Ông Nguyễn Bá Thanh nổi tiếng là người có những cải cách táo bạo và đã góp phần quan trọng vào việc đưa thành phố Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, đầu tư nước ngoài và an sinh xã hội… Ông cũng nổi tiếng là người gần dân, chịu khó lắng nghe ý kiến của người dân. Ông có thể đối thoại với người dân từ chiều đến quá nửa đêm…
Tôi hỏi ông: “Anh có thấy cán bộ các cấp chính quyền ngày càng quan cách, càng xa dân, vô cảm với nỗi khổ của dân hay không?”.
Ông cười buồn và bảo: “Hóa ra chức vụ có thể làm hỏng con người anh ạ. Tôi kể cho anh nghe chuyện của tôi”.
- “Ngày ấy tôi còn trẻ lắm, nhưng được dân tín nhiệm bầu làm Phó chủ nhiệm hợp tác xã. Tôi cũng chưa có vợ, cho nên thường ra trụ sở Ủy ban nhân dân ngủ. Cũng chẳng có giường chiếu gì đâu, mà nằm trên bàn. Nhiều hôm, hơn 5 giờ, bà con đã qua đập cửa hoặc khều chân tôi qua cửa sổ… Anh biết đấy, thanh niên, đang tuổi ăn, tuổi ngủ mà bị đánh thức kiểu ấy thì khó chịu lắm. Nhưng không, tôi vùng dậy, làm vài động tác tập thể dục cho giãn gân cốt rồi lại còn hát vui vẻ và ra chia phân đạm, thuốc trừ sâu cho bà con. Rồi lại đi lội ruộng thăm lúa hoặc cùng bà con nhổ cỏ, cày bừa… Rồi tôi làm Chủ tịch xã, Phó chủ tịch huyện và làm Chủ tịch huyện.
Ông Nguyễn Bá Thanh.
Buổi sáng, tôi có thói quen là ra một tiệm bún ăn một tô và uống một ly cà phê đen, hút một điếu thuốc rồi trở về làm việc, đúng 7 giờ (ngày ấy còn làm việc từ 7 giờ).
Một sáng, tôi vừa ra cổng Ủy ban đi ăn sáng thì có ông già đến. Với vẻ rụt rè, ông chìa cho tôi một lá đơn và nói: “Nhà tui sắp sập rồi, xin ông chủ tịch duyệt cho tôi mua mấy khối gỗ”.
Tôi nhìn ông già và tự nhiên thấy khó chịu:
- “Ông cứ chờ tôi nhé. Tôi đi ăn sáng đã”.
Ông già lại năn nỉ:
- “Xin ông chủ tịch duyệt cho tôi để tôi còn kịp ra đi xe về nhà. Nhà tui cách đây xa lắm”.
Nghe ông nói thế, bỗng dưng tôi nổi nóng, tôi nói như quát:
- “Thì ông làm gì cũng phải chờ đến giờ đã chứ. Ông coi đây – Tôi chìa đồng hồ vào mặt ông già – mới hơn sáu rưỡi. Ai làm việc giờ này? Mà ai cho phép ông vào đây?”.
Ông già sợ rúm lại, mặt tái mét, không dám nói thêm câu nào nữa. Tôi nói thêm:
- “Ông cứ chờ đấy. Lát nữa tôi coi”.
Nói xong, tôi đi ra quán và gọi tô bún. Nhưng chẳng hiểu sao, trong tôi dấy lên một cảm giác là lạ khiến cổ tôi như bị nút lại, ăn không được. Tôi bỏ dở tô bún, gọi cà phê, nhưng mới nhấp được một ngụm, tôi thấy đắng quá chừng. Rồi tự nhiên hình ảnh ông già tay cầm lá đơn hiện ra, choán hết tâm trí tôi. Và tôi như người ngủ mê sực tỉnh. Tôi tự thầm nói với mình: “Mày mới là Chủ tịch huyện mà mày đã thế này, ít nữa, nếu mày được lên chức cao nữa, thì mày sẽ cư xử thế nào với dân… Ngày trước, bà con khều chân mày, đập cửa rầm rầm gọi mày dậy, mày vẫn vui vẻ lắm kia mà. Hóa ra cái chức tước này làm hỏng mày?”. Vậy là tôi vội vã đi về. Ông già vẫn đứng ngoài cổng, tôi bảo ông:
- “Bác vào đây cháu xem đơn từ thế nào”.
Tôi đưa ông vào phòng làm việc và xem đơn. Hóa ra ông là cha liệt sĩ, nhà hư hỏng nặng quá, có xác nhận của Ủy ban xã. Tôi ân hận đến cực độ. Rồi tôi ký ngay cho ông được mua 4m3 gỗ xoan đào nhóm 4. Tôi đưa ông xuống văn thư, bảo cô nhân viên đóng dấu ngay cho ông. Thật đúng là không thể tả nổi niềm hạnh phúc của ông già khi được duyệt đơn mua gỗ, lại được đích thân Chủ tịch huyện đưa xuống đóng dấu. Khi ông về, tôi đứng trên gác nhìn xuống và thấy dáng ông đi xiêu xiêu trong niềm vui bất ngờ.
Từ đó trở đi, trong đầu tôi luôn có một suy nghĩ: “Không cẩn thận, hóa ra chức tước làm hỏng con người. Và cũng từ đó, tôi coi việc đến với dân, lắng nghe lời dân là bổn phận của mình”.
***
Nghe câu chuyện ông kể, tôi cứ suy nghĩ mãi. Đúng thế thật, tôi đã gặp rất nhiều cán bộ, bình thường rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Nhưng khi có tý chức, tý quyền là mặt bắt đầu cứ vác lên tận… giời và nếu có được ít thành công trong công việc, là bắt đầu coi thiên hạ bằng một nửa con mắt, thậm chí “mục hạ vô nhân”. Tôi cũng đã được chứng kiến cảnh có những vị lãnh đạo chính quyền phải tránh mặt, không dám tiếp xúc với dân…
Căn bệnh xa dân, vô cảm với dân đúng là đang càng ngày càng phát triển trong không ít cán bộ lãnh đạo và dẫn đến giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng cầm quyền. Đây mới thực sự là nguy cơ tiềm ẩn về lâu dài.
Cụ Nguyễn Trãi, có câu thơ nổi tiếng:
“Phúc chu thủy tín dân do thủy
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Họa phúc hữu môi phi nhất nhật…”.
Tạm dịch nghĩa là:
“Làm lật thuyền mới biết sức dân là nước. Cậy đất hiểm không bằng có mệnh trời. Cái họa, cái phúc không phải một ngày tự dưng đến mà có căn nguyên, gốc rễ từ trước đó…”.
Để dân không còn tin vào người lãnh đạo, thì căn nguyên đầu tiên là từ chính người lãnh đạo đó!
http://nguyentandung.org/chuyen-cua-ong-nguyen-ba-thanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét