Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

Anh em nhà Yakuno



Ngụy Khắc Quái

Lời tác giả: Đây là một câu chuyện “phiệu”. Nếu ai đó thấy sao nó giống chuyện đời mình thì đừng “có tật giật mình” vì đó chỉ là sự trùng hợp ngoài ý muốn của tác giả.


Chuyện kể bắt đầu từ vùng Dannoura Nhật Bản năm 1180.

Hôm ấy, hai anh em nhà Yakuno rủ nhau đi bẫy chim cu rừng. Thằng anh, Koizumi Yakuno, 11 tuổi, hơn em nó Toshiro Yakuno một tuổi. Cha chúng nghèo khó, làm nghề đánh cá voi trên biển cả, có khi đi xa mấy tháng trời mới về nhà, phải tạm gửi chúng cho bà dì ở cách đó nửa dặm đường. Mẹ mất càng làm gia đình túng thiếu hơn nhưng chúng thương yêu nhau rất mực. Không bao giờ người ta thấy chúng rời nhau nửa bước. Bắn bi, ú tim, bơi lội, bẫy chim …đâu đâu người ta cũng thấy anh em chúng sánh vai nhau. Koizumi tuy còn nhỏ nhưng tướng mạo to lớn dữ dằn như một đưá trẻ 16, 17 tuổi. Học hành dốt nát nhưng đánh nhau và mưu mẹo thì không ai bằng. Toshiro trái lại học hành rất đỗi thông minh nhưng giàu tình cảm và hiền lành nhu mì. Cả hai anh em đều còn để chỏm trên đầu. Trò vui thích nhất của chúng là bẫy chim cu rừng.

Mùa này chim cu từ đâu bay về nhiều thế. Làm xong chiếc bẫy cho em, Koizumi bảo thằng Toshiro đem đặt ở đầu rừng gần nhà lão Fujiwara. Còn nó đặt một chiếc ở mé rừng cuối sông. Toshiro nghe lời anh đi ra tít đầu rừng đặt bẫy, xong lom khom chui vào bụi cây rình kéo cho bẫy xập. Bỗng nó nghe từ xa dường như có tiếng vó ngựa rầm rập, tiếng ngựa hí vang trời, chim muông hoảng hốt bay xáo xác khắp nơi. Những âm thanh ấy càng lúc càng tiến về gần nó. Hoà trong tiếng ngựa hí là tiếng đao kiếm chạm nhau chát chuá, tiếng người hét to như tiếng võ sĩ đạo lâm trận, tiếng rên la, thây người đổ xuống. Những chiếc đầu rơi lông lốc, máu phun có vòi lên mặt nó. Hoảng quá, Toshiro nằm bẹp xuống đất trong bụi rặm. Bùn, máu lấm đầy mình tanh tửi. Chờ cho đoàn người ngựa chém giết nhau đi qua hết rồi, Toshiro mới hoàn hồn chui ra khỏi bụi gai, chạy vội về nhà.

Xa xa, nó đã nhìn thấy xóm làng, nhà cửa bị đốt cháy, khói lửa ngất trời. Lửa nóng được gió thổi hừng hực tưởng chừng như đốt cháy nó tới nơi. Khi về đến nhà, Toshiro chỉ còn nhìn thấy cột kèo bị thiêu rụi, người cha thân yêu đã cháy thành than. Thằng Koizumi chưa về tới, không biết số phận ra sao. Toshiro nhận ra cha vì ông luôn đeo trên người chiếc răng con cá voi đầu tiên mà ông đã cùng bạn săn trong làng đánh bắt được khi còn thanh niên. Ngồi khóc bên xác cha một lúc, Toshiro lủi thủi đi tìm Koizumi, vừa đi vừa khóc lóc ai oán. Tất cả nhà cửa trong làng đều bị giật sập hoặc cháy rụi ra tro hết. Dân làng kẻ chết cháy, người chết vì bị đâm chém. Ðứng, ngồi, nằm, già, trẻ, bé, lớn, đàn ông, đàn bà chết đủ tư thế, đủ mọi tuổi tác.

Người sống sót kể lại trận chiến này do sứ quân (Shogun) Yoshitsume đánh nhau với các sứ quân khác, quan trọng nhất là với sứ quân Taira, địch thủ đáng gờm nhất của ông ta, để giành quyền bá chủ nước Nhật. Các sứ quân khác đã bị đại bại. Kẻ bị chém đầu, bêu giữa chợ, người bị chặt hết chân tay. Chỉ riêng sứ quân Taira lực lượng hãy còn nguyên vẹn. Nhưng yếu thế hơn, ông quyết định kéo quân về hướng Nam để gây dựng cơ đồ hầu chống lại quân của Yoshitsume sau này.

Ðang lầm lũi trên đường tìm anh ở mé rừng cuối sông, Toshiro lại nghe tiếng vó ngựa của cả một đoàn quân hùng mạnh chạy sau lưng. Quay đầu lại, nó thấy một sứ quân tướng mạo phi phàm râu dài bạc trắng, cưỡi trên lưng con bạch mã. Ông đeo kiếm bên hông sáng loáng, cung tiễn sau lưng, áo giáp sắt tề chỉnh. Chung quanh ông là những hiệp sĩ Samurai, người nào người nấy uy dũng tuấn tú. Cờ xí rợp trời. Ðó là tướng quân Taira. Nhìn thấy Toshiro vừa đi vừa khóc một mình ông ra lệnh đoàn quân dừng lại và quát hỏi Toshiro. Thằng bé sợ xanh mặt run lẩy bẩy. Tuy quát tháo nhưng giọng ông đầy thương cảm:

- Này bé kia, cha mẹ anh chị em con đâu mà lủi thủi khóc một mình thế hả?

Toshiro lí nhí:

- Dạ con chỉ còn một cha nhưng đã bị chết cháy trong trận chiến vừa rồi. Còn anh con là Koizumi bây giờ không biết ở đâu.

Sứ quân Taira vội ra lệnh cho quân sĩ lấy quần áo thay cho nó, cho ăn uống rồi ra lệnh cả đoàn quân đi về phương Nam, tránh đụng độ với quân của Yoshitsume vì ông biết đánh thêm nữa bây giờ chỉ hao quân tổn tướng mà chắc cũng chỉ rước lấy thảm bại thôi.

oOo

Từ đó Toshiro Yakuno trở thành con nuôi của sứ quân Taira Fujiwara. Toshiro được cha nuôi cưng chiều dạy dỗ. Ông buộc cả những samurai dạy cho nó đủ thứ võ nghệ nổi tiếng thời đó kể cả dạy đánh gươm Kendo. Lớn lên, Toshiro theo cha chinh chiến khắp nơi, lập nhiều công trận trong đó quan trọng nhất là hai lần đánh bại được quân Mông Cổ xâm lăng Nhật Bản. Chiến công của Toshiro không do lực lượng hùng mạnh mà do mưu lược, chiến thuật thiên tài của chàng. Sứ quân Taira thương yêu chàng như con ruột nên ông đứng ra mai mối và chủ hôn cho chàng lấy con gái nhà tướng quân Hayakawa có họ hàng thân thích với ông, nàng Yamaguchi Hayakawa kiều diễm. Lúc ấy Toshiro đã tròn 30 tuổi.


Nàng Yamaguchi kiều diễm

oOo

Về phần Koizumi Yakuno, ngày làm bẫy cho em bắt cu, lúc xảy ra chiến trận, nó cũng đang rình trong bụi rặm ở mé sông. Ðột nhiên, Koizumi nghe tiếng vó ngựa, tiếng ngựa hí, tiếng người kêu la rên siết, lửa cháy bốn bề, thây người ngã gập. Hoảng quá nó chui ra khỏi bụi rậm, ù té chạy về hướng nhà cha nó đang ở đó. Xóm làng rực cháy trong cơn khói lửa ngập trời. Koizumi chạy băng qua sông để về nhà cho nhanh. Sông loang đầy máu đỏ. Thây người chồng chất lên nhau. Nó dẫm lên xác chết làm cầu chạy về đến nhà. Cũng như Toshiro, nó nhìn thấy xác cha đã cháy thành than. Koizumi gọi réo tên em nhưng vẫn không sao tìm ra đứa em thân yêu. Dân làng kẻ mất cha mẹ, kẻ mất vợ con, người chết cháy trong đống tro tàn hay thân thể bị phanh từng mảnh. Người sống sót kéo nhau chạy về hướng Nam. Họ muốn chạy theo sứ quân Taira để được bảo vệ. Koizumi không biết đi về đâu, đành lê gót theo đám người khốn nạn đi về phương Nam. Dọc đường nó nghe người ta kể sứ quân Yoshitsume không bắt được sứ quân Taira nên nổi giận chém, giết tứ tung rồi phóng lửa đốt nhà dân lành. Có người nói còn thấy thằng Toshiro được sứ quân Taira đem đi về hướng Nam rồi. Koizumi khóc thương em đến sưng cả đôi mắt. “Từ đây còn bao giờ gặp lại đứa em yêu dấu, cùng nhau đánh bi, lội sông, bẫy chim nữa hở em Toshiro thân yêu của anh?”, Koizumi vừa than thở vừa ôn lại kỷ niệm với cha, với em nơi cái làng đánh cá nghèo nàn này. Ðoàn người cứ thế lầm lũi đi, băng rừng lội suối, trèo non, qua đèo. Ðói khát, có kẻ đã chết dọc đường.

Ðến một khúc sông, mọi người mừng rỡ vì đã có nước uống. Họ nhào xuống vục từng vốc nước đổ vào mồm. Ðang lom khom vục nước uống nữa, họ bỗng nhìn thấy, phản chiếu dưới lòng sông, những giáo mác, cờ xí, ngựa chiến đông nghịt. Ngẩng mặt lên họ bắt gặp một ông tướng lưng mười thước cao, râu ria, mắt sâu như cú vọ, áo giáp, mũ trận bằng thép sáng ngời còn nhuộm đầy máu tanh, ngồi trên lưng một con tuấn mã màu đen tuyền. Thôi rồi! Sứ quân Yoshitsume! Lão thét to lên ra lệnh binh sĩ chém, giết hết những người sợ lão mà bỏ chạy về hướng Nam theo chân Taira. Không theo lão, bỏ chạy là phải chết. Thật ra lão đến con sông này với mục đích chặn đoàn quân di tản của Taira, nhưng Taira đã nhanh chân đến đây trước và đã vượt sông đi về hướng Nam an toàn. Lão không dám đuổi theo nữa vì biết dân ở phương Nam không ưa gì lão và nơi đó lão cũng không có quân hỗ trợ. Phương Nam hầu như là lãnh điạ của sứ quân Taira. Lão đành chém, giết cho hả giận xong rồi ra lệnh kéo quân về.

Koizumi từ nãy trốn trong hốc đá nên thoát nạn. Ðói quá, đành bò ra xin binh sĩ của Yoshitsume cho ăn uống. Nghe bảo có “gián điệp” tí hon đang ở trong hàng ngũ và được vài binh sĩ động lòng từ tâm cho ăn uống, Yoshitsume vội chạy đến hiện trường xem sao. Chợt thấy thằng bé tướng mạo dữ dằn, mạnh bạo như mình và sau khi nghe tỏ bày hoàn cảnh cô đơn khốn khổ của nó, tự nhiên lão thấy có cảm tình với thằng bé ngay. Lão ra lệnh binh sĩ cho Koizumi ăn uống tử tế, tắm rửa sạch sẽ rồi cho nó cưỡi một con ngựa theo cạnh lão suốt dọc đường rút quân về phương Bắc, lãnh điạ mà lão “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

oOo

Từ đó Koizumi Yakuno trở thành đứa con nuôi cưng yêu của sứ quân Yoshitsume. Hắn được bố nuôi dạy cho võ nghệ, binh pháp nhất là tài chính trị xảo quyệt, bịp bợm tàn ác không ai bằng. Yoshitsume bằng phương pháp này đã dẹp được nhiều sứ quân khác, thống trị trọn miền Bắc nước Nhật. Người ta nói rằng có lần mượn danh nghiã chống quân Tàu xâm lược, lão chiêu dụ những sứ quân yêu nước khác đến họp tại trang trại của lão rồi bất thần cho lâu la tập kích bằng cung nỏ giết sạch những sứ quân dám chống đối lão. Có khi lão còn dùng cả tay bọn Tàu để diệt những sứ quân này. Vì thế, về sau, trong lãnh điạ lão cai trị, người ta đặt cho lão biệt danh “Yoshitsume cáo già”. Koizumi học những mánh khoé “bình thiên hạ” này của lão rất nhanh và có khuynh hướng còn thâm độc và xảo quyệt hơn lão nữa. Trẻ tuổi tài cao có khác.

oOo

Ichinotani năm 1205.

Sứ quân Yoshitsume cảm thấy tuổi già sức yếu rồi mà chưa dẹp được Taira để làm chủ toàn cõi nước Nhật nên càng hận Taira. Lão nhất quyết bằng mọi giá phải thanh toán Taira trong năm này.


Sứ quân Yoshitsume

Vốn xuất thân là thợ rèn, chuyên rèn đao kiếm cho các Samurai nên lão học được nơi họ tài đao kiếm võ nghê vô song. Mồ côi cha mẹ, lão có một thuở ấu thơ cơ cực. Lớn lên, trong lòng chỉ nuôi mộng bá chủ thiên hạ, trả thù những người giàu có, học thức, khoa bảng, quan quyền. Khi mới chiếm trọn miền Bắc nước Nhật, lão đã ra lệnh cho thủ hạ giết sạch những nhà giàu có, những chủ đất, phú nông, quan lại, samurai và bá quan văn võ của các shogun khác. Không biết bao nhiêu là kẻ bị giết oan. Dân tình thán oán đến tận trời xanh. Vài nơi đã nổi lên làm loạn. Một mặt Yoshitsume đổ thừa thuộc hạ làm sai, một mặt thẳng tay đàn áp những kẻ nổi dậy. Sau mấy năm lão hoàn toàn bình định các lãnh điạ chiếm đóng và cai trị vô cùng hà khắc. Tất cả mọi sinh hoạt đời thường của người dân bị cấm đoán. Dân chỉ biết tuân lệnh lão và xưng tụng lão cùng những người theo lão từ thuở hàn vi, trong đó có Koizumi. Lão đã từng được một danh sư người Bạch Quỷ phương Bắc trao cho quyển chân kinh, trong đó dạy cách làm sao diệt bọn nhà giàu, bọn chủ đất, bọn khoa bảng v.v…Chỉ có những người làm thợ thuyền, nông dân mới được sống và làm quan trong vùng lão cai trị. Vớ được quyển kinh này, lão sung sướng vô tận và đem ra áp dụng trong phép trị quốc và bình thiên hạ.

Năm nay lão tự ra chỉ tiêu tối hậu là phải thanh toán cái ung nhọt Taira. Nghe đồn quân sĩ của sứ quân Taira đang hoang mang vì chuá buộc rút lui xuống sâu hơn nữa về phía xa con sông Tazima và đang thiếu thốn binh khí lương thực do bị bọn vương quốc phiá Tây phản bội, không cung cấp cho nữa, Yoshitsume tung hết lực lượng tràn xuống phiá Nam, nhất định tận diệt Taira. Quân của Yoshitsume đi tới đâu dân bỏ chạy tới đó. Lão ra lệnh giết sạch những người dân bỏ lão mà chạy. Có những nấm mồ chôn hàng ngàn người bị xỏ tay như xâu chuỗi.

Chiến thuật của lão là hành quân theo đường hiểm trở nhất để bất ngờ đánh thẳng vào kinh thành Kyoto cuả Taira. Cánh quân này do đích thân lão chỉ huy. Mặt phiá Tây Taira phòng thủ kỹ nhất nên lão giao cho một danh tướng tấn công vào.

Kinh thành Kyoto chỉ trong vài tuần chống cự, đã bị lọt vào tay đối phương. Quân của Yoshitsume chỉ cần vài ngày đã tiến đến cứ điểm cuối cùng cuả Taira, vùng eo biển Ichinotani, làng Yoshihara. Nơi đây xảy ra một trận huyết chiến long trời lở đất. Quân Taira đại bại chạy về cố thủ ở làng này. Chỉ còn vài trăm quân và các samurai trung thành, Taira nhất định không đầu hàng. Ông chiến đấu dũng mãnh như một con hổ bị thương, gầm thét vang trời trên lưng ngựa. Tay bị một mũi tên độc cắm phập vào, áo bào nhuộm máu đỏ, ông vung gươm tới đâu, đầu quân địch rơi đến đó. Khi máu ra quá nhiều, ông bắt đầu thở hồng hộc, bất thần Yoshitsume hiện ra trước mặt, cây trường thương lão luyện của lão lướt qua cổ Taira. Ðầu Taira rơi xuống đất, máu từ cổ ông tuôn lên thành vòi ướt cả chiến bào của Yoshitsume. Thừa thắng Yoshitsume thúc ngưạ bay đến lều trại nơi gia đình vợ con Taira đang ẩn nấp. Bao nhiêu hận thù giòng họ nhà này bây giờ mới được dịp rửa sạch, sẵn cây trường thương lão chém cả nhà Taira chết hết mặc dù Taira phu nhân đã quì lạy lão xin tha mạng cho các con. Thảm cảnh này đã được chàng hoạ sĩ tài hoa Seikichi vùng ngoại ô Kyoto chứng kiến và về sau vẽ lại hay xâm lên mình các cô gái để người đời truyền tụng.


Trận ác chiến ở Ichinotani, quân cuả Taira bị đánh tan

oOo

Trong khi Yoshitsume ác chiến với Taira, Toshiro Yakuno, lúc bấy giờ đã là một tướng lãnh trẻ tuổi, tài ba dưới trướng của Taira, đang trấn ở thành Yoshihara, cứ điểm trọng yếu chận đường vào kinh thành Kyoto của quân Yoshitsume. Ông không hề biết kinh thành đã mất và Taira cùng gia đình đã bỏ thành chạy về làng Yoshiha và chết thảm ở đó.

Buổi sáng hôm ấy, Toshiro đang ngồi dùng điểm tâm với vợ con bỗng lính gác thành hớt hải chạy vào phi báo thấy từ xa cát bụi mù trời có một đoàn quân với cờ xí của Yoshitsume đang tiến nhanh về phiá thành. Chỉ nửa canh giờ sau chúng đã vây kín thành Yoshihara. Cầm đầu đoàn quân này là một tướng lãnh uy dũng phi thường, râu ria rậm rạp. Ông phi ngựa đến cận thành, bắc loa kêu gọi tướng giữ thành và quân bên trong hãy ra đầu hàng. Ðáp lại lời kêu gọi này là những mũi tên bay tới tấp như mưa. Hoảng hồn, viên tướng cầm đầu quân tấn công thành quày ngưạ chạy lui về hậu cứ. Biết rằng không thể thuyết phục đám quân trong thành, ông bèn cho lệnh binh sĩ hè nhau khiêng những khúc gỗ to bằng thân cây, lấy trớn từ xa húc mạnh vào cửa thành. Tên trên thành bắn xuống như mưa, quân của Yoshitsume chết như rạ. Hết lớp này ngã, lớp sau lại tiến lên. Cứ như thế đến xế chiều, khi bóng quân sĩ in rõ trên vách thành thì đám quân tấn công đã tràn vào như nước vỡ bờ. Quân của Toshiro bị bắn, chém, chết la liệt, vắt vẻo trên bờ thành, trong hào luỹ, ngoài cổng thành. Lúc đó ông tướng đánh thành mới cùng một toán samurai hộ vệ phi ngựa vào để lùng bắt tướng Toshiro bại trận. Tìm kiếm mãi không gặp, ông ta quá chán nản nhưng may quá, binh sĩ báo chúng thấy một người kéo cả nhà gồm vợ con và thủ hạ trung thành chạy về một đường hầm bí mật hầu thoát ra khỏi thành. Tướng râu rià bèn đem một số quân chận cuối đường hầm. Khi Toshiro cùng gia đình và thủ hạ thân tín vừa chui ra, họ chạm trán ngay với ông ta. Toshiro đành liều chết mở đường máu tháo lui và bảo vệ vợ con. Ông đành phải giáp mặt giao chiến với ông tướng râu rià. Viên tướng này quá dũng mãnh. Các thủ hạ của Toshiro lần lượt bị ông ta, với cây trường thương nặng ngàn cân chém chết gần hết. Ðến khi ông ta định chém tới Toshiro phu nhân, nàng Yamaguchi Hayakawa kiều diễm, Toshiro vội quẳng giáo, quỳ xuống chịu chết thay cho vợ con. Viên tướng râu rià cảm động trước tình vợ chồng, cũng như lòng can đảm của Toshiro nên tha chết cho họ. Ông bèn sai quân sĩ trói gô Toshiro lại và truyền giải về trại. Ðêm ấy, ông ta bắt đầu hỏi cung Toshiro, sau khi cởi trói cho kẻ chiến bại.

- Mi tên họ và cấp bậc là gì dưới trướng của Taira?

Toshiro dõng dạc trả lời:

- Ta là Toshiro Yakuno, đại tướng trẻ nhất nhưng nhiều chiến công nhất, dưới trướng của sứ quân anh dũng Taira.

Nghe đến đây, tướng râu rià bỗng tròn xoe đôi mắt, dựng đứng bộ râu, bật người khỏi ghế, nhảy đến ôm chầm lấy Toshiro rồi khóc nức nở như một đứa trẻ con. Toshiro sợ quá, lấy tay đẩy ông ra. Nhưng ông ta vẫn khóc và vẫn ôm chầm lấy Toshiro cho bằng được, như ôm một đứa trẻ trong lòng. Khi dịu cơn xúc động ông mới nức nở nói:

- Ta là Koizumi Yakuno, anh của em đây, là tướng trung thành của sứ quân Yoshitsume đây. Em thay đổi nhiều quá. Em cũng không nhận ra ta à?

- Trời ơi! Anh Koizumi thân yêu của em! Sao tạo hoá lại bắt chúng ta xa cách nhau rồi lại đoàn tụ trong hoàn cảnh này, hở trời?

Hai anh em ôm chầm lấy nhau khóc lóc, nói cười, gợi lại với nhau bao kỷ niệm êm đềm lẫn thê lương ngày còn bé, cuộc đời luân lạc vinh nhục kể cho nhau nghe suốt đêm không ngủ.

oOo

Sứ quân Yoshitsume, sau khi diệt được Taira, vì tuổi già sức yếu nên đã qua đời và trao quyền chỉ huy đất nước lại cho quân sư Yamamoto. Tên này là một quân sư gian manh, khát máu không ai bằng. Từ lúc biết rằng Yoshitsume già yếu sắp chết, hắn từ từ lấn át quyền hành của lão, lặng lẽ loại trừ các tướng lãnh, các quan văn võ trung thành của lão bằng cách bắt cóc, thủ tiêu, đưa họ đi đày nơi rừng thiêng nước độc mà người nhà không ai hay biết. Sau khi Yoshitsume chết, sứ quân Yamamoto cai trị nước Nhật bằng bàn tay sắt. Trong vùng trước kia thuộc lãnh điạ của Tara, hắn bắt giam tất cả bá quan văn võ, những samurai, những người đã từng làm việc dưới thời Taira rồi giết họ lần mòn trong các trại giam thiếu ăn, dơ bẩn, bệnh tật đủ thứ và bắt họ phải làm việc khổ sai cho đến kiệt lực rồi chết. Một số ít người được tha về vì có họ hàng gần với bọn tay sai của Yamamoto.

Trường hợp của Toshiro có khác. Vì là em của tướng Koizumi nên không bị tội chết nhưng vì là tướng lãnh cao cấp của Taira nên phải bị lưu đày đi biệt giam ở một trại giam miền cực bắc Mutsu. Yamagushi ngày ngày đến chầu chực ở dinh tướng Koizumi, là anh chồng, để xin ông năn nỉ với Yamamoto tha cho chồng về đoàn tụ với vợ con. Koizumi cứ hẹn lần lữa năm này qua năm nọ, Yamagushi chẳng bao giờ thấy lại bóng dáng người chồng thân yêu của mình trở về. Thực ra Koizumi cũng không dám hé môi xin cho em vì ông ta sợ Yamamoto nghi ngờ mà mất chiếc ghế tướng lãnh. Một mình Yamaguchi với cặp nách ba đứa con còn thơ dại, bà làm đủ nghề bươn chải nuôi con, từ nghề bán đậu nành đến cuốc đất trồng khoai, bẫy cá bẫy tôm, hàng ngày đem ra ngôi chợ cách xa nhà hàng mươi cây số để bán. Từ ngày Toshiro bị lưu đày, dinh thự trong trại của vợ chồng bà đã do Koizumi chiếm lấy. Yamaguchi phải gom hết tiền bạc còn lại mua một căn nhà nhỏ ngoài cổng thành, ẩn nhẫn, thủ tiết đợi chờ ngày chồng về mặc dù bà cũng chẳng biết chồng bị giam ở đâu, bao giờ thì được tha về. Tuy đã ba con nhưng Toshiro phu nhân vẫn còn nhan sắc mặn mòi.

oOo

Sáng nay Yamaguchi dậy sớm cho con ăn rồi đưa chúng đến trường như thường lệ. Khi trở về, bà nhìn thấy trong sân nhà, Koizumi đã cột con tuấn mã ở đó hồi nào. Mừng quá, bà chạy vào nhà đã thấy Koizumi ngồi chờ. Hỏi thăm tin tức chồng: cũng lại thất vọng não nề. Bà ôm mặt khóc. Koizumi tiến đến gần bà, đặt tay trên vai bà an ủi vài câu rồi bàn tay ấy cứ thản nhiên đi xuống ngực, xuống bụng và xa hơn nữa. Yamaguchi không kịp phản ứng gì. Bỗng Koizumi ôm ghì lấy bà. Bà cố vùng vẫy thoát khỏi bàn tay cứng như thép của ông ta nhưng vô phương. Bàn tay kia của ông đã xé toang quần áo của bà rồi như điên cuồng, một tay ghì chặt Yamaguchi, tay kia ông ta tư lột hết giáp sắt, kể cả quần áo mặc trong. Mới đầu Yamaguchi còn chống cự mãnh liệt nhưng rồi sức chống cự cứ yếu dần. Trong khoảnh khắc bà thoáng nhận ra Koizumi giống hệt Toshiro chồng bà. Xa vắng chồng bao năm, Yamaguchi bỗng thấy thèm khát hương vị ái ân ngày cũ và vì nghĩ biết đâu cho Koizumi thoả mãn cơn thèm khát nhục dục thì ông ta sẽ giúp cho chồng mình được sớm thả ra, nên sau cùng bà cứ để Koizumi cắm phập vào người mình hào quang của kẻ chiến thắng, đồng thời cũng là nỗi đau nhục của người chiến bại.


Koizumi hãm hiếp Yamagushi

Sau khi chiếm đoạt được Yamagushi, tướng Koizumi mặc lại áo giáp chỉnh tề bước lên con tuấn mã, quay trở về doanh trại, không một lời từ biệt, không ngoái cổ nhìn lại, để mặc Yamagushi loã lồ ngồi thút thít khóc trong xó nhà.

Sau khi Koizumi ra đi độ một canh giờ Yamagushi mới hoàn hồn. Bà vội mặc lại xiêm y, bước ra bàn trang điểm, lấy lược chải lại mái tóc bóng mượt. Nhìn trong gương bà thấy mình còn xinh đẹp lắm. Chiếc lưng thon có xâm hình cảnh Yoshitsume chém đầu cả gia đình Taira do bà thuê chàng hoạ sĩ nổi tiếng Seikichi ở ngoại ô Kyoto vẽ, vẫn còn đó. Nó gợi lại cho bà những kỷ niệm ái ân với chồng nhưng cũng nhắc nhở bà mối thù cả dòng họ đã bị Yoshitsume tận diệt. Yamagushi vào phòng tắm để rửa cho sạch mối nhục lẫn khoái cảm do Koizumi đã lưu lại trên người. Nhưng vô ích. Càng lúc bà càng cảm thấy tội lỗi với chồng, cảm thấy phản bội Toshiro, kẻ đã luôn chở che cho bà qua bao sóng gió cuộc đời, kẻ đã suốt đời chỉ biết thương yêu vợ con và ông còn là một người yêu nước Nhật và dòng họ Taira của bà nồng nàn. Càng lúc bà càng cảm thấy nhục nhã ê chề, càng thấy không còn xứng đáng với Toshiro nữa. Bước vào buồng trong bà mở chiếc rương gỗ, lấy ra bộ quần áo cưới ngày về với Toshiro, đeo vào cổ những chiếc vòng xuyến có chạm những hình tượng của dòng họ Taira. Rồi bà lững thững trong đêm, bước ra khỏi nhà đi về phiá cánh rừng cách đó mấy dặm, có một ngọn thác cao, không than không khóc nữa, bà mím môi rồi gieo mình xuống dòng nước bạc. Thác cuốn trôi xác bà ra sông rồi từ sông ra biển.

oOo

Trong trại giam miền cực bắc Mutsu, Toshiro Yakuno ngày ngày mong ngóng tin vợ con, tin tức về kết quả chuyện Koizumi xin xỏ Yamamoto cho mình về nhà. Cả bao năm trời bị bọn cai tù hành hạ, đoạ đày, ăn uống thiếu thốn, gầy còm, Toshiro biết rồi bọn Yamamoto sẽ đày mình đến chết không ai biết. Koizumi chắc cũng không dám xin xỏ gì cho mình đâu. Tuyệt vọng.

Ðêm ba mươi tháng chạp, trời tối đen như mực. Xa xa có tiếng chó sói tru não nùng. Toshiro chờ cho các bạn tù ngủ hết bèn lén dậy chui ra khỏi chỗ nằm đặt trên những miếng gỗ thùng, tiến về điếm canh. Ðêm thanh tịnh chỉ còn nghe tiếng nghiến răng kèn kẹt của hàng ngàn tên tù trong trại giam. Trên điếm có một tên lính gác đeo cung tên, bên sườn đeo một cây đoản kiếm. đi qua đi lại. Chờ cho hắn mỏi chân ngồi bệt xuống, lén lút rít một điếu thuốc lào thì ông mọp người bò đến chân chòi. Toshiro thoăn thoắt leo lên đến điếm canh và khi tên lính vừa nghe động tịnh có người trèo lên, quay lại, đã bị ông ghịt cổ và ghì cho đến khi hắn dãy duạ vài cái rồi xuôi tay. Toshiro vội thay bộ quần áo lính canh và đeo vào người khí giới của hắn rồi trèo xuống ra khỏi trại biến mất vào khu rừng rậm gần đó.

Toshiro băng rừng vượt suối hàng mươi dặm đường đến một bến cảng tấp nập ghe thuyền buôn bán. Thay đổi y phục dân thường ông đi theo làm việc ở một tàu buôn Trung Quốc, chở hàng xuôi về Nam, đến thành Yoshihara. Về đây ông dọ hỏi, biết nay Koizumi đã chiếm nhà mình, vợ con phải ở căn nhà lụp xụp ngoại thành, vợ bị Koizumi hiếp nên tự vẫn, hai đứa con bị chuá Yamamoto đày đi làm phu cho nước bạch quỷ trên tận cùng phiá Bắc của trái đất, còn đứa út được một nhà sư Tây Tạng đem về một ngôi chuà làm chú tiểu, tận đâu không biết.

Căm hận Koizumi đến tận đáy tâm can, Toshiro nuôi chí trả thù. Nhưng dưới tay không một tấc sắt, trốn chui trốn nhủi vì là tù vượt ngục, làm sao chống chọi nổi với một viên tướng thiên binh vạn mã, uy dũng vô song? Chỉ còn một cách…

oOo

Từ một tháng nay, tướng Koizumi không ăn được ngon, không ngủ được yên. Mỗi ngày lại một chuyện rùng rợn xảy ra cho ông ta. Khi thì buổi sáng mở cửa ra đã thấy đầu con gà chọi yêu quí của ông treo lờ lững ở cửa. Lúc thì xác con chó săn thân yêu của ông chỉ còn cái đầu nhe răng ra, treo tòn ten ở cổng doanh trại. Có lúc mới sáng sớm ngủ dậy đã nhìn thấy ngoài khung cửa sổ đầu con tuấn mã móc ở cây tùng trước sân trại. Bao giờ cũng có tấm “danh thiếp” của Toshiro với “lời chúc tụng nồng nhiệt nhất”. Nếu Toshiro có thể vào trại ông để làm những chuyện này thì một ngày kia hắn ta có thể lẻn vào để giết mình, Koizumi nghĩ như vậy. Phần Toshiro, ban ngày biến đâu mất, ban đêm lẻn về ngôi nhà hoang, nhện giăng đầy đầu để “hành sự”. Koizumi chịu hết nổi, ra tối hậu thư buộc thủ hạ phải bắt cho kỳ được hoặc giết chết Toshiro.

Một đêm, khi Toshiro từ trong rừng lẻn về căn nhà hoang để hoá trang, đeo mặt nạ và lấy binh khí đi hành sự, ông lọt vào ổ phục kích của quân Koizumi. Chúng hò hét, đuổi bắt ông và bắn tên như mưa. Toshiro bị trúng tên độc rơi xuống ghềnh thác chết thảm. Ðể chắc chắn Toshiro đã chết và hồn sẽ không trở về báo oán, Koizumi sai binh sĩ đóng bè thả xác Toshiro trôi ra biển khơi.

oOo

Chuà A Di Ðà được xây cất trên một ngọn đồi làng Yoshihara nhìn ra bờ bể vùng eo biển Ichinotani. Mới năm năm trước thôi, nơi đây đã chứng kiến trận chiến ác liệt giữa sứ quân Yoshitsume và sứ quân Taira. Quân của Taira kể cả sứ quân và vợ con đã bị tàn sát hết. Chỉ còn một số rất ít Samurai trốn thoát, phải đóng bè vượt biển sang Triều Tiên lánh nạn. Ðể xây chuà, dân làng phải đào hàng chục ngôi mộ vô chủ trên đồi rồi hoả táng những xác chết cho vong linh các chiến sĩ đôi bên được siêu thoát.

Trụ trì chuà A Di Ðà là một cao tăng, không biết từ đâu đến, đến từ bao giờ, pháp danh là gì, không ai biết. Chỉ biết tướng mạo ngài phương phi, nước da trắng trẻo, sang trọng phi phàm, gương mặt chữ điền, phúc hậu hiền từ. Ai hỏi pháp danh, quê quán, ngài cũng chỉ mỉm cười, chắp tay vái mấy cái rồi nhũn nhặn trả lời: “ A di Ðà Phật!. Bần tăng là con Bồ Tát, từ xứ Phật đến”. Chiều chiều ngài hay thả bộ dọc bờ biển làng chài Yoshihara ngắm trời nước bao la, miệng lâm râm đọc kinh Phật. Từ khi về ngôi làng Yoshihara này ngài đã hành thiện cho không biết bao nhiêu gia đình dân chài: phát gạo cho người nghèo khổ, bắt mạch hốt thuốc miễn phí, dạy dỗ trẻ con, chăm lo việc cúng tế, ma chay cho dân. Ai ai cũng kính trọng, tôn thờ ngài như một vị thánh. Người ta đặt pháp danh cho ngài là thầy Chí Thiện. Có lẽ ngài là một trong những nhà sư chân chính còn sót lại tại các chuà nước Nhật thời bấy giờ. Sau khi chuá Yoshitsume đã tận diệt được sứ quân cuối cùng là Taira và thâu tóm quyền lực khắp nước, từ đó lão cho thủ hạ giả làm sư đến các chuà, tổ chức hạ bệ những nhà sư chân chính rồi chiếm lấy chuà, hành động dâm ô, vô đạo đức để dân không còn tin vào chuà chiền, sư, Phật nữa. Dân Nhật thời bấy giờ tôn sùng đạo Phật đến nỗi tại các làng xóm người ta vẫn truyền tụng nhau câu “chuà là cái Thiện của làng”. Yoshitsume cần phải làm giảm uy thế của đạo Phật trong dân chúng vì đây là lực lượng đáng sợ nhất cho quyền lực của lão.

Chiều hôm đó, Chí Thiện sai chú tiểu Hoichi lo nhang đèn, gõ mõ, tụng kinh rồi sửa soạn giường phản cho ngài nghỉ, sớm hơn thường lệ. Ngài đi bách bộ dọc theo bờ biển ngắm cảnh thiên nhiên hùng vĩ của biển cả đồng thời chiêm nghiệm những câu kinh trong quyển Kinh Phật dầy cộm ngài đã tìm được trong Tàng Kinh Các. Ngoài kia nắng chiều gần tắt, rọi chút ánh sáng vàng vọt yếu ớt lên chiếc áo nâu sòng bạc màu của ngài. Tiếng sóng rì rầm vang vọng từ xa xăm rồi lớn dần và sau cùng sóng vỡ tan thành những mảnh bạc lấp lánh thuỷ tinh dưới ánh mặt trời khi chạm vào bờ đá.

Ðang say mê thả hồn theo cảnh sắc thiên nhiên, thả hồn bay bổng theo những dòng chữ Phạn trong cuốn Kinh Phật, ngài bỗng thấy từ xa, trôi giạt vào bờ một vật gì trông như một khúc củi dài. Khúc củi bị sóng đánh trôi vào bờ rồi lại bị kéo giật ra, vật vờ, lềnh bềnh. Sau cùng, một đợt sóng mạnh hất nó văng lên bãi cát và nằm im bất động. Chí Thiện vội chạy đến xem, ngài nhận ra đó là thi thể một người đàn bà gần như loã lồ, sắp mục rữa, mùi hôi thúi xông lên nồng nặc. Chí Thiện lợm giọng buồn nôn. Ngài cố trấn tĩnh, dằn cơn buồn nôn xuống rồi vội cởi áo cà sa chùm lên che kín thân thể người chết. Người đàn bà có bộ tóc dài đen mượt, gương mặt bị mất một nửa, một chân và một tay chắc là bị cá mập cắn đứt còn quần áo bị sóng xé rách bươm. Nhưng nhìn kỹ, nhà sư cũng nhận ra bà là con nhà giòng dõi quí tộc trâm anh. Chiếc áo, loại áo cưới, rách tơi tả nhưng là loại áo sang trọng, chỉ con nhà quí tộc mới đặt may được mãi tận Kyoto. Tay còn lại và cổ bà còn đeo vòng vàng có chạm trổ những hình tượng của dòng dõi nhà sứ quân Taira. Ðặc biệt trên lưng bà, Chí Thiện cố nhìn kỹ mới nhận ra còn có xâm hình cảnh Yoshitsume cầm gươm chặt đầu vợ con nhà Taira. Bức hoạ này chỉ có tay thơ xâm lừng danh Seikichi ở ngoại ô Kyoto mới vẽ nổi và chỉ có con nhà giàu mới đủ tiền thuê y vẽ và xâm khắc lên lưng. Thời bấy giờ người đàn bà Nhật thích xâm hình lên lưng để tăng thêm “vị ngọt” kích thích của tình yêu cho đức lang quân hay người tình khi ân ái.

Ðắp cà sa cho cái xác vô thừa nhận xong, sư Chí Thiện chạy vội về chuà, gọi chú tiểu Hoichi và chúng tăng ni chuà A Di Ðà ồ ạt kéo xuống bãi biển, dùng cáng khiêng xác người đàn bà về chuà. Sau một ngày tụng kinh siêu độ cho vong linh người quá cố, đại sư Chí Thiện ra lệnh cho chú tiểu Hoichi và những đệ tử thập phương đến chuà học đạo pháp, đào huyệt, đặt cái xác quấn trong một tấm chiếu hoa, chôn vào một ngôi mộ trong khu vườn sau chuà. Không có gỗ để đóng hòm. Thời bấy giờ gạo thóc và tất cả mọi thứ bị Yamamoto tịch thu chở đi đâu không ai biết. Chí Thiện đẽo một khúc cây rồi khắc chữ “vô danh thị” cùng ngày tháng ông đem được cái xác về chuà rồi đóng thành tấm bia gỗ nhỏ gắn trên mộ kẻ xấu số.

oOo

Mấy tháng trôi qua. Bỗng một đêm, vào giờ Tý, dân làng chợt tỉnh giấc khi nghe như có tiếng đàn bà khóc, kể lể ai oán, phát xuất từ khu vườn trong chuà A Di Ðà. Lúc thì tiếng người đàn bà gọi tên một ai đó, dường như Toshiro Yakuno thì phải. Khi gọi tên người đàn ông này, tiếng khóc ai oán xen lẫn giọng âu yếm, thì thầm. Có lúc tiếng bà hốt hoảng, hét lên, hận thù pha lẫn những tiếng cười sằng sặc khoái lạc khi bà kêu tên một người đàn ông khác: Koizumi Yakuno. Sau cùng tiếng khóc thút thít, nhỏ dần rồi tắt lịm khi trời mờ sáng đúng lúc con gà tre nhà lão già Tanaka đầu xóm cất tiếng gáy đầu tiên trong ngày. Từ đó, đêm nào dân làng Yoshihara cũng nghe tiếng khóc than cuả người đàn bà này. Người ta đồn tiếng khóc phát xuất từ ngôi mộ “Vô danh thị” trong vườn chuà A Di Ðà của sư Chí Thiện. Nhưng rồi người ta cũng quen dần vì họ nghĩ ngài Chí Thiện thừa ân đức và pháp thuật để trừ yêu ma quỉ quái. Hơn nữa, vong hồn người đàn bà này có lẽ chỉ thốt nên niềm ai oán uất hận chứ không chọc ghẹo hãm hại ai cả. Có người còn đem hoa tươi hàng ngày đến cúng lễ cho hồn bà sớm siêu thoát, cho bà quên đi niềm uất hận khôn nguôi. Nhưng vong hồn này vẫn không bao giờ được siêu thoát. Vẫn réo, vẫn khóc hàng đêm, vào đúng giờ Tý và biến mất khi trời vừa sáng.

Về phần sư Chí Thiện, ngài là người đã gặp bóng ma người đàn bà vô danh ngay đêm đầu tiên nó xuất hiện nhưng ngài không kể cho ai nghe, kể cả chú tiểu Hoichi. Ðêm ấy, khi ngài đang chập chờn trước ngọn bạch lạp bỗng ngài nhìn thấy một bóng trắng đi lướt nhanh qua khung cửa sổ. Cầm cây phương trượng Chí Thiện đuổi gấp theo bóng ma. Ngài nhận ra nó. Ẩn trong cái bóng trắng của một người đàn bà đẹp đẽ, nhà sư lờ mờ thấy bên trong là mặt người đàn bà bị mất một nửa và một chân một tay bị cụt. Ðúng là người đàn bà mà ông đã đem từ bở biển về và chôn cất cách đây ba tháng. Bóng ma bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu khóc ai oán. Một lúc sau nó dừng lại như đợi nhà sư tới gần. Rồi bỗng nó quì mọp hẳn xuống đất, dập đầu khấn lạy nhà sư như thể để cám ơn ngài đã giúp đem nó về gần cõi Phật. Chí Thiện không đuổi nữa, ngài chỉ đứng thở hổn hển, nhận lấy những cái lạy của hồn oan. Lạy xong, bóng ma chạy tiếp, nhỏ dần, nhỏ dần rồi như khói sương biến mất ngay trên nấm mộ đề “vô danh thị”.

oOo

Một buổi chiều, cũng như thường lệ, sư Chí Thiện thả bộ dọc bờ biển làng Yoshihara ngắm cảnh, niệm Phật. Cũng như lầ n trước, Sư bỗng thấy một chiếc bè trôi vào bờ, trên bè là xác một người đàn ông khoảng 40 tuổi, một mũi tên găm vào người. Xác cũng đã rữa phần nào. Cũng như lần trước, ngài chạy về chuà giục chú tiểu Hoichi và dân làng ra bờ biển lấy xác đem về chuà chôn. Nhìn diện mạo người chết, Chí Thiện biết ngay ông là tướng Toshiro Yakuno vì khi còn là tướng dưới trướng của Taira, đánh Ðông dẹp Bắc, ông này đã từng hành quân qua nơi đây. Tuy nhiên, vì sợ chuá Yamamoto và tướng soái Koizumi, nhà sư lấy khăn che mặt Toshiro, ngài cũng không dám làm bia đề tên người chết trên mộ. Ngài chôn xác Toshiro cũng trong khu vườn của chuà, cách mộ của người đàn bà “vô danh thị” vài trăm thước. Việc ngài biết lai lịch của xác chết đàn ông này là tướng Toshiro, Chí Thiện không bảo cho ai biết, kể cả chú tiểu Hoichi.

Một đêm, sau khi chôn Toshiro được vài tháng, Chí Thiện lại nghe tiếng người đàn bà khóc than như mọi đêm nhưng lần này sao ông nghe tiếng khóc có hơi khác. Giọng kể lể, ai oán, nài nỉ, có khi âu yếm. Xen lẫn với tiếng người đàn bà ngài nghe như có tiếng đàn ông, khi quát tháo, khi êm đềm dịu ngọt. Áp tai vào bàn tay, ngài nghe người đàn bà khóc lóc dập đầu xuống đất xin tha tội bị hãm hiếp rồi tiếng người đàn ông lúc đầu giận giữ quát mắng nhưng rồi rống lên một tiếng tức tưởi trước khi dịu giọng, rồi sau cùng trở nên ôn tồn, âu yếm. Người đàn ông đó, qua những lời trao đổi với vong hồn người đàn bà, Chí Thiện biết ngay là linh hồn tướng Toshiro và người đàn bà “vô danh thị” kia đích thị là phu nhân Yamaguchi của ông ta. Chí Thiện vui mừng thấy họ đã xum họp nơi cõi âm ty. Từ đó, hàng đêm, dân làng vẫn nghe, như nhà sư Chí Thiện đã nghe, những lời khóc lóc kể lể, kể cả nghe được có tiếng đàn ông. Chỉ khác một điều là dân làng không nghe rõ như ngài Chí Thiện mà chỉ nghe rất nhỏ, không biết nội dung của những lời trao đổi ấy là gì. Ðến khi trời sáng, gà bắt đầu gáy thì hai bóng ma lại chia tay, tan biến vào những ngôi mộ mà Chí Thiện đã chôn họ.

oOo

Từ khi diệt được Toshiro, Koizumi lao mình vào công việc mong quên đi nỗi ám ảnh của tội lỗi gây ra cho gia đình em. Ông ra sức khuyển mã phục vụ chúa Yamamoto hết mình, thi hành cả những lệnh tàn ác nhất của lão, bất kể lòng dân oán thán. Yamamoto sai bắt nhốt tất cả những ai làm việc dưới trướng sứ quân Taira, đày ải họ cho đến chết dần mòn trong các trại tù nơi thâm sơn cùng cốc. Nhà cửa họ bị tịch thu, vợ con họ bị đuổi ra khỏi nhà, đi xin làm tôi tớ cho lão để có cái nuôi thân, nuôi con thơ dại cũng đều bị thủ hạ của lão từ chối. Cùng đường, họ đóng bè vượt sóng, liều chết trốn qua Cao Ly nhưng trên đường đào thoát hàng trăm ngàn người đã phải làm mồi cho cá mập. Không chỉ vợ con các quan văn võ và các samurai của Taira mà hàng triệu thần dân Nhật lúc bấy giờ cũng bôn tẩu đi Cao Ly, Trung Hoa hay cả Tây vực… vì không chịu nổi đời sống cơ cực gây ra do bọn thủ hạ Yamamoto và Koizumi. Chúng vơ vét của cải, thóc luá, tịch thu nhà cửa ruộng vườn của họ để chia nhau. Quan lại thối nát, lộng quyền, nhận tiền đút lót, xét xử oan ức …đâu đâu tiếng dân oán hận đến tận trời xanh.

Thoạt đầu Koizumi còn thần phục Yamamoto nhưng rồi thấy lão tàn ác quá mức, ăn chơi trác táng, dâm dật vô độ nên ông cũng bắt đầu chán lão, nhất là sau khi lão cấu kết với những tay cùng quê với lão họp thành một “bọn bốn tên”, hạ bệ Koizumi và chỉ cho ông giữ chức tướng không có quân, chuyên lo cai quản những trại tù đàn bà trên khắp nước vì nghi ngờ ông đã trở thành kiêu binh, mưu đồ làm phản và hơn nữa lại còn là bầy tôi trung thành cũ của Yoshitsume. Coi như Koizumi đã bị thất sủng từ đấy.

oOo

Chú tiểu Hoichi hôm nay phải đốn củi dự trữ trong bếp phòng khi muà Ðông đến có nhiều củi lửa để đun và sưởi ấm. Vừa cúi xuống để nhặt một thanh củi bổ nhỏ ra chợt chú cảm thấy vai bị ai nắm chặt quá, muốn tê buốt cả toàn thân. Ðịnh thần nhìn lại chú thấy một tướng quân râu rià trong bộ áo giáp uy dũng đang nắm chặt vai chú. Ông hỏi:

- Chú tiểu, đây có phải chuà A Di Ðà của sư Chí Thiện hay không?

- Thưa ngài, phải. Nhưng sư phụ tôi đang trai tịnh trong chuà, không tiếp ai cả. Chú tiểu xanh mặt trả lời. Nhưng xin ngài nới tay một chút, tôi đau quá.

- Ðược rồi, mi đưa ta đến chuà gặp sư phụ.

Hoichi dẫn Koizumi về chuà. Chí Thiện không tiếp nhưng Koizumi năn nỉ mãi và nói rõ mục đích đến chuà để…xin xuống tóc. Chí Thiện không tin vào lỗ tai của mình nữa. Ông hỏi gặng:

- Xin ngài đừng đuà cợt kẻ tu hành. Có thật nguyện vọng của thí chủ là muốn đi tu và bái ta làm sư phụ tại chuà A Di Ðà này?

- Thưa ngài, vâng.

Chí Thiện kéo Koizumi vào phòng tiếp khách trong chuà. Hỏi rõ nguồn cơn ngài mới biết Koizumi đã hối cải việc giết em trai mình và làm nhục vợ nó. Koizumi cũng cho biết là ông đã treo ấn từ quan, xin đến chuà để ăn năn tu tỉnh, làm việc khổ sai, cứu nhân độ thế để chuộc tội với em ông. Ngoài ra ông cũng chán cảnh đời ô trọc, chán ngán bọn quan trường tham ô, ghê tởm lão Yamamoto tàn ác, xảo quyệt đang đưa đất nước vào cảnh nghèo đói, điêu linh. Thú tội xong với Chí Thiện, Koizumi sụp xuống lạy ngài xin chấp nhận lời thỉnh cầu. Chí Thiện vội đỡ ông tướng dậy, dẫn ông đến một cái am sau chuà và bảo ông ta vào nghỉ trong đó rồi sáng hôm sau sẽ làm lễ xuống tóc. Ông còn dặn trong khi tu tỉnh ở chuà, Koizumi sẽ ăn ở, tụng kinh, gõ mõ tại am, không được ra khỏi chuà vì sợ bọn Yamamoto tìm đến quấy nhiễu.

Sáng sớm hôm sau Koizumi được làm lễ xuống tóc, trước sự chứng kiến của Chí Thiện và chú tiểu Hoichi mà thôi. Từ đó, thiện nam tín nữ đến chuà chỉ thấy một vị tăng già cao lớn, lầm lì, mặc áo cà sa, đi chân đất, ngày ngày gánh phân tưới rau, bửa củi, gánh nước, làm những việc nặng nhọc nhất trong chuà. Ông không tiếp chuyện với ai ngoài Chí Thiện và Hoichi. Ðêm đêm người ta nghe tiếng gõ mõ tụng kinh phát ra từ am sau chuà. Ðêm đêm, nhà sư Koizumi ngồi diện bích mắt ngó thẳng vào vách. Bóng ông được ngọn đèn dầu hất lên tường, lung linh, chao đảo khi có ngọn gió từ cửa sổ thổi vào. Ðêm đêm ông cũng có nghe tiếng than khóc của đàn bà, tiếng xì xầm của đàn ông nhưng không rõ là gì. Vốn là một vị tướng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, ông sợ gì những chuyện ma quái trêu ngươi?

Thật ra, sự liên hệ giữa ba người: Koizumi, Toshiro và Yamagushi như thế nào, sư Chí Thiện đã biết rõ qua những tiếng than khóc của hồn ma Yamaguchi, tiếng quát tháo, tiếng âu yếm vỗ về của oan hồn Toshiro với vợ, tiếng Yamaguchi nguyền ruả Koizumi, và sau cùng là lời thú tội của Koizumi. Nhưng ông không muốn Koizumi gặp vợ chồng Toshiro vì mối oan nghiệt, hận thù giữa họ còn lớn quá không tài nào hoá giải nổi. Chính vì thế mà ông cho Koizumi ở am, cách xa khu vườn nhà chuà và hai ngôi mộ.

Nhưng rồi ngài Chí Thiện cũng có lúc sơ sót. Một hôm, vì củi lửa trong bếp đã cạn, ngài sai Koizumi vác rìu ra khu vườn nơi chôn vợ chồng Toshiro đẵn củi. Koizumi đến vườn thấy có hai nấm mộ. Lấy làm lạ, ông hỏi chú tiểu Hoichi những nấm mộ ấy là của ai. Chú tiểu nói nấm mộ “vô danh thị” là của một người đàn bà dòng họ nhà Taira còn người đàn ông thì chú không biết, chỉ biết là xác ông được để trên một cái bè và người còn bị một mũi tên cắm phập vào. Hoichi cũng không biết gì hơn dân làng vì nhỏ tuổi nó phải đi ngủ sớm nên không nghe được những tiếng than khóc của hồn ma mà mãi đến nửa đêm mới xuất hiện. Nghe đến đây, Koizumi cảm thấy có điều gì không ổn rồi. Ông cảm thấy có sự liên hệ gì đó giữa hai nấm mồ này và những lời than khóc. Ông vội chạy bay về am, lấy mõ ra gõ lia liạ, tụng kinh thật to lên để trấn tĩnh.

Quyết tâm tìm ra sự thật, canh ba đêm hôm đó, Koizumi trong áo trận mũ mão chỉnh tề của một ông tướng, chờ cho mọi người trong chuà đã an giấc điệp, rời khỏi am, lom khom băng mình qua những rặng cây, nhà bếp, tàng kinh các, chính điện,… để đến nấp trong một bụi cây trong vườn sau chuà, nơi có hai nấm mồ vô chủ. Trăng sáng vằng vặc. Chó trong xóm tru lên những tiếng dài rờn rợn. Nằm chờ một lúc Koizumi nghe tiếng đàn bà than khóc, có lúc nghe như uất nghẹn, có lúc lạy lục van xin tha tội…Rồi thì bóng ma của bà xuất hiện, mất nửa mặt nhưng cái lưng còn thấy rõ bức hoạ Yoshitsume tàn sát gia đình sứ quân Taira do tay thợ xâm mình Seikichi lừng danh thực hiện. Koizumi nhận ngay ra bóng ma này là của Yamaguchi vì ông đã từng làm chủ tấm lưng thon này khi ông hãm hiếp bà ta tại nhà. Một lúc sau Koizumi nghe tiếng đàn ông quát tháo, rồi dịu giọng rồi ôn tồn, dịu dàng, âu yếm. Ðúng là giọng đứa em thân yêu của ông, Toshiro Yakuno. Bóng ma của Toshiro hiện ra, mặt đau khổ, tay còn cầm mũi tên đâm vào người để giựt ra, miệng không ngớt chửi rủa Koizumi Yakuno. Biết đúng là em ruột và em dâu mình, những người thân yêu mà vì theo kẻ gian ác ông đã hãm hại họ, Koizumi đau khổ hối hận trong lòng. Ðây là lúc ông cần phải tạ tội cùng em để xin nó tha lỗi cho ông, để linh hồn cha ông nơi suối vàng được phiêu diêu vì thấy hai anh em lại hoà thuận như thuở nào, bắn bi, đánh bẫy… Nghĩ thế, từ trong bụi cây Koizumi xông ra, quỳ xuống đất, dập đầu xin vợ chồng em tha lỗi. Bóng ma Toshiro phát hoảng nhảy lùi lại. Khi nhận ra người nghe lén là Koizumi, bao nhiêu căm hờn tràn lên khoé mắt Toshiro. Ông hét to:

- Anh theo bọn tà ma ngoại đạo về giết chuá của em, giết cả họ nhà người ta, đày ải rồi giết em của anh, hãm hiếp vợ nó, cướp nhà cướp của của nó, đi theo bọn Yamamoto mà bức hại dân lành, làm bao nhiêu tội ác, đến người chết cũng không buông tha, phóng uế, đập mồ đập mả người ta… Giờ đây anh bảo tôi tha tội cho anh, anh nghe thử xem có xuôi tai hay không?

Nói đến đây, xuất kỳ bất ý, Toshiro rút nhanh thanh gươm Koizumi đang đeo trên người ra chém anh. Koizumi không kịp trở tay, hốt hoảng nhưng nhờ giáp sắt che chắn, ông thoát hiểm. Với bản năng tự vệ, Koiuzumi rút nhanh thanh kiếm mà ông đã cẩn thận giấu trong lần áo giáp sau lưng ra nghênh chiến. Yamaguchi giậm chân khóc gào can gián, xin hai anh em đừng hận thù chém giết nhau nữa. Nhưng trận ác chiến vẫn tiếp tục. Tiếng kiếm, tiếng gươm chạm nhau xoang xoảng. May thay, tiếng con gà tre đầu thôn nhà lão Tanaka cất lên. Hai bóng ma bỗng thu nhỏ lại rồi tan dần vào hai ngôi mộ. Sợ có người thức giấc biết chuyện, Koizumi lật đật chạy vội về am, thay đổi quần áo trở lại làm nhà sư.

Nhưng sự việc vẫn không qua mắt được Chí Thiện. Ðêm hôm đó ngài nghe có tiếng cãi cọ, giọng đàn ông với nhau và ngài sực nhớ lại đã sai Koizumi vào vườn sau chuà đẵn củi hồi sáng, nên ngài cũng đoán được chuyện gì đang xảy ra sau vườn. Ngài vội chạy ra đó vừa lúc hai anh em nhà Yakuno đang cãi cọ. Ngài núp trong bụi cây, mục kích từ đầu đến cuối. Chờ khi Koizumi quay về am, Chí Thiện chui ra khỏi bụi cây trở về chuà, vừa đi vừa lẩm bẩm:

- Nam Mô A Di Ðà Phật. Oan nghiệt! Oan nghiệt! Nghiệp chướng này bao giờ mới cởi bỏ hết cho anh em nhà Yakuno?

Kể từ đêm hôm đó, ngoài những tiếng than khóc đàn bà, tiếng người đàn ông, dân làng còn nghe thêm tiếng một người đàn ông nữa rồi tiếng gươm kiếm chạm nhau cho đến sáng. Vì, Toshiro nhất định không tha tội cho anh, còn Koizumi nhất định không buông kiếm chịu tội. Dân làng không biết chuyện gì xảy ra, họ quên đi để sống, chỉ thầm cầu nguyện cho những oan hồn uổng tử sớm được siêu thoát. Thế thôi. Nhưng Chí Thiện thì quyết chí cầu nguyện đức Phật phù hộ cho ông đủ sức mạnh và trí khôn xoá tan hận thù oan nghiệt giữa hai anh em nhà Yakuno.

Một đêm nọ, khi Koizumi lẻn ra khỏi am để gặp vợ chồng Toshiro xin tạ lỗi rồi lại bị Toshiro từ khước và hai anh em lại đánh nhau và Kozumi lại quay về am cởi bỏ áo giáp thay áo nhà sư, ông ta đã gặp Chí Thiện ngồi trong am chờ đợi từ bao giờ. Ngài chỉ ôn tồn nói:

- Chuyện của các con ta đã biết hết tất cả. Ta che chở cho con vì nếu dân làng này biết con ở đây họ sẽ tràn vào giết con đấy. Nhưng tội lỗi của con gây ra cho gia đình Toshiro em con quá lớn. Nó không thể xoá bỏ hận thù, dung tha cho con đâu. Chi bằng con hãy tự xử lấy. Con phải huỷ bỏ tất cả những áo giáp, binh khí Yamamoto ban cho, quên đi những mưu mô xảo quyệt tàn ác con học hỏi được của lão Yoshitsume vì lão cũng chỉ học quyển kinh tai hại của bọn bạch quỷ phương Bắc, rồi ngày ngày con hãy diện bích mà đọc kinh xám hối. Không đi gặp Toshiro nữa. Cho đến khi nào Phật chứng giám cho con, lúc bấy giờ hận thù giữa con và Toshiro mới rửa sạch được và tội lỗi của con trong thời gian theo phò Yoshitsume và Yamamoto sẽ tan đi. Nghe lời Chí Thiện, Koizumi đốt hết áo giáp, binh khí , không lẻn đi gặp Toshiro nữa..

oOo

Từ bữa đó, ngày ngày người ta không thấy nhà sư to lớn lầm lì gánh phân tưới rau, bổ củi trong chuà nữa. Cửa am đóng kín, chỉ còn vang vọng tiếng người tụng niệm trong am, tiếng gõ mõ. Sau vài năm, cửa am được mở. Người ta thấy một vị sư gầy guộc, người nhẹ như lông hồng bước ra, thanh thoát, đi thẳng một mạch lên chánh điện chuà A Di Ðà để gặp Chí Thiện báo cáo kết quả tu luyện. Nhà sư đó là Koizumi. Sau những năm tháng hãm mình trong am, kinh kệ xám hối, ông thấy tâm hồn trong sáng, nhẹ nhàng, cao thương; bao nhiêu ham muốn, dục vọng tan biến. Chí Thiện hết lời ngợi khen ông đã thành tâm xám hối và tu tỉnh sắp thành chánh quả. Nhưng ngài nói ngày nào Phật chưa chứng giám là ngày đó ông chưa chuộc hết tội lỗi, trong lòng vẫn còn một ít tà tâm.

Buồn bực, Koizumi phá lệ, lén Chí Thiện mò đến hai ngôi mộ vào nửa đêm. Lần này, Toshiro nhìn thấy anh mình thân thể mong manh như tờ giấy, không áo giáp, đao kiếm, thành khẩn van nài vợ chồng em xá tội nên ông cũng động lòng. Toshiro nói trong tiếng khóc:

- Thôi chúng em cũng bằng lòng bỏ qua mọi tội lỗi cho anh. Nhưng chỉ khi nào anh em mình theo cha già trở lại làng quê cũ ở Dannoura, sống lại những ngày hạnh phúc, tuổi thơ êm ấm, bắn bi, lội sông, săn cu…, không đam mê, không thèm công danh phù phiếm, không hận thù tha nhân thì lúc đó anh em mình mới thật sự gặp lại nhau và đoàn tụ cùng nhau. Chúng mình sẽ lập bàn thờ cha già, cùng nhau thờ phụng tổ tiên.

Koizumi hiểu ý em và nhớ lời sư Chí Thiện nói là mình phải “tự xử” mới mong gặp lại em và cha già nên ông trở về am, đóng cửa, diện bích. Ông diện bích như vậy gần một tuần lễ, không ăn không uống. Cho đến hôm sau, khi mắt ông đã lờ đờ thì ngọn nến trên bàn thờ Phật bỗng tắt phụt. Một luồng gió lạnh thổi qua và trên bàn thờ Phật, rõi theo ánh sáng le lói chiếu xuyên khe cửa, ông thấy Bồ Tát hiện ra đặt tay trên đầu ông rồi biến mất.


Koizumi ngồi xếp bằng diện bích

Sáng hôm sau, Hoichi nghe lời sai bảo của Chí Thiện đi xuống am thăm ông, nó thấy ông ngồi xếp bằng diện bích nhưng người cứng đờ như khúc gỗ. Sợ quá, Hoichi áp tai vào ngưc ông mới khám phá ra ông đã tắt thở tự bao giờ. Hoichi chạy ù về chuà báo tin cho Chí Thiện. Hình như ngài không tỏ vẻ gì ngạc nhiên cả. Chí Thiện xuống đến am, vuốt mắt cho Koizumi, xác ông bỗng đổ ập xuống như một thanh củi cứng. Nhưng lạ thay, trên bức tường ông diện bích bấy lâu, chiếc bóng của ông ngồi tĩnh toạ vẫn còn in lên đấy. Chí Thiện chắp tay lạy cái bóng, miệng lẩm nhẩm chỉ đủ cho Hoichi nghe:

- Thiện tai! Thiện tai!. Phật đã chứng giám và rước ông ấy đi rồi. Ông đã hoàn thành công án. Ông đã được về với cha già, xum họp với em ông rồi. Từ nay anh em nhà Yakuno sẽ hết thù oán nhau. Nhưng họ phải làm lại hết từ đầu, ở một kiếp khác, con ạ. Còn ta nay mai rồi cũng sẽ về với Phật vì nhiệm vụ của ta đã hoàn thành. Từ nay chuà này sẽ do con cai quản. À này, còn một điều ta muốn nói với con: người đàn bà “vô danh thị” đó là phu nhân Yamaguchi của tướng quân Toshiro và Toshiro chính là người đàn ông ta vớt từ chiếc bè lên rồi chôn ở trong vườn. Hai người này là mẹ và cha con đó. Nhà sư Koizumi kia là tướng quân Koizumi, anh ruột của cha con và là bác của con. Sở dĩ ta không cho con biết lai lịch của họ vì sợ cha mẹ con sẽ bắt con đi trong khi ta lại muốn con kế vị ta cai quản chuà này, chăm sóc muôn dân. Còn tướng quân Koizumi, bác con, là một người tồi tệ, con không thể theo ông ấy để nhiễm những thói hư tật xấu.

oOo

Quả nhiên vài ngày sau, sư ông Chí Thiện viên tịch. Theo lời trối trăn của ngài, Hoichi đào xác cha mẹ rồi cho hoả táng cùng thi thể Koizumi và Chí Thiện. Xong Hoichi đem tro tàn của họ chở ra tít ngoài khơi bờ biển Ichinotani rải xuống. Những ngôi mộ được san bằng. Bóng Koizumi trên tường trong am cũng biến mất. Từ đấy dân làng không còn nghe những tiếng than khóc, tiếng cãi vã, tiếng binh khí chạm nhau ban đêm nữa. Chú tiểu Hoichi về sau được làm trụ trì chuà A Di Ðà vì bọn quan quân của Yamamoto không dám động đến chuà. Chúng nghe dân đồn chuà này thiêng lắm. Chuà được đức Phật và dòng dõi, tôi tớ chuá Taira bảo vệ. Dân làng nhờ đó được sống trong cảnh thái bình thịnh vượng. Trẻ con trong làng, mỗi khi trăng lên thường tụ tập rước đèn, cùng nhau hát một bài ca nổi tiếng thời đó của lão già hát rong Famazu Suka:

Giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì
Bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét