Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

SỰ IM LẶNG CAO QUÍ


Triết gia người Đức Karl Japers cho rằng, thời kỳ 500 năm từ 750 đến 250 trước công nguyên là một giai đoạn hi hữu của lịch sử loài người, đó là một thời kỳ “đột biến”, là thời đại của một “trục tư tưởng”. Trong thời kỳ này có nhiều thiên tài về triết học và tư tưởng ra đời mà ta có thể kể vài vị như Zarathustra (660-583), giáo chủ Vardhamana Mahavira (599-527), Phật Thích-ca Mâu-ni (566-486), Khổng Tử (551-497), Socrates (470-399), Plato (427-347), Aristotle (388-322).

Đó là thời kỳ của những thánh nhân vĩ đại mà hệ tư tưởng của họ trở thành cội nguồn tư duy, triết học cho cả loài người trong hàng ngàn năm sau. Socrates và những triết gia Hy Lạp sau ông vẫn còn đóng một vai trò ưu việt trong quan niệm về vũ trụ, con người và thế giới hiện tượng. Khổng Tử vẫn là vị “vạn thế sư biểu” của nền văn minh Đông Á.

Phật Thích-ca là người sáng lập đạo Phật, ngày nay là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Thế nhưng ta sẽ sớm thất vọng nếu muốn tìm nơi Đức Phật một nền triết học hoàn chỉnh về nhận thức, một vũ trụ quan hẳn hoi, một lời giải thích tường tận về thế giới hiện tượng. Lý do là, Đức Phật đến với đời không phải là để lý luận về vũ trụ về thế giới. Ngài không trình bày những nhận thức triết lý như những nhà triết học Hy Lạp. Mục đích của Đức Phật là tuyên bố cho thế gian biết cuộc đời này là “khổ”, là “phiền não”, thế nhưng có những cánh để thoát khổ, để diệt phiền não.

Vì những lẽ đó, Đức Phật không hề là một vị “Thượng đế” toàn năng sáng tạo ra thế giới như nhiều người lầm tưởng. Con đường Ngài chỉ dạy - ở đây gọi là Đạo – cũng không có nghĩa là một “tôn giáo” hay thần quyền theo nghĩa của phương Tây. Theo tinh thần phương Đông, Đạo không hề đối lập với khoa học. Nói một cách chính xác, đạo Phật là “đạo diệt khổ”. Đức Phật chỉ là một người đã “giác ngộ” về con đường dẫn đến sự diệt khổ và muốn chỉ dạy cho chúng ta. Trong ý nghĩa đó, Đức Phật chỉ là một người thầy giáo. Có người ví Đức Phật như một y sĩ, là người tuyên bố rằng chúng ta đang có bệnh và bệnh đó có thể chữa lành. Dù thầy giáo hay y sĩ, Đức Phật không hề xưng là Thượng đế, thần linh, cũng không có dáng dấp của một triết gia nêu lên những nhận thức hay kết luận về vũ trụ và tìm cách chứng minh hay bào chữa cho chúng.

Một điểm nữa làm Đức Phật khác với các vị hiền triết Đông-Tây khác là chỉ trình bày giáo pháp của mình sau một thời gian bản thân Ngài phải khổ công rèn luyện những phép tu học tâm linh và chứng đạt một trạng thái mà ta có thể gọi là thăng hoa của ý thức. Vì lẽ đó nhiều người gọi Ngài là bậc “giác ngộ” và đạo Phật có khi cũng được mệnh danh là đạo giác ngộ.

Được mệnh danh là Buddha – người giác ngộ- nên thời xưa, khi Ngài còn tại thế, nhiều đạo sĩ, hiền triết đã tìm Ngài để hỏi về những vấn đề liên quan đến vũ trụ như thế giới này có thực hay không; về siêu hình như sinh mạng con người là còn hay mất. Trước các câu hỏi đó, Đức Phật đều giữ im lặng. Người đời sau gọi đó là một sự “im lặng cao quí”. Thay vì nói lên quan điểm của mình như các nhà hiền triết Đông-Tây, Ngài cho rằng, trả lời những câu hỏi đó là vô ích, nó không giải thoát khỏi khổ đau, không dẫn đến “chính kiến”. Ngài kiên trì chỉ nói về cái khổ và con đường thoát khổ.

Thế nhưng, ta cũng đừng nghĩ Đức Phật không bao giờ phát biểu về một thế giới quan. Ngài chỉ nói đến nó khi cần phải trình bày hay minh họa giáo pháp thoát khổ của mình. Và muốn kết luận cuộc đời là “khổ”, dĩ nhiên Phật phải có một tầm nhìn quán triệt về tự tính của thế giới, về tính chất của con người, về mọi sự tồn tại trên thế gian. Phật không muốn đi vào các câu hỏi triết học hay siêu hình, không phải vì Ngài không có sẵn những câu trả lời mà Ngài biết quá rõ, người nghe sẽ không hiểu hay hiểu sai về những điều mà con người chỉ thông qua một sự rèn luyện tâm thức mới giác ngộ được. Trả lời cho những câu hỏi đó hiển nhiên là hoàn toàn không ích lợi, thậm chí có thể làm cho người nghe bị lạc hướng.

Vì những lẽ đó, khi đến với Phật Thích-ca để tìm một quan điểm về thế giới hiện tượng, thế giới vật lý, ta cần phải cẩn trọng. Một mặt, ta có thể tìm nơi Ngài những nhận định sâu xa nhất về thế giới, mặt khác ta đừng vội tin rằng mình có thể tiếp thu ngay những thế giới quan đó. Lý do là chúng không xuất phát từ lý luận của đầu óc mà từ những nhận thức của một trí tuệ đã được nâng cao và mở rộng bằng phép thiền quán.

Triết lý đạo Phật có thể vừa rất bao quát, có giá trị không những cho thế giới loài người mà cho cả loài “hữu tình” của các thế giới khác. Đồng thời triết lý đó lại nhắm vào từng người, rất riêng biệt mang tính cá thể. Một mặt, những nhận thức của Phật là có tính chất chung nhất cho toàn vũ trụ. Mặt khác giáo pháp của Ngài cũng có tính “tùy bệnh cho thuốc” nên đọc trong kinh sách, người ta cũng thấy có nhiều nơi nhiều chỗ dường như mâu thuẫn lẫn nhau.

Một lý do nữa mà ta cần phải rõ là đạo Phật đã phát triển từ 25 thế kỷ qua và triết học của nó đã trở thành một hệ thống đồ sộ mà không mấy ai nắm vững được hết. Từ những phát biểu của Phật Thích-ca mà ngày nay người ta còn giữ lại trong kinh sách của Phật giáo Nguyên thủy, đạo Phật đã nhanh chóng phát triển thành một hệ tư tưởng vô cùng phong phú, được gọi là tư tưởng Đại thừa. Giữa hệ Nguyên thủy và Đại thừa có nhiều khác biệt lớn về tư tưởng và giữa bản thân các hệ phái trong Đại thừa cũng có nhiều nhận thức luận khác nhau. Điều đặc biệt là kinh sách Đại thừa, tuy phát triển sau khi Phật nhập diệt, nhưng vẫn được xem là lời của Phật Thích-ca giáo hóa trong những “pháp hội” đặc biệt.

Ngoài Đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni, lịch sử Phật giáo còn ghi lại các vị luận sư xuất chúng. Nhờ các vị đó, đạo Phật được phát triển trong nhiều thế kỷ qua mà tác phẩm của họ được gọi là “Luận” để phân biệt với “Kinh”, là tên chỉ dành cho những lời Phật dạy. Ba hệ Kinh, Luận, Luật trở thành ba tạng kinh điển đồ sộ của đạo Phật.

Hiển nhiên, từ kinh điển đạo Phật, người ta có thể rút ra nhiều kết luận về nhận thức luận của Phật giáo nói về thế giới hiện tượng.Vấn đề khó ở đây là vì kinh sách đạo Phật quá phong phú, vì lịch sử tư tưởng của Phật và của các vị luận sư quá mênh mông, luận đề triết học này không thề đươc tóm gọi trong vài ba chương sách. Thậm chí tư tưởng của một vị luận sư suy nhất trong vô số nhà tư tưởng của đạo Phật đã là đề tài của những biên khảo công phu. Ngày nay trên thế giới, người ta thường đi vào những biên khảo chuyên môn như những công trình nói về các trường phái tư tưởng Phật giáo như Thắng luận, Trung quán, Duy thức, Thiền tông, Mật tông…


Trích Lưới Trời Ai Dệt của Nguyễn Tường Bách

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét