Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2015

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN TUỆ GIÁC TỚI MỘT MỨC ĐỘ VIÊN MÃN ?





Thực tế cho thấy không có một quyền năng nào có thể ban tặng tuệ giác cho một người, mà người nhận lãnh chỉ có đức tin và chỉ biết cầu nguyện. Cầu nguyện mà không thực tập thì chẳng khác nào “muốn ăn quả mà không muốn trồng cây”. 

ĐỨC HẠNH VÀ TUỆ GIÁC LÀ HAI THỨ QUÝ NHẤT TRÊN ĐỜI 

Thuở ấy Đức Thế Tôn đang hoằng hóa tại thành phố Champa, một thành phố lớn nhất của xứ Anga, dưới quyền bảo hộ của vua Bimbisara thuộc nước Magadha. Dân cư ở thành phố Champa đông đúc, ruộng lúa phì nhiêu, và cây cỏ xanh tươi. Bụt đang cư trú trong một khu rừng mát mẽ cạnh bên một hồ sen. Trên mặt hồ hoa sen nở rộ và thơm ngát. 

Nghe Bụt tới, dân chúng lũ lượt tới thăm ngài rất đông. Trong đám đông ấy có Sonadanda, một tín đồ Bà La Môn nổi tiếng thông thạo kinh điển Vệ Đà. Sonadanda tỏ ý muốn tới thăm thăm Bụt, tuy nhiên những người Bà La Môn khác cố ý ngăn cản. Họ sợ sự viếng thăm của Sonadanda sẽ làm cho uy tín của Bụt tăng lên. 

Sonadanda rất hãnh diện về sự hiểu biết kinh điển Vệ Đà của mình. Ông tự tin nói với các bạn của ông: 

-Ta phải tới viếng thăm sa môn Gotama chứ! Ta phải biết ta hơn sa môn Gotama ở điểm nào; và ta cũng phải biết sa môn Gotama hơn ta ở điểm nào! 

Nghe nói thế, gần một trăm người thanh niên Bà La Môn cũng muốn đi theo. Họ tin tưởng họ sẽ chứng kiến một cuộc đấu khẩu hào hứng giữa Bà La Môn giáo và Phật giáo… Tổng cộng những người thanh niên Bà La Môn và dân chúng địa phương tới nghe thuyết pháp ngày hôm ấy lên tới gần năm trăm người. 
Khi các thanh niên Bà La Môn và dân chúng địa phương tới nơi cư trú của Bụt, họ chia ra thành hình vòng cung ngồi bao quanh trước mặt Bụt. Sonadanda còn đang phân vân chưa biết phải mở đầu câu chuyện ra sao, thì Bụt ân cần hỏi: 

-Này quý vị học giả Bà La Môn. Xin quý vị hãy cho chúng tôi biết đâu là những điều kiện thiết yếu để một người Bà La Môn có thể thật sự là một vị Bà La Môn chân chính? Quý vị nói đi, và nếu cần thì quý vị nên viện dẫn bằng kinh điển Vệ Đà của quý vị. Sonadanda rất hoan hỷ. Kinh điển Vệ Đà là “trúng tủ” của ông ta. Ông ta nó: 

-Này sa môn Gotama. Một vị Bà La Môn chân chính phải có năm điều kiện sau đây. 

Thứ nhất: Phải có dung sắc đẹp đẻ. 

Thứ hai: Phải biết kỹ thuật xướng tụng và chú thuật. 

Thứ ba: Phải có huyết thống bảy đời. 

Thứ tư: Phải có đức hạnh. 

Thứ năm: Phải có tuệ giác. 

Bụt hỏi: 

-Trong năm điều kiện ấy, điều kiện nào là căn bản? Còn điều kiện nào dù là không có, thì người Bà La Môn vẫn còn có thể là một người Bà La Môn đích thực? 

Trả lời dần theo những câu hỏi của Bụt, Sonadanda đi đến kết luận hai điều kiện sau chót là hai điều kiện căn bản của một vị Bà La Môn đích thực. Sonadanda công nhận các điều kiện: dung sắc, kỹ thuật xướng tụng và chú thuật, và huyết thống bảy đời không phải là những điều kiện căn bản. Chỉ cần còn có hai điều kiện sau cùng là đức hạnh và tuệ giác, thì người ấy vẫn có thể là một vị Bà La Môn đích thực như thường! 

Hầu hết các vị Bà La Môn có mặt ngày hôm đó đưa tay phản đối Sonadanda. Họ kết tội Sonadanda đã bị sa môn Gotama dùng lý luận đưa tới chỗ người Bà La Môn phải chấp nhận lý luận của sa môn Gotama, chối bỏ điều kiện huyết thống bảy đời là điều kiện căn bản. Họ đã đặt hết niềm tin nơi sự thông minh và tài năng của Sonadanda mà họ coi là vị lãnh đạo tinh thần của họ. Nay Sonadanda công nhận lập trường của sa môn Gotama, làm họ mất mặt quá! 

Bụt can thiệp: 

-Này quý vị quan khách! Nếu quý vị có lòng tin nơi người lãnh đạo của quý vị là Sonadanda, thì quý vị im lặng đi để tôi tiếp tục đối thoại với ông ta. Còn nếu quý vị không có lòng tin ở ông ta, thì quý vị xin ông ta im lặng đi để tôi nói chuyện với quý vị. 

Mọi người im lặng. Sonadanda nói: 

-Xin sa môn Gotama yên lòng. Để tôi có đôi lời nói với các bạn của tôi. 

Rồi Sonadanda quay sang các vị Bà La Môn, chỉ ngón tay vào vị thanh niên ngồi hàng đầu, nói: 

-Các bạn có thấy cháu tôi, vị thanh niên tên là Angaka không? Angaka là một vị Bà La Môn 

có dung sắc đẹp đẻ, biết kỹ thuật xướng tụng và chú thuật, có huyết thống bảy đời bên nội lẫn bên ngoại. Nhưng nếu Angaka không gìn giữ đức hạnh, để trở thành một người trộm cước, tà dâm, dối trá… thì dung sắc của Angaka còn có giá trị gì? Kiến thức Vệ Đà và chú thuật còn có giá trị gì? Huyết thống thanh tịnh bảy đời còn có giá trị gì? Thưa các bạn, hai điều kiện sau cùng là đức hạnh và tuệ giác mới thật sự là hai điều kiện căn bản của một vị Bà La Môn đích 
thực. Đây là sự thật chung cho tất chúng ta chứ không phải là sự thật riêng cho sa môn Gotama. 

Khi Sonadanda vừa dứt lời, quần chúng hoan hô vang dội. Chờ cho tiếng hoan hô dứt, Bụt hỏi Sonadanda
-Nhưng trong hai điều kiện căn bản còn lại, là giới hạnh và tuệ giác, ta có thể bỏ bớt một điều, chỉ giữ lại một điều hay không? 

Sonadanda nói: 

-Thưa sa môn Gotama, không thể được. Nhờ giới hạnh tinh nghiêm mà tuệ giác phát triển, nhờ tuệ giác phát triển mà giới hạnh càng tinh nghiêm. Sa môn Gotama, cũng như lấy tay để rửa tay, lấy chân để kỳ cọ chân. Hai thứ giới hạnh và tuệ giác nâng đỡ và phát triển lẫn nhau: giới hạnh làm cho tuệ giác sáng tỏ và tuệ giác làm cho giới hạnh tinh nghiêm. Giới hạnh và tuệ giác là hai thứ quý nhất trên đời. 

Bụt khen ngợi: 

-Hay lắm, Sonadanda! Những điều ông nói là sự thật. Giới hạnh và tuệ giác là hai thứ quý nhất trên đời. Ông hãy nói thêm đi! Làm thế nào để phát triển giới hạnh và tuệ giác đến một mức độ cao nhất? 

Sonadanda chắp tay xá Bụt. Ông mĩm cười nói: 

-Bạch sa môn. Xin sa môn chỉ dạy cho. Chúng con chỉ biết nguyên tắc, sa môn là người có thực tập và có chứng đắc, xin sa môn giải bày cho chúng con đâu là những phương pháp để giúp chúng con phát triển giới hạnh và tuệ giác tới một mức độ viên mãn. 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN TUỆ GIÁC TỚI MỘT MỨC ĐỘ VIÊN MÃN ? 

Sau lời thành khẩn của Sonadanda, Bụt bắt đầu giảng về tam học, tức là Giới, Định, và Tuệ. 
Có giới thì có định. Có định thì có tuệ. Có tuệ thì giới thể càng vững. Giới thể càng vững thì định lực càng lớn. Định lực càng lớn thì giới thể càng sâu. Bụt cũng nói đến phép quán duyên sinh để phá trừ những kiến chấp về thường, về ngã, để cắt đứt những sợi dây tham ái, hờn giận, si mê, để đạt tới giải thoát và an lạc… 
Sonadanda say sưa nghe Bụt nói. Khi Bụt dứt lời, Sonadanda đứng dậy chấp tay: 

-Sa môn Gotama! Con xin cám ơn sa môn đã mở mắt cho con ngày hôm nay. Những lời của sa môn nói đã có hiệu lực đưa con ra khỏi vùng tăm tối. Con xin được quy y Bụt, quy y Pháp, và quy y Tăng để làm một kẻ môn đệ của ngài. Con xin kính thỉnh Bụt và giáo đoàn ngày mai tới nhà con thọ trai. 

Ngày hôm ấy, một số đông người Bà La Môn giáo khác cũng xin được quy y với Bụt. Cuộc đàm thoại giữa Bụt và giới trí thức trẻ Bà La Môn thật là hào hứng và đã gây chấn động sâu xa trong mọi giới. 

CHỮ TÂM KIA MỚI BẰNG BA CHỮ TÀI 

Nếu biết không có phước đức nào lớn cho bằng sự thông thái của trí tuệ, mà không biết làm sao để phát triển trí tuệ, thì sự hiểu biết ấy không đưa người ta đi về đâu cả! 
Người ấy cũng giống như anh chàng Sonadanda trước khi gặp được Đức Thế Tôn mà thôi. 
Khi nhân duyên bắt đầu hội tụ để đưa ra một kết quả. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa thể biểu hiện vì còn gặp vài trắc trở. Tôi chỉ là người làm một vài chuyện nhỏ nhặt sau cùng để kết quả được biểu hiện. Vì tôi nghĩ câu hỏi “Làm thế nào để phát triển tuệ giác?” rất dễ bị lèo lái hướng về một hướng khác nếu người ta không tìm được câu trả lời thích đáng. Và nếu trường hợp ấy xảy ra thì rất đáng tiếc. Có thể ai đó sẽ mất đi một cơ hội để phát triển tuệ giác!.. 

Những người Bà La Môn là những người có thực hành thiền định và giữ giới. Có lẽ vì vậy mà Đức Thế Tôn không nói tới giới là gì, định là gì. Nhưng đối với người chưa bao giờ giữ giới và hành thiền, hiểu nghĩa vắn tắt của giới và định, là một điều có thể cần thiết. Giới là ranh giới. Điều kiện căn bản cho người thực tập thiền quán là giữ gìn giới thể. Giữ gìn giới thể để không bị rơi qua phía bên kia ranh giới, vì phía bên kia ranh giới là nơi dễ sinh ra phiền não, tham, sân, và si… Ở phía bên này của ranh giới, người thiền sinh sẽ tìm được sự an lạc, hạnh phúc… chất liệu cần thiết để làm ra “định”. 
Định là thiền định. Có hai phương pháp để thực tập thiền định, là “chỉ” và “quán”. Chỉ là dừng lại. Dừng lại vì cái tâm của chúng sinh thường hay tìm về quá khứ để luyến tiếc, hoặc dong ruổi về tương lai để ước mơ, nhưng ít khi chịu an trú trong phút giây hiện tại. 

Có những phương pháp thực tập để dừng lại trong giây phút hiện tại, như thực tập theo kinh “Quán Niệm Hơi Thở”, “Sổ Tức Quán”… Nhờ thực tập chỉ mà cái tâm của người ta có thể dừng 
lại để có thể sống trong giây phút hiện tại. 

Quán là chiếu chùm ánh sáng tâm thức vào để “quán sát” trong khi tâm của bạn tĩnh lặng, hoàn toàn không suy nghĩ, vì vậy còn có tên là thiền quán. Quán chiếu ở đây giống như người ta chiếu một chùm tia sáng vào người ca sĩ trên sân khấu. 

Người Phật tử thường được dạy “tâm thức giống như một mảnh đất” (tâm địa). Tâm có đủ tất cả các hạt giống, trong đó có hạt giống chỉ và quán. Thực tập chỉ và quán tức là tưới tẩm các hạt giống chỉ và quán. Vì thường xuyên tưới tẩm các hạt giống chỉ và quán, chỉ và quán càng lúc càng lớn lên. Chỉ lớn lên làm cho định lực (hay khả năng tỉnh thức) càng mạnh. Quán lớn lên làm cho cái nhìn càng sâu và cái thấy càng chính xác. 

Nói về thiền quán, đến đây thì bạn đã biết được ngón tay chỉ mặt trăng, nhưng bạn chưa biết gì cả về mặt trăng! Muốn biết mặt trăng thì chính bạn phải tiếp xúc với mặt trăng. Giống như từ nhỏ cho tới lớn, bạn chưa bao giờ biết ăn trái xoài. Dù cho có cắt nghĩa thế nào đi nữa, bạn cũng không bao giờ hiểu được một cách trung thực hương vị của trái xoài. Chỉ có một cách duy nhất là bạn phải ăn trái xoài, thì bạn mới thật sự hiểu được hương vị của trái xoài. 


Thiền quán là một thực tập mà bất cứ tôn giáo nào cũng có thể thực tập; vì thiền là một phương pháp khoa học, thiền quán hay thiền định không có gì xung khắc với bất cứ một tôn giáo nào. Bạn cũng biết chỉ có thực tập mới có thể giúp bạn phát triển tuệ giác. Cầu nguyện mà không thực tập sẽ không đưa bạn đi tới đâu cả. Giờ phút này đây chỉ có bạn mới có thể 
giúp được cho chính bạn! Xin tặng bạn hai câu thơ của cụ Nguyễn Du: 

Thiện căn chính ở lòng ta, 
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. 

Duyên Sinh
Phỏng theo tác phẩm Đường xưa Mây trắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét