Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Phê bình của Phật giáo về Chủ Nghĩa Tư Bản hiện đại và Toàn cầu hóa




GSTS. K.T.S. Sarao

Nguyên Định dịch




Từ “phát triển bền vững” đã trở nên phổ biến rộng rãi sau khi được sử dụng trong báo cáo năm 1987 của Ủy ban Thế giới Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển, Tương lai chung của chúng ta, thường được gọi là Báo cáo Brundtland. Trong báo cáo này, sự cần thiết cho việc kết hợp giữa phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ công bằng xã hội và hòa nhập được giới thiệu lần đầu tiên. Định nghĩa Phát triển bền vững trong báo cáo Brundtland được sử dụng nhiều nhất là: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của thế hệ tương lai để đáp ứng nhu cầu của họ” (Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển: Chương 2).

Tiếp theo hội nghị Rio +20 (với Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển) và tài liệu đúc kết được gọi là Tương lai chúng tôi muốn, Chương trình nghị sự 21, và Kế hoạch Johannesburg về Thực thi (JPOI), Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, tạo điều kiện hợp tác khuôn khổ LHQ để đảm bảo rằng các chuyên viên, chương trình, nguồn lực hỗ trợ chiến lược toàn cầu, khu vực và quốc gia đều nhằm đến các khối xây dựng phát triển bền vững. Nếu xem xét các mối quan tâm nêu lên bởi Hội đồng ECOSOC, có thể nói rằng xã hội loài người ngày nay đang đi dần về ngày tận thế, chủ yếu bởi vì nó đã đi theo những gì Phật giáo gọi là con đường sai lầm (agatigamana) để phát triển.



Một e ngại như vậy cũng được nói lên trong cuốn sách nổi tiếng Các giới hạn tăng trưởng xuất bản năm 1972. Cuốn sách này kiểm tra năm biến số (dân số thế giới, công nghiệp, ô nhiễm, sản xuất lương thực, và cạn kiệt tài nguyên) trên mô hình máy tính về tăng trưởng kinh tế và dân số theo cấp số nhân với nguồn cung cấp tài nguyên hữu hạn. Những phát hiện được tìm ra là ngay cả khi nguồn tài nguyên mới được khai thác trong thời gian tới, dự trữ hiện tại thay đổi, các nguồn lực vẫn hữu hạn và cuối cùng sẽ bị cạn kiệt. Cuốn sách dự báo rằng những thay đổi trong sản xuất công nghiệp, sản xuất lương thực, và ô nhiễm đều đi dần đến sự sụp đổ kinh tế và xã hội sẽ diễn ra trong thế kỷ hai mươi mốt (xem Meadows và Meadows năm 2004; Hecht 2008). Cuộc khủng hoảng này chính xác như thế nào khi lòai người phải đối mặt? Ai và những gì phải chịu trách nhiệm? Làm thế nào điều này có thể tránh được? Quan điểm Phật giáo về cuộc khủng hoảng đó là gì? Một nỗ lực được thực hiện trong bài viết này để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên.

Ở chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong đó giá trị đạo đức không được xem là quan trọng vì bị kiểm soát và điều hành bởi chủ nghĩa tiêu thụ và các thương gia. Trong hệ thống như vậy mục tiêu công khai của các tổ chức tài chính là kiếm tiền cho chính họ, điều mà các nhà kinh tế học gọi là tối đa hóa lợi nhuận nhưng luôn biến hóa thành chiếm đọat quyền sở hữu của cải. Tuy nhiên, như đã chỉ ra bởi Amartya Sen, “một sự rời xa tối đa hóa lợi nhuận không nhất thiết là điều lành, cũng như các tình cảm đạo đức không luôn luôn là cao quý."



Một số điều man rợ tồi tệ nhất trên thế giới đương đại đã được thực hiện bởi những kẻ phân biệt chủng tộc hiến mình hầu làm hại một số người khác, thậm chí với chi phí lớn hoặc rủi ro cho bản thân họ. Trên thực tế, quá trình này vẫn tiếp tục hiện nay với sự kiên trì không ngừng... Sự từ bỏ cuộc sống chỉ vì mình có thể đi đôi với bạo lực nhằm đạt đến lợi ích cho một nhóm hay cộng đồng (nhưng lọai trừ những người khác), và ngay cả với sự cố ý gây thiệt hại trên một nhóm hoặc cộng đồng khác” (1997 : 6).

Sản xuất và phân phối hàng hóa được độc quyền bởi các tổ chức lớn và thông qua việc sử dụng phương tiện thông minh tạo ra ham muốn vô độ cho quần chúng nhằm sở hữu nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Quảng cáo và áp lực tâm lý dưới những hình thức khác nhau được sử dụng đểtăng cường sự thèm muốn tiêu thụ tối đa và lối sống tiêu thụ quá lố đang được quảng bá rầm rộ. Khách hàng bị dụ dỗ mua hàng càng nhiều càng tốt, bất kể họ có cần hay không hay liệu có đủ tiền để trả. Do đó, mọi thứ được muakhông phải vì người ta cần dùng mà vì lòng ham muốn chúng. Trong thực tế, xã hội tiêu dùng được đặc trưng bởi niềm tin tưởng rằng việc sở hữu nhiều thứ là phương tiện chính để đạt hạnh phúc; do đó, tiêu thụ được chấp nhận “như một cách tự phát triển, tự thực hiện, và tự hoàn thiện” (Benton 1997: 3).

Xem tiếp (bấm vào) chi tiết nội dung trong bản PDF: »»



Giáo sư Tiến sỹ K.T.S. Sarao

Dịch Việt: Nguyên Định

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét