Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

NHƠN CHI SƠ...





Cùng đất

Cái cây me cả trăm năm sum suê đầu ngõ ấy, cái cây me mà ngày ngày mấy cô hàng sữa đậu nành bánh canh bánh mì bánh ít hay rau cải dừa xoài ổi mận ngồi xổm bán bán buôn buôn ấy, cái cây me mà mỗi mùa trái chín là một cặp vợ chồng từ đâu đổ tới leo lên khoèo khoèo hái hái cả bao bố to đùng vác đi bán ấy, dưới gốc nó thiêng liêng mỗi xế chiều khi mái tôn hắt cái nóng hầm hập kinh người bám riết vào da, ông ấy lim dim trong bóng mát nó bao che như đứa bé sà vào lòng mẹ.

Rồi bỗng dưng một ngày, mẹ me bàng hoàng ôm thi thể đứa con.

Hàng xóm rầm rì to nhỏ, hoảng hốt. Chu cha, tòng teng ở đây thì bà con làm ăn sao được nữa. Nhưng ông ấy đâu còn để giải bày hay xin lỗi. Buổi sáng đó như mọi buổi sáng, chị bán sữa đậu nành gần nhà ra sớm nhất. Tiếng ré thất thanh của chị đánh thức mấy nhà bên cạnh. Rồi mọi cánh cửa bung ra, mọi bàn chân rầm rập đến, mọi cái cổ ngẩng lên, mọi cái đầu lắc lắc, mọi cái miệng chép chép... Cuối cùng là gia đình em vợ ở mãi tít trong sâu, phía sau nhà ông, bương bả tới cây me nhìn thân thể ông anh rể im sững trong bình minh, không ngờ lưỡi ông dài vậy. Rồi mọi người tản mác. Ai đó gọi điện báo cho phường.

Bữa cuối năm rồi mẹ vợ ông vĩnh biệt. Bà cụ nhỏ con và ốm cực kỳ, nghe đâu chỉ ba hai kí, có lẽ xương hai tám, hai kí da và máu cùng nước hai kí nữa. Bà ra đi chiều hăm chín tết, năm rồi lại thiếu, chợ chiều hăm chín đã dẹp chẳng thể mua vài bìa đậu hủ nấu bữa cơm chay mà cúng. Người ta kháo nhau là thiếu phước thiếu phần. Nói vậy chớ bà cụ nhất định cãi các con để mái tôn ông ấy vẫn đứng vững đến giờ cũng là nhân ái. Đám em vợ cứ đòi ông phải dọn đi từ nhiều năm trước kìa, lấy lại đất bán. Đất chỗ khu này đã lên chức đất vàng. Của gia đình vợ mà không còn vợ nữa mới nên nỗi. Vì vậy ông bấm bụng ngày ngày chạm mặt đám em vợ ngúyt háy vào ra cùng cổng. Bây giờ bà cụ nằm xuống rồi, đâu còn ai cưu mang ông nữa. Vậy là đám em chờ qua bốn chín ngày, liền dùng biện pháp mạnh. Hỏi biện pháp mạnh là gì thì chị hàng xóm đang thao thao kể, cũng ngọng, à ừ, tụi nó hăm doạ gì đó ổng cũng không nói, chỉ nói là sợ lắm. Nhưng mà dọn đi đâu, ổng còn chỗ nào mà đi. - Chớ con gái ổng đâu? - Úi cha có một đứa đó mà cũng ở với chồng trong cái xum chưa tới mười lăm mét, chứa ổng chỗ nào?

Thôi thì không được chọn ngày, nơi và cách sinh, ít nhất ông cũng chọn được ngày, nơi và cách chết.

Cùng nhà

Khi chị đề nghị với cậu em cùng nhau trả tiền đất cho ba bà chị kia rồi xây lại căn nhà khang trang mà ở, một bà chị bên Mỹ nhất định không chịu. Giằng co mãi nhiều năm, cuối cùng đồng ý với điều kiện cắt phần đất của bà ra, để cho con. Mà nó có hình miếng phô mai con bò cười, mặt tiền rộng một mét rưỡi thì xây được cái gì. Phần chị phấn khởi, mỗi mùa đông bên Tây trốn về đây hưởng nắng ấm, khoẻ ru. Vậy là căn nhà ba tầng ngất ngưởng đứng lên.

Mùa đông năm rồi bên tây lạnh cắt da, anh chị mừng là tránh được, hí hửng tay xách nách mang về ở với em trai em dâu và hai đứa cháu gọi cô ruột, một trai một gái đã quá hai mươi. Họ dành cho anh chị một phòng trên tầng ba. Về, chị sắm cho anh cái bàn cái ghế (cô em dâu dặn phải hạp với bàn ghế cả nhà) để anh nhẩn nha đọc tin trên mạng và dù hưu rồi, cũng làm việc giúp đám sinh viên khắp nơi trên đất Việt Nam. Để có wifi, anh chị bỏ ra tám trăm nghìn. Leo lên leo xuống ba ngày thì hết nổi, cây gậy chị chống vì lưng và đầu gối đau cũng chẳng giúp được. Năn nỉ hai đứa cháu đổi lên trên, đứa nào cũng giẫy nẫy. Cuối cùng thằng anh chịu.

Mời tới nhà dùng cơm, anh chị được thằng cháu rể tương lai đưa xe hơi đến, tay xách hộp bánh chị vui vẻ khoe em dâu mới làm, dãy hoa kem mượt mà bên trên do cháu gái mới bắt tức thì trong chớp nháy chưa đầy năm phút, em coi màu vàng nó pha khéo ghê chưa. Mùa cưới thiên hạ đặt bánh làm không xuể, tất bật túi bụi, cực chút mà tiền bạc ê hề. Chị nói tuần sau sẽ mời tới nhà chơi, cô em dâu nấu ăn giỏi và ngon, đã dặn chị muốn mời ai cứ việc.

Ba tuần trôi qua chẳng nghe động tịnh. Cuối cùng chị phôn rủ ra tiệm gần khu nhà cậu em. Ngang công viên, chị mơ màng tả hồi nhỏ các chị em đã chơi đùa ở đó ra sao, công thự này trước kia là bưu điện, chỗ này trước kia là... Miệng môi giấu được nhưng cửa sổ linh hồn phản trắc mở toang thấy cả bên trong. Rồi chị cũng kể. Có chung thì có đụng. Làm tài lanh, tôi nói thôi chị bảo họ trả lại một ít, rồi mỗi lần về anh chị thuê nhà, riêng tư cho khoẻ. Chị cười : cái xe hơi nó đi là mượn anh chị sáu nghìn đô mấy năm nay nó còn chẳng nhắc đến, nói gì chuyện trả lại tiền xây nhà.

Trái với dự định bốn tháng, hai hôm sau thình lình anh chị xách va ly chào, cám ơn các em đã lo cho chu đáo. Lần đầu tiên sau hơn một tháng ở chung, bữa cơm gia đình đông đủ để ai cũng có dịp bày tỏ nguyên do những nỗi không vui. Cuối cùng cậu em nghiêm khắc dặn con trai: nhà này cũng là nhà của cô, dù sau này ba không còn nữa nhưng mỗi lần cô về con phải lo cho cô chu đáo. Thằng con ngoan ngoãn dạ, nhìn xuống chẳng thấy mắt. Ít nhất không phải thằng cháu sừng sộ và không thèm trả lời cô dượng như cả tháng qua. Con người cứ sính và sống bằng lời hứa.

Vẫn còn là tử tế. Nhiều nhà xây cất khang trang sắm sửa đầy đủ rồi, cha tỉnh bơ hỏi mày về đây làm gì, cốt lấy nhà con con trai. Hoặc, nhà đứng tên em tại sao bán phải hỏi chị ?

Những chuyện đó tưởng đã hết cả hơn chục năm nay, té ra vẫn còn.

Xuân Sương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét