Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Dân phản ứng công an



Tác giả: Theo Minh Hòa (Người Đô thị)

Công an, cảnh sát, an ninh là lực lượng bảo vệ, giữ gìn trật tự xã hội trên tinh thần “do dân, vì dân”: họ hưởng lương từ thuế của dân, được nhà nước trao quyền lực, phương tiện để giữ gìn kỷ cương phép nước. Trong quá trình tác nghiệp, lực lượng này và người dân đôi khi có khúc mắc là khó tránh khỏi, nhưng một tình trạng bất thường đang diễn ra ngày một nhiều và nghiêm trọng hơn, đó là quan hệ giữa công an và nhân dân không còn thuận thảo, nhiều trường hợp trở thành đối đầu quyết liệt.




Ảnh: GDVN


Niềm tin không còn, dân tự xử 

Nguyên nhân đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất: niềm tin của người dân vào cơ quan và nhân viên công lực đã sút giảm nghiêm trọng.
Hãy bắt đầu từ một vụ gần đây nhất: câu chuyện bắt đầu từ việc người dân xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh phản đối việc xây nghĩa trang rộng 28ha làm mất đất sản xuất của dân và ảnh hưởng đến môi trường khi mở rộng quy mô lớn hơn.

Khi 6 công an đến bắt anh Trương Văn Trường, một người bị nghi là cầm đầu gây rối chống lại việc triển khai dự án làm mất trật tự công cộng thì hàng trăm người dân phản ứng, bắt giam 4 công an và sau đó còn làm bị thương một số công an đến giải vây.
Bên trong câu chuyện chắc còn những uẩn khúc khác, nhưng rõ ràng là làng xóm bà con của anh Trường làm vậy vì không tin chắc anh có trở lại và trở lại lành lặn như trước khi bị bắt không!


Bởi trong thời gian gần đây, không ít trường hợp bị bắt vào đồn công an đến khi trở về nếu còn sống thì thân tàn ma dại, dở điên dở khùng, khiến người dân (mà ở quê thì toàn là anh em trong nhà, bà con dòng họ, lối xóm cả) không còn niềm tin vào những người đại diện cho công lý!

Một chuyện khác nữa mà xã hội bất bình lên án là chuyện bắt được trộm chó thì thay vì giao cho công an người dân lại đánh đến chết, khi công an đến dẫn giải người dân hành hung luôn công an, có trường hợp cả làng cùng nhau đứng đơn nhận đánh chết người trộm chó!

Chuyện chưa có tiền lệ này chứng tỏ người dân không tin vào những người thực thi công vụ nên thay cho luật quốc gia, quy trình xét xử theo phép nước là cách hành xử của thời mông muội, nhưng lại làm người dân hả hê.
Họ có lý của họ, rằng quan xử không nghiêm thì để dân xử theo kiểu của dân cho xã hội bớt đi những kẻ xấu, cho dù họ thừa biết hành động của mình là phạm luật.


Chừng nào các vị công bộc chưa thực sự hiểu rằng chỗ ngồi của họ là do dân bầu lên, họ sống bằng thuế của dân, thì dân chúng vẫn bị coi là đối tượng cần phải giáo dục, dạy dỗ, trừng phạt, chứ không phải là đối tượng phục vụ trong sự tôn trọng.

Luật rừng thay phép nước: đại loạn

Kinh nghiệm cho thấy bất cứ mâu thuẫn nào ở bất cứ cấp độ nào từ cá nhân đến quốc gia đều có thể hòa giải được nếu các bên cùng tôn trọng nguyên tắc: công khai, minh bạch, công bằng, nhân nhượng và tôn trọng lẫn nhau.
Mọi chuyện về quy hoạch, đất đai, tranh chấp, đền bù giải tỏa, bắt bớ phải được công khai, minh bạch với dân, mọi khuất tất đều dẫn đến nghi ngờ sẽ làm cho “một lần bất tín, vạn lần bất tin” và rồi “cái sảy nảy cái ung”.
Mọi giải pháp thiên vị, nghiêng vê các nhà đầu tư, đi đêm với các “đại gia” để ép dân chỉ làm cho tình trạng mất lòng tin càng thêm trầm trọng. Trong trường hợp ở xã Bắc Sơn, ông bí thư Đảng ủy xã phát biểu:
“Hiện nay quần chúng nhân dân đã mất lòng tin rất lớn đối với cấp ủy, chính quyền vì tính chất của dự án không hợp với lòng dân” và đã báo cáo lên lãnh đạo huyện, tỉnh. Nhưng cấp trên không những không nghe mà còn đưa lực lượng xuống cưỡng chế, vậy là thảm họa xảy ra mặc dù được báo trước.
Ở các nước phát triển, chính quyền bao giờ cũng ưu tiên cho giải pháp đối thoại, tiếng nói của người dân được tôn trọng, người dân được quyền bày tỏ chủ kiến thông qua diễn đàn nhân dân trong hội họp, ngoài công viên, qua trưng cầu dân ý, thăm dò dư luận xã hội và biểu tình.

Bắt bớ, đàn áp chỉ là giải pháp cuối cùng, mà việc này hầu hết phải được sự phê chuẩn của các cơ quan có thẩm quyền với sự chứng kiến của luật sư, chứ không phải muốn bắt ai thì bắt.
Trong trường hợp chính quyền ra quyết định sai thì phải thực sự cầu thị, xin lỗi dân và thu hồi quyết định (lâu nay tồn tại một tư duy thẳng băng là các quyết định của chính quyền bao giờ cũng đúng và người dân chỉ có “quyền” chấp hành).

Chừng nào các vị công bộc chưa thực sự hiểu rằng chỗ ngồi của họ là do dân bầu lên, họ sống bằng thuế của dân, thì dân chúng vẫn bị coi là đối tượng cần phải giáo dục, dạy dỗ, trừng phạt, chứ không phải là đối tượng phục vụ trong sự tôn trọng.

Chỉ khi nào điều này thay đổi thì khi đó mới giảm và chấm dứt hẳn tình trạng công an và dân đứng về hai phía đối kháng nhau. Công an khi ấy trở về đúng với lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh cho ngành công an: “Vì Nước quên thân, vì Dân phục vụ”.

—————


http://motthegioi.vn/Columnist/nghi-tu-chuyen-dan-phan-ung-cong-an-65374.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét