Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Ngày tận thế huyền bí-Chương 6 - Phượng Hoàng

PĐTT : Chương này dài quá xá cỡ nên các bạn hãy kiên nhẫn mà đọc. Như đã nói, " thượng đế" đã dẫn dắt tác giả viết nên tác phẩm  mà chính những người đọc BLOG Ái Nữ là người tạo ra tác phẩm. Khi hóa thân làm một con Mèo Ainu "dễ thương và tinh nghịch" bước vào mùa "động đực" chỉ cần kêu meo meo vài tiếng là đã có khối con mèo đực tào lao nhảy vào chực xơi tái nàng mèo Ainu khiến nàng nổi cáu. Mèo nổi cáu thì mèo cào...mà cào mấy con mèo tào lao thì cũng như không bởi chúng luôn "chịu đấm" để được " ăn xôi" khiến mèo Ainu càng cáu hơn. Nàng quay sang cào mấy anh nhà thơ, nhà văn...và cào luôn cả cái lũ đàn ông. Bởi vậy, từ mèo nàng hóa thân làm " gái điếm"
Nàng chê nhà thơ Trần Đăng Khoa dốt. Cái này thì đúng "phốc" bởi ai mà chả dốt kia chứ. Có điều không biết Trần Đăng khoa dốt về chuyện gì nhưng còn tôi thì tôi biết chuyện tôi dốt. Để tôi kể cái dốt của tôi cho các bạn nghe nhé! " Có một lần tôi cùng người phụ nữ mà tôi vừa tán được đưa nhau vào khách sạn( hẳn nhiên vào khách sạn làm gì thì các bạn thừa biết rồi). Ấy thế mà. khi tôi lòn tay ra sau lưng nàng, loay hoay tôi chẳng thể nào mở được cái  " nịch vú" của nàng. Nàng có vẽ sốt ruột nên vừa đẩy tôi ra vừa mắng yêu: anh dốt thật!  và nàng nhẹ nhàng mở nó.Té ra cái móc nằm ở phía trước ngực.
Nàng chê Nguyễn huy Thiệp chỉ biết chửi. Cũng đúng! Tôi thì thích cái chửi của Nguyễn Huy Thiệp nó khiến cái thằng bị chửi, thằng chửi và thằng nghe chửi phải ngậm ngùi.
Nàng bảo bọn đàn ông không có nhân phẩm. Đúng tuốt. Đàn ông do đàn bà đẻ ra cơ mà! Nhất là do " gái điếm" đẻ ra. 
"Gái điếm" hay " đĩ đực " bán dâm" thì đã tự biến mình thành " hàng hóa" rồi. Mà " hàng hóa" mà có "nhân phẩm" thì ai cho bán kia chứ!( Như buôn người chẳng hạn). 
Có ai " mua hàng hóa" mà phạm pháp đâu trừ khi mua "đồ gian"...
Mời các bạn đọc tiếp Chương 6 nhé!
-----------



Chi chúc! Chi chúc! Chi chúc!
Chi chúc! Chi chúc! Chi chúc!

Năm trăm năm nay, nước mắt nhiều như thác đổ
Năm trăm năm nay, nước mắt nhễ nhại đầm đìa
Nước mắt chảy mãi không ngừng!
Ô trọc rửa hoài chẳng hết!
Tình đời chẳng cạn chẳng vơi!
Tủi nhục làm sao cho sạch!
Kiếp sống của ta mong manh trôi nổi
Rồi sẽ tới đâu mới được yên lành?

Ôi! Ôi! kiếp sống mong manh trôi nổi
Như con thuyền đơn độc giữa biển khơi
Bên trái mờ mịt
Bên phải mịt mờ
Trước mặt chẳng thấy ánh đèn
Phía sau bến bờ chẳng có
Cánh buồm đã rách
Cột buồm đã gẫy
Bơi chèo đã trôi
Bánh lái đã vỡ
Kẻ lái thuyền nhọc lả chỉ đành trong lòng thuyền thở than rên rỉ
Sóng biển vẫn hung dữ trào dâng

Ôi! Ôi!
Kiếp sống phù sinh mỏng mảnh của ta
Khác nào giấc ngủ mệt mê trong đêm đen mù mịt
Phía trước, mê mệt ngủ
Phía sau cũng ngủ im lìm
Cái tới như gió thoảng
Cái đi như khói bay
Tới tựa gió
Đi tựa khói
Ngủ đằng trước
Ngủ đằng sau
Ta chỉ khác nào làn khói bay gió thoảng trong triền miên giấc ngủ

Ôi!Ôi!
Làm sao lại thế?
Vì sao lại vậy?
Chuýt!Chuýt!Chuýt!
Chỉ thấy buồn đau, phiền não, tẻ nhạt, yếu hèn
Những thây ma luẩn quẩn quanh ta
Những xác chết ngổn ngang khắp chốn

Ôi!Ôi!
Tuổi trẻ tươi rói của chúng ta đâu rồi?
Tuổi trẻ đẹp đẽ của chúng ta đâu rồi?
Tuổi trẻ sáng láng của chúng ta đâu rồi?
Đã hết! Đã hết! đã hết!
Tất cả đều đã hết!
Tất cả rồi sẽ hết!
Chúng ta cũng sẽ đi khỏi
Chúng mi cũng sẽ đi khỏi
Ôi, buồn đau! phiền não! tẻ nhạt! yếu hèn!”
(Hoàng Ca)

*
“Thưa bác Ái Nữ, bài Phượng Ca và bài Hoàng Ca giữa năm 2012 cháu được một người bạn gửi cho đọc. Thấy hay, thích quá cháu có lưu trên máy tính nhưng lại vô ý không ghi tên tác giả. Chỉ nhớ mỗi tên dịch giả là Phạm Thị Hảo. Cháu cũng vừa tìm nát gúc-gồ chỉ ra toàn Phượng Vĩ với truyện kiếm hiệp. Để mai cháu sẽ liên lạc với người bạn của mình để hỏi tên tác giả bác nhé”.
Đó là lời của Gió Phương Bắc gửi cho tôi qua comment vào hồi 16h38’ ngày 28 – 5 – 2013, khi mà cậu ấy vẫn còn xưng “cháu”. Nhưng rồi bạn đọc Người Hà Nội đã tìm ra giúp tôi tác giả của những bài thơ ấy là Quách Mạt Nhược. Có lẽ người mà tôi muốn biết bây giờ là người bạn của Gió Phương Bắc, người đã truyền đi chùm thơ ấy. Nhưng tôi chưa thể biết vì Gió Phương Bắc vẫn chưa hiện hình ở ngoài đời. Gió Phương Bắc không chịu ra mặt, vì thế tôi chấp bút tiểu thuyết này, cậu ấy không thể trốn khỏi việc đọc nó.

*
Gió Phương Bắc Tequila–Acemediavn Trẻ Trâu, tôi kể cho cậu nghe chuyện tôi theo người đàn ông kia vào nhà nghỉ, chỉ với ý muốn cho cậu biết là Thượng Đế có thể làm tôi bẽ mặt một cách dễ dàng như thế nào. Nhưng kịch bản ấy của Ngài ngay lập tức đã bị nhiều bạn đọc phán xét. Nguyễn Thanh Sơn rất có kinh nghiệm trong việc đánh giá cách tổ chức một tác phẩm, chúng ta cùng đọc lại đoạn văn của anh ta nhé:
"Bạn có bao giờ để ý đến hình ảnh êm đềm của người phụ nữ ngồi đan một mình trong đêm đông, với chú mèo con bên cạnh. Đối với tôi, hình ảnh ấy tiềm ẩn trong nó một ẩn dụ sâu sắc. Một nhà văn thực sự, cũng giống như người phụ nữ đan len, cẩn thận nắm lấy suy nghĩ đầu tiên của mình, luồn nó vào sợi kim đan, và bắt đầu nhẫn nại đan nên chiếc áo-tác phẩm của mình. Theo vòng quay của cuộn len, những suy nghĩ cứ nối nhau xuất hiện, được rút tỉa, thít chặt, nối thêm, để cuối cùng, trở thành một tác phẩm, với muôn ngàn ý tưởng phức tạp được kết nối lại hài hoà, nhưng vẫn được bắt đầu từ một suy nghĩ đầu tiên.
Những người viết vội vàng cũng giống như chú mèo con bị cuộn len ý tưởng hấp dẫn. Trò chơi nhiều màu sắc kia trông quả thật thú vị, chú mèo nhẩy cẫng lên, lao qua lao lại bên cạnh cuộn len, vung bàn chân ra vả vào những sợi len để tìm cách kéo nó ra. Không có đủ sự kiên nhẫn cần thiết, sợi len đầu tiên quấn lấy chân chú, và chẳng mấy chốc chú đã quay cuồng trong đám len, làm rối tung các ý nghĩ, cho đến khi những sợi len cuộn chặt lấy chân làm chú ngã xuống, hoặc có ai đó lôi chú ra khỏi đám hỗn độn mà chú vừa tạo nên".
Thượng Đế thì vô thủy vô chung, Ngài chẳng suy nghĩ gì cả. Còn “suy nghĩ đầu tiên” của tôi chỉ là thế này: Giao cho Mèo Ainu đan áo thì đương nhiên là nó không làm được, nhưng nếu giao cho nó làm rối một cuộn len thì khả năng thất bại là bằng không. Đấy thấy chưa, vừa chạy ra đường nó đã giẫm trúng ngay mối tơ vò của nhân loại: tính dục.
Có những bạn đọc cho rằng tôi phải “đan lại” câu chuyện, phải cho đôi nam nữ kia nằm cạnh nhau mà “cứ không làm gì , ôm nhau ngủ trong trong sáng” thì sẽ hợp lý và thuyết phục được họ. Nhưng tôi cần phải thuyết phục họ điều gì ấy nhỉ?
Đại diện cho những bạn đọc ấy là Alaykum Salam, một người đàn ông, đã nói với tôi rằng: “Dù trong bất cứ nghịch cảnh nào. Phẩm hạnh người con gái cần phải gìn giữ. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Cái anh Alaykum Salam ấy chắc là từ trên thiên đàng xuống. Tôi có coi người thanh niên trong câu chuyện kia là “bùn” đâu, còn tôi thì không có “phẩm hạnh” để gìn giữ. Tôi là một cô gái điếm, nên tôi sẵn sàng cho người thanh niên kia quan hệ tình dục, chỉ để tỏ ra là tôi biết điều. Đã mang thân phận gái điếm mà còn không biết điều thì tồn tại trong cuộc đời này sao nổi. Trong tiểu thuyết này, bạn đọc sẽ còn được biết đến ít nhất là một vài lần tôi làm điếm nữa, và nếu như họ chưa từng là Quý Ông Mua Dâm hoặc Quý Bà Bán Dâm thì họ không đủ tư cách để chê bai vốn hiểu biết về tình dục của tôi.
Câu nói của bạn đọc Alaykum Salam nghe quen quen. Có lẽ nó chỉ trở nên lạ tai nếu từ “con gái” trong đó được thay bằng từ “con trai”. Cái câu súc tích hơn và quen tai hơn nữa trong dân gian: “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng” (giá tính được bằng vàng đấy, mà vàng thì vẫn bị cướp luôn) thỉnh thoảng còn trèo lên tít của mấy trang báo vẫn quen cổ xúy cho việc gìn giữ “thuần phong mỹ tục”. Thật lạ là những gã trai trẻ không bao giờ được dạy là họ cần phải giữ trinh cả. Điều gì đã xảy ra với loài người vậy?
Loài vật thường động dục theo mùa sinh sản, còn loài người thì giao phối bất kể mùa màng. Tại sao họ kìm chế việc sinh đẻ mà lại dâm dục vô độ?
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong bài viết “Tính dục trong văn học hôm nay” cách đây chín năm, nói rằng: “Sự an ủi lớn nhất mà Thượng Đế ban cho con người chính là tình dục”. Bài viết ấy nhấn mạnh đến “tính dục”, đến “sex”, nên “tình dục” ở câu đó khó có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn. Ông Thiệp phàn nàn rằng văn học Việt Nam hầu như bỏ trống không khai thác được đề tài này, rằng mãi chưa có nhà văn nào viết về đề tài tính dục mà vượt qua được “Bóng Đè” nào đó.
Các nhà văn Việt Nam nào biết gì mấy về tình dục mà viết. Với mức độ hiểu biết về tình dục ở mức độ “an ủi” như thế, nên đàn ông thì thành những kẻ hoang dâm, còn đàn bà thì biến thành gái điếm. Đỉnh điểm của sự hài hước diễn ra khi trong tháng Năm nóng nực này, anh Trùm Chân Dài trong làng showbiz Việt sau mười năm điều tiếng chả bao giờ lên tiếng, bỗng nhiên lên báo thanh minh rằng những cô người mẫu trong công ty của anh không phải là gái điếm và anh không phải là “tú ông”, lý do anh lên tiếng vì những lời đồn thổi không tốt về anh ảnh hưởng đến nguồn tài trợ cho Đêm Hội Chân Dài sắp tới. Rồi thì tay phóng viên phỏng vấn cứ cố nói thêm: “Nhưng người ta vẫn đồn Đêm Hội Chân Dài là Đêm Hội Bán Dâm trá hình”…
Tôi là gái điếm, chẳng cần phải “trá hình” làm gì cho uổng sức. Trong ba thành phần: Gái điếm, những người lấy tư cách bề trên đòi gái điếm phải “phục hồi nhân phẩm” và những người tự đặt mình là kẻ đứng ngoài chê bai cười cợt thì gái điếm vẫn minh bạch và “danh chính ngôn thuận” hơn hẳn. Nếu như“Nguyễn Huy Thiệp là người phát ngôn của nền văn học Việt Nam nửa cuối thể kỷ XX” như bạn đọc Nguyễn Ngọc Nam nói thì rốt cục ông ấy đã nói lên điều gì? Văn chương của ông ấy nói lên rằng đàn ông Việt Nam cho đến nửa cuối thế kỷ hai mươi và những năm đầu của thế kỷ hai mốt vẫn chưa có cách nào “lên đỉnh”. Khi đàn ông không thể “lên đỉnh”, họ dễ bực tức, dễ “giận cá chém thớt” đổ lỗi cho người khác. Văn của Nguyễn Huy Thiệp là văn để chửi, ông ấy được nhiều người thích vì đã chửi hộ họ, những kẻ không thể “lên đỉnh”. Khi đàn ông bị ức chế như vậy thì họ đổ lỗi cho ai? Đàn bà. Hoặc những kẻ họ cho rằng có tư chất đàn bà.
Nguyên văn comment của bạn đọc Nguyễn Ngọc Nam (là bạn đọc đã giới thiệu tác phẩm “Mùi Chữ”) vào một ngày Mười Ba năm Mười Ba như sau:
“Nhà văn nguyễn Huy Thiệp có nói: "Văn học là nghệ thuật sáng tạo, là tấm gương tái hiện đời sống. Muốn sáng tạo ra những tác phẩm sinh động, trước tiên, nhà văn phải nhìn được những biến động phong phú của đời sống ở một tầm phổ quát và khoa học. Mà đầu óc các nhà văn nữ thời nay thì nghĩ được cái gì cơ chứ?"
Nhà văn Nguyễn Bình Phương có viết, nhà thơ (chưa rõ thời nào) là đại diện cho tầng lớp tiểu nhân, nhân cách bỉ ổi nhưng đội danh trí thức, những đứa trẻ chết già có suy nghĩ ở mức ngu bình thường.
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn có ý nói: các nhà văn nữ toàn viết những thứ vớ vẩn tầm thường...
Nhà văn Nguyễn Việt Hà có viết: "nhà thơ là những kẻ dốt nát nhưng thích làm sang bằng mép viền chữ nghĩa".
Gần đây, báo chí hay nói tới vấn đề "phê bình" và "nhà phê bình". Ngoài "kẻ gác đền" khá vô danh, thì những ý kiến "phê bình" trên đều của những nhà văn có tiếng, chắc chắn nhiều người không thích nhưng liệu những quan điểm cá nhân trên có phần nào đúng?”
Còn cậu, Gió Phương Bắc Tequila-Acemediavn Trẻ Trâu, cậu đã nói gì nào? Tôi trích một comment của cậu hai năm trước nhé:
“Em thì có cái suy nghĩ trái ngược hẳn với cái comment của bác Trần Đăng Khoa.Theo em bác Ái Nữ không thể là phụ nữ, hoặc nếu chẳng may bác Ái Nữ có là phụ nữ thì chắc chắn đây phải là một lão bà đã quá già và cơ thể thì nhăn nheo như quả táo tầu sấy khô. Văn chương thời kì suy thoái này làm gì còn nữ nhà văn hay nữ nhà thơ nào viết được cái gì cho ra hồn”.
Chà, quả là một dàn đồng ca!
Thật ra thì cậu không quan tâm đến giới tính của tôi, cậu chỉ tranh thủ cơ hội “dìm hàng” nhà thơ Trần Đăng Khoa, một người mà cậu cho rằng sự dốt nát của những kẻ như thế làm cho văn chương Việt Nam không sao cất cánh được. Chuyện Trần Đăng Khoa dốt thì cậu đúng, nhưng ông ấy cũng chẳng dốt nhiều hơn ai. Ông ấy có thể phát biểu lung tung về văn chương, nhưng không phát biểu lung tung về phụ nữ. Không có phụ nữ thì không có cả nhà văn lẫn nhà thơ, nói gì đến văn thơ!
Nhưng tại sao đàn ông lại có tâm lý khinh thường đàn bà như vậy? Theo tôi có lẽ là họ ghen ghét đố kỵ với đàn bà nên hạ đàn bà xuống thấp để nâng mình lên cao. Trước kia tôi chưa từng nghĩ thế, ý nghĩ này mới chỉ xuất hiện từ… hôm qua, khi tôi lên Google để tìm hiểu thế giới. Đàn bà có nhân phẩm, còn đàn ông thì không. Đàn ông không có nhân phẩm.
Khi đọc các bài có chữ “bán dâm”, tôi nhìn thấy cụm từ “phục hồi nhân phẩm” và gõ nó lên Google. Tôi ngạc nhiên thấy cụm từ này chỉ dùng cho những trại tập trung gái bán dâm. Tôi liền đặt cho Google một câu hỏi tiếp theo: “Đàn ông mua dâm được phục hồi nhân phẩm ở đâu?” Hiện ra chỉ là các câu hỏi tương tự mà không hề có câu trả lời. Những câu hỏi như vậy chỉ có từ năm 2012 trở về trước. Từ nửa cuối năm Mười Ba, gái bán dâm không phải vào trại “phục hồi nhân phẩm” nữa. Nhưng đến tháng Năm này, bạn đọc Alaykum Salam vẫn yêu cầu con gái phải giữ gìn phẩm hạnh, trong khi con trai anh ấy (chưa lập gia đình) thì luôn có condom trong bóp.
Như vậy là yêu cầu giữ gìn hoặc phục hồi nhân phẩm chỉ đặt ra với đàn bà mà không đặt ra với đàn ông. Đáp án duy nhất hợp lý: Đàn ông không có nhân phẩm. Chính vì vậy mà trong các vụ mua bán dâm quả tang, chỉ có những người đàn bà bán dâm bị bắt, còn những người đàn ông mua dâm thì chẳng ai biết họ là ai. Ở ngoài xã hội, chỉ có những cô gái điếm mới bị dè bỉu khinh chê, còn đàn ông biết chơi gái điếm thì lại được khen là sành sỏi thạo đời. Dư luận xã hội như vậy rất công bằng, vì đàn bà cứ đem trao “nhân phẩm” cho đàn ông mãi mà đàn ông vẫn không lớn lên được từ nhiều ngàn năm nay, bị khinh chê là đúng.
Nguyễn Huy Thiệp muốn làm người có nhân phẩm, nhưng hiềm một nỗi là ông ấy không lên đỉnh được. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn đã rất nâng niu trân trọng khi viết về Nguyễn Huy Thiệp, nhưng anh ta dường như chỉ gây ấn tượng mạnh khi sắm vai đao phủ. Đường đao anh ta chỉ sẵn, Nguyễn Huy Thiệp khi mệt mỏi mất tỉnh táo đã lao vào. Đoạn cuối bài viết “Cây vĩ cầm ba dây” trong tập “Phê bình văn học của tôi” xuất bản năm 2002 của Nguyễn Thanh Sơn như sau:
“Những người ham đọc kiếm hiệp đều biết chuyện những "cao thủ võ lâm" thành danh cuối đời sợ nhất chuyện "lâm vào cảnh tịch mịch, phát phiền mà chết". Hình ảnh mới nghe qua có vẻ thơ mộng về những nhà văn "trăn trở trước trang giấy trắng" chính là cõi "tịch mịch" của một cuộc sống sáng tạo không tự tạo cho mình những thách thức, thiếu đi những lực cản thực sự để anh phải vượt qua. Cuộc sống "tịch mịch" trưởng giả ấy, chẳng mấy chốc sẽ biến thành "pháp trường trắng" xuống đao khai tử đời sống sáng tác của bất cứ "cao thủ" nào trong làng văn chương”.
Năm 2003, trong bài “Thời của tiểu thuyết” (bài này gồm ba phần, in trong tập tiểu luận “Giăng lưới bắt chim” xuất bản năm 2010), Nguyễn Huy Thiệp viết:“Tốt nhất là cuộc sống trưởng giả”, và “Thời của tiểu thuyết phải chăng là thời của các bậc trưởng giả rung đùi ngồi viết văn?”. Cũng có thể ông ấy chỉ đùa một cách mỉa mai, bởi vì: “Những nhà văn lọc lõi không muốn điên, đến một lúc nào đấy sẽ không viết nữa. Họ chết như mọi người và chết trong những trang sách ẩm mốc”.
Có lẽ nào Nguyễn Huy Thiệp đã trở nên lọc lõi và trưởng giả? Có thể lắm, bởi vì ông ấy đã mắc kẹt trong tấm lưới Thời Gian. Cũng trong bài tiểu luận nói trên, ông viết: “Tiểu thuyết tự vấn (dùng lại khái niệm “văn học tự vấn” mà nhà văn Nguyên Ngọc đã dùng) dành cho những nhà văn loại một có “tư tưởng”. Tôi nghĩ rằng đây sẽ thuộc về những nhà văn khoảng độ tuổi “đầu 5”. Trẻ hơn rất khó tự vấn vì kinh nghiệm cuộc sống không đủ cho họ có thể xem xét nội tâm của mình và nội tâm xã hội”. Đây chính là kinh nghiệm “ngũ thập tri thiên mệnh” xưa nay. Con người thuần thục nhờ kinh nghiệm, nhưng bị lừa nhiều nhất cũng vì kinh nghiệm. Nguyễn Huy Thiệp đã tự giăng lưới bẫy mình.
Còn “nhà mèo học” Nguyễn Thanh Sơn, đại văn hào của Mèo Ainu thì đang làm gì? Không phải ngẫu nhiên mà trong tập sách mỏng xuất bản cách đây mười ba năm của anh ta, bài cuối cùng có tiêu đề là “Siêu tiểu thuyết”. Con người này chẳng đủ kiên nhẫn để chờ đến “đầu 5” mới “xem xét nội tâm của mình và nội tâm của xã hội”. Anh ta có tầm nhìn xa trông rộng từ khi còn rất trẻ. Biết rằng chờ các nhà văn già lớn lên là không tưởng nên anh ta cứ khăng khăng tin vào chuyện sẽ có thiên tài văn chương xuất hiện. Nhưng khốn nỗi tiêu chuẩn về thiên tài của anh ta có lẽ quá cao nên con người lãng mạn này không tránh khỏi phải nghe những lời hỏi thăm xỏ xiên về sứ mệnh của một nhà phê bình. Anh ta là Nhà Phê Bình Đợi Chờ. Trong lúc đợi chờ Các Ngài Mèo Thiên Tài nào đó, Ngài Cú Thông Thái đi câu cá.
Người sáng lập học viện SAGE luôn tâm đắc câu này: “Cách mạng được hoài thai bởi các thiên tài, thực hiện bởi những người cuồng tín, còn thành quả thì bị những kẻ cơ hội lợi dụng”. Không biết ngoài Mèo Ainu thì còn những ai khác nhận ra anh ta là thiên tài hay không, nhưng chí ít người ta cũng khó phủ nhận rằng anh ta xứng đáng là bậc thầy của những kẻ cơ hội. Ngài Cú Thông Thái thiếu cơ hội phê bình văn học, nhưng lại thừa cơ hội phê bình kinh doanh. Chiến lược thiên tài mà anh ta vạch ra cho mô hình “agency hiện đại” đã trở thành hướng đi chung cho các công ty trong vùng Đông Nam Á. SAGE muốn trở thành tiên phong trong lĩnh vực thương hiệu và truyền thông tiếp thị. Ngày Mười Ba trong tháng Năm này, khán giả của chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” tròn mắt sửng sốt trước những hình ảnh tuyệt đẹp từ một cái hang ở Việt Nam, hang động được xem là lớn nhất thế giới từng được phát hiện từ trước đến nay. Còn Mèo Ainu thì tròn mắt ngưỡng mộ khi thấy SAGE với chín khóa học hiện ra đầu tiên trong hình ảnh quảng cáo trên Youtube gắn với cái videoclip“the largest cave of the world”. “SAGE” không tránh khỏi qua cửa “CAVE”.
Nguyễn Thanh Sơn là thiên tài chưa được mười phần trăm. Chiến lược kinh doanh mà anh ta vạch ra đã đi đúng hướng của nó, nhưng còn năng lượng nội tại trong bản thân anh ta thì có đi đúng hướng không? Anh ta đang béo lên và trở nên quá cân, cả thế giới đều có thể nhìn thấy điều ấy qua những hình ảnh mà anh ta trưng trên mạng, tiếc thay chả có bao nhiêu người nhìn, vì họ lo cho cơ thể họ còn chưa xong.
Bỏ qua những thành tích kinh doanh chán ngắt thì thỉnh thoảng Nguyễn Thanh Sơn cũng làm được những việc tốt, nhất là khi anh ta giúp việc cho vợ, một diễn viên điện ảnh nổi tiếng. Mùa đông năm trước, họ đã tổ chức công chiếu thành công bộ phim tài liệu của một nhà làm phim trẻ: “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”. Nhân vật trong phim là những người nam chuyển giới nữ trong một đoàn hát rong ở các hội chợ, họ sống rồi chết trong sự kỳ thị, trong bệnh tật, chưa từng ước mơ được tỏa sáng như Conchita Wurst. Họ chưa bao giờ biết đến Phượng Hoàng.
Còn cậu, Gió Phương Bắc Tequila–Acemediavn Trẻ Trâu, cậu đang làm gì vậy? Cậu đang đưa tôi lên đỉnh. Đỉnh Cao Của Điên. Đỉnh Cao Của Ngu. Tôi phải chiều cậu thế nào mới tương xứng đây?

*
Vào thời điểm tiểu thuyết “Ngày Tận Thế Huyền Bí” đang hiện lên những chương khởi đầu ở Blog Việt thì Leonvu Quant, một facebooker cũng đang viếtnote đầu tiên của mình: “Độc ngã luận: Lolita và những ngày tháng Tư”. Mùa hè năm nay đã mở màn bằng một tháng Tư rất nóng. Nó còn nóng hơn nữa với sự kiện công ty Nhã Nam mở hội thảo trao đổi về việc sửa bản dịch “Lolita” của dịch giả Dương Tường, một bản dịch có công gây nên cuộc bút chiến suốt ba năm. Chỉ để nói lên rằng không phải người ta chỉ cần biết nói biết viết và biết ngoại ngữ là có thể hiểu nhau.
Bài viết của Leonvu Quant không làm tháng Tư nóng hơn, nhưng nó làm cho anh bỗng nhiên trở thành “hot facebooker”, đến nỗi tài khoản của anh bị sập do có người tố cáo anh không dùng tên thật, vi phạm chính sách của Facebook, cái chính sách làm tổn thương ghê gớm đến những người có tâm hồn nghệ sĩ đã từng sở hữu những cái nick là nghệ danh sáng tạo của họ. Sự việc trầm trọng tới mức Facebook yêu cầu Leonvu Quant phải sao chụp giấy tờ cần thiết gửi cho họ rồi tài khoản của anh mới được khôi phục.
Mèo Ainu không hiểu gì mấy về bài viết của Leonvu Quant, vì nó không thạo tiếng Anh và cũng chưa đọc hết bản dịch Lolita. Nhưng nó thích thú khi thấy anh dùng một câu nói dân gian hiện đại mang đầy hơi thở cuộc sống: “Ca-ve kể chuyện, con nghiện trình bày”.
Với avatar là gương mặt kiêu hãnh buồn xa xăm trong bức tranh “Người đàn bà xa lạ”, Leonvu Quant hiện lên như một nhân vật duy mỹ đã từng thấp thoáng trong những tiểu thuyết xa xưa. Là “con nghiện” trước vẻ đẹp của văn chương và triết học, anh vô cùng hâm mộ khi đọc “A song of Ice and Fire” của George R. R. Martin và “Lolita” của Vladimir Nabokov, vì cho rằng những tác giả này đã giành được cho mình vị thế của Thượng Đế toàn năng trong tác phẩm văn chương mà họ hư cấu.
Là một chuyên gia gây rối, Mèo Ainu luôn tò mò và tìm cách móc lấy một sợi len sổng sểnh nào đó trong cuộn logic của các triết gia để nghịch. Nó không bỏ lỡ cơ hội tán dóc với “người đàn bà xa lạ” trong chat box.
Leonvu Quant: Trí tưởng tượng của mấy cụ nhà văn loại này kinh khủng lắm.
Ainu: Ôi thật là hay! Nhưng khi nào con người có khả năng dùng thần giao cách cảm thật sự thì ngôn ngữ sẽ trở nên là một công cụ chậm chạp. Ngôn ngữ sẽ chỉ là trò chơi thôi.
Leonvu Quant: Mấy cái độc ngã luận em viết - rồi thần giao cách cảm - rồi thể loại văn học high fantasy - rồi Nabokov, Lolita - rồi Thượng Đế đều liên quan logic với nhau thú vị lắm. Lúc nào có hứng em sẽ viết bài chỉ ra những kết nối của mấy cái này với nhau cho vui. Không biết bác theo đạo gì, và có đọc Kinh Thánh không ạ?
Ainu: Tôi không theo tôn giáo nào, không đọc nhiều sách. Chưa đọc Kinh Thánh ngoài vài mẩu chuyện nghe lỏm. Không tìm hiểu kinh Phật, chỉ nghe qua miệng người tu đạo Phật. Chắp nhặt linh tinh, google linh tinh.
Leonvu Quant: Tại trong một sách Kinh Thánh có câu: "In the beginning was the Word" ("Khởi thủy là Lời"). Nó gần như tương ứng với phái triết học duy tâm chủ quan, coi mọi thứ chỉ có ý niệm, mà ý niệm thường diễn tả bằng ngôn ngữ, nên người ta mới hay nói ngôn ngữ là khởi đầu của tư duy. Mấy ông tác giả high fantasy muốn thể hiện họ sáng tạo một thế giới mới, thế là họ dựng ra một ngôn ngữ mới cho các nhân vật.
Ainu: Tôi có nghe nhân vật Faust của Goethe chữa lại: “Khởi thủy là Hành Động”.
Leonvu Quant: Faust muốn chống lại Thượng Đế nên dùng cách nói ngược lại.
Ainu: Nhưng mà tôi thấy ông ta thực tế và có lý hơn.
Leonvu Quant: Đọc Goethe và nói chung các tác giả metaphysical bác đừng hiểu câu chuyện theo nghĩa đen. Goethe muốn dùng câu chuyện để nói về phạm trù khả thể và hiện thể của đạo đức. Cái này ít thấy các triết gia Việt bàn, toàn thấy các cụ bàn triết lý cao siêu đâu đâu…
Ainu: Tôi thì quan tâm đến lĩnh vực siêu hình, nó còn "đâu đâu" hơn nhiều.
Leonvu Quant: Đạo đức tuyệt đối cũng thuộc về siêu hình mà.
Ainu: Ngôn ngữ vừa là chiếc cầu vừa là rào cản…
Leonvu Quant: Từ duy tâm chủ quan đến thể độc ngã cũng là một con đường siêu hình rất hay. À, bác biết tại sao em viết cứ theo duy tâm chủ quan đến tuyệt đối sẽ là thể độc ngã không?
Ainu: Không, tôi không đọc sách triết học. Nếu anh nói thì tôi sẽ cảm nhận được.
Leonvu Quant: Duy tâm chủ quan chỉ công nhận thế giới được phản ánh vào trong idea của chủ thể nhận thức mới là thực tồn tại. Một chủ thể nhận thức chỉ có hai thứ đóng vai trò cơ năng nhận thức là trí óc (mind) và giác quan (sense). Các cụ thần học và tâm linh thường coi giác quan (sense) là một thứ đáng ghét, các cụ bảo nó không có thật, cảm giác chỉ là do mind tạo ra. Thế là các cụ loại bỏ hết giác quan (sense) chỉ còn để lại duy nhất mind là cơ năng nhận thức. Nhưng khi loại bỏ sense thì giữa các chủ thể nhận thức không còn cách gì để tương tác với nhau, may ra có cách là "thần giao cách cảm" nhưng cái này chưa được triết học công nhận.
Ainu: A ha... Vậy là mấy cụ ấy thích tự mình làm Thượng Đế, vì chê mấy cái sense kia là... thừa?
Leonvu Quant: Để duy trì tính logic nội tại thì suy ra chỉ có duy nhất một chủ thể nhận thức là the self, tất cả các other minds đều không có thật mà chỉ là sản phẩm của cái the self duy nhất kia. Trong triết học, nếu loại bỏ sense thì tất yếu sẽ dẫn đến chỉ duy nhất một mind tồn tại thì mới đảm bảo tính hợp lý nội tại. Tóm lại duy tâm chủ quan là có mind và sense, loại sense đi sẽ dẫn tớisolipsism. Thú vị là hiện nay đang có hướng nghiên cứu tìm cách để các mindtương tác với nhau mà không cần sense, trong đó có cái “thần giao cách cảm” bác nói đấy.
Ainu: Tôi e rằng cái này không "nghiên cứu" được.
Leonvu Quant: Nếu bác vào google bác search chỉ mấy từ khóa này thôi là ra một đống tài liệu: solipsism other minds. Phương Tây họ có nghiên cứu, họ gọi cái này là tương tác analogue.
Ainu: Kết quả của họ ra sao?
Leonvu Quant: Chưa, vẫn là vấn đề đang nghiên cứu mà.
Ainu: Ha ha ha…
Leonvu Quant: Thật ra nếu triết học tìm được cách nào bắc cầu giữa cácmind với nhau mà không cần sense thì sẽ là một thành tựu rất vĩ đại không chỉ trong triết học, mà còn trong tâm lý, tôn giáo, tâm linh, và nhiều nhiều lắm, nói chung một cuộc cách mạng thật sự. Bác mà quan tâm vấn đề siêu hình thì đi vào cái solipsism other minds là rất thời thượng.
Ainu: Cuộc cách mạng ấy đã có, nhưng triết học ấy lại không dùng ngôn từ.
Leonvu Quant: Đấy là bác nói kiểu Á Đông thôi, chứ phương Tây nó phải diễn giải được thì nó mới công nhận.
Ainu: Nhưng đã không lời thì còn cần gì sự công nhận, cứ dùng để sống vui đời mình là được rồi.

Mèo Ainu đem dán cuộc trò chuyện ấy vào đây cho những người mù triết chóng mặt, còn những “con ma triết” thì mỉm cười hoặc càu nhàu một tí. Nếu ai muốn tranh luận về văn chương và triết học với Leonvu Quant thì lên Facebook, chỉ cần dùng lời lẽ lịch sự là anh ấy sẽ nhiệt tình đón tiếp. Ái Nữ thì chỉ cần đọc thấy “có hai” là biết các triết gia vẫn lùng bùng trong tấm lưới Nhị Nguyên, họ càng diễn giải thì càng rắc rối, và như thế họ đã tiếp tay cho Mèo Ainu. Tác phẩm dành cho Gió Phương Bắc Tequila–Acemediavn Trẻ Trâu phải là một tác phẩm đủ rắc rối, cho cậu ấy thỏa mãn cái thế giới “có hai” của mình.

*
Vì quan tâm đến bạn đọc Alaykum Salam, Ái Nữ đã phỏng vấn bloggerKiều Thiện, một nhà báo, đồng thời là người đã hai mươi năm ôm ấp dự định viết một tiểu thuyết. Nhưng Kiều Thiện lại quan tâm đến vấn đề khác.
Ái Nữ: Anh có cho rằng việc bỏ chạy khỏi nhà nghỉ là hành động có thể xảy ra với một nhân vật như gã công nhân ấy không? Tôi chỉ muốn hỏi rằng anh nghĩ nó "có thể xảy ra hay không" chứ không phải là "có hợp lý hay không".
Dù câu chuyện ấy có thật, nhưng các độc giả chỉ đọc qua văn chương của tôi, mà văn chương chỉ là tác phẩm thứ cấp, nên họ có quyền tin hay không tin. Nếu độc giả không tin, sẽ dẫn đến kết luận rằng tôi đã thất bại về mặt văn chương khi kể ra câu chuyện này. Tôi cần biết tôi đã thành công hay thất bại trong đoạn văn ấy.
Kiều Thiện: Nói đến cùng là bạn muốn biết bạn thất bại hay thành công với tác phẩm ấy? Bạn đang đi tìm cái không thể (chưa thể) để trả lời cho cái có thể. Tác phẩm của bạn viết cho hôm nay? Viết cho từng ấy người? Viết cho riêng một tầng bạn đọc? Viết chỉ để hướng tới công chúng như giáo huấn hay viết cho cả chính mình (như tâm sự)?
Ái Nữ: Ồ không! Nói đến cùng, điều tôi quan tâm không phải là tôi thành công hay thất bại với văn chương của tôi, mà tôi muốn cày xới vấn đề để khám phá các tầng lớp độc giả. Tôi vốn không phải nhà văn và đã bỏ quên mơ ước trở thành nhà văn từ lâu rồi, cho nên tôi rất ít kinh nghiệm với các bạn đọc và công chúng. Nhưng tôi đang vội vàng gấp gáp, tôi cần phải nói điều gì đó với Tequila-Trẻ Trâu, kẻ sống chung với tôi đêm mưa gió của Thời Đại và tình cờ đã cùng bước vào căn phòng trọ mang tên Văn Học.

*
Gió Phương Bắc Tequila, tôi biết một kẻ kiêu ngạo như cậu sẽ không thèm để mắt đến những comment như của Alaykum Salam, bởi vì chúng chẳng có “tính hợp lý nội tại” gì cả. Dựa trên tiền đề ấy, câu hỏi của tôi dành cho Kiều Thiện nghe thật ngớ ngẩn. Nhưng Thượng Đế có logic của Ngài. Tôi đã cầu Ngài đưa đến những nhân vật giúp tôi trò chuyện với cậu, và Alaykum Salam xuất hiện. Tôi biết cậu rất ghét những comment dài dòng tối nghĩa và đầy vẻ vô ích trong blog Hơi Thở Của Vũ Trụ. Nhưng cứ mỗi lần cậu lên giọng để chặn chúng lại thì chúng càng dài thêm ra. Cậu đã quên rằng “ghét của nào Trời trao của ấy”. Cậu càng ghét những kẻ như thế nào thì những kẻ như thế ấy càng xuất hiện chật ních xung quanh cậu, và người ta không thèm phân biệt cậu với họ. Cậu ghét những kẻ cơ hội và những kẻ trưởng giả? Ồ có ngay! Tôi đã thừa cơ dán ngay cái đoạn văn cậu viết về những kẻ trưởng giả và cơ hội vào entry của tôi, cái entry mà chưa cần biết nội dung cậu đã đòi sửa tên nó thành “Con Bò” ấy.
Cậu đã không thể khá hơn Nguyễn Thanh Sơn, anh ta cũng không chịu nổi những kẻ cơ hội. Câu trong ngoặc kép mà anh ta tâm đắc là câu tôi đã biên tập lại đôi ba từ cho lịch sự, chứ nguyên văn anh ta dùng là từ “bọn cơ hội”. Tôi không nghi ngờ gì về chuyện “bọn cơ hội” bây giờ đang nhung nhúc bên anh ta và luôn biết cách làm cho anh ta và “bọn chúng” mang chung một khuôn mặt. Học viện SAGE quảng bá cho thương hiệu của họ, Trùm Chân Dài quảng bá cho hình ảnh những cô gái của mình. Sự-Khác-Biệt nằm ở đâu?
Sự-Khác-Biệt nằm ở đâu trong điều chúng ta muốn kể và điều người nghe muốn tin? Có phải luôn luôn chỉ người kể chuyện biết được chuyện họ kể có thật hay không? Có phải luôn luôn chỉ người nghe biết được là họ có thật sự tin vào câu chuyện hay không?
Nguyễn Thanh Sơn cũng giống như nhiều nhà văn khác, họ rất ghét những tác phẩm viết về “người thực việc thực”. Họ tức muốn chết đi được và rên rỉ:“Nhìn thế nghe thế nhưng mà không phải thế!” Về điểm này họ đồng cảm với những nhà thần học và những nhà tâm linh nào đó mà Leonvu Quant nhắc tới, rằng các giác quan mà Thượng Đế ban cho loài người chính là để Ngài lừa họ, cho nên “người thực việc thực” là giả cảnh. Họ luôn tìm cách “chơi lại” Thượng Đế bằng việc hư cấu những tác phẩm có thể dẫn dụ độc giả theo ý mình, những tác phẩm “thật hơn sự thật”.
Acemediavn Trẻ Trâu, cậu nghĩ thế nào? Chúng ta sẽ để Thượng Đế lừa chúng ta hay chúng ta sẽ lừa Ngài? Tôi thì Ngu hẳn và Điên hẳn rồi, tôi chỉ còn cách để cho Thượng Đế dẫn dắt. Tôi vẫn sẽ kể chuyện “người thực việc thực”, còn cậu vẫn sẽ làm ngược lại, bởi với cậu thì Chúng-Ta-Không-Thể-Là-Một. Cậu cứ thoải mái biến hóa mà lừa Thượng Đế, vì Ngài cho con người quyền tự do lựa chọn. Thượng Đế sẽ làm cách nào hợp nhất Chúng-Ta-Là-Một cho cỗ xe chở Ngài chạy bon trong tiểu thuyết này?
*
Gió Phương Bắc, cậu không nhớ được rằng tôi và cậu là Một. Linh hồn chúng ta từng không tách làm Hai, mà là Một trong Muôn Một. Linh hồn chúng ta là linh hồn Thượng Đế, chúng ta ở trong Ngài.
Chúng ta từng không phân chia, không giới tính, không tuổi tác. Chúng ta là ánh sáng, chúng ta chuyển động không ngừng. Êm hơn gió thoảng, mạnh hơn cuồng phong. Bão vũ trụ vô hình vô thanh, không hương không sắc. Vũ trụ không biên giới, không cùng tận.
Chúng ta từng không ước mơ, không khổ đau, không hạnh phúc. Bởi vì chúng ta ở trong Đấng Toàn Tri Toàn Năng. Chúng ta luôn thông hiểu và không hề biết đến sự bất lực.


*
Trái Đất, cái giả cảnh sáng tạo của Thượng Đế sao mà rắc rối, đã bao nhiêu sứ giả của Ngài xuống trần gian rồi chưa từng có ai trở về. Cả Phật, cả Chúa, tất cả những nhà tiên tri mà nhân loại từng chào đón, tất cả bọn họ đều không trở về. Họ cứ lửng lơ ở cõi giới nào đó, tạo ra những thiên đường hay niết bàn hư ảo kỳ cục nhưng hấp dẫn con người.
Gió Phương Bắc, cậu có nghĩ như tôi rằng Thượng Đế đã quá cao ngạo khi coi con người là sáng tạo hoàn hảo của Ngài? Tôi đã cười cợt và chê loài người là những thứ dở hơi nhất mà Thượng Đế từng tạo tác. Chẳng phải đúng thế sao? Họ không chấp nhận sự thật nằm ở những điều giản dị, họ cứ tìm kiếm những thứ hoa hòe hoa sói, cái gì càng tù mù rắc rối thì họ càng tin nó rất cao siêu và theo đuổi mãi.
Cậu cũng nghĩ như tôi, bởi vì Chúng-Ta-Là-Một. Hễ cậu nghĩ đến điều gì thì tôi nói ra điều ấy và ngược lại. Chúng ta đã chê cười loài người. Lúc ấy chúng ta đột nhiên không nhớ một quy luật của Đấng Sáng Tạo. Nếu chúng ta chê bai phê phán ai thì chúng ta sẽ biến thành kẻ đó.
Chúng ta phải biến thành con người. Nhưng vì chúng ta đã có lựa chọn là không xa rời Thượng Đế, nên đích thân Ngài phải xuống trần gian mang theo chúng ta. Cuộc hội nhập Trời - Đất ấy rung động mãnh liệt đến mức Thượng Đế tung thành muôn mảnh, tôi và cậu văng lìa khỏi nhau. Chúng ta xa nhau từ đó, đồng thời cũng quên mất mình là ai. Chúng ta thành con người, và vì bị phân tách nên không còn toàn tri toàn năng nữa. Mảnh linh hồn cậu mang là phầnDường Như Biết Tất Cả, mảnh linh hồn tôi mang là phần Dường Như Không Biết Gì Cả. Chúng ta đã biết đến sự bất lực, vì cứ lầm lẫn và thất bại luôn.
*
Chúng ta đã biết là làm người không dễ. Khi năng lực bị phân chia, người ta không còn đủ sức nhìn ra những điều đơn giản nữa. Thế giới càng phát triển theo hướng “béo phì”, con người càng bị chia rẽ và càng trở nên yếu ớt hơn bao giờ hết.
Cứ nhìn Nguyễn Thanh Sơn mà xem, anh ta sống chẳng dễ dàng, cuộc đời anh ta quá bận rộn. Cậu nghĩ anh ta có thể nào thăng hoa với những bài giảng về thương hiệu không? Anh ta làm thế để thiên hạ mở to mắt ra nhìn anh ta đang chinh phục những đỉnh cao, nhưng dù có cao cao mãi thì nó sẽ cao được tới đâu? Có đến được với Trời bằng cái thang ấy không? Cùng lắm là đến được với một bảng xếp hạng những tỷ phú có công bỏ tiền ra làm từ thiện này nọ. Anh ta tỏ vẻ hiểu biết bằng cách nói rằng chẳng qua anh ta phải “bán mình” để nuôi con và cho chúng đi học. Thần tài vẫn nắm lấy anh ta một cách ngạo nghễ, chỉ còn nửa đầu phía trên của anh ta là y không nắm được mà thôi. Anh ta sẽ làm thế nào để thoát nhỉ? Chắc tại anh ta đã trót chê danh lợi là phù phiếm, thật đáng đời!
Cứ cho là Nguyễn Thanh Sơn giỏi hơn đàn bà đi, nhưng rõ ràng là vợ anh ta vẫn gây được ấn tượng tốt hơn. Mặc cho đàn ông nước Nam kêu ca than vãn về chuyện thiếu người lo quốc gia đại sự, chỉ cần vợ Nguyễn Thanh Sơn khoe bộ móng tay đẹp để cổ vũ cho dự án giải cứu tê giác Nam Phi là được ủng hộ ầm ầm. Loài tê giác dù sao vẫn đáng cứu hơn loài người, nếu không có loài người thì Trái Đất vẫn còn đẹp hơn bây giờ. Gió Phương Bắc ạ, may là chúng ta chê bai con người chứ không chê cười con tê giác, nếu không thì bộ phim về cuộc đời chúng ta đã kết thúc trong máy quay của những nhà nghiên cứu loài động vật chuẩn bị tuyệt chủng rồi. Làm người thì cơ hội của chúng ta vẫn còn kéo dài hơn tí chút.
*
Gió Phương Bắc, gặp lại cậu rồi tôi mới biết là tôi rất nhớ cậu, còn trước đó tôi không nhớ được là có cậu nữa đâu. Tại tôi giữ phần linh hồn Dường Như Không Biết Gì Cả, cứ u u minh minh. Nhưng nếu gặp được anh chị em từng gần gũi thân thiết trong vũ trụ thì tôi sẽ nhận ra nhanh chóng.
Suốt thời gian qua cậu đã sống thế nào? Chắc là vất vả lắm phải không? Cậu giữ phần linh hồn Dường Như Biết Tất Cả thì tránh làm sao được bề bộn.
Bây giờ tôi đã biết là chúng ta cao ngạo chứ không phải Thượng Đế. Con người đúng là sản phẩm hoàn hảo của Ngài, nhưng không hoàn hảo ngay lập tức. Chúng ta mới chỉ nhìn họ một đoạn thôi đã vội cười. Loài người là biểu tượng cho sự chuyển hóa xoay vần của Vũ Trụ. Linh hồn Thượng Đế trong khối Đại Linh Quang sau khi vỡ ra thành các Tiểu Linh Quang sẽ kết hợp với linh hồn muôn loài để đưa chúng tiến hóa dần lên thành Người. Khi chưa tiến hóa trọn vẹn, chúng chỉ mang lốt người mà thôi. Như tôi được ghép với linh hồn một con mèo. Tôi lười biếng, ngủ nhiều, ưa thích ở chỗ khô ráo, không làm việc nặng. Có lẽ vì tôi dường như chẳng biết gì nên Thượng Đế mới sắp đặt như vậy, loài mèo không hiểu biết nhiều, nhưng chúng có khả năng chạy trốn rất nhanh.
Gần tám năm trước tôi liên lạc lại được với Đấng Toàn Tri Toàn Năng, được Ngài dạy lại cho dần dần, nhưng con mèo dốt lắm nên nó chậm hiểu, còn tôi thì vốn đã dốt sẵn rồi. Đấng Tối Cao không đòi tôi phải biết nhiều, chỉ cần tôi nhận ra chỉ dẫn của Ngài là được, Ngài chỉ tới đâu thì tôi theo tới đấy, không chỉ thì không làm.
Biết tôi ham tán chuyện với bọn trẻ, Thượng Đế đã dùng đến chàng Không Một Tám để dẫn dụ tôi lọt vào sân Blog Việt, gặp bạn đọc thế là mắc luôn ở đây. Vì thế nên cậu mới tìm thấy tôi.
Ồ Gió Phương Bắc, cậu đúng là Dường Như Biết Tất Cả, tôi mới chỉ vừa xuất hiện trên mạng được vài tuần thì cậu đã kịp nhìn thấy rồi. Chắc là nhờ linh cảm nào đó, chứ tôi không tin suốt ngày cậu lùng sục những thứ như “văn học trong ngăn kéo”, cậu còn phải giữ sức để “đi nô dịch” kia mà.
Cậu có biết là cậu làm tôi vui thích như thế nào không? Cách cậu hiện lên sao mà sinh động! Tôi hình dung ra cậu là một chú cáo nhỏ xinh đẹp ranh mãnh. Ừ, một chú Cáo. Tôi gọi cậu là Cáo Tequila nhé!
Nhắc đến Cáo, tôi lại nhớ đến “liên minh” Cáo và Mèo trong truyện “Chiếc chìa khóa vàng”. Nguyễn Thanh Sơn từng nhắc đến câu chuyện kỳ diệu ấy đấy. Cậu đã bao giờ để ý, rằng khi khai thác truyện “Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio” của nhà văn Carlo Collodi để viết nên truyện “Chiếc chìa khóa vàng hay truyện ly kỳ của Buratino”, nhà văn Alecxei Tolxtoi đã thay đổi hoặc bỏ đi rất nhiều nhân vật, nhưng riêng đôi bạn Mèo và Cáo thì vẫn giữ nguyên?
Trong cả hai câu chuyện của hai nhà văn, Mèo thì mù còn Cáo thì què. Nhưng lũ bịp bợm ấy chỉ giả mù giả què thôi. Còn tôi và cậu, Mèo Ainu và Cáo Tequila, chúng ta mù và què thật. Cậu thì dường như biết tất cả song chẳng làm được gì , còn tôi thì chẳng biết gì mà làm.
Cáo Tequila ơi, dù cậu không làm được gì và tôi không nhìn thấy gì cũng không sao. Tôi luôn nhớ rằng cậu đã đến trò chuyện cùng tôi. Tôi hình dung cậu là chú Cáo trong truyện “Hoàng Tử Bé” của Antoine de Saint-Exupéry, cậu biết dạy cho tôi cách giao cảm với cậu. Với tôi, Cáo Tequila là đặc biệt, là duy nhất, không thể giống với bất kỳ chú cáo nào khác. Khi nghĩ đến cậu, tôi luôn nhớ chúng ta là Song Ác.

*
Tôi luôn muốn trò chuyện cùng cậu, nhưng phiền toái thay, cậu lại là một nhà phê bình văn học. Phiền toái nằm ở chỗ tôi không đọc văn nhiều cho lắm, không giao tiếp với các học giả, và từ lâu nay tôi mắc chứng “lãnh cảm” với sách vở. Sách vở không gần tôi, các học giả không gần tôi, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Nhưng cậu lại gần tôi. Không, nói thế không đúng. Cậu chính là tôi, là một mảnh linh hồn tôi đang ở trong một thân xác khác. Nếu không kết nối được với cậu, tôi sẽ không thể tiếp tục tiến hóa.
Ấy thế mà vây bủa quanh cậu lại là núi non sách vở với trùng trùng điệp điệp các vị học giả. Tôi cần phải đi xuyên qua họ. Bằng cách nào?
Lão Gấu Dở Hơi nói đúng khi áp dụng vào trường hợp của tôi: “Thời của Google rất dễ cho người ta ba hoa như là đẻ ra đã hiểu biết sẵn về một vấn đề,… chẳng qua là để tỏ ra tài khéo, tinh tường, giỏi giang trong khi trình độ thì làng nhàng, tỏ ra thâm sâu giảng giải những điều hoàn toàn mới biết”.
Nhưng tôi là một diễn viên. Trên sân khấu, để diễn vai một vị tướng thì người ta không cần cái bản lĩnh thật của vị tướng, chỉ cần diễn sao cho khán giả nhận ra phong cách phù hợp với một vị tướng là được rồi. Cái ông bác Google kia đã dọn đường kịp thời cho tôi.
Tôi không có thời gian và điều kiện để trở thành một học giả đáng kính. Khu Bọ Chó nơi tôi sinh ra và lớn lên, đàn ông thì thành con nghiện, đàn bà thì thành gái điếm. Tôi học chỉ vừa đủ để sống thôi, như thế là may mắn. Tôi không được tu nghiệp ở các trường của nước ngoài, nhưng tôi lọt vào trường học của Thượng Đế. Ngài không dạy tôi rằng minh triết giác ngộ nghĩa là có kiến thức sâu rộng, mà Ngài dạy: “Minh triết giác ngộ là được sự phò trợ của Các Đấng Thiêng Liêng Cao Cả”. Kiểm chứng điều đó là những câu chuyện dài, Gió Phương Bắc ạ.
“Sau một đêm thức trắng và một ngày vật lộn với cuộc mưu sinh. Thì có lẽ, mọi người vẫn kiếm tìm trong Xóm Lá những niềm vui mới. Nhưng em thì vẫn thường không có được cái may mắn ấy khi vào Xóm Lá. Trong Xóm Lá em qua lại với mình chị Ái Nữ về những thứ không đầu không cuối. Trong một mớ những comment nửa kín nửa hở kia thì duy nhất nhận xét của chị Ái Nữ làm em phải nghĩ. Mà em cứ nghĩ về một vấn đề/hiện tượng nào đó nghiêm túc thì lại thấy buồn nhiều hơn vui. Bản thể là một điều này là bất biến nhưng bản thể tạo ra chính thể. Em buồn cũng bởi mọi suy nghĩ của mình cũng không thể làm chính thể được đồng nhất”.
Gió Phương Bắc Tequila-Acemediavn Trẻ Trâu ơi, làm sao tôi có thể quên được nỗi buồn của cậu. Chừng nào cậu còn mắc mớ về điều đó thì cậu không thể chấp nhận được sự thật rằng Chúng-Ta-Là-Một. Vấn đề của cậu từng là vấn đề của tôi, và tôi tin là của rất nhiều người khác nữa. Khi mỗi cá nhân chúng ta đã không thể tự thống nhất được trong nội tại bản thân mình thì làm sao tránh khỏi được việc tạo ra thế giới đầy hỗn loạn?
Nếu dùng suy nghĩ hay tư tưởng để làm nền tảng hay làm sợi chỉ xuyên suốt thì cùng lắm là người ta xây dựng được nhân vật và thế giới trong tiểu thuyết mà thôi, nhưng tiếc thay ngay cả trong tiểu thuyết cũng chẳng mấy khi các nhà văn làm được điều ấy một cách thuyết phục.
Tư tưởng cũng giống như những đám mây trong hồn ta, những đám mây không ít khi va chạm nhau gây nên sấm sét. Các tư tưởng ra ra vào vào mâu thuẫn nhau loạn xạ. Nếu chúng ta bầu cho một tư tưởng làm thống soái lãnh đạo đời mình thì có vô số tư tưởng khác sẽ tấn công đòi lật đổ cái Ngài Tư Tưởng Lớn ấy. Khi chúng ta lập ngôn để đưa một Ngài Tư Tưởng Lớn ra làm lãnh đạo cho số đông những người khác thì diễn biến thế nào? Chúng ta diễn tả X, người nghe người đọc hiểu là Y rồi phổ biến cho người tiếp theo, người tiếp theo nghe hay đọc Y nhưng lại hiểu là Z… Một cá nhân kiểm soát bản thân mình còn chưa xong, kiểm soát được những người khác là chuyện không tưởng. Những nguyên tắc cá nhân chỉ có thể áp dụng nhất thời và trong một phạm vi nhất định nào đó thôi, còn những nguyên tắc xã hội thì lại càng bất cập.
Đấng Tối Linh là Đấng Toàn Tri Toàn Năng. Ngài không gặp khó khăn như chúng ta, Ngài kiểm soát được từng phần tử nhỏ nhất trong Vũ Trụ. Tất nhiên Ngài không phải là Tư Tưởng, không phải là Lời. Các tôn giáo mọi kiểu từ xưa đến nay chưa từng chạm được tới Ngài, nếu không thì chiến tranh đã chẳng diễn ra liên miên như vậy. Thượng Đế luôn ở trong chúng ta, nhưng chúng ta từ nhiều ngàn năm nay đã đánh mất khả năng nhận biết sự hiện diện của Ngài. Thay cho Ngài, chúng ta thấy bóng tối của sự sợ hãi.
*
Tôi không sợ hãi khi đi theo người đàn ông ấy, vì tôi thấy Thượng Đế mỉm cười với tôi bằng cái nhìn trìu mến của anh ta. Anh ta nhận sẽ trả tiền phòng trọ cho tôi, nhưng không cho tôi biết rằng anh ta chỉ còn đủ tiền thuê một phòng mà thôi. Chúng tôi chưa kịp có thời gian và cơ hội để trao đổi với nhau về thói quen hay là nguyên tắc cá nhân khi gặp một người khác giới chưa quen ở ngoài đường. Tránh mưa lạnh là một việc cả hai đều thấy cần thiết. Tôi không có ấn tượng tốt khi anh ta đột nhiên xuất hiện tồng ngồng như Adam trước mặt tôi, không phải vì tôi chưa nhìn thấy đàn ông cởi bỏ y phục bao giờ, mà vì tôi mới chỉ quen với việc họ làm điều đó một cách từ tốn và tế nhị. Nhưng khách quan mà nghĩ lại, với bộ quần áo không còn khô lúc ấy, chẳng phải đó là hành động tự nhiên và hợp lý nhất của anh ta hay sao? Tôi chỉ buột miệng vô tình chứ không hề có ý định dọa anh ta. Tôi cũng không ngờ là anh ta sợ đến mức ấy. Chúng tôi không lường hết được nhau. Anh ta chọn việc rời khỏi để đảm bảo an toàn cho bản thân, nhưng anh ta không quên rằng anh ta đã hứa giúp tôi. Anh ta chia cho tôi nửa số tiền còn lại trong ví, nhường cho tôi chỗ trú chân mà không hề tỏ ra chút thái độ khinh bỉ nào. Người sửa xe đã nói đúng, gã công nhân ấy là một người tử tế. Anh ta đã thực hiện bài tập khó hơn tôi. Thượng Đế là một nhà soạn kịch, một đạo diễn luôn biết rõ những diễn viên của Ngài. Cả hai chúng tôi đều được học bài học của mình một cách vừa đủ. Kịch bản của Ngài hoàn hảo, và bất ngờ.
Tôi cũng không lường được cậu. Tôi không ngờ cậu khó chịu với môi trường Blog Việt đến thế. Cậu khó chịu với “phản ứng dây chuyền” trong Xóm Lá, như thể nó là cách lây bệnh dịch làm hư hỏng những nguyên tắc cá nhân của cậu. Cậu cũng rời khỏi nơi nguy hiểm với mình, sau khi để lại cho tôi “nửa số tiền trong ví” là những comment và vài entry mà tôi sao chép được một cách vội vàng. Để lại tôi trằn trọc băn khoăn về kịch bản của Thượng Đế.
Tôi băn khoăn về tác phẩm “Cơ hội của Chúa” của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Năm 1999, tình cờ đọc báo nghe dư luận xôn xao rằng nó rất hay, vì hiếu kỳ nên tôi đã vào hiệu sách tìm nó, sau khi mở ra lật một trang ngẫu hứng và đọc vài dòng thì tôi đặt nó xuống và không mua. Nhưng cậu nói cậu là bạn của nhà văn ấy, và cậu nhắc về cuốn sách đó với tôi tổng cộng ba lần, đến lần thứ ba thì tôi làm thẻ thư viện để mượn nó về đọc. Lần này ấn tượng của tôi về nó vẫn không có gì thay đổi, nhưng vì đọc hết nên tôi biết trong đó có nhân vật chính là một gã trí thức nát rượu và thất tình. Tôi đã chẳng bình luận gì về cuốn sách ngoài việc đưa ra nhận xét rằng có lẽ nhà văn đã chọn một gã coi rượu là nước thánh như cậu làm nguyên mẫu cho nhân vật. Tất nhiên tôi không thể biết được là cậu có uống rượu say nhiều như cậu nói hay không, nhưng tiêu đề và slogantrong blog của cậu là những câu trong thơ Vũ Hoàng Chương: “Phong Trần sai nhịp với Ngây Thơ”, “Đời vắng em rồi say với ai”. Và lần nào vào blog của tôi viết comment cậu cũng nói là cậu đang say.
Không biết là vô tình hay cố ý, nhưng cậu đã chọn cho mình một hình ảnh như thế để xuất hiện ở Blog Việt. Nhờ có bạn đọc Alaykum Salam, tôi bỗng nhiên nhận ra vai diễn ăn khớp của Ái Nữ. Thật là đào kép hợp đôi! Kịch bản hoàn hảo của Thượng Đế là vậy đấy: Một gã trai hoang đàng nghiện ngập tìm đến một cô gái điếm để tâm tình. Là gái điếm, tôi biết trò chuyện sao cho cậu êm tai, tôi không cần nói những lời đạo đức giả với cậu, tôi cũng không lên giọng dạy cậu cách cư xử. Đó là một mối quan hệ bình đẳng và không chút ràng buộc.
Thượng Đế là một “tú ông” đầy quyền uy, không bao giờ thanh minh hay giải thích. Ngài đẩy vào lòng tôi một vị khách cuồng say, vì anh ta mang đến những thứ quý giá. “Đã có Ái Nữ thì nên có Phượng Hoàng”. Trong cơn say cậu thầm thì như thế. Chỉ khi nào say cậu mới đến tìm tôi. Tôi ôm Phượng Hoàng với cả trời mây gió.
*
Acemediavn Trẻ Trâu này! Lẽ nào nhân vật của nhà văn Nguyễn Việt Hà lại có cơ hội lạ lùng làm vậy? Văn trong truyện ấy sến lắm, không hợp với tôi. Tôi ghét những gã đàn ông sến súa, ở cạnh họ thì đàn bà không còn được giống đàn bà nữa. Sao Cáo Tequila tinh khôn lại tự vẽ mình bằng hình ảnh ấy? Ừ tôi nhớ rồi. Tại vì tôi ghét.
Vừa mấy hôm trước, tôi tình cờ tìm thấy bài phê bình ngắn của Nguyễn Thanh Sơn: “Cơ hội của Chúa: gánh nặng của cái tôi phù phiếm”. Anh ta viết bài ấy hồi tháng Tám năm 1999, nhưng đã không đưa nó vào tập “Phê bình văn học của tôi”, chắc vì bài đó viết vội và cũng chưa phải là một bài phê bình đúng nghĩa, chỉ là một comment chứ không phải một entry. Chúng tôi đã đọc “Cơ hội của Chúa” vào cùng một thời điểm và có thể đã có cùng một cảm giác giống nhau, khác nhau ở chỗ tôi chỉ đọc có vài dòng còn anh ta thì phải đọc cả cuốn sách, tôi không quan tâm còn anh ta thì bị mệt. Đấy là vì tôi đọc theo sở thích của một bạn đọc thuần túy, còn anh ta đọc với con mắt của nhà phê bình. Anh ta chê “Cơ hội của Chúa” là “mãi mãi đầu tay” và không phải tác phẩm đích thực.
Đấy là Nguyễn Thanh Sơn của mười sáu năm về trước, không biết từ đó đến giờ anh ta còn đọc lại “Cơ hội của Chúa” nữa không. Quá lâu rồi mà hình như nền văn học mới tươi sáng anh ta mong chờ vẫn chưa mọc mũi sủi tăm ở đâu cả, trên mạng suốt ngày người ta chế giễu các nhà văn cùng các hội này đoàn nọ. Nguyễn Thanh Sơn thì hình như đã trung thành với việc lấy chó làm biểu tượng cho mình trong các status trên Facebook, nào thì chó đen chó trắng chó vàng, chó mừng chó cáu chó mệt mỏi, chó vẫy đuôi chó thè lưỡi chó cụp tai… Thôi thì các kiểu chó! Hẳn anh ta không quên được thời anh ta đi buôn chó cảnh. Thế thì làm sao anh ta quên được “Cơ hội của Chúa”?
Còn Phạm Thị Hoài, nhà văn được cả cậu và Nguyễn Thanh Sơn cùng khen ngợi thì sao? Khi đọc entry của cậu về tác phẩm “Thiên Sứ”, tôi đãcomment rằng: “Tôi không quan tâm về chuyện người này còn tiếp tục viết hay không, tôi chỉ quan tâm về chuyện cuộc đời của họ về sau ra sao, có được hạnh phúc không. Nếu một nhà văn dừng bút thì vì một trong hai lý do: hoặc họ không đủ sức viết nữa, hoặc họ không cần viết nữa”.
Lúc ấy tôi còn chưa biết gì về Phạm Thị Hoài, tôi chỉ tìm hiểu thêm về “Thiên Sứ” sau khi cậu đã rời bỏ Blog Việt, với mục đích duy nhất là tìm cậu. Khi tôi biết đến Talawas thì Talawas đóng cửa đã lâu, khi tôi tìm thấy Pro&contra thì không bao lâu sau Pro&contra cũng đóng cửa. Mười ba năm viết văn rồi dừng lại. Mười ba năm làm báo rồi dừng lại. Phạm Thị Hoài đã luôn biết dừng đúng lúc. Nhưng có dừng lại không, cô bé Hoài trong “Thiên Sứ”, việc phân loại loài người thành homo-A và homo-Z? Với Hoài, con người chỉ gồm hai loại: những kẻ biết yêu và những kẻ không biết yêu.
Gió Phương Bắc Tequila-Acemediavn Trẻ Trâu ơi, tình yêu không bao giờ là dễ dàng. Muốn yêu thương phải có sức mạnh, nếu không chỉ là những tình cảm bi lụy làm người ta mệt mỏi mà thôi. “Hãy cứ yêu thương! Hãy cố yêu thương!” Những lời động viên cổ vũ kiểu ấy thật vô nghĩa.
Năm hai mươi tuổi, khi ngọn lửa yêu thương cháy lên trong lòng tôi, tôi mơ ước có thể nhóm lửa cháy lên trong triệu con tim khác. Nhưng tôi đã phải câm nín vì bất lực. Trong tim mỗi người đều mang ngọn lửa, nhưng phần nhiều lại là lửa phiền của u mê. Tình yêu nơi tôi không đủ sức để đưa họ đến thế giới khác thanh bình hơn, khi mà tôi còn chưa thoát ra khỏi sự tăm tối của chính mình, sự tăm tối nơi thân xác.
“Một trong những giấc mơ đẹp nhất của tôi là những giấc mơ tôi thấy mình biết bay. Nhưng mãi sau này tôi mới hiểu, niềm hạnh phúc lớn lao của tôi khi đó không phải là cảm giác tôi có khả năng bay lượn như chim, mà là cảm giác tôi như không còn trọng lượng, không còn mang vác những gánh trĩu nặng của xác thịt và những thiên kiến nặng nề, cảm giác tôi lướt đi vun vút trong một đại dương tự do, cảm giác tôi đang hòa tan trong nó”.
Nguyễn Thanh Sơn đã tâm sự như thế trong “Phê bình văn học của tôi”. Không biết lâu rồi anh ta còn mơ biết bay nữa không? Không biết anh ta có tin rằng khả năng đó có thực?
Đôi khi chúng ta ghen tị với loài chim vì điệu vũ trên không tuyệt đẹp của chúng mà quên mất là chúng mới chỉ bay trong không gian ba chiều, chúng không hề được an toàn hay tự do hơn chúng ta.
Leonvu Quant đang kết nối với các trí thức trên Facebook để chia sẻ những cách nhìn. Chẳng ai trong số họ yên tâm về nền tảng văn hóa của đất nước. Những bàn luận của họ khiến tôi hình dung họ xem quê hương Việt Nam như một cô gái con nhà nghèo quá lứa nhỡ thì đã từng có nhiều cơ hội xuất giá nhưng chưa bao giờ chọn đúng chồng vào đúng lúc mà cứ chung chạ lăng nhăng đến khi thân tàn ma dại.
Tôi biết Thượng Đế không bao giờ đặt ra cho chúng ta những thử thách quá sức. Văn hóa chỉ là cái áo khoác ngoài, tư tưởng chỉ là hệ quả, ẩn đằng sau đó là những năng lực vũ trụ vô hình chi phối chúng ta mà con người mới chỉ nhận biết được mơ hồ đứt quãng. Nhưng ngày nay các dữ kiện đã phong phú đến mức có thể ghép lại thành bức tranh nhiều chiều sống động.
Gió Phương Bắc, chúng ta sẽ bay qua những vực sâu định kiến và đại dương mê lầm để trở về với Thượng Đế. Hành trình của chúng ta không phải trong thế giới của một tiểu thuyết high fantasy, những nguy nan của chúng ta giống như bầy chim thiên nga trong truyện cổ An-đéc-xen phải mang theo nàng công chúa Li-dơ trên tấm lưới đang say ngủ, chỉ còn duy nhất một tảng đá chật hẹp làm chỗ trú chân qua đêm giữa biển đầy sóng dữ. Đứa em nhỏ có phước lành ấy sẽ được bà tiên chỉ cho cách hóa giải phép thuật của phù thủy, thứ phép thuật độc ác đã làm cho chúng ta không thể trở thành người.
Cậu còn nhớ những chiếc áo mà nàng Li-dơ đan để cứu các anh trai mình được làm từ loại sợi nào không? Sợi cây tầm ma. Phải là loài tầm ma mọc nơi nghĩa địa.

*
Âm u! Âm u!
Trên bầu trời giáp đêm ba mươi
Một đôi chim Phượng Hoàng bay lượn
Chúng ca lên lời ca ai oán
Chúng công dần từng mảnh gỗ thơm
Chất thành dàn tự thiêu trên đỉnh núi chon von

Bên phải núi, cây ngô đồng khô xác
Bên trái kia, suối nước ngọt cạn khô
Đằng trước núi là biển rộng mênh mông bát ngát
Mặt phía sau là đồng bằng, gió lặng âm u
Trên cao kia là bầu trời băng giá, mây mù khuất núi

Mịt mờ! Mịt mờ!
Sắc trời chiều ảm đạm
Gỗ thơm đã chất cao
Chim Phượng bay đã mỏi
Chim Hoàng bay đã mệt
Giờ chết của chúng sắp đến rồi

Phượng mổ nhành gỗ thơm
Từng đốm lửa bay tung
Hoàng quạt cánh cho lửa
Từng cuộn khói thơm lừng

Phượng lại mổ
Hoàng lại quạt
Khói thơm lan khắp núi
Lửa đỏ rực đầy non

Màu đêm đã thẫm
Hương gỗ đã nồng
Phượng mổ chừng đã mệt
Hoàng quạt cánh đã rã
Giờ chết đã đến nơi

Ôi ! Ôi !
Đôi Phượng Hoàng buồn thương
Phượng đứng lên, múa hiên ngang
Hoàng cất lên, ca bi tráng
Phượng lại múa
Hoàng lại hót
Đám chim đủ loại chim le chim lác
Từ phương nào bay tới xem đám tang

Ôi chao! Ôi chao!
Lửa cháy đùng đùng
Hương thơm ngào ngạt
Đã đến lúc rồi!
Đến rồi! Giờ chết!
Tất thảy ngoài thân ta
Tất thảy trong thân ta
Tất thảy của tất thảy
Cùng chết! Nào cùng chết!
(Tự khúc)

*
Người Hà Nội, có vẻ như anh đang thiếu kiên nhẫn. Entry này còn chưa kịp lên trang hết mà tôi đã thấy comment của anh trêu chọc ở dưới kia. Anh thích khiêu khích những nhân vật trong tác phẩm “Hơi Thở Của Vũ Trụ”. Anh có khả năng làm thế, bởi vì anh cũng là một nhân vật trong đó.
Tôi biết anh không thể quên được chuyện Gió Phương Bắc Tequila-Acemediavn Trẻ Trâu đã ngang nhiên trắng trợn cướp lấy cái tên Phương chân thật của anh mà lại còn làm cho anh bẽ mặt một cách đầy đủ lý lẽ nữa. Anh (Phương Thật) tấn công vào vở kịch “Cây gậy Thương Hiệu và đám mây Lý Thuyết” với cái lý của một kẻ duy tình, Tequila-Trẻ Trâu (Phương Giả) hiện lên với cái tình của một kẻ duy lý. Cả anh và cậu ta đều xông vào blog Hơi Thở Của Vũ Trụ vì vở kịch ấy, cùng “đằng vân giá vũ” như hai gã Ngộ Không làm độc giả loạn mắt.
Chim Câu ơi, tôi biết anh không quên song cũng không để bụng những gì mà Cáo Tequila đã làm với anh, vì chúng ta biết là cậu ấy chưa có đủ chín cái đuôi. Nhưng sao anh lại bênh vực cậu ấy mà nói ngược cho tôi làm vậy? Tôi đâu có “chẻ đôi” Cáo Tequila, tự cậu ta phân thân đấy chứ! Tôi đã ghép Tequila, Trẻ Trâu và Phương Giả lại làm một cho độc giả đỡ rối mắt rối lòng rồi còn gì nữa? Phần còn lại không nằm trong quyền năng của tôi, thần thông của Thượng Đế không thể bị lạm dụng bừa bãi, Ngài luôn bảo vệ những diễn viên của Ngài.
Văn chương là nhịp cầu tâm giao, gặp được nhau thật bằng văn chương thì cuộc gặp gỡ đã trọn vẹn. Người Hà Nội, tôi biết anh vào blog Hơi Thở Của Vũ Trụ để thư giãn, điều đó khiến tôi an tâm là văn của tôi cũng có tác dụng giải trí và không đến nỗi khó đọc. Nhưng Gió Phương Bắc Tequila-Acemediavn Trẻ Trâu thì không giống anh, vì cậu ấy là nhà phê bình văn học nghiêm khắc.
Dù sao thì với tính ham vui của mình, anh cũng đã tình cờ góp phần xây nên tiểu thuyết. Tác phẩm này được viết để giải quyết cho cuộc tranh cãi giữa Phương Thật và Phương Giả, một cuộc tranh cãi có tính triết học ngộ nghĩnh nhất trong dân gian mà tôi từng biết.
Dù bao nhiêu Phương cũng là Một mà thôi. Tôi không khỏi phì cười khi Phương Thứ Ba xuất hiện và dịch cái tên Acemediavn là “phương tiện truyền thông Anh chị em Việt Nam”. Với tiểu thuyết này thì phương tiện truyền thông Anh chị em Việt Nam không thể lên tiếng, vì nhân vật Acemediavn chỉ có thể nghe mà không thể nói.
Phương Thật sống ở nước Áo, nơi có Conchita Wurst. Phương Thứ Ba (bạn đọc comment với tên Hương để tránh “đụng hàng” với Phương Thật và Phương Giả) sống ở xứ Cờ Hoa, nơi dùng thứ ngôn ngữ mà trẻ trâu vẫn phải đứng sau con bò trong từ “cowboy”. Phương Giả sống ở Việt Nam, nơi mà mộtfacebooker ít hôm trước đã thừa nhận sự thua kém của đàn ông Việt so với đàn ông châu Âu và Bắc Mỹ trong bài viết có tiêu đề: “Chất vấn quá nửa đêm: Lý tính đàn ông Việt Nam”. Bài viết ấy được Leonvu Quant chia sẻ vì cho rằng đó là một chất vấn đáng giá, còn nhiều người đàn ông khác nói đó là câu hỏi quá lớn.
*
Nhiều người sợ những câu hỏi lớn, vì họ không biết là một câu hỏi lớn thì chỉ cần đáp lại bằng câu trả lời nhỏ.
“Vấn đề của mọi vấn đề phải chăng nằm ở chỗ "khủng hoảng lý tính của đàn ông Việt Nam" ở nước ta hiện nay?
"Lý tính" mà tôi đang nghĩ quả là hiện rõ hơn nữa trong tôi. Có phải đó là một huyền sử nhân loại mà chúng ta mãi mãi không biết đến? Có phải sự nghiêm khắc của bóng đêm cho chúng ta một thách đố nhận thức rất lớn không?
Có phải mọi vấn đề Việt Nam ta bắt nguồn từ "sự có vấn đề lý tính đàn ông Việt" không?
Tôi nghĩ đây là một sự khơi gợi mà chúng ta không thể nào bỏ qua! Nó đã trở thành một "chất vấn quốc gia" rồi! Hỡi những người đàn ông Việt quen với "văn hóa gia trưởng - cá nhân - gia đình - dòng tộc - xóm giềng - xóm làng" nay phải làm sao để tự chất vấn mình về một khái niệm mới như trên mặc dù trong lịch sử ta đã có một khoảng thời gian chạm trán và sống hiện thân với nó. Nhưng giờ nó lại là một nan đề gần như mới nguyên vậy!”
“Chất vấn quá nửa đêm” của tác giả Dinh Gia Hung được nhiều người cho là câu hỏi lớn. Một người không ưa những hình thức tù mù của các loại triết học phương Đông như Leonvu Quant sẽ không ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời rằng đàn ông Việt Nam thiếu lý tính một cách trầm trọng là do… phong thủy. Nhưng đây là thực tế chứ không phải lý luận tù mù.
Nói đến văn hóa người Việt, không thể quên được nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của họ với truyền thuyết về Lạc Long Quân và Âu Cơ. Năng lực Rồng là linh khí của người Việt, nếu như Rồng ở dưới đáy sâu. Nhưng tiếc thay, người Việt nói rất hay về nguồn cội của mình nhưng lại không kế tục nguồn gốc thiêng liêng ấy. Họ phản bội tổ tiên bằng cách lôi Rồng từ đáy sâu đưa lên khoe móng vuốt sừng vảy trên ngai vàng, trên nóc đình chùa và trên nóc những xe tang. Họ dại dột nghe theo các thầy địa lý Tàu, soi mói tìm hàm rồng để nhét xương cốt dòng họ mình vào đó với mơ ước họ nhà mình có cơ hội đứng đầu thiên hạ. Với động cơ ích kỷ ấy, họ không học được những điều chân thật về năng lượng vũ trụ. Để đến nỗi ngày nay, nhiều người không có tấc đất cắm dùi để trú chân, có người còn phải sống trong ống cống, nhưng diện tích đất đai để chôn người chết và tiền bạc cho việc xây mồ mả là cả một gánh nặng.
Nếu ai để ý đến quá trình nghĩa địa hóa ở Việt Nam thì chỉ cần vào Google gõ cụm từ “sống chung với mồ mả” sẽ ra khoảng hai trăm bảy mươi nghìn kết quả vào thời điểm hiện tại. Công cuộc biến những mảnh đất tốt lành thành bãi tha ma chưa thể nào dừng lại, khi mà công ty xây dựng Toàn Cầu mới xây xong nghĩa trang Lạc Hồng Viên với quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Cả “tứ đại” lẫn “ngũ hành” đều chen vai thích cánh trong cái nghĩa trang nằm trên mảnh đất của chín quả đồi được xem là hội tụ đủ “tứ linh” ấy. “Âm thịnh dương suy” là cụm từ vô cùng dễ hiểu với nhiều minh họa.
Năng lượng của Rồng khi bị bốc lên sẽ thành ác độc và mang tính sát phạt, vì thế đất nước không tránh khỏi chiến tranh, các dòng họ thì mâu thuẫn liên miên.
Rồng cần được quay về chốn sâu nằm nghỉ dưỡng thương. Làm thế nào để Rồng có thể quay trở về? Cần có nước mắt và tiếng hát du dương của Phượng Hoàng.
*
Người Hà Nội, anh còn nhớ không? Mặc dù Gió Phương Bắc không nhớ được việc tìm tác giả Phượng Ca và Hoàng Ca, nhưng cậu ấy lại rất nhớ việc cần đem đến thêm cho tôi Tự Khúc. Ba đoạn thơ trong Phượng Hoàng Niết Bàn vô tình đã được chọn, và tôi đăng lại trong tiểu thuyết này đúng theo thứ tự mà Gió Phương Bắc gửi đến. Tôi có đọc toàn bộ chùm thơ theo đường link mà anh tìm giúp, nhưng thấy những phần còn lại đều không phù hợp. Tôi tin vào linh cảm của Gió Phương Bắc.
Acemediavn độc miệng chê anh là “biết đọc biết viết nhưng không biết tư duy”, còn anh thì cứ luôn soi vào những bằng chứng về tính kiêu căng của cậu ấy. Anh chứng kiến cả khi Acemediavn gõ những comment cuối cùng trước khi rời Blog Việt, và biết cậu ấy từ chối không gặp bạn Ong Mật với thái độ mà anh tin đó là nguyên nhân làm cho Ong Mật vơi bớt thiện cảm với Trẻ Trâu. Cậu ấy cũng không muốn gặp tôi, mặc dù tôi chưa bao giờ gợi ý chuyện này nhưng cậu ấy chủ động kiếm chuyện để nói rằng “gặp để làm gì nhỉ?” Hẳn cậu ấy đã rất say, cứ vừa viết comment sau lại xóa comment trước, rồi cuối cùng ẩn toàn bộ blog trong ngay trong đêm đó.
Gió Phương Bắc Tequila-Acemediavn Trẻ Trâu không thể gặp tôi “offline”, anh có hiểu được điều ấy không? Cậu ấy và tôi đều không đủ năng lực để làm những việc tùy tiện. Chúng tôi chỉ là những mảnh gỗ mà Thượng Đế đã ném vào giàn thiêu cho sự phục sinh của Phượng Hoàng.
*
Mùa hè năm nay nóng như lò lửa, có liên quan đến việc những cây xanh lâu năm ở thủ đô Hà Nội bị chặt cho dự án xây đường sắt trên cao. Thiếu vắng đi những tán cây che nắng chỉ là một chuyện, nóng hơn cả là “khí hậu thời tiết” của cộng đồng mạng mà phần bốc nhiệt nhất là các diễn đàn trên Facebook. Từ phản ứng bốc trời của cư dân Facebook gây áp lực lớn đến những người quyết định chặt cây, nhiều người cảm thấy lo lắng với những “phản ứng dây chuyền” trên không gian mạng. Vì không được tự do hội họp, diễn đàn mạng đã trở thành nơi liên lạc và tập hợp lực lượng bột phát cho những hoạt động xã hội dân sự và không tránh khỏi có những khi bị lạm dụng thái quá. Do số đông có tính bốc đồng nông nổi và duy tình, họ có thể “ném đá” vào bất cứ kế hoạch chính sách nào mới của chính quyền nhà nước mà không kịp phân biệt đúng sai hay lường trước lợi hại. Những ức chế đó là hậu quả từ truyền thông tuyên truyền một chiều do những nhà cầm quyền lèo lái.
Giật mình trước những nguy cơ tự do ngôn luận trên mạng có thể mất tác dụng tích cực, trong tháng Tư, một nhà báo trẻ đã dùng nguồn tài trợ phi chính phủ từ bên ngoài để tổ chức một khóa học nhỏ cho các Facebooker về việc phân tích các quyết định và chính sách của giới cầm quyền. Vai trò của những người định hướng truyền thông trong xã hội dân sự đã được chú ý quan tâm một cách cấp thiết.
Blog Việt là không gian thanh bình nên còn mang tên Xóm Lá. Xóm Lá có cuộc sống êm đềm cách biệt với những môi trường xã hội nhộn nhạo ở những không gian mạng khác, mặc dù những blogger ở đây cũng có tài khoản Facebook, nhưng họ xem việc ở blog như việc ở nhà còn lên Facebook như việc ra đường. Những lúc blogger của Blog Việt đột nhiên được cộng đồng mạng thăm viếng đông đảo và sôi nổi như sự kiện giáo sư Nguyễn Lân Dũng sau phát biểu về truyện du ký của Huyền Chip hay nhà thơ Trần Đăng Khoa sau phát biểu về trách nhiệm của những người chặt cây xanh chỉ là các trường hợp rất hãn hữu. Mặc dù vậy, do Blog Việt cho đến lúc này chưa đảm bảo được hoạt động như một mạng xã hội nên ban quản trị có những cách riêng để tránh gặp rắc rối.
Blog Hơi Thở Của Vũ Trụ, do nhu cầu về sự phong phú trong các đề tài bàn luận cũng như sự tỉ mỉ trong các chi tiết, đã phát hiện ra phần đăng commentcủa Blog Việt được kiểm duyệt tự động kín đáo và khéo léo không rõ từ bao giờ. Ít nhất thì chủ blog này cùng bạn đọc của nó đã phát hiện ra những từ và cụm từ sau đây không thể đăng được trong comment theo cách thông dụng: “phản động”, “diễn biến hòa bình” và “Cù Huy Hà Vũ”. Vì thế sẽ không thừa khi đưa ra khuyến cáo cho các commenter: Gặp trường hợp vừa đăng comment đã thất bại và nhìn thấy từ “invalid” hiện lên, họ cần kiểm tra xem trong nội dung mình vừa soạn có từ khóa nào nhạy cảm không, nếu có từ đáng nghi ngờ thì thay bằng từ khác có giá trị tương đương hoặc soạn lại từ đó bằng mã số ký tự HTML.
Cũng trong tháng Tư, tôi nhận được tin từ Mohammed Hamdan Edan Al-lssawi, nhân vật mà tôi đã mượn lời nói về Thượng Đế trong vở kịch “Cây gậy Thương Hiệu và đám mây Lý Thuyết”. Anh hỏi tôi xem có cơ hội nào cho anh đến sống và làm việc tại Việt Nam hay không. Anh đã đưa vợ và bốn đứa con nhỏ sơ tán khỏi tỉnh Anbar từ vài tháng trước nên không còn dạy ở trường đại học, môn di truyền thực vật của anh đành bỏ xó. Giữa tháng Năm, tôi nghe tin lực lượng IS đã chiếm được Anbar, nghe nói mẹ già và các anh em trai của Mohammed đã bị kẹt lại không rời khỏi đó được. Nhưng tôi vẫn chưa hỏi được gì về cơ hội kiếm việc cho Mohammed. Linh hồn tôi trong thân xác ấy sẽ xoay sở như thế nào đây? Anh có đến được Việt Nam, lò đào luyện các thiên tài thế kỷ 21 hay không?
Nếu có thể, Mohammed nên đến Việt Nam vì nơi đây là đất nước của Thượng Đế, không phải là đất riêng của Phật, của Chúa hay bất cứ giáo chủ nào từ xưa đến nay, cũng không phải là đất nước vô thần. Ở Việt Nam có những cơ hội lớn, nhưng để giành được những cơ hội này thì bắt buộc phải có những thiên tài.
Phương Giả thật ngốc khi đặt câu hỏi nghi ngờ về chuyện “Viện Năng Lượng Vũ Trụ Quốc Tế” có khả năng xây dựng một tổ quốc duy nhất trên Trái Đất cho loài người hay không. Cậu ấy không để ý rằng tôi đã nói cái “viện” đó mãi mãi vô danh. Vì người Việt Nam đang thích viện nọ viện kia và thích từ “quốc tế” nghe cho sang nên tôi bịa ra một cái tên xủng xoảng để dọa họ một tí cho vui, chứ Thượng Đế đâu cần những danh xưng vớ vẩn tầm thường ấy của con người. Ngài “viện trưởng” ấy là máy chủ của tất cả các hành tinh. Trái Đất là nơi mà Ngài sáng tạo dành cho con người cũng như muôn loài vạn vật, là tổ quốc thống nhất cho các sinh linh chốn trần gian. Chuyện phân chia ranh giới là do con người tự bày đặt ra chứ đâu phải là ý của Đấng Tối Cao!
*
Khi bắt đầu viết chương này, tôi ngỡ tôi sẽ viết xong rất nhanh, nhưng không ngờ cứ gián đoạn chần chừ mãi mà không biết mình đang phải đợi ai. Thế rồi trong giấc ngủ, linh hồn những người thổ dân châu Mỹ đã đến tìm tôi. Tại sao lại là họ, những người da đỏ ở cách tôi nửa vòng trái đất mà tôi chưa từng được gặp bao giờ? Họ hân hoan nói rằng hành trình của tôi trở về với Thượng Đế đi cùng nhịp hồi sinh của họ. Chúng tôi chỉ xa cách bởi không gian ba chiều, còn trong tâm linh thì chúng tôi vô cùng gần gũi, chúng tôi có chung một tổ tiên: Tổ Tiên Nhân Loại.
Linh hồn không nói bằng ngôn ngữ rườm rà mà thân xác chúng ta cần sử dụng, nhưng linh hồn biết cách chỉ dẫn cho thân xác. Khi thức dậy vào sáng hôm sau, tôi gặp được Native American Music trên Youtube. Và tôi đã dành nhiều thời gian để sống trong vũ điệu âm thanh ấy, những âm thanh vọng về từ nơi sâu thẳm, từ đại ngàn, từ biển cả…
Bên dưới những clip nhạc cảm động của Native American, có nhiềucomment tranh cãi về chuyện thổ dân châu Mỹ đã chết phần nhiều vì bị giết hại hay vì bệnh tật, và có những nghi ngờ rằng âm nhạc ấy không phải thật của người da đỏ như họ từng có xa xưa.
“Những nguyên nhân đó không còn ý nghĩa với chúng tôi nữa, điều quan trọng là chúng tôi đang trở lại, chúng tôi hiện diện trong những hình thức mới, nhưng người ta không thể quên nguồn gốc của chúng tôi”.
Linh hồn những người thổ dân châu Mỹ nói thế. Họ biết rằng dù tôi không theo kịp những kiểu cách tân tiến của nền văn minh, nhưng không có nghĩa là tôi đi sau trong hành trình trở về với Đấng Sáng Tạo.
*
Leonvu Quant thật thông minh khi có thể hình dung ra một triết học kết nối thế giới, nhưng liệu anh có chấp nhận rằng các loại triết học chưa kết nối được với nhau vì còn mắc những cái bẫy của ngôn từ?
Triết học không lệ thuộc ngôn từ là chìa khóa vàng trong thế kỷ 21, khi con người đã mở ra được những cánh cửa thì họ không cần đến chìa khóa nữa. Bây giờ “chìa khóa vàng” đang được lưu truyền trong dân gian, ở khắp nơi trên thế giới, nó chỉ được thực hành mà không được viết ra thành luận thuyết cho những người nghiên cứu triết học đọc đến, nó không có mặt ở những giá sách bụi phủ trong thư viện, không được thảo luận ở những học viện hàn lâm, nhưng nó đang hiển hiện trong đời sống, ngay cả những người mù chữ cũng có thể học hỏi.
Người Việt Nam là những người đầu tiên đã truyền đi triết học này, dù phần đông họ chưa kịp hiểu rốt ráo về nó. Thượng Đế đã thực hiện một “cú hích”. Ngài dùng đến người Việt Nam hẳn không phải tình cờ, mà có lẽ vì người Việt Nam quá dốt nên không dám cãi Đấng Tối Cao, họ chỉ cần làm được là họ thực hiện liền.
Những kẻ dốt nát mà gặp may thì chỉ dễ được chấp nhận trong truyện cổ tích. Tôi ý thức được rằng tôi đang kể câu chuyện cổ tích của thời đại, một thời đại mà nước Việt Nam trở nên có vị trí đặc biệt trên trường quốc tế theo kịch bản bất ngờ nhất. Thượng Đế không quên những “con nghiện” ngôn từ như Leonvu Quant và Phương Giả. Dù sao cũng vẫn cần có người kể chuyện.
Tôi là kẻ dốt nát sống trong “vùng trũng” của thế giới, nhưng Thượng Đế đã không bỏ quên tôi. Câu chuyện của tôi sẽ có ích cho một người nào đó.

*

Bồng bềnh! Bồng bềnh! Bồng bềnh!
Bồng bềnh! Bồng bềnh! Bồng bềnh!

Trăm nghìn năm nay, tiếng hát reo như tiếng suối
Trăm nghìn năm nay, tiếng cười vang như thác đổ
Tiếng ca hát mãi không ngừng
Nỗi vui cười hoài chẳng hết
Tình đời chẳng cạn chẳng vơi
Hạnh phúc muôn đời gìn giữ
Kiếp sống của ta bồng bềnh trôi nổi
Rồi sẽ về nơi ánh sáng yên lành.

Ôi! Ôi! Kiếp sống bồng bềnh trôi nổi
Như con thuyền lướt sóng giữa trùng khơi
Bên trái mờ mịt
Bên phải mịt mờ
Trước mặt sẽ là ánh sáng
Phía sau bến bờ lùi lại
Cánh buồm đã rách
Cột buồm đã gẫy
Bơi chèo đã trôi
Bánh lái đã vỡ
Kẻ lái thuyền vui hát vì không còn phải chèo lái nữa
Sóng biển hùng vĩ trào dâng.

Ôi! Ôi!
Kiếp sống bồng bềnh hư ảo của ta
Khác nào giấc mộng trong biển sáng
Phía trước, mơ màng say ngủ
Phía sau cũng mơ giấc êm đềm
Cái tới như gió thoảng
Cái đi như khói bay
Tới tựa gió
Đi tựa khói
Mơ đằng trước
Mộng đằng sau
Ta trôi cùng làn gió thoảng bay trong giấc mộng.

Ôi! Ôi!
Vì sao như thế
Làm sao như vậy?
Lâng lâng! Lâng lâng! Lâng lâng!
Chỉ thấy niềm vui, hạnh phúc, tiếng hát, tiếng cười
Những vầng sáng hiển hiện quanh ta
Những hào quang rực lên khắp chốn.

Ôi! Ôi!
Tuổi trẻ tươi rói của chúng ta là đây
Tuổi trẻ đẹp đẽ của chúng ta là đây
Tuổi trẻ sáng láng của chúng ta là đây
Mãi mãi! Mãi mãi! Mãi mãi!
Tất cả đều vĩnh cửu
Tất cả không cùng tận.
Chúng ta rồi sẽ đi đâu
Ánh sáng rồi sẽ đi đâu?
Ôi, hạnh phúc, niềm vui, tiếng hát, tiếng cười…
(Mây Ca)

*
“Tôi không hỏi các bạn tôi sẽ đi đâu, cũng như họ không hỏi tôi sẽ làm gì. Chẳng phải vì có những điều bí mật, mà vì chúng tôi xem mọi vai diễn trên thế gian này đều là hư dối. Chúng tôi chỉ nhìn nhau qua ánh sáng linh hồn, và thương nhau với tình thương của những làn gió.
Họ sẽ đi tìm những làn gió mới. Tôi ở lại Việt Nam vì có nhiều làn gió nơi đây đang chờ đợi. Những cơn gió đang hội tụ ở đây. Những cơn bão đang đi qua địa cầu. Những cơn bão trong lành đang thực hiện một cuộc đổi gió trên toàn thế giới, xóa tan đi bức màn vô minh của nhân loại.
Vở kịch mới của Thượng Đế đã bắt đầu. Mỗi người trong các bạn sẽ tự chọn vai diễn cho mình trong đó. Một ngày kia tôi sẽ cùng các bạn đi khắp năm châu, các bạn tôi đang chờ chúng ta nơi ấy. Chúng-Tôi-Là-Một và Chúng-Ta-Là-Một. Những làn gió đến từ Vũ Trụ sẽ cùng nhau xây nên một tổ quốc duy nhất trên hành tinh này, một đất nước không cần đến những ông hoàng bà chúa, chỉ có những làn gió trong lành sẽ cùng nhau bay về nơi xanh thẳm bao la”.

Nửa đầu của entry này đăng ngày 31-5-2015.
Nửa sau của entry đăng ngày 10-6-2015.


Ai Nữ

Ps/ trong lúc đang giới thiệu chương 6 này, một bạn đọc nữ chát với tôi bảo : " Anh thôi trêu chọc người ta đi được không! Em muốn anh viết một cách nghiêm túc, nhất là cái đoạn vào nhà trọ ấy". Vâng, tôi không biết cô ấy là ai nhưng tôi cũng hứa sẽ đọc và bàn cái đoạn vào nhà trọ này một cách " nghiêm túc" vậy.
Hy vọng chúng ta còn được xem tiếp  những chương tiếp theo của tác phẩm " sử ký dân gian trường thiên tiểu thuyết" này!
Khi đọc các bạn chú ý những phần chữ in đậm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét