Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Thơ phải lặn sâu vào cảnh ngộ của đời


Tôi vốn là bác sĩ. Nhà thơ Chế Lan Viên, khi là Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã khuyên tôi chuyển từ Bộ Y tế về Hội Nhà văn làm việc. Anh Bằng Việt, vốn học luật, hồi đó cũng được khuyên thế, đã chuyển được ngay. Tôi thì quyến luyến "dao cầu thuyền tán" mất hai năm nữa. Ngành y là ngành tôi cũng say mê lắm. Học hành cặm cụi. Đã tính cho cả đời ở đấy. Hơn nữa, mẹ tôi mong tôi thành ông bác sĩ giỏi từ lâu lắm rồi. Bây giờ bỏ ngành y mẹ tôi tiếc cho tôi. Tôi chần chừ vì thế. Nhưng ôm cả hai có khi lại chẳng được một.

Trong giới làm thơ ta, có nhà thơ phàn nàn là các bạn làm thơ trẻ ít có tuyên ngôn trường phái. Phải chủ nghĩa nọ, trường phái kia nó mới sang trọng, mới có cái mà góp vào chợ văn thế giới. Bên cạnh sáng tác là phải đưa ra lý thuyết. Tôi lại nghĩ khác. Mình là anh làm thơ thì cứ hồn nhiên mà viết. Viết theo vui buồn nghĩ ngợi của mình. Viết xong thấy nó hả cái lòng mình là được. Thích cười thì cười, thích khóc thì khóc. Ấy là thơ chứ sao. Còn bài thơ ấy sống được và cần xếp vào trường phái nào thì là nhờ độc giả, là việc của các nhà phê bình, các nhà nghiên cứu. Tác giả cũng không nên quá bận tâm về chỗ đứng chỗ ngồi các tác phẩm của mình. Bài thơ sống được thì tác giả phải tự coi như mình... chết rồi. Chứ lại cũng xồ ra bàn tán, tuyên ngôn, tranh luận về nó, tôi thấy nó thế nào ấy. Có khi lại bị người xét nét nhìn mình như nhìn bà hàng xóm lắm điều bênh con. Tôi nghĩ thầm thế, không chắc đã đúng, nên không dám nói ra. Nhưng hôm nay lại nói ra chính vì tôi có liên hệ với chuyện hành nghề của mấy bậc thầy trong ngành y. Hồi đó khi học ngoại khoa (ở vòng luân khoa) chúng tôi được học hai Giáo sư Tôn Thất Tùng và Nguyễn Trinh Cơ. Thầy Tùng phóng khoáng tài tử, thầy Cơ nghiêm cẩn, cần cù. Hai cá tính trái nhau nhưng đều được sinh viên yêu kính. Thầy Cơ giảng lý thuyết hay lắm, vừa hệ thống vừa phong phú trường phái. Thầy Tùng ít nói lý thuyết mà thường nói kinh nghiệm. Kinh nghiệm của chính thầy, chưa có trong sách giáo khoa. Giáo sư Tùng có nhiều quan sát triệu chứng như một bổ sung thiết thực cho tiêu chí chẩn đoán (như tư thế đạp chân lên tường của người đau giun chui ống mật). Điều quan trọng đối với thầy thuốc là chữa khỏi bệnh. Giáo sư Tùng cắt gan chẳng giống ai, nhưng cứu được người thì thành phương pháp Tôn Thất Tùng. Làm thơ mà có độc giả, dù chẳng ở trường phái nào, thì vẫn thành nhà thơ, có khi thành người khai sinh ra trường phái mới. Đỗ ông Nghè thì hàng tổng đi đón chứ cứ đe trước chưa chắc đã (được) thi, mà thi cũng chưa chắc đỗ.

Muốn thơ nhập vào cuộc đời thì nhà thơ phải lặn sâu vào những cảnh ngộ của đời. Nhà thơ trải nghiệm nhiều nông nỗi của đời càng nhiều thì những buồn vui anh giãi bày càng được nhiều người chia sẻ. Bởi những buồn vui ấy nó là cuộc đời anh, tác động vào chính giác quan anh. Nó thật. Nó thường xuyên nhoi nhói trong lòng anh. Không phải chỉ là điều anh nghe nói, anh đọc được trên sách báo, hay là do một cuộc vận động viết, một cuộc thi văn chương thúc đẩy. Mà thúc đẩy từ chính anh. Văn chương đòi sự trải nghiệm Đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Người không qua cầu đoạn trường mà viết về nỗi đau đứt ruột, e ngòi bút không tới được lòng người. Người đọc chê thứ văn thương vay khóc mướn là chê ở chỗ ấy. Nguyễn Du viết đời cô Kiều, nhân vật của Trung Hoa, nhưng lòng ông, do từng trải, ông đủ chiêm nghiệm nỗi đau đời, để nhập lòng mình vào cảnh ngộ Kiều, hứng chịu xót thương của thân Kiều mà viết nên tiếng kêu đứt ruột. Cốt truyện vay nhưng không phải thương vay. Ông đã thương Kiều như thương mình, thấy nỗi mình trong đời Kiều. Viết Kiều mà lại giật mình, mình lại thương mình xót xa. Trái lại, có người viết về chuyện thật của mình, vừa viết vừa khóc, mà người ta đọc lại cười bảo là không thật. Ấy là cái tài văn chương chưa đến độ. Đúng ra là nỗi từng trải chưa đến độ, chưa đủ sâu sắc. Sống chưa hết nỗi đau, nỗi khổ của chính mình. Mình còn quan liêu với chính mình.

Thầy thuốc từng mắc bệnh nào chắc hẳn hiểu nỗi đau của người mắc bệnh ấy mà còn rành các sắc thái của triệu chứng, giúp cho chẩn đoán. Đấy là cái học của sự từng trải, lấy mình làm thực nghiệm. Nhưng không ai lại trông cậy vào sự mắc bệnh của mình để làm thầy thuốc. Và cũng không ai mong thế. Cũng như không ai mong đứng trước cọc hành hình để viết tâm lý tử tù. Phải có cách thu nhận vốn sống gián tiếp ở mức độ chân thực nhất, sao cho vốn sống ấy tác động thẳng tới giác quan. Vị ngọt của mật ong khác vị ngọt của đường, nếm một lần là rõ. Chứ nghe người ta nói không nhận ra đâu. Ngành y, khi máy móc thăm dò hay xét nghiệm chưa phong phú, thầy thuốc chủ yếu nương tựa vào giác quan: nhìn sờ gõ nghe hay vọng văn vấn thiết. Các nhà văn có một thao tác nghiệp vụ là đi thực tế. Ấy là cách tạo cho nhà văn nhập cuộc, mà nhìn sờ gõ nghe cái cuộc đời này. Đúng ra, lúc nào, ở đâu người viết biết cách mở giác quan mình ra mà thu nhận mọi nông nỗi cuộc đời thì đều là đi thực tế. Lắng nghe, nghe cho ra nỗi đau của người khác (đau thể xác, đau tâm hồn) là phẩm chất đầu tiên cần có để thành thầy thuốc giỏi, cũng là con đường để thành nhà văn tài năng. Việc ấy, như một năng khiếu, trời cho cũng chỉ một phần mà chủ yếu phải tự rèn, rèn cả đời người. Rèn cho thành một nếp sống, một bản năng.

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét