Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Chương 5. Dịch là nghịch số




Dịch gồm 2 chiều thuận, nghịch. Từ Vô Cực, Thái Cực xuống tới Âm Dương, sinh hóa Vạn Vật, đó là chiều thuận. Đó là chiều từ Thái Cực ra đến 64 quẻ của Phục Hi hoành đồ. Đạo gia gọi thế là giáng bản lưu mạt. Từ Vạn Vật, trở ngược về Bản thể, hay nói cách khác từ 64 quẻ trở về Tứ Tượng, Âm Dương, Thái Cực gọi là chiều nghịch. Đạo gia gọi thế là từ ngọn trở về gốc, là tự mạt phản bản

Như vậy chiều thuận sẽ sinh nhân, sinh vật, chiều nghịch sẽ sinh Thánh, sinh Thần.
Vẽ ra đồ bản, ta thấy hai chiều thuận nghịch như sau:



Nhìn vào Tiên Thiên Bát Quái ta thấy hai chiều thuận nghịch như sau;

a)- Chiều thuận:



(Chiều thuận: từ Thái Cực tới Vạn Vật, từ khinh thanh (Càn) tới trọng trọc (Khôn)

b)- Chiều nghịch.



(Chiều nghịch, từ Vạn Hữu trở về Thái Cực, từ trọng trọc (Khôn) trở về khinh thanh (Càn), từ khinh- thanh trở về Thái Cực,)

Hoàng Cực Kinh Thế giải:

Từ trên xuống dưới gọi là thuận:

Bốn tả ( trái) thì từ Càn đến Đoài Ly Chấn, 1, 2, 3, 4 vậy. Bốn hữu (phải) thì Tốn, Khảm, Cấn, Khôn, 5, 6, 7, 8 vậy.

Trần Đoàn theo gương các lão tổ tiền bối như Hà Thượng Công, Ngụy Bá Dương, Hán Chung Ly, Lã Nham (Lã Động Tân) đã đề ra năm giai đoạn để trở về Vô Cực.

1.- Tìm cho ra Thái Cực tức Huyền Tẫn Chi Môn;

2.- Luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần.

3.- Ngũ hành định vị, ngũ khí triều nguyên.

4.- Âm Dương phối hợp Thủ khảm điền Ly.

5.- Luyện thần hoàn hư, phục qui Vô Cực

Chu Nguyên Công (Chu Hối Am) giải Dịch theo chiều thuận. Thái Cực đồ của Ông cũng có 5 tầng từ trên xuống dưới:

1.- Vô Cực hay Thái Cực;

2.- Âm Dương phối hợp, Âm động, Dương tĩnh.

3.- Ngũ Hành định vị, Ngũ Hành đều có tính chất riêng.

4.- Càn đạo thành nam, Khôn đạo thành nữ.

5.- Vạn Vật hóa sinh

Trong Tính Mệnh Khuê Chỉ cũng giải rõ hai chiều thuận nghịch và áp dụng vào con người như sau:

a)- Chiều thuận:

Tính —> Tâm —> Ý —> Tính —> Vọng

Ngày nay ta gọi thế là hướng ngoại.

b)- Chiều nghịch:

Vọng —> Tình —> Ý —> Tâm —> Tính

Trở về Tính tức là được Hoàn Đơn

Ngày nay ta gọi thế là hướng nội.

Trong quyển Tượng Ngôn Phá Nghi có 14 bức họa xác định 2 chiều nghịch thuận của cuộc đời, cũng như của vòng Dịch. Ta có thể giải thích các hình vẽ đó một cách đại khái như sau:

a)- Chiều thuận: Từ hình I đến hết hình VIII.

Con người vốn từ Thái Cực sinh nhưng càng ngày càng lạc lõng vào trần hoàn, quên mất cả bản tâm bản tính. Đó là chiều thuận của vòng Dịch Tiên Thiên Phục Hi, từ Trung cung đến quẻ Cấu rồi đến quẻ Khôn.
b)- Chiều nghịch: Từ hình IX đến hết hình XIV.

Nhưng Âm cực thì Dương sinh; tuy lạc lõng trong trần cấu, con người vẫn có thể tìm ra được Thiên tâm. Nhờ đó, con người biết cải thiện, hướng nội dần và cuối cùng phục hồi lại được bản tâm bản tính, Thái Cực nguyên thủy. Đó là chiều nghịch của vòng Dịch Tiên Thiên, từ quẻ Phục đến quẻ Càn, vào đến trung cung Thái Cực
Nhìn sang phía Trời Âu, ta thấy nhiều Triết gia cũng đã đề cập đến hai chiều thuận nghịch của cuộc tiến hóa.

Hegel mô tả đại khái như sau: Tinh thần thoạt kỳ thủy xuất phát để phá tán vào Vạn Vật, rồi qua nhiều thời kỳ văn minh, nhiều chặng đường lịch sử vất vả, lại phục hồi được Chân thể

Các Triết gia Alexandrins và Thomistes cũng chủ trương một vòng tuần hoàn từ Thượng Đế xuống, rồi lại dần dần quay lại.

Denis Aréopagite, một Triết gia và một nhà Huyền Học Âu châu thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên cũng chủ trương vũ trụ vận chuyển theo hai chiều: chiều sinh hóa từ Thượng Đế phát ra, và chiều phản bản qui nguyên, trở về Thượng Đế

Gần đây Claude Tresmontant cũng viết: Có một vấn đề siêu hình vẫn thường ám ảnh tư tưởng Âu châu: đó là sơ đồ một vòng tuần hoàn từ Nhất xa đọa xuống Vạn, rồi từ Vạn lại phản hoàn về Nhất

Hai chiều thuận nghịch của vũ trụ cũng đã được các Khoa Học gia dần dần xác định.

Chiều thuận tức là chiều Dương tiêu Âm trưởng đã được Carnot Clausius chứng minh. Quan niệm này được gọi là nguyên lý thứ 2 của Nhiệt Động Học, hay nguyên lý Carnot Clausius. Nguyên lý này đại khái như sau:

1.- Năng lực trong vũ trụ có một số lượng nhất định.

2.- Năng lực có thể phân tách thành hoạt lực, và tiềm lực.

3.- Khi tác dụng, hoạt lực sẽ tiêu hao, suy giảm dần và không thể phục hồi nguyên trạng được.

4.- Rốt cuộc hoạt lực tiêu hao dần và có một lúc nào sẽ triệt tiêu.

5.- Khi ấy tiềm lực sẽ lên đến mức độ tối đa (entropie maxima) nhưng vô dụng, và thế giới sẽ tận số trong im lìm, lạnh lẽo.

Mới đầu các Khoa Học gia tưởng thế giới chỉ chuyển động theo một chiều nói trên. Dần dà, các nhà Sinh Lý học (biologistes) và các nhà Sáng Tạo máy móc tự động (cybernéticiens) đã nhận thấy rằng nguyên lý Carnot - Clausius chỉ áp dụng cho vật chất vô tri, chứ không áp dụng cho sinh vật, nhất là con người.

Trong con người, rõ ràng là có 2 chiều biến chuyển: Tiêu- (Catabolisme), Tức - (Anabolisme).

Tổng kết lại các quan niệm của:

-Dịch, Đạo gia, Triết gia, Khoa Học gia, ta thấy vũ trụ có hai chiều, hai hướng vận chuyển.

Theo chiều thuận, tinh thần ngày một suy, vật chất ngày một thịnh. Theo chiều nghịch, vật chất ngày một suy, tinh thần ngày một thịnh.

Chiều thuận được chi phối bởi luật nhân duyên (loi de causalité). Chiều nghịch được hướng dẫn bởi luật cứu cánh (loi de finalité).

Theo chiều thuận, thì nhân dục thắng, thiên lý vong. Theo chiều nghịch, thì nhân dục vong, thiên lý thắng.


Ta đúc kết lại các nhận xét trên bằng đồ bản sau:




Chiều nghịch:

Âm tiêu
Dương trưởng
Vật chất thoái
Tinh thần tiến
Thiên lý thắng
Nhân dục vong

Định luật cứu cánh (Từ quẻ Phục đến quẻ Kiền để trở về Trung cung Thái Cực)

Chiều thuận:

Âm trưởng
Dương tiêu
Vật chất tiến
Tinh thần thoái
Nhân dục thắng
Thiên lý vong

Định luật nhân duyên chi phối (Từ Trung cung ra quẻ Cấn đến quẻ Khôn)


Lưu Nhất Minh bàn về thuận nghịch đại khái như sau: 

Đi theo chiều thuận của Tạo Hóa tức là sinh người, sinh vật, lâm vòng Sinh, Bệnh, Tử, Lão luân hồi không dứt; đi theo chiều nghịch của Tạo Hóa sẽ thành Tiên, thành Phật, bất sinh, bất diệt, thọ cùng trời đất.

Đi theo chiều thuận, trong thì bị thất tình lục dục làm mê muội, ngoài thì bị trăm điều, nghìn việc quấy đảo tâm thần, lấy
giả là chân, lấy tà làm chính, lấy khổ làm vui, cứ bị lôi cuốn theo dục vọng của mình mãi mãi, cho đến tiêu hao hết tinh thần.

Người đại trí, đại tuệ, đi theo chiều nghịch sẽ thoát vòng kiềm tỏa của các định luật Tạo hóa, sẽ không còn bị Âm Dương nung nấu, không còn bị Vạn Vật cuốn lôi, Vạn Duyên biến dịch... dùng đời để tu đạo, lấy Nhân Đạo để chu toàn Thiên Đạo...

Nghịch đây là trở về với Tuyệt Đối Thể, y như một kẻ bỏ nhà ra đi thật xa xôi, nay trở lại nhà. Tuy gọi là nghịch hành, nhưng thực là đi theo đúng lẽ Trời, đó là cái đại thuận trong cái nghịch, nghịch đây bất quá là ngược với đường lối thế nhân thông thường.

Sau khi đã trình bày xong hai chiều thuận nghịch, ta thấy rằng: chiều nghịch là chiều quan trọng, là chiều giúp ta tiến tới Thần Minh, Qui Nguyên Phản bản. Dịch trọng chiều nghịch, và dạy người quân tử đi theo chiều nghịch, vì thế gọi Dịch là nghịch số.

Lão tử trọng chiều nghịch, vì thế mới nói: 
Phản giả đạo chi động Các Đạo gia hết sức trọng chiều nghịch. Các ngài chủ trương cần phải băng qua Hào, Quải trở ngược về Thái Cực, băng qua hiện tượng trở về với Tuyệt Đối. Các ngài chủ trương muôn loài rồi ra cũng trở về với Thái Cực.

Ngộ Chân Trực Chỉ có thơ:

Vạn Vật vân vân các phản côn,
Phản côn, phục Mệnh, tức trường tồn
Tri thường Phản Bản nhân nan hội,
Vọng tác chiêu hung vãng vãng văn.

Tạm dịch:

Vạn Vật rồi ra cũng phản côn
Phản côn, phục Mệnh, sẽ trường tồn
Tri thường, Phản bản, người đâu rõ,
Nên mới chiêu hung, sống mỏi mòn.

Tiên Hiền cho rằng học nghĩa các quẻ để biết đường trở về nguyên sơ Thái Cực.

Tôn Bất Nhị viết:

Tâm tâm thủ linh được,
Tức tức phản Càn Sơ

Tạm dịch:

Ôm ấp linh đơn quyết một lòng,
Trở về Chân thể, dạ hằng mong.

Và giải Càn sơ là nơi xuất phát của quẻ Càn, tức là Chân không, là Đạo tâm

Lưu Nhất Minh có thơ:

Nguyên quan nhất khiếu thiểu nhân tri,
Hoảng hốt yểu minh hàm lưỡng nghi
Thuận khứ qui lưu phiền não lộ.
Nghịch lai tiện thị Thánh Hiền ki

Tạm dịch:

Huyền quan một khiếu ít người tri,
Phảng phất mơ mòng đủ lưỡng nghi.
Đưa đẩy xuôi dòng, vương khổ não
Ngược chiều, Hiền Thánh tạo căn ki.

Trên đây đã:

1.- Minh xác hai chiều thuận nghịch, cùng ý nghĩa và mục đích của hai chiều thuận nghịch.

2.- Đề cao chiều nghịch và nhận chân chiều nghịch là chiều sinh Tiên, sinh Thánh, sinh Thần.

Tuy nhiên con người sinh ra đời không phải lúc nào cũng theo được chiều nghịch, mà cũng có lúc phải theo chiều thuận. Theo thiển ý tôi, một cuộc sống lý tưởng nhất của con người sẽ gồm cả hai chiều thuận nghịch. Lúc tuổi trẻ, theo chiều thuận, chiều hướng ngoại, từ tinh thần tiến ra vật chất, ra ngoại cảnh ra xã hội để mưu sinh, cải tạo hoàn cảnh, góp phần xây dựng giang sơn đất nước. Nửa đời sau khi đã công thành danh toại, sẽ đi chiều nghịch, từ vật chất ngoại cảnh, tiến sâu về phía tâm linh, để thần thánh hóa bản thân, phối hợp với Thái Cực. Sách Đạo Nguyên Tinh Vi Ca cho rằng: Trước xuống, sau lên, hợp tự nhiên.

Như vậy là biết hồi hướng đúng lúc phải thời, theo đúng lẽ tuần hoàn, vãng lai, phản phúc của Dịch Kinh và của trời đất. Lúc trở vào nội tâm, lúc đi theo chiều nghịch, thì mọi sự đều nghịch đảo hết:

Cái gì xưa kia cho là quan trọng, nay trở thành tầm thường; cái gì xưa cho là tầm thường, nay trở nên quan trọng.

Con người thực tế (le moi empirique) nhường bước cho con người lý tưởng (le moi idéal).

Ngay cả đến vấn đề tín ngưỡng cũng chuyển hướng đảo điên. Thượng Đế ngoại tại trở thành Thượng Đế nội tại. Thượng đế xưa kia xa cách, nay trở thành thân mật gần kề. 
 Ngưòi ngoài tưởng ta bỏ thực, cầu hư. Ngược lại ta biết chắc mình đã bỏ hư, cầu thực.

Đi theo chiều thuận, hướng ngoại, hoạt động bên ngoài là đi theo đời, Đi Đời. Đi theo chiều nghịch, hướng nội, sống một đời sống tinh thần súc tích bên trong đó là đi theo đạo, Đi Đạo.

Chạy theo đời, Đi Đời mà ngỡ mình Đi Đạo là lầm lỡ lớn. Từ trên sấp xuống, đã giải xong mục đích cao siêu của Dịch là dạy con người biết chèo ngược dòng đời lên tới căn nguyên.

Áp dụng vào con người, chèo ngược dòng đời lên tới căn nguyên là đi sâu vào chiều hướng tâm linh, thu thần định trí, sống một đời sống siêu nhiên, phối hợp với Tuyệt Đối. Thế tức là dừng chân nơi chí thiện (Đại học) ở nơi bất Dịch (Dịch, quẻ Hằng), đắc kỳ hoàn trung theo lời Trang tử tức là về được tâm điểm của vòng Dịch nơi mà sự biến thiên của vũ trụ không vào tới được.

Phải chăng, thế là Hưu hồ Thiên quân, yên nghỉ trong Thượng Đế theo lời Trang Tử?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét