Hồ Cảnh Hưng
Ngẫm nghĩ cuộc đời có bao nhiêu điều khó khăn. Đôi khi tôi đồ với cái lý lẽ siêu việt của mình, bây giờ ai đó nói 1+1=2 tôi cũng có thể nói là nó sai được, huống hồ quả quyết một cái gì. Nhưng nói tới việc sống, có dục vọng và ham muốn thì khổ là chắc chắn, không thể bác bỏ được. Cái lý khổ này rất rõ, bởi ham muốn thì nhiều mà được một cái gì thì ít. Cầm trong tay 20 triệu mới mẻ đem về tôi thấy cũng như có một xô nước mà phải tưới ướt cả chục mảnh ruộng đang khô. Không chỉ ở thời nay mà thời nào cũng vậy, người ta từng đã nói đến cái khổ của kiếp người. Ở chừng mực nào đó còn có thể "chia sẻ" được, vượt quá nữa thì chỉ còn sầu muộn. Than ôi, biết làm thế nào. Dù muốn hay không cũng phải xem đời sống là một bậc thầy mình cần phải học, phải tri túc thiểu dục, phải tu. Còn danh lợi, nghe đau đến từng khúc ruột:
Gót danh lợi bùn pha sắc xám
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu
Nghĩ thân phù thế mà đau
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.
Nghĩ cho cùng thì tự mình hành mình. Tự tay mình bấu rách cổ mình. Bao giờ cũng vậy, thấy gái đẹp ngoài đường là muốn "hốt" ngay, muốn "quan hệ" ngay. Nếu tôi làm vua… Tôi có chừa ai đâu. Ý niệm đầu tiên của tôi, tôi là một người xuất chúng, ra ngoài đường, ở trong nhà, ai ai cũng thán phục tôi. Bạn nghĩ đúng không?
Cái đạo trung dung, cái nho nhã, chẳng qua là vì mình bất lực. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói như thế. Tôi rất tâm đắc.
Tôi lại còn nghĩ, ở khía cạnh nào đó, những vinh quang trên đời này đều dễ chứa sự đau đớn. Cái vinh quang của văn chương thì càng dễ như thế, vì nó là nghề duy nhất người ta phải ăn trên xương máu của mình. Mặt khác, một cách sâu xa hơn, ta có thể linh cảm thấy, mỗi một hành vi văn chương chân thực nhất bao giờ ta cũng phải đứng trên chính cái xương thịt của mình để viết ra. Ngay việc hiểu một con người cũng phải "như Chúa đóng đinh trên thập tự giá" (Nguyễn Huy Thiệp).
Để có một tác phẩm, người ta cũng phải như thế, bằng cách như thế. Đó là tôi đang nói có một thứ văn chương vô hình nào đó tuyệt đối hơn. Tự sâu xa trong mỗi tác phẩm, dù ít dù nhiều nó cũng đều có điều ấy. Cái chân lý 1+1=2, đối với cái lý luận "trường văn trận bút" thông thường người ta cũng có thể bảo là sai được, nhưng cái lý trên thì tôi quả quyết nó luôn luôn đúng, không chịu khuất phục ai. Có bốn điều Đức Phật cấm các đệ tử của mình không được truy xét, gọi là bốn "Giới cấm thủ", mà nếu làm khác đi người ta sẽ hóa điên. Tôi không nhớ rõ hết bốn, chỉ nhớ có hai: Một là truy xét nghiệp các kiếp quá khứ của mình và hai là giải thích sự tồn tại của vũ trụ. Đó là những việc điên cuồng. Chắc chắn rằng, lịch sử của một con người từng tồn tại là sự đi trên muôn triệu xác chết, xương thịt, là một sự điếm nhục chất cao bằng núi, là nhai xương nuốt thịt lẫn nhau, là cái vô minh khủng khiếp, tột cùng. Lương tâm, giác quan nhậy cảm của nhà văn không phải là điều áp đặt từ trên trời xuống mà thực sự nó phải là một sự từng trải của cá nhân đó trong toàn bộ lịch sử của mình. Một hành vi văn chương là ta đã đứng trên núi xương thịt của mình, của người thân thích, của cha mẹ mình. Phật nói: Niệm một câu A Di Đà Phật là tiêu tan hàng triệu triệu nghiệp ác trong quá khứ. Tôi nghĩ điều đó có dính dáng đến cái đang nói đây.
Khi đứng trước văn, tôi thấy muôn ngàn bờ vực chết người, hàng trăm địa ngục như thiên la địa võng giăng ra trước mặt, không khéo chui vào đó sẽ chết không kịp ngáp. Và nói đến cái hay của văn chương, thơ ca (2), thì có cái hay nào bằng cái hay trong bài thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh như sau không?
Đó là một người làm thơ, vào một buổi sáng trở về "tang tóc im nghe" trước cái chết của mẹ:
Sao mẹ ra đi xa thế
Lại lặng im không nói một lời
Sao mẹ làm con đau thế
Ở đâu rồi, ở đâu mẹ ơi?
Con dám mơ những điều không thực
Để hẫng chân khi mẹ mất rồi
Con gây hấn với thơ
Tìm kiếm nhọc nhằn trang viết
Để bây giờ chỉ vọng những âm rơi. (1)
Tôi nhớ cách đây khoảng mười năm đọc bài thơ này tôi sững sờ. Tôi nhớ mãi cho tới ngày nay. Phật nói về công lao của cha mẹ:
"Ví có kẻ nào, hai vai kiệu cõng cha mẹ đi chơi, suốt cả mọi nơi, trên rừng dưới biển, hai vai nặng trễ, mòn cả đến xương, máu chảy cùng đường, không hề ân hận, cũng chưa báo được công đức mẹ cha, kể trong muôn một".
Trong thơ có thơ, trong văn có văn. Ý nghĩa của bài thơ thật sự thức tỉnh tôi. Trong một thời gian dài tôi rất dằn vặt về ý nghĩa của văn chương, thơ ca vì bản thân tôi cũng đã từng "gây hấn với thơ"...
Kiến thức, tri thức, kinh nghiệm, ngay cả những người hiểu và nói được định luật Einstein, toàn bộ những điều đó tồn tại trong con người chỉ ở dạng một đám mây kí ức, đều chỉ là khái niệm chứ chẳng gì là thực cả. Còn cái sắc, chính là những cái thực, mà cái thực, chỉ còn là xương máu thực ở trong đời sống mình, của người cha, người mẹ mình. Đó là cái gần nhất mà ta phải nói đến trước nhất. Có lẽ, khi đến nước này rồi thì mọi lý lẽ đều vô ích.
Điều đó tôi đã phải nói quá lên, vì thực tế văn hay không bao giờ cũng phải trả giá đúng bằng những gì mình viết. Nhưng cái ta vẫn gọi là sự nhậy cảm với nỗi đau khổ của con người, gặp chuyện ở bên ngoài mà hình như hiểu được và viết được, thì bản thân cái nhậy cảm đó tôi nghĩ nó cũng phải có nguồn gốc sâu xa từ chính sự từng trải nào đó trong liên thông các hoại kiếp quá khứ của mình, chứ không phải là cái trời cho không hoặc áp đặt xuống để chúng ta làm người và làm nhà văn. Còn cái mà ta vẫn gọi là cảm xúc yêu đương, cái trong sáng thiên thần, cái nhãn quan dạt dạo cảm xúc những ngày đầu bước vào làm văn viết thơ thực tế cũng là phần xương thịt của cha mẹ đó thôi. Cha mẹ cho ăn, cho bú mớm những gì tinh khiết nhất, che chở cho bộn bề, hằng ngày và hằng giờ thổi vào lòng chúng ta những giấc mơ đẹp nhất, bỏ vào miệng chúng ta những thứ bổ dưỡng nhất, để chúng ta khi lớn lên mười bốn mười lăm tuổi, mới có cái cảm xúc thần tiên loại ấy. Chúng ta phải biết giữ gìn nó trong những ứng xử thuận thảo hàng ngày, lãng phí xa xỉ, dùng nó để viết văn viết thơ quá nhiều cũng là điều phí phạm công lao.
Mỗi một hành vi văn chương, ta đã động chạm tới cái vốn yêu thương máu mủ nhất của mình. Tôi nghĩ, nó là cả một sự phóng tâm, một sự tổn hại tâm linh rất lớn. Không cẩn thận, có thể ta đem cả cái công lao như núi Thái Sơn của đấng sinh thành mình đổ ra sông ra biển.
Tuy nhiên, không phải chỉ riêng cái hành vi văn chương, thơ ca mới là việc tiêu phí tới cái vốn máu mủ đó mà tất cả các công việc khác cũng thế, ta đều phải chịu sự mất mát này. Dòng năng lượng nào rồi chẳng tiêu tan? Nhưng văn chương thì nó nguy hiểm, vì cái mà ta đánh đổi lại là cái không thực, cái danh hư ảo. Theo tôi biết, thì cái nhầm lẫn này, ở trong Phật giáo gọi là nhầm lẫn danh sắc. (3)
---------------------------------------
Ghi chú:
(1): Toàn bài Bài thơ LÁ của Nguyễn Hữu Hồng Minh
Sao mẹ ra đi xa thế
Lại lặng im không nói một lời
Sao mẹ làm con đau thế
Ở đâu rồi, ở đâu mẹ ơi?
Trống trải vốn những điều quen thuộc
Lạ lẫm từng gương mặt bạn bè
Con cũng đã lao đi xa lắm
Một sớm về tang tóc im nghe.
Con dám mơ những điều không thực
Để hẫng chân khi mẹ mất rồi
Con gây hấn với thơ
Tìm kiếm nhọc nhằn trang viết
Để bây giờ chỉ vọng những âm rơi.
Thơ có viết mẹ không còn để đọc
Lá như thơ quanh mộ mẹ nằm
Con chỉ ước thơ con như lá
Réo bốn mùa quanh mẹ trăm năm.
(2) Thơ: Nói đến cái hay của thơ thì bao la vô cùng vô tận. Đây không phải là nói chơi mà là hiện thực: Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh vạn vật, vạn vật sinh thơ. Thơ nhiều hơn trăng sao bầu trời, thường trực có mặt trong tất cả các giác quan và các siêu giác quan khác của con người như sự tiên tri, sự hiểu thấu tận một hiện tượng gì. Thế giới của thơ lớn hơn thế giới của hữu hình, vô hình, của trừu tượng như toán học hay của thế giới vật lý, thiên văn vũ trụ. Con đường thơ là con đường không mục đích, con đường vô vọng. Tình yêu thương cũng vậy, cũng không mục đích, cũng vô vọng. Mỗi một hành vi sống, bằng sự nhìn, bằng sự xúc chạm, bằng sự yêu thương, mỗi một hành vi sống ấy đều là một biểu hiện cụ thể, thiết thực của thơ, là một cái riêng trong một cái chung bao quát, vĩ đại, vĩnh hằng. Hành vi của người anh đối với người em, của người mẹ đối với người con, của người tình đối với người tình, của một cái nhìn, một sự tương ứng, một sự yêu đương, là một cái riêng trong một cái chung, trong một cái bao quát, vĩ đại, vĩnh hằng, không cùng tận, không chấm dứt của thơ.
(3): Trí tuệ phân biệt danh sắc
Phật giáo Nam tông, còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Tiểu thừa, là phương pháp thiền được truyền trực tiếp từ Ấn Độ sang Việt Nam, tu hành đúng theo hành trình thái tử Tất Đạt Đa trở thành Phật. Trong Phật giáo Nam tông không có Phật A Di Đà, không có Quán Thế Âm Bồ Tát, v.v… trong chùa chỉ thờ mỗi Phật Thích Ca. Tượng Phật Thích Ca được đúc dựng theo bốn uy nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Sinh thời xuất gia tìm đạo, thái tử Tất Đạt Đa đã tự mình, không thầy chỉ dẫn đã đắc quả A La Hán (cũng tức là quả Phật) bằng một phép thiền mà bây giờ tu sĩ phái Nam tông dùng, gọi là Thiền minh sát. Sau khi đắc quả, Phật mới có sự liên thông với các Phật khác như Phật A Di Đà, nên mới truyền bá kinh Phật A Di Đà, truyền bá pháp môn niệm Phật A Di Đà v.v… Phương pháp thiền phổ biến, và hầu như là duy nhất của người phái Nam là phương pháp Thiền minh sát này. Chùa của họ thường chọn ở nơi rừng sâu núi cao, lập lại mô hình vườn nhà ông Cấp Cô Độc thời Phật tại thế.
Thế nào là Thiền minh sát? Minh sát, có nghĩa là quan sát một cách sáng suốt. Bốn mươi chín ngày ngồi dưới cội bồ đề Phật đã "nghe biết nghe, động biết động, thấy biết thấy, hít biết hít, thở biết thở…" nói chung là có gì xuất hiện ngay trong hiện tại thì biết cái ấy, không động thủ, không đánh giá, không khởi sinh nhận xét gì cả. Bằng cách này, đột nhiên một lúc Phật thấy lẽ vô thường, thấy cái trống không: Ví dụ thấy chiếc lá rơi soạt xuống, biến mất. Một làn gió rào qua, biến mất… Trên núi, hàng trăm hàng vạn pháp như tiếng dế, tiếng chim kêu, lá rơi, côn trùng rĩ rã, suốt cả đêm ngày, thái tử cứ nghe nó xuất hiện, nó biến mất. Nó tới, nó đi, như những kẻ lạ, như gió vào căn nhà trống. Thái tử cũng không biết là ai đang quan sát các hiện tượng đó nữa. Cái ấy gọi là cái vô thường, vô ngã, chỉ có các hiện tượng lạ cứ đến rồi đi. Và nói như Krishnamurti "người quan sát là vật được quan sát", không còn thấy có ai quan sát nữa nhưng hiện tượng gì xuất hiện cũng biết. Biết thông suốt.
Sự biết thông suốt ấy, trong cái trống không ấy, thái tử nghe thấy tất cả, tự bỗng khởi sinh một cái tuệ giác thấy ra mọi thứ, thấy cả vũ trụ, hàng tỉ tỉ các đại thiên thế giới, tỉ tỉ các pháp trần gian, các chủng tử sinh vật, hằng hà sa số các hiện tượng. Rồi, cũng từ cái trí tuệ minh sát vừa đạt được ấy, Phật kêu à, đây là khổ, đây là tập khổ, đây là sự diệt khổ, đây là đạo. Thực chứng như thật: Đây là khổ, đây là tập khởi của khổ, đây là sự diệt khổ, và đây là đạo. Phật còn thấy có Phật A Di Đà, thấy có cả nước Tây phương cực lạc, thấy rất nhiều thánh thần bồ tát trong khắp nhân gian, chúng sinh, trong tất cả các đại thiên thế giới, thông suốt trời đất, vũ trụ, không còn giới hạn nữa. Như vậy, gọi là kinh Phật là cái đến sau, cái sau khi thái tử Tất Đạt Đa chứng đắc quả A La Hán. Còn phép tu thiền minh sát là cái có từ khi Phật còn là người phàm mắt thịt, là phương pháp thái tử Tất Đạt Đa đã tự sáng chế để tu hành. Cái phương pháp thiền ấy người giáo phái Nam tông sử dụng, gọi là thiền minh sát.
Quá trình tu tập thiền bằng phương pháp này có một cái quả, một thành tựu mà người ta gọi là trí tuệ nhìn thấy vô thường. Và cái quan điểm vô thường của người Nam tông cũng khác. Nó vừa là ngoài kia bãi bể nương dâu vừa là sự sinh diệt của tâm thức mình, ví dụ như nhìn tảng đá cũng thấy vô thường, vì thực tế tảng đá đó sinh rồi diệt hàng loạt các hình ảnh liên tục trong sự nhìn. Hoặc cái bên ngoài như núi cao biển lớn, là trần cảnh (duy vật), còn cái thấy, nếm, sờ, đụng, cái bên trong, là chân cảnh (duy tâm). Và có lẽ, duy vật hoặc duy tâm cũng là một thôi, vì suy cho cùng khi các quy luật vật lý khi được nhận biết, thì cái nhận biết đó cũng là cái thấy trong tâm (vạn pháp quy tâm). Cái tâm của họ không có nghĩa là lòng tốt, mà là cái thấy, cái biết, cái nghe của mình. Hỏi rằng trăng sao bầu trời có tồn tại không, thế giới duy vật có tồn tại không thì họ nói có, nhưng mọi sự nhận biết đều là duy tâm. Chỉ khi nào mình giác ngộ rồi mình mới biết thực chất cái thế giới ấy nó tồn tại như thế nào.
Có một câu chuyện ví dụ đơn giản về thiền minh sát được một vị thầy trong chùa kể như sau: Có một vị thầy Bà La Môn đáng kính, cùng thời với đức Phật Thích Ca, hằng ngày có rất nhiều người đến cầu học. Một hôm, có một khách phương xa đến xin vị này thâu nhận làm để tử. Nhưng khi gặp vị thầy Bà La Môn thì anh ta rất phân vân. Anh ta nói: "Con rất phân vân, vì trên đường đến đây con lại được nghe người ta nói ở kinh thành Xavatthi có một vị khác tên gọi là Thích Ca có được pháp tu giải thoát sinh tử luân hồi. Vậy con xin hỏi ngài, ngài khuyên con nên đến đó cầu học hay ở lại đây?". Thoạt nghe khách phương xa nói như thế, vị này lập tức đứng lên đi thẳng một mạch tới kinh thành Xavatthi không hề nghĩ ngợi. Vị này đi rất nhanh, rất cấp tốc, khăng khăng một mực. Đến nơi, tu sĩ Bà La Môn bước vào vườn ông Cấp Cô Độc xin được gặp ngay ngài tên là Thích Ca ấy. Các đệ tử Phật thời bấy giờ đáp rằng hiện tại tôn giả Gotama, thầy của chúng tôi, đang đi khất thực, ngài muốn gặp thì xin hãy đợi. Nhưng vị này không chịu, chỉ muốn gặp được ngay. Các đệ tử Phật mới chỉ đường: ông đi tới đó, tới đó, thấy một người như thế, như thế, đó là tôn giả Gotama, thầy của chúng tôi. Vị tu sĩ Bà La Môn liền cấp tốc lên đường. Gặp Phật Thích Ca đang trên đường, vị này tức thời đi đến trước mặt Phật hỏi pháp tu giải thoát. Thường ngày, trong ứng xử, Phật không phóng tâm tra xét bất kì điều gì ở người đối diện mình. Phật nói: Muốn nghe thì hãy trở về vườn ông Cấp Cô Độc cùng ta. Về tới đó ta sẽ giảng cho. Nhưng vị này nhất quyết không chịu, bảo Phật hãy giảng ngay lúc này, ngay tại đây, không thể chậm trễ. Phật hỏi vì sao gấp gáp như thế thì vị này nói: Nếu ngài có cái pháp tu giải thoát ấy, thì đây là lần đầu tiên xuất hiện trên trái đất, chỉ một mình ngài có. Ngài không giảng ngay bây giờ, lỡ ngài chết thì sao? Ngài chết đi thì cơ hội nào để tôi biết được cái pháp giải thoát ấy? Lúc đó Phật mới dùng tuệ nhãn của mình nhìn vị tu sĩ Bà La Môn, thấy vị này còn sống được không quá nửa giờ nữa thôi, liền giảng rất ngắn gọn pháp giải thoát của mình: Nghe biết nghe, đụng biết đụng, thấy biết thấy, hít biết hít, thở biết thở. Giảng lần thứ nhất. Phật nhắc lại lần thứ hai: Nghe biết nghe, đụng biết đụng, hít biết hít, thở biết thở. Vị đó sau khi nghe xong, liền ngồi ngay xuống dưới vệ đường thực tập và chỉ sau vài trăm bước chân Phật, vị này đắc quả A La Hán. Như ta biết, trong cuốn Đường xưa mây trắng thiền sư Thích Nhất Hạnh kể, khi Phật Thích Ca đắc đạo, Người đứng lên thì Người chao đảo. Vị này cũng thế, đắc đạo đứng lên, cũng chao đảo. Một con trâu từ đâu chạy ra húc vị này chết. Sau đó Phật Thích Ca kể lại với các đệ tử của mình vị này đã trở thành một A La Hán.
Đó là một ví dụ đơn giản dễ hiểu phép thiền minh sát. Tôi kể theo trí nhớ một lần tôi được nghe, do ngài Kim Triệu kể.
Phép tu thiền minh sát, cũng theo tôi được nghe, có những cấp bậc giác ngộ. Có bậc là Tu Đà Hườn, trên Tu Đà Hườn có Tư Đà Hàm, Trên Tư Đà Hàm có A Na Hàm. Trên A Na Hàm là A La Hán (Phật). Người Nam tông định nghĩa thánh nhân là những người ấy. Một điều đặc biệt là khi một ai đó nhập vào dòng thánh rồi thì mãi mãi cái tuệ đó nó không bao giờ mất, dù muôn vạn kiếp trôi qua đi nữa. Chỉ có tiến chứ không lùi.
Một câu chuyện khác được một vị thầy của ông anh tôi (xuất gia chùa Nam tông) kể là khi ông tu ở bên Miến Điện, lúc có rất nhiều Phật tử theo thiền minh sát tụ tập về, người ta có đặt câu hỏi không biết thời nay có A La Hán không. Để tìm ra vị nào là A La Hán, người ta trải một tấm thảm đỏ ra giữa chánh điện, thông báo rằng ai là A La Hán hãy ngồi lên tấm thảm đó. Thì lúc đó có một số người đã lên thảm ngồi. Trở về, ông thầy này nói vẫn còn có A La Hán trên đời. Một lần xuống chùa chơi, tôi cũng có hỏi ông anh tôi ở chùa mình có ai là A La Hán không. Ông anh tôi bảo có. Tôi hỏi ở đâu. Ông nói, đó, đó kìa. Ông chỉ ra ngoài hồ nước, chỗ có cái nhà sàn. Ông nói đó là nơi ở của ngài Kim Triệu, là một bậc A La Hán. Tôi hỏi sao biết, ông anh tôi nói rằng ông mới học tới lớp hai, lớp ba thì không thể biết ai là người có trình độ đại học được. Nhưng ngài Kim Triệu là A La Hán, bởi vì ở bên Miến Điện bà Đi Pama, một người tu tại gia được hầu hết các vị tăng sư xem là A La Hán ấn chứng ngài Kim Triệu đã đắc quả A Na Hàm. A Na Hàm, thì có nghĩa người ấy sẽ là A La Hán ngay trong đời này hoặc nhiều lắm chỉ một kiếp nữa thôi. Vị này sau đó hoặc sẽ là A La Hán, hoặc Bồ tát (tùy ở sự phát nguyện).
Người đắc quả thánh nhân kể trên, theo như lời Phật Thích Ca nói thì hiếm lắm. Toàn bộ hội chúng nếu biết có một vị là Tu Đà Hườn thôi đã có thể thống thiết kêu rên vì hạnh phúc khi được tiếp xúc với vị ấy. Nó hiếm, như Phật Thích Ca nói: Tu thì hằng hà sa số, nhiều ví như lông của con bò, còn tiến đến đắc một quả thánh thì ít, ví như sừng của con bò. Tuy nhiên, nếu thật sự muốn tu Phật đảm bảo chỉ cần bảy ngày có thể một bước lên tới A La Hán không khó khăn.
Theo ông anh tôi, thì người tu thiền minh sát trong quá trình tu có thể đắc được những cái thánh quả nhỏ hơn bốn cái thánh quả vĩ đại kia. Trong nhiều khóa tu, và cũng không phải là hiếm, đã có nhiều trường hợp người thầy ấn chứng cho người tập tu rằng họ đã đắc được cái quả thánh loại nhỏ này. Cái quả thánh nhỏ ấy, theo vị này nói, cũng đời đời bất diệt, trải qua trăm tỉ kiếp trầm luân cũng không bao giờ mất nữa. Cái thánh quả nhỏ đó gọi là "tuệ phân biệt danh sắc". Người thế gian trong quá trình sống cũng có thể đắc cái quả vị này, mặc dù rất hiếm. Về lý thì ta có thể phân biệt được, nhưng nếu nó trở thành một cái quả thì nó khác. Cái khác ấy ở chỗ, ngay cả khi anh không chánh niệm, không cần dụng trí, anh cũng biết cái nào là danh, cái nào là sắc. Ví dụ, người em mà mình đang nhớ nhung trong lòng mình, cái hình bóng ấy ở trong lòng mình là danh của người em đó thôi, còn người em mà mình sẽ gặp chiều nay là cái sắc thực, mới đích thị là người em của mình. Mở mắt ra, người có tuệ phân biệt danh sắc thấy rõ con đường và cái mình đang mong đợi là một cái khác. Hoặc, biết cái mình đang giận và người làm cho mình giận cũng là hai sự kiện phân biệt nhau. Người có trí phân biệt danh sắc làm rất chính xác việc đời, tránh được tất cả các tai họa nhầm lẫn mặc dù vẫn còn vướng tham sân si. Còn Krishnamurti, người được coi là Phật Di Lặc nhập thế (tôi thì tôi tin như vậy) thì tôi nghĩ ông nói rằng: Ví dụ bạn nhéo vào da thịt cho đau, thì cái đau ấy xuất hiện ngay tại chỗ bị đau, người quan sát và vật được quan sát đều là cái đau đó, không còn cái gì khác nữa (trong các bài nói chuyện của mình ông cứ nhắc nhắc đi nhắc lại, từ thời trẻ cho đến lúc già: "Người quan sát là vật được quan sát").
Trong kinh Phật nói: Giảng đạo suốt bốn mươi chín năm nhưng Như Lai có nói lời nào đâu. Thì tôi nghĩ đúng như vậy. Như Lai là cái chân như, cái tính không, thì có nói gì? Cái chân như ấy, cái tính không bao trùm vũ trụ ấy chỉ thấy những tinh cầu, những đại thiên thế giới bay trong nó như những đám bụi hợp rồi tan, tan rồi hợp hoặc những cái miệng con người nói năng chứ bản thân nó thì không có nói gì. Nhưng Phật Thích Ca sinh thời vẫn nói, và nói rất nhiều, dùng lời rất nhiều, dùng cả văn chương, dùng cả thơ để nói. Thế thì bởi tại sao?
Như trên đã nói, thái tử Tất Đạt Đa khi giác ngộ thành Phật, thì ngoài cái tuệ giác Ngài vẫn còn cái thân xác (cho nên lúc đứng lên Phật mới chao đảo). Cái chao đảo ấy, chẳng phải là một tiếng nói, một âm thanh hoặc là một tiếng thơ ư? Đúng không? Còn có thân thì còn có sự chao đảo ở thân, còn cái vạn pháp va đập vào phát ra âm thanh, thì cũng còn có thơ ca, còn có tiếng nói. Hoặc để chia sẻ cảm xúc, hoặc để chỉ đường. Nói tới trí tuệ phân biệt danh sắc là chỉ để tránh sự nhầm lẫn, tránh những tổn thất tâm linh vô ích, ngoài ra để phân biệt cho rõ việc đời: đâu là thân, đâu là tâm, đâu là cái thực, đâu là cái hư ảo, đâu là văn, đâu là người văn và phân biệt cho rõ ràng cái này không phải là cái kia. Tóm lại, học giỏi môn địa lý không phải là hiểu hết được quả địa cầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét