" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015
Nguồn gốc sự giàu có của các dân tộc: Một số bài học từ Adam Smith trong lãnh đạo, quản lý xã hội hiện đại
Adam Smith chắc không rõ “bàn tay vô hình” nào đã xui khiến ông phải dành cả chục năm trời để hoàn thành cuốn sách “Của cải của các dân tộc”(1). Tác phẩm này đã trở thành bản tuyên ngôn cho sự ra đời môn khoa học về kinh tế, lao động, xã hội học kinh tế và đóng góp không nhỏ vào việc hoạch định chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới.
Hơn 200 năm sau, các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn còn tìm thấy ở kiệt tác “cổ điển” này của Adam Smith những ý tưởng cơ bản, quan trọng về thị trường, nhà nước, sự phân công lao động, chuyên môn hoá và chính sách phát triển kinh tế - xã hội và nhất là những bài học kinh điển cần được áp dụng trong lãnh đạo, quản lý xã hội như một “hệ thống tự do phát triển tự nhiên”. Quan điểm của Adam Smith có lẽ là nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học từ thế kỷ XVIII đến nay, trong số đó cần kể tới hai nhà kinh tế học hàng đầu thế giới là Acemoglu và Robinson. Hai tác giả này mới đây đã viết một cuốn sách đồ sộ(2) để truy tìm nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói ở hệ thống các thể chế hay thiết chế nhằm trả lời câu hỏi mà Adam Smith đã đặt ra: tại sao các quốc gia giàu có? Tại sao các quốc gia thất bại?
Bài học về “Phân công lao động”
Sự phân công lao động là gì? Sự phân công lao động làm tăng năng suất lao động như thế nào? Để trả lời câu hỏi này Adam Smith đã đưa ra một bằng chứng về sự phân công lao động làm tăng vượt bậc năng suất lao động của một xí nghiệp nhỏ gồm 10 công nhân làm đinh ghim như sau:
“Một người chuyên kéo dây thép, một người khác nắn cho thẳng, người thứ ba cắt dây thành những đoạn nhỏ, người thứ tư mài nhọn dây thép, người thứ năm tán đầu đoạn dây để lắp đầu đinh ghim, để làm được đầu đinh ghim đòi hỏi phải thực hiện hai hoặc ba thao tác; để lắp đầu đinh ghim là một việc khác hẳn, làm cho đinh ghim trở thành trắng bóng lại là một việc khác nữa; thậm chí đóng gói đinh ghim cũng là một nghề, và muốn làm thành một cái đinh ghim, người ta phải tiến hành 18 thao tác khác nhau… Một xí nghiệp chỉ có 10 công nhân nhưng với máy móc cần thiết được trang bị, khi bắt tay vào sản xuất với tất cả sự nỗ lực của mình, họ có thể cùng nhau làm ra vào khoảng 12 pao đinh ghim một ngày. Một pao có khoảng hơn 4.000 đinh ghim cỡ trung bình. Như vậy 10 người công nhân có thể cùng nhau làm được tới 48.000 đinh ghim chỉ trong một ngày công. Nếu đem chia cho mười người, thì một người làm được 4.800 đinh ghim một ngày. Nhưng nếu họ làm ăn riêng lẻ và không kết hợp với nhau, và hơn nữa nếu họ không được huấn luyện về nghề này, thì chắc chắn mỗi người trong số họ không thể làm nổi được 20 hoặc thậm chí một đinh ghim trong một ngày công”.
Bài học này cho thấy: sự phân công lao động là sự phân chia quá trình lao động sản xuất thành những thao tác cho từng người thực hiện. Sự phân công lao động đã biến những thao tác của quá trình sản xuất thành những nghề nghiệp chuyên môn của người lao động, nhờ vậy mà làm tăng năng suất lao động của mỗi người lên gấp bội so với lao động không có sự phân công của từng người riêng lẻ thực hiện. Trong trường hợp sản xuất đinh ghim mà Adam Smith phân tích, năng suất lao động đã tăng lên gấp 240 lần thậm chí là 4.800 lần so với năng suất lao động không được phân công. Rõ ràng là bài học này hoàn toàn có thể và cần áp dụng trong quản lý hành chính nhà nước tới từng vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.
Bằng cách nào mà sự phân công lao động có thể làm tăng năng suất lao động? Adam Smith trả lời đó là nhờ ba yếu tố khác nhau. Thứ nhất, sự phân công lao động làm tăng kỹ năng, kỹ xảo của từng công nhân. Thứ hai, sự phân công lao động làm giảm thời gian chuyển từ loại công việc này sang loại công việc khác. Thứ ba, sự phân công lao động phát minh ra các loại máy chuyên dùng làm cho lao động nhẹ nhàng hơn và một người có thể làm việc của nhiều người.
Bài học về nguồn gốc của sự phân công lao động
Theo Adam Smith, sự phân công lao động là kết quả của nhu cầu trao đổi, thị trường chỉ là “một hậu quả tất yếu của thiên hướng thuộc bản chất con người… đó là thiên hướng muốn đổi chác hoặc trao đổi vật này lấy vật khác”(3). Adam Smith nhấn mạnh rằng ý nghĩa của trao đổi là ở chỗ: “Anh cho tôi thứ mà tôi thích, anh sẽ có thứ mà anh yêu cầu”.
Chính nhờ nguyên tắc trao đổi ngang giá này, mà Adam Smith còn gọi là “bàn tay vô hình”, mà chúng ta nhận được của nhau những thứ chúng ta cần mà không phải tự mình làm ra mọi thứ. Điều này được Adam Smith viết rõ vào năm 1776 và hơn hai thế kỷ sau các nhà nghiên cứu còn phải trích dẫn khi bàn về cơ chế thị trường trong việc phối hợp hành vi của con người.
Sự phân công lao động phụ thuộc vào mức độ trao đổi và quy mô, tính chất của thị trường. Trong một thị trường nhỏ bé, đơn giản thì sự phân công lao động cũng đơn giản, tức là không ai muốn chuyên tâm vào một công việc gì vì không có khả năng trao đổi sản phẩm dư thừa do sức lao động của mình làm ra để lấy sản phẩm của người khác. Điều này giúp giải thích vì sao ở Việt Nam để xoá đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn các nhà chính sách và thực tiễn đều quan tâm tới việc xây dựng kết cấu hạ tầng trực tiếp phục vụ lưu thông, trao đổi, mua bán như đường giao thông, chợ. Bài học là cần phải xây dựng chợ, phát triển thị trường để người dân, người lao động có thể trao đổi, mua bán hàng hoá. “Mỗi người sinh sống bằng cách trao đổi hàng hoá trở thành một thương nhân và xã hội tự nó tiến triển thành một xã hội buôn bán” mà hiện nay gọi là xã hội thị trường.
Bài học về tiền công
Tiền công phụ thuộc vào những yếu tố nào? Adam Smith đã đưa ra quan niệm thuộc loại kinh điển về tiền công, tiền lương như sau. “Một người luôn luôn phải kiếm sống bằng lao động của mình, và tiền lương của người đó ít nhất phải vừa đủ để nuôi sống anh ta.
Theo Adam Smith, tiền công bị quy định bởi năm yếu tố sau đây: (i) mức độ hấp dẫn, lý thú hay buồn tẻ, khó nhọc do công việc đem lại, ví dụ mức độ sạch sẽ dễ chịu hay bẩn thỉu khó chịu, mức độ vinh dự hay nhục nhã mà công việc đem lại cho người lao động. (ii) yếu tố đào tạo: một công việc đòi hỏi sự đào tạo khó khăn, đắt tiền có xu hướng được trả công cao hơn loại công việc được đào tạo dễ dàng, rẻ tiền. (iii) tính bền vững và mức độ rủi ro của công việc. Vì yếu tố này mà việc làm thuê ngắn hạn, ví dụ một tuần, một tháng thường được trả công cao hơn làm thuê dài hạn hằng tháng hoặc hằng năm. (iv) mức độ tin cậy vào người lao động. Nghề nào đòi hỏi sự tin cậy càng cao vào người lao động thì nghề đó càng được trả công cao. (v) khả năng thành đạt: công việc nào mà càng ít khả năng thành đạt bao nhiêu thì người làm được công việc đó sẽ được trả công càng nhiều bấy nhiêu. Cả năm yếu tố này đều gắn với thị trường, đó là: loại công việc nào càng ít người sẵn sàng làm thì càng được trả công cao. Do đó, có thể bổ sung vào danh sách nêu trên yếu tố thứ sáu là yếu tố thị trường lao động.
Bài học về chuyên môn hoá lao động
Mỗi cá nhân, mỗi gia đình hay mỗi quốc gia căn cứ vào đâu để chuyên môn hoá lao động? Adam Smith trả lời ở góc độ quốc gia “Chừng nào nước này có những lợi thế đó mà nước kia lại cần thì sẽ luôn luôn tốt hơn và có hơn là nước kia nên mua hàng của nước lợi thế hơn là tự mình làm ra”. Điều này cũng đúng với trường hợp lựa chọn cá nhân: “Cả hai đều thấy cùng có lợi khi mua hàng của nhau còn hơn là mỗi người cố làm mặt hàng không thuộc về ngành nghề của mình”. Đây chính là sự chuyên môn hoá dựa vào lợi thế tuyệt đối.
Bài học về phân công lao động do Adam Smith nêu ra đó là chuyên môn hoá lao động dựa vào lợi thế tương đối. Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp một cá nhân hay một quốc gia có nhiều lựa chọn để chuyên môn hóa thì làm thế nào? David Ricardo cho rằng trong trường hợp này có lẽ không nên chỉ căn cứ vào lợi thế tuyệt đối như Adam Smith đã nêu ra, mà có thể dựa vào lợi thế so sánh hay lợi thế tương đối. Tức là có thể lựa chọn vào loại công việc nào hay loại lao động nào có thể đem lại hiệu quả hơn để tập trung khai thác lợi thế tương đối đó. Về điều này David Ricardo đã sử dụng chính ví dụ về thương mại Anh - Pháp và bình luận như sau: “Tôi không thích người Pháp như Adam Smith. Nhưng tôi không cười nhạo họ chỉ bởi vì họ không thể làm được việc gì rẻ hơn chúng ta. Tôi sẽ làm ăn buôn bán với họ mặc dù họ kém hơn”.
Theo David Ricardo, ta nên chuyên môn vào bất kỳ công việc nào làm ta phải từ bỏ ít nhất, tức là với “chi phí cơ hội nhỏ nhất”. Bài học từ Adam Smith đến David Ricardo là cần phải chuyên môn hóa lao động và lãnh đạo, quản lý cần xác định rõ lợi thế tuyệt đối và lợi thế tương đối để lựa chọn cho phù hợp và trong mọi trường hợp cần mở rộng thị trường với những đối tác giỏi hơn và cả những đối tác kém hơn. Điều này giải thích tại sao những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới vẫn phát triển buôn bán hàng nông sản và hàng tiêu dùng với các nước chậm phát triển. Thay vì phải tự sản xuất ra những mặt hàng như quần áo, giày dép và các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, những nước công nghiệp tiên tiến có thể nhập khẩu các hàng hóa này từ các nước đang phát triển, nước chậm phát triển; đồng thời các nước công nghiệp này “rảnh tay” tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh những hàng hoá có giá trị trao đổi cao cấp như các giao dịch tài chính, các dịch vụ nghiên cứu - phát triển, các phát minh công nghệ, các hoạt động công nghiệp giải trí và nhiều hàng hoá công nghệ cao khác kể cả máy bay, tàu ngầm. Như vậy, việc hợp tác, trao đổi hay tự do buôn bán trên cơ sở lợi thế tương đối hay lợi thế so sánh có thể đem lại lợi ích cho cả nước giàu và nước nghèo, cả nước phát triển và nước chậm phát triển. Bài học kinh điển này cũng cung cấp cơ sở lý luận cho xu thế lãnh đạo, quản lý dựa vào sự tham gia sâu rộng của người dân, gia đình và các tổ chức ở cộng đồng.
Bài học về xây dựng “Hệ thống tự do phát triển tự nhiên”
Quan điểm của Adam Smith cho thấy rõ, nếu chỉ lao động kể cả lao động cần cù, chịu khó cũng chưa đủ để giàu có mà cần phải có sự phân công lao động một cách hợp lý giữa các cá nhân trong xã hội và giữa nhà nước và thị trường thì mới có thể giàu có, thịnh vượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Adam Smith chưa bao giờ khẳng định rằng sự phân công lao động, sự chuyên môn hoá lao động là nguyên nhân duy nhất tạo ra của cải của các dân tộc. Qua việc nghiên cứu về sự phân công lao động, Adam Smith khẳng định rằng khoa học phải nhằm vào mục tiêu tìm ra những quy luật tức là mối quan hệ nhân quả để giải thích cách thức mà loài người làm ra của cải. Ông đã đi tiên phong theo hướng này và đã chỉ ra rằng sự giàu có của mỗi quốc gia phụ thuộc vào hai nhóm yếu tố: một là kỹ năng và phương pháp phán đoán trong quá trình lao động; hai là tỷ lệ giữa số người được sử dụng vào lao động có ích và số người phi sản xuất. Ngay sau đó ông đã bắt đầu luận chứng một cách đầy thuyết phục rằng đến lượt nó, sự cải tiến về năng suất lao động và phần lớn kỹ năng, sự khéo léo và óc phán đoán đúng đắn của con người đều nhờ vào sự phân công lao động.
Ông đã kết thúc công trình nghiên cứu đồ sộ về nguồn gốc và nguyên nhân của cải của các dân tộc bằng việc đề cao việc xây dựng hệ thống tự do phát triển tự nhiên được thiết lập một cách tự phát cho sự phân công lao động. Trong hệ thống đó: “Mỗi người, chừng nào mà người đó không vi phạm pháp luật, đều được hoàn toàn tự do mưu cầu lợi ích riêng của mình theo cách của mình, và đem ngành nghề và vốn liếng của mình cạnh tranh với một người khác hoặc nhóm người khác”(4).
Adam Smith đã nêu ra một vấn đề xuyên suốt lịch sử các khoa học về kinh tế nói chung và kinh tế học chính trị nói riêng, đó là vấn đề “thị trường hay nhà nước”, thực chất đây là vấn đề phân công lao động giữa nhà nước và thị trường chứ không phải là vấn đề “ai thắng ai”, cũng không phải là cuộc chiến một mất một còn: hoặc nhà nước hoặc thị trường như một số nhà nghiên cứu có đầu óc chính trị hóa cực đoan đã từng nêu ra trước đây. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lý thuyết của Adam Smith. Ông đã mở đầu lý thuyết của mình bằng luận điểm về tác động của sự phân công lao động đối với cách thức làm việc của con người và kết thúc lý thuyết của mình bằng luận điểm về sự phân công lao động giữa thị trường và nhà nước.
Câu hỏi đặt ra là: ai phân công lao động cho ai trong xã hội? Ai phân công lao động giữa nhà nước và thị trường? Có thể tìm thấy câu trả lời trong quan niệm của Adam Smith về cấu trúc xã hội được phân hóa thành ba tầng lớp. Từ góc độ kinh tế xã hội, ông cho rằng toàn bộ sản lượng hằng năm của đất đai và lao động của mỗi nước, tức là toàn bộ giá tiền của sản lượng hằng năm của mỗi nước, tất nhiên tự phân hóa thành ba loại là tiền thuê đất, tiền công lao động và lợi nhuận của tiền vốn, và tương ứng tạo thành tiền thu nhập của tất cả mọi người thuộc ba tầng lớp xã hội khác nhau là những người sống bằng tiền cho thuê đất đai, những người sống bằng tiền công lao động và những người sống bằng lợi nhuận. Adam Smith khái quát: “Đây là ba tầng lớp cấu thành cơ bản lớn nhất của bất kỳ một xã hội văn minh nào, mà từ thu nhập của ba tầng lớp đó, các tầng lớp khác cuối cùng cũng nhận được phần thu nhập của họ”. Adam Smith chỉ rõ: “Giới chủ tạo thành tầng lớp thứ ba, tức là những người sống bằng lợi nhuận”. Sự phân công lao động trong xã hội do thị trường quy định, nhưng bị định hướng, điều tiết bởi các đạo luật, các chính sách, các biện pháp quản lý của tầng lớp thứ ba trong xã hội. Về sự định hướng, can thiệp của tầng lớp giới chủ, tầng lớp sống bằng lợi nhuận đối với thị trường, Adam Smith đưa ra lời cảnh báo tạo nguồn cảm hứng cho các nhà khoa học nổi tiếng thế giới như Amartya Sen, Stiglitz, Paul Krugman phê phán chủ nghĩa tư bản hiện đại. Năm 1776, Adam Smith chỉ rõ hành vi và động cơ can thiệp thị trường của giới chủ tư bản như sau: “Bất kỳ một đạo luật mới nào, hay luật lệ nào do tầng lớp này đề xướng, cần phải được nghe ngóng rất thận trọng và chỉ được thông qua sau khi đã nghiên cứu, xem xét một cách kỹ lưỡng nhất, với sự tập trung nhất. Đạo luật đó xuất phát từ một tầng lớp mà lợi ích của họ không bao giờ đồng nhất với lợi ích chung của dân chúng, một tầng lớp mà mục đích chính là lừa dối và áp bức quần chúng để thu cho được lợi nhuật tối đa”.
Như vậy, cả hệ thống kinh tế tự do phát triển tự nhiên tức là theo quy luật của sự phân công lao động từ cấp độ cá nhân, nhóm, cộng đồng, quốc gia và giữa các thiết chế thị trường và thiết chế nhà nước mới có thể tạo ra nguồn gốc và nguyên nhân của sự giàu có của quốc gia.
Bài học về sự phong phú các nguồn gốc của sự giàu có
Adam Smith đã có công đặt nền móng xây dựng khoa học kinh tế hiện đại khi đặt ra câu hỏi về nguồn gốc sự giàu có của các dân tộc và chỉ rõ nguồn gốc là sự phân công lao động - nghề nghiệp và sự phân công lao động hợp lý giữa nhà nước và thị trường. Từ đó đến nay, tiếp nối Adam Smith, một số nhà khoa học thế kỷ XX đã phát hiện thêm nguồn gốc khác của sự giàu có của các cuốc gia, ví dụ như F. Taylor phát hiện ra quản lý khoa học đối với lao động; G. Becker, J. Coleman và Bourdieu phát hiện ra vốn con người và vốn xã hội; Amartya Sen và Joseph Stiglitz phát hiện ra quyền tự do và sự tham gia rộng rãi của người dân trong các quá trình xã hội là những nguồn gốc của sự phát triển. Gần đây nhất, hai nhà kinh tế học hàng đầu thế giới là Acemoglu và Robinson còn chỉ rõ nguồn gốc của nghèo khổ và thất bại của các quốc gia là thể chế chiếm đoạt (extrative institutions) và nguồn gốc của sự giàu có, thịnh vượng của các quốc gia là các thể chế dung hợp (inclusive institutions). Theo hai tác giả này, các thể chế kinh tế dung hợp là những thể chế cho phép và khuyến khích sự tham gia của đại đa số người dân vào các hoạt động kinh tế, sử dụng tốt nhất tài năng và trình độ của họ, và giúp các cá nhân thực hiện những lựa chọn mà họ muốn. Để đạt được điều này, các thể chế kinh tế (dung hợp) phải công nhận quyền sở hữu tư nhân, phải có một hệ thống luật pháp không thiên vị và phải cung cấp các dịch vụ công, mang lại một sân chơi bình đẳng trong đó mọi người đều có thể trao đổi và ký kết hợp đồng: thể chế đó cũng phải cho phép thành lập các doanh nghiệp và cho phép dân chúng được lựa chọn sự nghiệp của họ. Hai tác giả này nêu rõ: các thể chế kinh tế chiếm đoạt đặc trưng bởi các yếu tố trái ngược với các thể chế dung hợp và các thể chế đó là “chiếm đoạt” vì chúng được thiết kế nhằm chiếm đoạt lợi ích, thu nhập và của cải từ một bộ phận này và làm lợi, làm giàu cho một bộ phận khác của xã hội.
Từ những điều trình bày ở trên có thể rút ra một số bài học thuộc loại kinh điển rất quan trọng và cần thiết cho lãnh đạo, quản lý xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đó là phải liên tục nghiên cứu phát hiện ra các nguồn gốc của sự giàu có và nghèo khổ, thành công và thất bại. Từ đó có thể tìm cách tạo dựng các thể chế kinh tế dung hợp, hài hòa nhắm đến mục tiêu xây dựng một xã hội trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người.
Ở Việt Nam, trải qua hàng thập kỷ tư duy kinh tế giáo điều và cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp đến năm 1986 mới bắt đầu chính thức xuất hiện tư duy lãnh đạo, quản lý kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ đó đến nay, tư tưởng về việc công dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm mới dần dần được thiết chế hoá bằng các quy định pháp luật có tính dung hợp như Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động và các luật khác. Bài học lãnh đạo, quản lý ở đây là liên tục học hỏi, nghiên cứu và cải tiến trước hết là tư duy, thể chế đồng thời phân công lao động một cách khoa học, hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động của toàn xã hội nhằm mục tiêu thịnh vượng và phát triển bền vững./.
-----------------------------------------------------------------
(1) Đây là tên ngắn gọn của cuốn sách mà tên đầy đủ là: Tìm hiểu về bản chất và nguyên nhân của của cải các dân tộc (An inquiry into the nature and causes of the wealth of nations). Adam Smith: Của cải của các dân tộc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997. Đây là bản dịch tiếng Việt toàn văn cuốn sách này được xuất bản tại Hà Nội năm 1997, tức là sau hơn 10 năm Việt Nam chính thức Đổi mới kinh tế - xã hội. Giá như cuốn sách này được dịch ra tiếng Việt và xuất bản sớm hơn thì có lẽ các nhà khoa học ở Việt Nam đã không phải tốn công sức tranh cãi và tìm tòi hàng thập kỷ để cuối cùng đi đến cái đích lý luận về thị trường và kinh tế thị trường do Adam Smith đã viết năm 1776.
(2) Daron Acemoglu và James A. Robinson. Tại sao các quốc gia thất bại: nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2014
(3) Adam Smith, Sđd, Tr. 63
(4) Todd G. Buchholz: Ý tưởng mới từ các kinh tế gia tiền bối, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2007, Tr. 144
GS, TS. Lê Ngọc Hùng, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét