Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

THƠ NGUYỄN DUY VÀ NGUYÊN LÝ CỦA SỰ TỒN TẠI


                                                                                                         NGUYỄN THANH TÂM

            Xin được bắt đầu bằng một mệnh đề của Descartes “Tôi tư duy vậy tôi tồn tại”. Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng với câu nói đầy duy lý này, Descartes đã đưa tư duy trở thành chuẩn mực để ghi nhận sự tồn tại của con người. Tuy nhiên, có một điều ít người để ý, đó là ngay sau mệnh đề trên, Descartes đã nói “Thượng đế nhân từ lẽ nào lừa dối tôi”. Vấn đề tính thứ nhất, độc tôn của tư duy trong lẽ tồn tại của con người ngay lập tức bị hoài nghi.

            Bàn về vấn đề con người và sự sống, Lê nin rất rạch ròi khi phân biệt: nhiệm vụ quan trọng nhất của con người là sống chứ không phải là tồn tại. Sống và tồn tại khác hẳn nhau về nội hàm và ngoại diên. Vì vậy, chúng ta cần “tư duy” thêm về “sống” và “tồn tại” như một trách nhiệm đối với sự hiện hữu của mình trong cuộc đời này.

            Đọc thơ Nguyễn Duy, ta đã bắt gặp một câu thơ mang mệnh đề tương tự như của Descartes Ta là dân vậy thì ta tồn tại. Nếu chỉ đơn thuần đối chiếu mệnh đề của Descartes và Nguyễn Duy, khái niệm “tồn tại” dễ bị xem là giống nhau. Tuy nhiên, đọc thơ Nguyễn Duy, bước chân vào thế giới nghệ thuật của nhà thơ ta mới vỡ lẽ: với con người này, “sống là tồn tại”, tồn tại đồng nghĩa với sống, chỉ có sự sống đúng nghĩa mới làm nên sự tồn tại đích thực của con người.

           Trong buổi giao lưu Thơ Nguyễn Duy tại Đại học Sư phạm Hà Nội , Chu Văn Sơn cho rằng: trong sâu thẳm nhất của tinh thần Nguyễn Duy, ông là nhà thơ “thương nước” (từ của Vĩnh Sính khi bàn về tư tưởng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Fukuzawa trong bài Văn hóa Việt Nam và Nhật Bản qua cái nhìn Vĩnh Sính, http://wwwdanluan.org). Tình thương là hạt nhân của thái độ nhân đạo và nghiêng về cái khổ nhiều hơn, khác với tình yêu là hạt nhân của nhân văn, hướng tới cái đẹp (Chu Văn Sơn). Với Nguyễn Duy, cuộc đời ông, cuộc đời những con người xung quanh đều đáng thương, bởi đều bị ngập chìm quá lâu, quá bế tắc trong cái khổ, cái bi đát. Nguyễn Duy đề cập đến sự tồn tại đúng nghĩa không chỉ của mình, mà ông còn hướng tới sự sống đích thực của thân phận con người. Với hành trình Đường làng, Đường nước, Đường xa, Đường về ( Nxb Hội nhà văn) Nguyễn Duy đã nhận vào mình những va động đầy ám ảnh của đời và chắt lọc thành những vần thơ “thương nước”, thương người. Lõi cốt của tồn tại trong tâm niệm của Nguyễn Duy hẳn phải là sự sống đúng nghĩa, với những giá trị người đích thực, cả xác thể và tinh thần (Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn). Chưa tìm được điều đó, nên con người cứ phải hoài nghi, phải đặt câu hỏi.

            Trong thơ Nguyễn Duy, câu hỏi không nhiều. Điều này dễ dàng nhận ra bằng thao tác thống kê, phân loại. Tuy nhiên, ít về số lượng nhưng đó lại là những câu hỏi lớn, những câu hỏi làm nhức lòng người đọc. Có lẽ, trong tư tưởng của Nguyễn Duy, để sống một cách đúng nghĩa, con người cần phải trả lời được những câu hỏi ấy. Những câu hỏi thật đáng sợ! Nhưng, sẽ đáng sợ hơn nếu chúng ta không bao giờ đặt ra câu hỏi! (Một ý thơ của Nguyễn Duy). Con người thực ra chỉ là một hạt bụi, một hạt bụi mang tư tưởng, mang ý thức. Đó chính là điểm làm nên sự khác biệt giữa con người và thế giới vật chất xung quanh. Vì vậy mà sống và tồn tại là khác nhau. Trong cách hiểu thông thường, sống là cấp độ cao hơn về chất so với tồn tại. Tuy nhiên, đọc thật kỹ thơ Nguyễn Duy ta lại thấy điều ngược lại. Nghĩa là, trong tư tưởng của nhà thơ này, sống ở tầm cao nhất của giá trị người mới là tồn tại. Như thế, sự tồn tại của con người  - hạt bụi mang tư tưởng khác với sự tồn tại của các dạng vật chất khác.

            Trong cách hiểu toàn diện hơn về con người hiện nay, chúng ta đề cao cả hai mặt tự nhiên và xã hội. Con người luôn khát khao vươn tới sự toàn nguyên. Trong quá trình sống, vì những lí do nào đấy, cuộc sống của chúng ta có lúc quá tật nguyền. Tồn tại giữa muôn vàn mối quan hệ, mang rất nhiều danh phận (chồng, cha, con, cháu, thi sĩ, đồng đội, công dân,…) Nguyễn Duy thường đặt ra những câu hỏi có tính cấp thiết với lẽ sống, lẽ tồn tại của con người. Nổi bật hơn cả đó là những câu nhà thơ tự hỏi mình, hỏi để day dứt, đay đả, hỏi để tự vấn, tự niệm, tự nhấm nháp vết đau trong nỗi thiếu khuyết của thân phân. Nguyễn Duy vẫn là đứa con đầy non nớt trong mắt người cha: Con những muốn đưa cha vào thành phố/Tiếc mà chi vườn cũ với cây già?(Với cha). Ở vào cái tuổi “Tứ thập nhi bất hoặc”, Nguyễn Duy vẫn chưa thể hiểu hết nỗi lòng người cha. “Thất thập nhi tòng tâm dục bất du củ” chính là khi người ta không còn phải âu lo về quyết định của mình nữa. Mọi việc đều nằm trong lẽ tự nhiên của đạo, của đất trời. Một bài thơ ngắn, nhưng Nguyễn Duy biểu đạt được cái uyên sâu trong những suy nghiệm về lẽ sống của con người. Mỗi chặng đời khác nhau có thể ta sẽ theo đuổi một lẽ sống khác nhau. Tuy nhiên, sau tất cả những va đập, cọ xiết với đời, cái còn lại là những cốt lõi của giá trị người đã không thể biến tan giữa dòng thời gian.

            Là nhà thơ, Nguyễn Duy có một khả năng nội cảm hóa khá mãnh liệt. Khả năng ấy làm cho nhà thơ luôn bị dày vò bởi những câu hỏi, những nghi vấn khó tìm được sự lý giải thỏa đáng. Gia tài của nhà thơ có gì? Lần tay vào hầu bao rỗng lép/ Chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp/ Trả vào lòng tay trũng như đồng chiêm đang ngửa lên”. Trước đôi mắt lay láy đen đang ngước lên trông đợi một niềm cứu rỗi, nhà thi sĩ sẽ đặt vào tay em điều gì? Mai mỉa thay những bài thơ lạo xạo trong túi với nhúm ngôn từ chau chuốt vô nghĩa? Nguyễn Duy trăn trở về sự vô dụng của nghiệp dĩ, rồi lại miên man tư lự. Hay là một sự thử thách nào đấy đang đặt ra với mình trên đường đời, nhằm kiểm tra nhân tính, phẩm chất người của thi nhân? Dù thế nào đi nữa, trên vách tim của nhà thơ sẽ luôn rướm máu dòng chữ mai mỉa Cảm ơn lòng tốt của nhà thơ. Không đành lòng, nhưng biết làm sao được! Ngay cả nhà thơ cũng đâu đã sống cho ra người, cũng “loang toàng” dạt nổi, lênh phênh bèo bọt, bụi bặm, nát nhàu, phờ phạc bước thiên di, thì nỗi lòng kia, đôi mắt ấy đành xem là một lời kết án cho sự vô tình của thế nhân.

            Trong thế giới nghệ thuật của một nhà thơ, ngoài cái tôi trữ tình mang tính đại diện, không gian, thời gian, người tình và nhân quần vừa là khách thể, vừa là những “đối thể” của chủ thể trữ tình. Mác đã nói rất đúng rằng: “Con người tự thấy bản thân mình trước hết trong người khác như một tấm gương”. Trong chúng ta có nhiều “hình ảnh dư tồn” (Trần Đức Thảo) của xung quanh. Ta ý thức về đối tượng ngoại hiện cũng chính là khi ta nắm bắt hình ảnh dư tồn của mình trong đối ảnh! Nguyễn Duy hỏi mình, soi chiếu vào bản thân mình xem có gì cháy trong lòng chính là những day trở từ “hình ảnh dư tồn” của một thế giới ngoại hiện đã tương thông với nội giới của thi nhân trong những cay cực của lẽ sống. Đốt cháy tâm can Nguyễn Duy có lẽ là hai câu hỏi này:
                                                                        Ta là gì ?
                                                                        Ta cần thiết cho ai ?

Đó là những day dứt mang tính bản thể, xoay quanh lý do của sự tồn tại. Những câu hỏi không mới, nhưng luôn cấp thiết đối với mỗi chúng ta khi tự ý thức về mình và sự hiện hữu của mình. Con người khác nhau có lẽ chính ở những quan niệm về giá trị. Giá trị của bản thân, giá trị mà mình theo đuổi là những thang bậc để phân loại sự tồn tại, sự sống của con người. Nguyễn Duy lo lắng về sự vô dụng, ‘‘vô nghĩa lý’’ của sự tồn tại. Bởi khi ấy, con người chỉ tồn tại như vật chất tầm thường :
Lúc này tôi làm thơ tặng em
Em có nghĩ tôi là đồ vô dụng ?
Vô dụng lấy đi của cuộc sống những gì ?
Và trả lại được gì cho cuộc sống ?
Nguyễn Duy mang mặc cảm về sự vô dụng của bản thân mình. Cái mặc cảm nghèo túng, vô dụng quả thật đã ám ảnh không biết bao nhiêu thế hệ nhà văn. Đôi khi những từ ‘‘nhà thơ’’, ‘‘thi sĩ’’ lại mang tính chất mỉa mai, dè bỉu một bộ phận người thiếu thực tế, xa rời những giá trị vật chất thiết thực. Chúng ta đều biết Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no, nhưng liệu đã mấy người thấy  lòng tay trũng như đồng chiêm đang ngửa lên cầu mong sự cứu xót. Trong tư tưởng của Nguyễn Duy, giá trị người chính là sự hội tụ đầy đủ, trọn vẹn của cả hai khía cạnh tinh thần và vật chất, thể xác và linh hồn, sống và tồn tại,... Điều đó như là hai mặt của một vấn đề, không thể tách rời, không thể duy ý chí. Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn đã có một khái quát rất hay rằng: Văn minh làm con người ta sung sướng hơn, còn văn hóa làm cho con người ta tốt đẹp hơn. Quan niệm này lí giải khá cơ bản vấn về vật chất và tinh thần trong những biểu hiện của sự sống. Con người cần vật chất để tồn tại, nhưng sẽ cần những giá trị tinh thần để sống. Khi hai phạm trù này được chú ý trong bản thân mỗi con người, khi ấy chúng ta mới có sự sống đúng nghĩa, sự tồn tại ở đỉnh cao của phận sự làm người. Trên vách tim của nhà thơ sẽ còn rướm máu dòng chữ mai mỉa Xin cảm ơn lòng tốt của nhà thơ và còn nhiều mảnh cắt cứa nữa. Câu chuyện ngày xưa trong bộ sách Quà tặng cuộc sống đã khiến ta nhớ lại, một trái tim biết cho và nhận, biết rỉ máu vì nỗi đau của đồng loại đó là một trái tim đẹp. Tiện nghi vật chất ru con người trong lãng quên, dễ làm chai sạn những giá trị tinh thần làm nên phần tốt đẹp của sự sống :
Từ ngày về thành phố
Quen ánh điện cửa gương
Vầng trăng đi qua ngõ
Như người dưng qua đường.
Thế nên, trong thơ Nguyễn Duy ta hay bắt gặp những thảng thốt giật mình, những đắn đo về lẽ sống. Đôi khi, đấy là những phản biện nghiêm khắc về tư cách sống của mình :
Ngửa mặt lên nhìn mặt
Có cái gì rưng rưng
Như là đồng là bể
Như là sông là rừng...

Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
Một giây phút giật mình, đốn ngộ ? Lẽ tồn tại đúng nghĩa đâu chỉ làm nên bởi những tiện nghi hào nhoáng đủ đầy của cuộc sống văn minh! Liệu có phải mỗi bước tiến của văn minh là một bước lùi của văn hóa ? Câu nói đó không phải là quá tư biện! Những câu hỏi trong thơ Nguyễn Duy cứ xoáy riết vào tâm can như những giây neo, giữ con người lại khỏi những tha hóa trong hành trình đi tìm sự sống.

            Những câu hỏi trong thơ Nguyễn Duy là sự hiện hữu một phần nào đó động năng của sự tồn tại đúng nghĩa. Không chỉ tự vấn, trong thơ Nguyễn Duy ta còn bắt gặp những câu hỏi hướng về phía khách thể. Khách thể thực tế là những đối ảnh của chủ thể và những câu hỏi tự vấn của tác giả cũng chính là những câu hỏi đặt ra cho tất cả chúng ta. Với một nền tảng tinh thần mang dấu ruộng dấu vườn, con dấu đất đai,... Nguyễn Duy nhận thấy hình hài sự sống trong những kiếm tìm nhọc nhằn :
                                    - Cha cúi lom khom tìm gì trong đất kia ?
                                    Cha đi tìm hạt gạo
                                    - Mẹ cúi lom khom tìm gì trong đất kia ?
                                    Mẹ đi tìm hạt gạo
                                    - Bà cúi lom khom tìm gì trong đất kia?
                                    Bà đi tìm hạt gạo
                                    - Em cúi lom khom tìm gì trong đất kia?
                                    Em tìm hạt gạo
                                    Bông lúa uốn cong dáng người cắm cúi
                                    cong cong đồng bằng ơi !

Những dấu hỏi của rất nhiều thế hệ trên mảnh đất vốn dĩ cũng đã oằn cong như con người để tìm kiếm, để tồn tại, để sống. Có câu hỏi để điểm danh con người sau nhưng tao tác loạn ly của thế sự (Ai còn? Ai mất ?), có những câu hỏi để khẳng định cái lõi cốt còn lại của giá trị người sau những gọt giũa của thời gian (Với cha), có câu hỏi làm nhức lòng tất cả những ai đã sống trên mảnh đất này (Còn mặt đất hôm nay em nghĩ thế nào/ Lòng đất giàu, mặt đất cứ nghèo sao? – Đánh thức tiềm lực). Như chúng ta đã nói, câu hỏi trong thơ Nguyễn Duy về số lượng không nhiều, nhưng có những câu hỏi mang tầm vóc thời đại, và thực sự đã đặt ra yêu cầu cần phải trả lời cho cả dân tộc, cả thời đại. Quả thật khi đặt câu hỏi về sự sống của mình, chúng ta mới nhận ra có biết bao điều cần phải được lý giải để cuộc sống này thực sự có giá trị hơn. Có lẽ Nguyễn Duy đã liên tưởng đến hình ảnh bông lúa trĩu hạt thì cong xuống còn bông lúa khô lép thì thẳng đuỗn lên chăng? Ta hát ca về mình và ca ngợi tiềm lực mãi rồi, bây giờ rất cần một sự hiện thực hóa những tiềm lực ấy để trả lời cho những dáng hình cong cong dấu hỏi suốt kiếp tồn tại của mình.

            Ở Nguyễn Duy toát lên một thứ phong vị rất riêng, mà chỉ những người đã ngấm đủ thứ bụi đời trên rất nhiều ngã nẻo của nhân sinh mới có. Quả thật, như cách nói của anh, mỗi thứ tí ti đó là kết quả của những trải nghiệm thực sự sâu sắc trong cuộc đời mà ta có thể nghĩ rằng Nguyễn Duy không cố ý tách mình ra để lảng tránh. Thứ bụi ấy (Bụi dân sinh ấy bụi người đấy em), nhiều khi anh còn dấn thân để thu nhận vào mình, để mình cũng trở thành một hạt bụi trong sự vẫn vụ của hóa sinh. Có thể, ở đó, trong kiếp “bụi” ấy, anh tìm được cho mình lẽ sống, sự tồn tại đúng nghĩa. Hãy nghe Nguyễn Duy biện hộ: Xin nghe anh nói cực nghiêm/ linh hồn cát bụi ở miền trong veo. Thế là đã rõ, lẽ sống và tồn tại trong tâm niệm của Nguyễn Duy là thế. Không thể có sự sống đúng nghĩa khi linh hồn và thể xác phải dung dưỡng bằng bầu không khí vô trùng của lồng kính. Có những sự thật hiển nhiên mà con người đâu phải lúc nào cũng có thể nhận ra ngay: Sao mà ta không nhận ra sớm hơn/ Sự sống quả nhiên hồn nhiên. Cái hồn nhiên của sự sống chính là chân lý muôn đời mà không ai đủ sức chế ngự và vượt qua.

            Là một đối ảnh của chủ thể trữ tình, đồng thời là một khách thể để đối thoại, nhân vật em trong thơ Nguyễn Duy là nơi để tác giả gửi gắm những suy tư, trăn trở của mình. Như cách lý luận của Trần Đức Thảo, mỗi chúng ta là một đối ảnh của người khác, thế giới là những đối ảnh của bản thân chúng ta. Quy luật chung giữa những liên hệ này là sự “dội hưởng” của nội giới và ngoại giới trong quá trình sinh dưỡng tự nhiên. Sống chính là quá trình tiếp nhận và duy trì những “dội hưởng” ấy. Trong thơ của mình, Nguyễn Duy hay đặt ra câu hỏi cho nhận vật em để tìm kiếm sự đồng thuận, sự chia sẻ - một kênh của sự “dội hưởng”. Đó có thể là những chênh chao khi nghĩ tới sự đổi thay của cuộc sống, của con người, sự tha hóa của nhiều giá trị:

                                                -Vọng chi ở phía chân mây
                                                Người xưa hóa đá người nay hóa gì?
                                                - Người đâu ngày đó vô tư
                                                Em bây giờ có còn như bấy giờ?
                                                - Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu?

Dễ nhận ra những suy cảm của Nguyễn Duy sau những nghi vấn này. Có khi, cái sống đang trở thành tồn tại (trong quan niệm của Descartes và Lênin ở trên), nghĩa là sự sống đích thực đang bị mài mòn, bị phong hóa, để chỉ còn là sự tồn tại. Những định hạn của thời gian tạo nên những phân lập các mức độ sống và tồn tại. Ngày xưa / ngày nay, ngày đó/ bây giờ, bây giờ/ bấy giờ,…đâu là sống, đâu chỉ là tồn tại? Người xưa hóa đá mà sống mãi, người nay không hóa đá mà chưa hẳn đã là sống! Sự sống hồn nhiên nên những biểu hiện của nó cũng hết sức hồn nhiên. Trong cảm niệm của Nguyễn Duy, sự sống hiện lên bằng tình yêu, bằng hạnh phúc, đam mê, bằng miếng ngon, gạo trắng rau tươi,.. Nhưng để có được sự sống ấy, con người phải trả giá – cái giá không rẻ chút nào:

                                    - Có miếng ngon nào giá rẻ không em?
                                     Gạo trắng rau tươi cá bơi tôm nhảy
                                     Người xưa bảo tiền nào của ấy
                                     Cái lẽ đời giản dị thế thôi ư?
                                    - Có đam mê nào giá rẻ không em?
                                    - Có yêu đương nào giá rẻ không em?
                                    - Có hạnh phúc nào giá rẻ không em?

Hóa ra, sự sống chính là khi con người kiếm tìm và trả giá cho những điều thiết cốt mà vô hình trừu tượng. Ta mới vỡ lẽ, quá trình đã trở thành mục đích, cứu cánh khi ta ở cuối con đường của kiếp người. Chính vì thế, hoài cảm như là một phản ứng tự nhiên khi chúng ta đi gần hết hành trình tồn tại của mình:

                                    -Bao giờ cho đến ngày xưa?
                                    - Bao giờ cho đến mùa thu
                                    Trái bòng trái bưởi đánh đu giữa rằm
                                    Bao giờ cho đến tháng năm
                                    Mẹ ta trải chiếu, ta nằm đếm sao 
Những câu hỏi chứa đầy hoài niệm, nhắc nhở về những dấu ấn đã đắp đổi lên đời mỗi con người khi thực hiện sự tồn tại của mình trong cõi nhân sinh. Có khi, đấy lại là những giá trị sẽ còn lại mãi với ta khi nhiều thứ khác đã hư hoại, đã mất đi giữa dòng chảy miệt mài của thời gian.

            Hoài nghi, tự vấn, đặt ra câu hỏi và tìm kiếm sự trả lời cho lẽ sống chính là nguyên lý của sự tồn tại đúng nghĩa trong thơ Nguyễn Duy. Không tự biến mình thành triết gia khệnh khạng, táo bón, Nguyễn Duy đã thể hiện những suy tư nghiêm túc nhất về lẽ sống, lẽ tồn tại của con người dưới hình thức những vần thơ giản dị, hồn nhiên như chính cuộc đời. Con người vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai những câu hỏi về sự sống của mình. Điều đó khiến cho vấn đề sự sống, sự tồn tại trong thơ Nguyễn Duy trở nên tầm vóc hơn. Khi Nguyễn Duy nói rằng Ta là dân vậy ta tồn tại, nhà thơ đã đề cập đến ba đối cực trong mối quan hệ biện chứng của sự sống : Ta (cá thể) – dân (cộng đồng) – tồn tại. Tồn tại như là hệ quả cao nhất của những vận động trong lòng của các phạm trù ta / dân, cá thể/ cộng đồng, riêng/ chung. Tồn tại là khi ta sống giữa cộng đồng (dân), sống là khi cá thể, cộng đồng, chung – riêng tồn tại một cách ý nghĩa trong nhau. Từng cá thể của cộng đồng phải luôn đặt ra câu hỏi cho chính mình, cho cộng đồng để hiện thực hóa khát vọng sống. Sự sống chỉ thực sự toàn nguyên khi con người được chú ý đầy đủ đến cả thể xác và linh hồn, vật chất và tinh thần. Trong thơ Nguyễn Duy, câu hỏi không nhiều, nhưng là những câu hỏi chứa đựng sự quan tâm to lớn của cả cộng đồng. Và, phải thừa nhận rằng, những câu hỏi ấy chúng ta vẫn chưa có sự trả lời thỏa đáng bằng những biểu hiện cụ thể. Sự sống, sự tồn tại đúng nghĩa vì vậy vẫn chưa thể nói là đã được định hình trong cuộc đời hôm nay, dù chúng ta đã nỗ lực rất nhiều. Nhưng có lẽ, sự sống của chúng ta chính là đi tìm sự sống, và những câu hỏi vẫn cứ dội lên từ trong chính cuộc đời của mỗi con người. Đó chính là nguyên lý của sự tồn tại, sự sống đúng nghĩa mà Nguyễn Duy đã gửi gắm trong thơ mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét