Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

TRÍ THỨC THẬT RA LÀ RẤT... NHẸ NHÀNG


1.

Một giáo viên dạy học ở vùng “thâm sơn cùng cốc” có được xem là trí thức không? Xin thưa là được với điều kiện anh ta dạy học thật tốt để tạo ra “sản phẩm giáo dục” - những thế hệ học trò thật sự Nên Người (có tri thức và nhân cách). Vì sao? Vì người giáo viên ấy đã gián tiếp thể hiện trách nhiệm phản biện xã hội của mình khi đào tạo ra những thế hệ học trò không bị hư hỏng góp phần làm cho xã hội hoặc không tăng thêm hoặc làm bớt đi những phần tử nguy hại. Minh chứng cho trường hợp này là ai? Xin thưa, đó là thầy giáo Chu Văn An – “bậc thầy của muôn đời”. Thầy giáo Chu Văn An sau khi đã thể hiện trách nhiệm “phản biện xã hội trực tiếp” bằng cách dâng “thất trảm sớ” chém 7 tên quan nịnh thần nhưng vua Trần Dụ Tông không nghe nên đã về quê, lên núi ở ẩn và mở trường dạy học. Học trò của thầy An sau này nhiều người là những nhân tài và là trụ cột của triều đình (như Hành khiển Phạm Sư Mạnh, Thượng thư Lê Bá Quát…). Có ai dám bảo rằng thầy giáo Chu Văn An sau khi đã về quê ở ẩn và mở trường dạy học thì không còn là “trí thức” nữa?

2.


Một nhà văn chỉ chuyên tâm sáng tác có được xem là một trí thức không? Cũng xin thưa là được nhưng với điều kiện tác phẩm của anh ta góp phần làm nhân đạo hóa con người. Vì sao? Vì thông qua tác phẩm của mình anh ta đã cảnh tỉnh xã hội và hướng thiện con người – cũng là một cách thể hiện trách nhiệm phản biện xã hội cho nên đương nhiên anh ta là một trí thức. Minh chứng cho trường hợp này là ai? Đó là Vũ Trọng Phụng với hai tác phẩm văn học kiệt xuất: Số đỏ và Giông tố. Có thể nói, với hai tác phẩm bất hủ này Vũ Trọng Phụng chẳng cần phải bước ra vũ đài chính trị để trực tiếp phản biện chính quyền thực dân phong kiến lúc bấy giờ làm gì. Trách nhiệm phản biện xã hội của Vũ Trọng Phụng như thế đã là quá đủ. Hơn nữa một người chỉ sống trên cõi đời có 27 năm; quanh năm chỉ biết cầm bút viết văn chẳng còn thời gian đâu phản biện xã hội như những nhà hoạt động chính trị đương thời.

3.


Một nhạc sĩ chỉ làm mỗi việc sáng tác nhạc thì có được xem là trí thức không? Chắc chắn là được nếu âm nhạc của họ có khả năng “đánh thức” tâm hồn người nghe. Minh chứng cho trường hợp này là ai? Xin thưa, ở nước ta tiêu biểu nhất là Trịnh Công Sơn. Thử hỏi, có ai bảo rằng Trịnh Công Sơn không phải là trí thức không?

4.

Một bác sĩ, hay một dược sĩ chỉ chuyên tâm làm nhiệm vụ cứu người và không màng đến bất cứ chuyện gì ngoài chuyện cứu người ấy liệu có được xem là trí thức không? Xin trả lời là họ cũng chính là những trí thức đích thực. Vì sao? Rất đơn giản vì họ đã ra tay “cứu một mạng người hơn xây mười bảo tháp”. Minh chứng cho trường hợp này là ai? Xin thưa đó là tất cả những y, bác và dược sĩ đang ngày đêm vùi đầu trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới nhằm nghiên cứu, bào chế ra vắc-xin hữu hiệu để khắc chế hoàn toàn căn bệnh quái ác của loài người hiện nay: bệnh “Si Đa”! Thử hỏi trên thế giới có biết bao kẻ suốt ngày ăn chỉ lo ăn chơi trác táng (đến nỗi mang và làm lây lan căn bệnh quái ác kia) để rồi chỉ có những giới bác sĩ phải vùi đầu vùi cổ tìm ra thuốc điều trị; như thế liệu có thể máy móc cho rằng các bác sĩ kia không phải là trí thức không? Nghiên cứu để khắc chế những con virus HIV nhằm cứu nhân loại thoát khỏi bệnh dịch nếu không phải là một hình thức phản biện lại những cái tệ hại của con người và xã hội thì là cái gì?

5.

Một nhà khoa học chỉ chuyên tâm nghiên cứu toán học để nhận được thành quả là giải Fields dành cho những nhà khoa học dưới 40 tuổi trên toàn thế giới (và không quan tâm đến những vấn đề mà anh ta không nắm rõ hiểu rõ về nó) có được xem là người trí thức không? Xin nói ngay những ai không công nhận nhà khoa học này là một trí thức thì thật là một điều đáng hổ thẹn cho những cái gì gọi là “trách nhiệm phản biện xã hội và vai trò của người trí thức đối với cuộc đời”. Vì sao? Nói như nhà bác học Lê Quý Đôn trong Quế đường thi tập là: “Phàm học để thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để lại đời sau….” . Hơn nữa, thật ra trách nhiệm phản biện xã hội của nhà khoa học này đã đạt đến tầm thời đại, tầm nhân loại, tầm quốc tế chứ không đơn giản chỉ gói gọn trong phạm vi xã hội ở một đất nước nào đó hay những sự kiện mang tính “thời sự” theo cách nghĩ phiến diện của ai đó.

6.

Có thể nói, dấn thân và làm thật tốt một chuyên môn mà mình lựa chọn là cách phản biện xã hội hiệu quả nhất của một người trí thức. Thử nhìn lại xem, nhân loại có mấy tỉ người, những người được gọi là “vĩ nhân” theo nghĩa là một nhân tài kiệt xuất về một lĩnh vực chuyên môn nào đó đã là rất hiếm; còn “vĩ nhân” theo nghĩa nhân tài kiệt xuất ở nhiều lãnh vực chuyên môn khác nhau thì có lẽ chỉ là huyền thoại và tồn tại trong mơ.

Vì thế, đừng máy móc yêu cầu thầy giáo Chu Văn An quay trở lại triều đình dâng “thất trảm sớ” lần thứ hai; đừng đòi hỏi Vũ Trọng Phụng; đừng đòi hỏi Trịnh Công Sơn; đừng lôi các bác sĩ đang ở phòng thí nghiệm đang ngày đêm bào chế “vắc – xin” phòng chống bệnh “Si đa” để cứu nhân loại khỏi đại họa AIDS; đừng kéo Ngô Bảo Châu ra khỏi viện toán… rồi bắt buộc tất cả họ phải lên tiếng thể hiện trách nhiệm phản biện xã hội theo kiểu những nhà hoạt động chính trị đơn thuần. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là những người này được “đặc quyền dửng dưng” không màng gì đến thế cuộc; không màng gì đến chuyện vận mệnh non sông dân tộc. Tuy nhiên, hãy để cho họ trước tiên làm tốt trách nhiệm và bổn phận nghề nghiệp chuyên môn của họ đã. Còn như họ thấy “đã thật sự đến lúc” cần phải trực tiếp phản biện thì họ sẽ thể hiện trách nhiệm thôi. Cũng như có biết bao nhà văn, nghệ sĩ từ cổ chí kim vốn chỉ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” nhưng khi đất nước lâm nguy đã không “ngần ngại bỏ bút cầm súng” đi theo tiếng gọi của non sông đó thôi?

Hơn nữa, vấn đề phản biện để “thức tỉnh xã hội” là một việc không dễ dàng, càng không phải là chuyện một ngày một bữa, vì thế không nên nôn nóng, không nên vội vã. Thật ra, cái đáng sợ nhất của tầng lớp trí thức hiện nay ở nước ta hiện nay là cái gì cũng biết nhưng chẳng có cái gì biết cho thật tường tận cho nên rốt cuộc lại thành ra là chẳng biết cái gì cả. Nhà văn cũng muốn làm, nhà báo cũng muốn làm, nhà nhạc sĩ cũng muốn làm, nhà họa sĩ cũng muốn làm, nhà khoa học cũng muốn làm, nhà chính trị cũng muốn làm…nhưng cuối cùng chẳng có “nhà” nào “làm” ra hồn.



Thử đặt vấn đề, nếu không làm giỏi một chuyên môn, một lĩnh vực nào đó thì liệu người trí thức có đủ uy tín để lên tiếng phản biện xã hội không? Trước khi GS Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields thì ở Việt Nam có mấy người biết và lắng nghe ông nói? Cho nên, nói gì thì nói, trước hết người trí thức phải có uy tín (mà uy tín này có được là nhờ họ làm tốt ít nhất là về chuyên môn cụ thể nào đó) thì may ra tiếng nói phản biện xã hội của họ mới được ghi nhận, mới được người khác quan tâm. Vì thế, những điều GS Ngô Bảo Châu nói ngẫm kỹ lại là không có gì sai nếu không muốn nói là rất thông minh nữa. Nếu máy móc bắt bẻ những “tiểu tiết”, bắt bẽ từng câu, từng chữ trong bài ông trả lời phỏng vấn mà không nhìn thấy cái “ý tứ” thể hiện một tư duy sắc sảo bao trùm toàn bộ bài nó chuyện thì đúng là đã vô tình“tạo ra cơn bão trong cốc thủy tinh” mà thôi. Ngoài ra, thử hình dung, theo thời gian thế kỷ 21 mà chúng ta đang sống đây rồi sẽ trở thành một của phần lịch sử thì liệu nhân loại mai sau sẽ nhắc tên Ngô Bảo Châu với giải Fields hay sẽ nhắc tên những người như chúng ta – những kẻ chưa có thành tựu gì ngoài những bài báo phản biện nhất thời hôm nay?

7

Cuối cùng, thật ra trí thức là gì? Trí thức thật ra là rất… nhẹ nhàng: đó là người vừa có “đầu óc” vừa có “lương tâm”. Ai, thiếu một trong hai yếu tố này thì không phải là trí thức!

Hay một cách diễn đạt khác, trí thức nói như giáo sư Cao Huy Thuần (trong quyển Khi tựa gối khi cúi đầu) là: “Một người chọn chết trong lòng để sống. Một người chọn sống trong cái chết. Đừng hỏi ai đúng ai sai nếu cách họ sống và cách họ chết đánh thức suy nghĩ của mọi người. Ai đánh thức, không cho xã hội ngủ người ấy là trí thức, bất kể họ là ai. Bởi vì trí thức không có vai trò nào khác: họ là, và chỉ là lương tâm của thời đại.”
NGUYỄN TRỌNG BÌNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét