Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Khi nào thì tính nữ Việt tỏa hương?



Trong một cuốn sách cũ đã đọc từ lâu đến mức quên cả tên sách lẫn tác giả, có một đoạn cứ như in vào đầu. Trong đó, tác giả (hẳn là một người đàn ông đứng tuổi) kể về những kỷ niệm thuở ấu thơ, khi ông ta là một chú bé mải chơi ngoài vườn. Chú bé ham chơi lấm lem đó, thỉnh thoảng chạy vào nhà bếp ôm chầm lấy mẹ – đang loay hoay bận bịu với bếp núc-, rúc đầu vào lòng mẹ, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời.

Nhưng thật bất ngờ, tác giả hạ một câu đại để thế này: “Đã bao nhiêu năm trôi qua, nếm đủ mùi sung sướng trên cuộc đời này, tôi vẫn chẳng thể nào quên được mùi mồ hôi, mùi áo quần được giặt giũ thơm tho của mẹ. Và mùi bánh mì mẹ làm trong bếp. Thế thì các vị tranh đấu cho nữ quyền, đòi hỏi bình đẳng giới kia ơi, các vị làm sao thuyết phục lão già này được?”

Có thể, những hồi ức rất đẹp của người viết kia là đầy tính cá vị và không phổ quát. Nhưng nó đã nói lên một chân lý đơn giản: sự bình đẳng giới không thể, và không bao giờ là việc cho rằng phụ nữ có thể, và nên làm tất tần tật những công việc của nam giới để thể hiện cái gọi là “sự bình đẳng giới”.

Đàn ông giữ vị trí hàng đầu trong nhiều nghề khéo như nấu bếp, may mặc. Tuy vậy, nhìn một gã đực rựa loay hoay trong bếp, người ta chỉ thấy khía cạnh kỹ thuật thuần túy của việc nấu nướng. Khó mà thấy được cái tình yêu thương, lòng nhẫn nại, sự dịu dàng… của một người đàn bà đang trổ “tay ngọc bên bếp hồng”, đang chăm chút bữa ăn cho chồng con như tác giả kia trong hồi ức về bà mẹ thân yêu của mình.

Với những tình cảm tương tự, nhiều người Việt Nam cũng sẽ dễ dàng bồi hồi nhớ lại bếp lửa của mẹ, của bà trong ngày 8.3, nếu như họ không mê mải với các lễ lạt chúc tụng, tặng hoa cho những người phụ nữ khác. Những ký ức rất chân thành đó sẽ dễ dàng dẫn họ về với mùi rơm rạ, mùi khói, mùi cơm chín tới… của một góc bếp nghèo nào đó, sâu thẳm trong trí nhớ.

Những tình cảm thật thà như vậy là đẹp! Và chỉ cần một chút văn tài, người ta sẽ dễ dàng đánh đồng những hình ảnh bếp nghèo đen đúa, tối tăm đó thành những đức tính vĩ đại của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương chịu khó, nhẫn nại chiến đấu với sự bần hàn, lam lũ…Theo kiểu Tú Xương cảm thán thương vợ:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông.
Nuôi đủ năm con với một chồng”


Một cách vô thức, hình ảnh đẹp của người đàn bà Việt Nam được đánh đồng với sự nghèo khó, bần hàn, tủi cực… Và được tôn vinh với kha khá tiếc nuối (thành thật lẫn giả tạo)

Tuy nhiên, không có gì đẹp đẽ trong sự khốn cùng, lam lũ cả! Xin đừng quên bẵng chính cuộc đời của chủ nhân những góc bếp đen đúa này thì “mắt cả đời chưa một lần trẩy hội” (Trịnh Công Sơn). Thương lắm, nhưng lấy cuộc đời nhọc nhằn đó để lấy làm chuẩn mực, e rằng có phần nào không phải? Đánh đồng sự nhẫn nại chịu đựng cả cuộc đời lam lũ với các giá trị “trung hậu, đảm đang”, lại càng không phải!

Vì sự bần hàn chưa bao giờ là một giá trị đáng tôn vinh cả! Ta nên mong ước sự sung sướng, no đủ cho những người phụ nữ của đời mình.

Đó là chưa tính đến, nhiều khi trong sự vất vả đó, có sự tham dự của một người đàn ông thất thời, bất lực như trường hợp của cụ Tú thành Nam với những thói hư tật xấu như “cao lâu thường ăn quịt, thổ đĩ lại chơi lường”.
Trong một thái cực khác của sự xưng tụng nữ quyền, người ta thả sức tung hô những người phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phủ đầy các loại huy chương, danh hiệu anh hùng lao động sáng tạo… Các giá trị này tự nó không xấu. Nhưng vừa “giỏi việc nước”, lại “đảm việc nhà” là một chuyện rất đáng ngờ vực. Vì nó quá khó! Và vì một ngày chỉ có 24 giờ, con người ta thường chỉ lựa chọn được một trong hai. Và vì hai giá trị ấy, cái này sẽ chiếm chỗ của cái kia. Sự lựa chọn nào tốt hơn, e rằng không ai dám xác tín!

Lịch sử Việt Nam dày đặc những bậc nữ kiệt “giỏi việc nước”. Đến nỗi nhớ lại chuyện xưa, người viết không thể không kinh ngạc vì chưa hề biết đến lịch sử một dân tộc nào mà các bậc nữ anh hùng lại xuất hiện nhiều và oanh liệt đến thế. Từ Nhị Trưng trả nợ nước thù nhà, cho đến bà Triệu, kẻ muốn “đạp luồng sóng dữ”, đến bà Bùi Thị Xuân, cô Bắc, cô Giang… Thật tiếc, ngoài những ghi chép lịch sử, chúng ta không có một bức hình họa chân xác về dung mạo của các bậc nữ lưu này. Họ đẹp hay xấu, duyên dáng hay cục mịch, đảm đang hay thô vụng…? Thật tiếc khi chúng ta không am tường về công dung ngôn hạnh của họ như với những điều hiển hách đã ghi vào sử xanh.


Hai nữ sinh Trưng Vương cưỡi voi diễn hành trong ngày lễ Hai Bà Trưng tại Sài Gòn

Ắt hẳn, họ là những giai nhân kiều diễm. Trước nhất vì gia thế quyền quí, hay nơi chốn nề nếp mà họ xuất thân. Họ là những người phụ nữ được giáo dục nghiêm cẩn, hẳn thế. Và không túng cực quanh năm để bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Nên tôi thật thà mong mỏi, và tin tưởng tột bực các bậc nữ lưu của chúng ta là những lady – quí bà thanh tú, đẹp đẽ, có học vấn hơn người. Những người tổ chức lễ hội Hai Bà Trưng cưỡi voi trận trên đường phố Sài Gòn năm xưa ắt cũng tin tưởng như tôi, nên mới khắt khe chọn những nữ sinh con nhà gia thế, dung nhan kiều mị, học hành giỏi giang… để mặc áo dài, đóng khăn vành đóng thế Hai Bà.

Nói chuyện xưa để gật gù tự thán: sự nghèo túng và thiểu năng về giáo dục không bao giờ làm nên cái đẹp của người phụ nữ cả. Chỉ trong một xã hội ấm no, và lấy các giá trị nhân bản làm đầu, mới có thể sản sinh những bậc mệnh phụ, những bậc mẫu nghi thiên hạ đúng nghĩa, và cả những người đàn bà đẹp từ trong lẫn ngoài. Nói theo Karl Marx: “con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội”, chừng nào chúng ta còn xót xa với những người con gái Việt đi làm dâu xứ người như một cách thoát nghèo, chừng nào họ còn làm nghề bán thân không phải để nuôi miệng mà để học thói xa hoa, chừng đó chúng ta còn phải đấm ngực ăn năn. Thay cho các lễ hội cờ đèn kèn trống ngoài kia.

Phụ nữ Phillipines không đẹp, không duyên dáng mặn mòi như phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Phi cũng đi làm nghề mãi dâm nhiều nơi trên thế giới, như phụ nữ ở những xứ nghèo cực khác. Nhưng phụ nữ Phi cũng hình thành một thương hiệu toàn cầu và rất đỗi lương thiện với ba nghề: giúp việc nhà, chơi nhạc jazz và y tá. Điều đó chẳng đáng cho chúng ta suy nghĩ về một hình tượng cho phụ nữ Việt Nam hay sao?

Dr. Nikonian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét