Thứ Tư, 23 tháng 7, 2014

Tác phẩm “lớn” có khi phải …chôn




Tác giả: Trần Thị Trường


Thử hỏi con số những người cầm bút đi xa ra khỏi cái tôi bé nhỏ, cái quan sát lặt vặt, cái tức khí nhất thời hiện nay là bao nhiêu, câu trả lời sẽ rõ ngay. (Trần Thị Trường)

Chúng ta còn quá nhiều định kiến với đương đại


LTS: Sau khi đăng tải quan điểm của nữ nhà văn Y Ban về việc tại sao VN chưa có tác phẩm văn học lớn, chúng tôi đã nhận được ý kiến của nhà văn Trần Thị Trường, tiếp tục lý giải vấn đề này. Xin giới thiệu cùng độc giả để tiếp tục tranh luận.

Trước hết chúng ta phải đồng ý với nhau rằng, tác phẩm văn học lớn (có giá trị cao), là một tác phẩm có thể tác động vào sự biến đổi xã hội do đọc nó mà thế giới quan, nhân sinh quan của con người thay đổi dẫn đến ứng xử, hành động… thay đổi, làm cho cuộc sống thay đổi. Nếu không phải thế thì chẳng lẽ tác phẩm lớn phụ thuộc vào độ dày của sách, số lượng lớn của phát hành hay sự tán thưởng của người đọc? Mặc dầu những yếu tố này cũngđóng góp một phần đáng kể, để nói lên giá trị của tác phẩm nghệ thuật.



Bản năng có đủ?


Tác phẩm văn học lớn chỉ xuất hiện khi các yếu tố như: Khả năng sáng tạo của người viết, môi trường xuất bản, trình độ thưởng thức và thẩm định của cộng đồng người đọc… hội tụ đầy đủ.




Thứ nhất là về khả năng sáng tạo. Trong ngàn người được gọi là hội viên Hội nhà văn Việt Nam (kể từ khi thành lập Hội 1957) có lẽ phải tới hàng trăm người cầm bút viết văn chỉ dựa vào sự mách bảo của bản năng. Đành rằng, bản năng cũng là một yếu tố quan trọng, nhưng chỉ có nó không thôi thì tác phẩm đẻ ra chỉ quanh quẩn những trải nghiệm và sự quan sát nghèo nàn của bản thân, mà không lý giải hay cắt nghĩa về sự tồn tại của con người, của một lớp người, của dân tộc hoặc cả nhân loại. Để từ đó giúp (chia sẻ) được với bạn đọc nỗi đau khổ hay niềm hạnh phúc của họ.

Những tác phẩm đó không thể gọi là tác phẩm lớn. Như đã nói ở trên, tác phẩm lớn phải là những tác phẩm đề cập được khát vọng của con người, phản ánh những nhức nhối đang đặt ra trong cuộc sống, trong thời đại; khơi dậy ở mỗi người, ở cộng đồng sự tự ý thức sâu xa về đạo đức, nhân cách, về trạng thái nhân sinh, về mâu thuẫn nội tại hoặc về nguyên nhân sâu xa của hạnh phúc và khổ đau.

Muốn sản sinh ra một tác phẩm lớn phải có một sức quan sát lớn, ngòi bút không dừng lại ở việc biểu hiện “cái tôi”, cho dù cái tôi ấy phản ánh một phần hoặc đồng điệu với cộng đồng. Vì thế, nếu người viết ít trải nghiệm, không đi ra khỏi môi trường nhỏ hẹp quen thuộc, không biết hoặc biết rất ít đến người khác (ở những nền văn hóa khác) thì cũng không thể có tác phẩm lớn.

Thử hỏi con số những người cầm bút đi xa ra khỏi cái tôi bé nhỏ, cái quan sát lặt vặt, cái tức khí nhất thời hiện nay là bao nhiêu, câu trả lời sẽ rõ ngay. Vì sao? Không có hoặc có rất ít những tác phẩm lớn

Thứ hai là về môi trường xuất bản.

Như đã nói ở trên, số ngòi bút thực tài là rất ít. Đã ít, lại nghèo khổ (đành rằng nghèo khổ là một bi kịch, một trong số chất xúc tác tốt cho sáng tạo). Cuộc sống nghèo khổ khiến cho không ít những tài năng phải quẩn quanh để đấu tranh mệt mỏi giành giật sự tồn tại, khiến cho những tác phẩm của họ hoặc phải hạ tông để vừa lòng người biên tập, để được xuất bản. Ngay kể cả việc kể ra đây những ví dụ sống động về những tác phẩm, tác giả đã “hạ tông” đó cũng thật là… không dám.

Cái con số ít ỏi ấy, ban đầu tự thỏa thuận với bản thân rằng, ta chỉ làm một lần này thôi, để có tiền sống, ta chỉ bỏ bút viết văn một thời gian ngắn để đi làm báo (có tiền tươi), hoặc đi… làm công chức (để có lương tháng) rồi ta vẫn quay lại với văn chương và với tác phẩm mà ta hằng ấp ủ.

Họ, những người đó đã đánh mất dần bản thân vào những tản văn trên góc nhỏ tờ báo tuần, hay những truyện ngắn mì ăn liền, hay những truyện dài diễm tình để được xuất bản và có tiền nhanh chóng. Mất dần đến mức, sinh ra cả thói tự duyệt chính mình. Điều đó khiến cho ngòi bút và tư tưởng không thể thăng hoa, điều đó ai trong nghề cũng hiểu. Nhưng người trong nghề lại phụ thuộc rất nhiều người ngoài nghề nhưng cầm nắm quyền “sinh hạ”.

Những người ngoài nghề ấy vẫn nói rằng: Có luật rồi, theo luật mà làm. Đừng đổ lỗi. Nhưng, luật cho phép tự do sáng tác, rồi luật lại bảo, không được lợi dụng tự do để tác động đến môi trường xung quanh .v.v. Cái ranh giới giữa công dân chính trực và kẻ vi phạm pháp luật là rất mong manh, là tùy thuộc, đôi khi chỉ vào… trình độ thẩm thơ của chị thẩm phán. Không có sáng tạo độc lập thì văn có hay mấy cũng không độc đáo, ngòi bút có giỏi mấy cũng không lên tới đỉnh cần thiết, lấy đâu ra tác phẩm đỉnh cao.

Có thể nói khi chưa có một môi trường xuất bản dám bảo đảm cho những kiệt tác văn chương xuất hiện thì chắc chắn kiệt tác không thể xuất hiện. (Cứ thử hỏi nếu không đúng cái khoảnh khắc mở cửa thì “Cây tỏi nổi giận”, “Đàn hương Hình”, “Phong nhũ phì đồn”của Mạc Ngôn, hay “Nỗi buồn chiến tranh”, “Tướng về hưu” có xuất hiện được không?). Tôi gọi đó là cái khoảnh khắc, đúng hay sai tự bạn đọc sẽ hiểu.

Yếu tố thứ ba, cộng đồng và trình độ thưởng thức: Nếu nói trình độ thưởng thức nghệ thuật văn chương ở ta là kém cỏi thì lý giải thế nào với các tác phẩm dịch cỡ Nobel được người đọc ở ta đón nhận trong thời gian vừa qua?

Tuy nhiên, cần phải nói chính xác là có bao nhiêu người đọc các tác phẩm đoạt giả Nobel so sánh với con số đọc truyện trinh thám, truyện ngôn tình và truyện tranh? Song song với khả năng thưởng thức của cộng đồng là trách nhiệm của những nhà lý luận phê bình và những cấp trên của những nhà phê bình đó. Thử hỏi đã ngòi bút phê bình nào dám phân tích cái hay, cái lớn, cái “dở” cái “tác động vào tư tưởng của cộng đồng” của “Nghệ nhân Margarita”, “Trái tim chó”… (Bulgacov) hay “Chuyện ở nông trại” (George Orwell) chưa?

Trong khi đó truyền thông sẵn sàng “nhảy bổ” vào khen, chê, cổ súy, ném đá… vào một số những cuốn sách xuất hiện trên thị trường, khi thì làm tăng độ “hot” cho sách, khi thì góp phần làm cho sách biến mất trong im lặng của cả người xuất bản nó lẫn người đã có nó trên giá sách của người đọc.

Đổ lỗi cho nhau

Ngay kể cả khi gõ phím những dòng chữ này, người viết cũng phải đắn đo hết sức, mãi mới dám bày tỏ… tí chút. Rất có thể, tài năng không có nên viết mãi mới thành. Nhưng có một sự thật là có nhiều chữ định viết ra mà sợ nó chui vào vòng “nhạy cảm”. Thế là không viết. Và dĩ nhiên là sẽ đổ lỗi rằng, nếu viết thì có thể không được in, nếu in thì có khi bị rầy rà. Chẳng những bản thân “bị” mà thân nhân cũng “bị” luôn.

Thế là người bị đổ lỗi sẽ dễ dàng hạ một câu nhanh gọn: “ Thôi đi ông/ bà già, không có tài thì nhận cho nhanh đừng đổ lỗi cho khâu duyệt, cho môi trường xuất bản, cho người đọc…”.

Và thế là, tác phẩm lớn vẫn còn ở phía trước, nó chưa được viết ra hoặc đã viết ra rồi chờ cái khoảnh khắc mở cửa nào đó, hoặc chờ đến khi nằm trong quan tài và trước đó, dặn cho con cháu. Nếu con cháu hiểu văn chương, thấy văn chương là cần thiết cho đời sống hay cho tương lai thì con cháu cho xuất hiện.

Nhưng nếu con cháu thấy “ông/bà già” lúc sống đã hèn đã không dám thực hiện tư tưởng của mình, bây giờ đẩy cái nguy hiểm cho nó thì… nó chôn theo thôi.

————-

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/185558/tac-pham–lon–co-khi-phai—-chon.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét