Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

TRỊNH CÔNG SƠN VÀ TÔI CÓ NHIỀU ÐIỀU CHƯA BAO GIỜ NÓI.






Nguyễn Tú A





Có người đề nghị tôi viết về Trịnh công Sơn nhân ngày giỗ thứ 5 của anh vì họ thấy tôi hay lang thang với TRỊNH CÔNG SƠN ở mấy quán ăn bình dân khi Sơn còn nghèo, khi thấy tôi lắc đầu lúc cô ca sĩ trình bày bản “tiến thối lưỡng nan”. Tôi biết hoàn cảnh của Trịnh Công Sơn, hoàn cảnh của “Tiến thối lưỡng nan” của Sơn không phải như thế.!!

Tôi quen Trịnh công Sơn qua Nhạc sĩ Miên đức Thắng. Tôi hay chở Miên Ðức Thắng trên chiếc vespa lịch sử của tôi, chiếc vespa còn mới nhưng bề ngoài như xe phế thải. Tôi với Thắng hay ghé lại Sơn lúc còn tạm trú một khu gọi là “phòng” cho lịch sự vì vây bởi mấy tấm ván trong căn nhà tôn trong khuôn viên Ðại học Văn Khoa thì phải. Từ đây chúng tôi thả bộ chừng 200 feet đến quán cơm bình dân. Gọi là “quán” cho lịch sự chứ chỉ là cái sạp nhỏ bán nước chanh, cà phê, cơm bình dân cho sinh viên nghèo và cả giới xích lô, đặt dưới chân cầu thang. Sao lúc đó chúng tôi nghèo thế. Có lần cả 3 đứa đói, gom vừa đủƯ tiền gọi một dĩa cơm trắng lớn và 1 cái hột vịt luộc dằm với nước mắm. Dĩa cơm và dĩa nước mắm trong có độc nhất một cái hột vịt để trên cái ghế đẩu. Ba đứa ba chiếc ghề đẩu lùn, chỉ sợ mạnh tay, đổ ụp mâm cơm là cả ba... chỉ có nước ăn mày!!

Thế rồi Sơn nổi tiếng, tôi bận bịu việc đi dậy, học hành và sau này công việc báo chí, thỉnh thoảng gặp nhau, cụng vài ly rượu, nói chuyện .. tàu lau rồi .. hẹn gặp lại.

Khi Nick Út ở chung nhà với tôi, lên máy bay sang Phi sau đêm Tổng thống Thiệu khóc, chửi Mỹ, bàn giao chức vụ, tôi không tha thiết với công việc báo chí, là lúc tôi hay gặp Sơn ở nhà hàng Khánh Ly, ngồi ngay ngoài đường ăn xôi, uống nước trà vối.

Tôi không biết nhiều về âm nhạc, nghe nhạc như “đờn gảy tai trâu” nên không xem Sơn là thần tượng âm nhạc. Gặp nhau, chưa bao giờ nói chuyện âm nhạc, tòan chuyện tiếu lâm, chuyện trên trời dưới biển, chuyện gái và những ngày cuối nói chuyện ra đi.

Tôi là ký giả về Việt Nam sớm nhất, muốn cho độc giả biết về văn nghệ 13 năm sau bức màn sắt nên gặp Sơn, ngoài là bạn cùng cụng ly, Sơn giúp tôi thực hiện những cuốn “Văn nghệ sĩ còn ở lại”. Tôi và Sơn cùng “khốn khổ, dở khóc dở cười” khi Sơn giúp tôi quay những cuốn này. Công an ngăn cản tôi quay film, không có gì lạ, luật lệ khó khăn cho cả nước. Nhưng công an cũng không nể gì Sơn. “Mi mà đưa được những thước phim này qua Mỹ, tau phục.!!”. Tôi đã làm được việc đó. Không ngờ ngày Sơn nói câu đó, đến này 19 năm!!

“TOA... MOA”

Tôi với Sơn không thân lắm, nên thường xưng nhau bằng “toa’ “moa”, lâu lâu có tiếng “tau”. Quen với Sơn từ lúc còn hàn vi, lúc đó khá nổi tiếng rồi nhưng ca sĩ, nhạc sĩ chưa quen trả tác quyền cho nhạc sĩ sáng tác nên hay sao đó, nói chung, những anh em liên quan đến văn nghệ, báo chí đều .... rách. Tôi lúc đó còn thời sinh viên, giờ nào không tròng cái cà vạt đi dậy thì ghi cour, mảnh bằng tương đương với tấm giấy hoãn dịch. Cùng hoàn cảnh với Sơn.

Khi làm báo, cả sinh hoạt chính trị Việt Nam chỉ quanh quẩn gần đường Tự Do, quán Brodard, Givral, café Continental, Pôle Nord .... Sơn lúc đó xoay sở sao đó, không biết có giấy hoãn dịch trong túi chưa, nhưng cũng chỉ lang thang trên con đường Tự Do. Toa moa không thân nhưng có dịp gặp nhau, tỉ tê cả giờ. Tôi không biết nhạc, không bàn về nhạc, Sơn không phải là thần tượng, nên tôi không phải nói chuyện vời thần tượng mà nói chuyện với người cùng cảnh, cùng lứa tuổi, ... toàn chuyện tầm phào. Nếu viết lại những chuyện tầm phào, chắc chỉ có viết sách. Giới hạn trong bài báo, tôi chỉ nhắc về một vài chuyện nào có thể nhắc.


“ÐI HAY Ở”.

Những ngày cuối của tháng tư, 75, gần như sáng nào cũng ngồi với TCSơn ở quán Khánh Ly và nói chuyện “dzọt”. Một lần có thêm Phương của Lê Uyên Phương. Anh chàng nhạc sĩ Lê Phương này chạy từ Ðà Lạt, tới Sàigòn rồi trong lúc ngồi với tôi, với Sơn, Phương than nhớ nhà, phải về Ðà Lạt chia tay một lần. Lần đó Phương về và kẹt lại, không rõ có bị đi học tập hay không. Sau này vượt biên gặp lại, hình như 5 hay 6 năm gì đó, khi ăn lại với nhau cơm rau đay, cà ghém ở nhà Khánh Ly.

Sơn bị ám ảnh con tàu chở đủ mọi thành phần từ Ðà Nẵng vào Phú Quốc rồi Sàigòn. Trên con tàu này, một số binh lính vô kỷ luật, cướp của giết người bị tịch thu hết tài sản đã cướp được và bị hành quyết tại bờ biển Phú Quốc. Sơn dứt khoát chọn ở lại lấy lý do sợ nhìn lại cảnh di tản này. Khi trực thăng chở gia đình tôi ra Ðệ thất hạm đội, theo dõi tình hình trong nước qua chiếc radio nhiều băng tần, tôi nghe tiếng Sơn và những bản “nối vòng tay lớn” hát đi hát lại nhiều lần.

Ở hải ngoại, Trịnh công Sơn bị lên án “chạy theo Cộng Sản”. Trong lúc các quân nhân bị tù cải tạo, Sơn cũng bị tù cải tạo bằng hình thức khác vì tội của Sơn đã chạy từ Huế vào Ðà Nẵng, rồi từ Ðà Nẵng về Sàigòn. Có lẽ dịp nào viết sách, tôi sẽ trình bày những ngày Sơn trả giá cho tội “chạy bỏ cách mạng”.


TCSƠN VÀ NHẠC VÀNG



Tôi về Việt Nam quá sớm. Sàigòn lúc đó thật xơ xác. Xơ xác đến não nề, nhìn lại Sàigòn sau 11 năm xa cách, ít ai cầm được nước mắt. Gặp lại Sơn, chỉ chia nhau những ly rượu, ít tâm sự, ít nói năng vì sau 11 năm xa cách, không ai rõ con người của nhau ra sao. Ai cũng e dè, ngại ngùng nhau. Lúc đó, tôi đã thành công nhiều trong ngành địa ốc, đã du lịch nhiều quốc gia và có thói quen mang rượu trong va ly. Miên Ðức thắng lúc ngồi quán café của Tưởng khu chợ trên đường Hai bà Trưng, nói “Mày cho tao coi cái passport của mày, xem nó ra sao, mày được bay bổng như chim, còn tao ở một xó!”.
Tôi đã nhìn thấy Sơn hạnh phúc với những ly rượu “ngoại”. Vì lúc đó, ngoài ông chủ nhiệm báo Tin Sáng Ngô Công Ðức ra, ít chỗ nào có rượu “ngoại” đúng nghĩa. Sơn mê rượu và đã bị con ma rượu hành hạ. Thân thể Sơn gầy như cây tăm, đội chiếc nón phớt, chạy chiếc mô bi lét mà tôi có cảm tưởng gió mạnh có thể làm Sơn lạc tay lái. Sau này tôi đưa hình Sơn với chiếc nón phớt này đã gợi cho hoạ sĩ Hồ thành Ðức vẽ lên một Trịnh Công Sơn Việt nam. Bức hoạ này đã hiện diện trên nhiều báo trong và ngoài nước và những nơi hội họp nói về Trịnh Công Sơn.

Sau khi vợ chồng tôi bị công an tạm giữ vì chụp hình Bùi Giáng lúc ông ta múa máy và chửi Bác trên cầu Trương Minh giảng, buổi chiều ngồi uống rượu trong nhà Sơn, trước khi Bùi Giáng đẩy cổng vào uống chung, Sơn khoe sắp cùng Phạm Trọng Cầu, Miên Ðức Thắng hát lại nhạc “vàng”.

Chỉ có những người còn ở lại mới hiểu thế nào là nhạc vàng. Nhạc vàng là những bản nhạc sáng tác trước 1975, nhiều người ưa thích. Trên một chục năm, âm nhạc Việt Nam vẫn được sáng tác, nhưng “sao ấy”. Nghe không hiểu gì cả, chỉ cây có nói với núi sông, thuyền nói với biển, cây nói với rừng và gần như không có bản nào người nói với người. Trên 10 năm, Việt nam thiếu nhạc tình ca.

Về Mỹ trang bị máy quay mới và quay lại Việt nam ngay cho kịp ngày nhóm Phạm trọng Cầu, Miên đức thắng, Trịnh công Sơn khai mạc đêm hát nhạc tiền chiến trên lầu câu lạc bộ cũ cạnh bờ sông Sàigòn. Ðêm khai mạc tôi còn ngồi trên máy bay.

Tôi không biết gì về nghề quay phim. Tôi là dân chơi nhiếp ảnh nghệ thuật từ hồi còn nhỏ, lang thang đi chụp với các anh như Nguyễn cao đàm, Cao Lĩnh, Lê văn Khoa, Nguyễn xuân Tính, Thái đắc Nhã... mỗi tuần. Nhờ vậy khi làm báo, tôi đã thành công nhờ chiếc máy chụp hình. Không biết về quay phim, nên ngồi trên máy bay là thời gian tôi học nghề quay phim với máy móc tối tân, thay thế chiếc máy quay cầm tay mà những người có dịp mua phim tôi những cuốn “Hà nội dưới mắt ký giả Nguyễn Tú A”, sau đó có Sàigòn, Cần Thơ.. phải khóc thét lên vì những thước phim quay chơi, bằng máy nhỏ tí, không biết nghệ thuật quay. Xem xong mấy cuốn phim trong chuyến đầu của tôi, người nào không chóng mặt là còn khoẻ mạnh!! Quay bằng máy nhỏ, lại không biết cách quay phim, ngồi trên xích lô, sợ công an nhìn thấy máy, che máy bằng khăn .... thế mà 15 máy in, chạy 24/24 vẫn không kịp cung cấp cho thị trường. Người xem chỉ cần thấy Sàigòn, Mai Thảo Phạm Duy Bùi Duy Tâm chỉ cần nhìn lại được Hà Nội, khóc một cách như trẻ em khóc là thỏa mãn.

Ðêm đầu tôi quay với chiếc máy Sony loại tối tân nhất của Sony về Super VHS với tape desk dài 2 giờ, cho đêm nhạc tiền chiến kể như thất bại vì công an hành tôi. Chỉ quay được vài phút là công an có mặt. Ðút tiền cho công an, lúc đó công an không dám lấy. Ðêm sau, nói chỉ xin quay vài phút. Miên đức Thắng dụ mấy công an xuống tầng dưới uống rượu ngoại, nhưng vài phút họ lại lên phòng trình diễn bắt dẹp máy. Một đêm, Nhạc sĩ Phạm trọng Cầu lấy cớ ở nhà lo tang lễ cho bố để mình tôi và Miên Ðức Thắng xoay sở, cũng chỉ quay được hai bài “Hòn vọng Phu” là công an cúp điện. Khi quay, tôi để ý tối nào cũng thấy nhạc sĩ Lê Thương, tác giả 3 hòn Vọng Phu. Ðêm tôi quay lần đầu, tôi còn thấy Lê thương khóc. Sau khi 3 lần quay thất bại, tôi đi tìm Lê Thương.

Gặp Lê Thương ở nhà, tiếp tôi tại phòng khách cũng là phòng ngủ, trống trơn còn mỗi chiếc nệm vì đồ đạc đã bán hết sống qua ngày. tôi hỏi Lê Thương “sao anh khóc khi nghe nhạc phẩm Hòn vọng Phu?”, anh trả lời “mười mấy năm không nghe lại nhạc của mình, không thấy đứa con tinh thần của mình, thấy lại, nghe lại, làm sao không khỏi khóc!”. Bản nhạc này lúc đó được 3 cô bé trình bày và giọng nam là ca sĩ lạ, anh ta bây giờ đang phụ trách ca nhạc mỗi đêm ở quán Ðà Lạt trên đường Brookhurst.

Bạn có ở lại Việt Nam bạn mới thấy cảnh dân Sàigòn trịnh trọng nghe lại nhạc vàng. Trình diễn mỗi đêm mà họ phải mua vé trước cả tháng. Giờ trình diễn họ nghe chăm chú như chiêm ngưỡng. Họ thèm được nghe lại nhạc vàng. Tôi cũng quay cảnh này ở Hà Nội với nhóm Ðoàn Chuẩn, Khắc Hoè nhưng gần 2 năm sau Hà nội mới dám hát nhạc tiền chiến.

Tôi hỏi Lê Thương có cách nào tôi quay trọn vẹn 3 bài Hòn Vọng Phu mà không bị Công An ngăn cản?, Nhạc sĩ Lê thương ngồi nghĩ và tìm ra giải pháp. Chỉ có người giúp mình quay 3 bài này mà công an để yên cho mình quay là khi có xếp lớn ngồi nghe. Ai có khả năng mời xếp lớn?. Câu trả lời là ca sĩ Hồng Vân, cô này lanh lợi, quen nhiều. Nói tới Hồng Vân, tôi rành. Trước 75, tôi hay mời Hồng Vân đi theo nhóm ảnh nghệ thuật làm người mẫu.
Hồng Vân vui vẻ, làm ngay. Nhân vật thẩm quyền cao cấp nhất của âm nhạc miền Namlúc đó là Sáu Tòng. “bằng mọi cách, Vân sẽ mời được và Vân sẽ hát!”. Trịnh công Sơn hí hửng từ chiều.

Trịnh Công Sơn và Nguyễn Tú A thực hiện quay Hòn vọng Phu.

“Thưa quí vị, tôi muốn giới thiệu đến quí vị bản nhạc mở đầu Nắng chiều của nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn. Nhạc sĩ Lệ trọng Nguyễn đang ở Hoa Kỳ. Anh bị bịnh lao và vaò thời kỳ thứ 3, thời gian anh còn sống không còn bao lâu nữa. Tôi hy vọng chúng ta trình diễn nhạc của anh như một lời hỏi thăm, chúc anh khoẻ....” Nhạc sĩ Phạm trọng Cầu nghiêm chỉnh giới thiệu. Nhạc sĩ Phạm trọng Cầu là nhạc sĩ có thế lực vào lúc đó, nhờ anh từ Pháp về. Khi nghe giới thiệu, tôi cũng tưởng nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn bịnh nặng. Khi về Mỹ, nhạc sĩ Lê trọng Nguyễn rủ tôi xuống lầu uống càfé và nhờ tôi lo giùm anh mấy ticket anh bị phạt, tôi hỏi bịnh tình anh ra sao, anh bảo “tao có bịnh gì đâu!”, lúc đó tôi mới hiểu ý của Phạm trọng Cầu. Và cũng từ đó, tôi mới hiểu tại sao nhạc vàng bị đổi tên tác giả chỉ vì mục đích hợp pháp cho nghệ sĩ được trình diễn.

Từ trái qua phải, Nhạc sĩ Phạm trọng Cầu, Kiều Loan, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tú A trong buổi họp mặt tại căn nhà cũ của Tú A ở quận 1, năm 1987.


19 năm rồi, nghĩ lại, tôi vẫn còn nhớ lần quay những tập “Văn nghệ sĩ còn ở lại”, nhất là 3 Hòn vọng phu, nhớ Sơn luôn luôn đi sát tôi, bảo vệ trong lúc tôi quay, không cho công an lại gần và không cho ai đụng vào người tôi trong lúc tôi vác chiếc máy nặng, đeo cái tape desk cả chục cân. Hồng Vân hát và mỗi lần đến đoạn nào hay, cô lại đến gần ông Sáu Tòng để tôi quay có hình Sáu Tòng trong phim, mục đích người kiểm duyệt không dám xóa hay tịch thu phim của tôi. Trong tác phẩm của tôi, lâu lâu lại có tiếng Sơn “Tú... Tú...” tôi liên ngay đến ngón tay của Sơn chỉ về chỗ ông Sáu Tòng để tôi lia máy về chỗ theo ngón tay Sơn chỉ, cũng với mục đích có hình của ông Sáu Tòng, phim tôi có thể đến được Mỹ.

Khi tôi phát hành những thước phim này ở Mỹ, tôi đã bị chụp là tuyên truyền cho Cộng sản. Còn Sơn lúc nào cũng mang mác buồn và nhất là lần anh nghe được bạn bè anh dùng mấy câu thơ chửi anh:

Thằng nhạc sĩ vàng
Ôm cây guitar đỏ,
Âm nhạc từ đó biến thành màu da cam



Tú A và Sơn những giờ hạnh phúc, bên ly rượu

Trích nguyentua.com, ngày9/6/06
NDVN, ngày20/6/06

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét