Bạn sống trên đời này để làm gì?
- Nếu có ai đó hỏi bạn như thế bạn sẽ trả lời như thế nào? - Tìm hạnh phúc!
Sở dĩ người ta đau khổ bởi vì người ta luôn đi tìm sự thoả mãn với bản thân, nói một cách khác, người ta đi tìm hạnh phúc cho chính mình.
Có hai thứ hạnh phúc, dĩ nhiên là có những thứ ở mức độ khác nữa, nhưng không đáng kể lắm. Theo tôi, có thể gọi hai thứ hạnh phúc đó là Chất phác và phong nhã, thú tính và tinh thần, hoặc cảm xúc và trí tuệ. Trong ba cặp danh từ đó bạn có thể lựa cặp nào tuỳ thuyết bạn muốn bênh vực. Lúc này tôi cũng không muốn chứng minh một thuyết nào cả, chỉ muốn miêu tả thôi. Có lẽ, cách giản đơn nhất để miêu tả sự khác biệt giữa hai thứ hạnh phúc đó là nói rằng một thứ, người nào cũng có thể đạt được, còn thứ kia chỉ những người biết đọc biết viết mới có được.
Tôi là một người làm vườn, đã từng như vậy, bây giờ cũng vậy. Tôi không ưa cỏ, rác, đám sâu ngày đêm tìm cách ăn mòn những luống rau, chậu hoa tôi trồng. Tôi gọi nó là kẻ thù, những kẻ thù ám muội. Muốn trị chúng thì phải "thông minh"hơn chúng, mưu mô hơn chúng thì mới được. Tôi tìm và diệt mà không hề e ngại rằng một ngày nào đó chúng bị tiệt chủng. Chúng giống như những con vật trong thần thoại mà tôi biết, ngày ngày tôi giết, nhưng sáng hôm sau lại thấy chúng nhởn nhơ vui vẻ ăn những khóm hoa xanh tươi. Bây giờ công ăn việc làm của tôi cũng không thiếu, nhưng tôi vẫn thích trồng rau, trồng hoa, dường như đó là niềm vui đó là bất tận và hạnh phúc đó, chính những "con sâu, cây cỏ đê tiện" đã tặng cho tôi.
Bạn nói những cái vui giản dị, chất phác đó, người thượng lưu làm sao mà có được. Diệt những con vật nhỏ bé như loài sâu thì vui cái nỗi gì? Theo tôi, lý lẽ đó không vững. Một con sâu lớn hơn nhiều so với con vi trùng sốt rét nhiều chứ, vậy mà một người thượng lưu có thể thấy hạnh phúc trong việc diệt vi trùng sốt rét đấy.
Có những niềm vui y hệt thú vui của tôi khi làm vườn, về phương diện cảm xúc, những người có văn hoá cao cũng cảm nhận được. Được giáo dục cao hay thấp thì hoạt động khác nhau thế thôi. Muốn thấy được cái vui hoàn thành một công việc thì công việc đó phải khó khăn tới nỗi tưởng chừng như không thể thành công được, rồi lại thành công. Có lẽ một phần lớn vì vậy mà sự tự xét tài năng của mình cho đúng là điều kiện cần thiết cho hạnh phúc. Người nào tự đánh giá thấp tài năng của mình thì luôn ngạc nhiên khi thành công, còn người nào tự tin quá thì thường ngạc nhiên khi thất bại. Ngạc nhiên thứ nhất thích thú, còn ngạc nhiên thứ hai thì không. Cho nên muốn thành công đừng nên tự cao quá, cũng đừng nên hạ thấp mình quá.
Nghệ sĩ, nhà văn và nhà khoa học - Ai hạnh phúc hơn?
Trong giới trí thức của xã hội chúng ta, giới khoa học là những người hạnh phúc nhất. Nhiều nhà bác học đại tài có một đời sống tình cảm rất giản dị, rất thoả mãn về công việc của họ tới nỗi cho rằng việc ăn uống là một cái thú, cả cái việc cưới vợ cũng vậy nữa. Những nghệ sĩ và nhà văn cho rằng hôn nhân nhất định gây khổ, các nhà khoa học trái lại vẫn có thể cảm nhận được cái hạnh phúc trong gia đình mà người ta cho là lỗi thời.
Nguyên do là tinh thần của họ tập trung hết vào công việc rồi, không thể len lỏi vào những khu vực khác được nữa. Họ sung sướng khi làm việc, vì trong thế giới hiện đại, khoa học mỗi ngày một tiến bộ và mạnh không ai nghi ngờ sự quan trọng của khoa học cả, họ thì đã đành mà cả những người thường cũng vậy. Do đó, họ không cần có những cảm xúc rắc rối, vì những xúc cảm bình dị hơn không gặp sức cản trở nào cả. Những cảm xúc rắc rối cũng giống như bọt trên dòng sông. Dòng nước có gặp cái gì ngăn cản, không chảy đều đều nữa mới dội lại mà nổi bọt. Khi không bị ngăn cản thì dòng sinh lực cứ phẳng lặng trôi mà người nhận xét nông nổi không thấy được sức mạnh thật sự của nó.
Đời một nhà khoa học có đủ điều kiện để hạnh phúc. Họ có một hoạt động khả dĩ dùng được hết tài năng của họ. Họ đạt những kết quả mà chẳng riêng gì họ, ngay cả đại chúng cũng thấy là quan trọng, cả những khi đại chúng không biết giá trị thực sự của các kết quả đó ra sao. Về điểm đó, nhà khoa học may mắn hơn nghệ sĩ. Khi người ta không hiểu được một bức hoạ hoặc một bài thơ, người ta kết luận rằng bức hoạ đó hoặc bài thơ đó dở. Nhưng khi người ta không hiểu được thuyết tương đối của Einstein, người ta kết luận (đúng) rằng sự học của mình không đến nơi đến chốn. Do đó, Einstein được quý mến còn những hoạ sĩ tài nhất thì chết đói trong những căn gác ở sát mái nhà. Einstein sướng còn các hoạ sĩ khổ.
Nếu không thể tự giam mình trong một đoàn thể nào đó mà quên đi sự thờ ơ của thế giới bên ngoài đối với mình, thì rất ít người biết được cái hạnh phúc thực sự vì luôn luôn phải đem nghị lực ra chống lại sự hoài nghi của nhân loại. Nhà khoa học không cần vào trong một đoàn thể nào cả vì được mọi người quý mến rồi, trừ các bạn đồng liêu của họ. Nghệ sĩ, trái lại, ở trong một tình trạng khó chịu là phải lựa chọn; hoặc chịu sự khinh bỉ của người khác, hoặc có một thái độ ti tiện. Nếu tài năng của họ rõ rệt, họ phải chịu một trong hai cái bất hạnh đó; dùng tài năng thì bị khinh bỉ, không dùng (mà chiều đời) thành ra hèn mọn.
Hạnh phúc nơi các bạn trẻ
Rất nhiều thanh niên nam nữ có học thức bậc nhất ở phương Tây có tình thần trâng tráo, bất chấp đời là vì họ có nhiều tiện nghi quá mà lại thấy công việc của mình không hiệu quả. Sự không hiệu quả đó cho người ta cái cảm giác rằng không có gì đáng làm khi mà cuộc sống đầy đủ tiện nghi đã làm cho cái cảm giác đó trở nên khó chịu. Ở phương Đông sinh viên xứ nào cũng có thể hy vọng ảnh hưởng tới dư luận được nhiều hơn là sinh viên ở các nước tân tiến phương Tây, nhưng họ lại ít có cơ hội kiếm được một lợi tức cao hơn như ở phương Tây.
Có khả năng tác động đấy, nhưng không tác động được về phương diện tiện nghi vật chất, nên họ thành nhà cải cách hoặc nhà cách mạng, chứ không trâng tráo, bất cần đời. Nhà cải cách hoặc nhà cách mạng có hạnh phúc hay không thì còn tuỳ vào sự biến chuyển của thể chế chính trị, xã hội trong nước; ngay cả khi họ bị xử tử thì họ cũng hạnh phúc hơn một kẻ trâng tráo, bất cần đời được hưởng đầy đủ tiện nghi.
Hạnh phúc, ai cũng có thể có được
Không phải chỉ các nhà khoa học đại tài là được hưởng cái thú vui trong khi làm việc; cũng không phải chỉ các chính khách có thế lực là thấy vui khi bênh vực một chính sách. Ai cũng có thể hưởng cái vui làm việc miễn là trong công việc có thể tỏ một chút tài năng nào đó mà chẳng cần được mọi người phải thừa nhận tài năng của mình.
Tôi biết có một người hồi còn trẻ lắm đã bị liệt hai chân, mà ông ta bình tĩnh, vui vẻ suốt một cuộc đời dài, được vậy là nhờ ông ta viết một bộ năm cuốn về màu sắc các loài Hồng, trở thành một chuyên gia hạng nhất về vấn đề đó. Tôi không được biết nhiều người nghiên cứu về vỏ sò, nhưng những người tôi biết đều thoả mãn về công việc của họ.
Người ta thường nói trong cái thời đại máy móc này, một người thợ chuyên môn ít được hưởng cái hạnh phúc làm việc như hồi xưa nữa. Tôi không hoàn toàn tin rằng điều đó là đúng: Phải, ngày nay người thợ chuyên môn làm những công việc tiểu công nghệ trong các phường tiểu thủ công nghiệp, nhưng vẫn còn giữ một địa vị rất quan trọng, rất cần thiết trong ngành sản xuất.
Theo nhận xét của tôi, người nông dân không hạnh phúc bằng người tài xế hoặc một người thợ máy. Đành rằng công việc của một nông dân thay đổi tuỳ theo mùa: cày, gieo, gặt. Nhưng lại phải tuỳ thuộc vào thời tiết, mưa nắng, còn người thợ máy làm chủ được công việc của mình chứ không phải lệ thuộc vào sức mạnh thiên nhiên. Dĩ nhiên công việc của người thợ máy chỉ ngồi coi máy chạy, làm hoài thì công việc trở nên đơn điệu, không có thay đổi, công việc đó quả là chán, nhưng một công việc càng đơn điệu lại càng dễ dùng máy để thay người được. Mục tiêu của sản xuất bằng máy móc còn lâu chúng ta mới đạt được, thà làm cho mọi công việc trở nên đơn điệu có thể làm bằng máy hết và con người sẽ chỉ còn làm những công việc gì thay đổi, cần có sáng kiến.
Trong một xã hội như vậy, sự làm việc sẽ bớt buồn tẻ, bớt làm suy nhược con người hơn trong thời đại nông nghiệp. Khi chuyên về nông nghiệp, nhân loại đã quyết tâm chịu một cuộc đời đơn điệu, buồn tẻ để giảm đi cái nạn thiếu ăn, đói kém. Trước thời đó, khi còn săn bắn để kiếm ăn, sự làm việc là một thú vui, cho nên bọn giàu có ngày nay vẫn giữ công việc của tổ tiên đó làm trò tiêu khiển. Nhưng khi chuyển qua nông nghiệp, loài người lại bước vào một giai đoạn nhỏ nhen, nghèo khổ, điên khùng, mà bây giờ nhờ máy móc, mới bắt đầu thoát ra được.
Tin tưởng ở một chính nghĩa nào đó cũng là một nguồn hạnh phúc cho nhiều người. Tôi không nghĩ riêng tới các nhà cách mạng, các nhà theo xã hội chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa,...Tôi còn nghĩ đến cả những sự tin tưởng tầm thường hơn... Tôi không thể đề nghị với bạn một hạnh phúc xây trên sự tin tưởng mà tôi cho là lầm lẫn. Cũng do lẽ đó, tôi không khuyến khích bạn tin rằng mọi người đều ăn cơm mà sống được, mặc dù theo chỗ tôi nhận xét, tin như vậy thì nhất định là có hạnh phúc hoàn toàn.
Hạnh phúc "căn bản"
Trong nhiều trường hợp, có lẽ trong đa số các trường hợp nữa, những trò tiêu khiển đam mê không phải là một nguồn hạnh phúc căn bản mà chỉ là một cách trốn thực tại, tạm quên đi một lát nỗi đau khổ trong lòng. Hạnh phúc căn bản tuỳ thuộc vào cái mà tôi có thể gọi là thiện cảm với người và vật.
Có thiện cảm với người khác là có tình thân ái. Nhưng có hai thứ thân ái. Thân ái mà muốn người khác luôn thuộc về mình, đền đáp tấm lòng mình quá mức, thân ái đó thường ngăn cản hạnh phúc.Thân ái mà nhận xét người khác, thấy họ có cá tính riêng mà mình lấy làm vui, để cho họ tự do tìm vui thích của họ, không muốn họ phải theo ý mình, phải nhiệt liệt ngưỡng mộ mình, thứ thân ái này mới đưa tới hạnh phúc. Người nào có thái độ như vậy thì là một nguồn hạnh phúc cho người khác và được người khác đến đáp lại tử tế, không bị lòng bạc bẽo làm cho chua chát, vì ít khi gặp sự bạc bẽo lắm, nếu có gặp thì cũng chẳng để ý tới.
Thấy người khác có những nét đặc biệt nào nho nhỏ, thì chẳng những không bực mình mà còn vui vẻ tha thứ, lấy vậy làm ngộ nghỉnh. Nhưng thái độ phải thành thực, chứ không miễn cưỡng, coi hành động của mình là một sự hy sinh vì bổn phận. Trong khi làm việc, có ý thức về bổn phận là điều tốt, nhưng trong sự giao tiếp, ý thức đó làm cho người khác mất lòng. Thiện hạ muốn được yêu chứ không được miễn cưỡng chấp nhận, kiên nhẫn chịu đựng. Có lẽ không nguồn hạnh phúc nào lớn bằng yêu nhiều người một cách tự nhiên mà không phải gắng sức.
Ở trên, tôi nói tới sự thiện cảm với vật. Câu đó có thể làm bạn hoài nghi: làm sao mà có thái độ thân ái với đồ vật được? Nhưng thái độ của một nhà địa chất chăm sóc các cục đá, hoặc một nhà khảo cổ chăm sóc các phế tích quả là có chút gì giống với tình thân ái.
Có thể chú ý tới vật vì ghét nó chứ không phải thích nó, chẳng hạn một người thu thập các sự kiện về các ổ nhện vì ghét loài nhện, và muốn ở chỗ nào cũng không có loài đó. Chú ý như vậy không gây thích thú cho ta, như sự chú ý tới đá gây thích thú cho nhà địa chất.
Sự chú ý tới vật, có lẽ không tạo hạnh phúc cho ta bằng sự chú ý tới người khác, nhưng cũng là một yếu tố rất quan trọng. Thế giới rất mênh mông mà khả năng của con người là hạn chế. Nếu toàn thể hạnh phúc của bạn chỉ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh riêng của bạn thôi thì bạn khó mà không đòi hỏi ở đời quá nhiều. Mà đòi hỏi quá nhiều là cách chắc chắn nhất để nhận được quá ít. Người nào có thể quên những nỗi lo lắng nhờ thực tâm chú ý tới một cái gì đó, chẳng hạn tới một thời đại lịch sử hoặc sự tạo thành của các ngôi sao, thì sau khi nghiên cứu những cái đó rồi sẽ nhận thấy tâm hồn mình quân bình, bình tĩnh lại, có thể chống với các ưu phiền khác, mà trong khi nghiên cứu, cũng đã được hưởng một hạnh phúc thực sự, mặc dù đó chỉ làm tạm thời.
Đây là một bí quyết của hạnh phúc: chú ý tới nhiều người và nhiều vật hơn lên, ráng làm sao cho những phản ứng của bạn đối với những người và vật đó tăng phần thiện cảm lên, giảm phần ác cảm càng nhiều càng tốt.
Hạnh phúc là những điều giản dị đã và đang hiện hữu xung quanh bạn. Hãy mở to mắt, vểnh tai lên mà lắng nghe, đưa mũi ra mà hưởng thụ hương sắc của cuộc sống với các hương vị đa dạng phong phú của muôn loài. Tất cả đều trong tầm tay của bạn. Vấn đề là bạn có nắm bắt được hay không hay là để mọi thứ qua đi trong vô thức. Tất cả tuỳ thuộc vào bạn.
M21Love
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét