Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Thói quen làm việc tốt



Trong lúc lên cầu thang để lên phòng họp, tôi gặp một người phụ nữ mang bầu. Bạn ấy dừng chân để “thở” và nhìn những bậc cầu thang dài hun hút một cách “ngao ngán”, dưới chân để một chiếc túi xách. Tôi hỏi: “Bạn có cần không? Mình xách túi giúp.” Bạn ý gật đầu và giải thích: “Mình vừa đi khám về nên mệt quá bạn ạ!” Khi mình vào phòng họp, rất nhiều người nói mình vưa làm một ” nghĩa cử”. thật ngạc nhiên vì việc mình làm nhiều người thấy và họ quan tâm đến điều đó. Còn mình, mình thấy rất hiển nhiên việc đó không có gì đáng chu ý dù rất thất vọng với nhiều người đã nhìn thấy bạn gái mang bầu đó và bước qua.

Tôi tin rằng, trong số những người nhìn thấy phụ nữ kia chắc chắn hơn 1/2 muốn giúp, chỉ có rất ít nguời “vô cảm” bước qua không nghĩ suy gì. Nhưng họ không dám đề nghị. Vì sao? Vì họ ngại ngùng.

Không biết từ bao giờ, đa số mọi người ngại thực hiện một hành động tốt nhưng sẵn sàng thực hiện một hành vi xấu mà chẳng hề xấu hổ. Lỗi này, thói quen này là lỗi hệ thống giáo dục mà chủ yếu là giáo dục từ gia đình. Giáo dục trong gia đình là nền tảng hình thành nhân cách con người. Các hành vi con người thực hiện đều xuất phát từ việc được giáo dục tại gia ra sao? Người lớn thường kêu ca về việc con cái ngày càng khó bảo do môi trường xã hội phức tạp, do nhà trường, do văn hoá du nhập… nhưng căn nguyên của mọi vấn đề chính là xuất phát từ ý chí và mưu cầu của người lớn. Từ đâu mà các trường học ngày càng đề ra những chương trình học nặng nề, từ đâu mà con người càng ngày càng ích kỷ, càng ngày càng chỉ chăm chăm nghĩ đến những việc làm có lợi cho bản thân mình để những việc làm thiện tâm càng ngày càng trở nên phi lý và khó hiểu.

Chúng ta cứ đổ lỗi cho những cái chung chung, trừu tượng, đổ lỗi cho xã hội, môi trường… mà chẳng nhận thấy rằng tất cả những cái đó được tạo nên bởi con người. Ý thức hệ tư tưởng của lớp người trước truyền tụng và kế thừa cho lớp người sau. Nó dần trở thành đặc trưng, bản sắc, lối sống của dân tộc, quốc gia để phân biệt nhận biết giữa người của quốc gia này với người của quốc gia khác.

Nguoi Việt mình có cái rất lạ là luôn thấy mình vô can trong các vấn đề xấu, hoặc đổ lỗi, bao biện cho hành vi ứng xử của mình. Họ có thể lên án, chỉ trích vanh vách những hành động của cộng đồng: Nào là thiếu ý thức, hay chen lấn, vô ý thức nơi công cộng… nhưng chỉ trích, lên án là vậy những người chỉ trích lại luôn trừ mình ra. Tôi đã chứng kiến, một nhóm khoảng 3,4 người đàn ông ngồi bàn luận sôi nổi lên án gay gắt thói bẩn thỉu, thiếu ý thức của mọi người nơi công cộng. Nhưng xung quanh họ đầy rẫy những mẩu thuốc lá. Họ hùng hồn phê phán ngươi khác trong khi thản nhiên búng mẩu thuốc xuống sàn không chút đắn đo. Thật là lạ lùng…

Điều đáng buồn là phần lớn cộng đồng quốc tế nhìn nhận những hành vi xấu như một nét đặc trưng của người Việt Nam. Họ lấy những hành vi thiếu ý thức, vô văn hoá để phân biệt người Việt Nam với những người châu Á khác. Một nhóm người châu Á ồn ào trong nhà hàng nước ngoài, hầu hết những người trong đó đêu kết luận: Họ đến từ Việt Nam. Một người không chịu xếp hàng theo thứ tự, họ luôn nghĩ: Chỉ có người Việt Nam. Lấy đồ ăn dư thừa trong bữa tiệc, họ nói: Việt Nam là thế….

Có lần, người bạn sống lâu năm ở nước ngoài bóc chai nước lavie, anh ý nhìn quanh tìm thùng rác không thấy, liền bỏ vỏ bao vừa xé vào túi quần. Những lần sau, mình để ý anh ấy luôn mang theo một túi đựng rác nhỏ kiểu cuộn (rất tiếc lần đó, mình đã không lấy khi anh hỏi có cần nó không). Bạn chia sẻ: Tuy anh xa quê từ bé nhưng mỗi khi anh đi đến các nước thấy có những biển yêu cầu kiểu như: “Không ăn thừa, lấy thừa thức ăn phạt….” Hay “đái vào đây” hay “hãy xếp hàng” rồi “theo chỉ dẫn” anh thấy tức giận lắm! Có lần, anh tức quá, yêu cầu khách sạn nơi anh ở xé bỏ cái dòng mệnh lệnh “quỷ quái” kia trong WC. Trời ơi! Một khách sạn 5 sao mà sao bất công vậy? Phân biệt người nước này với nước khac là sao?

Anh ý phẫn nộ nói với người quản lý. Anh ta rất kinh ngạc hỏi: “Thưa ông! Ông là người Việt Nam sao?” Anh giận dữ nói: ” Ông có bao nhiêu năm kinh nghiệm mà không thể nhận ra tôi là người Việt Nam?” Người đó ôn tồn: “Tôi nghĩ rằng ông là người đã lâu không sống ở đó rồi.” Anh ý cứ thắc mắc với mình: Ông ta nói vậy là sao?

Tôi mỉm cười, không biết giải thích ra sao vì đúng là anh đã xa đất nước lâu quá rồi.

Trong cuộc sống hàng ngày, hầu hết chúng ta đều ý thức được việc tốt việc xấu. Những nhưng việc làm không tốt thường đem lại cho ta cái lợi tức thì hoặc thoả mãn nhu cầu của ta ngay lập tức. Trong khi đó, hệ thống giáo dục không chú trọng dạy con người hành vi tốt hay xấu gắn liền với danh dự, tự trọng của con người. Mỗi khi ta thực hiện một hành vi xấu xí, vi phạm những chuẩn mực đao đức cơ bản dù là nhỏ nhặt nhất như khạc nhổ nơi công cộng, chửi thề, phóng uế bừa bãi là chúng ta đang hạ cấp liêm sỉ của mình. Nhưng nó dần trở thành thói quen của nhiều người khi họ không bị một sự lên án nào và về cơ bản họ không được giáo dục từ ý thức.

Những hành động vô ý thức thường không bị đánh giá về mặt danh dự, tự trọng con người mà chúng được nhìn với con mắt “vờ như không thấy”. Chính vì vậy, cái xấu cứ đều đặn diễn ra hình thành thói quen bình thản khi làm việc xấu, bình thản thực hiên những hành vi thiếu văn hoá. Dần dà, con người ta ngại làm những việc tốt không hẳn họ sợ phải bỏ công sức mà họ xấu hổ khi việc thực hiện một hành động tốt trở nên khác biệt với số đông.

Điều nguy hại to lớn đối với xã hội, với dân tộc đó là nhưng hành vi xấu đã được chấp nhận một cách hiển nhiên đến nỗi ngươi ta không còn cảm thấy nó là xấu xa cần loại bỏ. Điều này, đang khiến chúng ta những người Việt Nam trở nên xấu xí trong mắt cộng đồng quốc tế. Sẽ có nhiều người thấy nóng mắt khi đọc bài viết này, sẽ có nhiều người nói ở đâu cũng có người này ngươi kia và không phải tất cả chúng ta đều như vậy. Vâng, đúng là như thế nhưng như tôi đã nói nhưng cái phổ biến, những cái chiếm đa số tạo nên sự đặc trung và cái nhìn tổng quát.

Bạn thân mến, tôi cũng như các bạn chẳng phải là người tri thức uyên thâm hay đạo đức nhân cách gì ghê gớm. Toi chỉ là một người bình thường với nhận thức cơ bản và đôi khi tôi cũng “buông” mình làm những việc “vô ý thức” ” thiếu văn hoá” viết lên những dòng này và chia sẻ với các bạn là cách để tôi tự kiểm điểm lại mình và mong muốn cùng mọi người thay đổi những thói quen ngại thực hiện những hành vi xấu, thay đổi thái độ thờ ơ khi gặp những hành vi xấu mà ta gặp trong cuộc sống.

Không cần phải làm việc gì to lớn chỉ cần bạn thay đổi chính mình và nhắc nhở người thân, bạn bè không thực hiện những hành vi trên thì văn hoá công cộng của chúng ta sẽ được cải thiện rất nhiều. Mỗi người một chút thôi, mỗi người suy nghĩ dành vài phút để suy nghĩ về điều này, dành vài giây để cân nhắc trước khi thực hiện một hành vi thiếu ý thức thì chúng ta sẽ có một cộng đồng văn hoá, một đặc trưng văn hoá, một dân tộc văn minh. Bạn thân mến, hãy để tâm tới những gì tôi chia sẻ bạn nhé!



May1980

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét