Ngày nọ khi nhớ về mớ truyền ngữ của Cha để lại tôi bỗng nhớ đến chữ “con vít” lạ.
Trong đôi mắt của những đứa con, Cha tôi là người đa năng. Một lãnh tụ. Một học giỏi. Một trầm tư. Một cây Nôm Hán. Một sự nổi loạn. Một a tis tơ. Một đàn ông biết thương vợ và thương các con.
Cha tôi là một nghệ sĩ mê gỗ và mộc. Ông mê tạo gỗ. Ông mê công việc khắc, bào, đục, chắn, đẽo, những thước gỗ thành những vật dụng hoặc hàng trang trí. Có thời gian ông toàn phần mê mải với những thước gỗ. Tôi bé nhỏ lẽo đẽo đứng quanh giang sơn làm việc của Cha. Nhìn ông bào những mảnh mai lụa gỗ lả tả như lá vàng rơi nhẹ xuống sàn. Tôi thu lượm chúng vào bâu áo. Tôi cúi xuống hít hà. Ngửi đê mê hương thơm của thịt da gỗ vừa lìa thân. Có khi thấy tôi đứng chực chờ ngay đầu một tấm ván mới, ông cố tình bào thật mỏng những mảnh lụa gỗ láng lẫy to bản, nhiều đường vân nâu vàng, cho chị em tôi lượm chơi. Những sớ lụa gỗ tinh khiết cong cớn thơm tho đậu lại trong lòng áo ngực của tôi. Từ đấy tôi giữ mãi mùi hương gỗ của Cha tôi để lại trong lòng. Mùi thơm của mận gỗ đi với tôi suốt cuộc đời.
Tôi nhỏ nhít nhìn Cha sáng tác các thửa gỗ lớn thành những tác phẩm như cái bàn, cái giường, cái tủ, cái đồ chơi cho chúng tôi. Tôi nhớ ngài a tis tờ vĩ đại của tôi thường rất chú ý đến các lọng các mộc, cài then nho nhỏ. Ông đục đẽo công phu để chúng có thể trơn truột thu mình xinh xinh nối kết giữa các mảnh thân thể khác của các bộ phận trên chiếc tủ, chiếc giường. Chúng nho nhỏ và cần công lâu hơn. Mỗi khi đẽo xong một con vít, ông thường cầm lên nhìn ngắm một cách tỉ mỉ và nheo mắt cười rất hưng phấn. Đôi khi tôi được thấy ông lẩm bẩm “con vít”. Ông chu mỏ nghịch chơi chữ “vít” quẹo lưỡi thành chữ “vứt”. “Con vứt”. Mặt ngố cực. Nhưng chứa đựng một tia nhìn an toàn nhất thế gian và đưa mắt tròn vo hỏi tôi chúng đâu rồi. Khi ông tìm không ra các mảnh linh hồn bé nhỏ ấy. Lý do là có những khi ông đục đẽo xong các mọng gỗ hay các con vít be bé ấy, bọn con cái nhỏ nhít thấy đẹp quá, mở hòm rương của ông ra chôm vài cái đem ra chơi đồ hàng.
Dạo gần đây tôi thấy mình ảnh ảo lung linh bóng hình con vứt của Cha. Tôi nhớ ông thật nhiều vào dịp tháng Mười giỗ Mẹ tôi, cô Út mới về Việt Nam thu xếp nấm mộ tha hương của ông. Đốt cốt. Đưa tàn tro của ông về để cạnh hũ tro của Mẹ ở một nơi chốn trang nghiêm. Chờ ngày thuận tiện thả xương cốt của ông bà về lại đất Hà Tĩnh nơi chôn nhau cắt rốn của Cha Mẹ tôi.
Tôi rưng rức khi lộng lòng nghĩ thầm sao con thấy mình giống một con vứt của Bố quá, Bố thương yêu.
Ngày em gái út về đốt hương tro của Cha, tôi đang ngồi với những sinh viên hướng dẫn họ chọn ngành học.
Đang giảng giải cho các sinh viên, tôi nhớ đến Cha tôi rồi tôi bỗng nói với các sinh viên: Tại sao Việt Nam không mở những phòng Lab, Laboratory. Tôi hỏi và các sinh viên và họ chỉ biết nhìn tôi và lắng nghe. Tôi nói với hư vô. Tôi nói với linh hồn Cha tôi đang bay là đà đâu đó trong không gian. Tại sao người Việt Nam không nhín bớt tiền xây chùa xây nhà thờ xây khách sạn để xây cho các sinh viên những phòng Lab thực tập. Tôi biết nếu Bố ở vào địa vị tôi lúc này, Bố cũng là một nhà nổi loạn với cuộc đời, ưa hỏi những sự đại ngôn như tôi. Đại học Việt Nam học Science gì mà chỉ học lý thuyết suông không thực hành. Các em thấy ở Mỹ từ trung học các học sinh đã có dịp làm quen với các phòng Lab. Lên đại học bất cứ một lớp Chem lớp Physics lớp Bio nào cũng phải thực tập. Có thực tập mới có công trình sáng chế từ đó mà ra. Ai mà học Science lại chỉ học lý thuyết suông. Cứ thế thì 100 năm nữa cũng không khá nổi. Sao mà cứ chịu đựng bao nhiêu trăm năm nay. Cả xứ sở cùng nhau chịu đựng thế là làm sao ? Đừng chỉ đổ lỗi cho chính quyền cho những người của bộ giáo dục không chi ngân sách lập Lab cho các trường học. Lỗi này là cả hết thảy mọi người Việt Nam chịu trách nhiệm. Nếu tất cả mọi người Việt Nam cũng đồng lòng con em đi học phải có Lab thực tập thì người Việt Nam đã nhín bớt tiền cúng xây chùa, xây nhà thờ, xây khách sạn, xây vi la biệt thự, để cùng nhau đóng vào việc xây dựng các phòng Lab cho các trường học.
Có những sinh viên đến từ Việt Nam giỏi sinh lý hóa và thích học các ngành khoa học kỹ nghệ. Tuy có thiên khiếu về các ngành sinh lý hóa, nhưng trở ngại các sinh viên Việt Nam là họ thiếu phần thực tập ở các phòng thí nghiệm.
Gặp những sinh viên giỏi tôi khuyến khích họ học cao, đi về research cho oách lên với đời. Nhưng các sinh viên Việt Nam chỉ biết đâm sầm học Bác Sĩ, Kỹ Sư, Nha Sĩ, Dược Sĩ. Họ không được khuyến khích và thực tập các nhu cầu tò mò của trí thức là tìm tòi và khám phá qua sự vọc vạch trường kỳ kháng chiến trong phòng Lab của một researcher. Vì không quen với các thí nghiệm trong các phòng Lab từ trung đại học, nên sinh viên Việt Nam không tận dụng các phòng Lab để phát triển tài năng cúa mình. Trở thành Bác Sĩ Kỹ Sư không có gì sai, nhưng có những sinh viên nếu đi vào các ngành nghiên cứu thì tài năng của họ được phát triển đúng mức hơn.
Tôi chắc ngày hôm đó tôi hơi cao giọng khi các sinh viên Việt Nam hỏi tôi việc học các ngành BioChem, Engineering và muốn chuyển đi các trường lớn như Berkeley, Stanford, Davis, UCLA, San Diego, v … v . Họ chỉ biết lắng nghe và chắc là họ tự nhủ sao hôm nay bà giảng cái gì tào lao hết biết. Không liên quan gì đến tui.
Tôi thường nói với các sinh viên những câu chuyện nối kết cá nhân với tập thể. Tôi hướng dẫn sinh viên chọn học ngành nghề ở một đại học cộng đồng Cali ba mươi năm. Tôi có dịp hướng dẫn đủ các giống sinh viên từ nhiều quốc gia. Tôi đến từ Việt Nam, nên lâu lâu gặp sinh viên Việt Nam tôi nổi cơn.
Nổi cơn thánh thiện lương tâm con người các thứ cao cả.
Có khi tôi là con vít du côn. Tôi nổi cơn đục ngoáy các thứ quyền lực tôn giáo chính trị mồm họ xoen xóet giảng giải “Phải yêu thương bác ái từ bi. Phải dân chủ tự do.” Nhưng guồng máy đực ma chô của chúng thì tính toán và tay của các nhà chủ chiên chủ chùa các nhà chính trị gia ấy là tay ác thú giết người như thảy lá bài xuống sòng đời.
Tôi viết thế. Tôi viết các ức chế trong tôi. Tôi làm con vứt nhỏ bé của Bố trong khối ngôn ngữ điên loạn về một thế giới khùng điên mà tôi cảm nhận và hiểu biết.
Tôi nói với con trai ngày tiễn con đi học Tiến Sĩ Political Science ở Berkeley. Con hãy nhìn Con là đồng nghiệp tương lai, là ngang hàng những vị Thầy của Con. Sự chiến đấu cuối cùng của tôi ở phương diện con người xã hội là nội lực và tư thế bình đẳng của cá nhân. Xã hội có thể có trật tự để cho guồng mày chạy việc. Nhưng về phương diện linh hồn, cảm xúc, và phán đoán, con người nên cảm thức được một tư thế bình đẳng khi đứng trước cuộc đời. Cảm thức này mang đến một niềm hạnh phúc của trí thức. Tôi đạt được niềm hạnh phúc khi thấy tôi có thể suy nghĩ, sống, làm việc và chọn lựa như bất cứ ông Gate, bà Marie Curie, bà Reagan, bà Từ Hy, hay ông hàng xóm
Làm sao tôi có thể nói với anh bạn anh làm ơn bớt sự thờ phượng Kẻ Khác đi. Anh thờ phượng anh chút coi. Anh nội lực anh chút đi. Anh thờ Kẻ Khác quá nên chữ anh mất linh hồn anh. Thần công lực của anh bằng cách đi thờ Kẻ Khác làm em không dễ chịu.
Làm sao để đi lọt giữa những lằn kẻ của sự gian dối, cái thiện, lòng tử tế, sự dễ thương, và đời lạnh lùng. Tôi tự kiếm cho mình một lối đi. Phần lớn tôi phải đi một mình thôi. Ngươi phải tự ngo ngoe tìm cái vít và tìm ra định mệnh của mình. Tôi hiền lành thánh thiện và tôi cứ như thế. Tôi bước đi phăng giữa bọn ác khèo sex dụ đàn bà ở truồng cho chúng xem. Tôi không ngán bọn quyền thế gạt phăng tôi ra khỏi xơ cồ băng đảng của chúng. Tôi lách rẹc rẹc. Lách đi. Lách đi. Tôi lách giỏi thế nên tôi mới sống sót đến giờ ngồi viết bâng quơ.
Tôi giời ơi xui cá nhân rơi ra khỏi các guồng máy tín đồ và nhân dân rồi họ đi đâu. Rơi tự do như tôi à. Người ta không muốn thế và có khi không hạnh ngộ để làm thế. Tôi là con vít đã rời bản lề. Tôi xin lỗi.
Khi tôi mất. Tôi mong có một cỗ đại bác bắn tro cốt tôi vào giữa trời thinh. Chốn đồng không mông quạnh. Tôi là con vứt đã rời khỏi bản lề và không có nhu cầu trở về quê quán nữa. Chào Thế Giới Lửng!
10.2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét