Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2018

Đức Phật đi đái!





Thuở nhỏ, câu hỏi đầu tiên của tôi về Phật là liệu khi Đức Phật uống nhiều nước thì ngài có đi đái hay không. Lớn lên, rồi cuộc sống rồi cơm áo rồi ân oán tình thù cứ xoay vần làm cản trở nhiều lần định tiếp cận Phật của tôi. Tôi chỉ muốn tiếp cận để tìm hiểu xem thực sự nếu ngài uống nhiều nước, thì ngài có đi đái hay không.


Mới đầu tiếp cận, thì bạn cũng quá hiểu, Phật là một sự khủng khiếp, quyền năng vô thượng. Đến Tôn Ngộ Không là anh hùng trong mắt bọn chúng tôi, mà Phật lật tay phát úp gọn. Một mảnh bùa gán lên là năm trăm năm người anh hùng chỉ có nằm ăn viên sắt và uống nước rỉ đồng mà sống qua ngày. Rồi thiên hạ triệu triệu người triều bái, cúng hàng trăm vạn lượng hoàng kim để cầu khẩn Ngài. Ngài là thần trên muôn thần, đến Ngọc Hoàng thượng đế bá đạo anh hùng như vậy mà vẫn dưới quyền ngài bảo kê.


Nói chung, tiếp cận ngài chỉ thấy dân gian mô tả quyền năng vô hạn lượng, và lòng từ bi cũng lượng vô hạn. Tôi không cách nào hỏi được thế thực sự ngài có đi đái hay không.


Rồi đến những ngày gần đây, khi bạn tôi, nhà khoa học Gấu Phệ cũng theo Phật, ngày ngày cúi lạy ngài, bề ngoài là xin giác ngộ nhưng tôi biết mong muốn thực sự của Gấu Phệ là giảm cân mà không phải ăn kiêng. Tôi lại càng muốn tiếp cận ngài để hỏi ngài có đi đái hay không.


Rồi kì duyên đến, đến kì lạ một cách khó tả, giúp tôi tìm được câu trả lời. Tất cả những gì nhân gian họ nói về Phật, kể cả những người tu hành, đa phần là sai lạc và ngụy tạo. Những gì Đức Phật để lại truyền dạy đã bị bóp méo, thậm chí bóp méo nhiều lần.


Thứ nhất, Phật không phải vị thần, cũng không phải thượng đế hay cũng chẳng phải giáo chủ gì hết. Phật là trạng thái tỉnh, còn chúng sinh hiện nay đang trong trạng thái mê. Phật là người đã giác ngộ. Giác là tỉnh, Ngộ là nhận ra. Còn chúng sinh là những người chưa tỉnh. Đức Phật là người tỉnh, truyền lại cách tỉnh lại cho nhân gian. Đơn giản vậy thôi. Tớ tỉnh rồi, tớ nhận ra và muốn giúp các bạn tỉnh. Không phải sáng lập phái, cũng không áp đặt. Loài người mới tiến bộ tới mức chấp nhận sự bình đẳng của mọi người từ màu da sắc tộc đến xuất thân.


Phật thì bá đạo hơn, Phật coi vạn vật bình đẳng, từ cỏ cây hoa lá chim muông bình đẳng như con người hết. Không phân biệt, thậm chí không phân biệt ta và ngoài ta luôn. Đức Phật là người, cái ngài tìm thấy gọi là Đạo.


Đạo vốn có hằng có và tự có như vậy. Ngài không sáng tạo ra, cũng chẳng chuyển rời, mà chỉ đơn giản là thấy. Cho nên không có chuyện Đức Phật di chuyển bốn biển hay hô mưa gọi gió. Ngài chả làm được cái gì, thậm chí còn không khỏe bằng tôi. Và Ngài cũng chẳng trừng phạt được ai, vì tội xếch mé hay nói xấu Ngài. Có tu sĩ Bà La Môn đến xúc xiểm, Ngài cũng chỉ dùng lời mà đáp, ông kia nghe thì nghe, không nghe thì không nghe. Ngài cũng chẳng có Như Lai Thần Chưởng đánh sấp mặt mấy thằng bật Ngài.


Đơn giản, Ngài chỉ là người, và người này đặc biệt là đã tỉnh ngộ. Đạo đơn giản là các quy luật tự nhiên mà Ngài thấy. Nghĩa là gì, ra mưa Ngài vẫn ướt. Gai đâm, Ngài vẫn đau. Và tôi tìm được câu trả lời, đó là uống nhiều nước Ngài vẫn đi đái, mà có khi đái như sứa luôn.


Tất cả những gì quyền năng và sự khủng khiếp nhân gian nói về Đức Phật là họ gán như vậy. Và tôi cũng biết luôn rằng, Ngài chẳng cho ai được cái gì. Làm gì có mà cho. Một xu dính túi cũng không. Những gì cầu khẩn từ một vị thần ban phát là người đời tự tưởng vậy. Họ kính, họ cầu, và họ tự nghĩ vậy.


Đức Phật tuy không cho đời một xu. Nhưng cái cho đời chính là một con đường. Nôm na, ông là bậc thầy và chỉ vẽ. Làm hay không là do thằng nghe, ông không liên quan, không cấp vốn, không gò ép, không chiêu dụ, không tiếp tay. Cái thấy và cái biết của Đức Phật không được ngài nói hết kể hết, vì theo ngài đó là vô nghĩa. Sau này, chúng sinh ngộ sẽ tự biết. Cái mà Đức Phật truyền duy nhất đó là: con đường diệt Khổ.


Đầu tiên, Ngài xác định đối tượng cần giải quyết. Đó là Khổ. Chiết nghĩa được từ này chắc cả vạn quyển không xong. Đơn giản, ta cứ gọi là Khổ đã. Tiếng Anh dịch là suffering (sự chịu đựng). Sau này, bạn sẽ hiểu Khổ không phải khổ đau ta hay dùng mà Khổ đơn giản là sự sai lệch giữa kì vọng và thực tế. Thực tế mưa, bạn muốn nắng, đó là khổ. Thực tế nóng, bạn muốn lạnh, đó là khổ. Khi nào, thực tế mưa bạn thấy vui, nắng cũng thấy vui, đi qua đống rác thấy thối, nhưng vẫn vui và chấp nhận rác thì phải thối, thì bạn là Phật.


Phật không dạy Cân Đẩu Vân, không dạy biến hình, không dạy thần thông. Ngồi thiền 49 ngày, rồi quyết định theo con đường Trung Đạo và soạn ra Tứ Diệu Đế cho đời. Xác định được Khổ, ngài viết là Khổ Đế. Tiếp theo, Ngài dạy nguyên nhân Khổ tức Tập Đế. Khi biết nguyên nhân Khổ, lại dạy diệt Khổ rồi thì sẽ như nào, tức là Diệt Đế. Diệt Đế nôm na là mục đích muốn tới, là mười quả bóng bowling đã thấy rõ. Cuối cùng, nắm rõ mục đích, Ngài mới dạy cách đi tới đích tức Đạo Đế, cách diệt Khổ. Và cách diệt Khổ có 8 cách tức Bát Chánh Đạo. Cực kì rõ ràng và khúc chiết. Không à uôm loằng ngoằng.


Đức Phật biết rất nhiều, nhưng không nói hết vì không liên quan. Phật chỉ truyền cho nhân gian bốn điều trên, tức Tứ Diệu Đế, bốn chân lý kỳ diệu. Chúng sinh nắm được bốn điều kì diệu trên là đạt con đường tiệm tu đắc quả A La Hán. Tuy chậm nhưng chắc chắn.


Tức là trước khi ngộ, chẻ củi gánh nước. Sau khi ngộ, cũng chẻ củi gánh nước. Không có biến hình, không có bay lượn, không có siêu giàu. Tất cả vẫn y nguyên chỉ là trước đây Vô Minh tức ngu, giờ sáng, biết và hiểu quy luật nó thế. Trước khi ngộ, sờ tay bị điện giật. Sau khi ngộ, sờ tay điện vẫn giật, chỉ là biết rồi nên không sờ nữa. Vũ trụ đất trời vẫn vận hành như trước, chỉ là kẻ ngộ rồi không còn khổ vì thấy nó bình thường, quy luật nó phải thế. Không còn ái li biệt khổ, cái khổ vì xa cách người mình yêu. Không còn oán tăng hội khổ, cái khổ vì gặp kẻ mình ghét. Không còn cầu bất đắc khổ, cái khổ vì cầu không được ước không thấy.


Tức là nếu Đức Phật uống nhiều nước, Ngài vẫn đi đái, nhưng Ngài hiểu điều đó.


Tất cả những gì nhân gian huyền hoặc về Phật về Pháp là bịa đặt. Thậm chí cản đường những người truy cầu chính đạo đến với Phật Pháp. Phật Pháp quá đơn giản, tới mức nói vài câu đã hết. Nhưng thế giới tự vẽ rắn thêm chân rết cười nắc nẻ, ra cả một mớ loạn xạ rườm rà, pháp khí rồi đạo môn. Cái chân lý thì không nắm, chỉ chạy theo thần thông với chả hư hoa. Đức Phật gọi chúng sinh là kẻ mê cũng đúng. Đưa thuốc giải cho mấy thằng mê thì chúng nó cũng chỉ gây mê thêm những thằng khác mà thôi.


Đức Phật nói rằng nếu yêu quý ngài, noi theo ngài thì cũng chỉ làm được người khôn, chứ không tự tu thì không thành được kẻ ngộ. Tất cả những hình tượng lập ra để thờ Phật là do đời sau yêu mến, suy tôn và tưởng nhớ nên lập ra, chứ Đức Phật không mong cái đó, cũng không tạo dựng cái đó. Tất cả đều bình đẳng, và phải tự ngộ, ta chỉ là người vẽ chút kinh nghiệm, các người thấy ta sai thì cứ bỏ mà tự tìm đúng, đừng lạy ta để xin ta.


Ngàn năm mặt trời vẫn thế là bản thể mặt trời. Nhưng nhận thức về mặt trời của con người luôn thay đổi, ngày càng sáng rõ hơn. Thay đổi mãi, đổi mãi để tiệm cận đến bản thể thực sự của mặt trời. Cho dù nhận ra rồi, thì mặt trời vẫn thế, chỉ là con người đó đỡ khổ vì ngu vì vọng tưởng mặt trời thôi. Chứ đừng mong dịch chuyển hay bắn rụng mặt trời.


Có nghĩa là gì? Nghĩa là nếu không làm thì không bao giờ có. Không làm thì Việt Nam không thành siêu cường được đâu, ngồi đó mà lạy Phật. Chỉ là nếu làm, thì hãy làm theo quy luật vận hành tự nhiên thì sẽ thành công. Nhắm mắt làm bừa làm ẩu thì chỉ có xuống hố. Vì khi Đức Phật uống nhiều nước, Ngài cũng phải đi đái mà thôi.


————


https://www.yeuchua.net/2018/03/uc-phat-i-ai.html

TRÁCH BA THUẬN





Sợ chi cô giáo bắt quỳ
chỉ là học chẳng giúp gì được thân
như ba con cũng mua bằng
a dua luồn lách con dần lên quan
đời con nhất định vững vàng
còn dân còn đảng con càng giàu sang
cớ chi ba lại la làng
buộc cô quỳ gối như hàng vua tôi


Làm ba như thế quá tồi
khiến con rồi cũng phải ngồi nhà giam

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Hồi ức của Trungsi1: Biên giới Tây Nam (II)




Những người dân thoát từ rừng ra cũng không dám trụ lại những phum bám quanh nhà ga Bâmnak vì nơi đây vẫn còn hoang vu và nằm trong vùng chiến sự. Một cái nhà ga hoang, như ga Rômeas, đúng nghĩa. Ban đêm, lợn rừng vào ủi tận những mảnh ruộng sát mép đường sắt.

Còn ban ngày, vịt trời và các loài chim nước tụ đàn trên những đầm nước ven đường. Cầu đường sắt bắc qua con suối Damrei (trung đoàn gọi là suối tiểu đoàn 4) chưa bị địch phá nhưng cầu đường bộ, vốn làm bằng những cây gỗ lớn, đã bị chúng nó đốt nham nhở. Trở lại cùng với mùa mưa là các hoạt động tăng cường của địch. Những hoạt động tuy nhỏ lẻ nhưng thường xuyên gây khó khăn cho chúng tôi.

Công tác hậu cần bị chậm trễ. Từ Bâmnak ra lộ 5 chỉ có hai con lộ đất. Lộ 28 chạy từ ga Kâmrenh (ga phía trên Bâmnak), qua kẹp núi Tuk S’ra, gặp lộ 5 tại Kra Ko. Lộ không tên, vốn là con đường bò lớn chạy từ ga Th’may, ga dưới ga Bâmnak ra thị trấn Ponley. Đi đường nào lộ trình cũng tương đương 30 km toàn rừng thưa và đồng hoang không một bóng người. Đường sắt chưa khôi phục hoạt động.

Tất cả trông chờ vào xe vận tải sư đoàn và trung đoàn. Mỗi lần chốt đường thông xe là mỗi lần đổ máu. Tuy ít nhưng cứ lai nhai kiểu “kê cân” rất khó chịu. Nước mưa xuống, rừng nhiệt đới sinh sôi phát triển mãnh liệt. Có những khoảng rừng thưa khẳng khiu khi đơn vị đi qua mới non một tháng. Khi trở lại vòm lá đã trở nên thẫm tối. Những con đường bò mùa khô đầy bụi. Bây giờ cỏ dại đan ken che lấp hai vệt bánh, phải khó khăn lắm mới nhận ra.
Còn trên những bình độ dốc, nước mưa chảy ào ào trên đường bò, xói đi đất đá. Lúc đó con đường bỗng trở thành con suối một mùa. Mùa mưa đến cũng có nghĩa mùa sốt rét bắt đầu tác quái. Đơn vị bắt đầu có những thằng sốt nằm li bì. Quân số tác chiến bắt đầu giảm đi. Riêng trung đội thông tin chưa bị dính ca nào. Y tá tiểu đoàn và các đại đội bắt đầu phát thuốc Nivaquin, bắt phải uống trước mặt vì sợ chúng nó vứt thuốc đi.

Không hiểu sao hồi ấy lại có tin đồn là uống thuốc này (lính gọi là viên phòng 3) thì sẽ chẳng thể có con được. Buổi sáng hoặc buổi trưa những ngày nghỉ truy quét, chúng tôi thường ngủ lu bù trên võng. Anh Nhương phải đến lùa từng thằng dậy, bắt vận động đi lại cho nó tỉnh người. Ngủ nhiều rất dễ bị sốt rét.

Nhưng mà địch thì không bị sốt rét (đó là do tôi nghĩ thế) vì nó bâu bám đơn vị rất sát. Tại bình độ 100 trong kẹp núi Pean Sas, khi đại đội 1 rời đi lùng sục, địch mò hẳn vào chỗ đóng quân lúc sáng. Có một cái chum sứt lớn, lính đại đội 1 thái măng ngâm chua với ớt rừng để ăn dần. Bọn nó vớt hết sạch măng, sau đó cũng đập tan cái chum, hệt như cách chúng tôi cư xử với những chum muối của chúng nó.

Vừa tức vừa buồn cười! Quân số hao hụt trong chiến đấu, nay càng hao hụt thêm vì sốt rét. Đại đội 1 mà tôi đi máy lúc này chỉ còn khoảng gần 30 người, kể cả thông tin đi phối thuộc. Có những trung đội chỉ còn 6 tay súng. Đại đội lại phải san bớt người ở các trung đội khác sang. Ban đêm, mỗi B gác 2 vọng từ chập tối. Chỉ huy sở và cối 60 cũng phải gác, trừ cán bộ đại đội.

Nhưng thấy anh em vất vả quá, các anh ấy cũng chia phần thức đêm với lính. Đi truy quét, chúi rừng rậm ngủ thì ù xoẹ gác thế nào cũng xong. Còn dừng chân tại các phum cũ, các giao lộ đường bò, không thằng nào dám bỏ gác. Có buổi sáng thức dậy, đang lào xào thu võng thì chúng nó bắn rát vào đơn vị.

Đại đội chia cánh vận động lên thì địch đã chạy. Tại chỗ địch bắn vào đội hình lúc nãy đếm được 12 cái cọc phụ mắc võng. Đêm hôm qua, đã có 6 thằng địch ngủ cạnh đại đội 1, cách có 40m, cứ như một B phối thuộc vậy. Anh Chính “tréc” thè lưỡi trợn mắt, hất hàm dọa bọn tôi :”Thấy chưa?!”. Một đêm, đúng ca gác của tôi, gần hết ca tự nhiên đau bụng quá. Tôi lần về võng, lục ba lô lấy vội mấy cái phong bì thư. Để làm gì chắc các bạn đã biết. Bên phải là B2 , bên trái là B3.

Lò mò sang hai hướng ấy chúng nó tưởng địch quất cho bỏ mẹ! Thế là tôi cứ thẳng hướng gác của mình tiến lên. Qua khỏi đội hình chừng 15m, nhớ lại chuyện ngủ chung với địch hôm trước. Tôi không dám mò lên nữa, ngồi luôn xuống làm công việc giải thoát đại tràng. Xong xuôi khoan khoái, rờ quanh thấy một nửa cái vỏ dừa tươi. Tôi vớ lấy, úp lên cái sản phẩm cuối cùng của bộ máy tiêu hoá.

Hết ca! Về bấu thằng Căn liên lạc dậy thay rồi chui vào võng. Nằm được một lát, chưa kịp ngủ lại thấy thằng Căn mò về bấu anh Chính “tréc” đại đội trưởng :” Anh ơi! Dậy! Địch ở rất gần!”. “Sao mày biết?”. “Có mùi phân tươi, anh ạ!”. Quả đúng là trong không khí cuối gió, mùi phân người thoang thoảng. Ông Chính dậy ngay, bảo thằng Căn luồn xuống các B báo động.

Tôi nằm im re, không dám nói gì! Đến sáng, đội hình thận trọng bung ra. Vẫn không thể phát hiện được cái mùi đặc biệt ấy từ đâu? Dòm ngó loanh quanh một lúc, thằng Dung cối quả quyết vung chân đá tung cái vỏ dừa. Nó vênh mặt nhìn quanh, đắc ý hệt Colombus tìm ra châu Mỹ. Bên trong cái vỏ dừa, kèm theo những thứ không tiện nói là cả một cái phong bì.

Hàng chữ nắn nót trên đó tố cáo ngay chủ nhân của nó : “ To Xuân Tùng – Hòm thư 4R……”. Vâng! Tôi tên là Tùng thưa các bạn! Phải giới thiệu tên mình trong cái hoàn cảnh đặc biệt như thế này quả là không tiện lắm! Nhưng nó cũng là sự thật, như tất cả những sự kiện tôi đã kể với các bạn trong trang viết này! Cho đến tận bây giờ gặp nhau, bọn tôi vẫn nhắc lại rồi không nhịn được cười.
Một số thông tin nói rằng Kh'mer Đỏ xây dựng một xã hội không trường học, sách báo, tiền tệ...
Trong khi đánh địch, tại Ph'nom Penh cũng như một số nơi khác, chúng tôi đã nhặt được rất nhiều tiền do Kh'mer Đỏ in hoặc nhờ in song chưa phát hành thì phải. Những hình vẽ trên đồng tiền thường phản ánh thực trạng hoặc định hướng xã hội của một chế độ. Các bạn hãy nhận xét định hướng xã hội của chế độ ấy qua hình ảnh những đồng tiền chưa bao giờ có cơ hội lưu thông này.

Xin chú ý những cái mũ lưỡi trai đội đầu của những nhân vật được vẽ trên đồng tiền. Tôi thấy giống giống... cái mũ này trông quen quen!
Khẩu đại liên Kalinôp có bánh xe vẽ trong đồng tiền chính là khẩu đại liên cùng loại của C1 trong các trận đánh. Mãi năm 1981 trung đoàn mới đổi cho khẩu đại liên ba chân ( tên gọi là K.53 thì phải - cái này tôi không biết tên) mới coong, bắn cùng loại đạn K.53
Còn tư thế bắn B.40 của "chị gái" trong hình rất Pờ rồ !

Do địch chơi kiểu du kích như thế nên chúng tôi cũng thay đổi cách đánh để chơi lại. Những trận đánh cấp tiểu đoàn, trung đoàn như hồi mùa khô không còn nữa. Bây giờ chủ yếu là những trận phục kích, bao vây cấp đại đội. Tiểu đoàn hành quân giải toả hoặc chốt đường xong, khi rút qua một địa điểm thuận lợi đã chọn sẵn liền bí mật để lại một trung đội cứng và một máy 2W nằm phục.

Còn đơn vị cứ hành quân như không có chuyện gì xảy ra. Thậm chí đi được một lúc còn bắn bậy sang hai bên đường, ra cái điều thông báo chúng ông đã về đến đây rồi. Mấy thằng địch bâu bám tưởng bở, tênh tênh mò ra đường hoặc theo dấu đơn vị lập tức ăn đòn đủ, thường là bị tiêu diệt gọn. Đơn vị về đến vị trí đứng chân, nghe ở hướng trung đội phục kích rầm rầm B.40, B41 và đạn nhọn rộ lên là kể như chắc ăn. Mấy thằng có võng cũ chạy ngay ra hóng để xin hoặc đổi võng.

Bọn nằm phục về, lỉnh kỉnh súng đạn thu được, còn trên tay thỉnh thoảng lại lấp lánh cái đồng hồ tự động chiến lợi phẩm hiệu Orient, Rado…Nhưng chiến thắng nào mà chẳng có cái giá của nó! Tiểu đoàn 4 có tiếng sát địch thì cán bộ tiểu đoàn và cán bộ đại đội cũng thay như thay áo. Mới có 3 tháng đầu năm 1979, chỉ tính riêng hàng ngũ cán bộ đại đội trở lên đã hy sinh và bị thương 5 người.

Anh Thoan đại đội phó đại đội 3 hy sinh tháng 3. Đến tháng 4 thì anh Sơn tiểu đoàn trưởng, anh Quang, anh Tuy đại đội 1, anh Đạt đại đội 3 bị thương. Vào một buổi trưa, anh Tiến mới nhận tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 thay anh Quảng (bệnh – đau dạ dày cấp), cùng tổ trinh sát 27 sư đoàn trèo lên cái tháp nước trên sân ga. Cái tháp nước này cao khoảng 15m.

Trong khi đang quan sát địa hình bằng ống nhòm thì bị địch bắn tỉa. Phải nói thằng địch này rất thiện xạ. Từ khoảng cách có đến vài trăm mét, viên đạn có lẽ bắn từ khẩu K.63 xuyên qua bụng (chắc chắn hồi đó địch không có súng bắn tỉa ống ngắm quang học dùng đạn K.53). Chúng tôi thấy anh ấy ôm bụng gục ngay trên tháp nước. Hai thằng trinh sát 27 vội nằm ngay xuống kêu ầm lên.

Anh Thào tiểu đoàn phó hô lính vận động, chủ yếu là để đuổi địch thôi chứ biết nó bắn từ đâu trong cái ngàn xanh bao bọc sân ga này. Mọi người đưa anh Tiến xuống. Cũng may là viên đạn không phá nhiều. Khoảng 2h đồng hồ sau, trực thăng đáp xuống sân ga đưa anh ấy cùng mấy thằng sốt rét ác tính đi viện luôn. Tôi bây giờ cũng không biết là có qua khỏi hay không!

Anh ấy là người thứ 6 trong danh sách cán bộ mà tôi vừa kể trên. Từ đó, ngoài cái tiếng là sát địch, tiểu đoàn 4 còn có tiếng là sát cán bộ. Lính nói nam nam, chuyện gẫu bá láp thế thôi chứ tôi chưa thấy ai từ chối nhiệm vụ chỉ huy mà trung đoàn giao cho bao giờ.

Ngay chiều tối hôm ấy, theo lệnh trung đoàn, anh Thào dẫn tiểu đoàn càn vào hướng địch bắn tỉa lúc trưa, tiến đến dãy núi “thằn lằn”- (tên trên bản đồ là Ph’nom Lang T’beng). Đơn vị bỏ đường lớn, cặp theo suối Damrei rẽ rừng tiến bước. Qua phum Th’may, trời đã nhập nhoạng tối. Phum Th’ may là một phum lớn, còn nguyên vẹn nhưng cũng là một cái phum hoang như hầu hết các phum trong khu vực.

Những ngôi nhà sàn lừng lững, mái ngói đã lên rêu phủ bóng tối xuống mảnh sân mà cỏ dại đã lấn vào. Trên sân, mấy cái cối, dùng để giã gạo hoặc cốm dẹt trong Tết mừng cơm mới đã mục, nằm chỏng trơ. Xoài tượng rụng vàng cả gốc, bốc lên mùi men rượu chua nồng. Khi ta bước lên thang, những bậc gỗ cũ kẽo kẹt như sẵn sàng rụng xuống. Trong những ngôi nhà rộng rãi và tăm tối đó đầy mùi ẩm mốc và tử khí.

Đôi khi gặp những xác người đã phân huỷ, dưới lớp áo quần đã mủn là những bộ xương rã rời. Tóc rụng quanh sọ không tiêu huỷ được, xếp thành một lớp chằn chặn dưới sàn. Và dơi! Dơi quạ ở đây to khủng khiếp. Sải cánh mỗi con phải đến 1.2m. Cả đàn hàng trăm con đến ăn xoài chín, quạt cánh phần phật tối cả hoàng hôn.

Những con dơi xao xác bay làm lộ vị trí nghỉ đêm của chúng tôi. Địch nó tập kích ngay. Nó có chừng một tiểu đội với khẩu đại liên Mỹ, tha đi hết góc này đến góc khác bắn vào đội hình. Đàn dơi hoảng sợ lại càng bay tợn. Nghỉ đêm tại cái phum ma này quả là ngán! Bố trí đội hình xong, mấy thằng chúng tôi lên mấy căn nhà, đạp vách gỗ xuống triển khai công sự nổi. Tôi vẫn đi với đại đội 1 như truyền thống.

Thằng Căn, thằng Đồng Huế xúc đất đắp vào các tấm ván mà tôi với anh Lược chính trị viên phó xếp ốp vào các chân cột nhà sàn. Chỉ một lát, cái “chiến luỹ” đã hoàn thành. Bọn thằng Tào, thằng Lại anh nuôi đại 1 cũng triển khai cơm nóng cho anh em trong cái công sự ấy. Địch bên ngoài thấy khói chỗ nào bắn bắn liên hồi vào chỗ đó. Có những viên đạn xuyên trúng mép cột, tước gỗ xơ ra rồi văng lung tung.

Bọn tôi cứ phớt lờ. Kệ cụ mày! Bắn chán thì thôi! Đạn tiểu đoàn đang thiếu. Ăn cơm xong thậm chí còn kịp uống ấm trà chót mà thằng Đồng ém được. Đội hình bố trí hơi gom, gần như lọt thỏm giữa các B nên quan sát sở không cần gác. Bây giờ mắc võng tụt xuống hơi thấp một chút là có thể ngủ ngon.

Trời tối đen như mực rồi bắt đầu đổ mưa. Phía dưới B2, thằng Tám khoẻ và Minh đen bò vận động lên cái bụi um tùm có cây thốt nốt độc lập, trước trung đội chúng nó khoảng 30m. Rình thấy loé lửa đầu nòng khẩu đại liên của địch rồi kéo một điểm xạ dài RPD. Sau đó lại rút êm về đội hình trung đội. Đòn giang hồ kiểu dùng kỳ binh ấy của Tám khoẻ thì tôi không có lạ. Bộc lộ lực lượng ở vị trí ảo để vị trí thật an toàn hơn. Đêm đã về khuya. Trời vẫn cứ mưa, mỗi lúc một sậm hạt.
Tiếng súng địch vẫn cứ oăng oẳng hết hướng này đến hướng khác suốt. Vào thì chẳng dám vào, rút thì cũng không chịu rút. Mưa rừng thế này sao không kiếm cái chỗ nào ngon mà mắc võng ngủ đi con! Về nhà mà cày ruộng hay đánh cá. Kiếm một con vợ ngực đầy hông nở trong cái đám gái phum vẫn múa lăm-thôn dưới trăng rằm hồi trước ấy. Rồi ghen tuông đấm đá, rồi sinh con đẻ cái đi…!

Theo ba cái thằng vác cuốc đập đầu ấy làm gì…? Mẹ kiếp! Mưa đầu mùa cữ này cá rô đồng đang rạch lên phải biết! Tự nhiên, không biết là có mất quan điểm hay không, tôi thấy ái ngại cho chúng nó. Giấc ngủ đến trong tiếng súng địch và tiếng mưa rơi đều đều… Và trong giấc mơ đêm ấy, tôi cũng mơ thấy tôi được trở về nhà.


Tháng 8/1979, tiểu đoàn 4 hành quân xuôi từ ga Bâmnak về ga Th’may, sau đó rẽ ra thị trấn Ponley ngoài lộ 5. Địch có vẻ như đã xây dựng được một tuyến giao liên tiếp vận từ biên giới Thailand vào các vùng sâu trong nội địa ngoài biển Hồ. Nhiệm vụ của đơn vị là bước đầu hỗ trợ xây dựng chính quyền cơ sở non trẻ của dân bạn, truy quét triệt phá các căn cứ nội địa ven biển Hồ.

Dọc đường hành quân cạp theo đường sắt trước khi rẽ trái sang lộ không tên, ở mấy chỗ đất mới trên lộ, chúng tôi phát hiện mấy quả mìn chống tăng địch mới chôn. Bọn này làm ăn thả. Cơn mưa lớn đêm qua đã rửa trôi đất cát, làm lộ ra cạnh mấy quả mìn đĩa. Chúng tôi gỡ lên, lấp đất lại như cũ rồi kẹp thêm vào mấy quả mìn ấy những trái lựu đạn tức thì M.26. Sau đó lại đem cài lại vào mấy lùm cây ven đường tại đúng vị trí đó.

Thằng địch nào đi kiểm tra mìn mà dính phải chưởng ấy thì đơn vị nó chắc sẽ phải báo mất tích. Loại M.26 tức thì (có chấm đỏ) này lấy được ở kho súng trong Ăm leng. Lính các C chịu khó tha đi để gài trước đội hình khi nghỉ đêm. Sáng hôm sau lại ra thu về. Nói chung loại này dùng tiện hơn mìn, khi cần có thể xài ném cá được. Có điều trước khi ném phải cuốn quanh mỏ vịt mấy vòng dây nịt (cao su) cho nó nhả ra từ từ.

Ra đến cái đập nước lớn cách Ponley khoảng 15 km, tiểu đoàn dừng chân nghỉ lại một ngày. Cái đập này nằm tại hợp lưu của gần chục con suối lớn trong khu vực. Trên đập, nước tràn chảy ồ ồ. Cá trắng từng đàn lách phe phé. Trên mặt hủm nước sâu xanh thẫm nơi chân đập, những con lóc bông lớn cả chục ký thỉnh thoảng lại trồi lên ngáp bóng. Cái viền mép vàng nhạt ngoác ra, thân mình chùn chũn vằn vện, oai vệ lắc khẽ một cái rồi lại từ từ chìm xuống.

Bọn lóc bông này hẳn là no mồi. (Sau này, tại tổ đánh cá cải thiện do trung đoàn tổ chức đóng ở Sóc Tu ru - biển Hồ, tôi đã thấy những con cá lóc bông nặng hơn 20 kg). Ở rừng lâu toàn ăn măng muối, lâu lâu mới có miếng thịt rừng nên lính ta không bỏ qua cơ hội cải thiện này. Đánh cá thì quá đơn giản rồi! Chỉ một loáng là tất cả các món cá tươi chế biến theo truyền thống của từng vùng miền đã xong. Nhưng ngon nhất vẫn phải kể đến canh chua cá lóc nấu kèm lá giang.

Cây lá giang là loại thân leo, lá hình trái tim, có vị chua rất thanh mà tôi tin là các anh em chiến trường K không thể nào quên được. Cá lóc đen tầm ký rưỡi, hai ký sau khi đánh sạch vảy, khía chéo thân, ướp bột gia vị, ớt giã và những thứ lá lẩu gia vị gì đó kiếm được rồi để nguyên con. Bọc kín bằng bẹ chuối hột mọc hoang đầy bờ đập. Tống vào giữa đống củi đang rừng rực.

Bao giờ cháy đến hết lớp bẹ chuối phía ngoài thì lôi ra. Vừa ăn vừa thổi phù phù. Những con cá lóc lớn quá, chúng tôi quăng bỏ thịt đi, chỉ lấy mỗi bộ lòng. Những bộ lòng cá lớn như lòng gà. Sau khi làm sạch lăng vào nồi canh đang sôi, vừa chín tới, vớt ra chấm muối ớt, ăn nóng giòn tan thì thằng nào dẫu có hy sinh cũng phải sống lại…Suỵt…! Gõ đến đây thì tự nhiên lại thấy đói !

Chiều tà, tiểu đoàn nhích đội hình lên khỏi đập nước 300m, bố trí đội hình nghỉ đêm tại phum “rừng thị”. Một cái phum có đúng 3 cái khung nhà. Cạnh phum là một rừng toàn cây thị đang mùa trái. Cây thị trong truyện cổ tích Tấm Cám của bọn trẻ con đó, sinh sôi thành một quần thể xanh thẫm cao vọt lên hẳn so với rừng chồi thấp phía dưới. Cây cao cây thấp chen nhau mọc.

Có những cây thị cổ thụ vòng gốc một người ôm mới hết. Trên vòm lá, đủ các loại chim to chim nhỏ chòe choẹt kêu điếc hết cả tai. Kêu chưa tệ hại bằng việc chúng nó oanh tạc vào đầu chúng tôi. Đi gần như chạy qua cái rừng chết tiệt ấy tới phum nhưng thằng nào cũng bị dính vài bãi phân chim vào đầu. Còn dưới gốc, quả thị rụng nhoe nhoét. Muỗi bọ bay vần vụ. Trong phum, trên nền vườn cũ, đậu đen cạnh tranh với các loài cỏ dại, vươn dài thành ra giống như một loại thực vật thân leo khác.

Tuy vậy vẫn ra trái như thường. Thằng Căn và tôi chịu khó đi hái một lúc, chà ra cũng được một ca inox để tối nấu chè. Nhưng chuyện đó không có gì đặc biệt bằng những điều tôi thấy buổi đêm trong ca gác của mình. Đêm hôm ấy trăng mờ vì mây vẫn chưa kịp tan sau cơn mưa buổi chiều. Đang ngồi ôm súng ngáp ngắn ngáp dài vì đã gần hết ca của mình, tôi bỗng tỉnh cả ngủ khi thấy trên cây thị gần vọng gác có mấy con chim lạ.

Dứt khoát không phải dơi mà là chim đến ăn trái vì tôi nhận ra cái đuôi của chúng rất dài. Sải cánh loài chim này rộng khoảng 0,4m, vẫy rất nhanh và êm ru, hầu như không phát ra tiếng vỗ gió. Ba bốn con quạt cánh mềm mại, gần như bay đứng, lặng phắc giữa không trung. Chỉ thấy những đầu cành cây thị nơi chúng đang rỉa quả (hay hút mật quả) khẽ rung rung.

Tôi có đọc trên một số tạp chí nghiên cứu tự nhiên sau này. Trong đó các nhà khoa học khẳng định trên thế giới chỉ có loài chim ruồi Nam Mỹ, với kích thước nhỏ bé mới có khả năng bay đứng và bay giật lùi. Tôi phản đối cái kết luận này vì chính tôi đã chứng kiến kiểu bay và hành tung lạ kỳ của loài chim đêm không biết tên kể trên. Nếu ai không tin, xin mời đến vùng rừng ven biển Hồ kiểm chứng.

Sáng hôm sau kể lại câu chuyện hồi đêm. Ông Chính bình luôn một câu :” Đ…lo gác! Lo đi ngắm chim thì có ngày nó vào oánh cho chạy tụt cả chim như hồi tháng tư đó!”. Riêng anh Ky khẳng định đấy là chim bắt muỗi chứ không phải chim ăn trái. Trời đất! Với kích cỡ thân hình như thế, mỗi đêm chắc nó phải xơi đến cả tỷ con muỗi mới tạm lửng diều.

Hôm sau, đơn vị ra đến thị trấn Ponley. Dân bắt đầu định cư tại thị trấn ven lộ 5 này. Lúa đã xanh đồng nhưng đang kỳ giáp hạt. Dân đói và gạo thóc khan hiếm. Thị trấn bắt đầu họp chợ và vật ngang giá chung không phải là tiền mà là gạo, thuốc chữa bệnh và vàng. Với năm kg gạo người ta có thể đổi lấy một chỉ vàng.
Một hộp nhỏ thuốc Sunfamit, Đa-zi-năng cũng có giá trị tương đương. Một hai lon gạo bớt ra trong khẩu phần lính cũng đủ để đổi cá tươi ăn thoải mái. Thậm chí có những em gái trẻ rao bán mình với cái giá ”pi loong” (hai lon). Trong hoàn cảnh như thế, liệu có ai trong chúng ta chấp nhận cuộc mua bán bi thương mà kẻ mua chắc chắn sẽ khốn nạn hơn người bán ấy không?

Chiến tranh, với những hệ lụy mà nó mang đến không chỉ là chết chóc hoang tàn. Tệ hại hơn cả cái chết, nó giày xéo không thương tiếc lên nhân phẩm con người. Trong đó, kể cả kẻ chiến thắng cũng phải ngậm ngùi. Đau xót lắm! Một lần khi ra chợ đổi cá cho trung đội thông tin, tôi gặp một bà mẹ cứ xoắn lấy. Bà ấy đòi đổi vàng lấy thuốc kháng sinh péniciline tiêm.

Thuốc này chống nhiễm trùng cho các vết thương, chỉ có trạm phẫu tiền phương mới có. Hỏi đổi làm gì thì trả lời ngay là con trai bà ấy sắp chết. Rồi bà ấy khóc lóc gần như ăn vạ ngoài chợ. Quân y tiểu đoàn mang túi thuốc đến túp lều nát sát rạch – nơi trú ngụ của hai mẹ con thì đã thấy một mùi khẳn thối xộc lên.

Trong lều, đứa con trai đi lính Pôn pốt (bà mẹ nói rõ ràng như thế) đang nằm thiêm thiếp. Nó bị thương vào chân. Cái đùi đang bị hoại thư sinh hơi, phồng lên như bắp chuối tỏa ra mùi xác chết. Vạch mắt ra thấy đồng tử đã giãn đờ như mắt cá, thằng quân y lắc đẩu rồi tiêm cho nó một liều giảm đau chiếu lệ. Chúng tôi để lại lều hai lon gạo rồi trở về...
Đến ngay cả bọn địch cũng đói, cứ đêm đêm mò vào các phum, sục vào các nhà dân, vét đi những hột thóc cuối cùng. Chiến tranh giải phóng gì cái bọn thổ phỉ ấy! Ngày thì chúng tôi vào phum dân vận. Nhưng đến đêm lại gom về đóng độc lập gần phum như đội hình chiến đấu. Mấy đêm trước, tiếng sủa rộ lên trong các phum Chay Rum, Khon Roong.

Khả năng lần này sẽ đến lượt phum Cho Long sát đội hình tiểu đoàn đóng quân. Thóc ở đâu mà vét mãi! Ngay từ buổi chiều mấy hôm trước, tiểu đoàn đã triển khai mấy tổ phục kích ngoài rìa phum nhưng vẫn chưa thấy chúng nó vào. Đến lần này, tổ phục của trung đội vận tải tiểu đoàn bộ gặp may. Mới có sẩm tối, địch đã mò vào phum. Bảy tên địch nghênh ngang xếp hàng một đi trên đường.

Qua suối sát phum, chúng nó dừng lại kỳ cọ chân cẳng rồi chụm lại hội ý. Gom quá! Chọn đúng thời điểm đó, thằng Nghĩa - Bạch Đại Nghĩa, trung đội phó trung đội vận tải siết cò khẩu B.41. Quả đạn nổ quét bờ suối thoải, hất ngược lên một vầng lửa da cam hình rẻ quạt. Sau tiếng nổ dữ dội nhưng trầm vọng ấy là sự im lặng hoàn toàn.

Chẳng còn gì trên bờ suối ngoài những mảnh thịt người. Khẩu RPD và năm khẩu AK trung đội vận tải không có lý do khai hỏa. Chúng nó ào lên thu súng nhưng hầu như cũng chẳng còn khẩu nào nguyên vẹn, toàn bị cong queo vỡ báng gần hết. Lại còn phải lấy que gợt gợt đi những thứ dính vào rồi mang xuống suối rửa.

Hôm sau, trưởng phum Cho Long huy động bà con ra suối, đào một hố lớn rồi gom tất cả những gì còn lại quy tập vào một hố chôn chung. Riêng thằng Nghĩa đi báo cáo thành tích trên Quân đoàn rồi được thưởng phép. Mấy tháng sau nó mới mò vào đơn vị.

Sau trận phục kích kinh hồn táng đởm đó, suốt một dải từ Ponley lên đến K’ra Ko trên địa bàn hoạt động của trung đoàn 2, địch nín im thin thít. Một số gia đình vào rừng vận động con em họ mang súng ra đầu hàng. Chính quyền phum sóc do dân bầu bắt đầu hoạt động. Tất nhiên làm gì có trụ sở, dấu má với xà cột. Ông trưởng phum hằng ngày vẫn đánh xe bò vào rừng đốn gỗ hay ra ruộng làm cỏ lúa.

Thỉnh thoảng tạt qua tiểu đoàn bộ đem cho mấy ống thốt nốt chua. Trung đoàn tách ra một đơn vị giúp dân xây dựng chính quyền, lấy tên là tiểu đoàn 4B do anh Lộc làm chính trị viên. Tiểu đoàn dân vận hỗ trợ dân bạn đủ thứ, từ thuốc chữa bệnh đến lúa giống. Cho đến cả đẻ đái bệnh xá quân y K.23 cũng phải xắn tay vào…Thời gian này, hội Chữ thập đỏ quốc tế, Tổ chức Lương thực thế giới (F.A.O) cũng đã bắt đầu nhảy vào viện trợ cứu đói cho nhân dân Campuchia, bất kể thuộc phe nào.

Tiếng là thế nhưng thực ra dân Kh’mer X’rây, Kh’mer Đỏ… bên các trại tị nạn vùng biên giới Thailand mới hưởng phần lớn sự hỗ trợ đó chứ còn trong nội địa, chúng tôi vẫn cứ phải san gạo cho dân. Nghĩ thấy tội! Hồi đó nước mình cũng đói bỏ xừ. Trước khi đi bộ đội, tiêu chuẩn học sinh trung học như tôi nhà nước cấp cho 17 kg lương thực cả gạo lẫn mỳ sợi trong sổ.

Đấy là còn được ưu tiên vì đang tuổi lớn, là tương lai đất nước đấy! Chứ còn bác sỹ giáo viên như bố mẹ tôi mỗi tháng có 13 ký chẵn. Vào lính chiến mới được ăn gạo không chứ lúc huấn luyện vẫn phải ăn kèm ngô, bo bo rát mồm. Ở đơn vị huấn luyện, tôi đã từng bị phạt đi làm cỏ lúa giữa trưa nắng vì cái tội dám bịa lời bài hát Hạ Trắng của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn :” Tuyệt quá..! Bữa cơm chúng mình, toàn rau muống xanh… bát cơm ngô vàng, đệm cho món canh… mắm khô hôi rình, ngửi sao thấy tanh….”.

Thôi thì con không chê cha mẹ khó, chẳng chê chủ nghèo! Đã khổ đến như thế rồi lại phải san sẻ gánh thêm nỗi khổ của người khác nữa mà mấy thằng thối mồm vẫn chõ vào bảo mình là tàn sát, là xâm lược. Nghĩ muốn điên cả ruột! (Ngôn ngữ lính binh nhì bỗ bã tý! Anh em thông cảm! Mai tôi tự sửa bài mà!).
Nhưng cứ sủa, còn đoàn người thì cứ tiến!

Buổi tối hôm chính quyền phum Chay Rum ra mắt, dân tổ chức múa lăm thôn. Trên khoảng đất rộng giữa phum, từ chập tối, tiếng trống đã vang lên bập bùng. Rìa sân, ba chú nhỏ xếp bằng tròn trên nền đất ngồi vỗ trống. Những chiếc trống dài chừng 40 cm, tiện hơi thắt ở đoạn giữa. Một đầu bịt da trăn, một đầu hở để có thể xòe bàn tay bịt hơi vỗ, điều chỉnh sắc độ.

Tiếng trống lúc đầu còn rời rạc, nhưng càng về sau càng thôi thúc. Nào! Bắt đầu đến tiết tấu :” Tình tinh, tạ, tinh-tinh-tình”. Một đen, một liên ba, lặng đơn…Hây! Lại tiếp một đen- liên ba- lặng đơn… cứ thế mà giật boòng ơi! Như nhịp Chachacha điển hình. Nào! Hai bước tiến, một bước lùi lại. Thế! Đúng rồi…! Các cháu nhỏ hồn nhiên nhất, mình trần đen sạm, xương sườn phơi ra dưới ánh lửa, nhập vòng bằng những bước linh hoạt đầy nhạc cảm.

Cứ như thể chúng nó đã biết múa từ trong bụng mẹ vậy! Ngập ngừng đôi chút, các chị, các em cũng bắt đầu bước vào. Những bước vũ thật uyển chuyển, những cử động thật nhịp nhàng. Nhiều em gái với cái áo đen vá và chiếc khăn cà ma duy nhất, còn ướt đẫm vì mới giặt ngoài suối, vừa múa vừa nghiêng đầu làm duyên. “ Oh! S’vai chăn ti, nịa ri on ơi! Bê mêc xa kha…Cùm a jô p’đây.

Chằm boong thơ thây, boòng tinh lan c’bây oi s’rây bợ liêng…!” – Ôh trái điều (đào lộn hột) đã chín kìa em gái!..Da thịt em trắng ngần. Đừng có lấy chồng vội nhé! Chờ anh mua cái xe trâu anh đưa em đi chơi…! Lời bài dân vũ tuyệt hay! Tiếng trống tan trong ánh lửa, trở thành một chất men thôi thúc xóa nhòa mọi khoảng cách. Không hiểu tôi cũng đã vào vòng từ lúc nào.

Ông trưởng phum ngồi vỗ trống thay cho mấy cháu, nhe răng cười trắng lóa. Cả phum Chay Rum phần lớn là gái góa (mêmai), gia đình đã tan nát hay thất lạc trong chiến tranh. Nhưng trong đêm ấy, khổ đau, đói khát dường như không tồn tại. Những gương mặt ngời lên trong ánh lửa, những cái lắc hông mềm mại, những đụng chạm cố tình…Phút thăng hoa ấy, đã chắc gì một ông hoàng lưu vong hạnh phúc bằng một thằng bé không áo cởi trần…

Mùa mưa đang độ sung mãn nhất. Ngày nào cũng mưa, triền miên xối xả. Buổi sáng trời còn loe nắng, nhưng độ hai, ba giờ chiều là mây đen kéo kín chân trời. Gió như ngựa lồng cuốn theo những cơn mưa trắng trời trắng đất. Tấm nilon lính chỉ khoác lên mình cho chiếu lệ và ngăn gió quất thôi chứ nhằm nhò gì! Áo quần hầu như lúc nào cũng ẩm ướt. Lại trộn lẫn mồ hôi, bùn đất lúc hành quân tỏa ra cái mùi thật khó chịu.

Tấm tăng, mà có nhà thơ ví như cái “bầu trời vuông” của lính hồi đó cũng mỏng quẹt, gió giật một lúc là các tai buộc đứt bung ra ngay. Chúng tôi lấy dây điện thoại hoặc dây rừng buộc túm lại những góc đứt, chằng đụp cho xong chỗ nghỉ đêm. Tăng thiếu hay rách quá, có thằng sáng kiến kiểu nằm chung. Tức là hai đứa mắc võng cùng một chỗ, thằng trên thằng dưới như kiểu giường tầng của sinh viên nội trú. Một tấm tăng lành che chung. Còn tấm tăng rách kia buộc che hướng gió tạt.

Thằng trên đang nằm thì chép miệng, bảo quê tao tháng này sắp đến cữ gặt. Tao với con em gái vác cái vợt nilon ra đồng, cứ thấy thửa nào chưa gặt là nhào tới quơ ngang quơ dọc một lúc là đầy châu chấu. Mang về rút đầu vặt cánh, thêm chút lá chanh thái chỉ, cho vào chảo mỡ rang giòn nhậu hết sảy…Thằng nằm dưới im lặng thở dài. Nỗi nhớ dường như cũng ngấm nước mưa, làm nhạt nhòa những gì xa xôi hoành tráng, nhưng làm hiển hiện long lanh đến từng chi tiết những gì tưởng chừng bé nhỏ.

Cái biển số nhà quăn mép của cô bạn học chung một lớp, mảng tường tróc ngoài cổng do bọn trẻ con đánh đáo Tết búng xu, cũng có thể là cái cành đa cụt đầu đình. ”Chiều chiều ra đứng lầu tây. Thương cô gánh nước tưới cây ngô đồng…”. Bài dân ca quê Việt thiết tha từ cái radio ngân lên nho nhỏ trong buổi phát thanh dân ca và nhạc cổ truyền như cào thêm vào nỗi nhớ. Tôi bắt đầu yêu và cảm dân ca từ buổi chiều mưa xa nhà ấy. Thương gì nữa, tưới gì nữa em? Mưa rừng đã tưới đẫm hồn bọn anh rồi…!

Thú thực với các bạn là hồi đó tôi cũng mong dính thương phần mềm, như thằng Hiệp híp chẳng hạn. Bị thương nhẹ thôi, chứ đừng bị nặng, và nhất là đừng có hy sinh! Sẽ được đưa đi viện, sẽ được nghỉ mấy tháng…Mưa sẽ bay ngoài cửa kính. Còn trong phòng ấm áp, sẽ thoảng mùi thơm dịu của quả cam do cô y tá xinh như mộng đang gọt dở…Nhưng như tôi đã nói với các bạn, đôi khi chết được cũng khó, huống hồ bị thương.

Trên đường vào Ăm leng, có lần quả cối 60 nổ ngay trước mặt bọn tôi, cách có gần chục thước. Có bốn đứa thì ba đứa dính miểng. Còn tôi cố vạch vòi sờ soạng nhưng cũng chẳng sơ sướt gì. Không phải chỉ vì muốn bỏ đồng đội hay lui bước cầu an gì mà với cái tư tưởng của tôi lúc đó, một vết sẹo chiến trường còn hơn tỷ lần một tấm huân chương.

Các em gái thường muốn khoe sự xinh đẹp kiều diễm hiểu (không hiểu lắm, chắc thế!), còn những thằng trai lính như tôi thời đó, có nhu cầu phô trương sự dày dạn và lòng dũng cảm. Mà chắc thời nào cũng vậy thôi, đấy là đặc thù giới tính mà! Một vết sẹo là một khẳng định bằng vàng cho những câu chuyện chiến chinh mà chiến thắng phi thường bao giờ cũng thuộc về người sở hữu tấm ”huân chương” đó(!)


Cuối tháng chín năm 79, trung đoàn hoạt động ở khoảng giữa Kra Ko và Ponley. Tiểu đoàn 4 truy quét địch phía tây đường 5. Có khi sục vào sát chân sườn phía đông núi Tuk S’ra nằm kẹp giữa đường 5 và đường sắt. Cũng giống như ta hồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ - Kh’mer Đỏ cũng triển khai trồng trọt nương rẫy, giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ.

Đơn vị càn rừng hôm ấy phát hiện trong hốc một cây dầu lớn, lửa đốt cho dầu ra còn đang cháy. Vậy là vùng rừng này có người ở. Tiểu đoàn lặng lẽ bám dần lên đến một khoảnh rừng thưa. Một nương sắn rộng hiện ra, cây mới cao ngang tầm ngực. Hai mũi khép vào, chuẩn bị xung phong…Rồi điều gì đến đã đến! Hoàn toàn chẳng giống như tôi hình dung. Mà hầu như trong cuộc sống chẳng cái gì đến như tôi tưởng tượng cả. Thế mới tệ hại! Kể cả trường hợp bị thương của tôi lần này nữa.

Không có pha ngã xuống tuyệt đẹp sau chớp lóe của đạn cầu vồng trong một trận tấn công cấp chiến dịch, có xe tăng và không quân yểm trợ. Trong khi đang vận động cùng đơn vị đuổi theo toán địch hủi (có cả phụ nữ nữa) tăng gia ở nương sắn này, tôi bị sụp hầm chông. Thế mới bầy hầy! Ngã sấp mặt, mồm vập vào rễ cây giập cả môi, tôi vẫn kịp ôm cái gốc cây đằng trước để khỏi bị tụt xuống.

Thằng Phụng với anh Ky chạy đến lôi lên. Một mũi chông tre xuyên rìa gót, chọc thẳng vào xương mắt cá rồi gãy gập tại đó. Chúng nó rút mũi chông gãy ra, rửa qua quấn băng chặt lại, nhưng chưa đến mức phải ga rô. Lúc ấy không thấy đau lắm, tại chỗ đó chỉ thấy nó giật giật tức tức một chút. Chống gậy vẫn lết đi được chứ không cần cáng. Định thần lại, nhìn xuống hố bây giờ mới thấy kinh. Toàn phân người nhoe nhoét quện lấy từng mũi chông tua tủa.

May mà tôi bám kịp cái gốc cây chứ còn rơi hẳn xuống, chưa nói dính bao nhiêu mũi, chỉ cần dầm mình trong cái hố đấy cũng đủ ốm ba tháng. Chúng nó dùng “vũ khí sinh học” tự nghiên cứu, tự sản xuất ghê quá! Thằng Quỳnh “xe lôi” và thằng Thống truyền đạt võng tôi về phía sau. Ra đến đường bò lớn gần lộ 5, gặp xe bò của dân đi rẫy về, chúng nó tống tôi lên xe rồi theo đi luôn.

Đến cứ tạm thời của tiểu đoàn ở gần thị trấn Ponley, hai đứa rẽ vào rồi gửi tôi theo xe bò về trạm phẫu K.23 của trung đoàn. Đúng là đồ vô trách nhiệm! Khi còn lại một mình giữa đám dân tôi mới nhận ra tình thế của mình và rủa thầm chúng nó như thế. Cả đoàn xe chừng hơn chục chiếc vẫn lọc cọc chậm rãi lăn bánh trên đường. Các lão nông dân bạn đen trũi, kẻ ngồi trên xe im lặng rít thuốc rê, người vác dao quắm lừ lừ đi bộ.

Từ cứ tiểu đoàn đến trạm phẫu khoảng 1,2 km, hai bên cũng toàn rừng thưa. Nhớ lại chuyện thằng lính B3 bị chém bay đầu mấy tháng trước trên đường ra Bâmnak. Tôi không dám nằm nữa mà ngồi nhỏm dậy trên xe. Nỗi sợ làm cảm giác đau dưới chân tan biến. Dưới gót, máu lại thấm qua lớp băng chảy nhều nhệu.

Tôi mặc kệ, mải nhìn quanh quất kiếm cái gì phòng thân hoặc ước lượng đường chạy khi có biến. Mà làm gì có cái gì? Chân cẳng thế này chạy đi đâu? Thấy tôi máu chảy nhiều và không chịu nằm, mấy người đàn ông đi bộ vác dao quắm xúm lại. Thôi lần này mình tong rồi! Lúc đó tôi choáng thực sự. Hoa hết cả mắt nhưng vẫn còn kịp thấy hai người quay lại chiếc xe cuối rút một cây tầm vông rồi trở lại.

Một người tháo chiếc võng nilon đen đeo ở thắt lưng (đúng loại võng địch hay dùng) buộc vào cây tầm vông làm đòn khiêng. Họ đỡ tôi sang võng rồi cáng thẳng đến trạm phẫu. Khi nhìn thấy mấy thằng lính thông tin trung đoàn bộ đi nối dây trên đường, tôi mới dám thở phào! Thì ra thấy tôi ngồi dậy, mặt thì tái mét, họ tưởng xe xóc làm tôi đau nên mới chuyển phương tiện cho êm.

Đến nơi, giao tôi cho quân y xong, người đàn ông còn nhe răng cười với tôi rồi đi giặt máu dính vào võng. Một cái võng nilon hồi đó đổi được một chỉ vàng.


Thời gian nằm ở K.23 là khoảng nghỉ ngơi thật dễ chịu. Ở đây toàn những thằng bị thương nhẹ, bị sốt rét chưa đến mức phải chuyển lên quân y tuyến trên. Sau khi điều trị hơn chục ngày, vết thương của tôi đã khép miệng và có thể đi lại được. Anh em đại đội phẫu có một cây guitar còn khá tốt.

Đúng là tuyến sau có khác! Hồi còn đi học ở nhà, giống như nhiều chàng trai Hà nội hay Sài gòn khác, tôi cũng khoái tập guitar. Trình độ còi nhưng cũng đủ chơi những bản nhạc thịnh hành thời ấy ở mức phổ thông. Cũng có thể so hợp âm đệm theo nhiều bài hát, thỉnh thoảng máu lên còn chêm vào một đoạn list học mót…Tự nhiên xuất hiện một “nhạc công” sạch nước cản tại đơn vị nên lính chuyên môn ở K.23 rất khoái.

Cứ sau bữa cơm chiều là chúng nó xúm lại, pha một ấm trà thật se lưỡi rồi hát nghêu ngao. Thôi thì đủ các loại trên trời dưới bể. Hết nhạc Nga ra nhạc Trịnh. Sau nhạc trẻ lại lạng quạng bẻ sang nhạc “vàng”. Những bài hát truyền thống của quân ta như “Vì nhân dân quên mình”, “Tiến bước dưới quân kỳ”…chắc chỉ được hát chính thức khi hội họp.

Còn những buổi sinh hoạt “văn hoá văn nghệ” như thế này thì nhạc “vàng” chiếm đa số. Mấy cha lính cũ thời đánh Mỹ trên trung đoàn bộ là cả một kho tàng phong phú về thể loại nhạc này. Thằng em đệm cho anh bài “Xuân này con không về”, thằng em cho anh bài “Anh nằm xuống…”… “ Thành phố buồn đi mày!”… Đôi khi mấy anh trợ lý chính trị bên ban 2 cũng sang bên phẫu chơi.

Ngồi uống trà nghe lính tráng hát những bài như thế cũng chẳng nói năng gì. Thây kệ, hồn ai nấy giữ! Mai về lại đơn vị đánh nhau ngón tay hẳn vẫn quen hơi cò súng, lại lội rừng băng ruộng tăm tối mặt mày…Thế thì cứ hát đi! Cao trào nhất phải kể đến bài “Thư của lính”. Hai cái thìa nhôm được mang ra.

“Nghệ sĩ” phụ trách bộ gõ kẹp đôi thìa giữa hai ngón tay, miết xuống mặt bàn. Tiếng phách giòn tan, hoạt như những bước claket điêu luyện. Ba bốn cái miệng gào lên:” Từ khi anh thôi học, và từ khi anh khoác áo t’râyzi…Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây…Uh oa ùh oà…”. Có tốp vocal cẩn thận, Thanh Lam có khi phải gọi bằng cụ.
- Dừng lại! Chúng mày hát bài gì lạ thế các em? Ai sáng tác?

- Báo cáo anh! Bài “Tình thư của lính” của nhạc sỹ Xuân Hồng ạ!
- Ừ! Ngon heng! Ta sáng tác thì được! Đừng có hát tầm bậy mấy bài lá xa cành anh xa em! Nghe hông!

Thủ trưởng đi khỏi, cuộc vui lại tiếp tục. Ngày xưa cối nhỏ chày to, bây giờ cải tiến cối to hơn chày – Mời các bạn thưởng thức bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo do Vũ Hựu biên soạn lại :“Lấy xà beng đập đầu con cá lóc, nấu canh chua bỏ ớt cho thật cay…”. Lúc này, các em-xi (MC) thi nhau thể hiện. Đảm bảo Long Vũ, Diễm Quỳnh bây giờ chạy mất dép! Hai con dê cùng qua một chiếc cầu hẹp.

Chẳng con nào chịu nhường con nào. Chúng húc nhau, cả hai đều lăn tòm xuống…Nhưng may mà :” Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua…”. Trường sơn sớm nắng mưa chiều, anh đi nhớ chị Vân kiều… ấy…to. Sau đây là bài Tiếng đàn ta lư :” Đi chiến trường, mùa khô năm 71. Vào trong Vinh, mới biết cấp trên đưa mình sang Lào. Hành quân bằng xe hơi…Hú…!”.

Cứ thế! Hầu như các bài hát của các nhạc sĩ đều bị biên tập lại. Chắc để cho vừa với kích cỡ tâm hồn giản dị và tếu táo của người lính. Chiến trường ác liệt và nhọc nhằn, có vẻ các món ăn tinh thần nhẹ và vui được tiêu hoá nhanh hơn.


Trung đội trinh sát D4b. Người đứng ngoài cùng bên tay phải là Nguyến Trường Thọ - Trung đội trưởng.

Sau hơn một tháng nằm viện, tôi trở về đơn vị. Đấy là đã được anh em trạm phẫu ưu tiên nghỉ ngơi thêm một tuần. Tiểu đoàn 4, trong thời gian tôi nằm viện vẫn đứng chân gần thị trấn Ponley. Tôi vừa về được một hôm là có lệnh hành quân ngay. Cứ như là đơn vị chỉ chờ mỗi tôi lành là lên đường. Lại vào ga Bâmnak, nhưng lần này không theo lộ 28, cũng chẳng theo lộ không tên qua phum “rừng thị”. Nhằm thẳng hướng dãy núi Tuk S’Ra, đơn vị cắt rừng tiến bước. Dãy núi này điểm cao nhất chỉ khoảng 400m, còn toàn bình độ 200,300 nên vượt qua nó chẳng khó khăn gì.

Địa bàn hoạt động quen thuộc đây rồi. Qua phum Chùa, phum Th’may, những cái công sự nổi của chúng tôi mấy tháng trước chỉ còn những đống đất. Ván thành, kể cả các vách gỗ trên các nhà sàn trong phum đã biến đi đâu gần hết. Có thể là dân ngoài lộ 5 đánh xe bò vào lấy, cũng có thể là địch lấy. Những lốt xe bò rất mới lăn ngang lăn dọc ven rừng. Vào đến ga Bâmnak, nhìn thấy ngay cây cầu gỗ trên con lộ song song với đường sắt dã bị địch phá hủy hoàn toàn. Chúng nó đốt quãng giữa cho cháy sập xuống. Đại đội công binh 19 phải hì hụi mấy ngày liền mới làm xong một cái cầu tạm tại vị trí cũ. Trong khi khắc phục nối liền giao thông, đại đội công binh này đã phát hiện và gỡ được rất nhiều mìn.

Ban Tác chiến phổ biến xuống các đơn vị loại mìn kiểu mới của địch tên gọi là K.58. Mìn này có vỏ cấu tạo bằng chất dẻo để chống máy dò mìn. Hình dạng giống như một hộp nhựa vá ruột xe đạp. Chỉ cần một lực rất nhẹ tác dụng lên bề mặt là mìn phát nổ. Hơi nổ sẽ tuốt đi bàn chân vô tình dẫm phải. Nếu ga rô tốt, cấp cứu kịp thời thì cũng coi như đi đứt một giò. Ý tưởng của kẻ phát minh ra loại mìn này rất thâm độc. Nó làm cho người lính không chết, nhưng đương nhiên bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Khi trở về hậu phương có thể sẽ gây hoang mang, chán nản cho cộng đồng. Xã hội sẽ phải gánh thêm cái gánh nặng vật chất lẫn tâm lý ấy…Chúng tôi đặt tên cho loại mìn này là mìn “xin một chân!”. Bên tiểu đoàn 5 đã có hai trường hợp dính phải loại mìn này. Đã có tư tưởng ngại đi đầu vì sợ dính mìn. Các đại đội thì không có chuyện đó, chứ dưới các trung đội bắt đầu tị nạnh nhau về việc đi đầu đi cuối.

Một hai lần được chỉ định đi trước thì không sao chứ đến lần thứ ba thể nào trung đội đó cũng thắc mắc thẳng thừng rằng tại sao đại đội cứ ”gí” trung đội em thế? Biết là quân lệnh như sơn, nhưng dần dần cán bộ đại đội cũng phải sử dụng chính sách xoay vòng. Còn lính ta thằng đi sau cố đặt bàn chân vào vết chân thằng đi trước. “Sao y bản chính không có đùng rầm!” là một câu nói vui phổ biến thời đó, nhưng nó cũng thể hiện tư tưởng ngại mìn địch trong bộ đội. Để tránh mìn, đơn vị hành quân truy quét thường phải né đường bò, cắt rừng đến mục tiêu quy định.

Nhiều thằng đi đầu một lúc, thấy quãng nào nghi nghi liền đứng lại tạt vào bụi mặc dù không mót đái. Thằng đi sau kế bên vượt qua một tẹo rồi cũng dừng lại làm cái công việc y hệt. Dần dần cả tiểu đội, trung đội thực hành bài “đái cuốn chiếu”.

Tốc độ hành quân chậm, nhiều lần Chính “tréc” đại đội trưởng phát khùng, cứ băng băng vượt trước đội hình đại đội 1. Mặt mũi cứ hầm hầm không thèm nói câu nào. Các trung đội và anh em thấy thế cũng ngượng nên cố gắng hơn. Quả tình cán bộ nói được làm được thì đơn vị mới mạnh được…

Đại đội 1 đặt chỉ huy sở ở căn nhà gác ghi đường sắt đầu ga. Ban ngày bung đội hình đi sục từ sáng sớm, ban đêm lại co về. Mé trong núi, đôi lúc nghe tiếng mìn nổ vọng lại. Có thể là thú rừng vướng mìn địch cài. Tôi mới đi viện về nên anh em cũng ưu tiên cho được nghỉ ngơi. Trời đang chuyển mùa.

Mưa nhỏ hơn và thường xuất hiện vào nửa đêm về sáng. Gần sớm thức giấc, còn nửa mơ nửa tỉnh, nghe đơn vị lịch kịch súng đạn trở dậy đi càn. Còn mình thì kéo cái tấm đắp trùm qua đầu co mình trên võng. Ngoài trời đang mưa lắc rắc…Cái cảm giác được nghỉ trong khi những người khác vẫn phải làm việc thực thà mà nói cũng dễ chịu. Bảnh mắt ra mới lò dò trở dậy, mấy thằng ốm dở xuống bếp anh nuôi.

Nếu còn dầu ăn thì rang cơm cho thật săn. Chén xong rồi tổ chức đi kiếm cá cải thiện cho anh em tối về có cái ăn tươi. Hai thằng anh nuôi ở lại trông cứ. Ba bốn đứa còn lại vác súng đi loanh quanh. Tìm được một đoạn suối nhỏ nước chảy chậm một chút là cả nhóm bắt tay ngay vào việc. Cành cây và đất lấp ngay dòng chảy ở chỗ lòng suối hẹp nhất. Lúc này mé trên “đập”, nước không còn chảy nữa.

Chúng tôi mang hàng bó cây “say”- một loại cây rừng có vỏ nhiều nhựa màu đỏ ra đập vào đá cho xơ ra. Hai thằng đập, một thằng mang xơ vỏ và cả lá loại cây đó vò nát, khỏa đều khắp. Một lát sau, cá bị say bắt đầu ngoi lên mặt nước lờ đờ ngáp. Cá ngựa là yếu nhất, gần như ngoi ngay lập tức. Giống cá này trông như con cá chép. Đuôi cũng đỏ như thế nhưng nhỏ hơn, mình thuôn và tròn hơn và không có đôi râu.

Tiếp đến là cá mè vinh đuôi vàng. Những con yếu thì không nói làm gì. Chỉ việc bụm tay hất lên trên bờ. Còn những con to và còn khỏe thì chúng tôi lấy cây nhè đầu mà đập rồi vớt. Cá lăng, cá kết (giống cá thác lác), cá bò bị say luồn ra khỏi hang trú ngụ. Vây ngạnh vây lưng duỗi ra đờ đẫn. cứng đơ rất nguy hiểm. Lúc này phải thật khéo, lội suối bao giờ cũng phải đưa ngón chân xuống trước để thăm dò chỗ đặt bàn chân nếu không muốn ăn cả cái ngạnh trên kỳ lưng nó.

Thủng chân vì ngạnh cá này thì sưng và phát sốt ngay. Trơn trơn, mềm mềm, dài dài đây rồi! Nào, từ từ luồn hai bàn tay xuống. Tránh cái vây ra. Và cả bộ râu đẹp của nó nữa! Thật nhẹ nhàng vừa phải tha thiết thôi, đẩy nó dần dần cặp bờ thoải. Đã thấy cái lưng cá bóng nhẫy. A lê hấp! Hất thẳng lên bờ. Có những con cá lăng dài đến nửa mét. Cá bò lên bờ đổi màu vàng ươm hoặc loang lổ trông như bộ ngụy trang của cánh đặc công nhà ta. Lên bờ rồi mà răng vẫn nghiến kèn kẹt èn ẹt nghe rất vui tai. Mỗi chuyến như thế bắt được cả tạ cá là chuyện bình thường.

Trên đường khiêng về tiện tay hái nắm lá giang hay lá bứa nữa là kể như đủ vị. Những chuyện bắt cá bên này có thể kể cả ngày không hết. Còn cái loại cây say ấy là cây gì? Tên latinh, tên khoa học là gì anh em nào trên diễn đàn biết nên phổ biến trên trang kinh nghiệm để lính ta cải thiện. Tôi chỉ biết Toàn cồ người Thái gọi nó là cây say thôi!



Tháng 11 năm 1979, không quân trinh sát báo phát hiện địch tại vùng núi phía nam ga Th’May . Ga này nằm dưới ga Bâmnak 12 km về hướng Ph’nom Penh, nơi con lộ không tên cắt từ đường sắt ra thị trấn Ponley. Vùng núi này cũng thuộc hệ thống Ủrăng S’vai nhưng có độ cao thấp hơn. Trên các đỉnh với bình độ tương đối bằng phẳng như một cao nguyên nhỏ, địch phá rừng làm rẫy, xây dựng lán trại.

Tham mưu trung đoàn gọi tên khu vực đó là cao điểm 701. Lại lên đường! Thấm thoắt bây giờ đã là những tháng cuối năm. Một năm có lẽ đáng nhớ nhất, gian khổ nhất và cũng vinh quang nhất trong thời gian tác chiến bên K của đơn vị. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…! Trong năm đó, không kể hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, chỉ tính riêng quãng đường hành quân, những người lính trung đoàn đã vượt quãng đường hàng ngàn cây số, chủ yếu là đi bộ…

Đã đi qua biết bao những đồng rộng sông dài, những đỉnh núi mịt mờ mây phủ, những thành phố thị xã hoang tàn lửa khói, những nẻo rừng heo hút không một dấu chân người…Nhưng những con đường vô định của chiến tranh vẫn cứ còn thăm thẳm. Để rồi một chiều cuối năm như chiều nay, ngồi thõng chân bên bờ suối hoang vu… Nghe bản tin đài báo gió mùa đông bắc, lòng lại cồn lên nỗi nhớ nhà.

Như con ngựa xứ rợ Hồ, chợt phồng mũi lên ngửi thấy mùi cỏ quê hương cách xa hàng ngàn dặm qua hơi gió Bấc. Đi ngược lại những hành trình cơ học, hành trình tác chiến trên bản đồ là hành trình của trái tim người lính viễn chinh. Hoặc còn sống, hoặc đã tử trận nhưng luôn trở về với những mái nhà xưa cũ, với mẹ hiền… Ơi Nước Việt thương yêu của chúng tôi ơi!


Càng vào đến chân cụm cao điểm 701, rừng càng rậm rạp và ẩm ướt. Trong những quãng rừng le, vắt nâu, vắt xanh quăng mình theo bước chúng tôi rào rào. Đi một lúc, thấy trầy trượt dưới chân. Cúi xuống nhìn thấy dép mình đã nhoe nhoét máu. Vén ống quần lên, ba bốn con vắt to kềnh no máu rời ra. Trong các loại hút máu người thì tôi kinh con này nhất. Cũng như mìn của địch vậy!

Cái gì ta không biết, không phát hiện được thì lại càng đáng sợ. Sợ hơn cả đỉa trâu, đỉa hẹ đồng trũng ở Hà nam thời huấn luyện. Đặt một cành le khô cho con vắt bám vào rồi quan sát. Nó lập tức biến thành một màu vàng cùng với cành khô bạn đang cầm. Giác chân quặp chắc vào cái que. Còn cái đầu huơ đi huơ lại cuống quít đánh hơi người trông rất hung hãn. Tăm tối và háu ăn một cách kỳ dị, bị một nhát kéo cắt đôi người mà phần đầu vẫn bám chặt lấy cẳng chân thằng Thư quân y.

Qua được quãng rừng vắt ấy, tiểu đoàn dừng chân tại khoảng rừng thưa hơn, nơi có một vệt đường mòn cắt qua để chờ tiểu đoàn 5 lên kịp mũi hiệp đồng. Ngày hôm đó sẽ là một ngày bình thường nếu như không xảy ra chuyện có 5 tên địch nữ đi xồng xộc thẳng vào đội hình của đại đội 2. Lính ta phát hiện thì nó đã vào rất gần. Thậm chí vừa đi vừa nói chuyện rất to. Cho dù là địch đi chăng nữa thì phụ nữ vẫn có nhu cầu buôn chuyện.

Tài thật! Đến khi cả năm đứa nhìn thấy mấy cái võng không của lính mình, đờ người ra định quay đầu chạy thì đã nghe tiếng hô bắt sống và những nòng súng chĩa xung quanh. Đồ đạc phụ tùng trên người rơi lịch bịch xuống khi tay đưa lên trời. Kiểm tra “quân tư trang” thì thấy không có gì đặc biệt. Vài củ mì, vài quả bí ngô non, võng, với mấy thứ đồ lặt vặt khác… Hoàn toàn không có vũ khí. Tù binh lập tức được đưa ngay về tiểu đoàn bộ. Cái vốn tiếng K bập bẹ của Bình “cháo’’ chỉ để hiểu được rằng các “chị ấy” thuộc một đơn vị tăng gia của địch. Đêm ấy, tiểu đoàn giao họ cho trung đội vận tải canh gác. Họ cũng căng võng ngủ như lính ta và hoàn toàn không bị trói.
Sớm hôm sau, tiểu đoàn 4 lại tiếp tục hành quân, mang theo cả tù binh. Rừng thì chỗ nào chả giống chỗ nào? Nhưng khi đi được khoảng gần 4 tiếng đồng hồ vã mồ hôi hột, tôi thấy khu rừng này là lạ. Nó là lạ ở chỗ trông nó…quen quen (!) Hình như tiểu đoàn đã trở về đúng vị trí dừng chân đêm qua.

Tôi đưa cái nhận xét này ra và anh Ky cũng đồng tình ngay lập tức. Anh Thào tiểu đoàn trưởng mắng át đi :”Mẹ chúng mày! Lệnh đi thì cứ biết đi! Kêu ca gì? Đi đến đâu chả là đi?” Quá chí lý! Đang nghỉ giải lao, tôi quyết tìm ra chứng cứ chứng minh cho nhận xét của mình. Tất nhiên không phải chống lại anh Thào nhưng cái ý muốn biết mình đang ở đâu thôi thúc tôi lò dò tìm quanh. Đây rồi! Cái bếp anh nuôi đại đội 1 nấu cơm ban sáng lù lù cạnh cái gốc cây mục rành rành.

Tôi kêu toáng lên và chúng nó đổ xô lại. Có đứa còn nhận ra mình vừa dẫm phải cái “hố mèo” của chính mình ban sáng. Không cái dại nào giống cái dại nào! Lập tức tôi ăn hai cái đá đít của ông Thào vì cái phát hiện vừa rồi. Bọn tù binh dường như cũng nhận ra tình thế. Chúng nó là ma xó vùng rừng này nên lạ gì! Đã thế lại còn bụm miệng cười khúc khích khiến ông Thào càng cáu tợn. Tiểu đoàn phó của tôi đánh nhau thì không thể chê được nhưng khoản tham mưu bản đồ có vẻ có vấn đề. Sau hai chưởng mà anh ấy giành cho tôi, không thằng nào dám ý kiến ý cò gì nữa. Mẹ đời! Đúng là dây phải “giặc cái” thì đen thế đấy!


Mà đúng là đen thật! Chiều tối, tiểu đoàn 5 đã đến điểm hẹn trên núi mà chúng tôi vẫn loanh quanh dưới chân. Cả một rừng dây mây giăng thành chắn mất lối lên. Còn con đường bò lớn vẽ trong bản đồ lúc nãy vẫn thấp thoáng bên cạnh (chúng tôi không dám đi trên đường) bây giờ tự nhiên mất tích. Lên sóng 2W nghe tiếng tiểu đoàn bạn rất rõ, chứng tỏ cự ly thật gần mà mãi vẫn chưa đến được vị trí hiệp đồng.

Tham mưu trung đoàn khỏi dùng bảng mật danh luôn. Cứ cầm trực tiếp tổ hợp nói chuyện thẳng với tiểu đoàn hỏi rằng có thấy cái đỉnh núi nhọn độc lập nào bên tay trái không? Cho trinh sát cắt hướng 45 xem có gặp cái đìa nước nào không??? Có đến một tá câu hỏi, gấp hai lần như thế để hướng dẫn nhưng mò vẫn hoàn mò. Sọt sẹt một lúc thì gần hết pin, phải lắp lố pin dự trữ. Tối mù thế này thì trông thấy cái gì?

Lại nói chuyện ban sáng. Anh Sơn trung đội trưởng trinh sát (không phải anh Sơn “big” D trưởng đang đi viện) cũng là một tay kỳ cựu đi đầu đội hình. Địa bàn cầm tay, hướng cắt đúng, các vật chuẩn địa hình lần lượt xuất hiện như dự tính. Ấy thế mà đi cả buổi lại lộn về vị trí cũ. Điều này không giải thích được! Cứ như bị ma làm. Một con cú lớn đến giờ kiếm ăn, lừ lừ liệng qua đầu chúng tôi lặng phắc, không một tiếng động, để lại một mùi hôi tanh lợm giọng. Tướng với quân lúng túng như gà mắc tóc, lao xao hết cả lên.

Trung đoàn sốt ruột không chờ nữa, lệnh tiểu đoàn 5 đụng địch thì đánh ngay. Vừa dứt câu lệnh thì tất cả giật mình vì tiếng súng 12,8 nổ ầm ầm. Đạn vạch đường, chớp B.40 nhoang nhoáng sáng một góc rừng. Tiểu đoàn 5 đã nổ súng. Chúng nó ở ngay trên đỉnh đầu chúng tôi, hai đơn vị chỉ cách nhau chưa đầy một km. Một thằng ngu nào đó không chờ lệnh thống nhất qua thông tin, bắn ba phát đạn vạch đường lên núi bắt liên lạc

. Do quá gần nhau nên bọn tiểu đoàn 5 tưởng chúng tôi là địch đánh từ dưới lên. Lập tức, hai khẩu 12,8 quay nòng bắn thốc xuống chân núi. Đạn lửa chớp cứ giần giật. Có những viên xuyên qua cây văng lung tung hình chữ chi phụt lửa lằng ngoằng Cũng may là sườn dốc, chúng tôi chúi cả vào sát chân nên không ai bị dính. Lính tiểu đoàn 4 hét lên như di nhưng mấy thằng điếc ấy đâu có nghe tiếng. Bọn DK đại đội 4 nổi xung đòi giá súng bắn “bắt liên lạc” lại vài trái chắc chắn bọn trên núi nhận ra ngay! Ai còn lạ gì tính khùng của thằng Mẫn A trưởng khẩu đội này. Không can có khi nó làm thật!

Đã có lần ở phum dừa cụt nó đã định ăn thua đủ với thằng Dung cối cũng vì chuyện bắn nhầm. Ta với ta mà còn điên với nhau như thế huống chi là địch. Trong chiến trận, đôi khi bản năng mách bảo hành động. Thế đấy! Được trung đoàn thông báo, bọn tiểu đoàn 5 thôi bắn xuống. Nhưng tiếng súng trên đỉnh núi vẫn đùng đùng đến khuya.

Mọi vật trở nên rõ ràng sáng sủa trong ánh ban mai. Khi được mở đáp án thì bài tập nào cũng dễ. Nấu cơm sáng ăn xong, quay trở lại hướng đi hôm qua chừng nửa cây số, chúng tôi thoát qua được cánh rừng mây và bắt đầu leo lên. Mấy cô tù binh (bây giờ chẳng biết gọi họ thế nào) vác đạn và gánh cối đỡ cho bọn vận tải. Vừa đi vừa chí chóe với mấy thằng lính ta cứ như dân công hỏa tuyến thời kháng chiến.

Bố Thành chính trị viên tiểu đoàn (thay anh Thưởng) trông thấy chướng mắt quá gọi lính lại càu nhàu một lúc nên chúng nó mới thôi. Đang leo thì mấy chị ấy dừng lại, bỏ gánh cối tạt vào bụi. Mấy đứa được giao nhiệm vụ trông coi tù binh không biết làm thế nào cũng đành phải rúc theo, sợ chúng nó chuồn mất. Khi tất cả quay lại đội hình thì bị mấy cha lính cũ đã có vợ rồi phỏng vấn sát sạt. Bôi bác đùa dai quá đến mức bọn kia tức quá suýt đánh nhau…Gần trưa thì chúng tôi lên đến mỏm 2.

Một vùng quang đãng với bình độ thoải nằm gọn trong tầm mắt. Mỏm 2 và mỏm 1 nơi tiểu đoàn 5 đánh vào đêm qua chỉ cách nhau 1,5 km, với đường tụ thủy là một khe suối hẹp. Hơn chục xác địch nằm rải rác trong các lán lá, cạnh nguồn nước…Đêm qua tiểu đoàn 5 đã đánh tràn qua đây. Trong một cái lán có cả một cặp ngà voi to tướng. Của này mà tha về được cho ông già tiện một bộ quân cờ đánh chơi thì vô địch.

Tiểu đoàn 4 dừng chân tại đây để mở rộng truy quét sang các mỏm lân cận cùng tiểu đoàn 5. Đại đội 1 đóng quân ở mấy cái lán cạnh suối nhỏ. Lính ta phải khiêng mấy cái xác địch dọn ra chỗ khác chôn vì sợ ô nhiễm nguồn nước ăn duy nhất. Trên đường từ đại đội một về tiểu đoàn bộ cũng có hai cái xác địch nằm chình ình nằm gần trung đội 2. Bọn này lười không chịu lấp. Mấy ngày hôm sau nó sình lên hôi không chịu được đành mang xẻng ra vừa bịt mũi vừa chôn. Dưới tiểu đoàn bộ, mấy thằng lính vận tải cứ nhấm nha nhấm nháy với bọn tù binh suốt.

“Đơn vị phối thuộc” bất đắc dĩ này ở với lính ta thành quen, hoàn toàn không có ý định bỏ trốn. Mặt mũi cùng các chỉ số hình thể cũng không đến nỗi nào nếu như không muốn nói là trông được. Thế mới bỏ mẹ! Thành ra trung đội vận tải thì canh tù binh. Còn chính trị viên tiểu đoàn thì canh lính vận tải. Mệt với mấy ông tướng ấy quá!

Đêm cuối mùa mưa trên độ cao này rất lạnh. Tôi với thằng Căn nằm úp thìa trên sạp tre trong lán địch, đắp chung cả hai tấm đắp nhưng cũng không ngủ được. Gió và hơi lạnh luồn qua những khe hở dưới sạp cù vào sườn buốt giá. Dưới các trung đội lính không ngủ được vì rét, phải đốt lửa sưởi sát võng nằm cho ấm. Một lần, đang thiu thiu ngủ thì phía dưới trung đội 2, tiếng thằng Minh đen kêu toáng lên :”Địch vào! Em trúng đạn bắn tỉa rồi!”.

Cả đại đội nổ súng ầm ầm. Tôi ôm máy chạy như biến ra khỏi lán đang đốt lửa vì sợ nó thổi B.40. Thằng Phượng bọ y tá chạy xuống b2 thấy Minh đen ôm ngực quằn quại đau đớn lắm. Nó hỏi bị thương chỗ nào thì thằng này thều thào chỉ ngay vào ngực. Đêm tối, không rõ vết thương ra sao. Phượng bọ cuốn băng thật chặt vào ngực nó rồi hô anh em cáng xuống quân y tiểu đoàn bộ. Đến nơi, lấy kéo cắt băng, bấm đèn pin soi kiểm tra mãi không thấy vết thương đâu. Chỉ có một chỗ tấy và hơi rớm máu.

Thì ra chúng nó bẻ đạn nhóm lửa sưởi,vất cả cát tut vào trong đống than. Chắc cái hạt nẻ nó nổ văng vào. Lúc trở về đại đội, nó bị mấy thằng khiêng chửi quá trời. Gặp nhau bây giờ chúng tôi nhắc lại vẫn còn quê độ. Hôm sau lại xảy ra một chuyện ly kỳ không kém. Lúc buổi chiều tối, đại đội 1 bắn thử đạn cối. Thằng Dung cầm quả đạn thả vào nòng. Tiếng đề pa nghe “phọp” một cái.

Quả đạn cối 60 vọt ra khỏi nòng, bay cao khoảng 20m, lúc lắc cái đuôi rồi cắm xuống đúng vị trí trung đội 3. Bọn này vừa ăn cơm vừa nhìn xem bắn thử thấy thế quăng bát chạy tóe ra. Quả đạn nổ cái “rầm!”. Thằng Thành bị một miểng trúng mông mừng hơn cưới vợ. Mọi người xúm lại khẩu cối xem xét. Đứa thì đổ cho đạn, đứa đổ cho liều…Anh Lược lẳng lặng đến xách khẩu cối dốc ngược xuống. Nước trong nòng đổ ra òng ọc, đen sì. Cơn mưa ban sáng không đứa nào đậy nòng mới đến nông nỗi đấy. Riêng cái thằng Dung này cực kỳ vô duyên, toàn chơi quân mình vố nào ra vố đấy. Gọi là Dung “kỳ đà” cũng chẳng oan!

Sửa bởi Mưa_Trường_Sa : 20-07-2010 lúc 08:55 AM




Nằm tại núi 701 gần một tuần, sau khi tổ chức lùng sục thêm không có kết quả, tiểu đoàn 4 rút quân sau khi đốt sạch những thứ gì đốt được của địch trên đỉnh núi. Kết thúc một cuộc hành quân toàn những chuyện vớ vẩn và vô duyên. Sớm tinh mơ ngày lên đường, trong khi tiểu đoàn cùng các đại đội chuẩn bị hành quân thì một tiếng nổ thật căng xé tan sự tĩnh lặng của rừng núi.

Anh Thào lập tức kêu 2w gọi ngay xuống các đại đội. Tất cả đều nghe tốt. Chỉ có đại đội 1 là không trả lời. Một linh cảm xấu làm tim tôi thắt lại. Mày làm sao thế Tuý ơi? Chiều hôm qua, lúc thu dây về tiểu đoàn bộ, tôi và anh Ky còn gặp nó ở chỗ hai thằng địch chết đầu b2. Nó đi lĩnh pin về đại đội, gặp chúng tôi còn nhe răng cười…Anh Nhương giằng lấy tổ hợp máy tiểu đoàn của thằng Mạnh. Hết gọi “Bến Cầu- Bến Cát 01 !” lại gào lên trực tiếp :”Tuý đâu? Tuý đâu? Tuý ơi…!”.

Truyền đạt vừa kịp chạy đã thấy lính đại đội 1 võng hai võng đẫm máu về tiểu đoàn. Thằng Tuý và anh Quang râu chính trị viên đã hy sinh. Hai anh em đi tè chuẩn bị lên đường thì thằng Tuý đá mìn. Quả mìn KP.2 địch gài từ trước, sau khung nhà cháy, cạnh hòn đá lớn bìa rừng cách chỉ huy sở đại đội 1 chỉ khoảng gần 10m.

Tôi và anh Ky cũng thường xuyên ra đấy tè bậy khi trực máy hữu tuyến ở đại đội 1, nhưng chẳng hiểu sao lại không vướng. Anh Quang bị thương hôm đại 1 mất chốt hồi tháng tư, đi viện rồi được giải quyết về phép, mới cưới vợ xong. Còn thằng Tuý người huyện Ý Yên, Hà nam ninh, học sinh chuyên văn hẳn hoi. Nó có thể đọc thuộc lòng từng trích đoạn “Đi săn” trong “ Chiến tranh và Hoà bình” không hề vấp váp.

Bảng mật danh mới trong khi chúng nó ôm đầu vã mồ hôi hột cố mà thuộc thì nó chỉ vài hôm là làu làu…Quả mìn quá ác nghiệt! Những người anh, người đồng đội quá thân thương! Thằng Đồng Huế liên lạc khóc ồ ồ như cha chết, ôm khư khư cái túi mìn đựng đồ của anh Quang. Tôi nghiến răng lại nhưng nước mắt vẫn cứ giàn giụa…Chỉ còn anh Thành chính trị viên tiểu đoàn là còn bình tĩnh, bảo anh em lau mặt rồi quấn băng lại cho liệt sĩ thật cẩn thận, đừng để máu chảy ra nữa...


Bầu trời cao điểm 701 có xanh như bầu trời Austerlitz không Tuý ơi…!???

Trở về ga Bâmnak, tôi lên cơn sốt. Chỉ thấy lúc nóng điên người, lúc thì lại gai gai lạnh nhưng không thấy run cầm cập rung cả võng như chúng nó. Hai hôm đầu được nghỉ truy quét, tôi còn cố gắng gượng dậy lần ra con đập nhỏ ngay cạnh chỗ dừng chân tạm của tiểu đoàn bộ xem thằng Hải cụt câu chạch. Đến hôm thứ ba, tôi quỵ hẳn. Nằm li bì trên võng từ sáng đến đêm, người nóng hầm hập.

Khi lấy cơm về trung đội, anh Nhương hết dỗ lại chửi giục tôi xuống ăn. Nhưng ngồi dậy với tôi lúc đó cũng còn khó chứ nói gì đến ăn uống. Thằng Tuý hy sinh, tôi lăn đùng ra ốm, trung đội thông tin thiếu người nghiêm trọng. Bấy giờ anh ấy lùa thằng Mạnh tiểu đội trưởng 2W xuống đi với đại đội 1. Còn chính anh ấy phải khoác máy đi theo chỉ huy tiểu đoàn. Lâu không làm máy, mật danh thì không thuộc, tậm tà tậm tịt nên nghe ông Thào chửi thả dàn.

Anh ấy sinh ra bẳn gắt như mắm tôm. Cứ chiều tối, sau khi đi càn về là anh ấy lại ngồi ngay đầu võng tôi. Hỏi thăm hỏi nom thì ít, càu nhàu than vãn thì nhiều. Mà tôi có nghe thấy anh ấy nói cái gì đâu! Cái võng tôi mắc hơi chùng cạnh bờ suối, nằm rất khó chịu nhưng chẳng còn hơi đâu mà mắc lại. Tôi đùn ra cả cõng cũng chỉ đủ sức nhỏm dậy lấy cái quần đùi bẩn lau qua rồi thả nó trôi luôn theo suối.

Mọi giác quan, mọi xúc cảm gần như tê liệt. Cứ nằm thiêm thiếp, mắt thì he hé lúc nhắm lúc mở nhìn vào một điểm vô định. Chẳng thấy thương cha, không thấy nhớ mẹ gì hết nữa! Địch giá có đánh vào tận nơi có khi tôi cũng mặc mẹ nó…Thành thử anh ấy có lầu bầu cáu kỉnh thì tôi cũng chỉ coi như con nhện con ruồi cáu mà thôi!

Sau ba ngày sốt (bây giờ tôi vẫn nghĩ là không phải sốt rét. Vì sốt rét thì tôi lại bị ngay tại nhà mình, lên cơn ngay giữa lòng Thủ đô nên không lạ. Chuyện này nói sau!), tôi hoàn toàn không ăn được gì, chỉ uống nước cháo cầm hơi. Sáng ngày thứ tư, thằng quân y tiểu đoàn (quên tên – đang hỏi lại) xuống kiểm tra giật mình thấy tay tôi thõng ra khỏi võng. Trên mặt đất là những viên thuốc nó phát cho tôi chiều hôm trước chưa kịp uống rơi tung toé. Bấu vào người gần như không có phản ứng. Hoảng hồn! Nó chạy sang vận tải hô cáng tôi lên bệnh xá trung đoàn.

Đêm hôm ấy ở K.23, tôi lơ mơ cảm thấy có người đo huyết áp cho mình. Một lát sau lại có thêm người đến nữa. Huyết áp tụt không đo được. Các anh ấy lấy ven truyền nước. Huyết thanh làm tôi cũng tỉnh táo dễ chịu hơn. Sáng hôm sau, tôi được đưa lên xe tải, cùng với mấy thương bệnh binh nữa về viện 97 của sư đoàn. Một trung đội công binh của đại đội 19 tháp tùng xe ra đến phum “rừng thị” rồi lại đi bộ trở về.

Sư đoàn bộ sư đoàn 9 thời gian này đóng ở sân bay Kampong Ch’nang. Viện 97 nằm sát ngay thị xã, trong một cái phum cũ phía đông sư bộ. Tuổi còn trẻ nên tôi phục hồi sức khoẻ nhanh chóng. Dứt đợt sốt, đến kỳ ăn trả bữa. Lúc nào tôi cũng thấy đói. Tôi với thằng Trung - dân Sơn Tây, lính trung đoàn 3- cứ lân la xuống bếp nhặt rau mổ cá giúp bọn anh nuôi để được chúng nó chia thêm cơm hoặc cháy. Thị xã Kampong Ch’nang nằm ngay bờ Tonle Sap nên cá là thực phẩm chủ yếu. Chiều thì leo mấy cây lêkima quanh chỗ ở, hái những quả vàng gần chín.

Lấy dao nhọn khoét những lỗ nhỏ gần cuống quả xong, nhét vào mấy hạt muối, quả sẽ rất mau chín. Sau những bữa cơm, chúng tôi dessert bằng thứ quả đã qua xử lý đó. Tuy mồm miệng lúc chén xong dính bột quả có hơi giống vừa ăn…lòng đỏ trứng gà thật. Nhưng hề gì! Rất ngọt và ngậy bùi. Với lại việc lấp đầy cái dạ dày hình như lúc nào cũng rỗng mới là việc quan trọng nhất.

Đôi khi chúng tôi đi nhờ xe bò của dân ra thị xã chơi. Cuộc sống hậu phương bình thường đã dần dần trở lại. Tiền Riel của chính phủ mới đã được phát hành nhưng tiền Việt cũng rất thông dụng. Rõ ràng lính Việt cũng là một bộ phận của xã hội mới. Kampong Ch’nang nhỏ nhắn và yên tĩnh, khiêm nhường nép mình dưới những hàng phượng tây xanh mát. Kiến trúc nhiệt đới của các công thự theo phong cách Pháp còn chưa bị lai căng.

Trên những đường phố lớn, hàng đoàn xe bò đủng đỉnh lăn bánh về phía chợ bờ sông. Những cặp bò vừa đi vừa bĩnh phùm phụp ra đại lộ, vừa khinh khỉnh nhìn những chiếc xe Renaul, Peugeot hay Citroen nước sơn còn khá tươm, nhưng bị tháo tiệt cả đệm lẫn bánh, nằm gí bên đường. Hẳn là chúng nó bằng lòng với sự độc quyền của mình nên thỉnh thoảng lại rống lên rất hãnh tiến.

Đúng là ngu như bò! Hàng chùm ống nước thốt nốt ngọt, nước thốt nốt chua treo lủng lẳng trên cột đèn cao áp, trên những hàng rào gang đúc. Bằng cách nào đó, hàng tiêu dùng Thailand theo chân những thương lái người Tàu đã bắt đầu xuất hiện. Thuốc lá Samit, thuốc lá Ba con một, kem đánh răng Hynos, vải vóc. Nhưng đắt hàng nhất phải kể đến đủ loại dép tông. Tông hai quai đế dày, tông màu gan gà xỏ ngón…

Các cô gái mới từ phum ra thử dép, ngón chân cái toè ra đen sì, ngượng ngập kẹp vào cái cuống quai lắc lắc. Thấy chúng tôi ngắm, họ đẩy vai nhau cười rũ rượi rất hồn nhiên. Tôi kéo thằng Trung lại gian hàng mơ ước của tôi. Một tủ kính sáng trưng bày đủ các loại đồng hồ đeo tay các nhãn Rado, Citizen, Orient hoặc Seiko…Giá mỗi chiếc là 3 chỉ vàng.

Giá hồi đó tôi không nộp lại vàng cho cán bộ chính sách trong trận bắt hụt Tàmok thì bây giờ có phải đã đổi được cái đồng hồ nữ xinh xắn kia, làm quà cho con em gái. Khi trở về còn có cơ hội nói phét rằng tao đã tránh được nhát lê của địch trong một trận giáp lá cà. Khử nó xong thu được cái đồng hồ chiến lợi phẩm này…Than ôi! Vét sạch tiền Việt trong túi, hai thằng chỉ đủ mỗi đứa một ly đá bào trộn đường thốt nốt và hạt é pha màu xanh đỏ.

Một chiếc xe vận tải cỡ nhỏ màu trắng in hình biểu tượng của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) đậu ở gần chợ. Trên thùng xe chở gạo và các cô gái rất xinh đang cười đùa như nắc nẻ. Có lẽ họ là người nước ngoài đến đây làm công tác tình nguyện cứu trợ. Trông thấy hai thằng tôi họ im bặt, cứ như nhìn thấy quái vật. Họ hiểu bọn tôi như một lũ xâm lược hoặc người rừng chăng?

Tôi nhìn lại mình qua tấm kính hàng xe nước đá. Một mớ tóc lưa thưa do rụng gần hết vì sốt, úp lên một gương mặt dãi dầu xanh tái. Bộ quần áo màu xanh sỹ lâm tự khâu lấy thật vụng về và đã toả mùi mồ hôi chua chua do lười giặt. Tôi nhìn vào đôi mắt tôi trong tấm kính ấy! Thấy gì đâu hả anh lính tình nguyện? Một nỗi hờn giận điên cuồng vô cớ bùng lên. Tôi bật đứng dậy, thẳng tay đập tan cái ly xuống vỉa hè. Tất cả xung quanh đều im phăng phắc. Tôi ném tất tiền vào cái khay rồi kéo thằng Trung về.

Có những vỉa hè, như vỉa hè này đã cách đây không lâu, chún
g tôi đi học giữa hai hàng sấu rắc đầy hoa trắng.

Tại vườn hoa cạnh sân vận động thị xã Kampong Ch’nang buổi sáng hôm ấy có hai người lính ngồi chờ xe để trở về đơn vị. Chẳng nói thì các bạn cũng biết. Đấy là tôi và thằng Trung. Hai thằng cùng được ra viện một ngày. Chờ suốt từ sáng đến gần trưa mà chỉ thấy xe xuôi Ph’nom Penh, không thấy xe ngược.

Bụng đã hơi ngon ngót. Tôi quay sang bảo thằng Trung :”Lần này mà lại gặp xe xuôi nữa thì tao với mày đi về nhà!”. Rất tự nhiên, nó đồng ý cái rụp. Cứ như là nếu không ăn cơm thì ăn cháo vậy! Thế đấy! Có những quyết định quan trọng thì tôi lại xử lý rất bản năng và nhanh chóng.
Và lần này thì lại thấy xe xuôi. Tiếng động cơ rền rền như tấu lên Symphony số 5 của Beethoven. Đúng là Định Mệnh rồi! Vì nếu có xe ngược thì chắc chắn chúng tôi sẽ trở về đơn vị. Có một xúc cảm hồi hương mơ hồ rộn ràng thoảng qua trong trí não. Nào! Bây giờ thì mình đi về nhà! Không một chút lưỡng lự, tôi giơ tay vẫy. Đoàn xe ba chiếc dừng lại ngay. Anh lái xe đứng tuổi chạy xe đầu thò cổ ra hỏi giọng Quảng Ngãi hơi khó nghe :” Các em đi đâu?”. “Về Việt nam!”. “Lính sư mấy?”. “Sư 9!”.” Ra viện à? Chơi nhau được không?”. Chẳng ai bảo ai, tôi với thằng Trung cùng thè lưỡi ra.

Tôi chỉ tay xuống vết sẹo dưới chân. Anh lái xe bật cười, mở ca bin lấy hai khẩu AK đầy nhóc 2 băng đạn, vứt cho bọn tôi rồi chỉ tay lên thùng. Chúng tôi leo lên ngay không khách khí. Các bố này thấy có lính chiến đi nhờ xe thì rất khoái, yên tâm hơn hẳn trong trường hợp bị phục kích.

Mấy chiếc xe chạy lòng vòng rồi đỗ lại một quán ăn ba Tàu gần chợ. Anh tài xế nhe răng cười :” Ăn đã chú em!” rồi lôi bọn tôi vào quán. Mấy thằng thương binh chưa ra viện đi chợ thị xã chơi thấy thế xúm vào nhao nhao hỏi :”Phé à?”. Tôi gật đầu xác nhận. Thế là thằng Nghĩa Hải Hưng d5 trung đoàn 2, thằng Đực và mấy thằng lính Bến Tre bên trung đoàn 1 (không còn nhớ nổi tên) lộn túi còn bao nhiêu tiền gom vét lại đưa cả cho tôi.

Anh Tư tài xế Thấy vậy thương quá kéo tuốt cả bọn vào trong quán chiêu đãi mỗi thằng một đĩa cơm chiên to sụ. Lại thêm hai lit rượu nữa. Cơm rượu xong xuôi lúc anh Tư đứng dậy thanh toán thì bị thằng Đực kéo tay lại. Nó móc ở bụng ra quả da láng loại tức thì đặt cái cốp lên mặt bàn rồi bảo cha chủ quán ba Tàu :”Các anh đây bỏ xương bỏ máu mà chưa có dịp tính tiền. Bây giờ các anh ấy vội về.

Tui cứ đặt tạm trái da láng này ở đây làm tin! Thanh toán sau!”. Mẹ cái thằng Lỗ Trí Đực này uống vào bầy hầy quá! Trò xưa như Trái Đất! Thấy cha chủ quán mặt xanh như đít ếch, nó càng sấn lại làm già. Tay nó rút chốt cái phựt rồi quăng sang bên kia đường. Tay kia bóp cái mỏ vịt cứ dúi vào bụng chủ quán. “Này! Cầm lấy!”. Cha này lạy như tế sao. Lúc đó nó mới cười hề hề rồi thò tay vào túi, móc ra một cái chốt khác cắm vào chỗ cũ. Kiểu đùa quá trớn kinh chết mẹ! Đến lúc này, khi anh Tư đưa tiền cha chủ quán cũng dứt khoát không nhận nữa, với lý do ủng hộ bộ đội Việt nam. Thằng này lại trừng mắt lên doạ, cha ấy lại vội vàng cầm lấy tiền.

Bỡn cợt nhau như thế để làm gì hả mày? Với người này nó chỉ là trò đùa vô thưởng vô phạt. Với kẻ khác nó là sự tổn thương khó mà xoá bỏ. Chiến tranh chẳng phải trò đùa! Chua chát lắm…!
Sửa bởi Mưa_Trường_Sa : 20-07-2010 lúc 08:59 AM









Và bây gìờ thì lên đường. Đã gần một năm trôi qua, trở lại con đường này với biết bao điều thay đổi. Con đường vẫn thế, đầy những ổ gà ổ trâu nên xe chạy chậm. Hành trình trở về khiến chúng tôi hưng phấn. Hai thằng cứ đứng bám thành xe háo hức ngó quanh. Đây ngã ba lộ 27 rẽ vào ga Rômeas, điểm đầu tiên của một đường khép kín với chu vi hàng trăm km mà tôi đã đi qua và bây giờ gặp lại.

Cung đường đó đã thấm biết bao mồ hôi và máu của những người lính cùng đơn vị. Phía xa xanh trong rừng núi kia, trung đoàn tôi đang hành quân về đâu? Đánh địch ở nơi nào? Anh Nhương, anh Ky, thằng Mạnh, thằng Ban trố…đang làm gì? Đeo máy đi với đại đội hai hay đại đội một? Những ai còn và ai đã mất? Một cảm giác ân hận khiến tôi cúi đầu xuống vuốt ve khẩu súng.

Mùi thép lạnh, mùi dầu luyn và hơi thuốc súng vẫn còn như phảng phất ở đầu nòng. Bỗng dưng, tôi thấy nhớ đơn vị. Nhớ cái “gia đình” của toàn những thằng đực rựa đôi khi chẳng tiếc nhau gì mạng sống. Đôi khi lại lao vào tẩn nhau chí tử chỉ vì một câu bôi bác quá lời…Đến đây chắc sẽ có bạn bảo tôi là thằng nói láo! Nhưng nó thế đấy! Không giải thích được vì tôi không phải chuyên gia tâm lý.

chết thật! Nhớ nốt cả cái mùi ngòn ngọt đăng đắng của liều phóng, mùi thơm hắc của thùng đạn mới khui. Nhớ tuốt…! Nhưng nỗi nhớ mẹ, nhớ em còn lớn hơn. Bây giờ lớn “nhơ nhỡ” rồi, không biết “nếu thời gian có quay trở lại” thời đó thì tôi sẽ xử lý như thế nào?
Đến Ô Đôngk, chiếc xe ngoặt vào một con đường nhỏ rồi dừng lại trước một cái quán. Phụ xe nhảy lên, nhờ chúng tôi giúp một tay lăn xuống phuy dầu. Thùng dầu nhanh chóng mất hút trong gầm sàn quán.

Đây là mánh của mấy ông tài xế. Chắc đây là mối ruột của anh Tư nên mọi sự không cần nhiều lời. Chỉ một loáng, đoàn xe lại lên đường. Đến Ph’nom Pênh thì trời đã tối. Thủ đô lác đác có những đường phố có điện. Những hàng ăn bơm đèn măng sông sáng trưng. Anh Tư lại kéo cả đoàn đi ăn.

Chúng tôi chén xong, mắc màn ngay trên thùng xe đi ngủ ngay. Đội tài xế kéo nhau đi uống cà phê sau khi thảy cho hai thằng tôi gói Samit. Nằm duỗi dài khoan khoái phì phà khói thuốc, tôi thầm tự bằng lòng với cung Di trong bảng tử vi của mình. Đi đâu cũng có quý nhân phù trợ.

Đoàn xe vượt cầu Sài gòn (Mô ni vông) lúc mờ sáng. Chú lính kiểm soát quân sự ngái ngủ chống cằm trong trạm nhìn theo chúng tôi. Thế là thóat một trạm! Đây rồi khu vườn sabôchê nơi tiểu đoàn 4 chốt gần Tết năm ngoái. Những ngôi nhà sàn cắm chân trên những đìa nước sâu hoắm không bao giờ cạn nước kể cả mùa khô. Phà Niek Luong dào dạt sóng, Kampong T’ra Bêch xanh mát và trù phú. Kia là cái nhà sàn buổi trưa chờ xe sư đoàn năm ngoái tôi đã leo lên đánh một giấc…S’vây riêng, cầu Prasaut, ngã ba Chi phu…


Càng gần về đến Việt nam, chúng tôi càng sốt ruột. Mà xe thì cứ chạy chậm như rùa bò. Cuối cùng thì trạm kiểm soát biên giới cũng hiện ra. Lúc đó đã quá trưa một chút. Tôi hồi hộp quá. Nếu quân cảnh có kiểm tra thì tôi sẽ trình giấy ra viện, giấy cung cấp tài chính. Thời hạn còn những hơn một tháng nữa cơ mà! Cứ bình tĩnh nào! Anh Tư xuống trình giấy tờ gì đó. Người lính gác biên nhìn giấy, nhìn lên hai thằng lính khoác súng đứng trên thùng xe rồi khoát tay cho đi. Ôi trời…! Thoát rồi! Còn mỗi trạm Suối Sâu nữa thôi!

Bốn giờ rưỡi chiều hôm đó, chúng tôi chia tay anh Tư ở ngã tư Bảy Hiền. Đã hàng chục năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in gương mặt và giọng nói của anh. Có những con người chỉ gặp một lần thoáng qua, thậm chí còn chưa hề nói chuyện nhưng đôi khi ta vẫn nhớ mãi cái khoảnh khắc ấy, đôi mắt ấy. Huống chi là đã là ân nhân, đã đi chung với nhau một quãng đường dằng dặc. Chẳng biết bao giờ mới gặp lại nhau!

Chúng tôi nhảy xe lam về nhà bác thằng Trung ở cư xá Lữ gia quận 11. Hai thằng lính ở rừng về chìm ngỉm trong cái tấp nập nao nức chuẩn bị đón Tết Nguyên đán của một thành phố sầm uất nhất nhì Đông nam Á. Hai bác đón chúng tôi với sự điềm tĩnh và phải phép của dân miền Bắc đặc trưng. Nhà có hai cô con gái trạc tuổi nhưng tôi vẫn gọi bằng chị theo thằng Trung. Các chị ấy vừa đi họp Đoàn phường về. Cứ ríu ra ríu rít hỏi chuyện bọn tôi suốt. Tiếng Bắc pha tiếng Nam nghe hay đáo để.

Lâu không nghe tiếng con gái Việt nên tôi mặc kệ thằng Trung thao thao bất tuyệt. Còn tôi thì im lặng nghe các chị ấy nói. Sau khi biết lý do chúng tôi về Sài gòn và dự định ra Bắc, các bà đoàn viên kiểu mới này lập tức lôi bài Tây ra bói. Quẻ hiện ra lồ lộ trên mặt bàn. Con K pích và con 7 pích này không hứa hẹn điều gì tốt lành cả. Còn Q rô đây sót lại một niềm vui nho nhỏ.

Thế thôi! Tóm lại là chuyến đi lành ít dữ nhiều. Tốt nhất là chờ đợi đã! Cũng nhanh chóng như khi theo tôi về nước, thằng Trung đồng ý ở lại chơi Saigon vài bữa để đi sau. Đúng là đồ điên! Vừa mới về được vài tiếng đồng hồ đã dở chứng. Quyết định của nó càng củng cố quyết tâm của tôi. Và tôi sẽ lên đường, càng sớm càng tốt. Buổi tối hôm đó ăn cơm xong, tôi lảng ra phố một mình để cho gia đình nó nói chuyện riêng với nhau. Ngồi uống một ly rau má năm hào, tôi vừa nhẩm tính số tiền còn lại trong túi.

Có tám mươi đồng tất cả. Nếu chia đôi tôi sẽ chỉ còn bốn mươi đồng. Không đủ tiền mua vé tàu Thống nhất là đương nhiên. Lại còn tiền ăn uống trên tàu ba ngày ba đêm hành trình nữa (hồi đó tàu hỏa Nam Bắc chạy mất bảy hai tiếng). Tôi thở dài…Chỉ có thể khởi hành càng sớm càng tốt. Tình thế không cho phép trì hoãn thêm nữa. Tết đã đến sát sau lưng rồi!

Nghĩ là làm! Thằng Trung để hết tiền cho tôi rồi hẹn đi sau. Tôi ra chợ mua một cái áo thun dân sự mất hai chục đồng. Mặc luôn để tránh kiểm soát quân sự. Còn lại sáu chục đồng. Nói qua để các bạn dễ hình dung là sáu chục đồng hồi đó tương đương với 120 cái bánh mỳ không người lái (không có nhân) hoặc 45 bát phở. Tối hôm sau, tôi bắt xe lam ra ga Bình Triệu rồi nhảy lên tàu đi lậu vé.

Chọn một chỗ trống gần toilet, tôi đặt ba lô lên giá rồi quan sát xung quanh. Dưới gầm ghế, những sọt trái cây, những kiện hàng vải lấp đầy không có chỗ đặt chân. Bên cạnh tôi, chủ nhân của những kiện hàng xuyên Việt là mấy chị tuổi đã sồn sồn chuyện trò như pháo rang. Tàu rùng mình chuyển bánh rồi tăng dần tốc độ. Đường ke, nhà chờ, phố xá lùi lại loang loáng.

Đúng là “đưa nhau lên tàu về quê em thấy vui hơn” thật! Chỉ còn bảy mươi hai tiếng đồng hồ nữa là tôi sẽ gặp lại Hà nội, gặp lại những người thân yêu của tôi. Rình rình…! Kịch kịch…! Tiếng bánh sắt reo lên ù ù giữa hai làn ray, điểm nhịp đều đều những khi vượt qua những đoạn nối. Lập lách, tà vẹt, bù loong đinh ốc… tất thảy cùng ca lên bài hát hồi hương.

Có gì để nhớ về chuyến tàu này? Mấy lần trốn vào cái toilet hôi khủng khiếp để trốn nhân viên soát vé? Những suất ăn ngon lành do các chị, các dì buôn chuyến bao thằng em bộ đội khi nghe tôi kể hết sự tình? Phố biển Nha trang im vắng ngủ quên trong ánh đèn vàng vọt? Vầng trăng hạ tuần quạnh quẽ trên đỉnh Tháp Chàm đang trôi theo người khách độc hành lặng lẽ? Hay ga Sông lòng Sông, ga Mường Mán mưa đêm…?


Tàu vượt đèo Hải Vân một buổi sớm sương mù. Có cái gì đó thật thân quen như khẽ chạm vào da thịt khiến tôi rùng mình nhìn quanh. Thật dịu dàng lan tỏa, như là đã đến từ trong cảm thức sâu thẳm, rồi tràn ngập xâm chiếm không gian và xúc cảm… Tôi đã nhận ra rồi ! Xin chào người! Không khí quê hương Bắc Việt của tôi! Gió Mùa Đông bắc của tôi! Tôi nâng cửa sổ lên, hít một hơi thật sâu đầy lồng ngực bầu không khí lạnh ban mai còn đẫm hương rừng…Gió lùa vào trong cổ, gió lùa vào trong tóc, rồi vào trong mắt khiến tôi phải đưa tay lên dụi…

Hâm thật đấy! Chẳng nhớ gì lại đi nhớ gió! Chẳng hiểu các bạn có bao giờ nhớ gió hay không?

Suốt từ ga Nam Định về đến ga Hàng Cỏ, tôi cứ nghển cổ ngó ra ngoài. Đồng đã cấy xong gần hết. Sương chiều mùa đông mỏng và nhẹ như tấm voan trắng đục, dịu dàng quấn chân những rặng tre. Đây ga Bình Lục, nơi chúng tôi tắt đồng từ đơn vị huấn luyện ra, nhảy lên toa chở đá trốn về nhà ba ngày sau khi được phát quân trang. Mặc trên người bộ quần áo lính hồi đó về để lấy le với mấy đứa bạn gái cùng lớp.

Bộ quân phục (dù mới tinh) giống như một khẳng định rằng anh đã có một cuộc đời phong trần và lãng mạn lắm! Khổ thân! Mới 18 tuổi đầu đã biết gì đâu? Ở nhà có khi mẹ vẫn phải giặt quần đùi hộ. Thế mà ra đường vào quán ngênh ngáo bất cần lắm! Rút điếu thuốc đang cắm ở miệng ra, vảy tàn thật điệu nghệ, viết vào không gian hai chữ: ”…Biển … Nhớ …” rồi quay sang hỏi cô bạn gái đang mắt tròn mắt dẹt bên cạnh rằng đấy là chữ gì? Còn mồm miệng cố giữ vì suýt chết sặc khói thuốc…

Đây ga Phủ Lý, nơi buổi chiều ngày 18/11/1978, chúng tôi lên tàu vào Nam đi chiến đấu giữa hai hàng vệ binh lê tuốt trần. Bố Trung (lạy trời người vẫn mạnh khoẻ!) - bố của Tuấn Anh (c1-d4-e2) vốn làm tại phòng điều độ ga Hà Nội biết có đoàn tàu quân sự đón quân ở ga này, nên theo tàu vào tận nơi để kịp giúi cho mỗi thằng thêm ít tiền lộ phí.

Và cũng để lần cuối cùng trông thấy những đứa con có thể không bao giờ gặp lại nữa… Những ga xép, những cột tín hiệu đường sắt, con đường nhựa loáng nước vùn vụt trôi qua. Đã giăng giăng cả một trời mưa bụi, Lửa đèn, bếp đỏ nhoè dần trong buổi chiều ướt, trôi trong màn mưa mênh mông…

9 giờ 30 tối, con tàu mệt mỏi lừ đừ trườn vào ga Hàng Cỏ rồi dừng lại. Tôi xuống tàu, đi ngược lại phía hẻm phố Sinh Từ tránh cửa soát vé. Con hẻm này rất nguy hiểm vì nó cực hẹp, nơi bất cứ lúc nào cũng có thể có tàu chạy qua. Lúc đó kể như rồi đời! Chỉ có dân buôn lậu thông thuộc giờ tàu mới biết được đường này. Thoát ra khỏi con hẻm tăm tối đó, tôi đặt chân lên vỉa hè Hà nội, ngửa mặt nhìn ngọn đèn đường giăng mờ mưa bụi rồi ngơ ngẩn cười.

Hẳn là nụ cười của tôi lúc đó ngô nghê giống hệt nụ cười của thằng Nhạ đại liên, khi nó sờ sờ tay vào cái lỗ thủng trên vành mũ bị đạn xuyên qua! À ra không thể tin được thì người ta cười! Mọi sự cứ như mơ! Cách đây đúng một tuần, tôi đang còn nện “dép” trên vỉa hè Kampong Ch’nang, chờ xe trở về đơn vị…

Phố mùa đông buổi khuya vắng vẻ. Dưới một gốc cây bàng, bà hàng ngô nướng đang nhanh tay quạt. Mấy người khách bu quanh hơ tay trên ngọn than hồng. Mùi thơm thật quen lan toả trong không gian tịch lặng. Lạnh run cầm cập, tôi kéo dựng cổ áo lên, khoác ba lô đi men theo cầu đá Phùng Hưng. Trèo đèo lội suối đã quen, bước chân anh lính chiến trên vỉa hè quê hương sao chuệnh choạng như say thế này? Phố vẫn phố, cây vẫn cây mà sao như nhỏ bé hơn? Hay bởi anh nhìn không gian rộng đã quen? Hay bởi thành phố đang thu chật lại, ôm lấy đứa con phiêu linh trở về?


Cổng nhà mình đây rồi! Ánh đèn ấm áp hắt mấy vệt qua khe cửa. Tôi đặt ba lô xuống bậc tam cấp, ngồi phịch xuống rút một điếu thuốc ra hút, lặng lẽ so vai chống cằm nghe tiếng giọt gianh tí tách. Hết điếu thuốc, tôi đứng dậy, sờ sờ cái nút đến chừng nửa phút trước khi bấm chuông.
Và vỡ oà trong nước mắt…!

Một cái Tết hậu phương thật đầm ấm. Tôi đến thăm nhà từng người đồng đội cùng đơn vị kể chuyện, thông báo tình hình. Tất nhiên là thằng nào cũng khoẻ như trâu cả! Mọi người mừng hú! Đến nhà nào các cụ cũng giữ lại ăn cơm, chiêu đãi thằng con (chắc là đói khát - trông mặt thì biết!) vừa ở chiến trường ra.

Có những câu chuyện có khi phải kể lại đến cả chục lần, hôm sau vẫn bị gọi đến hỏi lại :”Mày thấy nó như thế nào? Gặp ở đâu?”. Có bác gái còn hỏi :“ Thế các con ăn bằng thìa hay bằng đũa?”,”Có xà phòng giặt không?”, thậm chí: “Đi đồng khi đang đánh nhau thì chúng mày làm thế nào?”. Tôi phải trả lời cả tỷ bài sát hạch như thế. Lần nào cũng như lần nào, các bà mẹ cũng đưa tay chấm mắt. Khổ quá! Mới rời tí mẹ, ở nhà còn tranh ăn với em mà bây giờ đang giữa trời đạn lửa, xa lắc xa lơ tận u tì quốc thế kia..!

Rồi Tết cũng nhanh chóng trôi qua. Cái gì ngon cũng thường nhanh hết! Thế mới lạ ! Lông bông mãi rồi cũng chán. Ở hẳn nhà thì biết làm gì? Gạo và thực phẩm thì ăn ké gia đình. Hồi đó thời bao cấp, toàn dân ăn gạo sổ, thịt phiếu, nước mắm bìa… Chẳng có một đơn vị kinh tế hay xã hội nào chấp nhận một thằng lính tuột xích hết. Ông tổ trưởng dân phố và công an khu vực thỉnh thoảng lại sang thăm, hỏi sao cháu về phép lâu thế? Xỏ xiên phết! Thực ra thì họ biết tỏng!

Đấy là họ còn nể gia đình truyền thống Cách mạng của tôi lắm đấy! Chứ không thì gọi lên tiểu khu (phường bây giờ) làm việc lâu rồi. Phải lên đường thôi!
Tháng 4, khi đang chuẩn bị trở về đơn vị thì tôi lên cơn sốt rét. Lần này thì đúng là sốt rét thực sự. Buổi chiều, tự nhiên người thấy ngây ngấy rồi ớn lạnh. Cơn rét kéo đến rất nhanh, người cứ run cầm cập. Tôi lôi tất hai cái chăn bông ra quấn vào người mà vẫn rung bần bật trên giường.

Cô em út mới mười tuổi, cùng bạn nó đến chơi thấy thế cuống quýt chạy quanh, không biết làm gì. Tôi ra hiệu cho chúng nó ngồi đè cả lên người mà vẫn không hết run. Một lúc sau, cơn run hết dần, nhường chỗ cho cơn sốt nóng. Nóng từ trong nóng ra, nóng vã mồ hôi hột. Trán bỏng cứ như lò than hồng. Lúc này chúng nó phải lấy cả chậu nước lạnh, dấp khăn mặt vào đấy, thay liên tục đắp lên trán tôi. Nhìn mặt thằng anh tái dại, con này cũng xanh xám mặt mày rồi khóc.

Nó chưa từng thấy sốt rét bao giờ. Nay được chứng kiến con bệnh điển hình, khỏi cần tưởng tượng qua Giáo khoa thư lớp 4. Sau khoảng hai tiếng đồng hồ chui qua “nước lạnh và lửa đỏ” tôi thẫn thờ ngồi dậy. Người tỉnh táo dần, tôi thay cái áo ướt đẫm, lau qua người rồi tót ra ngoài đường. Mấy thằng cùng lớp, chẳng hiểu sao lại không phải đi bộ đội đang ghếch chân trên xe đạp, huýt sáo chờ ngoài cổng. Lại đi chơi như không có chuyện gì xảy ra…
Cứ cách một ngày, tôi lại lên cơn sốt một lần, vào đúng cái giờ ấy buổi chiều. Dứt cơn lại có thể đi chơi được ngay, cứ như là giả vờ vậy! Bố tôi bảo tôi bị sốt cách nhật. Không nguy hiểm gì lắm, chỉ là sốt “nhớ”, sốt phản xạ thôi! Tôi lại phải uống Nivaquin như hồi trong đơn vị. Trận sốt này kéo dài thêm thời gian ở nhà của tôi thêm một tháng nữa. Rồi thời điểm lên đường cũng đã đến.

Mẹ tôi bán cái xe đạp nam Thống Nhất, tiêu chuẩn của người do gắp thăm được, lấy 245 đồng cho tôi làm lộ phí. Bố tôi nhờ một đồng nghiệp ở quân y viện 108 lấy cho tôi một giấy cung cấp tài chính, một giấy ra viện. Có hai cái “bổi” đại tướng này, tôi ung dung theo đoàn sỹ quan công binh của Bộ tư lệnh tiền phương mặt trận do chú Vĩnh dẫn đầu (trung tá Vĩnh - giờ làm hiệu trưởng trường dân lập Nguyễn Siêu tại Hà nội) lên đường sang Ph’nom Penh

Lại một hành trình thiên lý nữa trong coupé toa quân sự mà trong đó, các trung tá, thiếu tá luôn hỏi han những chuyện chiến trường K của chú lính binh nhất là tôi. Có gì tôi kể hết. Rằng đơn vị cháu đánh thế này, chạy thế này, chúng cháu núp ụ mối nhưng vẫn hô xung phong thế này…Thỉnh thoảng các chú ấy lại cười ầm lên. Tôi thấy chẳng có gì đáng cười ở đây cả. Chỉ thấy quãng đường đi lâu quá.

Thậm chí nằm ở Sài gòn mấy hôm tôi còn rất sốt ruột chỉ muốn khởi hành sang Campuchia ngay. Không biết trung đoàn tôi bây giờ tác chiến ở đâu? Đã gần năm tháng trời rồi! Tình hình chiến sự không biết thế nào? Chẳng nhớ gì về cái quãng đường này cả. Khi đã quá bình yên và ổn thoả thì người ta lại chẳng nhớ gì hết nữa hay sao ấy? Cuối cùng cũng sang đến Ph’nom Penh. Bộ Tư lệnh Công binh đóng ở khu điện Chămcamon, cùng khu vực với Bộ chỉ huy tiền phương mặt trận.

Đây là nơi bố trí chỗ ở cho các đoàn ngoại giao, các đoàn khách của chính phủ cũ nên tuyệt đẹp và sang trọng về kiến trúc. Các biệt thự hai tầng ngói đỏ xinh xắn với tầng hầm chứa rượu vang ốp đá tự nhiên, nằm xen kẽ giữa những vườn cây trái xanh mát. Những lối đi trải sỏi trắng duyên dáng ẩn mình trong hương xoài, hương vú sữa chín. Trong phòng, máy điều hoà nhiệt độ chạy êm ru. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới biết thế nào là máy lạnh.

Ở Bộ tư lệnh Công binh cũng có hai thằng lính thông tin người Nghệ an, nhưng là thông tin 15W. Mấy ngày ở đấy, tôi ăn cùng mâm, ngủ cùng phòng với chúng nó nhưng chẳng nói chuyện gì nhiều. Có lẽ bởi tôi thấy chúng nó sướng quá! Cứ nhìn thấy chúng nó gửi những bộ quân phục mới tinh cho người quen mang về nước do mặc không hết thì đủ biết. Có đánh nhau bao giờ đâu mà rách áo! Tôi nhớ những bộ áo trận sỹ lâm trứ danh của tiểu đoàn 4 mà không khỏi chạnh lòng.

Cảm giác ghen tỵ là có thật. Mẹ kiếp! Cùng là lính như nhau sao có thằng sướng thế? Có thằng khổ thế? Giải thích bằng sự phân công của xã hội, như con Mèo phòng Khách với con Mèo nhà Bếp trong câu chuyện của Anderxen chăng? Tôi thì tôi cho rằng mặt mũi cũng như những câu chuyện của ông này nghe thì có vẻ hiền hậu, nhưng thực ra cũng thâm nho nhọ đít ra phết! Ph’nom Penh đang đổ mưa chiều. Tôi vén rèm cửa, nhìn ra khu vườn đẫm nước. Chỉ vài hôm nữa thôi, những giọt nước kia sẽ dội lên vai tôi trong những cánh rừng nào?

Sau khi hỏi thông tin ở Bộ tư lệnh mặt trận, chú Vĩnh cho tôi biết sư đoàn 9 vẫn đứng chân tại sân bay Kampong Ch’nang. (Nói thêm một chút cho rõ - chú ấy là một người bạn của gia đình tôi). Thế là tốt rồi! Ngày lên đường đã đến. Tôi đi cùng đoàn BTL công binh đến bến phà P’reck Dam thì chú cháu chia tay nhau.

Các chú ấy qua sông, theo đường 6 đi P’ret Vihia. Nghe nói ở đó có cái đền gì trên núi to lắm mà ta với địch đang choảng nhau dữ dội. Còn tôi theo lộ 5, con đường cũ quen thuộc để trở về đơn vị. Con đường này trước kia hoang vắng là thế nhưng bây giờ đã có rất nhiều xe qua lại. Xe hậu cần của bộ đội mình, xe khách của dân bạn…Những chiếc xe dân sự lèn chặt người.

Trong xe không còn thở được nữa thì người ta trèo lên nóc. Các bạn xem TV, thấy những chuyến xe đò ở Phi châu thế nào thì ở đây cũng tùy tiện, bản năng và đầy màu sắc như thế. Hành khách, hàng hóa, thùng can ngất ngưởng lắc lư, kẽo kẹt suốt hành trình như say rượu. Mà dân bạn sống cũng hồn hậu và thực thà. Ai vẫy xe cũng dừng, trừ khi không chở thêm được nữa thì thôi

. Ai đưa chừng nào tiền cũng được, và hầu như không có chuyện lẩn trốn quỵt tiền vé. Hoàn toàn không giống cách ứng xử của các quái khách cũng như mấy chú phụ xe nhà mình. Trên một chuyến xe như thế, tôi về đến thị xã Kampong Ch’nang vào lúc 2 giờ chiều. Tất nhiên là miễn phí tiền vé! Ai lại đi thu tiền của bộ đội Việt nam bao giờ?
Lần về đến cứ Sư đoàn tại sân bay thị xã, tôi lại gặp may. Đang ngáo ngơ tìm về T9 (trạm tiếp đón) thì nghe tiếng gọi rất quen trong một cái lán. Sục vào, gặp ngay anh Lược chính trị viên đại đội 1.

Anh ấy đang dự lớp tập huấn chính trị, vừa kết thúc thời gian, mai trở về trung đoàn. Anh em gặp nhau mừng quá! Anh ấy kéo tôi đi ăn cơm ở bếp tập huấn rồi về lán mắc võng nói chyện gần như suốt cả đêm. Qua câu chuyện, tôi được biết anh Sơn tiểu đoàn trưởng đã trở về đơn vị. Tiểu đoàn tôi vào phum Kbal Tea Héal, đang xây dựng doanh trại nơi trú quân để đứng chân lâu dài.

Nhiệm vụ của Trung đoàn là đứng chân tại vùng đệm Bâmnak, làm lực lượng cơ động sẵn sàng chi viện cho mặt trận Tây Biển Hồ khi cần. Về phần mình, tôi nói đại là nằm viện sốt lâu quá nên được chuyển về viện Quân y 108. Anh ấy nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi bật cười bảo rằng mày chắc phải được lên tướng rồi mới có tiêu chuẩn vượt cấp ấy.

Chứ còn sốt ác tính kịch liệt lắm thì cũng chỉ đi đến viện quân y 175 là kịch trần. Tôi cười trừ, thôi anh muốn hiểu thế nào thì hiểu! Chứ còn em đã về đây rồi! Em lại đi với đại đội 1 của anh như truyền thống. Cũng như khi trở về nhà, tôi sốt ruột ghê gớm, chỉ mong sao trời mau sáng.Đêm đó là đêm đầu tiên sau 5 tháng, tôi lại bắt đầu ngủ võng. Nhưng nào có ngủ được đâu? Nằm thao thức bồn chồn suốt. Chỉ tối ngày mai thôi, là tôi sẽ gặp trung đội thông tin của mình, tiểu đoàn 4 của mình. Trên cái xứ sở xa lạ này, đơn vị chính là gia đình tôi, ngôi nhà thân thương của tôi.
Sửa bởi Mưa_Trường_Sa : 20-07-2010 lúc 09:06 AM




Sáng hôm sau, trừ những đơn vị trực thuộc đóng quanh Sư đoàn bộ thì cán bộ chính trị tự túc phương tiện. Số còn lại lên tất thùng mấy chiếc xe tải, theo lộ 27 chạy vào ga Rômeas. Các trung đoàn bộ binh e1, e2, e3 đóng dọc đường sắt - như một vành đai an toàn ngăn giữa dãy núi Ô Răng và đồng bằng ven biển Hồ. Mới có một năm trời mà đã biết bao điều thay đổi trên đất nước này. Dân đã về sống quanh những phum dọc theo lộ 27. Đồng ruộng xanh mát một màu xanh của lúa.

Đường sắt đã bắt đầu hoạt động tuyến Ph’nom Penh – Battambang, nối liền thủ đô với thành phố miền biên viễn. Thật không thể tưởng tượng sao đất nước này lại có thể đổi thay với tốc độ nhanh chóng đến như thế! Cứ như rừng nhiệt đới gặp lại mùa mưa vậy! Đây trận địa pháo của trung đoàn 42 cũ. Các hầm pháo đã xập xệ, các chiến hào sụt đất cỏ phủ xanh um.

Nhà ga Rômeas vẫn thế. Trên các bức tường, trên các thân cây keo cổ thụ vẫn lỗ chỗ vết đạn, tứa nhựa vàng quánh. Vài mảng tường thủng toang hoác do bị B.41 hoặc DKZ của Trung đoàn 1 tương vào trong trận tiến công đánh chiếm năm ngoái. Chóp ngọn núi thấp phía tây vẫn trọc tếch trên đỉnh vì bị pháo ta dội vào. Ở đấy, rừng vẫn chưa kịp tái sinh. Chỉ có mỗi điều khác là nhiều người quá.

Dân nắm ngồi vạ vật chờ tàu đi buôn. Trong số đó rất nhiều phụ nữ nữa. Phải là những kẻ bạt mạng lắm mới có thể dám đi buôn trên tuyến đường sắt này vì địch vẫn đánh cắt, phục kích liên tục. Nhưng hàng tiêu dùng Thailand đang hút. Mấy năm trời cúi mặt xuống đất ruộng làm thuỷ lợi công xã, làm cỏ lúa…Lúc nào cũng chuẩn bị đón nhận một nhát cuốc gọi hồn đập vào gáy. Bây giờ tự do thoải mái quá! Hàng hoá của một thời thanh bình tràn ngập nên ai cũng háo hức muốn mua một chút gì đấy. Như là muốn sở hữu, muốn khẳng định cuộc sống mới của mình qua món hàng bé nhỏ cầm trên tay. Sướng nhé! Cứ vô tư đi!


Giữa trưa thì tàu đến. Có khoảng gần chục toa đen (không có các toa hành khách) chật cứng người. Chúng tôi nhảy đại lên một toa, kiếm cho mình một chỗ, ngồi phệt xuống sàn tàu. Mấy em, mấy chị đi buôn giạt ra, nhường thêm một khoảng nhỏ cho lính. Trong đám đó có một cô khá xinh. Gặp ánh mắt của tôi, em gái ấy vội lảng nhìn sang chỗ khác rồi kín đáo thu cái túi xách nhỏ vào trong lòng. Tôi thấy hơi chạnh lòng vì cái hành động cảnh giác ấy. Nhưng theo anh Lược, hành động đấy có lý do của nó.

Tầu đã chạy từ tháng ba. Trong khoảng thời gian vừa rồi, trên những chuyến tàu ngược Battambang này có những kẻ mặc quân phục bộ đội Việt nam với đầy đủ súng ống. Đến một địa điểm thuận lợi nào đó, sau khi đã quan sát, đánh giá con mồi, chúng liền ra tay cướp sạch tiền, vàng của dân buôn trong những chuyến tàu ngược. Hành động mau lẹ xong xuôi, bọn cướp ấy nhanh chóng biến mất trong những khu rừng ven đường sắt sau những cú phi thân nhảy tàu điệu nghệ. Tôi nghiêng về giả thiết đấy là những thằng lính đào ngũ của quân ta hơn là địch đóng giả.

Vì thủ đoạn như thế, những cú nhảy tàu “lá vàng rơi” như thế thì chỉ có dân Việt ta thôi. Dân buôn Ph’nom Penh nhiều nhà đã mất sạch vàng, sạt nghiệp trong những chuyến buôn đánh đu với tử thần như thế này. Nhưng vì lãi lớn quá, kiếm dễ quá nên người ta cứ lao vào như thiêu thân, bất chấp mạng sống. Thôi có gan thì làm giàu!

Khoảng 3h, chúng tôi xuống ga Bâmnak. Mấy anh em cán bộ tiểu đoàn 4 gom nhau lại cùng về đơn vị. Từ ga vào đến căn cứ tiểu đoàn 4 phum K’bal Tea heal mất 7 km. Tôi cứ xăm xăm rảo bước đi trước. Đây kẹp núi Pean Sas, chỗ ngủ chung với địch năm ngoái. Bây giờ là doanh trại của đại đội 3. Những ngôi nhà do lính ta dựng nằm thấp thoáng trong rừng dầu.

Mái lợp gianh còn mới, vàng hươm. Đại đội này được bố trí phía sau, nằm chẹn giữa con đường từ trung đoàn bộ xuống tiểu đoàn 4. Qua khỏi đại đội 3 một đoạn, các anh ấy dẫn tôi tạt sang trái, qua phum hoang “nhà dài” theo đường mòn vào suối Damrey. Đội hình tiểu đoàn đóng dọc theo bờ suối. Khẩu DK .82 đại đội 4 nằm ở ngay khúc quanh đầu tiên. Chúng tôi vào sát tận công sự pháo cũng chẳng thấy ai hỏi han phát hiện gì. Điều này chứng tỏ tình hình cũng đã yên bình trở lại. Thôi thế là mừng rồi! Mấy anh em tạt vào lán DK ngồi uống nước nghỉ chân.

Đây là vị trí “tiền tiêu” trên con đường giao thông giữa tiểu đoàn- trung đoàn. Như một cái trạm tiếp đón, ai đi qua cũng tạt vào làm hớp nước, điếu thuốc rê. Không thấy thằng Mẫn tiểu đội trưởng đâu vì lúc đó nó đi thăm bẫy thú. Thằng Hùng lé- nhà ở Ái mộ, Gia lâm đang nằm võng thấy tôi vùng dậy. Thằng này có ngón đàn bầu tuyệt hay, về sau được móc lên đội văn nghệ Sư đoàn. Tiêu chuẩn đặc biệt được dọn ra ngay. Nước lá và dây đồng tiền lông chúng nó cô đặc lại, trữ trong bi đông bây giờ mới được mang ra. Thóc đâu mà đãi gà rừng?

Ai đi qua “trạm” này cũng có tiêu chuẩn thế này thì “sạt nghiệp” kiếm củi kiếm lá đun nước hầu hạ à? Tôi móc ba lô, để lại vài ba ấm chè, mấy điếu thuốc Tam Đảo gọi là chút quà quê miền Bắc rồi đi ngay. Anh Lược, anh Bình cò với mấy ông chính trị viên nữa thì ở lại chờ xem thằng Mẫn có vớ được con gì hay hay không để gây độ nhậu. Đường trong đội hình quanh co nhưng được làm lan can dẫn hướng bằng những thân cây le nên rất dễ tìm. Doanh trại đang trong thời kỳ củng cố nên khá khang trang. Các lối đi cỏ đã được dọn sạch.

Tiếp một cái lán nữa. Đây là khẩu 12.8mm đại đội 4, nòng quay ra hướng bìa rừng. Từ khi mất súng trong trận đại đội 1 tan tác, trung đoàn cũng không bổ sung cho tiểu đoàn 4 thêm khẩu 12.8mm nào thêm nữa. Với lại cũng không còn đủ người. Chúng nó lôi tôi vào uống nước, hỏi han cả nghìn tỷ câu chuyện. Lại mấy thằng bên cối 82mm thấy thế cũng lội suối mò sang. Trời ạ! Mấy cái lán của tiểu đoàn bộ kia rồi! Sốt ruột bỏ mẹ! Hỏi gì mà hỏi lắm thế? Tôi để lại thêm mấy ấm trà, nửa bao thuốc còn dở rôi đánh bài chuồn, nửa đi nửa chạy về trung đội.

Tiểu đoàn bộ đóng quân ven suối, dưới một cây xoài mút cổ thụ. Những ngôi nhà nhỏ nằm rải rác ôm lấy một sân bóng chuyền tự tạo. Lưới vẫn còn căng trên cột. Trung đội thông tin nằm mé trái, sát rặng le bên con suối nước tù nhưng rất sâu. Tả qua về những cái nhà, nơi chúng tôi sống suốt 2 năm trời một chút để các bạn hình dung. Nhà thường ba gian, chiều ngang hơn 3m, dài 7m là tối đa.

Cột nhà thì ra rừng dầu chặt những cây thẳng, đường kính chừng 15 cm là ngon. Vì kèo cùng loại gỗ đó nhưng nhỏ hơn, Cũng thượng thu hạ thách, cũng chống đứng, chống xiên, mộng mẹo cẩn thận. Rui, mè bằng tre tầm vông loại như cổ tay là vừa. Còn lá lợp thì ra ruộng xen rừng, bắt chước dân bạn làm thang leo bằng thân tre, leo lên những cây thốt nốt chặt lá. Mang về đan thành từng tấm, chèn đá ngâm suối chống mọt hẳn hoi rồi mới lợp. Vách cũng bằng lá thốt nốt hoặc đánh gianh thưng, kiểu như vách những ngôi nhà nhỏ miền quê đồng bằng sông Tiền sông Hậu.

Sang hơn nữa thì được ốp ván dầu, vản thông do lính ta kỳ công vào những phum không người ở dỡ ra mang về. Hình thức những căn nhà này nói chung phụ thuộc trình độ khéo tay, trình độ “thẩm mỹ” của các “kiến trúc sư”. Các căn nhà trong đội hình được nối với nhau bằng những lối đi rẫy cỏ sạch sẽ. Hai bên lối đi, hai hàng lan can làm bằng những cây le chạy song song trông rất đẹp mắt. Cũng cầu tắm suối với các bậc lên xuống được lát thân gỗ. Cũng vườn rau cải, rau muống xanh um.

Phía lán anh nuôi sát bờ suối, khói bếp vấn vít quanh bụi tre trong buổi chiều tà. Nước mình đã ba mươi năm chiến tranh. Những người lính quen chiến trận đã đành. Họ còn rất tháo vát trong việc tổ chức cuộc sống. Thằng anh dạy thằng em, thằng lính cũ dạy thằng lính mới…Cứ thế, cả cái “quần thể kiến trúc” này mọc lên mà tình quê hương quấn quít hiển hiện trên từng múi lạt buộc. Trông chẳng khác như một cái xóm nước Việt ấm áp nằm giữa đại ngàn.

Anh Nhương với thằng Ban trố đang ngồi cởi trần chẻ lạt le, thấy tôi liền quăng con dao đứng dậy lôi sềnh sệch vào trong “nhà”. Câu đầu tiên cha ấy hỏi tôi không phải hỏi thăm sức khoẻ hay giấy tờ mà là :”Có trà bắc, thuốc lá bắc không? Đưa đây!”. Tất nhiên là có, dù ít. Thế là anh ấy móc cái gói ấy ra, đưa cho thằng Ban trố cất đi. Buổi tối, trung đội thông tin vui như tết. Bọn nó kéo đến đầy nhà uống hớp trà, làm hơi thuốc thơm hỏi chuyện Việt nam tào lao. Anh Bình cháo quân lực cũng sang chơi.

Tiện thể tôi nộp luôn giấy ra viện, giấy cung cấp tài chính. Anh ấy chỉ xem qua rồi cất đi, chẳng thèm hỏi han thêm một câu nào. Tôi được biết anh Sơn tiểu đoàn trưởng sau thời gian đi viện đã trở về đơn vị. Anh Được - người Hà Bắc về thay anh Thành làm chính trị viên tiểu đoàn.

Dưới đại đội 1, đại đội mà tôi hay đi máy, cán bộ vẫn là anh Chính tréc, anh Bình cò…Từ khi có tàu chạy ngoài Bâmnak, do đi lại thuận tiện hơn nên đơn vị đã có một số thằng đào ngũ. Lạ lùng thật! Mới nửa năm trước đánh nhau ác liệt như thế mà chẳng có thằng nào bùng.Bây giờ tình hình tạm êm êm rồi lại thi nhau chuồn. Có đứa ra đi lại còn chôm sạch đồ của anh em nữa. Chả hiểu ra làm sao cả? Nhưng những thắc mắc ấy cũng nhanh chóng chìm đi trong cơn buồn ngủ đang đến sau một chặng đường mệt nhọc. Đêm ấy, tôi đã ngủ một giấc thật ngon!

Nguồn: Vnmilitaryhistory