Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

LẮNG ĐỌNG MỘT TRIẾT LÝ PHỒN SINH




(Nhân đọc tập thơ “Phồn sinh”-NXB HNV- 2018 của Đinh Sỹ Minh)


VƯƠNG TÂM


Mở đầu thay cho lời tựa tập sách, nhà thơ Đinh Sỹ Minh đã phần nào thể hiện sự kiêu bạc với cuộc đời:


“Va đập mãi cũng chỉ là viên gạch vỡ
Chèn vào mạch đời nỗi nhớ vu vơ”


Đó là một quá trình trải nghiệm của cuộc đời lang bạt, phong trần mà tác giả đã ngộ ra khi đã


“Đi qua nông sâu
Mới biết dòng nông nổi
Chạm cơn gió ngược chiều chợt thấy trống hoác trống hơ”.


Đó cũng chính là mạch chủ cảm xúc lôi cuốn người đọc từ những câu thơ đầu tiên của Đinh Sỹ Minh. Đây đó ta lại gặp những trạng thái dằn vặt, trăn trở với nỗi niềm ẩn giấu:


“Bước chân lang thang lạc trong cánh rừng già
Tìm mầm trổ dưới bàn chân rớm máu
Bao gai góc bao lá vàng rụng xuống
Trái tim ta khô hạn giữa cõi người”.


Từ đây kẻ lãng du ấy luôn luôn đi tìm mình, trở lại với mình, và đã tự họa rằng:
“Ta là ta và ta mãi ngờ ta
một mình làm nên cõi nhớ
thôi cứ mãi là người mặc nợ
phù dù ơi cứ bạc bèo”
(Tản mạn cuối năm).


Từ đó, Đinh Sỹ Minh đã tìm con đường riêng của mình trong triết lý sống và sáng tạo thơ ca.


Tiếp tục với sự dồn nén tâm trạng từ cái lồng “Nhốt đam mê” và tình yêu “Thăm thẳm bóng làng”, của những tập thơ trước, giờ đây với “Phồn sinh” của Đinh Sỹ Minh đã hình thành một chân dung thơ rõ nét. Tác giả bộc lộ một phương pháp nghệ thuật sáng tác đan xen giữa hiện thực và trừu tượng khá nhuần nhuyễn. Tập thơ có nhiều thi phẩm sinh động truyền cảm, đọng lại cho người đọc những mạch thơ huyền ảo thú vị. Tôi bị cuốn hút với những câu thơ


“Cứ giấu mãi trong chiều xơ xác gió.
Chút đam mê chín rụng giữa hoang vu”
(Đam mê)


Hoặc chính bài thơ “Sỏi”, dường như nó được phát triển từ ý tưởng “Va đập mãi cũng chỉ là viên gạch vỡ”; bài thơ đầy ắp triết lý nhân văn, thông qua thi ảnh ngỡ như khô khan:


“Lăn lóc trần gian, lang thang bãi chìm bãi nổi…
Gói lại xa xăm ẩn ức quặn sỏi”.


Tác giả đã tạo nên tứ thơ ngập tràn mơ mộng qua hình ảnh hòn sỏi. Bởi nó như cuộc đời. Nó như con người luôn luôn hy vọng trong những biến cố khắc nghiệt nhất của sự sống. Tác giả viết:


“… Chắt hết ước mơ không thoát khỏi xói mòn mưa lũ
Tin vào đất sẽ đơm hoa kết nụ
Chưa thôi mong ngày sỏi đá cũng phồn sinh”.


Cảm xúc huyền ảo được nhân lên khi tác giả viết:


“Định mệnh rồi, duyên nợ gả thời gian.
Phận sỏi mãi lăn tròn ẩn ức
Trên mỗi lối mòn, sớm mai thức dậy
Một tình yêu sỏi đá cũng dịu dàng”.


Đây là một bài thơ có sự khám phá mới của tác giả. Một tác phẩm được hình thành trong quá trình bươn trải đó đây, với các công trình xây dựng, mà nhà thơ đã chiêm nghiệm sáng tạo. Ắt hẳn người đọc sẽ yêu thương


“Những mảnh đời bé con ghép nhau nhịp thở
Nâng bàn chân hy vọng
Bước lên ta phận sỏi lát đường”
(Sỏi).


Đáng chú ý tác giả đã có nhiều bài thơ hay và xúc động viết về quê hương, về mẹ và những nơi mình đã đi qua. Trở về với cội nguồn của những ký ức của người con tha hương, nhà thơ Đinh Sỹ Minh như được chắp cánh bay bổng, trong những rung động chân thành nhưng cũng không kém phần trăn trở. Anh có nhiều khổ thơ gây ấn tượng qua mỗi trang thơ và thể hiện sự phối cảm giữa hiện thực và trừu tượng luôn luôn đan xen. Hình ảnh đôi khi sần sùi thô nhám nhưng lại được phủ một lớp men huyền ảo tạo nên hiệu quả bất ngờ. Đây đó người đọc có thể nghe như anh đang bộc bạch, cùng những suy tư, buồn vui, nhưng bao giờ cũng đọng lại những thi ảnh độc đáo. Nếu ở bài “Nhật ký Vinh”, người đọc có thể ngỡ rằng anh đang trò chuyện rằng:


“Bạn bảo Vinh nằm ngang
Em nói Vinh nằm dọc…”


thì ở khổ thơ cuối anh gây bất ngờ với những câu thơ:
“Vinh cởi áo sau trận mưa rào mùa hạ
Lấm lem câu ví “Giận rồi thương”
Sông Lam trắng trở mình, phía nào cũng chật
Hỏi dòng trôi. Trong đục mô hè?


. Người đọc bị dẫn dắt hết những ký ức này sang những nỗi niềm khác; có khi cay nghiệt, khổ đau, lại có khi nhớ nhung, nhói buốt. Không ít những thi phẩm để lại ấn tượng mới lạ như “Ngàn Hống”, “Giếng làng”, “Dòng sông tháng Tư”; hoặc độc đáo như “Đường làng”, “Hương Canh”, “Nhật ký Vinh”; hay như “Vu lan nhớ mẹ”, “Xanh đồng”, “Bến cũ”…Người đọc luôn tìm được những câu thơ lạ và có sự tìm tòi:


“Sông tuổi trẻ cạn lòng nhìn trời mây
Khát một cơn mưa lũ dốc đáy ngày hun hút
Làng nằm nghiêng mắc cạn một nốt trầm”
(Làng tháng Chạp);


hay như:
“Dọc những chiều vết cắt tha hương
Đường nhói lòng tôi những luống cày trần thế”
(Đường làng)


hoặc có khi tác giả thảng thốt trong nỗi cô đơn:
“Làng của ta ơi, xa lắc của ta ơi
Nơi chôn rau, giờ chỉ là kỷ niệm
Bạn bè, người thân ngày càng trống vắng
Ta hoang mang như kẻ lạc loài”
(Nhớ làng)


“Phồn sinh” để lại những suy tư ngổn ngang về con người. Nhìn ở góc độ nào, nhà thơ cũng rút ra được mầu sắc, cùng sự chuyển động bay bổng của cuộc sống. Đó là trách nhiệm công dân của thi nhân. Một con mắt nhìn đầy phản biện, nặng trĩu tâm trạng. Nhưng bao giờ cũng vậy, thơ ca là sự cứu rỗi của tâm hồn, nó vươn tới ánh sáng và một tương lai. Mơ mộng. Bao dung. Bởi vậy cho dù nhà thơ có lúc xốn xang:


“Ừ thì ta cứ yêu, dù hoa vàng bỡn cợt
Yêu say đắm để lọt qua cơn hoảng hốt
Bủa vây ta là một kiếp người”
(Tản mạn cuối năm)


hay lại có khi ứa đầy thất vọng:
“Qua thăng trầm giờ còn lại chia ly
Nắng cứ đốt, lòng ta thành khe cạn
Trơ tận đáy ngổn ngang đá sạn
Em yêu ơi vẫn là gió u mê”
(Nắng chiều)


nhưng cuối cùng nhà thơ vẫn trao gửi tâm cảm vào niềm tin và sự đam mê trong tâm hồn:
“Cuộc đời này vốn dĩ giấc chiêm bao
Sáng ngắm bình minh chiều bão nổi
Qua những thăng trầm thấy mình lớn dậy
Có hề chi dù sông rộng núi cao”
(Niềm tin).
Sức mạnh của sự sống đã vượt qua bão táp phong ba, triết lý về “kiếp người” không hẳn chỉ còn là nỗi đau, mà tác giả nhấn mạnh:


“Hạnh phúc ư, là sống ở trên đời
Ta tìm kim cương từ bụi cát
Ngóng mầm trổ giữa bao la trời đất
Ngẩng cao đầu bình thàn đón phong ba”
(Niềm tin).


Đó chính là mạch nguồn phát sáng trong tâm hồn từ triết lý sinh động từ hình ảnh hòn sỏi nhỏ nhoi. Nhà thơ đã hòa mình vào thiên nhiên và ngang dọc cùng những trầm luân cuộc sống. Người đọc bị lôi cuốn khi nhà thơ viết:


“Tôi xin một chút nắng trời
Chút mây của gió, chút Người của tôi”
(Xin).


Và “Chút người” ấy tạo nên cái duyên thơ của Đinh Sỹ Minh, với


“Chông chênh đó, như là cơn gió
Đưa ta về tìm lại những dấu yêu”


“Phồn sinh” thêm một lần khẳng định thơ Đinh Sỹ Minh có giọng điệu riêng, trầm tĩnh, lắng đọng trong ý tưởng, cảm xúc dồn nén trong câu chữ và hình ảnh sáng tạo. Với sự trải nghiệm trong cuộc sống, cùng với trái tim đa cảm, nhà thơ đã biểu đạt bằng ngôn ngữ thơ qua những hình ảnh liên tưởng phong phú. “Phồn sinh” gợi mở một không gian mới cho một tương lai. Đó chính là sự tìm lại chính mình như tác giả đã gửi thông điệp tới bạn đọc:


“Năm tháng vo tròn thai nghén những mầm xanh”.







một tứ thơ đầy sự ám ảnh và huyền diệu, tiêu biểu cho tập thơ của Đinh Sỹ Minh.

Phụ âm kép gi, qu.




 

Chữ Việt có 7 phụ âm kép: ch, gi, ng, nh, qu, th, tr. Tôi không coi gh và ngh là phụ âm kép, mà chỉ coi gh là biến thể của g và ngh là biến thể của ng. H trong gh và ngh là h câm, không có công dụng thay đổi âm của g và ng. Theo ý tôi, bỏ h ra, âm g và ng không bị thay đổi, nhứt là ng.
Bảy phụ âm kép nầy chỉ kép về hình thức, tức do 2 chữ cái phụ âm ghép lại. Còn “nội dung”, phát âm của mỗi phụ âm kép chỉ cho ra một âm trơn, một tiếng, mà thôi.
Năm phụ âm kép ch, ng, nh, th, tr được cấu tạo cách bình thường, là ghép 2 phụ âm (trơn) vào nhau để tạo ra 1 phụ âm khác, phát ra tiếng khác với tất cả những phụ âm đã có. Và 5 phụ âm kép nầy không gây ra điều chi rắc rối cho người nghiên cứu chữ Việt.
Riêng 2 phụ âm kép gi, qu được cấu tạo cách khác lạ, là lấy 1 chữ cái phụ âm ghép với 1 chữ cái nguyên âm để tạo ra 1 phụ âm khác, phát ra tiếng khác với tất cả phụ âm đã có. Và 2 phụ âm kép nầy đã gây ra lắm điều nhiều chuyện trong việc nghiên cứu chữ Việt.
Theo tôi, chuyện gây rối lung tung là do cách nghiên cứu kỳ quặc của những nhà ngôn ngữ học tuân thủ theo ngành ngữ âm học được ứng dụng cho các thứ chữ Pháp và Anh. Người ta đưa ngữ âm học một cách cứng nhắc vào tiếng Việt, nên gây rối, không tìm ra được cách lý giải cho một số chữ có phụ âm kép gi và qu.
A.- Phụ âm kép gi.
Ở San Jose có một vị viết một bài với tên tựa “Chữ ‘Giê’ nầy sai”. Ông nầy quả quyết rằng hằng triệu (toàn dân) người Việt đều đã viết sai chữ “giê” trong chữ phiên âm “chó bẹc-giê”, “giê-rô”, phải viết là “chó bẹc-gê”, “gê-rô” mới trúng. Từ đó suy thêm, viết “giẻ” rách, “gien” di truyền cũng sai, phải viết “gẻ” rách, “gen” di truyền mới trúng.
Có lẽ từ vài chữ sau đây, giết, giêng, (láng) giềng, giếng (nước), ông thấy g phải có âm giơ mới đọc ra được g+iết, g+iêng, g+iềng, g+iếng, còn gi+ết, gi+êng, gi+ềng, gi+ếng… thì làm sao phát ra âm như mình muốn được.
Từ đó ông nầy cho rằng, đứng trước i, e, ê thì g = gi. Vậy thì chỉ 1 âm giơ mà biểu thị bằng 2 ký âm g và gi.
Trong một cơ hội hiếm hoi, tôi có được xấp bài thuyết giảng của Giáo sư Phạm Văn Hải, một đệ tử chân truyền của G/s Nguyễn Đình-Hoà và Học giả Lê Ngọc Trụ, tên tựa là “Hệ Thống Chữ Viết của Người Việt”. Đoạn viết về gi, Ông Phạm Văn Hải viết:
Trích: “- g, gi là 2 cách viết (hai biến thái) của một âm vị /gi/
g đứng trước các âm chính i, iê và ya. (Cái gì), (tháng) giêng, (chém) giết, (giặt) gỵa.” Hết trích
Vậy G/s Hải cũng cho rằng g có 2 cách phát âm, 1 là “gơ”, 1 là “giơ”. Chỉ khác ở chỗ ông Hải cho rằng g chỉ phát âm “giơ” trước i, iê, và ya mà thôi: gì, giết, giêng, gỵa. Còn trước e, ê thì vẫn phải dùng gi: Giê-su, giẻ…
Tôi không đồng tình phụ âm g có 2 âm khác nhau, 1 là “gơ”, 1 là “giơ” (âm gần giống với j, jơ, của Pháp). Tất cả mẫu âm của chữ Việt chỉ có một âm mà thôi (Trừ 2 trường hợp: 2 ký hiệu mẫu âm c và k có chung âm là “cơ”; và i có âm gần giống y) Ông Phạm Văn Hải dùng từ “mẫu âm” để chỉ nguyên âm, âm chánh. Còn tôi dùng từ “mẫu âm” để chỉ tất cả 39 âm căn bản, gồm chánh âm (nguyên âm & bán nguyên âm) và phụ âm.
Có người hỏi tôi, trong vài trường hợp, không dùng g = gi thì ông lý giải thế nào về mấy chữ: (chim) gi, (là) gì, (chém) giết, (tháng) giêng, giếng (nước)…
Tôi xin trình bày ý mọn của tôi, như sau:
1) Mỗi một mẫu âm chỉ có một cách phát âm mà thôi, không thể khi thì phát âm thế nầy, khi thì phát âm thế khác. 39 âm căn bản (mẫu âm) có 39 tiếng phát âm khác nhau. Không thể g phát âm “gơ”chỗ nầy, lại có khi g phát âm “giơ” chỗ khác. Làm vậy là làm rối loạn quốc ngữ, bắt học sinh phải nhớ những chuyện thật vô lý (một biểu thị có tới 2 lối phát âm, dù là tử âm, phụ âm)
2) Các từ gi, gì, giết, giêng, giếng… phân tích ra thấy gi+-, gi+-, gi+ết, gi+êng, gi+ếng, không thể phát âm ra gi, gì, giết, giêng, giếng… Tôi thấy các từ nầy nằm trong qui tắc sau đây:
“Trong một chữ quốc ngữ không có 2 nguyên âm giống nhau đứng liền nhau. Nếu có thì phải bỏ bớt một” Theo tôi, các chữ nêu trên đúng ra phải viết đủ như vầy: (chim) gii, (làm) giì, (chém) giiết, (tháng) giiêng, giiếng (nước). Chữ i trước là thành phần “kép” của phụ âm kép gi, còn i sau là thành phần của bán nguyên âm kép iê. Vậy mình đánh vần gi+i, gi+ì, gi+iết… (giơ+i, giơ+ì, giơ+iết…) thì sẽ ra đúng với tiếng mình muốn ghi lại. Tuân thủ qui tắc bỏ bớt một nguyên âm, nên các chữ đó thành ra những chữ giống như chúng ta thấy đang dùng hôm nay. Riêng chữ gỵa, theo tôi phải viết là giịa mới chỉnh. Bỏ 1 i thì còn gịa. Chữ nầy dễ lộn với chữ giạ, nên người xưa chế ra chữ gỵa. Thật ra quốc ngữ không có vần ya, mà chỉ có vần ia. Nhưng thỉnh thoảng mình cũng thấy vần ya, vì có qui tắc nầy “Vần ia, iu khi ráp với u hay vần xuôi có u phía trước thì i phải đổi thành y”:(canh) khuya, khuỷu tay, té khuỵu…
ya mà ráp với phụ âm phía trước thì chỉ có 1 chữ duy nhứt gỵa. Có lẽ người ta nghĩ y = ii, nên mới chế chữ như vậy. Nếu nghĩ như vậy mà được mọi người chấp thuận, thì viết gyết, gyêng thay cho giết, giêng cũng được.
3) Âm kép là âm được chế tạo thêm để có đủ âm căn bản cho hệ thống tạo chữ Việt. Nếu cắt rời một thành phần của âm kép, thì tức thời nó không còn là âm kép nữa. gi mà bị ngắt i ra, thì tức thời đâu còn là gi nữa, mà chỉ còn là g thôi, nghĩa là sẽ trở lại là âm “gơ” trơn thôi. Tôi gọi lối phân tách âm kép ra tới từng chữ cái là theo lối ngữ âm học áp dụng cho chữ Pháp và chữ Anh, áp dụng vào chữ Việt chỉ gây phức tạp, rối rắm mà thôi.
4) Nếu chúng ta chịu cải tiến chữ Việt bằng cách dùng j thay gi (làm gọn một phụ âm), thì không còn gì vướng mắc. Các chữ gây rắc rối được viết như vầy, (chim) ji, (là) jì, (chém) jiết, (tháng) jiêng, jiếng (nước)… thì đâu còn gì để tranh luận.
[Có người cho rằng âm của j không giống âm của gi. Nói như vậy là quên rằng ta chỉ mượn bộ chữ cái thôi. Còn âm thì ta toàn quyền sửa đổi ít nhiều để phù hợp trong việc ghi âm tiếng Việt. Âm Tr của Anh đâu giống âm Tr của ta. Âm G của Anh trước âm i, e đâu giống G của Pháp. Âm E của Anh (phát âm là i), của Pháp (phát âm là ơ), của ta (phát âm là e) đâu giống nhau]
B.- Phụ âm kép qu.
Gần như những nhà ngôn ngữ đều cho rằng c, k và q cùng âm, là /k/.
G/s Phạm Văn Hải viết, “c, k và q là 3 cách viết của một âm vị /k/”.
Ông Đỗ Việt Hùng (“Tiếng Việt Thực Hành”, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, Hà Nội, 1998) viết, “…-âm /k/ được biểu thị bằng 3 kí hiệu: C, K, Q”.
Tôi nhận định về chuyện nầy như sau:
1) Trong chữ Việt, âm c (cơ) có rất nhiều công dụng trong việc tạo chữ, vừa đứng được đầu chữ, vừa đứng được cuối chữ:
a) C đứng trước, ghép được với 6 nguyên âm a, o, ô, ơ, u, ư để tạo chữ vần xuôi: ca, co, cô, cơ, cu, cư.
b) C đướng sau ghép được với 11 chánh âm (gồm nguyên âm và bán nguyên âm) a, e, o, ô, u, ư, ă, â, iê, uô, ươ để tạo chữ vần ngược: ac, ec, oc, ôc, uc, ưc, ăc, âc, iêc, uôc, ươc.
c) C cũng được dùng ghép với h để tạo ra phụ âm kép Ch.
2) Trong chữ Việt, k có rất ít công dụng trong việc tạo chữ:
a) K chỉ đứng trước, ghép được với 4 nguyên âm e, ê, i và y để tạo chữ vần xuôi thôi: ke, kê, ki, ky.
b) K cũng được dùng ghép với h để tạo ra phụ âm kép Kh
c) K không có chức năng đứng cuối chữ.
Vậy, theo tôi, phải viết, “C và k cùng âm là /cơ/” hoặc viết “Âm /cơ/ được biểu thị bằng 2 ký hiệu c và k”. Sự thật, k chỉ là biến thể của c, chỉ thay thế c khi ghép với e, ê, i, và y mà thôi.
3) Còn q đứng một mình thì chưa được giao “trách nhiệm” giữ âm gì hết. Đứng một mình, qkhông ghép được với bất cứ chánh âm nào để tạo ra chữ, ra vần. Vậy làm sao coi q có âm giống c hay k được. Q phải được u ghép vào mới thành phụ âm kép qu, có âm là quơ (hoặc cu-ơ) Lúc bấy giờ qu mới có chức năng tạo chữ như các phụ âm khác. Cắt u trong qu ra để định âm q là gì là làm rối nghiên cứu mà thôi.
Vậy, theo tôi, qu không dính dáng với c và k. Cho q = c thì chữ “đi qua” sẽ có thể thành “đi cua” sao? Chữ “qui y” sẽ có thể thành “cui y”; “quì lạy” thành “cùi lạy” sao?
Kính xin quí vị “nhà ngôn ngữ” VN đừng đem ngữ âm học của Pháp & Anh áp dụng vào việc nghiên cứu chữ Việt, rồi phân tích chữ Việt tới từng đơn vị chữ cái, gặp chữ có phụ âm kép, hoặc chữ ráp vần, quí vị sẽ làm rối lung tung, mà không ích lợi gì.
Tôi coi các chữ “qua”, “qui”, “quý” là chữ vần xuôi, phụ âm ghép với nguyên âm, giống như các chữ “ta”, “ti”. “tý” hoặc như “nha”, “nhi”, “tha”, “thi”…
Tôi phân tích 3 chữ đó ra 2 phần , phụ âm + nguyên âm, như vầy:
Qua = qu+a, đánh vần quơ+a sẽ tự nhiên ra tiếng qua
Qui = qu+i, đánh vần quơ+i = qui
Quý = qu+ý, đánh vần quơ+ý = quý.
Đến các chữ ráp vần, có một vần rồi, đem vần đó ráp với qu, như các chữ sau đây: quắn, quang, quốc, quân, quính quáng… thì cũng phân tích thành phụ âm + với vần ngược để đánh vần như sau:
Quăn = qu+ăn, đánh vần là quơ+ăn sẽ đương nhiên ra tiếng quăn,
Quang = qu+ang, đánh vần là quơ+ang = quang,
Quốc = qu+ốc, đánh vần là quơ+ốc = quốc (chớ không ra cuốc được)
Quân = qu+ân, đánh vần là quơ+ân = quân (Người Nam phát âm ra quưng, sai)
Quính = qu+ính, đánh vần là quơ+ính = quính.
Quáng = qu+áng, đánh vần là quơ+áng = quáng…
Trong một bài góp ý thảo luận về “qui tắc đánh vần” trên Trang Nhà Viện Việt Học (viethoc.org) phần Diễn Đàn Tiếng Việt, tác giả Lily viết:
“- Phụ âm QUỜ được ghi lại bằng kí hiệu QU. Phụ âm này chỉ kết hợp với những vần khởi đầu bằng âm U và âm O. Khi viết, người ta lược bỏ chữ U hay chữ O của vần ấy đi. (Thí dụ: QU+ÚY = QUÝ; QU+ OANH = QUANH)”
Mọi phụ âm được ghép với nguyên âm thì tạo ra chữ vần xuôi, được ghép với vần ngược thì tạo ra chữ ráp vần: ma, tha, tu, lư, ngu, che, trê, thô, phê: tan, nhang, sông, thênh thang, mênh mông…
Lẽ nào phụ âm Qu lại ngoại lệ, “phải ráp với vần khởi đầu bằng O hoặc U?”. Chữ qua lẽ nào phải là quoa? Chữ quê lẽ nào phải là quuê? Chữ Quì lẽ nào phải là Quuì? Chữ Quang lẽ nào phải là quoang, chữ Quỳnh lẽ nào phải là Quuỳnh?
Không biết Bà/Cô Lily lấy đâu ra âm U và âm O bị bỏ ra từ chữ Quuý, Quoanh để hiện nay còn là Quý, Quanh.
Hai phụ âm kép gi và qu là 2 phụ âm gây nhiều tranh cãi rối rắm mà vô ích nhứt. Những tranh cãi nầy là do quí vị “nhà ngôn ngữ” tìm cách biện giải gi và qu cách rắc rối, rập theo khuôn “ngữ âm học” của các nhà ngôn ngữ Tây phương.
Mong rằng các nhà ngôn ngữ Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, nên coi lại, và tìm cách biện giải đơn giản mà thuyết phục mọi người, về 2 phụ âm gi và qu.
Kính,
Nguyễn Phước Đáng.

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2018

BẠN TÔI ( viết tặng Kim Thanh)



Mày là con gái
sao cứ rủ nhậu hoài
cớ chi mày phải đãi
bọn tao là con trai


Đất Sài Gòn mày phải cày
kiếm tiền chẳng dám xài
đợi về quê đãi bạn
còn mấy thằng con trai


Rượu uống hoài phải say
mà sao đêm vẫn dài
chuyện chúng mình thuở nhỏ
ai bảo mày nhớ dai


Thương mày là phận gái
uống say mai vẫn cày
đất Sài gòn oan trái
gửi nỗi buồn cho ai


Nếu một ngày tao không bắt máy
xin mày về cứ việc uống say
linh hồn tao vẫn còn ở lại
trong ly rượu bè bạn hôm nay

Học để thành tài hay để thành người?





Học để thành người. Làm người thì phải biết sống đúng với vai trò xã hội của mình và mẫu số chung trong tất cả diều kiện để sống đúng là tính trung thực.
“Phải để cho đứa trẻ là, hay trở thành chính bản thân nó”.- câu nói của Gs. Hồ Ngọc Đại đã gói gọn Công nghệ giáo dục mà ông đưa ra.
Đáng tiếc rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng câu nói của ông và tôi biết chắc những người chỉ trích ông chưa bao giờ dự một buổi dạy "trình diễn của Gs. Hồ Ngọc Đại.
" Hãy để cho đứa trẻ chính là bản thân của nó" - đó là TÍNH TRUNG THỰC.
Đáng buồn, một xã hội đang băng hoại bởi sự GiẢ DỐI do llối giáo dục mang tính "ÁP ĐẶT" tạo ra đang được thay đổi bởi lối giáo dục mang lại TÍNH TRUNG THỰC lại không được đồng thuận bởi chính tầng lớp được xem là TRÍ THỨC.

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Người trí thức khác với người làm khoa học thuần túy ở chỗ nào?




Trong các tài liệu chính thức , người ta chỉ nói Trần Đại Nghĩa như một quan chức và cùng lắm thì gọi ông là nhà trí thức mang kiến thức chuyên môn phục vụ đất nước.
Còn với chúng tôi – tôi tin có nhiều người cũng nghĩ như tôi – qua bài nói chuyện này thấy ông là một trí thức thực thụ với nghĩa không chỉ bó hẹp trong chuyên môn của mình mà còn quan tâm và có ý kiến về những vấn đề quan trọng nhất của đất nước và đó là những ý kiến đúng - những điều tiên tri.
Chỉ có một điều tôi để ý thì thấy những ý kiến loại này không bao giờ được ghi nhận trong các tài liệu chính thức về Trần Đại Nghĩa .
Người ta không bao giờ coi trọng những ý kiến này của ông.
Việc của người trí thức là thực hiện những điều cấp trên đã nghĩ, chứ không được bàn góp và nghĩ thay cấp trên, lại cũng không nên nói rộng ra các ý ấy với công chúng – chúng tôi được dạy bảo như vậy và thấy nguyên tắc này được áp dụng với cả công thần Trần Đại Nghĩa .
Giả sử như hôm ấy tôi không nghe ông nói chuyện thì chả bao giờ biết ông có ý ấy.
Trên con đường đi tới của mình, chúng tôi không được sự gợi mở của những người đi trước.
Tôi không muốn các bạn trẻ hơn lặp lại bi kịch của chúng tôi, nên đã tìm cách phổ biến lại những ý của Trần Đại Nghĩa và có bài dưới đây.

NHỮNG LỐI ĐOẠN TRƯỜNG

Thư viện quốc gia Hà Nội hàng tháng thường có những buổi nói chuyện về đủ loại vấn đề đang được dư luận quan tâm. Một ngày hè 1976, tôi có dịp được nghe một buổi nói chuyện loại đó mà diễn giả là kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, ông cũng như nhiều người nghĩ nhiều đến sự phát triển kinh tế, trong đó có việc học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Bấy giờ nước Nhật còn là cái gì xa xôi lắm. Trần Đại Nghĩa kể ở Tokyô, các kỹ sư đứng ở ngã tư, để nghe mọi người phát biểu về kinh tế, ai nói họ cũng ghi để tham khảo, ai nói hay họ còn trả tiền. Quay về mình ông bảo đừng ỷ vào tài nguyên mà phải dành nhiều quan tâm tới khâu quản lý, không quản lý tốt kinh tế không khác gì thùng không đáy. Đất nước được quản lý kém thì có độc lập cũng chỉ là độc lập hờ, độc lập giả. Nước mình lạ lắm, càng những ngành then chốt càng lạc hậu, ông nói tiếp. Về hướng phát triển ông gợi ý đủ chuyện từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn. Chuyện nhỏ ( đúng ra phải nói “có vẻ là nhỏ “ ) đào tạo công nhân lành nghề khó lắm, thợ hàn cao áp ở VN đào tạo 100 người chỉ đậu được 4 người. Chuyện lớn ( cái này thì lớn thật ) - phải hiện đại hóa về giao thông và thông tin. Phải tiêu chuẩn hóa mọi chuyện. Tiêu chuẩn hóa là công cụ để đạt tới hiệu lực, biến khó thành dễ. Một điều lạ nữa với bọn tôi là ở chỗ tuy làm khoa học kỹ thuật, nhưng Trần Đại Nghĩa lại xem trọng khoa học xã hội. Ông báo động là cả nước 50 triệu người mà gần như không có ai nghiên cứu tâm lý. Hiểu và xử lý đúng tâm lý xã hội tâm lý nhân dân không tốt, thì cũng quản lý kinh tế không tốt. Tổng quát hơn ông nói đến cái sự mình phải minh bạch với mình, rành mạch với mình. Bấy giờ là những năm tháng đầu tiên sau chiến tranh nên cái sự giấu giấu giếm giếm còn tạm tha thứ được. Song Trần Đại Nghĩa đã thấy đủ những tai hại mà cái lối “gì cũng coi là bí mật “ ấy gây ra. Theo Trần Đại Nghĩa, trong quản lý xã hội phải xác định bằng được số liệu chính xác. Vì đây là bước đầu để đi tới mình nắm được mình, tự xác định được vị trí của mình trên thế giới.
Lần giở lại những trang ghi chép được hôm ấy tôi thấy nó giống như một lời tiên tri. Bởi nó đúng quá, đúng cả với “thời gian lớn” là hơn ba chục năm nay, cả với “thời gian nhỏ” là khoảng dăm bảy năm nay. Cả cái cách nó bị quên lãng nữa chứ ! Và tôi thầm nghĩ sao lịch sử oái oăm vậy, những suy nghĩ đúng thì không được thực hiện, những cảnh báo đúng thì không được đề phòng, khiến cho đất nước cứ ì ạch mãi.

Vương Trí Nhàn

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

Nên dạy trẻ học chữ và học đánh vần thế nào?










Tính khoa học của cách đánh vần theo âm vị của Công nghệ giáo dục

Trong cuốn "Ngữ âm tiếng Việt", sách dạy ngữ âm hàng kinh điển gối đầu giường của nhiều thế hệ nhà ngôn ngữ học Việt Nam, GS Đoàn Thiện Thuật cho rằng chữ Quốc ngữ là thứ chữ ghi âm âm vị học nhưng "còn nhiều thiếu sót".

Kỳ thực, chữ Quốc ngữ là thứ chữ ghi âm tinh tế đến cấp độ âm tố. Trong thực tế lịch sử, tiếng Việt từng có đến 36 thanh mẫu và 206 vận mẫu trong vỏ bọc của hệ thống từ vựng Hán Việt ngữ, nhưng theo giải thuyết âm vị học phổ biến gần đây, Tiếng Việt chỉ còn 22 phụ âm và 126 vần thường dùng.

Chữ Quốc ngữ không đơn thuần là chữ ghi âm vị, những kết hợp phân bố của các biến thể âm gốc lưỡi được ghi bằng các ký tự "c","q", "qu" cần được nhìn nhận là các âm tố khác nhau mang đặc trưng khu biệt. Sách Tiếng Việt cải cách năm 2000 và sách Công nghệ giáo dục nêu quan điểm "c", "k", "q" đều là âm vị c/k là quan điểm không sai dưới góc nhìn âm vị học phương Tây, nhưng chưa phù hợp với thực tế tiếng Việt.

Giải pháp âm vị học này bỏ qua thực tế chữ Quốc ngữ không có chữ "q" đi một mình, chỉ có chữ "qu" đọc là "quờ" ghi âm cho các âm tiết có nguồn gốc từ thanh mẫu "quần", tức âm tố [ k], một biến thể tròn môi âm gốc lưỡi mà truyền thống cũ ta vẫn quen gọi là quờ, như vậy trong trường hợp này cách đánh vần truyền thống chính xác và khoa học hơn.

Trong thực tế, chữ Quốc ngữ có khá nhiều chữ ghép dùng để ghi âm các âm vị như "th" (thờ), "ch" (chờ), "tr" (trờ), "ph" (phờ), "qu" (quờ) cũng nằm trong hệ thống ký tự ghi âm tố/ âm vị tiếng Việt, không bao giờ đứng một mình cả. Giải thuyết "c", "k", "q" đều đọc là cờ/k đứng từ góc độ chữ viết hay góc độ ngữ âm đều chưa thực sự khoa học.



TS Nghiêm Thúy Hằng.



Sách Công nghệ giáo dục nhận định "c", "k", "q" đều là c /k dẫn đến nghịch lý "quả" đồng âm với "của", "qua" đồng âm với "cua", "cuốc" đồng âm với "quốc" trong khi thực tế tiếng Việt chưa chắc là như vậy, không dễ để giải thích với trẻ đâu là đỉnh vần, đâu là âm đệm, đâu là nguyên âm đôi, ngay cô giáo trong clip hướng dẫn cũng đã dạy sai kiến thức ngữ âm, trong chữ cua, vần của nó là nguyên âm đôi /u##/, không phải /ua/ như cô giáo dạy, không phù hợp với thực tế, làm méo mó tiếng Việt. Cách đánh vần như vậy của công nghệ giáo dục thiếu tính chính xác, chuyên nghiệp, chưa khoa học, người dân có lý khi không đồng thuận.

Theo quan niệm âm hệ học cổ điển của Trung Quốc thì Hán Việt ngữ có 36 tự mẫu đại diện cho 36 phụ âm chứ không chỉ có 22 phụ âm như quan điểm hiện đại, cụ thể đó là các thanh mẫu bang, bàng, tịnh, minh, đoan, thấu, định, nê, lai, tri, triệt, trừng, tinh, thanh, tùng, tâm, tà, trang, sơ, sùng, sinh, chương, xương, thuyền, thư, thường, nhật, kiến, khê, quần, nghi, ảnh, dương, hiểu, hạp, vân.

Các thanh mẫu này lấy phụ âm để biểu thị âm trị của phụ âm đầu, lấy phần vần trong tên thanh mẫu để thể hiện tính phân bố trong kết hợp với phần vần. Các phụ âm khi kết hợp với các vần khác nhau cho các phụ âm có các chùm đặc trưng khu biệt khác nhau, từ đó có các âm tố khác nhau. Ba anh em sinh ba "c", "k", "qu" dẫu có giống nhau thì họ vẫn cần có 3 cái tên, trong lịch sử nó không dùng chung một tên, nay cũng không nên nhập một hay gán cho nó âm trị giống nhau. Ngữ âm học của phương Tây đâu có đủ để khu biệt ngữ âm với hệ thống vần phong phú của tiếng Việt ta.

Tính hợp lý của chữ Quốc ngữ

Tiếng nói và chữ viết có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau như hai mặt của một ký hiệu, như cái áo quốc phục gắn với mỗi dân tộc, có chức năng nhận diện và thể hiện bề sâu văn hóa. Tiếng nói là thứ có trước, chữ viết là thứ có sau, "y phục xứng kỳ đức", chữ Quốc ngữ như cái áo trùm lên cơ thể người Việt, thể hiện từ diện mạo đến tâm hồn, trình độ văn hóa của người mặc.

Tiếng nói có thể mang tính địa phương, nhưng chữ Quốc ngữ dạy trong nhà trường thì phải là công cụ siêu phương ngữ, ghi được tiếng nói chung của cả dân tộc khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, làm cơ sở cho các cháu bé có thể giao tiếp thuận lợi, có năng lực ngôn ngữ đủ để tiếp thu nền giáo dục, trở thành những công dân ưu tú, chủ nhân của tương lai.

Chữ Quốc ngữ kỳ diệu ở chỗ tuy hệ thống phụ âm, nguyên âm và thanh điệu của nó giản tiện như nhiều hệ thống ngữ âm châu Á khác, nhưng nó lại thể hiện được hệ thống vần tiếng Việt cực kỳ đồ sộ, ghi âm thành công thứ tiếng "như tiếng chim hót", đồng thời ký âm được tất cả các phương ngữ tiếng Việt, thực sự trở thành một công cụ siêu phương ngữ ghi âm tiếng Việt toàn dân.

Tiếng Việt đã hình thành, phát triển từ rất lâu, mang cái áo chữ Hán trước khi nó được thiết kế mặc chiếc áo chữ Quốc ngữ, vì vậy cũng cần tôn trọng đặc tính lịch sử của nó. Dẫu mặc Tây phục thì từ dáng vẻ đến hồn cốt tiếng Việt vẫn là thuần Việt, cần tôn trọng truyền thống ghi âm đến cấp độ âm tố trong các sách vận thư, vận đồ sử dụng tại Việt Nam những thế kỷ trước, cách đánh vần truyền thống làm rất tốt điều này.

Cần phải khẳng định lại, chữ Quốc ngữ không có thiếu sót nào đáng kể, thực ra nó vô cùng kỳ diệu và hợp lý. Bằng việc thiết kế tỉ mỉ đến cấp độ âm tố với các thế phân bố rõ ràng, rành mạch, nó dễ nhớ, dễ học, giúp người Việt thoát nạn mù chữ, giúp tiếng Việt hoàn toàn thoát khỏi sự lệ thuộc vào việc phải mượn hình chữ Hán như tiếng Nhật, nó tạo ra nhiều âm tiết và khuôn vần cho phù hợp với thứ tiếng "như chim hót" và có nhiều sắc thái biểu cảm như tiếng Việt mà hệ thống âm vị vẫn không bị trở nên cồng kềnh, lại còn khéo léo thoát được khỏi vấn nạn đồng âm bủa vây tiếng Hán, tiếng Nhật.

Nên cám ơn nhiều thế hệ giáo sĩ phương Tây và người Việt vì điều kỳ diệu và cái áo rất vừa vặn này chứ không nên xoáy sâu vào "tính bất hợp lý " của nó, nên hiểu cái lý của nó và giải thích cho các thầy cô nắm được, điều chỉnh khi dạy học trò và tìm cách dạy dễ hiểu nhất có lẽ sẽ hơn.

Đừng biến tiếng Việt thành "hàn lâm học vụ", trẻ em thành nhà ngữ âm học

Nên tách việc dạy chữ và dạy đánh vần như kinh nghiệm dạy lớp vỡ lòng truyền thống năm xưa, không nên biến việc học của trẻ em thành "hàn lâm học vụ" như sách Công nghệ giáo dục hiện hành.

Việc dạy chữ nên dạy tại lớp mẫu giáo 5 tuổi, dạy các nét cơ bản, mỗi nét kèm theo tên gọi, mỗi nét nên cho các cháu viết 1 trang, các chữ cái mỗi chữ viết 1 trang. Lứa tuổi mẫu giáo tô chữ là phù hợp, theo nghiên cứu bất cứ cái gì, kể cả đồ hình mà có tên gọi, lặp đi lặp lại 7 lần tái hiện trong bộ nhớ thì sẽ được nạp vào bộ nhớ vĩnh viễn.

Việc dạy đánh vần nên tuân thủ mô hình cấu trúc 2 bậc của âm tiết tiếng Việt, việc ghép vần theo chữ bao nhiêu thế hệ người Việt vẫn đang học, tiếp thu một cách dễ dàng thì chả có lý do gì phải thay đổi. Biến trẻ em thành các nhà ngữ âm học bất đắc dĩ, rồi thì bắt chúng nhắc đi nhắc lại những câu vô nghĩa như những đứa loạn thần kinh, đi phân tích những câu thơ thành những âm tiết vô hồn, băm nát tâm hồn trẻ nhỏ, bắt chúng đọc như cái máy chính là tội ác.

Còn nhớ, sách học vần thập kỷ 70 thế hệ chúng tôi học cực kỳ dễ dàng, rất mỏng chứ không dầy cộp rồi phân tận 2 tập như bây giờ, không phải học trước ở nhà, về nhà cũng không bao giờ phải giở sách ra học. Thế mà cho đến hơn 40 năm sau tôi vẫn nhớ những bài kinh điển: "con mèo kêu "meo, meo", con dê kêu "be be", "sếu bay", "kéo dây".

Đến giờ tôi vẫn nhớ những câu thơ rất đẹp như: "Mẹ ơi tại sao/ Hoa hồng lại khóc/ Không phải đâu con/ Đấy là hạt ngọc/ Người gọi là sương/ Sao đêm gửi xuống/ Tặng cô hoa hồng". Tôi cũng nhớ mẹ tôi dạy những câu kinh điển từ thời của mẹ như: "i tờ tờ i ti", tôi không biết chữ, tôi đi lội bùn; "o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ thời thêm râu".

Giáo dục cần ổn định kế thừa , "gạn đục, khơi trong" hơn là "đập cũ, xây mới", nếu xây mới cũng cần hiện đại, chính xác, không nên nửa vời, tây không ra tây, ta chẳng ra ta. Nhiều người lấy cớ cần cải cách vì học sách 2000, nhiều cháu bị tái mù chữ hoặc viết sai chính tả, xin thưa, nếu viết sai chính tả thì tại sách cải cách năm 2000 chứ không phải tại cách ghép vần theo chữ có vấn đề. Cùng với thời gian, có thể giải thích luật chính tả cho các cháu.

Trên thực tế sau giai đoạn ghép vần từng chữ quen rồi, các cháu sẽ tri nhận toàn bộ khuôn vần kèm theo thanh điệu cùng một lúc, việc phân tích cấu trúc âm tiết không có ý nghĩa nhiều, thậm chí còn cản trở tốc độ đọc, sau một thời gian các cháu hoàn toàn có thể học các khuôn chữ theo nguyên tắc loại suy. Điều cốt yếu là giữ cho các cháu bé hăm hở học, không sợ học, thích học và nhớ được những điều hay ý đẹp trong sách, biết thương yêu ông bà bố mẹ, bạn bè chứ không phải là đi học tư duy khoa học ở độ tuổi sớm như vậy.

Chuyện trao đổi quan điểm khoa học nếu ý kiến có khác nhau cũng chỉ là chuyện bình thường nên làm, nếu có thể xin các nhà khoa học và các nhà sư phạm tiếp tục góp ý, chỉ giáo vì lợi ích của các cháu bé, những tâm hồn ngây thơ trong sáng, những tờ giấy trắng chờ chúng ta gieo những con chữ đầu tiên, khuyến khích mở những cánh cửa ước vọng đầu tiên.

TS Nghiêm Thúy Hằng

GIẤC MƠ THỜI THỔ TẢ







Cả ngày trời âm u. Vừa sập tối, gió thổi ù ù, .Rồi mưa.Mưa như trút nước. Mọi âm thanh đều như tắt tịt bởi tiếng rầm rập của mưa dồn dập mái tôn.

Rồi chớp lạch, rồi sét đánh và điện cúp.

Nhà không có lấy cái áo mưa, bụng đói cũng không muốn bước ra ngoài . Cảm giác lạnh nhanh chóng đến. Trong cái bóng tối phũ chụp, tôi chỉ có thể trùm mềm kín đầu và cố dỗ giấc ngủ bằng cách niệm thầm câu : A men, cầu Chúa ban phước lành!

*

Tôi mở mắt thấy mình đang lơ lửng giữa bầu trời đầy sao lấp lánh, tuyệt đẹp. Sự thích thú chưa kịp trào ra, nỗi sợ hãi đã ập đến khi tôi nhận ra mình đang rơi. Nỗi sợ hãi càng lớn, tôi rơi càng nhanh. Phản xạ bản năng, đôi cánh tay tôi quạt lia quạt lịa. Bất ngờ, tôi thấy mình rơi chậm lại và vui mừng khi tôi thấy mình dần được nâng lên .

Thật là một điều kỳ diệu! Trên lưng tôi đã mọc ra đôi cánh trắng nuốt.

Đội ơn Đức chúa trời. Ngài đã ban cho tôi đôi cánh thiên thần!

Nỗi sợ hãi chấm dứt và tôi càng lúc càng khoan khoái với đôi cánh của mình. Tôi vỗ cánh và lượn bay .Chưa bao giờ cảm thấy được tự do và hạnh phúc như bây giờ. Đầu tôi lại nảy sinh ý nghĩ : Tại sao tôi không lượn vòng trên bầu trời thành phố nơi tôi sinh sống?

Đêm đã khuya. Khuya lắm. Đường phố vắng tanh, chỉ có những cây cột đèn tỏa sáng., thứ ánh sáng vàng nhợt, lạnh ngắt

Tôi vỗ cánh nhẹ nhàng lượn lờ trên các con đường.

Bất chợt, đâu đó vang lên âm thanh thảng thốt. Cái âm thanh chừng như rất quen thuộc của sự sợ hãi.Tôi vội vàng vỗ cánh lao đến nơi phát ra âm thanh đó.

Từ trên, tôi nhìn thấy khá rõ. Một người phụ nữ đang bị ba gã đàn ông vậy bọc.Một gã đang ôm chầm người phụ nữ, dùng sức mạnh ép cô ta vào vách tường.

Một vụ cưỡng hiếp chăng?

Có chút lưỡng lự nhưng tôi cũng bay đến gần hơn.Tôi nhận ra người phụ nữ là một cô gái ăn mặc hở hang, khá khêu gợi. Bốn gã đàn ông đều có gương mặt khá trẻ.

Mèo mã gà đồng đây mà!

Tôi quay mình vỗ cánh bay đi nhưng tôi thấy mình không nhúc nhích. Tôi quạt cánh mạnh hơn cũng không thể bay lên.

Đột nhiên, đôi cánh biến mất và tôi rơi xuống.

Tiếng rơi của tôi đủ làm mấy gã thanh niên chú ý. Khi nhận thấy tôi, hai gã vội vàng lao đến tôi với ánh sáng lấp lánh của những lưỡi dao.

Quá sợ hãi, tôi quay lưng bỏ chạy và cố kêu thét cầu cứu nhưng âm thanh cứ nghẹn lại nơi cuống họng.

Hay gã thanh niên càng đuổi càng gần. Tôi vừa chạy vừa quạt hai tay hy vọng có thể bay lên. Đúng lúc, hai gã thanh niên vừa bắt kịp , tôi vụt bay lên.

Tôi thở phào nhẹ nhỏm, vỗ cánh bay vút đi , vui mừng vì thoát khỏi nguy hiểm.

*

Tôi thức giấc bởi tiếng rên ư ử của chú chó con. Chung quanh vẫn là bóng tối. Bên ngoài vẫn mưa âm ỉ.

Mấy ngày sau, đọc tin trên tờ báo mạng : người ta phát hiện xác một cô gái lõa lồ nơi bãi rác thành phố.Tôi rùng mình, người co rúm.

Trời lại đổ mưa, lại sấm chớp, lại cúp điện.Tôi rúc mình nơi góc giường chẳng dám chợp mắt.















Nghệ Thuật Bonsai

Bonsai kết hợp nhuần nhuyễn cách trồng cây và sự am hiểu tính chất thiên nhiên của từng loại cây.
Những cái chậu cây nông cạn này rất cần thiết để không khí có thể luồn qua rễ cây. Đất phải xốp và tơi, dễ thóat nước để rễ cây mọc sợi nhuyễn hơn và không bị úng nước. Hằng năm, hay vài ba năm một lần, bonsai lại được thay qua cái chậu khác, rễ cây được xén bớt, thay đất mới. Dần dần, rễ cây mọc dày hơn giúp cho cây hút nước và chất dinh dưỡng dễ dàng hơn.
Rễ dầy khuyến khích tàng cây mọc rộng hơn, rễ nhuyễn hơn sẽ giúp lá cây mọc nhỏ hơn. Đến khi cây trưởng thành, bonsai sẽ trở nên hòa hợp, nó sẽ tin rằng nó là cái cây cao ba mươi feet (tương đương với mười mét) trong phong cảnh thiên nhiên. Từ đó, cách săn sóc bonsai sẽ chú trọng đến việc duy trì sự cân bằng rất tế nhị của năng lượng.
Theo Wikipedia, bon có nghĩa là cái mâm, cái khay, hay cái chậu thấp; sai có nghĩa là trồng cây. Bonsai hiểu đơn giản là trồng cây trong mâm trong chậu. Bây giờ người Mỹ dùng chữ bonsai cho loại cây kiểng, tuy nhỏ bé nhưng có hình dáng của cây to già. Bonsai phát xuất từ Trung quốc nhưng phát triển mạnh ở Nhật. Năm 970 có một nhà văn, Utsubo Monogatari, tuyên bố trong tác phẩm The Tale of the Hollow Tree, “cây mà để tự lớn lên thì không có gì gọi là tao nhã. Chỉ khi nào nó được con người chú ý uốn nắn, săn sóc thành ra hình này cảnh kia thì mới có thể làm xao động tâm hồn của con người.” Có lẽ từ đó người ta bắt đầu yêu mến môn trồng cây tốn sức tốn tiền này. Thật là nghề chơi cũng lắm công phu.

Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Hé lộ âm mưu khủng khiếp thực sự đằng sau chiến dịch mắng chửi GS Hồ Ngọc Đại và chương trình giáo dục thực nghiệm đọc “tròn, vuông, tam giác”




Tác giả: Ngọc Anh Vũ
.




Làn sóng phản đối sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đang trở thành xu hướng trên khắp các trang mạng xã hội. Ai cũng ra sức công kích cải cách này nhưng ít ai chịu dừng lại và suy nghĩ: “Tại sao một chương trình 30 năm nay rồi mà giờ người ta mới lôi lên chỉ trích, có mục đích gì chăng?”. Và thực sự, phía sau câu chuyện này có thể là một âm mưu đáng sợ trong ngành nghề tiền tỷ mà ít người chú ý: miếng bánh giáo dục.




Từ những nghi ngờ về chiêu trò độc quyền


Tôi được huấn luyện để làm công tác suy đoán, xử lý thông tin. Từ khi học Đạo Phật, tôi không làm việc đó nữa vì Phật đề nghị không đoán cái gì cả, không nói cái gì không biết. Nhưng tình thế này buộc tôi phải đưa ra một số suy luận.


1. Cứ vài năm, Bộ giáo dục lại cải cách giáo dục một lần. Một lần như thế lại thay sách mới, mà in mới chi phí cao hơn in thêm sách cũ nhiều. Xã hội thêm một lần tốn kém, nhưng những “người trong cuộc” thêm một cơ hội bỏ túi bộn tiền. Cụ Đại nói thẳng ra rồi đấy: làm là để chia tiền.


2. Như vậy cơ chế của ta là cho phép một số trường tự chọn chương trình, trong đó có chương trình CNGD. Theo những thông tin tôi nắm được trên đây, trong cơ cấu quản lý của ngành, thì các trường công không có cơ hội để được chọn Công nghệ giáo dục (CNGD), chỉ còn nhóm trường dân lập.


3. Bắt đầu có thông tin Sở này Sở khác CẤM không được áp dụng hay chọn CNGD. Như vậy đã bằng con đường MỆNH LỆNH HÀNH CHÍNH, không được phép chọn, nghĩa là các trường dân lập cũng được bị cấm. Xin chú ý: thông tin đều là “các địa phương” tức là các SỞ GIÁO DỤC cấm nhé, và đối tượng bị cấm là các trường.






4. Gần đây xuất hiện nhiều trang web, nhiều fanpage trên mạng xã hội hoạt động theo kiểu thực hư, hư thực… tin thật có, tin đáng ngờ cũng không thiếu và mấy hôm nay tập trung đưa thông tin “đánh” CNGD và cá nhân GS Đại. Thậm chí là còn có cả những video “ông bố tức giận chửi tục, xé sách…” lan truyền. Thử hỏi có ông nào DỰ MƯU tức giận, chuẩn bị cả máy quay phim, smartphone và thực hiện kịch bản “tức giận, chửi bới” để tung lên mạng không? Có thể nói cùng với CẤM bằng mệnh lệnh hành chính, truyền thông BẨN đã tạo thành hai mũi giáp công hoàn hảo cho chiến dịch.


Như vậy chúng ta thấy mạch logic đơn giản, là CNGD nếu càng ngày càng chứng tỏ được tính tiến bộ của mình, được nhiều nơi lựa chọn, thì chắc chắn phải có ai đó bị nhỏ miếng bánh đi, và người ta không để yên, phải có biện pháp để phản công. Vậy ai đang bị phá thế độc quyền, đụng vào nồi cơm, xin để bạn đọc tự đoán.


Tiếc là vẫn có những ý kiến đánh đồng CNGD vào cái nhóm như người ta gọi là “hút máu, ăn thịt” phụ huynh bằng độc quyền sách giáo khoa kia. Thiết nghĩ, với bài viết này, bạn đọc có thể cho phép tôi đóng chủ đề này lại được rồi.


Đến âm mưu của một ngành kinh doanh nghìn tỷ


Bài viết của Hiếu Orion – một người đang làm nghề truyền thông rất nổi tiếng. Anh khẳng định có chiến dịch chơi xấu phía sau:


Một thằng làm truyền thông như tôi mà vẫn bị cuốn theo cơn lốc đánh đấm này thì không thể trách bà con “cư dân mạng” được. Vì vậy tôi mới phải viết 1 post này…

Ngay sau bài post mỉa mai cách GD của Thầy Hồ Ngọc Đại, tôi nhận được nhiều phản hồi. Và điều đầu tiên khiến tôi ngạc nhiên, ấy là những người Văn minh, thành đạt, hiểu biết… trong danh sách bạn bè tôi đa phần là bênh Thầy HNĐ, với những lý lẽ nghiêm túc, thuyết phục, với trải nghiệm thật (con cái học tại đó)… Và nhiều người giải thích một cách đầy kiên nhẫn và mang tính xây dựng. (Tôi tin họ vì tôi biết những người này không đủ tiền để mua họ bênh vực phe phái nào cả, mà họ làm vì TÂM… )


– Trong khi luồng ngược lại lại rất cảm tính, phần lớn share một số ảnh chế, nói tới vài điểm sai sót nhỏ trong sách, nhầm lẫn đâu là Âm, đâu là CHỮ – và quan trọng nhất là bắt đầu đánh vào CÁ NHÂN.






Với kinh nghiệm của tôi làm truyền thông, khi ai đó tấn công yếu tố cá nhân: đó là khi họ KHÔNG CÒN LÝ LẼ …

Tìm hiểu tiếp, thì thấy kinh khủng vì việc này nó liên quan tới việc KINH DOANH, động tới lợi ích nhóm…
Mà lợi ích từ mấy cuốn sách tưởng nhỏ, nhưng nó tới hàng NGÀN TỶ.


Cộng đồng chúng ta đã trở thành CÔNG CỤ cho nhiều lợi ích nhóm: ví dụ vụ Vaccine , vụ Cúm Gà… cũng bị đẩy lên với Mục Tiêu lợi ích nào đó…


Hãy nhớ: Với Trend của cộng đồng, nếu nó vượt quá 5 ngày, thì hãy tin tôi đi: nó đang bị “Ai Đó” cố tình đẩy lên với một “mục đích nào đó”

Việc này nếu ai không tin, cứ tranh luận ở dưới comment.


Nhưng trước khi tranh luận tôi khuyên các bạn 3 điều:


1. Muốn thực sự có được thông tin sáng suốt, hãy bỏ ngay tư duy Thù Hằn CÁ NHÂN, vì khi bạn bước vào cuộc tranh luận với một tâm thế “hằn học” thì mọi thứ sẽ không rõ ràng mạch lạc được (và nó là chiêu của bọn phe phái: khiến bạn sôi sục lên và khi đó TÂM không còn TĨNH để tiếp nhận phân tích trái chiều)


2. Hãy ĐỌC và HIỂU > Những phản hồi trái chiều, bạn hãy cố gắng tìm hiểu cặn kẽ, nếu thực sự không hiểu thì xoá lời chửi, nhất là những công kích cá nhân hèn hạ !


3. Hãy Nhận đừng NGƯỢNG : Bạn phải xác định rằng nếu sai thì phải nhận: đó là nhược điểm của người Việt: tự ái và tự trọng cao vút, khi biết sai thì thường ngượng mà cố tìm lý lẽ (kể cả cùn) để bảo vệ cái TÔI của mình.

“Theo tôi dự đoán là sau khi hàng loạt dự án cải cách Giáo Dục bị chỉ trích, nhất là VNEN bị thất bại thảm hại, nhóm lợi ích trên Bộ Giáo dục và Đào tạo khó thuyết phục Quốc hội và công luận về việc tiếp tục chi tiền các dự án cải cách mới, cho nên đã quay về sách công nghệ giáo dục của ông Đại. Được tiếng không cải cách chồng lên cải cách nữa nhưng thay sách và buôn bán sách còn lời hơn, dễ ăn hơn dự án. Đó là lý do sách Công nghệ giáo dục của ông Đại từ bên lề lại được nhảy vào trung tâm chính thống.


Và cũng trả lời luôn vì sao sách này vừa được xuất bản lại vừa bị đánh. Là bởi nhóm lợi ích mới lên muốn nhận cơ hội xuất bản nhanh để ăn tiếp cú chót của nhiệm kỳ trước để lại, vừa muốn mượn dư luận húc sừng vào ông Đại để xổ toẹt sách ông Đại, chuẩn bị cho sách cải cách căn bản và toàn diện mới đang chuẩn bị ra lò.”


“Công nghệ giáo dục đào tạo những người tư duy táo bạo”


Quyết chí đi tìm hiểu xem cái “Công nghệ giáo dục” hiện đang bị đánh tả tơi nó ra sao, tôi đi tìm mua sách. Đến hiệu sách giáo dục là “ổ sách giáo khoa” 45B Lý Thường Kiệt, hóa ra là không có. “Mấy anh đến hỏi mua rồi đấy anh ạ. Sách này phải do các trường quyết định dạy, và đặt mua mới có. Bọn em bán sách theo quy định của Bộ.”


Thử gọi điện cho hai mụ bạn từ hồi phổ thông, một bây giờ là hiệu trưởng một trường tiểu học điểm của Hà Nội, một là hiệu phó. Cả hai đều chưa được cầm sách trên tay. “Vậy thì liệu Sở có triển khai không?” “Triển khai sao được, muốn triển khai phải hỏi ý kiến các trường chứ.” “Thế chương trình này dạy ở đâu?” “Tùy trường quyết định, thường khối dân lập tự lựa chọn, còn các trường như trường tao thì không, do Sở quyết định và phải hỏi ý kiến.”


Vậy đó, với các trường dân lập thì trường tự chọn, còn trường công lập thì Sở quyết định – theo hệ thống hành chính Nhà nước.


Những “lỗi” trong sách có đúng như trên mạng và báo chí không? Đúng hết và có hết. Cô giáo của con tôi trao đổi:


“Không phải bây giờ mới lôi ra, mà người ta đã viết nhiều về những cái gọi là “lỗi” đó rồi.”


“Vậy thì, có thông tin, chủ yếu nói không chính thức trên mạng xã hội, kiểu lập lờ rằng “những người soạn sách thường để dăm bảy lỗi, sang năm chỉnh lý bổ sung hòng kiếm tiền tiếp…” liệu có đúng trong trường hợp này? Ý tôi là, những người soạn sách cho chương trình CNGD tại sao để rất lâu và không sửa?” – Tôi hỏi.


“Vì theo quan điểm của những người thiết kế chương trình, đó không phải là “lỗi.” Như ví dụ “con rơi” có hình vẽ con dơi (thú có cánh màng để bay, bắt muỗi ăn, nói thế cho rõ khỏi cãi nhau) hoàn toàn không phải lỗi chính tả, mà nhằm để các con nắm được một vấn đề là rất nhiều người Việt nói “con dơi” cho cả trường hợp cái con biết bay và bắt muỗi lẫn trường hợp đứa con bị đẻ rơi. Tất nhiên giáo viên cũng sẽ phải giải thích là vẫn có người nói uốn lưỡi cho trường hợp “con rơi”…”


Những con rơi ấy, mà phát âm như con dơi biết bay, không có nghĩa là bố mẹ nói sai, mà là do đặc điểm vùng miền phát âm. Dạy như thế này có lợi là cả những vùng miền phát âm uốn lưỡi đúng cũng sẽ biết được có những vùng phát âm khác. Thực tế là không cháu nào viết sai cả, và đều nắm rất nhanh. Cơ sở của nó cũng còn là sự tôn trọng cách phát âm của vùng miền nữa, không bắt buộc phải uốn lưỡi cho đúng…”


“À đúng rồi, tôi nhớ theo cách học trước đây, mỗi khi được yêu cầu đọc diễn cảm hoặc đúng chính tả, chúng tôi thường bắt buộc phải uốn lưỡi mỗi khi có chữ R chẳng hạn, và không uốn được bị coi là một lỗi…” Tôi nhớ lại.


“Vâng đúng thế anh, cách học này không yêu cầu các con phải đọc đúng, như thường hiểu là “đúng chính tả” mà tôn trọng cách phát âm vùng miền. Ngược lại do các con phân biệt được, thì lại có khả năng phát âm rất tốt dù không bị yêu cầu, do đó các con uốn lưỡi rất tốt khi học ngoại ngữ.”


Điều này đã được kiểm chứng trên thằng con nhà tôi. Bình thường nói nói “dơi” cho “rơi vãi” nhưng nếu cần phát âm “reading” thì uốn lưỡi như đúng rồi, và viết thì hầu như không sai chính tả.


“Bây giờ chúng ta sang ví dụ bài “Quả bứa”…” tôi tìm cách chuyển cảnh.


“Vâng, bài đó anh có thể thấy đấy, qua bao năm vẫn được dạy theo chương trình này…”


“Vậy tại sao trước những chỉ trích của dư luận, mà bài này vẫn không được thay thế? Tôi nghe những chỉ trích rất nặng nề, nhất là về phương diện đạo đức xung quanh bài học này…”


“Mục đích của bài này được thiết kế đầu tiên là tính đặc trưng của cách nói vùng miền, cách phát âm, chúng ta nói qua rồi không nói nữa. Mục đích thứ hai là việc “chân không hóa” về nghĩa. Giáo viên phải được tập huấn cách dạy riêng để không hướng dẫn các con sa vào nghĩa của bài, dẫn đến có những cảm xúc chưa cần thiết, chỉ tập trung vào phát âm và từ ngữ. Tất nhiên anh có thấy các con, có con nào có những biểu hiện vô đạo đức không?”


“Tôi phải thừa nhận rằng, với chúng ta bao năm học truyện Tấm Cám, mà người hư vẫn hư, người ngoan vẫn ngoan, mấy ai xả thịt em cùng cha khác mẹ ra làm mắm đâu.”


Đến đây tôi phải thêm đoạn bình luận của mình, sau khi trao đổi thêm với cô giáo một vài câu nữa. Đúng là mục đích “chân không hóa” nghĩa của bài, tôi chưa nghe bao giờ thật, nhưng nó là có trong chương trình CNGD. Còn về khía cạnh “đạo đức” thì rõ ràng cho đến nay, những “nhà đạo đức Facebook” đang ầm ầm chửi GS Hồ Ngọc Đại cùng CNGD của cụ, còn dùng những từ ngữ vô đạo đức đến khó tưởng tượng được.


Thực tế là trường của con tôi học bây giờ vẫn là một trong những trường chất lượng cao, và đúng là đáng mơ ước. Tôi cũng không thấy có trường hợp nào hư một cách đáng tiếc vào tù ra tội, mà phần lớn là nằm vào các trường công cả. Tất nhiên với tiêu chuẩn của tôi thì thực sự cho rằng “ngoan” còn có nhiều yếu tố, mà chủ yếu là từ ảnh hưởng của gia đình, nên không thể đánh giá được cả hệ thống giáo dục của nhà trường.


Xin nhắc lại, đây là một phương pháp giáo dục, chứ không chỉ là vài quyển sách, phải hiểu được cái tổng thể và cả những tư tưởng giáo dục của các tác giả của nó muốn gửi gắm. Ngay trong bài “Quả bứa,” vì tôi vốn là người cầu toàn trong quan điểm giáo dục vẫn muốn người ta thay nó bằng một bài nào khác đỡ gây tranh cãi hơn, nhưng phải thừa nhận một điều rằng: nếu thực sự các thày cô giáo đạt được cái mong muốn, là để các con biết cách không “chấp” vào nội dung của bài, mà tư duy theo hướng mở, thì đó là một cách mạng lớn trong giáo dục.


“Thực tế là do phương pháp này, em chưa nói là tiến bộ nhưng các con rất biết suy nghĩ độc lập, và bài quả bứa sẽ thành công khi: Một là, lúc học các con không quan tâm đến nghĩa của nó, và Hai là, sau này chính chúng lại quay lại với nó và đặt những câu hỏi liên quan đến nó, rằng sẽ phải hành xử như thế nào ở trường hợp tương tự? Chẳng hạn sẽ đặt câu hỏi nếu mình là một trong những nhân vật như trong bài, nên hành xử như thế nào; hoặc ở một tiêu chí nào đó, một tiêu chuẩn của một xã hội khác, nếu người phân xử không phải là ông anh, mà là người ngoài thì có thực sự cần phải tính công phân xử hay không? Tất cả đều phải được các con đặt vấn đề, đặt câu hỏi…”


“Hôm trước tôi cũng đã từng đặt vấn đề từ góc độ rằng nhỡ theo tiêu chuẩn của một xã hội khác, người ta cho rằng người phân xử cũng cần có phần, mới là công bằng thì sao? Và bản thân những vấn đề khác nữa, như có được hái quả hay không, khi nào được hái, khi nào không…?”


“Vâng đúng rồi, với cách dạy tôn trọng ý kiến các con này, thì các con được khuyến khích đặt câu hỏi về tất cả các khía cạnh của vấn đề chứ không đóng khung cái gì đúng, cái gì sai…”


Đến đây tôi ngơ ngẩn cả người. Nếu được như vậy thì tốt quá, bao năm nay chúng ta rên lên vì nền giáo dục giáo điều, thế mà nay được đặt vấn đề từ một góc độ khác như thế này thì quá tiến bộ.


“Phải là người trong cuộc mới hiểu được anh ạ. Ngay cả bây giờ báo chí nói ầm ầm lên, thậm chí lấy cả ý kiến của giáo viên một số nơi thí điểm áp dụng đấy, nhưng cô giáo đó chưa hiểu cặn kẽ vấn đề thì cũng có thể có ý kiến không tích cực được.” Cô giáo nói nốt và câu chuyện tạm dừng.


Nói thêm: nếu bây giờ được lựa chọn, tôi sẽ lại cho con học ở trường nào có mô hình thực nghiệm, hay Công nghệ giáo dục. Con tôi sau khi học ở đó hai năm, dù gốc cháu khá chậm nhưng cháu đã có những tư duy rất độc lập và táo bạo. Tất nhiên điều này phù hợp với những người có tư tưởng như tôi, không phù hợp với những người có tư tưởng muốn duy trì truyền thống.

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

TUYÊN NGÔN CON NGƯỜI TỰ DO





Simon Soloveychik (1930 - 1996)
Nhà giáo dục và nhà triết học xã hội Nga


*

Giá trị tối cao

Hệ tư tưởng trước đây đã lùi xa không phải theo ý chí của những người ác ý như đôi khi người ta nghĩ và nói, mà do cơ sở của nó là một ước mơ tốt đẹp nhưng không thể thực hiện được. Trên thực tế ít người tin vào nó nên công cuộc giáo dục luôn luôn là không hiệu quả.
Lối tuyên truyền chính thống mà nhà trường thực hiện hết sức không phù hợp với cuộc sống thực tế. Bây giờ chúng ta đang quay lại thế giới thực. Và đây là điều chủ yếu ở nó: nó không phải là thế giới xô viết, nó không phải là thế giới tư sản, nó là thế giới hiện thực, thực tế - thế giới mà mọi người đang sống. Sống tốt hay xấu nhưng là mọi người đang sống. Mỗi dân tộc có lịch sử của mình, tính cách dân tộc của mình, ngôn ngữ của mình và những mong ước của mình – mỗi dân tộc có cái riêng, cái đặc biệt. Nhưng nhìn chung thế giới là thống nhất, là hiện thực. Và thế giới hiện thực này có những giá trị của mình, những mục đích cao cả của mình cho mỗi con người. Và có một giá trị tối cao mà xoay quanh nó xây nên tất cả các mục đích và giá trị khác.
Đối với người thầy, đối với nhà giáo dục, đối với nền giáo dục điều hết sức quan trọng là phải hiểu được giá trị tối cao đó nằm ở đâu.
Theo ý chúng tôi, giá trị tối cao đó chính là cái mà mọi người đã mơ ước và tranh cãi suốt hàng nghìn năm, cái khó lĩnh hội nhất đối với tâm trí con người – tự do.
Người ta hỏi: bây giờ giáo dục ai?
Chúng tôi trả lời: giáo dục con người tự do.

*
Con người tự do là gì?

Để trả lời câu hỏi này hàng trăm cuốn sách đã được viết ra và điều đó là dễ hiểu: tự do là một khái niệm có tính vô tận. Nó thuộc về những khái niệm cao cả của con người và vì thế về nguyên tắc không thể có một định nghĩa chính xác. Cái vô tận không thể nói được bằng lời. Nó cao hơn lời.
Chừng nào con người còn sống thì họ sẽ vẫn luôn tìm cách hiểu tự do là gì và khát khao vươn tới nó.
Không đâu trên thế giới có sự tự do đầy đủ về mặt xã hội, sự tự do về mặt kinh tế đối với mỗi con người cũng không có và xét chung thì cũng không thể có; nhưng con người tự do thì lại có nhiều. Tại sao vậy?
Trong từ “tự do” có hai khái niệm rất khác biệt nhau. Thực chất đây là nói về những điều hoàn toàn khác nhau.
Các nhà triết học khi phân tích cái từ khó này đã rút ra kết luận là có “tự do thoát” – sự tự do thoát khỏi mọi sự áp bức và cưỡng ép từ bên ngoài – và có “tự do vì” – sự tự do bên trong của con người vì sự tự hiện thực hóa của hắn.
Tự do bên ngoài, như đã nói, không phải là tuyệt đối. Nhưng tự do bên trong thì có thể là vô hạn, ngay cả trong hoàn cảnh cuộc sống khó khăn nhất. Ngành sư phạm từ lâu đã thảo luận chuyện giáo dục tự do. Các giáo viên theo khuynh hướng này mong muốn đem lại cho đứa trẻ sự tự do bên ngoài ở trường học. Chúng tôi nói về một điều khác: về sự tự do bên trong mà con người có thể đạt được trong tất cả các hoàn cảnh, chứ không cần phải tạo ra những trường học đặc biệt.
Tự do bên trong không bị phụ thuộc khắt khe vào tự do bên ngoài. Trong một quốc gia tự do nhất vẫn có thể có những người lệ thuộc, không được tự do. Trong những quốc gia mất tự do nhất, nơi tất cả đều bị áp bức cách này hay cách khác, vẫn có thể có những người tự do. Như vậy giáo dục những con người tự do không bao giờ là sớm và không bao giờ là muộn. Chúng ta cần phải giáo dục những con người tự do không phải vì xã hội chúng ta đã có tự do – đó là vấn đề còn phải tranh luận, - mà vì sự tự do bên trong cần thiết cho chính nhà giáo dục của chúng ta, dù hắn sống trong xã hội nào đi nữa.
Con người tự do – đó là con người có tự do từ bên trong. Cũng như tất cả mọi người, về bên ngoài hắn phụ thuộc vào xã hội. Nhưng về bên trong hắn độc lập. Xã hội có thể được tự do về bên ngoài – thoát khỏi áp bức, nhưng nó có thể trở thành xã hội tự do chỉ khi số đông mọi người có được sự tự do bên trong.
Đây là điều theo ý chúng tôi cần phải là mục đích của giáo dục: sự tự do bên trong của con người. Khi giáo dục những con người có tự do bên trong chúng ta mang lại lợi ích to lớn nhất cho chính các nhà giáo dục, cho đất nước đang vươn tới tự do. Điều này không có gì mới cả: hãy nhớ tới những nhà giáo xuất sắc, những người thầy ưu tú của mình – tất cả họ đều cố gắng giáo dục con người tự do, chính vì thế họ mới được nhớ đến.
Thế giới được duy trì và phát triển là nhờ những con người tự do bên trong.

*
Tự do bên trong là gì?

Tự do bên trong cũng trái nghịch như tự do nói chung. Con người có tự do bên trong, cá nhân tự do, là tự do ở cái gì đó và không tự do ở cái gì đó.
Con người tự do bên trong được tự do thoát khỏi cái gì? Trước hết là thoát khỏi nỗi sợ trước con người và cuộc sống. Thoát khỏi dư luận chia rẽ chung. Hắn độc lập với đám đông. Được tự do thoát khỏi những khuôn mẫu tư duy – có khả năng đưa ra cái nhìn cá nhân của mình. Được tự do thoát khỏi những thiên kiến. Được tự do thoát khỏi sự ganh tị, vị lợi, thoát khỏi những ý muốn áp chế của bản thân.
Có thể nói thế này: trong hắn cái mang tính người được tự do. Con người tự do dễ nhận ra: hắn đơn giản là sống, suy nghĩ theo cách của mình, hắn không bao giờ tỏ ra quỵ lụy, xấc xược. Hắn quý trọng tự do của mỗi người. Hắn không phách lối bằng tự do của mình, không tìm cách đạt được tự do bằng mọi giá, không tranh đoạt tự do cá nhân của mình – hắn luôn có nó. Nó được đem cho hắn sở hữu vĩnh viễn. Hắn không sống vì tự do mà sống một cách tự do. Đó là con người dễ chịu, sống với hắn dễ chịu, hắn có hơi thở tràn đầy sự sống.
Mỗi chúng ta đều đã gặp những con người tự do. Luôn yêu mến họ. Nhưng có một cái mà con người tự do thực sự không tự do thoát khỏi được. Đây là điều rất cần phải hiểu. Con người tự do không được tự do thoát khỏi cái gì? Lương tâm.

*
Lương tâm là gì?

Nếu không hiểu lương tâm là gì thì cũng không hiểu con người tự do bên trong. Tự do không có lương tâm là thứ tự do giả dối, đó là một trong những sự lệ thuộc trầm trọng nhất. Dường như có tự do, nhưng không có lương tâm, thì sẽ là nô lệ cho những tham vọng xấu xa của mình, nô lệ của những hoàn cảnh sống, và hắn sẽ dùng sự tự do bên ngoài của mình vào cái ác. Có thể gọi con người như thế là gì cũng được, nhưng nhất quyết không phải là con người tự do. Tự do trong nhận thức chung được xem là điều thiện.
Hãy chú ý đến một sự khác biệt quan trọng: ở đây không nói – không được tự do thoát khỏi lương tâm mình, như người ta thường nói. Bởi vì lương tâm không phải chỉ của mình, mà còn của chung. Lương tâm là cái chung có ở mỗi người. Lương tâm là cái thống nhất mọi người.
Lương tâm – đó là sự thật sống giữa mọi người và trong mỗi người. Nó là một cho tất cả, chúng ta tiếp nhận nó với ngôn ngữ, với giáo dục, trong sự giao tiếp với nhau. Không cần phải hỏi sự thật là gì, nó cũng không thể nói được bằng lời như tự do vậy. Nhưng chúng ta nhận biết nó qua sự công tâm mà mỗi người đều trải nghiệm khi cuộc sống diễn ra theo sự thật. Và mỗi người sẽ đau khổ khi sự công tâm bị phá hủy, khi sự thật bị chà đạp. Lương tâm, cái cảm giác ở bên trong nhưng đồng thời lại có tính xã hội, nói cho ta biết đâu là sự thật và đâu là không phải sự thật. Lương tâm buộc con người phải nắm giữ sự thật, tức là sống với sự thật, theo sự công tâm. Con người tự do nghiêm chỉnh lắng nghe lương tâm – và chỉ lương tâm mà thôi. Người thầy theo đuổi mục đích giáo dục con người tự do thì phải ủng hộ sự công tâm. Đó là cái chính trong giáo dục. Không có chân không nào hết. Không cần đến mệnh lệnh giáo dục nào của nhà nước hết. Mục đích giáo dục ở mọi thời đều như nhau – đó là sự tự do bên trong của con người, tự do vì sự thật.

*
Đứa trẻ tự do

Việc giáo dục con người tự do bắt đầu từ nhỏ. Tự do bên trong là món quà tự nhiên ban tặng, đó là một thứ tài năng đặc biệt có thể bị dập vùi cũng như mọi tài năng khác, nhưng cũng có thể được phát triển. Tài năng này có ở mỗi người với mức độ khác nhau giống như mỗi người đều có lương tâm – nhưng con người hoặc là biết lắng nghe nó, gắng sống hòa điệu với lương tâm, hoặc là nó bị các hoàn cảnh cuộc sống và sự giáo dục làm tắt lặng.
Mục đích – giáo dục con người tự do – quy định tất cả các hình thức, phương pháp, cách thức giao tiếp với trẻ. Nếu đứa trẻ không biết đến sự áp bức và học được cách sống theo lương tâm thì tất cả các kỹ năng sống, kỹ năng xã hội từng được nói đến rất nhiều trong các lý thuyết giáo dục truyền thống sẽ tự đến với nó. Theo ý chúng tôi, giáo dục chỉ là ở chỗ phát triển sự tự do bên trong, cái mà không có chúng ta thì cũng đã có ở đứa trẻ, để duy trì và bảo vệ sự tự do đó. Nhưng bọn trẻ thường là nghịch ngợm, hiếu động, thất thường. Nhiều người lớn, các bậc cha mẹ và thầy cô cảm thấy để trẻ tự do là nguy hiểm. Đây là ranh giới của hai phương thức giáo dục khác nhau.
Người muốn phát triển đứa trẻ tự do sẽ chấp nhận nó như nó là – yêu nó bằng tình yêu giải phóng, đem lại tự do. Họ tin vào đứa trẻ, niềm tin này giúp họ nhẫn nại.
Người không nghĩ đến tự do thì sẽ sợ điều đó, không tin vào đứa trẻ, họ tất yếu sẽ áp chế tinh thần của nó và do đó giết chết và bóp nghẹt lương tâm nó. Tình yêu đối với đứa trẻ sẽ trở thành sự áp chế. Một nền giáo dục phi tự do như thế sẽ đưa lại cho xã hội những con người què quặt. Không có tự do thì tất cả các mục đích, ngay cả nếu chúng có vẻ như cao cả, đều trở thành giả dối và nguy hiểm đối với trẻ em.

*
Người thầy tự do

Để phát triển con người tự do, đứa trẻ ngay từ nhỏ đã phải được ở bên cạnh những người tự do, trước hết là bên cạnh người thầy tự do. Vì sự tự do bên trong không phụ thuộc thẳng vào xã hội, nên chỉ người thầy mới có thể tác động mạnh mẽ đến tài năng tự do ẩn trong mỗi đứa trẻ, như đã từng có với các tài năng thể thao, âm nhạc, nghệ thuật.
Việc giáo dục con người tự do vừa sức mỗi chúng ta, mỗi người thầy riêng lẻ. Đấy là trường chiến đấu, nơi một người là chiến binh, nơi một người có thể làm tất cả. Bởi vì trẻ em được hướng đến những con người tự do, tin tưởng họ, thán phục họ, biết ơn họ. Dù ở nhà trường có chuyện gì đi nữa, người thầy vẫn có thể là người chiến thắng. Người thầy tự do chấp nhận đứa trẻ ngang hàng mình. Và từ đó ông/bà ta tạo ra quanh mình một bầu khí quyển mà chỉ trong đó con người tự do mới có thể phát triển.
Có thể, ông/bà ta đưa cho đứa trẻ một ngụm tự do – và thế là cứu vớt nó, dạy cho nó biết quý tự do, chỉ ra rằng có thể sống làm người tự do được.

*
Trường học tự do

Người thầy đặt bước đi đầu tiên vào việc giáo dục con người tự do, bộc lộ tài năng tự do của mình sẽ được dễ dàng hơn rất nhiều nếu ông/bà ta làm việc trong một nhà trường tự do.
Nhà trường tự do là nơi có những đứa trẻ tự do và những người thầy tự do.
Không có nhiều những trường học như thế trên thế giới, nhưng dù sao vẫn có, thế nghĩa là lý tưởng này đã thành hiện thực. Cái quan trọng ở nhà trường tự do không phải là để cho trẻ muốn làm gì thì làm, thoát khỏi kỷ luật, mà là tinh thần tự do học tập, sự tự lập, sự kính trọng người thầy. Trên thế giới có nhiều những ngôi trường rất tinh tuyển với những nề nếp truyền thống đã đào tạo nên những con người giá trị nhất. Bởi vì ở đó những con người tự do, tài năng, những người thầy trung thực miệt mài với công việc của mình – và vì ở đó tinh thần công tâm được đề cao. Nhưng trong những ngôi trường uy tín đó không phải tất cả mọi đứa trẻ đều lớn lên thành người tự do. Ở những trẻ yếu đuối tài năng tự do bị bóp nghẹt, nhà trường đã bẻ gãy chúng.
Trường học tự do thực sự là nơi bọn trẻ đến trường với niềm vui. Chính ở ngôi trường như thế bọn trẻ mới tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Chúng học được cách suy nghĩ tự do, cư xử tự do, sống tự do và biết quý tự do – của mình và của mỗi người.

*
Con đường giáo dục những người tự do

Tự do vừa là mục đích vừa là con đường.
Đối với người thầy điều quan trọng là bước lên con đường này và đi theo nó, không nghiêng ngả. Con đường đến tự do rất khó nhọc, không tránh khỏi vấp ngã, nhưng ta hãy cứ bám theo mục đích.
Câu hỏi đầu tiên của người giáo dục con người tự do là: liệu ta có áp chế bọn trẻ không? Nếu ta áp chế chúng một việc gì đấy thì là vì cái gì? Ta nghĩ là vì lợi ích của chúng, nhưng thế liệu ta có giết chết tài năng tự do của chúng không? Trước mặt ta là lớp học, ta cần duy trì một trật tự nhất định để giảng dạy, nhưng thế liệu ta có bẻ gãy đứa trẻ không, khi cứ cố bắt nó phụ thuộc vào kỷ luật chung?
Có thể không phải người thầy nào cũng tìm được câu trả lời cho từng câu hỏi, nhưng quan trọng là tất cả các câu hỏi phải được đặt ra cho mình.
Tự do sẽ chết nơi nỗi sợ xuất hiện. Con đường giáo dục những con người tự do khởi đi khi tránh thoát được mọi nỗi sợ hãi. Thầy không sợ trò, trò không sợ thầy – khi đó tự do sẽ tự đến trong lớp học.
Tự do thoát khỏi nỗi sợ là bước đi đầu tiên trên con đường đến tự do trong nhà trường.
Chỉ cần nói thêm rằng con người tự do bao giờ cũng đẹp đẽ. Giáo dục những con người kiêu hãnh, đẹp đẽ về tinh thần – há đấy chẳng phải là mơ ước của người thầy sao?

(Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga)