Thứ Hai, 17 tháng 6, 2013

Lương tâm nghề nghiệp hay 'nồi cơm tòa soạn'?



LTS: 21/6, ngày Báo chí Cách mạng VN, là dịp để tôn vinh những người làm báo, đồng thời cũng là cơ hội để người cầm bút phân tích và nhìn nhận những thách thức đang đặt ra  với báo chí hiện đại, như chuyện bản quyền, ranh giới giữa báo chính thống với lá cải, đạo đức nghề nghiệp...

Khi Nick Vujic đến Việt Nam bên cạnh đủ các ý kiến về các cuộc nói chuyện của anh, ngay lập tức xuất hiện cả những bài viết phỏng đoán việc "Chuyện ấy của những người như Nick". Có người gọi những tin tức như vậy là "rác" rồi than trách truyền thông là càng ngày càng "lá cải hóa," là "rẻ tiền." Họ lên án các nhà báo đang chạy theo thị hiếu tầm thường của một "bộ phận" độc giả.

Bức tranh hỗn độn

Thì cũng đúng, bởi giờ đây, truy cập vào bất cứ website nào, tin "cướp, giết, hiếp" nhan nhản. Những "cặp giò" "bộ ngực" của các cô người mẫu, diễn viên đang cần lăng xê tên tuổi cứ "chình ình" trên đầu trang, "đập chan chát" vào mắt những độc giả vốn tò mò. Người ta soi đến tận "nách," các cô, rồi lại bóng gió rằng các cô cố tình khoe, cố tình đánh bóng tên tuổi.
Tiếp theo là kết luận xã hội ngày nay tệ thế, xuống cấp thế, toàn án mạng và sex rẻ tiền, rằng báo chí bây giờ chả còn đáng tin nữa, suốt ngày chỉ đặt tít câu view. Thì cũng đúng, bởi báo chí vốn được coi là công cụ phản ánh thực tế xã hội. Bức tranh ấy giờ đây trở nên hỗn độn hơn bao giờ hết.
Nhìn từ góc độ sản xuất, các nhà báo có vai trò là những người "cầm bút," vẽ lên bức tranh ấy. Các "họa sĩ" của những con chữ, tại các cuộc họp giao ban hàng ngày, hàng tuần, hay nhận email định kì thông báo các con số "lạnh lùng" về top những bài đạt nhiều lượng xem. Các hình thức thưởng phạt cũng được đưa ra dựa trên chính những con số đó.
Người ta hãnh diện vì bài báo của mình, website của mình có nhiều người truy cập, và tin tưởng rằng đấy là thước đo của sự thành công. Cũng đúng, bởi suy cho cùng thì báo chí cũng là những sản phẩm, và giá trị kinh tế của những sản phẩm ấy chính là việc có bao nhiêu độc giả đã sử dụng nó.
Nhà báo có bị ảnh hưởng bởi các con số đó không? Đương nhiên! Minh chứng rõ ràng là ngày càng nhiều các phóng viên đổ đến các sự kiện giải trí "vô bổ," hoặc "thóc mách" chuyện đời tư của những người nổi tiếng. Thậm chí "ngồi rình" trên Facebook, đưa tin về những status mới của các ngôi sao.
Số lượng những ống kính chĩa vào các "khe hở" của quần áo cũng tăng theo mức độ "cải hóa." Các từ thể hiện trạng thái mạnh như "choáng, sốc, hoảng hồn v.v." in đậm tít báo khắp nơi. Chuyện "giật tít" quá đà để "đánh lừa" sự tò mò của các độc giả giờ được coi là thủ pháp hữu hiệu của các biên tập viên.
Hành lang nghị trường là nơi thuận tiện nhất cho báo chí có cơ hội tác nghiệp, phỏng vấn chính khách về những chủ đề nóng trong đời sống. Ảnh: Lê Anh Dũng
"Vấn nạn" này nghe thì có vẻ lạ, nhưng không mới. Xét về mặt lý thuyết truyền thông, nếu nhà báo được coi là những "người gác cổng" thông tin thì xung quanh họ có rất nhiều các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc họ đưa thông tin này, và bỏ qua thông tin kia, đặt bài này lên đầu trang, và đưa bài kia xuống cuối trang. Một vài ví dụ về các yếu tố đó như tòa soạn, cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp quảng cáo, độc giả, hoặc chính bản thân các nhà báo v.v.
Các yếu tố tác động đến quyết định của nhà báo, hay cuối cùng là sản phẩm tin tức đã được các nhà nghiên cứu truyền thông đề cập đến từ những năm 50 của thế kỉ trước. Họ cũng chỉ ra rằng khi cạnh tranh trên thị trường báo chí càng gay gắt thì tình trạng báo chí bị "lá cải" hóa ngày càng mạnh hơn.
Nếu nhìn nhà báo ở vai trò trung tâm, thì trong cái vòng xoáy ảnh hưởng đó, họ luôn phải chịu một sức ép trong việc chọn lựa giữa việc làm theo "lương tâm nghề nghiệp" hay "nồi cơm" của gia đình mình, giữa "có việc" và "thất nghiệp." Khổ nỗi những bản tin "hở hang, bạo lực" ấy nhìn trước mắt có vẻ như "vô hại," nhưng nó lại giúp cho lượng view vọt lên nhanh chóng.
Cũng có nhà báo đã tự so sánh mình với nhân vật trong tác phẩm "Sống mòn" của Nam Cao, người vẫn luôn mơ ước viết ra những tác phẩm hay, nhưng lại bị những sức ép đời thường buộc phải sản xuất ra những thứ "bán được."
Phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, ngành công nghiệp truyền thông và các nhà báo đều đang vật lộn trong những cơn thăng trầm của nền kinh tế, những tác động của công nghệ kỹ thuật và một cuộc cạnh tranh hết sức "bát nháo" trong một thị trường báo chí, mà giá trị của các bài báo được tính bằng lượng hit, số view, và số lần bị copy "chùa" trên các trang khác.
Trách ai đây? Độc giả à? Tại họ cứ lao vào đọc những tin ấy, khiến cho các "cây cải" cứ lao lên top những bài được đọc nhiều nhất? Có người bắt đầu khuyên độc giả "hãy làm những người tiêu dùng thông thái" không tiêu thụ loại tin tức đã bị "muối" thành "dưa cải" ấy nữa.
Chỉ khuyến khích dễ dãi và cơ hội
Nhưng mặc những lời khuyên đó, các loại tin tức ấy vẫn cứ lọt top. Hiển nhiên, và không chỉ có người Việt, tò mò là bản tính của con người khắp nơi trên thế giới. Ở đâu cũng vậy, những tin tức về bạo lực và tin đời tư về những người nổi tiếng luôn thu hút độc giả.
Vậy cuối cùng hòa cả làng à? Không tại độc giả, không do nhà báo? Không bởi người sản xuất tin, và cũng không phải người tiêu thụ tin, vậy cơn lốc "sốc, sex, sến" đến từ đâu? Bên cạnh rất nhiều nguyên do khác, các lý do chính vẫn thuộc về vấn đề quản lý từ trong chính các tòa soạn lẫn ở tầm cao hơn như luật pháp.
Trước hết, phải nói rằng việc ra đời của hàng loạt các ấn phẩm, các trang tin, website không khiến cho đời sống tin tức phong phú hơn mà chỉ thêm vào đó sự hỗn loạn. Có những trang chỉ "sống" nhờ vào việc đăng lại bài từ các ấn phẩm khác. Trong khi luật bản quyền chưa được thực thi một cách nghiêm túc, việc tồn tại của các trang tin, website này làm cho các tờ báo có sản phẩm không giữ được sự độc quyền cho các sản phẩm của mình.
Bản thân các tòa soạn cũng cố tránh đến mức tối thiểu việc phê bình "người trong ngành" hoặc kiện tụng ra tòa. Thế là, chuyện copy "chùa" cứ ngang nhiên tồn tại bao nhiêu năm nay. Chỉ cần một bài báo có khả năng hấp dẫn độc giả được đưa lên, ngay lập tức, nó được các trang tin, website khác mang về.
Việc tít có thể đặt lại cho thu hút hơn, thậm chí kể cả việc sáng tạo ra những thứ không có trong bài viết để đưa lên làm tít. Đáng tiếc là chuyện như vậy không phải là hi hữu. Rất nhiều báo, nhiều trang coi đó là cách "kinh tế" hơn việc đi viết bài. Và bởi tay ai cũng "nhúng chàm" nên chả ai nói ai được.
Điều đó làm nản lòng, cũng như gây ra các thiệt hại về tài chính đối với các nhà báo, các tòa soạn, những nơi đã đầu tư, bỏ công sức viết bài đưa tin. Một thị trường báo chí như vậy sẽ chỉ khuyến khích các nhà báo, và các tòa soạn dễ dãi, và cơ hội.
Việc cho phép các ấn phẩm báo chí kiểu "tổng hợp" tin tức cũng khiến cho sức ép về tài chính đối với các ấn phẩm "nghiêm túc" tăng lên. Những người điều hành tờ báo luôn phải chịu áp lực với việc tăng số lượng truy cập, kéo thêm quảng cáo. Và để đạt được mục tiêu đó, họ gây áp lực lên chính các nhà báo, ảnh hưởng đến việc đưa tin và sản xuất tin bài theo xu hướng chiều lòng khán giả để kiếm hit, hoặc bỏ qua tin bài vì mối quan hệ kinh doanh.
Ranh giới rõ ràng
Cũng có những lập luận rằng ở nước khác báo lá cải vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay đâu có sao? Đúng vậy, ở đó không thiếu các paparazi nhăm nhăm rình các ngôi sao "lộ hàng." Có phóng viên ảnh còn chui vào tư gia riêng của họ để chụp trộm những bức hình riêng tư. Và đầy rẫy những ấn phẩm sống dựa trên những tin tức đầy mùi của "bạo lực và sex." Những website đó, ấn phẩm đó vẫn có độc giả, và vẫn "sống tốt."
Các trang tin, website không khiến cho đời sống tin tức phong phú hơn, mà chỉ tạo thêm hỗn loạn.
Tuy nhiên, chúng chỉ đơn thuần để thỏa chí tò mò, chứ ít khi có được uy tín của những tờ báo nghiêm túc. Người đọc không tìm kiếm những tin bài thời sự từ các ấn phẩm đó. Ở Mỹ chẳng hạn, sau khi cuộc tấn công ngày 11/9 nổ ra, người đọc "đổ xô" truy cập các website báo chí uy tín như New York Times hay Washington Post. Họ tìm đến đó, bởi họ biết thông tin từ đó mới là những thứ đáng tin.
Nói một cách khác, sự phân hóa trong thị trường báo chí ở các nước này và ranh giới giữa "lá cải" và "đứng đắn" là rất rõ ràng.
Trong khi đó ở ta, các tờ báo nghiêm túc đôi khi cũng bị nhuốm màu sắc lá cải chạy đua với những tin tức "hạng hai." Nhiều người vẫn cho rằng với sự quản lý báo chí của Nhà nước, những gì đã lên trên mặt báo là đã được đảm bảo về tính xác thực. Sự thiếu rõ ràng đó đã làm ảnh hưởng đến lòng tin của độc giả, khiến họ gặp khó khăn trong đánh giá độ tin cậy của tờ báo.
Một nguyên do nữa cũng có những tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đến các sản phẩm báo chí. Đó là các tòa soạn không có, không áp dụng, hay chính bản thân các nhà báo không tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp. Không ít nhà báo có vai trò kép, vừa làm nhà báo, vừa làm kinh doanh, ông bầu cho các ngôi sao, nhân viên quan hệ công chúng v.v.
Trong rất nhiều trường hợp các bài viết, bản tin được sử dụng như công cụ để phục vụ cho những mục tiêu khác ngoài thiên chức đưa tin khách quan về các sự kiện và vấn đề. "Sốc, sex, sến" nhiều khi nằm trong những kế hoạch "phi báo chí" ấy. Lượng hit ổn định đối với những bài viết dễ dãi như kiểu theo Facebook của người này hay người kia giúp cho họ tiết kiệm thời gian, mà lại làm đủ định mức.
Chúng ta đã thuộc lòng những câu kiểu như "báo chí có vai trò định hướng dư luận," hay hơn nữa là báo chí chính "tạo nên những thực tế xã hội" thông qua việc cung cấp thông tin cho người dân. Bản thân báo chí vẫn tự cho rằng bằng việc đưa tin khách quan, chọn lọc tin tức hữu ích, họ giúp "nâng cao nhận thức," "giáo dục cộng đồng."
Song, hiện tại, tin tức "lá cải" tràn ngập khắp nơi như hiện nay, người đọc đang được "định hướng" bởi những bản tin, bài viết đầy mùi bạo lực và sex và với họ đó là một xã hội đang diễn ra, khiến cho lòng tin vào những điều tốt đẹp ngày càng mai một.
Vũ Tiến Hồng
VietnamNet

2 nhận xét:

  1. phứt tạp ghê bác nhỉ, thôi bác cố lên nha, cứ cho là vì "nồi cơm" đi, nhưng thi thoảng phải có 1 bài "để đời" ít nhất là vậy nha bác!

    Trả lờiXóa