Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

ÂM DƯƠNG Chương 1. Lai lịch




1. Nhà học giả Marcel Granet, trong quyển La Civilisation Chinoise, đã cho rằng: theo truyền thống Trung Hoa, thì hai chữ Âm Dương có lẽ đã được các nhà Thiên Văn Học Trung Hoa đầu tiên tạo ra. [1]

Nếu vậy thì quan niệm Âm Dương đã có ít nhất là từ thời vua Nghiêu (2357 - 2255) vì trong kinh Thư, thiên Nghiêu điển, ta thấy đề cập đến mấy nhà Thiên Văn Học như Hi Hòa, Hi Trọng, Hi Thúc. [2]

2. Ông M. Maspéro thì cho rằng tác giả Hệ Từ đã sáng tạo ra quan niệm Âm Dương. [3]

3. Nhưng nếu ta chấp nhận rằng Phục Hi (2852 - 2737) là người đầu tiên đã lập ra Bát Quái, thì ta thấy ngay rằng quan niệm Âm Dương đã được phát sinh từ khi nước Trung Hoa mới có văn, chưa có tự, nghĩa là từ khi còn dùng vạch thay chữ, tức là vào khoảng 2852 trước Công nguyên, vì ngay khi ấy ta đã thấy:



Khảo kinh Thư ta thấy hai chữ Âm Dương được dùng liền nhau trong thiên Chu Quan. Thiên này có chữ tiếp lý Âm Dương, và cho rằng công việc điều hòa Âm Dương (điều hòa trời đất) là công việc quan Tể tướng. [4]

5. Khảo Kinh Thi, ta thấy: Âm thường chỉ Trời tối hoặc có mây, hay chỗ khuất, chỗ kín.[5] Dương thường chỉ mặt trời, chỗ sáng, hoặc mầu sắc rực rỡ, hoặc tháng 10, hoặc phía Nam của núi, phía Bắc của Sông. [6]

Hai chữ Âm Dương được dùng đi đôi với nhau trong bài thơ Công Lưu, nơi thiên Đại Nhã:

Tướng kỳ Âm Dương,
Quan kỳ lưu tuyền. [7]
(Xem chỗ râm, chỗ sáng; Xem giòng nước, giòng sông...)

6. Khảo Kinh Dịch ta thấy Hệ Từ và Thuyết Quái nhiều lần đề cập đến Âm Dương, nhưng không giải thích cặn kẽ. Trong Hệ Từ ta thấy những câu:

Nhất Âm nhất Dương chi vị đạo. (Hệ Từ thượng, chương V)
Âm Dương bất trắc chi vị thần. (Hệ Từ thượng, chươngV)
Âm Dương chi nghĩa phối nhật nguyệt. (Hệ Từ thượng, chương VI)
Dương quái đa Âm, Âm quái đa Dương. (Hệ Từ hạ, chương IV)
Kiền Dương vật dã, Khôn Âm vật dã. (Hệ Từ hạ, chương VI)
Trong Thuyết quái ta thấy những câu:

Lập Thiên chi đạo viết Âm dữ Dương. (Thuyết Quái, chương II)
Âm Dương tương bác. (Thuyết Quái, chương V)

7. Khảo Đạo Đức Kinh, ta thấy Lão Tử viết: Vạn vật phụ Âm nhi bão Dương (Vạn vật cõng Âm mà ôm Dương: nghĩa là Âm ngoài mà Dương trong)

Những sự khảo sát trên cho thấy:

1/ Quan niệm Âm Dương manh nha từ thời Phục Hi.[8]
2/ Quan niệm này thịnh hành thời Chu nhất là vào thời Lão Tử, Khổng Tử ( thế kỷ 5 trước Công Nguyên).

3/ Quan niệm này thực ra đã được khai sinh do các đại hiền triết Trung Hoa chứ không phải do các nhà thiên văn học, các nhà bốc phệ, hay các âm nhạc gia như Marcel Granet đã chủ trương. [9]

CHÚ THÍCH

[1] Cf. Marcel Granet, La Civilisation Chinoise, chap. Le Yin et le Yang. p. 116.
[2] Cf. James Legge, The Shoo King, The Canon of Yaou, p. 18, 19.
[3] Cf. Marcel Granet, La Civilisatin Chinoise, p. 117, note 1.
[4] Lập Thái sư, Thái phó, Thái bảo. Tư duy tam công. Luận đạo, kinh bang, tiếp lý Âm Dương. 立 太 師, 太 傅, 太 保. 茲 惟 三 公. 論 道, 經 邦, 燮 理 陰 陽 .— Kinh Thư, Chu Quan, đoạn 5.
[5] Cf. The Chinese Classics, The Shoo King, index p. 776.
[6] Ib. p. 777.
[7] Cf. Kinh Thi, Đại Nhã, Chưng Dân, Công Lưu Vi, 5.
[8] Phục Hi dĩ tiền, bất tri như hà chiêm khảo, chí Phục Hi tương Âm Dương lưỡng cá hoạch quái thị nhân. 伏 羲 以 前, 不 知 如 何 占 考, 至 伏 羲 相 陰 陽 兩 個 畫 卦 示 人 .— Dịch Kinh Đại Toàn, trang 73a.
[9] Marcel Granet, La Pensée Chinoise, pages 116, 117.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét