Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

TIÊU CHUẨN DÂN TRÍ CỦA MỘT NỀN DÂN CHỦ




Gần đây, mượn lời ông Christoph Strässer - Uỷ viên Nhân quyền CHLB Đức, nhiều nhà hoạt động Việt Nam đã bộc lộ quan điểm rằng "dân chủ không nhất thiết gắn với dân trí". Luận điệu này thực ra không có gì mới mẻ, nó chỉ là một cái bẫy mị dân quen thuộc mà phương Tây đã tận dụng triệt để trong suốt nửa cuối thế kỷ 20. Hồi đó, để có cớ tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, các chính khách Mỹ đã phải viện đến chiêu bài "quảng bá dân chủ - nhân quyền".


Nhưng thay vì giúp các nước đang phát triển xây dựng một nền tảng dân trí và xã hội dân sự đủ mạnh, để từ đó, những nền dân chủ do chính người dân bản địa xây dựng sẽ nảy mầm và vươn lên, phương Tây đã gạt phăng sự cần thiết của những quá trình này, để tự cho mình cái quyền áp đặt "dân chủ" và khai hóa văn minh bằng nòng súng.

Giờ đây, khi những cuộc chiến tranh ý thức hệ đã lộ rõ bản chất phi nghĩa, những cái bẫy mị dân của chính giới phương Tây cũng thành ra phản tác dụng. Cần khẳng định một cách kiên quyết rằng nếu thiếu một nền tảng dân trí căn bản, mọi nền dân chủ được dựng lên sẽ chỉ là dân chủ rởm, nơi các tập đoàn tư bản nước ngoài và đám tài phiệt bản địa thỏa sức bóc lột nhân dân. Thiếu năng lực và trình độ, người dân không thể làm chủ số phận của mình. Đây là sự thật hiển nhiên trong mọi nền chính trị từng hình thành trên thế giới.

Nhưng đâu là trình độ dân trí mà một nền dân chủ bền vững đòi hỏi?

Ít nhất có ba tiêu chí căn bản, như sau:

1. Người dân xác định được quyền và trách nhiệm của mình

(Với điều kiện họ hiểu rõ nguồn gốc, cách thức vận dụng, giới hạn và giá trị tương đối của những quyền và trách nhiệm này, thay vì chấp nhận chúng như một hiện tượng tự nhiên hay một tín điều chính trị cứng nhắc.)

2. Người dân không dễ dàng bị mê hoặc bởi truyền thông của các tập đoàn kinh tế, chính trị hay tôn giáo

(Đòi hỏi nơi dân chúng một nền tảng kiến thức rộng, kỹ năng tự thu thập và xử lý thông tin tương đối tốt, cùng nhiều kinh nghiệm xương máu thực tế với các loại tập đoàn nêu trên.)

3, Người dân có ý thức sống hòa hợp với tự nhiên, và xem con người là một phần của tổng thể tự nhiên

Nắm vững các ý tưởng đó chỉ là một phần. Để thật sự nhận thức được các ý tưởng đó, người dân cần có môi trường để trải nghiệm.

Một xã hội dân chủ tương đối là nơi mà các ý thức nêu trên được đưa ra để thách thức, hoàn thiện. Qua thời gian vận hành, nền dân chủ cũng sẽ theo đó mà hoàn thiện thêm.

Còn nếu các nhà hoạt động nước mình tiếp tục phủ nhận sự cần thiết của một nền tảng dân trí căn bản, và chỉ biết xin xỏ dân chủ bằng các cuộc biểu tình hỗn loạn và các cuộc diện kiến chính giới phương Tây, thì họ sẽ trở thành một thách thức cần phải vượt qua trong lộ trình dân chủ hóa.

[Nhà Dân Chủ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét