Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

TRUYỆN NGẮN HAY CHUYỆN VẶT?




Cách đây mấy năm, đã từng có một hội nghị bàn về văn học như thế này. Lúc đó Đại công quốc XHCN Lybia còn đứng vững. Ngài Kadapi còn là người anh hùng, được coi như thần tượng trong lòng nhiều người căm thù sâu sắc chủ nghĩa đế quốc và tình hình biển đông chưa nóng lên như bây giờ. Tham nhũng chưa làm cho người ta cảm thấy bức bối, đạo đức xã hội và ô nhiễm môi trường chưa đáng lo ngại như hiện nay.
Nhưng hắn đã cảm thấy thất vọng. Hình như có sự lèo lái trong văn đàn, muốn hướng nó đi theo chiều hướng khác. Khi người ta bảo rằng : “Văn học ngày nay không còn mang tính hướng đạo, trách nhiệm tinh thần.. Nó chủ yếu nhằm giải trí cho công chúng..” Ông ta còn nói và dẫn ra nhiều ví dụ. Cho đến bây giờ hắn vẫn nhớ như in, dù suốt hội nghị ấy hắn không hề ghi chép như hầu hết những vị ngồi nghe. Người ta đã quen theo tập quán, nghe, ghi chép một cách thản nhiên. Ai biết trong lòng họ nghĩ gì?
Nhưng câu chuyện hôm ấy để lại trong hắn mặc cảm nặng nề. Suốt một thời gian dài hắn bứt dứt không yên, hắn không viết được cái gì cho ra hồn. Giữa thực tế và lý luận có một khoảng cách ghê gớm.
Không lẽ văn học không còn lý tưởng, bổn phận để nó hướng tới như nhu cầu tự thân của nó từ khi nó xuất hiện trong đời sống con người ?
Không phải không có văn chương giải trí.. Nói như N.H.T có nhiều loại văn chương. Như anh hàng thịt có loại thịt mông, thịt sấn, thịt bạc nhạc.. Không phải chỉ có một thứ “Văn học giải trí”. Nếu có, chỉ là một phần nhỏ, một họa tiết trong bức họa muôn màu của văn học của mọi thời đại. Nó không thể cầm trương, cầm trịch, mang tính đại diện cho văn học được, dù bất luận thời thế và hoàn cảnh nào!
Nếu đơn giản “Làm văn chương chỉ để chơi”, hắn nghĩ sẽ rất nhiều người bỏ cuộc. Nhất là những ai mang cả đời mình cống hiến cho nó. Họ đánh đổi cả công danh, lợi lộc, tiền bạc, thậm chí cả mạng sống mình, tự do của mình, không lẽ để được “chơi” như thế?
Ở đấy không có chuyện đòi hỏi bổng lộc, thú vui hưởng thụ, chấp nhận hy sinh, thua thiệt nếu người ta nghĩ và làm đứng đắn. Chắc chắn không ai muốn “Chơi” như thế, vì chơi là để vui, chứ buồn nhiều hơn còn ai chơi nữa không ?
Có lẽ không cần thiết phải bàn về chuyện này nữa. Đương nhiên người cầm bút bao giờ cũng tự biết phải trang bị cho mình hành trang cần phải có, những điều sơ đẳng này rồi.
Vậy thì tại sao, một nhà thơ nhớn như vậy lại đem đặt ra vấn đề khôi hài và kỳ quặc đó?
Có câu : “Ăn cơm chúa, phải múa tối ngày”. Không lẽ vì lẽ đó sao?
Hắn biết người như ông ấy không phải không biết. Đáng buồn ở chỗ điều không đáng, không nên nói, không muốn nói, lại được nói ra với sự hăm hở với vẻ chân thành!
Hình như có sự khuyến khích ngấm ngầm cho các loại chuyện vặt vãnh, tránh xa những điều “Nhạy cảm”, nóng bỏng, nhức nhối trong hiện thực đời sống hàng ngày. Những vấn đề hơn ai hết, người cầm bút, mệnh danh “Kẻ sĩ trong thiên hạ” phải quan tâm đến hàng đầu. Vào lúc này, anh ta không có quyền nỉ non “Cà, kê, dê, ngỗng, con cá, lá rau..” Nếu không muốn đánh mất mình, muốn bị lãng quên như một thứ đồ chơi nhất thời hết hạn xử dụng.
Không phải ngẫu nhiên phần lớn các tác phẩm trên báo chí và các phương tiện xuất bản dưới nhiều hình thức hiện nay “Nhạt” và ít được công chúng chú ý. Thậm chí nhiều ấn phẩm “ Cho không, biếu không” chẳng được hoan nghênh.
Nói gì thì nói, đó là hiện tượng có thực. Không có thế lực thù địch nào, kẻ xấu nào xuyên tạc, khích bác cả.
Thực ra văn chương và tư tưởng không thể tách rời. Hay nói cụ thể hơn: văn chương chính là cái đẹp của tư tưởng và tình cảm con người. Thiếu tư tưởng, không có chính kiến văn chương sẽ chết, hoặc sống lay lắt, nhố nhăng bằng sự bịa đặt thảm hại, làm trò hề mua vui cho một nhóm nhỏ người và bị lợi dụng mà thôi.
Một hội thảo về thơ mà không đả động gì đến các trào lưu tư tưởng hiện đại, không nhắc đến những diễn biến đương thời, thử hỏi ích lợi gì cho người làm thơ?
Dạy anh ta về cấu tứ, về ngôn ngữ, hình thức, về tu từ, về cách diễn đạt chẳng buồn cười lắm sao? Nếu chưa biết những điều sơ đẳng, đương nhiên ấy bàn đến thơ làm gì nữa nhỉ?
Người ta có thể dạy nấu ăn, dạy làm vườn, dạy làm nhiều công việc khác.. Nhưng tuyệt đối không thể dạy làm thơ, hay viết văn được. Cái đó là trời phú cho, là thiên bẩm của từng người. Có người học hành chẳng bao nhiêu mà làm thơ vẫn rất hay. ( Đương nhiên có học, có văn hóa vẫn hơn, nhưng không phải vì thế mà tác phẩm hay hơn). Hắn có nhiều người bạn học hàm, học vị rất cao chuyên về văn học mà không có lấy một sáng tác nào, tác phẩm nào. Suốt ngày chỉ biên tập, khen chê người khác, tự cho mình cái quyền nhận xét, đánh giá thiên hạ. Hắn không cho số người này là kém cỏi. Hắn chỉ lấy đó làm ví dụ cho việc có thể dạy người ta làm thơ hay viết văn được không mà thôi?
Làm gì có công thức, có định nghĩa nào cụ thể cho thơ? Nếu có chính là sự cáo chung của thơ rồi !
Lần này lại là một hội nghị khác, chuyên đề về văn xuôi. Hình như bây giờ xã hội phát triển, đời sống được cải thiện, được nâng cao, thiên hạ thái bình, lòng người thanh thản nên có nhiều thời gian, nhiều sự quan tâm hơn?
Những mối quan tâm cũ còn chưa kịp tiêu hóa hết, lại đến cuộc bàn về Truyện ngắn lần này.
Hắn cứ day dứt mãi : Truyện ngắn hay là chuyện vặt đây?
**
Hội nghị diễn ra trong hai ngày. Công văn gọi đích danh “Lớp tập huấn”. Chỉ riêng cái tên gọi cũng đã nhiều người thắc mắc. Thành phần gồm các nhà văn cỡ nhàng nhàng, không mấy tên tuổi. Loại như ông “Ma xó” thì nói luôn: “Tao đến làm gì cho nó nhớp?”
Một vài ông nữa, không nói, nhưng coi như không có chuyện gì. Sự thờ ơ ở một thời điểm nào đó cũng có thể “Thể hiện chính mình”!
Vài chuyện nữa, hắn không bận tâm. Không phải hắn sính họp, hay mong được có sự đãi ngộ be bé nào đó ( thường là có, khi có các sự kiện này). Cái chính là hắn cũng đang bức bối trong công việc viết lách của mình. Hắn mong có một gợi ý nào đó trong mớ bòng bong  suy tưởng.. Xã hội đã “Đổi mới” về kinh tế, “Cải cách” về chính trị, nhưng xem ra Văn học nghệ thuật vẫn y như lề lối cũ. Vẫn là HTXHCN với lối viết trần trụi, kể lể. . Vẫn những câu chuyện về chiến tranh na ná giống nhau. Một vài câu chuyện yêu đương nhạt nhẽo và gượng gạo.. Cần một sự cách tân, đổi mới triệt để mới mong bắt kịp diễn biến khôn lường đang xảy ra từng giờ từng phút trên đất nước này. Đâu là hướng đi? Mỗi người phải tự có cách tìm tòi, thể hiện. Có một cuốn sách gần đây của VXT mà hắn rất thích. Có đoạn ví định hướng như đường ray đến điểm cụt. Người ta không thể cứ lăn bánh theo hai thanh ray có sẵn. Tới đây mỗi người phải tự thay bằng bánh lốp. Tự lèo lái theo hoàn cảnh và khả năng của mình. Cái đó vừa là thách thức vừa là cơ hội..

Buổi sáng khai mạc có mặt tương đối đầy đủ. Nhưng đến chiều số người không đến khá nhiều. Mấy hàng ghế bỏ trống.
Hắn nhìn quanh, hóa ra đa số có mặt là các vị về hưu. Những vị không đến đây có lẽ cũng chơi cờ, hoặc ngồi uống bia, uống trà hay xem đá gà ở một nơi nào đó. Các vị này, dù có tập huấn hay không, tư duy và cảm xúc cũng vẫn như vậy. Khó có khả năng có “Đột phá” hay “Khởi sắc” lên được như mong muốn của nhà tổ chức.
Hắn chợt nghĩ, vào thời điểm này, khi người ta ráo riết kiếm tiềm với câu cửa miệng “kinh tế thị trường”, những người còn vương vấn với văn chương sẽ ngày một ít dần. Nơi mà không nói ai cũng biết sẽ mất gì? Được gì?
Dầu sao cũng phải kính trọng các vị ấy. Những người tuổi cao, vọng trọng còn mang chút quỹ thời gian ngắn ngủi của mình phụng sự cho nền văn học nước nhà. Một nền văn học được mệnh danh từ lâu là “Phục vụ nhân dân, đối tượng chủ yếu nhằm vào Công nông binh”. Một nền văn nghệ mang tính đại chúng, tính đảng khá cao!
Định hướng như thế, hèn gì văn học như quần áo may sẵn, có quy định rõ ràng về số đo về kiểu cách. Cái gì khác lạ rất khó chấp nhận. Chả trách NMC, đến lúc giã từ cõi này phải viết một “ai điếu cho một nền văn học”.
Số bỏ về, để ý kỹ đều là sinh viên, giảng viên đại học. Có thể những điều diễn giả trình bày không khác bao nhiêu giáo trình giảng dạy của nhà trường. Họ đến đây kỳ vọng học hỏi được kinh nghiệm sáng tác của nhà văn chứ không phải để nghe lại bài giảng trên lớp.
Hắn không hứng thú mấy, nhưng vẫn ráng ngồi nghe. Dù sao thì cũng có chút liên quan đến vấn đề mình quan tâm. Với lại, ở đời muốn học gì thì học, phải biết xem cả hai chiều. Hay cũng học, mà dở cũng phải xem chừng. Ý tưởng đôi khi lóe lên từ những phản cảm là chuyện không có gì lấy làm lạ.
Cũng không khác mấy buổi hội thảo về thơ năm nào. Đề luận.Phân tích. Khái niệm. Phương pháp.. Không có gì mới. Nếu chịu khó vào Google, mục tìm kiếm chỉ vài giây sau sẽ có hàng ngàn kết quả đại loại như thế. Thậm chí còn hay hơn rất nhiều.
Không phải nhà văn nào viết hay cũng nói được hay. Có những vị viết rất dở, nhưng lý luận văn học rất sâu sắc và tinh tế.
Đại tá nhà văn diễn giả là người viết truyện ngắn có nghề, có tài nhưng quả thật khi ông ta “lên lớp” lại không tài như vậy. Thay vì nói những kinh nghiệm sáng tác của mình, ông lại đặt vấn đề “Thế nào là truyện ngắn?”, “Phương pháp và cách thể hiện truyện ngắn?”..
Người ta có thể phân tích và kết luận về thành phần của không khí, của ánh sáng.. Nhưng Truyện ngắn, hay thơ cụ thể nó là thứ gì thì hoàn toàn không!
Có người đã ví von thế này mà hắn thấy cực hay: “ Truyện ngắn giống như tình yêu. Còn hỏi cụ thể tình yêu là gì thì bố ai trả lời được. Cứ yêu đi rồi sẽ biết!”  ( Tất nhiên tình yêu thường là quan hệ trai gái, quan hệ vợ chồng.. Nhưng không có nghĩa yêu nước, yêu thiên nhiên..vv không phải tình yêu? ) Nó vô cùng rộng, mênh mang và huyền bí lắm, làm sao có thể làm thành một định nghĩa, một quy chuẩn  cụ thể, rõ ràng được?
Còn nói “ Nó là nét chấm phá, là lát cắt, là khoảnh khắc..cảm xúc về một sự kiện, một tình huống..vv” thì xưa như mưa tháng bảy.
Có chuyện chỉ là câu chuyện khoảnh khắc, có chuyện là cả cuộc đời, thậm chí mấy đời nhân vật. Có chuyện đơn tuyến, chỉ có một vài nhân vật. Nhưng có chuyện đa tuyến có nhiều nhân vật. Có chuyện chỉ một tình huống, thúc đẩy đến cao trào để đến kết thúc bất ngờ.Nhưng có truyện miên man suy nghĩ và cảm xúc, thậm chí không có nhân vật cụ thể và kết thúc không rõ ràng, kết thúc mở chẳng hạn.. Không phải như vậy không phải là Truyện ngắn, là chuyện lan man không thành Truyện! “Giọt máu”, “Con gái thủy thần” của NHT là những truyện như thế, và ai cũng phải công nhận nó hay.
Đành rằng trước hết, truyện ngắn là phải viết ngắn, không thể dài như tiểu thuyết được. Nhưng hắn nghĩ như vậy chỉ là ước lệ. Theo hắn, dung lượng của một tác phẩm phải tùy theo câu chuyện, những vấn đề, sự kiện mà nó đề cập tới. Dài, ngắn đến đâu tùy theo cảm xúc và năng lực của nhà văn. Chả khác gì cũng là thịt cả, luộc, kho, nướng hay chế biến thế nào còn tùy vào tay nghề của người đầu bếp. Không thể cứ úp sọt cho là thịt lợn tất.
Chẳng qua giới hạn số từ là nhằm vào việc in báo cho nó tiện mà thôi. Không nhất thiết truyện ngắn chỉ từ một đến năm nghìn từ. Cũng như tiểu thuyết không nhất thiết phải dài. Hắn biết có tác phẩm gọi là tiểu thuyết số chữ in chỉ vài chục trang..
**
Đời người, niềm vui và sự thú vị ít khi lặp lại. Cái nhố nhăng, kệch cỡm, buồn lòng lại hay viếng thăm. Nhất là những kẻ thấp bé, nhẹ cân, chả vai vế gì trong xã hội. Nỗi bực mình luôn “Đi cùng năm tháng”, nửa bước không rời !
Làm cái anh văn sĩ cà mèng, lâu lâu được đi chơi xa một chuyến. Nói là đi chơi cho nó nhàn nhã, bay bướm chứ thực ra là đi đổi gió bằng trí não, tâm can mình. Ấy là các trại sáng tác thường kéo dài năm bữa, nửa tháng. Cũng ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, đi về xe đưa xe đón, có lúc được đón tiếp đón long trọng. Có anh ngỡ mình lên mây, vinh dự tự hào. Sướng lên, rượu vào cứ gân cổ mà hát đến ướt hết cả quần lúc nào không biết. Đồng bọn phải lôi vào toalet thay quần thay áo cho, dỗ mãi mới chịu lên giường nằm ngủ.
Lần này tuy không đến nỗi như thế, lại có anh nằm ngửa tênh hênh, xòe chân, giang tay trong phòng khách sạn, lẩm bẩm một mình: “ Nói gì thì nói, tớ cũng là ông tá về hưu, khối anh muốn như mình chẳng được”!
Nghe thế, miệng hắn cười, mà nước mắt ngược vào trong. Ôi là cái anh văn sĩ nước mình! Đến bao giờ mới dám nghĩ lớn, làm lớn, viết khang khác đi được?
Còn nhớ cái lần ở nhà sáng tác Tam Đảo. Hôm ấy trăng thanh gió mát. Đi dạo một vòng qua thác Bạc, đền Mẫu, vòng về khu nhà một ông thủ tướng dưỡng bệnh những ngày cuối của kiếp người. Nghĩ linh tinh lang tang. Cả đêm không ngủ được. Ông bạn cùng phòng đã ngáy pho pho từ lâu. Trằn trọc mãi, thế là nảy ra ý muốn viết lại cái truyện hôm ở nhà mang theo. Thêm một tý dấm, bớt một tý ớt. Xoay đằng trước ra đằng sau.. Chẳng dè khi đọc lại lại thấy thinh thích.
Lúc ấy xem đồng hồ, cũng đã khuya lắm rồi. Chợt có tiếng cú kêu trên đồi thông già. Lần đầu tiên trong đời  hắn không cảm thấy ghét con vật vô duyên này. Thường người ta bảo cú kêu là điềm gở. Lúc đấy lại thấy nó hay hay. Không cay cú, không buồn, không có lúc bực, chưa chắc đã là điều tốt, chưa chắc đã nên người !
Không ngờ sáng hôm sau là buổi nhiệm thu tác phẩm. Cơm gạo của nhà nước, nói thế thôi, chứ chơi không thế chó nào được?
Hơn chục anh em, tác phẩm của người được khen hết nước hết cái. Toàn những chuyện “lành”, “Tính chân thật, rất có tâm của người cầm bút” có tính giáo dục cao, tính mỹ học HTXHCN tuyệt vời.. Còn Truyện của hắn, lãnh đạo bảo “Nó chưa thành truyện, còn lan man, chưa biết tác giả định đề cập cái gì?” Có gì khốn nạn bằng định làm một việc gì đó mà không nên việc?
Hắn không còn là trẻ con để thích được khen. Nhưng tự nhiên thấy buồn hết cả chân tay.
Một truyện dụng công nhiều nhất, tâm đắc nhất, chỉ vì giọng điệu chả giống ai, coi như đồ bỏ.
Tâm sự với ông cùng phòng ông ta bảo : “Trên đã đánh giá thì ít khi sai”. Đúng “ông trên” là ông giời, hắn đành ngậm miệng, không cãi.
Hôm sau về, hắn cứ như người vơ vẩn. Không hẳn vì sĩ diện, vì cái gì đó rất kỳ cục mà lúc đó hắn chưa hiểu ra là cái gì?
Điên tiết, hắn lên bưu điện gửi cuộc thi truyện ngắn của báo Văn. Năm đó hắn chưa biết I mêu, I mốc như bây giờ.
Cũng chỉ là cho bõ ghét đứa con tinh thần, soi mãi chả thấy nó sứt môi, lồi rốn ở chỗ nào?
Ai dè tuần sau, báo đăng, lại đăng ở trang nhất. Rồi vào chung kết. Được in trong tuyển “Truyện ngắn hay cuộc thi của báo Văn nghệ” do nhà sách Nhã Nam  phát hành. Nếu không có “ông trên” nhận xét kia, có thể còn vào giải. ( Ông ấy là thành viên quan trọng của ban giám khảo ) Đã chê rồi, hắn vào giải thế chó nào được nữa?
Chuyện qua lâu rồi, mãi đến cuộc tập huấn lần này hắn sực nhớ lại. Thì ra khen chê ở đời còn vì nhiều lẽ lắm.  Có thể còn tại cái “Gu” của từng người. Cái “Gu” chỉ kém cái “Ngu” một chữ đứng đầu, sao mà hắn ghét cái “Gu” đến thế ?
Thì ra giữa truyện ngắn và chuyện vặt, bề ngoài có vẻ giống nhau. Như anh em cùng cha cùng mẹ, lại khác ở cái tâm, cái tính. Đứa lành hiền, nhu mì, bảo sao làm vậy. Đứa cứng đầu cứng cổ, nói đúng mới chịu nghe. Nói sai, đánh què thì đánh, vẫn tính nào tật ấy.
Phàm làm cha làm mẹ, ai cũng thích con cái ngoan ngoãn nghe lời. Đứa cứng đầu, khó bảo luôn bị ghét bỏ.

Văn chương cũng vậy. Biết thì biết cả, song vì sao nói thế này ra thế khác cũng bởi nhiều lẽ. Chẳng ai có thế dạy được ai!
Thôi thì “Đối phúc cùng trời”. “Khôn sống mống chết”. Đã là văn chương là lo việc dài lâu.
Nghĩ sai, hối chẳng kịp!

( Đáng tiếc khi quên tên tác giả bài viết này)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét