" Cả cuộc đời ba không có gì để lại cho các con ngoài số vốn kiến thức mà ba mẹ tảo tần nuôi các con ăn học.Mong các con trở thành những người hữu ích cho xã hội" ( trích từ TT "Vững Niềm Tin")
Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014
Về ứng xử của Nhà nước hiện đại
Nguyễn Tất Thịnh
Trong một số lần làm việc với các cá nhân và tổ chức khác nhau, tôi nhận được một số câu hỏi liên quan đến cách hành xử của Nhà nước hiện đại ( xét theo phương diện luật pháp ). Tuy không phải là chuyên gia về lĩnh vực này, nhưng thực ra một trí thức thực thụ trong lĩnh vực xã hội thì đương nhiên cần hiểu biết về luật pháp nói chung và Nhà nước hiện đại…
Câu hỏi 1: Khái niệm ‘Nhà nước Pháp quyền’ tuy không mới nhưng theo khảo sát xã hội của chúng tôi thấy chỉ một bộ phận ít ỏi công dân hiểu về nó, nhưng rõ ràng đó là Nhà nước hiện đại . Ông có thể trả lời rõ ràng, ngắn gọn như thế nào?
Trả lời: Nhà nước hiện đại tất yếu phải thực thi được 5 điều của ‘Nhà nước pháp quyền’ , đó là :
Nhân đạo là gốc căn bản của cách ứng xử phổ quát xã hội. Hệ thống pháp luật phải tôn trọng, tính đến và hiện thực được điều đó ( ví dụ bỏ tử hình )
Mọi điều luật đều có thể được phát xuất từ bất kỳ pháp nhân nào trong xã hội ( ví dụ từ một công dân là nhà báo đề xuất ). Hiệu lực khi Quốc Hội thông qua, phê chuẩn
Mọi hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước chỉ dựa trên luật pháp và bằng luật pháp. Các cá nhân và tổ chức khác có trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ
Nhà nước phải đảm bảo và phát triển quyền con người, quyền công dân gắn với các tiêu chí văn minh định hướng phục vụ dân sinh
Sự tương tác với xã hội khác, giữa các Quốc gia dựa trên việc tìm kiếm và thiết lập sự tương thích về luật pháp, không xung đột với thông lệ và chuẩn mực quốc tế
Câu hỏi 2: Thưa ông, có thể nói vắn tắt cách hiểu về Nhà nước hiện đại như thế nào, từ đó định vị cách ứng xử đúng với Nhà nước như thế?
Trả lời:
Nhà nước hình thành, nhưng trên thực tế phải ‘vay’ của nhân dân nước mình rất nhiều thứ từ ( của cải, không gian sống, tài nguyên chung…đến sinh mạng của họ ) để có được những năng lực xây dựng và bảo vệ Quốc gia…. Sự ‘chiếm đoạt’ là đại lưu manh không thể tồn tại được nữa, và thời hiện đại, ngay cả sự ‘chiếm hữu’ của Nhà nước ( với bất cứ điều gì thuộc người dân, thuộc chung của Đất nước ) là điều không thể chấp nhận được ! Vì là khái niệm ‘đi vay / cho vay’ nên hai bên ( Nhà nước và người dân ) có sự bình đẳng đưa ra những điều kiện chính đáng. Có thể dùng Tiền để thực hiện việc đó thay cho những hình thức khác mỗi bên cần / phải / nên thực hiện nghĩa vụ với nhau ( ví dụ: trái phiếu Chính phủ …, xây dựng vùng kinh tế mới… hay đi lính nghĩa vụ, ai khi kết thúc được nhận tiền phụ cấp phục viên – là sự trả lại của Nhà nước…. ). ( Ở đây cần hiểu Tiền là hiện kim của giá trị lao động chính đáng mà người dân có được trong cơ chế thị trường lành mạnh ) .
Còn về ‘quyền lực Nhà nước’ có được trên cơ sở ‘đi vay’ những quyền công dân của nhân dân nước mình để có năng lực thực thi pháp luật với toàn xã hội, xử sự với các vấn đề quốc tế…. Nhà nước phải trả bằng các cam kết kiến quốc và phát triển dân sinh. Không được 'lạm vay' quyền con người . Do vậy từng người dân trưởng thành phải tự nguyện hoặc phải bớt đi’ một số quyền của mình cho sự nghiệp chung, nhưng sẽ được nhận lại không chỉ là phúc lợi mà còn sự có thêm các cơ hội bản thân, của gia đình họ trong tương lai. Vì là ‘đi vay’ nên Nhà nước phải có chữ ‘TÍN’, khẳng định tư cách chính danh chính trị, chứng minh sự ‘chi dùng' và khả năng ‘hoàn trả’. Đồng thời người dân ‘cho vay – phải nhịn nhu cầu ’ thì có được quyền ‘định đoạt hợp pháp’ của ‘chủ nợ’ . Việc ‘con nợ’ dùng quyền mà nhân dân tạm ứng, cho nó vay để quỵt, quay trở lại dùng những phương cách khác nhau làm hại ‘người cho vay’ hiển nhiên là phạm pháp
Câu hỏi 3: Thời gian qua ở Nước ta có những cải cách về công tác điều tra xét hỏi và thủ tục tố tụng…Trong thời lượng ít ỏi hôm nay, xin ông cho biết những nguyên tắc cốt lõi nhất cần tuân thủ trong quá trình đó là gì?
Trả lời:
Điều này liên quan đến quyền con người ( trong mọi hoàn cảnh quyền này không thể bị mất, không ai được mặc nhiên cho mình quyền tước bỏ nó ở người khác ). Nên tiến bộ chính trị, văn minh quản trị, văn hóa ứng xử xã hội… đi vào quá trình này : cần tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản trong điều tra xét xử một công dân ‘bị nghi ngờ là có tội’ thì :
- Mỗi người dân trong quá trình đó đều được mặc nhiên ‘suy diễn vô tội’ trước khi bị tòa án chính thức kết tội
- Người tuy bị xem là đối tượng nghi vấn, nhưng họ có quyền giữ im lặng, mà không bị truy bức hoặc dùng nhục hình
- Việc tìm chứng cứ, chứng minh một người nào có tội là việc của các cơ quan nhà nước có chức năng giữ gìn và bảo vệ luật pháp
Với chủ đề hôm nay chúng ta đề cập, với ba câu trả lời của ông đã giúp chúng tôi hiểu hơn được nhiều, trân trọng cảm ơn ông!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét