- Quần chúng nhiều đầu mà không óc (Th. Fuller)
- Thành kiến là con của ngu dốt (W. Hazlitt)
- Khi tình cảm quá lố thì lý tính rút lui (Le Bon)
- Mục đích của tranh luận không phải là chiến thắng, mà là canh tân (Soubert)
Có thể nói, trong thế giới văn minh tiến bộ ngày nay, điển hình là nước Mỹ, “Phê bình” là quyền tuyệt đối của người dân. Bởi vậy, chúng ta thấy có những phê bình trong mọi lãnh vực của xã hội: khoa học, nghệ thuật, phim ảnh, chính trị, bài viết, tác phẩm v…v… Không những thế, những chủ đề như God, Thánh Kinh, và Jesus, đối tượng tín ngưỡng, vấn đề rất nhạy cảm của cả trên tỷ người, cũng không thoát khỏi sự phê bình. Phê bình thường được mô tả như là lập trường của người phê bình bất đồng ý kiến hay chống đối đối với đối tượng phê bình, và đây là một quyền tuyệt đối trong “freedom of speech”. Phê bình nhiều khi cũng có thể coi như là sự phân tích và bày tỏ ý kiến về một tác phẩm hay chủ đề nào đó của một hay nhiều tác giả. Trong chính trị, phê bình hầu như là có nghĩa bất đồng ý kiến. Người phê bình thường là người đưa ra sự phán đoán hay phân tích với lý lẽ, diễn giải để nói lên quan điểm của mình. Điều đặc biệt là, trong lãnh vực học thuật, người phê bình trí thức có phẩm cách không bao giờ dùng những ý nghĩ chủ quan của mình, thường là vô căn cứ, để phê bình về đời tư cá nhân của tác giả hoặc những gì không liên hệ đến nội dung hay các chủ đề mà mình muốn phê bình. Đi ra ngoài những tiêu chuẩn phê bình trí thức này thì không còn gọi là phê bình nữa mà là đả kích cá nhân.
Còn theo định nghĩa thì “Đối Thoại” là sự trao đổi ý kiến giữa hai hay nhiều người về một vấn đề nào đó, thí dụ như về chính trị hay tôn giáo, để đưa đến sự thông cảm nhau trong tình thân thiện. Điều kiện để cho một cuộc đối thoại có thể khả thi là phải có sự đồng ý của các phe muốn tham dự. Nếu chỉ là tiếng nói của một phía thì đó chỉ là “độc thoại”. Do đó tinh thần của đối thoại là: “anh cứ giữ ý kiến của anh, nếu anh cho nó là đúng, và tôi tôn trọng ý kiến đó, nhưng tôi vẫn giữ ý kiến của tôi vì tôi cho nó là đúng, và anh cũng phải tôn trọng ý kiến của tôi”. Đối thoại là dùng lý luận và hiểu biết để giải quyết các bất đồng. Đối thoại là một vấn đề tế nhị.
Nhiều trở ngại có thể làm cho cuộc đối thoại trở thành vô nghĩa vì thay vì đối thoại thì người ta lại đối đầu. Lý do là con người muốn tỏ ra mình là một “vô thượng thiên tài” trong một lãnh vực hay bộ môn nào đó, và dùng nó để át đi tiếng nói của đối phương. Một khi mình chỉ vì không đồng ý với đối phương mà lại lên tiếng mạt sát cá nhân đối phương, cố tình xuyên tạc để hạ thấp cá nhân đối phương, chỉ nói khơi khơi mà không đi vào các luận điểm của đối phương, thì đó là chuyện của những kẻ không hiểu đối thoại là cái gì. Nếu những kẻ này là những người tầm thường thấp kém hay cuồng tín thì không đáng nói. Nhưng nếu những kẻ này lại thuộc giai tầng trí thức, chỉ vì họ có bằng cấp nào đó ở ngoài đời, thì họ có thể liệt vào hàng ngũ những kẻ “vô văn hóa” hay “mọi rợ văn hóa”, vì không có người trí thức có văn hóa nào lại phải dùng đến những thủ đoạn hạ cấp này.
Cái khổ nhất trong nghiệp viết của tôi là thỉnh thoảng đọc phải văn phong của hạng “côn đồ văn hóa” hay “đao phủ văn chương”, những từ của Giáo sư Nguyễn Mạnh Quang chỉ một hạng người đặc biệt trong xã hội: hạng người cuồng tín, vô văn hóa, nhưng cứ tưởng rằng những lời văn mạ lỵ cá nhân, vu khống vô căn cứ, của mình chính là … văn hóa! Họ nghĩ như vậy là đối thoại, nhưng không có chút nào là tinh thần đối thoại, vì trong đó không hề có sự phê bình phân tích những điểm cần phải thảo luận mà chỉ là muốn hạ thấp đối phương bằng mọi cách, với loại ngôn từ phi trí thức.
Đọc trên các diễn đàn thông tin điện tử ở hải ngoại chúng ta thấy hiện tượng này rất thông thường. Không mấy khi chúng ta thấy người phê bình đi vào sự phân tích những luận điểm trong một bài là đúng hay sai, sai ở chỗ nào, mà thường chỉ vì không đồng ý vì thiên kiến chính trị hay tôn giáo phe phái của mình nên tận dụng sách lược chụp mũ vô căn cứ, hoặc dùng những danh từ hạ cấp để nhục mạ đối phương.. Họ tưởng là làm như vậy thì có thể hạ thấp uy tín của đối phương, đồng thời tăng uy tín của họ, nếu có, lên cao. Nhưng họ đã lầm, vì những hạng người này thực sự không đủ trình độ để hiểu rằng, càng dùng những thủ đoạn trên bao nhiêu thì lại càng tỏ lộ trình độ giáo dục, hiểu biết và tư cách của mình bấy nhiêu. Tôi liệt những hạng người này vào loại vô văn hóa, bất kể chức vị hay bằng cấp của họ là như thế nào.
Vì vậy, những người trí thức chân chính, có đôi chút liêm sỉ, đều không bao giờ muốn hạ mình đối thoại với hạng người vô văn hóa này.
Có hai hạng người mà chúng ta không bao giờ nên đối thoại.
¨ Thứ nhất là những người cuồng tín tôn giáo. Nhiều khoa học gia đã nhận định như vậy. Vì đối thoại với những người này là tạo cho họ cơ hội để họ khẳng định sự mê tín và cuồng tín của tôn giáo họ bất kể lý lẽ, cho nên cuộc đối thoại thật là vô ích.
¨ Thứ hai là những người mượn đối thoại để đả kích cá nhân, để đưa ra những điều về đời tư cá nhân, khuynh hướng chính trị của đối phương v…v.., những điều thường không dính dáng gì đến chủ đề của đối thoại.
Cho nên, trước những sự thách thức đòi đối thoại với tôi của một số người thuộc hai loại người này, thí dụ như Lê Anh Huy hay Nhữ Văn Úy, tôi hoàn toàn giữ im lặng, không hồi đáp. Vì những người này chưa bao giờ từng biết đến, và nếu có biết đến thì cũng chưa bao giờ hấp thụ được, câu sau đây của Voltaire:
Tôi không đồng ý với những gì anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh nói như vậy.
(I do not agree with what you have to say, but I'll defend to the death your right to say it.)
Trong cuốn phim “Inherit The Wind” về vụ án Scopes, bị truy tố vì tội đã dạy thuyết Tiến Hóa trong trường học, vốn trái với luật cấm của tiểu bang Tennessee. William Jennings Bryan, ba lần ra làm ứng cử viên Tổng Thống nhưng đều thất bại, là công tố viên. Clarence Darrow là luật sư biện hộ cho John Scopes. Cuối cùng, Darrow đã thắng khi đưa ra chính cuốn Thánh Kinh của Ki Tô Giáo để chất vấn Bryan. Có một câu ở đoạn cuối sau vụ án mà Darrow nói với một ký giả thật là đặc biệt. Khi ký giả này phê bình là Bryan có những niềm tin của thời Trung Cổ thì Darrow nói: “Ông ta có quyền sai lầm” [He has the right to be wrong]. Đó là thái độ của những bậc trí thức chân chính, không đồng ý với đối phương nhưng vẫn tôn trọng quyền suy tư của đối phương. Chúng ta có thể tranh luận để làm sáng tỏ một vấn đề, nhưng chúng ta không có quyền tước đi cái quyền suy tư của người khác bằng cách tấn công cá nhân với những thủ đoạn như xuyên tạc, mạ lỵ, hay chụp mũ.
Sau đây tôi sẽ điểm qua vài thủ đoạn độc thoại chính, chứ không phải đối thoại, chúng ta thường thấy trên một số diễn đàn truyền thông hải ngoại.
Một kiểu phê bình điển hình, nếu có thể gọi là “phê bình”, thường được dùng nhiều nhất để hạ một đối phương của những người thiếu văn hóa, là nhắm vào cá nhân, nghĩa là nhắm vào tác giả bài mà mình muốn phê bình chứ không nhắm vào những luận điểm của tác giả đó. Kiểu “phê bình” này, tiếng Latin gọi là “Argumentum Ad Hominem”.
Theo định nghĩa thì Argumentum Ad Hominem [to the man], là kiểu “phê bình” [sic] tấn công cá nhân chứ không phải tấn công luận điểm của cá nhân đó. Khi một người không đủ khả năng để bác bỏ lập trường của đối phương hay bảo vệ lập trường của mình với bằng chứng thuyết phục, sự kiện hay lý lẽ, thì họ thường sử dụng những thủ đoạn sau đây: gán cho đối phương một nhãn hiệu (labeling), dựng lên một người rơm (straw man) nghĩa là chụp mũ vô bằng chứng để rồi tự tay mình quật người rơm đó xuống, chửi rủa (name-calling), đưa ra những danh từ hạ cấp để mạ lỵ đối phương và biểu lộ sự giận dữ của mình [offensive remarks and anger].
Chuyện mà chúng ta thấy thông thường nhất trong lãnh vực “đối thoại” của người Mỹ, Pháp, Úc, …gốc Việt ở hải ngoại là chụp mũ nhau là “tay sai của CS”, “thân CS”, “nâng bi cho CS”, hay nặng hơn nữa là “Việt gian CS” [sic] v..v..., cho rằng cái mũ CS mình chụp lên đầu người khác có giá trị tuyệt luân, và có ảnh hưởng lớn đến khả năng hay uy tín của người mình chụp mũ. Họ không biết rằng cái mũ CS ngày nay thực chất là vô giá trị, chỉ có thể làm cho những người cùng hội cùng thuyền với họ về khuynh hướng chính trị cười hể hả với nhau. Họ không biết rằng, trong vụ sinh viên phản đối cờ đỏ ở Đại học USC ở Nam Cali, trước những lời chụp mũ CS vô căn cứ, một người Mỹ đã viết trên OCRegister.com như sau:
Những người biểu tình chống đối có biết rằng trong thế giới ngày nay mà lên án một người nào là cộng sản thì thật là ngu xuẩn không? Nó đã quá lỗi thời và chứng tỏ rõ ràng là các người thiếu văn hóa [hay thiếu giáo dục].
(Do you protestors realize how ignorant it sounds to utilize and accuse someone of being a communist in today's world? It's outdated and clearly demonstrates your lack of education.)
Tại sao người Mỹ trên lại viết như vậy? Vì thời buổi này không còn Cộng sản như trước nữa. Trung Hoa, Nga sô, Việt Nam không còn là Cộng sản, mà Cộng sản ngày nay là về chủ thuyết, về lý tưởng, chứ không phải là về hành động như thời Stalin, Lenin, hay Mao Trạch Đông. Vì vậy trên khắp thế giới, nước nào cũng có những tổ chức Cộng sản, kể cả Phong Trào Thần Học Giải Phóng trong Công Giáo mà GH Benedict XVI cho là Cộng sản. Nhưng có vẻ những người này không biết liêm sỉ là gì, cho nên muốn chống ai thì họ chỉ việc chụp lên đầu người đó cái mũ Cộng sản đã quá lỗi thời rồi tự cho mình cái quyền chống Cộng bất cứ ở nơi nào. Trước những hành động có tính cách băng đảng, một số người đã tỏ ra khinh bỉ và né tránh vì không muốn dây với những hạng người như vậy. Họ sống trên một đất nước tự do nhưng không hiểu tự do là gì. Nhân danh chống Cộng, họ tự cho mình cái quyền tự do chống đối gây phiền nhiễu cho bất cứ ai, bất kể đến lý lẽ gì dù những hành động của chính họ thì hoàn toàn phi tự do và phản dân chủ.
Phê bình, hay theo nghĩa lỏng lẻo, đối thoại, vừa là một nghệ thuật vừa là một kỹ thuật trong lãnh vực học thuật nhằm phân tích, tổng hợp, và lô-gíc để đưa ra quan điểm và/hoặc lập trường của mình. Đi ra ngoài lãnh vực này thì có thể là bất cứ cái gì khác, chứ không thể gọi là phê bình hay đối thoại. Tôi hi vọng, với sự hiểu biết này, thì khi đọc một bài, dù mang nhãn hiệu phê bình hay đối thoại, chúng ta có thể biết bài đó có thực là phê bình hay đối thoại hay không.
Sau đây tôi sẽ điểm qua vài thủ đoạn đối thoại chúng ta thường thấy trên một số diễn đàn truyền thông hải ngoại.
Một kiểu lý luận, nếu có thể gọi là lý luận, thường được dùng nhiều nhất để hạ một đối phương của những người không có khả năng đối thoại, cộng với sự thiếu giáo dục và tâm cảnh cuồng tín của chính mình, là lý luận nhắm vào cá nhân, nghĩa là nhắm vào tác giả bài mà mình muốn chống chứ không nhắm vào những luận điểm của tác giả đó. Kiểu lý luận này, tiếng Latin gọi là “Argumentum Ad Hominem”.
Theo định nghĩa thì Argumentum Ad Hominem [to the man], là kiểu “lý luận” [sic] tấn công cá nhân chứ không phải tấn công luận điểm của cá nhân đó. Khi một người không đủ khả năng để bác bỏ lập trường của đối phương hay bảo vệ lập trường của mình với bằng chứng thuyết phục, sự kiện hay lý lẽ, thì họ thường sử dụng những thủ đoạn sau đây: gán cho đối phương một nhãn hiệu (labeling), dựng lên một người rơm (straw man) nghĩa là chụp mũ vô bằng chứng để rồi tự tay mình quật người rơm đó xuống, chửi rủa (name-calling), đưa ra những danh từ hạ cấp để mạ lỵ đối phương và biểu lộ sự giận dữ của mình [offensive remarks and anger]. Đây chính là thủ đoạn của những côn đồ văn hóa.
Một kiểu lý luận cũng rất hay được dùng là kiểu lý luận gọi là red herring [when the arguer diverts the attention by changing the subject], nghĩa là lái sang vấn đề khác, rất lạc đề, chẳng ăn nhằm gì đến chủ đề phê bình. Thí dụ, lái một chủ đề nghiên cứu văn hóa sang một chủ đề khác chẳng liên hệ gì đến chủ đề trong bài viết mà mình muốn phê bình. Một thí dụ khác là có người hỏi một điều gì đó trong cuốn Thánh Kinh, người đối thoại không trả lời mà lại lôi cuốn rác của Đặng Văn Nhâm ra để phê bình láo lếu Phật Giáo. Hay đang nghiên cứu phê bình về Ngô Đình Diệm thì lại quay sang tố khổ đảng CS.
Một kiểu lý luận khác là lạc dẫn dư luận dựa trên sự thiếu hiểu biết của quần chúng. Đây là kiểu lý luận argumentum ad ignorantiam, viện dẫn sự kiện mà mình là nhân chứng, hay kể một câu chuyện nào đó của chính mình, nhưng không có cách nào quần chúng có thể kiểm chứng, thí dụ như: tôi đã biết trong vụ việc sau đây ở địa phương so and so…, hoặc “nhiều người đồng ý với tôi rằng…” v…v…. Những kiểu lý luận này thường là vô giá trị vì ai cũng có thể bịa ra bất cứ chuyện nào và nhất là khi chuyện đó lại chẳng liên quan gì đến những vấn đề viết trong bài chủ..
Kiểu lý luận thứ tư được biết là argumentum ad populum, nghĩa là lý luận nhắm vào những tình cảm phe phái, lập trường chính trị của một số người, thường là cùng phe hoặc có cùng lập trường chính trị với mình chứ không dựa trên sự kiện và lý lẽ. Thí dụ như trong vụ trương cờ vàng ở Sydney nhân ngày Giới trẻ Công Giáo họp hành theo lệnh của Benedict XVI, hè nhau tố khổ HY Phạm Minh Mẫn bất kể đến sự thật mà HY nói lên. Kiểu lý luận này cũng còn được gọi là bandwagon fallacy, nghĩa là những luận điệu trá ngụy vô căn cứ nhưng có tác dụng làm những người cùng phe mình, đầu óc cũng yếu kém như mình, hả hê.
Kiểu lý luận thứ năm là xuyên tạc, không đếm xỉa gì đến bằng chứng, đưa ra một luận điệu để lạc dẫn dư luận. Thí dụ, khi tác giả phê bình cung cách chống Cộng của “một số” người Việt ở hải ngoại thì người phản bác lại xuyên tạc, cho rằng phê bình cả cộng đồng người Việt hải ngoại. Kiểu lý luận này gọi là half truths (suppressed evidence).
Có một câu chuyện tôi đọc được ở đâu đó trước đây: “Có một anh chàng ngoại đạo cưới được một người vợ Công giáo mà anh ta rất yêu. Một hôm, cô vợ hỏi: “Anh có tin là có Chúa Ba Ngôi không?.” Anh ta trả lời: “Em nói Chúa Ba Ngôi thì anh tin là Chúa Ba Ngôi, em nói Chúa bốn ngôi anh cũng tin là Chúa bốn ngôi, có vấn đề gì đâu?” Câu trả lời của anh ta có thể diễn giải theo nhiều cách, một là anh ta sợ vợ, hai là để làm cho vợ hài lòng, khỏi mất công tranh cãi lôi thôi, ba là trả lời cho qua chuyện, nhưng thực chất câu đó chứng tỏ là anh ta chẳng tin gì cả.