Lâu nay chúng ta thường nói hiện tượng vô cảm chủ yếu xảy ra ở giới trẻ (bỏ mặc người bị nạn, trơ lỳ tâm lý, không biết yêu thương…). Nhưng nếu nhặt nhạnh, tổng kết các vụ việc trong những năm gần đây thì có thể tạm thời nhận định: Hiện tượng vô cảm không chỉ diễn ra ở giới trẻ mà có xu hướng lại đang “già hóa”. Trẻ vô cảm đôi khi vì không biết, không hiểu dẫn đến thiếu kỹ năng, không biết xử lý… Còn người lớn, những tình huống vô cảm trong thời gian gần đây hoàn toàn có ý thức. Chuyện đó không phải bắt nguồn từ quá trình phát sinh cá thể, hay đúng hơn là người lớn đã được trải nghiệm (hiểu biết, va chạm cuộc sống) không như giới trẻ. Vậy thì sự vô cảm từ đâu? Có lẽ đều do lợi ích cá nhân - làm tha hóa con người. Xã hội Việt Nam vốn dĩ phát huy được những giá trị nhân văn cao đẹp, thương người như thể thương thân... Tuy nhiên, hiện nay một bộ phận được gọi là người lớn lại không thể làm tấm gương cho lớp trẻ học tập. Phải chăng vì hai chữ “lợi ích” mà dẫn đến quan hệ người - người có những kiểu hành xử thiếu tính người - tình người! Có người sợ bị liên đới trách nhiệm, họ sợ lợi ích cá nhân bị đe dọa, họ sợ mang họa vào thân để rồi thờ ơ, lãnh đạm… Phải chăng những cụm từ hy sinh, trách nhiệm với đồng loại khó đến mức vậy sao?
Hiện nay, một số người được gọi là hiện đại đã bị cái lợi lích cá nhân đớn hèn phủ lấp cái tinh thần cộng đồng, tập thể hay nói khác đi là trách nhiệm với đồng loại bị mờ nhạt. Những hình ảnh như bỏ mặc người bị nạn, hôi của… đó là bằng chứng của cái vô cảm ở một số người mà xã hội phải lên án. Có nên cho rằng, người lớn hiện đại phải ươm lại mầm hướng thiện, phải học lại bài học nhân tâm, đừng để người hiện đại có nhà lầu, xe hơi, học hành đàng hoàng mà lại thua xa một người nhặt rác bình thường.
Vô cảm là con đường ngắn đến tội ác. Mỗi người chúng ta hãy độ lượng hơn, hãy sống đúng với bản chất “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình” của người phương Đông. Đó mới là bản chất của con người mới.
Nguyễn Văn Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét