Thứ Bảy, 29 tháng 11, 2014

Nhất Hạnh và Trịnh Công Sơn: Thơ Nhạc Phản Chiến





Tình yêu là thiên thu. Triết lý là vĩnh cửu và lịch sử chỉ là một sát na trong dòng sông vô thường. Nhưng nếu không có Ca Khúc Da Vàng, Trịnh Công Sơn (TCS) cũng chỉ là một trong những nhạc sĩ tài hoa khác trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Ca Khúc Da Vàng giúp anh chiếm một địa vị duy nhất trong trái tim của từng người Việt Nam, những người biết thương xót trước đau thương và phẫn nộ với bất công.



Từ năm 1964 trở đi, khi chiến tranh bắt đầu leo thang, phản ứng của thế hệ thanh niên thập niên 60 tại miền Nam rất rõ ràng. Trong dịp kỷ niệm 10 năm chia cắt đất nước, Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn tổ chức một đêm không ngủ lớn chưa từng thấy. Sau các buổi thuyết trình và hội thảo, sinh viên lên tiếng yêu cầu chánh phủ hai miền Nam Bắc tìm một biện pháp thương thuyết để giải quyết chiến tranh và chấp nhận việc chia cắt đất nuớc tạm thời. Nói như TCS, họ kêu gọi hai bên "chối từ chém giết anh em".

Vào ngày 20 tháng 8 năm 1964, Tổng Hội Sinh Viên Huế công khai chống hiến chương Vũng Tàu của Tướng Khánh và cương quyết bảo vệ quyền dân tộc tự quyết, tuyên bố là dù chọn con đường chiến tranh hay hòa bình, nhân dân hai miền sẽ phải đóng vai trò quyết định.

Chính chúng ta phải có mọi quyền
Quyết chối từ chém giết anh em
Chính chúng ta phải nói Hoà Bình
Đứng lên đòi thống nhất anh em


Người đầu tiên phát động văn nghê phản chiến ở miền Nam là Nhất Hạnh. Khi tháp tùng phái đoàn sinh viên Vạn Hạnh đi cứu trợ các vùng thượng nguồn sông Thu Bồn vào năm Giáp Thìn, Nhất Hạnh chứng kiến tận mắt tình cảnh khốn khổ của người nông dân sống trong gọng kềm quốc-cộng. Khi được hỏi là họ ủng hộ "phe nào", người nông dân trả lời:

Tôi không theo quốc gia
Tôi không theo giải phóng
Tôi chỉ theo người cho tôi sự sống


Bài thơ Ruột Đau Chín Khúc của Nhất Hạnh đăng trên tờ Thiện Mỹ ngày 9 tháng 2 năm 1965, đã mở màn cho những phong trào văn nghệ hoà bình.

Hình ảnh và ngôn ngữ của văn nghệ phản chiến lúc đó, như trong 10 bài Tâm Ca của Phạm Duy, còn nhẹ nhàng như những "Giọt mưa trên lá, nước mắt mẹ già, lả chả đầm đìa trên xác con lạnh giá". Bài “kẻ thù ta đâu có phải là người; giết người đi thì ta ở với ai" cảm hứng từ bức thư ngỏ của Nhất Hạnh gởi Mục Sư Martin Luther King, có tánh cách triết lý. Hòa bình chỉ là những ước mơ "Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già"hay "đến bao giờ tôi nói được những điều tôi ước mơ".

Cũng thế, hình ảnh trong các bài hát phản chiến đầu tiên của TCS như bài Đại Bác Ru Đêm vẫn còn hiền lành, pha một chút lãng mạn.

Đại bác đêm đêm dội vào thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe.


Nhưng đến khi hỏa châu không còn cháy sáng trên núi mà càng ngày càng đến gần vòng đai tỉnh lỵ, khi tên của các trận đánh lớn càng lúc càng dồn dập: Chu Prong, Pleime, Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, chiến khu D. Rồi Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa ở Quảng Trị, Xuân Lộc, hình ảnh trong Ca Khúc Da Vàng càng thêm hãi hùng. Nạn nhân chiến tranh không còn là những người lính bất hạnh bắt buộc phải cầm vũ khí “nếu không giết đối phương thì cũng bị đối phương giết” mà có xác người còn thơ ngây, có xác người già yếu, nằm chết vội vàng dọc theo biên giới, dưới mái hiên chùa, trong giáo đường thành phố.

Nhưng có một biến cố làm TCS xúc động nhất là khi Nhất Chi Mai tự thiêu hiến thân làm đuốc cho Hòa Bình trong ngày Phật Đản năm 1967. Hai câu thơ Sống mà không được nói. Chết mới được ra lời đã làm TCS cảm hứng bài Hãy Sống Dùm Tôi. Nhất Chi Mai nhắc đến vụ tự thiêu của một giáo sĩ Quaker người Mỹ, Bill Morrison, vào ngày 2 tháng 11 năm 1965 trước cổng Ngũ Giác Đài. Morrison tẩm xăng đầy người, một tay bật diêm quẹt, tay bên kia dơ cao đứa con hai tuổi. Đến nay vẫn chưa ai biết là Morrison cố ý quăng đứa con ra ngoài biển lửa hay đó chỉ là một phản xạ khi lửa bắt đầu thiêu đốt thân ông. Ngôn ngữ bài Hãy Sống Dùm Tôi vừa đau đớn, vừa quyết liệt và phẫn nộ.

Hãy sống dùm tôi, hãy nói dùm tôi, hãy thở dùm tôi
Thịt da này dành cho thù hận, cho ngông cuồng, cho tham vọng của một lũ điên. 
Link: http://www.nhaccuatui.com/bai-hat/hay-song-gium-toi-khanh-ly.0CAOtw2iGJ.html

Cho tham vọng của một lũ điên là lời kết án còn nặng hơn lời kết án trong Gia Tài Của Mẹ, gọi những người chủ chiến của cả hai miền là "một bọn lai căng, một lũ bội tình". Tuy nhiên, giống như triết lý bất bạo động của Gandhi, TCS không hề kết án hay nặng lời với ai. Chống đối hành động bạo tàn mà không kết án người hành động bạo tàn. Cho phép tôi dùng từ ngữ tiếng Anh cho rõ nghĩa hơn, chống đối "the DEED" chớ không oán hận "the DOER". Tôi nghĩ không phải là anh không có những giây phút tuyệt vọng "Ta ơi đừng tuyệt vọng", khi chứng kiến chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, nhưng luôn hy vọng những chủng tử từ bi nơi con người. Anh luôn mong muốn "lũ con cùng cha, quên hận thù", mong tất cả có một đời sống "không thù hận".

Cũng như Nhất Hạnh, anh bị cả hai bên đối xử tồi tệ. TCS kể là khi Khánh Ly đệm bài Gia Tài Của Mẹ vào các tình khúc khác để hát tại một phòng trà ở Đà Lạt, Sơn kể: "các toa biết không, sau bài hát có một người đi lên sân khấu, chỉ mặt moa và nói: Anh ở ngoài Bắc mới nhảy dù vào Nam phải không? Sau đó moa mới biết ông ta là Nguyễn Phú Đức, quan sát viên của VNCH tại LHQ". Chị Trần Tuyết Hoa, một người bạn trong phong trào sinh viên Phật Tử tranh đấu, kể lại trong hồi ký "40 năm âm nhạc TCS" cho biết là sau khi Ca Khúc Da Vàng được trình diễn tại trung tâm Quảng Đức, một sinh viên thân MTGP đánh tiếng là các anh trong mật khu "không hài lòng" với hai chữ "nội chiến"trong Gia Tài Của Mẹ. Các anh trong mật khu không hài lòng thì mặc các anh, bài Gia Tài Của Mẹ đã trở thành Đồng Dao lan tràn hang cùng ngõ hẽm trên khắp thành phố miền Nam.

Link: http://giaoduc.net.vn/Van-hoa/Hau-truong/Tinh-khuc-Trinh-Cong-Son-va-nhung-bi-mat-cua-Khanh-Ly-post114946.gd ;

Vào khoảng đầu năm 1967, anh Trần Viết Ngạc đến rủ tôi đi gặp TCS. Ngạc có liên hệ với nhóm Việt Nam Việt Nam của Lê Văn Hảo ở đại học Huế, và nhóm dân tộc tự quyết với thi sĩ Thái Ngọc San. Anh vừa là đồng nghiệp vừa có chút liên hệ gia đình. Tôi không tin vào vận may của mình, tự nhiên có cơ hôi được gặp nhạc sĩ mà những bản tình ca như Nhìn Những Mùa Thu Đi, Diễm Xưa, Mưa Hồng, Như Cánh Vạc Bay đã từng làm say mê cả thế hệ thanh niên mới lớn như chúng tôi. Chúng tôi hẹn đi ăn trưa ở một quán ăn bình dân trước trường Đại Học Văn Khoa cũ ở đường Nguyễn Trung Trực.

Trong quán ăn bình dân, khách ăn thì cứ ăn, dưới sàn chuột chạy thì cứ chạy. Các sinh viên công chức nghèo đều biết quán này. Sau đó chúng tôi về nhà anh Trần Đại Lộc, người phụ trách chương trình Sinh Hoạt Nhạc Trẻ của Phong Trào CPS để ngủ trưa. Chúng tôi nằm trên bộ ván ngựa nghe băng Ca Khúc Da Vàng mà TCS thâu trong băng nhựa lớn. Khi nghe đến câu "Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xương con mình" tôi còn nhớ cảm giác lạnh lẽo như đang ở trong nhà mồ. Lúc đó tôi ở trong một phòng nhỏ ở Trung Tâm Quảng Đức. TCS nhờ tôi xin thầy Thiện Minh tổ chức đêm nhạc tại trụ sở Tổng Vụ Thanh Niên. Chuyện đó không có gì khó khăn vì tôi bắt đầu thân thiết với anh Hoàng Văn Giàu, một đệ tử thân tín của Thầy.

Sau đó mọi chuyện xảy ra trở thành lịch sử. Ca Khúc Da Vàng được hát khắp ngang cùng ngõ hẻm, đã trở thành Đồng Dao, trở thành nhịp đập của cả thế hệ trẻ ở miền Nam. Tôi là một trong số ít người may mắn được nghe Ca Khúc Da Vàng đầu tiên và có được ấn bản đầu tiên in tay và chữ ký của TCS.

Ước vọng của TCS là tất cả có được "một đời sống không mang thù hận". Như trong kinh Bát Đại Nhân Giác, rất khó mà không ghét kẻ thù của mình. Nhưng nhớ đến lá thư của Nhất Hạnh gởi cho Martin Luther King: kẻ thù ta đâu có phải là người!

Để kết thúc, tôi xin dẫn hai câu thơ của Tô Thùy Yên

Này chén rượu hồng xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này


Quán Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét