Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

GIẢ DỐI LÀM XẢ HỘI SUY VI



Bệnh giả dối



Theo Tuổi trẻ




Đôi lời: Căn bệnh này vốn tồn tại trong xã hội và đất nước ta lâu lắm rồi, hiện nay nó đang di căn và phá hỏng gần như toàn bộ đời sống văn hóa tinh thần dân tộc vốn có bề dày "nghìn năm văn hóa". Từ lâu, nhiều người có trách nhiệm với dân với nước đã chẩn đúng bệnh, đã lên tiếng cảnh báo thế nhưng để tìm ra phương thuốc đặc trị là vấn đề xem ra vô cùng khó khăn. Trừ khi...?Mời quý vị đọc thêm bài này trên Tuổi Trẻ: "Giả dối làm xã hội suy vi".





Tại hội nghị “Nêu ý kiến và kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước, MTTQ VN” vừa được tổ chức mới đây, khi GS.TS Trần Ngọc Hiên (nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng “cần phục hồi giá trị Đại hội VI: nhìn thẳng vào sự thật” đã lập tức nhận được hưởng ứng của người nhiều năm làm công tác văn hóa là TS Nguyễn Viết Chức (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): “Phải chữa bệnh giả dối. Phải nhìn thẳng vào sự thật, nói thật, làm thật”.


TS Chức cho rằng “tất cả mọi thứ sẽ mất đi, ngay cả những khó khăn ngổn ngang của đất nước hiện nay rồi sớm muộn cũng phải được giải quyết, cái còn lại là văn hóa, bởi văn hóa là nền tảng của xã hội”. Theo ông, điều tiên quyết làm nên thành công của sự nghiệp “ĐỔI MỚI” nằm trong một chữ “THẬT”. Ấy là văn hóa, từ người lãnh đạo tối cao đến những thường dân đều đồng lòng “nhìn thẳng vào sự thật, nói thật, làm thật”.


Ông Chức lấy một ví dụ đơn giản và quả quyết rằng vẫn còn lưu giữ hình ảnh và bằng chứng: Thời bao cấp, có nhiều thứ giả dối, đến như người nông dân mà còn giả dối (ngồi chơi dài cổ chờ kẻng thì đi làm, làm được một lúc thì giải lao tán chuyện, hết buổi thì về, làm giả nhưng công điểm lại thật, luôn vượt định mức, vượt kế hoạch, kết quả là đói nghèo). Khi đổi mới, nông dân nô nức ra đồng làm ngày làm đêm, nhiều người dùng vai cày bừa thay trâu bò, vậy là cuộc sống khấm khá dần lên.


Bài học lịch sử chưa xa, mới từ năm 1986, vậy mà bệnh cũ lại tái phát. Tại hội nghị, cựu đại biểu Quốc hội - GS.TS Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng: “Tôi lo lắm, bây giờ đến rau sạch cũng được làm giả một cách tinh vi. Những người buôn rau mách nước cho bà con nông dân rằng cứ phun thuốc trừ sâu thoải mái để rau tốt lên, lúc sắp bán thì bắt ít sâu bỏ vào cho nó cắn lá vài ngày, dân thành phố thấy dấu vết của sâu sẽ nghĩ là rau sạch”. “Đến trồng rau mà cũng giả dối thì bệnh nặng lắm rồi” - TS Chức bình luận.


Nhưng, nặng nhất và nguy nhất - theo ông Chức - đang xảy ra trên diện rộng, ấy là tình trạng người ta nói khác với những điều mình nghĩ. Thôi thì để cho an toàn, sống khỏe và thăng tiến nhanh, cách tốt nhất để lựa chọn là nói theo ý sếp, dẫn theo lời sếp, ý sếp là ý trời, mặc cho mình có nghĩ khác và mặc cho điều đó thậm chí trái với đạo đức mà mình đã lựa chọn.


Vì không rõ đâu là giả, đâu là thật nên sau khi nghe TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia) bình luận về thực trạng hệ thống ngân hàng, TS Chức phải thốt lên: “Tôi không biết con số thực của nợ xấu hiện nay là bao nhiêu. Nhiều người cũng không biết. Chúng ta đang khát khao sự thật”. Câu cảm thán của ông Chức được nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan lý giải phần nào: “Nền kinh tế đang có nhiều cái ảo, ngân hàng là một trong những chỗ như vậy, kinh tế khó khăn mà ngân hàng vẫn lãi khủng thì chứng tỏ hoạt động ảo nó rất khủng khiếp!”.


Để chữa bệnh giả dối, chữa bệnh ảo trong nền kinh tế - xã hội, GS Trần Ngọc Hiên cho rằng “phải sửa đổi căn cơ, vì không căn cơ thì sai đâu sửa đấy, mà sai đâu sửa đấy sẽ rơi vào tình trạng sửa đâu sai đấy”. Chính vì vậy, điều mà các chuyên gia và cựu lãnh đạo mong đợi là “làm thật tốt nghị quyết trung ương 4”, bởi chỉ khi phê và tự phê làm sáng rõ được mọi vấn đề thì mới có được một khởi nguyên tốt.


Vẫn theo TS Chức, nghị quyết 4 đã “trúng” với văn hóa VN, ấy là văn hóa nêu gương: làm từ trên xuống dưới. Chỉ còn duy nhất một điều kiện để thành công: LÀM THẬT. Ông Vũ Khoan cũng cho rằng đây chính là điều mà nhân dân đang mong đợi.


-------------------------


LÊ KIÊN

Hàng trăm bạn đọc gửi thư tham gia diễn đàn “Nói không với giả dối”. Mỗi bức thư là một tâm tình, một khía cạnh cuộc đời được phản ánh.



Ở nước ta, giả dối đúng là một thứ “bệnh di căn” khó chữa. Ngay từ khi chưa kịp lớn, hàng triệu trẻ em đã bị “nhiễm” bệnh này rồi.


Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục VN năm 2010, tỉ lệ học sinh nói dối và có hành vi dối trá ở nước ta ngày càng tăng. Đây là thực trạng rất đáng báo động, ảnh hưởng rất xấu đến nền tảng đạo đức, đời sống tinh thần và sự phát triển của xã hội.


Sinh thời, Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng năm điều, trong đó có “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Các trường học đều phát động phong trào “Làm theo năm điều Bác Hồ dạy” và thường xuyên nhắc học sinh thực hiện. Vậy vì sao tỉ lệ học sinh mắc bệnh dối trá tăng và càng lớn tuổi lại càng dối trá nhiều hơn?


Có thể khẳng định trẻ em nói dối thì lỗi chính là tại người lớn. Ai cũng biết trẻ thơ giống như tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì nên thế. Nhưng thực tế cho thấy nhiều thầy giáo, cô giáo cứ vô tư nói dối trước học sinh... Đặc biệt, vì bệnh thành tích mà không ít lớp học, nhà trường báo cáo láo, thậm chí bắt học sinh nói dối, tạo điều kiện cho học sinh quay cóp trong các kỳ thi.


Những “virút” dối trá hằng ngày xâm nhập tâm hồn trong trắng của trẻ. Càng lớn, các em càng được chứng kiến nhiều những lời nói, việc làm thiếu trung thực của người lớn. Vậy là bệnh dối trá của các em ngày càng nặng, càng nghiêm trọng. Ngay từ bé đã bị nhiễm bệnh này thì đến lúc trưởng thành việc dối trá đã trở thành “kỹ năng, kỹ xảo”, trở thành “bạo bệnh” rồi.


Trong những năm qua, ngành giáo dục đã có phong trào “Nói không với bệnh thành tích, chống tiêu cực trong thi cử” và chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhưng thực chất “bệnh dối trá” và “bệnh thành tích” trong xã hội và trong chính ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều. Cho nên hiệu quả của những phong trào này rất hạn chế. Nếu người lớn (trước hết là mỗi bậc phụ huynh, thầy cô giáo, lớn hơn là nhà trường, ngành giáo dục...) không quan tâm giải quyết bệnh nói dối thì một ngày nào đó, dối trá sẽ trở thành... dịch bệnh.


HUY QUANG




* Giả dối không còn là một căn bệnh, nó đang trở thành một vấn nạn của xã hội. Nó ngày càng ăn sâu và di căn vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được học “luôn trung thực, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, nhưng những gì chúng ta thấy hiện nay thì không hoàn toàn như thế.


Để chạy theo thành tích, cả một kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia cũng bị biến thành trò hề khi mà một bộ phận những người được gọi là thầy, cô lại chính là những người đánh mất đi những gì cao quý mà mình từng truyền đạt cho bao thế hệ học trò. Rồi những hiện tượng thầy, cô sử dụng bằng cấp giả để được thăng tiến trong sự nghiệp, làm ngơ cho học trò quay cóp trong các kỳ thi, nâng điểm, sửa điểm...


Nói vậy không phải tất cả các thầy cô đều như vậy, vẫn có những tấm gương thầy cô giáo tận tình, hết lòng chỉ bảo học trò những điều hay lẽ phải. Nhưng nói vậy để thấy sự giả dối xuất hiện từ lúc con em chúng ta mới chập chững vào đời. Để căn bệnh giả dối không còn tồn tại, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và chữa trị tận gốc. Làm được việc này phải có những người có tâm, có tầm, không chạy theo những thành tích trên giấy.


VUONGLE




* Khi suy nghĩ để tìm căn nguyên của thói dối trá trong giới trẻ hiện nay, tôi chợt nhớ đến bức thư của một phạm nhân kể về câu chuyện chia táo của bà mẹ mình. Bức thư viết: “Hồi tôi còn nhỏ, một hôm mẹ tôi mang một khay đựng những quả táo xanh chín khác nhau chia cho hai anh em chúng tôi. Tôi nhanh chóng nhìn thấy quả táo ngon nhất, định sẽ chọn ăn quả đó, cùng lúc em trai tôi cũng đòi ăn quả táo đó. Mẹ tôi nghe vậy trừng mắt nhìn em tôi nói: “Con ngoan phải biết nhường phần ngon cho người khác, không nên chỉ nghĩ đến mình”. Thấy mẹ nói vậy, tôi chuyển ý, nói dối: “Mẹ ơi con là anh, mẹ cứ chia quả táo ngon cho em, con ăn quả xanh cũng được”. Mẹ tôi nghe vậy rất vui, khen tôi là đứa con ngoan, người anh tốt, rồi đem quả táo ngon nhất thưởng cho tôi. Sau câu chuyện đó tôi học được cách nói dối, vì tôi thấy nói dối có lợi. Về sau tôi biết đánh nhau, ăn cắp cướp giật. Cho đến khi tôi bị bắt, bị tống vào nhà lao”.


Gia đình là cái nôi đầu tiên để trẻ tiếp nhận những chuẩn mực giá trị đạo đức, cha mẹ cũng là người thầy đầu tiên điều chỉnh, uốn nắn, giáo dục trẻ. Khi cha mẹ suy nghĩ không thấu đáo về cách giáo dục con, nêu gương xấu về thiếu trung thực thì trẻ sẽ bị “lây nhiễm” là điều không thể tránh khỏi.


LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN




* Tôi có đứa con gái nhỏ. Nó có tật hay xin mọi người cái này cái kia. Tôi rầy la và cấm. Một hôm tôi mang thang sắt về nhà. Nó hỏi ở đâu bố có vậy, tôi nói của chú cho. Nó vừa nói vừa chế giễu: “Dạy con đừng xin của ai, mà bố lại đi xin”. Tôi giật mình nên phải tìm cách giải thích cho nó hiểu. Lại một hôm dọn nhà, cái bằng “Gia đình văn hóa” bị rơi ra. Tôi bảo con nhặt lên. Con nói: “Vợ chồng cãi nhau hoài mà gia đình văn hóa gì”. Vợ tôi phải giải thích “Vì đang làm nhà nên bố mẹ tranh luận nhau thôi”. Con lại hỏi: “Tranh luận gì mà to tiếng?”. Vợ tôi đáp: “Tại giọng mẹ hơi lớn”. Đến lúc này thì tôi nhắc vợ không được nói dối, con trẻ sẽ dễ học theo.


NGUYENVANMIEN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét