi mắt tìm tòi rộng mở.
TIỂU LUẬN 1: SỰ MƠ HỒ CỦA BIÊN GIỚI GIỮA “SỐNG” VÀ “CHẾT”
Những Ngộ Nhận giữa “Sống”và “Chết”
Năm 1973, một người tên là Samuel Moore ở Oakland, California bị bắn vào đầu và được bác sĩ tuyên bố là đã chết. Trái tim của ông, do vẫn còn đập mạnh, được lấy ra và dùng ngay sau đó trong một cuộc giải phẩu thay tim cho một bệnh nhân khác.
Thủ phạm bắn ông bị bắt và ra tòa xử một vài tháng sau đó về tội sát nhân. Tuy nhiên, luật sư của người nầy phản đối cho rằng thân chủ của ông chỉ có tội “hành hung với võ khí nguy hiểm” chớ không có tội “sát nhân”. Theo luật sư nầy thì thân chủ ông không hề làm cho nạn nhân chết, vì nếu đã chết thì tại sao trái tim của ông ta vẫn còn đập và vẫn còn đang đập (mặc dầu trong lồng ngực của một người khác).
Lý luận nầy đã gây bối rối không ít trong quá trình truy tố. Tuy nhiên, may mắn thay (cho công tố viện) là bệnh nhân được thay tim đã ngã ra chết không lâu sau đó nên lý luận bào chữa trên trở thành không còn chính đáng nữa.
Thí dụ ở trên cho thấy định nghĩa “chết” trong phương diện y khoa, và pháp lý, có nhiều khi không rõ ràng và rất thiếu sót.
Trong câu chuyện tình nổi tiếng Romeo và Juliet của Shakespeare, Juliet vì không muốn bị gã cưới cho người nàng không yêu nên uống thuốc giả chết; Romeo vì không biết mưu kế nầy nên khi đến nhìn thấy Juliet nằm đó (với các triệu chứng của một tử thi) tưởng lầm là nàng đã chết thật nên tự vận chết theo. Sự lầm lẫn nầy thật ra rất thường xuyên, và xảy ra cho cả những chuyên viên y khoa nhiều kinh nghiệm.
Năm 1374, thi sĩ Ý Francesco Petrarch đã được xác nhận chết 24 tiếng đồng hồ. Theo luật lệ địa phương, người ta phải chờ thêm 4 tiếng nữa mới có thể mai táng. Trong thời gian nầy, một sự thay đổi thời tiết và nhiệt độ bất thường xảy ra làm ông bừng tỉnh ngồi dậy và than phiền người quản gia đã mở cửa để gió lạnh quá! Ông tiếp tục sống thêm hơn 30 năm nữa để sáng tác nhiều thi phẩm tuyệt tác để lại cho nền văn chương Ý.
Năm 1896, giám mục Chính Thống Giáo Hy Lạp Nicephorus Glycas đã được xác nhận chết nhưng hai ngày sau ngay trong tang lễ của ông ở giữa nhà thờ Chính Tòa đã làm mọi người kinh hoảng khi ông ngồi bật dậy cằn nhằn tại sao các tín đồ lại xúm nhau trố mắt nhìn ông một cách vô lễ như vậy!
Năm 1964 trong buổi khám nghiệm tử thi ở nhà xác New York, khi một “tử thi” bị cứa dao mổ vào bụng đã ngồi bật dậy và chụp cổ người bác sĩ đang giải phẩu. Bác sĩ nầy vì hoảng sợ bất ngờ nên đã đứng tim chết tại chỗ! “Tử thi” trên bàn mỗ trong khi đó đã dần dần hoàn phục và sống thêm nhiều năm nữa.
Và rất nhiều câu chuyện tương tự xảy ra khắp nơi cho ngay đến ngày hôm nay.
Nhiều Phương Cách Chẩn Định Khác Nhau
Những câu chuyện trên xảy ra là vì từ xưa đến nay sự chết được xác định bằng nhiều cách khác nhau.
Cách đây vài trăm năm ở Âu Châu, người ta chỉ dùng các dấu hiệu giản dị bên ngoài để xác định một người còn đang sống hay đã chết. Khi trong gia đình có người bệnh được xem là vừa chết thì một tu sĩ được mời đến để kiểm chứng. Người tu sĩ nầy dùng một tấm gương kề vào mũi của bệnh nhân và nếu tấm gương không bị hơi thở làm mờ đi thì người nầy sẽ được xác nhận là đã thật sự chết. Đến thế kỷ thứ 18 thì người ta tiến bộ hơn và dùng nhịp tim để xác định một người còn sống hay đã chết.
Dần dần người ta nhận ra rằng ngay cả khi dùng hơi thở và nhịp tim thì có nhiều trường hợp ngay cả các y sĩ chuyên môn vẫn bị lầm lẫn. Như đã nói, có nhiều trường hợp bệnh nhân tuy đã được xác nhận là đã chết nhưng vẫn “hồi sinh” sau đó.
Trong những thế kỷ 18-19 ở Âu Châu, đặc biệt là Anh Quốc có hiện tượng ăn cắp xác chết từ những ngôi mộ vừa mới chôn. Đó là vì trong thời kỳ nầy ngành y khoa đang phát triển mạnh mẽ về mặt giải phẩu cơ thể con người. Vì không có đủ tử thi để mổ xẻ khám nghiệm với mục đích tìm tòi học hỏi nên một số bệnh viện, đại học y khoa đã ngầm mua tử thi qua các nguồn cung cấp bất hợp pháp. Điều nầy dẫn đến việc nhiều ngôi mộ vừa mới chôn bị lén đào lên để lấy tử thi đem bán. Năm 1824, một người tên John Macintyre sau khi được xác nhận chết và chôn trong nghĩa địa của giáo đường địa phương đã bừng tỉnh dậy mấy hôm sau trên bàn mổ của một trường y khoa ở Luân Đôn khi bác sĩ bắt đầu cứa dao vào “tử thi” của ông. Vụ nầy dẫn đến một cuộc điều tra lớn. Nhiều nghĩa trang trong thời kỳ nầy có lính canh gác ngày đêm và nhiều ngôi mộ mới chôn được gia đình bao phủ bởi các khung sắt kiên cố để tránh bị đào trộm.
Những trường hợp “hồi sinh” trên xảy ra thường xuyên đến nỗi để người ta đã phải cố tìm các giải pháp đặc biệt để đối phó.
Có những nhà xác bố trí một phòng “chờ đợi” nơi người ta để các tử thi mới nhập vào nằm tạm một thời gian trước khi được xem là đã chết thật sự. Trong nhà xác thành phố Munich ở thế kỷ trước, các tử thi được sắp nằm kế nhau trên một băng dài với một sợi dây nhỏ cột vào người dẫn đến một cái chuông gắn trong phòng trực. Tài liệu ghi rằng đã có không ít lần cái chuông nầy đã được rung lên báo động cho người trực biết rằng có một “tử thi” nào đó đã sống lại.
Năm 1856, người ta nghe tiếng động từ dưới ngôi mộ của một người đàn ông vừa mới chôn. Tuy nhiên vì phải chờ đợi sự cho phép của linh mục và cảnh sát quá lâu nên khi đào lên được thì người nầy đã chết vì ngộp thở. Khi nhìn các dấu vết cào cấu trong quan tài người ta mới thấy rằng người nầy đã sống lại và cố vùng vẫy trong tuyệt vọng một thời gian trước khi chết thật sự vì thiếu không khí.
Năm 1893, một người đàn bà có thai khá lớn được chẩn định là đã chết và được mai táng. Có người nghe tiếng động phát ra từ ngôi mộ mới chôn của bà nên người ta quyết định khai quật lên để xem việc gì xảy ra. Người ta thấy rằng bà nầy cũng đã tỉnh dậy trong quan tài của mình và trong khi cố sức giãy giụa tìm cách thoát thân đã sinh ra đứa con từ trong bụng. Y sĩ khám nghiệm cho thấy đứa con nầy đã sống được một thời gian ngắn trước khi cả mẹ lẫn con đều chết ngộp trong quan tài.
Năm 1897, Bá Tước Nga Karnice Karnicki đã chế ra một loại quan tài “an toàn”. Quan tài nầy, sau khi được mai táng, có gắn một ống nhỏ dẫn lên và nối vào một cái hộp nằm trên mặt đất. Hộp nầy không thể mở được từ bên ngoài nhưng người nằm trong quan tài tuy đang bị chôn dưới đất vẫn có thể giật một sợi dây để mở nắp hộp ra. Khi nắp hộp nầy mở ra, không khí có thể lùa vào trong quan tài để họ thở được. Đồng thời sẽ có một cây cờ bật lên trên nắp hộp cùng với đèn chớp tắt và chuông báo động cho người bên ngoài biết rằng người nằm dưới mồ vẫn còn sống.
Có nhiều phương pháp khác, ngoài khám hơi thở và nhịp tim, đã được dùng để xác nhận một người đã chết hay chưa, nhất là trong các trường hợp khó chẩn định. Bác sĩ Icard ở Marseilles dùng một dung dịch flourescine để chích vào tròng mắt; nếu người bệnh còn sống thì tròng mắt họ sẽ chuyển qua một màu xanh tạm thời, nếu họ đã chết thì không có gì xảy ra. Ở Mỹ, người ta dùng atropine cũng để chích vào mắt; chất nầy làm đồng tử của một người còn sống lập tức mở rộng ra và không có tác dụng gì với người đã chết. Ở Anh, từ năm 1970 người ta bắt đầu dùng các dụng cụ đo được những tín hiệu điện nhỏ nhất trong cơ thịt tim để chẩn định một người đã chết hay chưa.
Không có Một Cách Chẩn Định nào Hoàn Hảo cả
Vấn đề là tất cả những phương pháp chẩn định từ trước đến nay, mặc dù rất hiệu quả đi nữa, đều có một yếu điểm chung. Đó là: khi không nhận thấy một dấu hiệu sống nào cả trong một thân thể vẫn không có nghĩa là thân thể đó hoàn toàn không còn có sự sống.
Chẩn định sự chết dựa vào hơi thở là một phương pháp được ghi chép trong sách dạy y khoa ở vài thế kỷ trước. Định nghĩa sự chết theo cách nầy có nhiều lỗ hổng lớn. Có những thiền sư Zen và hành giả Yoga có thể hạ mức độ tiêu thụ ô-xy của họ xuống thấp khoảng 20% lượng ô-xy cần dùng thông thường. Vì nhiều bộ phận trong cơ thể có tự dự trữ đôi ít ô-xy bên trong chúng nên có thể vẫn hoạt động hay phục hồi sau khi sự hô hấp đã ngừng lại khá lâu. Trong lịch sử y khoa có rất nhiều trường hợp bệnh nhân được chẩn định đã chết theo tiêu chuẩn nầy vẫn sống lại được và bình phục hoàn toàn.
Cách chẩn định sự chết dựa vào nhịp tim đập cũng có nhiều lỗ hổng. Tương tự, nhiều hành giả yoga có thể luyện tập để giảm nhịp tim đập của họ xuống chậm hẳn lại. Ở bệnh viện New Delhi đã ghi nhận trường hợp một người có thể tự làm cho tim của họ ngưng lại 12 phút. Trong nhiều cuộc giải phẩu tim ngày nay, trái tim của người bệnh có thể được bác sĩ làm cho ngừng đập hoàn toàn cả giờ đồng hồ trước khi cho phép nó đập lại khi cuộc giải phẩu hoàn tất.
Có trường phái y học đã dạy rằng nhiệt độ cơ thể thấp bất thường là một dấu hiệu chắc chắn người đó đã chết. Vấn đề thứ nhất là chúng ta không thể định nghĩa nhiệt độ cơ thể bao nhiêu là “bình thường” nên do đó không thể khẳng định được bao nhiêu là “bất thường”. Nhiệt độ “trung bình” thường được cho là 37 độ Celcius nhưng nhiệt độ cơ thể một người thường thấp hơn khi họ vừa thức dậy và cao hơn khi họ đi ngủ. Trẻ sơ sinh có nhiệt độ trung bình cao hơn và người già có nhiệt độ thấp hơn thanh niên trong khi phụ nữ thường nóng hơn khoảng một độ Celcius trong thời gian rụng trứng. Vấn đề khác nữa là khi một người chết đột ngột, thí dụ như vì bị sét đánh hay nội thương, thì nhiệt độ trong cơ thể của họ sẽ không thay đổi lắm cho đến vài tiếng đồng hồ sau. Trong khi đó, một người lúc bị lên suyển nặng tuy vẫn còn sống nhưng nhiệt độ cơ thể họ có thể sụt hẳn xuống không khác nhiệt độ một xác chết. Nhiệt độ trong những người vừa chết do bệnh kiết lỵ, bệnh phong đòn gánh, bệnh sởi sẽ gia tăng đột ngột. Khi một tử thi bắt đầu sình thối thì các phản ứng hóa học trong nội tạng của họ phát xuất ra nhiều nhiệt lượng và có thể làm cho nhiệt độ toàn thân họ tăng lên trở lại giống như nhiệt độ của một người còn sống.
Phương pháp dùng đèn rọi vào tròng mắt để chẩn định sự chết cũng không có gì chắc chắn cả. Đó là vì cơ thịt của đồng tử trong mắt, cũng như nhiều cơ thịt khác trong cơ thể, vẫn còn có thể co thắt khi phản ứng với những kích động từ bên ngoài vài giờ đồng hồ sau khi một người đã được xem là chết rồi.
Khi một người đã chết thì máu trong người họ vì không còn được sức đập của trái tim làm cho lưu thông nữa nên sẽ dần dần đông đặc lại sau vài giờ đồng hồ. Sự kiện nầy dẫn đến phương pháp chẩn định dùng kim đâm vào dưới da để thử xem máu còn chảy hay không. Tuy vậy, phương pháp nầy cũng không chính xác. Khi một người còn sống, máu trong người họ không đông đặc được là nhờ một hóa chất bài tiết ra từ những tế bào đặc biệt nằm dọc theo vách bên trong các gân máu. Khi một người đã chết, các tế bào nầy vẫn có thể tiếp tục bài tiết hóa chất trên qua một thời gian khá lâu. Do đó ngay cả sau khi máu trong một tử thi đã đông đặc nhưng đến vài ngày sau nó vẫn có thể chảy lỏng trở lại.
Vào cuối thế kỷ 19 ở Anh Quốc có khoảng hơn 600 ngàn người mỗi năm đã được xem là chết mà không hề được khảo nghiệm gì cả. Với kiến thức khoa học ngày nay, khi nhìn lại lịch sử y khoa người ta phỏng định rằng có khoảng gần 3 ngàn người trong số nầy (mỗi năm) trong thời kỳ đó đã bị mai táng khi họ vẫn còn sống.
Trong những thời kỳ chiến tranh hay bệnh dịch hoành hành, khi hàng ngàn người chết đồng loạt cần phải được giải quyết càng nhanh chóng càng tốt thì con số người bị chôn sống dưới dạng nầy chắc chắn không nhỏ. Trong quá khứ khi kiến thức y khoa còn non kém thì sự lầm lẫn trong việc xác định người chết là một điều thường xuyên không thể tránh được.
Ngày nay, ngay cả tại các nước tân tiến nhất nơi có đầy đủ phương tiện y tế, việc nầy vẫn xảy ra. Năm 1963 chẳng hạn, Elsie Waring 35 tuổi ngả quỵ tại nhà và được xác định đã chết bởi 3 bác sĩ nhiều kinh nghiệm ở bệnh viện Willesden General Hospital của Luân Đôn. Tuy nhiên bà đã sống lại 10 tiếng đồng hồ sau đó trong khi người ta đang khiêng bà bỏ vào quan tài. Và chỉ gần google “coming back from death” chẳng hạn thì chúng ta sẽ thấy rất nhiều trường hợp tương tự. Thí dụ như trong websitehttp://www.oddee.com/item_98718.aspx có nói về 10 người đã sống lại sau khi đã được tuyên bố chết. (Dĩ nhiên là không phải bất cứ điều gì đăng trên internet đều đáng được tin cậy ngang nhau, nhưng trong vấn đề nầy thường chỉ cần dùng một chút phân tích và suy luận thì chúng ta có thể gạn bỏ ra những câu chuyện không đáng để ý đến.)
Nếu muốn hiểu rõ hơn một chút tại sao những ngộ nhận trầm trọng nầy vẫn có thể xảy ra ngày nay với các bác sĩ chuyên khoa, các chuyên viên mai táng đã được huấn luyện chặt chẽ, v.v. chúng ta có thể cần phải nhìn vào định nghĩa của sự chết là gì bằng con mắt khách quan của một nhà sinh vật học.
Định Nghĩa Y Khoa của “Chết”
Một số nhà sinh vật học định nghĩa sự chết là “sự vắng mặt của sự sống”. Đây là một định nghĩa tuy chính xác nhất nhưng đồng thời không có giá trị thực dụng lắm. Thật ra có thể nói là với sự hiểu biết của khoa học hiện đại, biên giới giữa sự sống và chết đã trở thành mơ hồ đến độ rất khó phân biệt được.
Với kỹ thuật y học ngày nay, người ta có những dụng cụ có thể đo được các dấu hiệu sống nhỏ nhất trong cơ thể con người. Kỹ thuật y khoa ngày nay cũng có thể “cải tử hoàn sinh” trong nhiều trường hợp. Từ đầu thập niên 1960 đã có những dụng cụ có thể giữ cho trái tim của một bệnh nhân tiếp tục đập trường kỳ mặc dù các cơ quan trọng yếu khác trong cơ thể họ đã ngưng hoạt động hẵn. Nhiều chuyên gia y khoa cho rằng nếu một bệnh nhân sẽ không bao giờ tỉnh táo lại cả vì bộ não của họ đã hoàn toàn chết và chỉ còn hơi thở hoặc trái tim đang đập qua sự hỗ trợ của máy móc thì không thể nào cho rằng họ vẫn còn sống. Vì lý do nầy, năm 1968 trường Y Khoa Havard đưa ra một định nghĩa “chết” mới, đó là khi não bộ đã bị hư hũy không cứu chữa được, họ gọi đây là trường hợp “não chết” (“brain dead”). Ngày nay định nghĩa nầy đã trở thành tiêu chuẩn y khoa, và pháp lý, thông dụng để chẩn định và tuyên bố một người đã chết hay chưa.
Tuy vậy, dùng định nghĩa “não chết” để xác định sự chết của một người nhiều khi cũng gặp không ít khó khăn. Thân nhân của người bệnh thường khó chấp nhận được rằng người nầy đã chết khi mà rõ ràng thân thể họ vẫn còn ấm và lồng ngực họ vẫn còn thoi thóp thở mặc dù là với sự hỗ trợ của máy móc. Và dùng định nghĩa “não chết” để chẩn định sự chết của một người cũng không phải là một phương cách hoàn hảo, nó chỉ có thể đẩy cái biên giới giữa sống và chết theo sự hiểu biết của y khoa xa đi thêm một đoạn nữa mà thôi.
Trong việc xác định việc chết sống, vấn đề thường được tranh cãi là “bộ phận nào, chức năng nào, thành phần nào trong cơ thể của một người cần phải chết rồi trước khi người đó được công nhận chính thức là đã chết?” Hay nói một cách khác, “một người được công nhận là còn sống khi bộ phận nào, chức năng nào, thành phần nào trong cơ thể của họ vẫn còn sự sống?”
Kỹ thuật y khoa ngày nay xác nhận rằng ngay cả khi một người được chẩn định là đã chết (nghĩa là khi tất cả dấu hiệu sống bên ngoài của họ như là khả năng nhận biết, phản xạ của cơ bắp, hơi thở, nhịp tim đập, v.v. đã chấm dứt), toàn bộ cơ thể của họ thường chưa hẵn đã chết tất cả. Có những cơ quan trong nội tạng của họ vẫn còn làm việc, có những quá trình trao đổi năng lượng qua sự bài tiết, tiêu hóa, v.v. vẫn còn đang tiếp diễn. Có vô số tế bào trong cơ thể họ vẫn còn hoạt động vì chúng vẫn còn nguyên liệu dự trữ và vì sự vận hành hàng ngày của chúng hầu như độc lập với những cơ quan khác trong thân thể. Do đó trên lý thuyết, trước khi bộ não bị hư hại hoàn toàn không cứu vãn được thì một người bệnh nầy vẫn có thể được cấp cứu làm cho sống lại.
Bộ não là một bộ phận trong cơ thể sử dụng nhiều ô-xy nhất nhưng lại dự trữ ít ô-xy nhất. Bộ não thường có thể chịu đựng được khoảng 5 hay 6 phút không có ô-xy mà vẫn có thể hồi phục lại. Sau thời gian nầy thì bộ não sẽ bắt đầu chết dần đi từng phần cho đến khi toàn bộ ngưng hoạt động hẵn. Trong khi đó các bộ phận khác như tim, phổi thường có thể được làm “hồi sinh” lại một thời gian khá lâu ngay cả sau khi não bộ đã chết. Khoảng 72 giờ sau khi một người được chẩn định đã chết, tóc và móng tay chân họ vẫn tiếp tục mọc, lá gan họ vẫn tiếp tục chế tạo ra chất glucose và nhiều tế bào trong cơ thể họ vẫn có thể được lấy và cấy sống thành công trong phòng thí nghiệm.
Sự Tương Đối và Tính Từng Phần của Sự Chết theo Định Nghĩa Y Khoa
Một định nghĩa đại cương thường dùng trong y khoa để xác định một người đã chết hay chưa là “chết là khi mọi chức năng quan trọng đã ngừng lại vĩnh viễn”.
Càng ngày càng có thêm các kỹ thuật y khoa có thể, trên lý thuyết, thay thế hầu hết mọi bộ phận trọng yếu trong cơ thể con người. Dụng cụ y khoa ngày nay cũng có thể giữ cho một người bệnh mặc dù nằm trong trạng thái hôn mê nhưng vẫn còn “sống” mãi hầu như vô thời hạn. Do đó định nghĩa sự chết theo y khoa không còn chính xác như ban đầu nữa. Ngày nay, sự “vĩnh viễn” nói trên thật ra chỉ xảy ra khi nào những máy móc hỗ trợ sự sống cho một bệnh nhân được vặn tắt đi. Sự chết trong trường hợp nầy do đó có lẽ nên được định nghĩa là “tùy theo bác sĩ định đoạt”.
Nếu suy gẫm kỹ về những dữ kiện vừa trình bày ở trên, chúng ta có thể nhận thấy rằng sự chết theo định nghĩa y khoa của một người thường không hẵn là một hiện tượng tuyệt đối mà chỉ là một liên hệ tương đối giữa người nầy và một người, hay một nhóm người, khác. Có nghĩa là ông A “chết” là khi ông đã được bác sĩ B (hay cùng các ông C, D, v.v. nào khác nữa) dựa vào sự quan sát, và tiêu chuẩn cũng như định nghĩa “chết” là gì, của họ để tuyên bố rằng ông đã chết.
Như đã thấy, các tiêu chuẩn và định nghĩa về sự chết thay đổi theo thời gian và trình độ hiểu biết y khoa. Đã có lúc một người được xem là chết khi họ chỉ cần ngừng thở. Sau đó, chỉ khi trái tim một người ngừng đập luôn thì họ mới được xem là đã chết. Sau đó thì người ta dựa vào phản ứng trong tròng mắt của một bệnh nhân để quyết định họ đã chết chưa. Sau đó nữa, như hiện nay, một người được xem là chết khi không còn tín hiệu sống nào trong não bộ của họ. Mỗi lúc kiến thức và kỹ thuật y học tiến triển sẽ có những tiêu chuẩn và định nghĩa khác nhau được dùng để xác định sự chết. Điều nầy làm cho sự chết của một người trở thành một sự kiện tương đối và tùy thuộc vào phán xét của người khác.
Sự tương đối nầy cũng được thể hiện trên giấy chứng tử của nhiều quốc gia. Trên giấy chứng tử, theo sau nơi để ghi chú lý do chết là hàng chữ “dựa trên kiến thức và sự suy luận chính chắn nhất của bác sĩ”. Khi suy ngẫm về câu nầy người ta không khỏi có cảm giác rằng sự chết chỉ là một quyết định chủ quan chớ không phải là một sự kiện tuyệt đối.
Chúng ta cũng có thể thấy rằng sự chết của một người theo định nghĩa y khoa thường không phải là một quá trình xảy ra trong tích tắc. Có thể nói là sự chết của một người thường xảy ra qua nhiều giai đoạn, hay có nhiều mức độ chết khác nhau. Và cũng có thể nói một cách khác nữa là sự chết có tính cách từng phần. Đó là tùy bộ phận nào trong cơ thể đã ngưng hoạt động rồi, và đã ngưng hoạt động vĩnh viễn không còn cách gì cứu chữa hay chưa. Thí dụ như ngay cả khi nói về “não chết” thì ngày nay người ta cũng phân biệt phần nào trong não bộ đã chết và tầm mức trọng yếu của phần não bộ đó trong việc sống còn và sinh hoạt của người bệnh ra sao. Do đó, trên lý thuyết, có thể tuyên bố rằng một tử thi “đang chết”, hoặc “không chết lắm”, hoặc có thể so sánh hai tử thi và nói rằng tử thi A hiện đã “chết nhiều hơn” tử thi B.
(còn tiếp)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét